Tiểu Lâu Truyền Thuyết

Chương 154 : Sửa án

Trời hỡi trời, ông không phân trung gian, uổng làm trời, đất hỡi đất, ông chẳng rõ thị phi, sao làm đất… Tiếng chiêng trống leng keng có lực, trên sân khấu, tiểu sinh tuấn tú một thân Nguyên soái phục hoa lệ kia, đang ôm một nam tử bạch y tóc xõa, mặt hướng xuống dưới đài, từng câu độc thoại, nói thật mạnh mẽ sục sôi, cảm động lòng người, đến chỗ cao nhất, chợt đổi điệu: “Hận không chết trên sa trường năm đó, Kính Tiết ơi, một đời anh hùng, sao không chết trên chiến trường, lại chết tại hình trường…” Giọng điệu hơi giảm, lại chuyển đến chỗ cao nhất: “Trời xanh ơi, hận không chết trên sa trường năm đó…” Một câu chưa hết, dưới sân khấu tiếng vỗ tay vang trời, tiếng khen hay sớm vang dội. Vở “Sinh tử biệt” này đã xướng qua đoạn cao trào nhất, độc thoại hay nhất, xướng đoạn hay nhất, thân pháp hay nhất, vừa rồi một phen huyết lệ xử trảm kia, một phen đau khổ giãy giụa kia, một phen sinh tử biệt ly kia, đều đã diễn qua, đọc qua, xướng qua, còn lại, không ngoài là chút dư âm dặn dò những việc về sau, chẳng cần nín thở thưởng thức nữa, người xem một mực ra sức vỗ tay, liều mạng khen ngợi, cổ vũ vai diễn mình thấy hay là được. Vở “Sinh tử biệt” này tuy là mới diễn không lâu, nhưng bởi vì lời hay khúc hay cốt truyện lại cảm động mà không theo lối cũ, nháy mắt đã truyền khắp đại giang nam bắc, thiên hạ Đại Triệu.. Nói đến thì vở diễn này, vẫn là kể chuyện thật của triều này. Chuyện rằng triều này đời này, sinh ra một đôi anh hùng cái thế. Phong Kính Tiết tướng quân và Lư Đông Ly Nguyên soái, nên là hai kỳ nam tử văn võ song toàn, trung nghĩa vô song. Họ trấn thủ biên cảnh, tận lực kháng đại quân Trần quốc, bảo vệ bách tính cả nước yên vui tự tại. Há lại biết, trước nay trung lương thường bị đố kỵ, lại có đám gian thần tiểu nhân nọ, không nhìn được anh hùng đắc chí, bèn dùng âm mưu thủ đoạn nơi nơi hãm hại. Cũng nên là anh hùng trong số mệnh có một trường kiếp nạn, dù là thánh chủ anh minh, rốt cuộc trong lúc vô ý cũng bị tiểu nhân mê hoặc, giáng chỉ lấy tội tham ô trực tiếp xử tử Phong Kính Tiết trong quân. Tướng quân trung nghĩa ngút trời, tuy có một bụng oan khuất, làm sao chịu kháng chỉ không tuân. Giữa biên quan đó, trên giáo trường, anh hùng máu tươi ba thước, mà ba quân hô oan khóc lóc. Hảo hữu tri kỷ Lư nguyên soái ôm xác kêu gào, lệ tận mà máu chảy, từ đó đổ bệnh, trằn trọc trên giường, rốt cuộc chẳng còn sức đâu xử lý công việc. Chẳng ngờ kẻ gian vẫn không chịu thôi hãm hại, lại giở thủ đoạn. Nửa tháng sau, thánh chỉ lại đến Định Viễn quan, vì tra vụ án chủ soái Lư Đông Ly và Phong Kính Tiết dính dáng tham ô, hạ lệnh giải về kinh chịu thẩm. Lư nguyên soái anh hùng ra sao, há lại chịu nỗi nhục đao bút, tuy nắm ba vạn đại quân, rốt cuộc không chịu liều giương cờ khởi nghĩa, hủy đi cái danh trung nghĩa của mình, ngày tiếp chỉ, cười sang sảng ba tiếng, phục kiếm tự tận mà chết. Hai vị anh hùng, một đôi tướng ***, lần lượt chết về tay kẻ gian, khiến người ta thán. May mà, hai chữ công đạo tự tại lòng người. Sau khi Phong tướng quân kia mất, Mông Thiên Thành Mông tướng quân đại nghĩa lẫm liệt, liều chết giữ gìn, cuối cùng mới tránh cho đầu tướng quân bị nỗi nhục truyền đến các biên quan thị chúng, để tướng quân có thể toàn thi hạ táng. Mà sau khi Lư nguyên soái mất, trong kinh sớm có nghĩa sĩ âm thầm cứu thê nhi Nguyên soái đi. Quan viên xét nhà tới Lư phủ, thấy chủ soái một quân, bất quá phố nghèo ngõ nhỏ, đã thấy ngạc nhiên. Lại đi vào tra soát, đại quan nhị phẩm mà trong nhà không có tiền của, chẳng qua đôi chữ đơn giản sạch sẽ mà thôi. Chỉ có một gian phòng thêm một lớp khóa, không biết trong đó là vật gì. Người kê biên tài sản phá khóa vào, lại thấy phòng chỉnh tề trưng bày các vật Hoàng đế nhiều lần ban tặng, dù là một cây bút một nghiên mực, một tấm gấm lụa, cũng chưa bao giờ dùng đến, chỉ lấy vải lĩnh vàng trùm lên, nghiêm túc sắp xếp cung phụng. Quay đầu hỏi láng giềng hai bên, mới biết trong nơi gọi là phủ nguyên soái này, trước kia lại chỉ có một cụ già và một nô tỳ chuyên sai việc thô, mọi việc hằng ngày đều là phu nhân tự làm. Quan viên kê biên tài sản nghĩ đến tội tham ô mà Nguyên soái phải chịu, bất giác cảm khái rơi lệ. Những vật tịch biên từ phủ nguyên soái lại bất quá hơn trăm lượng, sổ sách đệ lên trước ngự, trên cũng có chút thương xót hối hận hổ thẹn. Nhưng cả triều văn võ đều sợ gian đồ hung ác, không một ai dám bước ra kêu oan. Chỉ là hạng người y kim sức tử đều lui bước, tiếng bất bình trong dân gian lại dần nổi lên. Chuyện rằng sau khi tướng quân Nguyên soái song song mất mạng, không ít thân binh của hai người đều nản lòng thoái chí, đều yêu cầu thôi chức mà đi. Cũng may Mông Thiên Thành tướng quân lấy thân phận phó soái tạm thời nắm toàn quân, thương tình mọi người, với người không thể khuyên giải, chẳng những đồng ý giải trừ quân chức, trừ quân tịch cho họ, thậm chí mỗi người đều thêm hậu ân trọng thưởng, cho họ vinh sủng trở về. Theo những người này tứ tán các nơi trong Đại Triệu, câu chuyện liên quan đến hai vị tướng anh hùng chết oan, không chân mà chạy toàn quốc. Hành vi anh hùng của tướng quân, sự nồng hậu trong đãi sĩ của Nguyên soái, tướng quân bị chết thảm, Nguyên soái hàm oan đau đớn, các loại tình tiết đều sinh động như thật, chấn tâm hồn người. Theo những câu chuyện này truyền lưu, sự tương tri tương đầu của tướng quân và Nguyên soái, rất nhiều tráng cử hai người từng làm vì nước, càng được nhất nhất lấy đến, gia công đủ màu đủ sắc mà giảng thuật, dần dần hai người liền thành truyền kỳ hoàn mỹ trong mắt trong miệng người đời. Bách tính đều rất tự nhiên mà nhận định, hai người đó là hoàn mỹ vô khuyết, hai người đó là điển phạm đạo đức của tất cả anh hùng trên đời này, quốc gia có thể bình an, mọi người có thể sống cuộc sống an sinh, toàn nhờ hai người nọ nhiều năm chống giặc ngoài. Sau khi tướng quân và Nguyên soái chết, nguyên nhân quốc mất trường thành lại vẫn có thể giữ yên không việc gì, là bởi vì Trần quốc đúng lúc phát sinh nội loạn, Trần vương đột ngột chết, nhị vương tử trong hỗn loạn đăng cơ. Lúc này đương triều Thụy vương đứng ra, đề nghị sai sứ nghị hòa. Tân quân Trần quốc cũng cảm khái ưng thuận, hứa làm bang huynh đệ, vĩnh viễn không quấy nhiễu, cũng lập tức phái ra sứ đoàn khổng lồ, dâng lễ vật trân quý và mỹ nữ bảo mã, tặng Đại Triệu để tỏ thành ý. Lần này nghị hòa thành công, tránh được bao nhiêu nỗi khổ sinh linh đồ thán, trong triều quân thần không ai không vui mừng, thiên hạ bách tính cũng đều thoải mái, Thụy vương công tại xã tắc, trong triều trong dân lòng người đều quy. Thế nhưng Thái tử đố kỵ người tài, mời Thụy vương qua phủ dự yến, lấy rượu độc mà hại. Thụy vương trúng độc, về phủ hộc ba lít máu, hấp hối trên giường, may được Thái y diệu thủ, khó khăn cứu lại tính mạng. Thụy vương vẫn nghĩ đến nghĩa quân thần huynh đệ, ẩn nhẫn không nói. Tiếc rằng người không có ý thương hổ, hổ có tâm hại người, Thái tử một kế không thành, lại sinh một kế, nửa đêm phái thích khách vào phủ ám sát. Thích khách nọ nửa đêm lẻn vào vương phủ, thấy Thụy vương bị thương vẫn đốt đèn lo nghĩ quốc sự, dựa bàn viết tấu chương. Thích khách thiên lương nảy sinh, chạy đến Đại lý tự đánh trống đầu thú, việc này mới phơi bày khắp thiên hạ. Đến lúc này, cái danh nhân đức của Thái tử phế sạch, các nơi tấu sớ buộc tội không dứt, không ngờ bỗng dưng vén lên vô số việc phạm pháp của Thái tử. Lấy Cửu vương làm đầu, vô số quan viên không ngừng góp lời, thỉnh phế Thái tử. Thụy vương quỳ mãi trước cung, khóc cầu không thể, nguyện lấy cái chết để giải mối nghi của Thái tử, để toàn nghĩa phụ tử huynh đệ. Trên không cho phép, chưa đến ba ngày, chiếu phế Thái tử. Quan viên đông cung đều theo luật trị tội, nữ quyến đông cung và vợ con quan viên, đày đi xa làm nô. Liên lụy hơn năm vạn người. Nhưng dù sao phụ tử thiên tính, tuy vì quốc sự mà phế Thái tử, thánh chủ chung quy thân tâm đều tổn thương, từ đó đổ bệnh, chưa đầy ba tháng, liền băng trong cung. Anh chủ trẻ tuổi đăng cơ, tân nhân lên, trừ loạn chính, xá thiên hạ, miễn thuế má. Cả nước bách tính ai không cao tụng thánh minh. Sau khi tân quân đăng cơ được nửa năm, Cửu vương gia quyền khuynh thiên hạ bệnh cũ nhiều năm phát tác, bệnh thế hung hung, tật nặng không đỡ. Mà phu nhân Lư nguyên soái mất tích đã lâu, dắt con thơ, cầm cáo trạng bằng máu, dập đầu trước cửa cung, nguyện lấy tính mạng cô nhi quả phụ liều chết một lần, để cầu phản án cho chồng, lấy lại thanh danh. Tân quân rất đỗi cảm thán, mệnh cho hữu ty tra lại án cũ. Án này lật lại lập tức oanh truyền thiên hạ. Chư tướng Định Viễn quan ngày đó, hiện giờ đã có rất nhiều người được phân điều đến các nơi, phần nhiều nắm quân quyền, khống chế cơ yếu, lúc này đều liên danh dâng thư kêu oan. Mà binh tốt Định Viễn quan ngày xưa, cũng ký vào thư vạn người, để chứng minh sự trong sạch của tướng quân Nguyên soái. Dân gian bách tính sớm có tiếng bất bình, lúc này cũng có rất nhiều lời hòa theo. Nhâm lâm nho môn, bao nhiêu văn chương, bao nhiêu câu thơ, khắp thiên hạ đều là lời bất bình, thanh lưu nghị chính nói chuyện, càng vì tướng quân Nguyên soái mà uất ức. Mà tân quân tác phong mạnh mẽ vang dội, anh minh khó dối. Gian đảng tặc đồ, không còn một chút cơ hội thi triển quỷ kế. Chân tướng việc này rõ ràng minh bạch, tuyệt không nghi ngờ. Phong Kính Tiết kia năm đó từng phú khả địch quốc, còn có thể tùy ý tan hết gia tài, há có cái lý tham ô. Lư Đông Ly kia, cả nhà bất quá hơn trăm lượng bạc, nói tham ô, há có thể phục người. Sau đó điều đến tất cả hồ sơ, sổ sách, danh sách Định Viễn quan, nhất nhất kiểm tra, tham ô quân lương càng không biết nói từ đâu. Oan án đã chính xác vô nghi, vậy thì phải tra rõ kẻ hãm hại kia. Phàm là Ngự sử ngôn quan năm đó buộc tội hai người đều bị thẩm vấn khống tội. Cuối cùng tra ra kẻ đầu têu sau màn lại là Cửu vương đương triều. Đúng lúc phủ Trấn Giang Tri phủ Tô Lăng dưới thế lực của Cửu vương hăng hái ra mặt, đem hết thảy tội ác về đám người Cửu vương tham ô trái luật, khi quân áp dân bao năm qua khổ tâm thu thập, nhất nhất nộp lên hữu ty. Thì ra người này vốn là anh vợ Lư nguyên soái, vì báo mối thù của chí thân mà nhẫn nhục gánh vác, tự đưa mình vào hang hổ lang, giả như cùng một giuộc, âm thầm nhìn hết những việc phạm pháp, lặng lẽ thu thập chứng cứ, đến thời cơ này mới công khai khắp thiên hạ, để quan viên cả triều, bách tính cả nước, thấy rõ tội ác của Cửu vương một đảng. Bằng chứng như núi, Cửu vương một đảng hãm hại trung lương, ức hiếp bách tính, làm bẩn quốc pháp, thậm chí thầm mưu đồ phản nghịch, không quá mười ngày, hữu ty đã đưa ra hơn hai mươi đại tội, mỗi điều có thể tru cửu tộc. Trong dân hô giết Cửu vương không ngừng, trong quân hô diệt Cửu vương không dứt, trong triều cũng chẳng còn ai dám nói nửa câu tốt đẹp cho Cửu vương. Đúng lúc Cửu vương lại bệnh nặng nằm bẹp, chẳng sức đâu ứng đối, dưới thủ đoạn lôi đình quyết đoán kịp thời của tân quân, thế lực rắc rối khó gỡ mấy chục năm, rốt cuộc băng tiêu tuyết tan. Cửu vương trên giường bệnh hộc máu mà chết. Các vương tử quận chúa, vì là huyết mạch hoàng gia, đặc biệt gia ân điển, vĩnh viễn cầm tù trong cung cấm. Còn lại thuộc quan vây cánh, đa phần tịch biên tài sản, vợ con cùng tội. Cửu vương quyền khuynh thiên hạ mấy chục năm, hiện giờ một sớm đại thụ ngã xuống, liên lụy rất đông, trước sau lại có hơn hai mươi vạn người hoạch tội. Chỉ có Tô Lăng, lập công lớn như thế, lại có nghĩa hành vì anh hùng báo thù mà nhịn nhục, chẳng những dân gian khen ngợi rầm rầm, tân quân cũng tán thưởng mạnh, quan thăng mấy cấp, bước thẳng vào trung khu, tham nghị triều chính. Tân quân lại chính thức sửa án cho Lư nguyên soái và Phong tướng quân chết oan, đích thân tố y bạch bào, thắp hương kính bái, dời quan hậu táng, truy phong mạnh. Tiếc là Phong tướng quân không có thân quyến để nhận thánh ân, chỉ có Lư Tô hai nhà được hưởng quân ân, tân quân phong cho một thế hệ hậu bối trẻ tuổi hai nhà hơn hai mươi người các chức quan lớn nhỏ, trưởng giả hai nhà cũng thêm hậu ân hư chức. Mà quân ân mênh mông, lại thương Lư phu nhân cơ khổ, thưởng phong đương triều nhất phẩm cáo mệnh, Lư công tử tuổi nhỏ cũng đã có công danh tướng quân lục phẩm trong người, theo công tử lớn lên, tĩnh quan tiến thuấn, ân ngộ nhiều hơn, thiết nghĩ đều sẽ không thiếu. Thánh thượng vẫn sợ chưa đủ cẩn thận chu đáo, lại ban cho một tòa phủ nguyên soái hùng vĩ, làm chỗ cho Lư phu nhân an hưởng vinh phong. Thiên hạ bách tính người nào không tán tụng thánh minh, Tô Lư hai nhà, lại có ai có thể không cảm phục. Đến đây vụ oan án này mới lắng xuống, quả nhiên là thiện ác đến cuối cùng sẽ có báo, anh hùng nghĩa sĩ cuối cùng được giải tội, tiểu nhân gian ác tất bị trời phạt. Mà dân gian thậm chí đã có người bắt đầu dựng bia lập miếu cho Lư nguyên soái, Phong tướng quân. Mà bình thư, đàn từ và kịch nam biên soạn vì chuyện này, càng nhiều không đếm hết. Mọi người xem mấy vở cũ đã chán, có vở kịch mới mẻ phấn khích như vậy, đi đến đâu cũng tiếng khen ngợi không dứt, tiếng hoan hô không ngừng. Mà trong quá trình xem kịch, mọi người đã than đã mắng đã hận đã làm ồn, đến cuối cùng, cũng sẽ vừa lòng thỏa ý, vì kết cục thiên lý tuần hoàn, báo ứng khó thoát này mà cảm thấy thỏa mãn. Hoàng đế của họ vĩnh viễn là thánh minh nhân từ, cho dù bị kẻ gian lừa bịp cũng là nhất thời. Trung thần nghĩa sĩ mặc dù bị ủy khuất gặp nạn, chung quy sẽ được rửa sạch. Kẻ xấu chắc chắn phải lộ nguyên hình. Vợ con trung thần cho dù thành cô nhi quả phụ, nhưng vinh hoa phú quý cả đời là không thể thiếu, ngay cả gia nhân thân thích của trung thần, cũng sẽ được hoàng ân lâu dài. Ôi, thế giới này thật là tốt đẹp, Hoàng đế của chúng ta thật là thánh minh nhân từ, chúng ta thật là những lão bách tính hạnh phúc. Vì thế, mọi người cười vui, nói chuyện trên trời dưới đất, cắn hạt dưa, uống rượu, xem trên sân khấu, trung thần nghĩa sĩ kia, sinh tử quyết biệt, máu tóe trời đất.