Quan Cư Nhất Phẩm
Chương 358 : Hưu mộc
Từ Chính Dương Môn đi về phía bắc, không bao lâu sẽ tới nơi sĩ dân công thương thiên hạ quy tụ, ngựa xe như nước, áo quần như nêm, cực kỳ phồn hoa. Chỉ đi về phía bắc qua một con phố nữa, sẽ có một cái ngõ sâu. Trong đó có vài hộ dân, đi đến hộ cuối cùng, sẽ hoàn toàn cách biệt khỏi sự huyên náo bên ngoài, dường như đến vùng trời khác, đó là lấy tĩnh lặng trong huyên náo, rất có phong phạm bậc đại ẩn.
Nhà đó ngưỡng cửa quy cách không cao, chỉ là cánh cổng lưng chừng tường, cánh cửa mở ngoài mái hiên nhà, cạnh cửa có hoa văn như ý, từ đó mà nó có tên là "Như ý môn", hết sức phổ thông. Cửa cũng sơn đen rất phổ thông, bên trên dán đôi câu đối đỏ, viết :" chi lan quân tử tính, tùng bách cổ nhân tâm", khéo léo đề cao dòng dõi thi thư cao quý.
*** chi lan tính quân tử.
Tùng bách lòng cổ nhân.
Cỏ chi và cỏ lan : thời xưa chỉ sự cao thượng, tài đức, tình bạn tốt. Tùng bách nói về lòng kiên trinh khí cốt.
Đi qua đại môn, thấy ngay bức tường chắn nhỏ, vòng qua nó đi vào ngoại viện, thấy trước mắt thông thoáng. Khác với tiểu viện nhỏ hẹp ở phương nam, viện tử phương bắc thoáng đãng, làm lòng người mở rộng, thong dong nhẹ nhàng.
Đi qua phòng khách, phòng hạ nhân ở ngoại viện sẽ thấy thùy hoa môn nhỏ nhắn, xây trên bậc thềm đá xanh ba tầng, mái hiên bên ngoài uốn cong như áng mây hồng, hai cột trụ trạm từng đóa hoa sen, trang trí cột trụ như nụ hoa sắp nở, trên xà ngang điêu khắc hoa văn " Ngọc đường phú quý", là hoa văn vui vẻ cát tường.
Cánh cửa ngoài dùng mấy tấm gỗ lim ghép lại thành, hết sức dầy dặn chắc chắn. Bình môn bên trong càng dùng thiết mộc thượng hảo hạng, nước sơn sáng bóng có thể soi gương. Hoàn toàn khác biệt vẻ mộc mạc đơn giản của đại môn. Quả nhiên là "bánh bao có thịt không thấy được ở ên ngoài."
Đi qua thùy hoa môn là gian nhà chính cao lớn khí phái, đông tây sương phòng rường cột trạm trỏ, đường bên trong đình viện hoàn toàn lát đá xanh, chính giữa đặt một cái chum hoa sen cực lớn, trong chum hoa sen nở rộ, thi thoảng lại có cá chép vàng bên trong tung mình khỏi mặt nước đánh "bõm" một cái.
Trong vườn trồng đủ các loại hoa cây cỏ, trước chính phòng có vài cây táo, quả xanh trĩu chịt; phía đông là giàn nho, phía tây mới là đinh hương, hải đường, sơn đào, phượng tiên đúng là hoa cỏ tươi tốt, u nhã dễ chịu.
Cửa sổ trên vườn hoa đó chia làm hai mảnh trên dưới, mảnh dưới cố định, mảnh trên chống lên. Giấy Cao Ly dán mùa đông trên đó đã xé đi, thay vào đó bằng vải thưa thượng hạng, vừa thoáng gió lại vừa sáng sủa, còn ngăn được ruồi muỗi, rất nhiều cái lợi.
Ánh nắng mùa hè xuyên qua tán cây và cửa sổ, trở nên ấm áp dễ chịu, chiếu vào một chiếc giường màn gấm Tô Châu. Một cô gái mặc váy lụa màu vàng, bên trên khoác áo mỏng, nhìn không hề thấy xa hoa, chỉ thấy trang nhã, nàng đang ngồi bên giường làm nữ công. Tóc nàng vấn đơn giản sau đầu, môi không son mà đỏ, mày chẳng vẽ mà cong, trông tha thướt yểu điệu, chỉ có vùng sông nước Giang Nam đẹp nhất mới có thể sinh ra được mỹ nhân như nước thế này.
Cô gái đó chính là Nhược Hạm, sau ba tháng điều dưỡng, nàng đã khỏe hẳn rồi, không những thế nhờ được dùng " Tuyết liên dưỡng vinh hoàn", dung nhan càng rạng rỡ hơn xưa ba phần, lúc này mọi mỹ từ ca ngợi vẻ đẹp của nàng đều trở nên tầm thường.
Nàng đang thong thả làm nữ công , thi thoảng khóe môi còn mỉm cười nhìn tấm chăn hồng phồng lên trên giường, chẳng biết giấu gì ở phía dưới.
Không biết qua bao lâu dưới chăn thò ra một cánh tay, sau đó lại là một cánh tay nữa, rồi tới hai cái chân, thì ra là một con người, nói chính xác là một nam nhân. Tên gia hỏa đó ngáp dài vươn mình, nhưng hai mắt vẫn nhắm nghiền, miệng chóp chép.
Nhược Hạm thấy động tĩnh đặt đồ trong tay xuống quay sang, nhìn thấy dáng vẻ tức của y không nhịn được phì một tiếng:
- Tướng công dậy rồi.
Bên kia Thẩm Mặc ngửa mặt lên trời hít hít, mơ màng nói:
- Thơm quá.
Nói rồi đưa mặt về phía Nhược Hạm, nàng vội nghiêng đầu tránh, thành ra bị y hôn lên cổ, thoáng chốc thấy bầu ngực nàng phập phồng gấp gáp, thì ra y dụi đầu vào ngực nàng, miệng hình như còn như đang “gặm” cái gì đó.
Tới lúc này Nhược Hạm không chịu nữa, đẩy đầu y ra đứng dậy, gắt:
- Xấu lắm, mắt còn chưa mở đã làm bậy rồi.
Nàng vừa đứng dậy, Thẩm Mặc liền bị ánh mặt trời chiếu vào, y vội đưa tay che mắt, làu bàu:
- Lúc nào mà mặt trời đã chiếu tới mặt rồi?
Nhược Hạm cười khúc khích:
- Trưa rồi, chẳng chiếu tới mặt thì sao?
Nàng đặt đồ trong tay xuống, đi tới bên bàn bát tiên, dùng chén trà hoa văn hình nho thời Thành Hóa, rót một chén, đưa vào tay y, dịu dàng hỏi:
- Lần này ngủ ngon chứ?
Thẩm Mặc gật đầu, hớp một ngụm trà, xúc miệng nhổ vào một cái hũ Nhược Hạm đưa tới. Nhưng y vẫn ngồi ngơ ngơ bên giường, cảm giác như quên mất điều gì đó, phải mất một lúc sau mới đột nhiên la lên:
- Chết rồi, hôm nay chẳng phải còn đưa nàng tới xưởng ngọc lưu ly sao? Sao không gọi ta dậy sớm.
Vốn y đã hẹn với Nhược Hạm rồi, hôm nay sẽ tháp tùng tới xưởng ngọc lưu ly xem một vòng, nhưng y đặt lưng xuống một cái là ngủ tít mù , mặt trời lên tận ba cây sào mới mò dậy, không khỏi oán trách:
- Sao không gọi ta dậy sớm?
Nhược Hạm vừa giúp y mặc áo, vừa mỉm cười nói:
- Khó khăn lắm mới được nghỉ một ngày, đương nhiên là phải để chàng nghỉ ngơi rồi.
Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng sáu, ngày hưu mộc của triều đình, cũng là ngày các quan viên được nghỉ, đây là việc đi ngược lại với tổ chế.
*** Hưu mộc là hưu tức tẩy mộc : Nghỉ ngơi tắm rửa.
Mặc dù từ thời nhà Hán, các quan viên đã có ngày nghỉ, có thể ngủ nướng, đánh mã điếu. Thậm chí tới thời Thịnh Đường, một năm ba trăm sáu mươi ngày, có tới hơn một trăm ngày không đi làm, phàm là ngày nghỉ có thể nghĩ ra được, đều đường hoàng nghỉ ngơi, lương bổng vẫn phát như thường, thực sự làm quan viên đời sau sinh lòng khao khát, hận mình không ở thời đó.
Cho tới tận Minh triều, Thái tổ hoàng đế xuất thân khổ cực, phải xin ăn, phải chăn trâu, phải đánh trận, tinh lực cực kỳ thịnh vương, hết sức hiển nhiên cho rằng quan viên của ông ta cũng mang số "trâu ngựa", một năm cho ba ngày nghỉ là mùng một tết, đông chí và ngày mười tám tháng chín.
Ông ta làm như thế, khiến những quan viên vợ chồng sống chia cách không sinh nổi con, cho dù may mắn sinh ra nổi thì thì "cha con gặp nhau mà không biết, xin hỏi khách từ phương nào tới", khiến cho quan viên rất oán giận, công việc chẳng làm nổi. Lão Chu hoàng đế đánh phải thỏa hiệp, từ tháng chạp cho tới tết Nguyên Tiêu được nghỉ đông, thế là có vấn đề gì cũng phải đột kích giải quyết.
Cho nên trong khoảng thời gian rất dài, đại bộ phận thời gian trong năm không có ngày nghỉ. Về sau ngay cả lão Chu hoàng đế cũng thấy không ổn, rồi hoàng đế này cho thêm kỳ nghỉ ngay, hoàng đế kia cho thêm kỳ nghỉ kia, ngày nghỉ dần dần nhiều lên... Tới hiện tại một tháng nghỉ ba ngày, mùng một, mười lăm và ba mươi. Thêm vào Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Trung Nguyên, Đông Chỉ ... Mỗi năm được nghỉ hơn năm mươi ngày, còn chưa bao gồm nghỉ đông được giảm xuống nửa tháng.
*** Trung Nguyên : 15/07.
Không có gì phải bất ngờ, lần này không quan viên nào nói phải giữ gìn tổ chế, mọi người ngậm miệng ăn tiền, chọn mất trí tập thể ...
Nhưng với Thẩm Mặc chân sai vặt ở nội các mà nói thì không có số tốt như thế, từ khi tới Vô Dật điện đến ra, hai tháng trời mới có ngày nghỉ đầu tiên.
Thế nên y ngủ một lèo đến giờ, lỡ hẹn với Nhược Hạm.
- Vậy chúng ta mau đi thôi.
Thẩm Mặc mau mắn ngồi dậy, không thể để vợ yêu bị ủy khuất được.
Nhưng Nhược Hạm lại lắc đầu, chỉ tiền viện:
- Các thúc thúc đang đợi chàng đó.
- Họ tới rồi à?
Thẩm Mặc gãi đầu:
- Sao không báo trước?
- Chàng bận một cái là hai tháng liền không thấy đâu, bọn họ tất nhiên phải tới.
Nhược Hạm bị y ôm lấy eo, nhưng vẫn thành thạo chải đầu cho y, hiển nhiên nàng quá quen công tác trong điều kiện khó khăn rồi, mỉm cười nói:
- Bọn họ không cho người ta gọi chàng, người ta đã chuẩn bị tiệc rượu, mời các thúc thúc dùng trước, chàng cũng mau tới đi.
Thẩm Mặc mặt tỏ vẻ hậm hực:
- Ta cũng lâu lắm rồi không bồi tiếp nàng mà... đám người đó không có phu nhân đi theo, đâm ra ghen ăn tức ở tới phá đám vợ chồng người ta. Kệ! Kệ! Kệ ! Bọn họ dù sao họ ăn rồi uống rồi, chúng ta làm trọn đạo đãi khách, ta đưa nàng đi.
- Được được, Nhược Hạm biết chàng sủng ái người ta.
Nhược Hạm biết y chỉ nói thế để dỗ mình thôi làm sao có thể “trọng sắc kinh bạn” như thế, cười đầy ôn nhu:
- Ngày tháng còn dài mà, chả nhẽ chàng bận mãi như vậy sao?
Thẩm Mặc cười cảm kích, nhưng trong lòng lại chẳng thấy ngày bận rộn cuối cùng nó nằm ở chỗ nào.
Tiến sĩ đồng khoa đều rảnh tới không nghĩ ra nổi việc gì làm, hiện giờ có bảy tám người về nhà thăm thân rồi, các cát sĩ năm đầu tiên thì bài vở rất nhiều, nhưng năm thứ hai cơ bản được thả rông rồi. Đừng nói là về nhà thăm thân, mà về ở tới nửa năm một năm, chỉ cần lấy danh nghĩa là "du lịch khảo sát" là có thể được.
Chỉ có y và Chư Đại Thụ, Đào Đại Lâm, còn cả Từ Vị cả ngày bị công việc quấn lấy, chưa nói không được rảnh rồi, ngày về càng xa xôi vô vọng. Kỳ thực y viết báo cáo nghỉ phép lâu rồi, nhưng y đắc tội tàn tệ với Lý Mặc như thế nào dám còn đưa lên gây chuyện thị phi? Đành nhét trong ngăn kéo ở trị phòng, không biết bao giờ mới đưa lên được.
Vô cùng áy náy hôn Nhược Hạm một cái, Thẩm Mặc nói:
- Ta đi đây.
Nhược Hạm cười gật đầu, đưa mặt nhìn y ra cửa.
~~~~~~~~~~
Dưới ánh mặt trời gay gắt, Thẩm Mặc chạy tới tiền viện, liền nghe thấy trong sảnh đường có tiếng cười lớn, tựa như của Tôn Đĩnh:
- Nếu Chuyết Ngôn ở đây, nhất định khiến huynh không thể đắc ý như thế.
- Hô hô, đáng tiếc y không có ở đây.
Từ Vị cười khoái trá:
- Mau uống đi, đừng có quịt.
Tôn Đĩnh cầm chén rượu lên đang hậm hực chậm bị đổ xuống bụng liền thấy Thẩm Mặc đứng ở cửa, liền hạ chén rượu xuống, vui mừng nói:
- Chuyết Ngôn huynh mau tới đây phân xử.
Thẩm Mặc đi tới chắp tay một lượt với mọi người, rồi ngồi xuống chỗ để lại cho y, cười hỏi:
- Chuyện gì cần ta phân xử thế?
- Chúng tôi chơi đoán đố uống rượu.
Ngô Đoái nói:
- Văn Trường huynh ra câu đố :" Hai người cùng ngồi, ngồi tới hai tiếng trống ba tiếng trống. Một sợ mèo, một sợ hổ" đoán một chữ.
Tôn Đĩnh tiếp lời:
- Ta đoán là chữ tiên (鲜 tươi), huynh xem, sợ mèo là cá, sợ hổ là dê, cá dê kết hợp là chữ Tiên, chẳng lẽ không đúng à?
Mấy người khác cũng phụ họa:
- Có chút lý đấy.
Từ Vị nheo mắt:
- Câu đó này có ba câu, ngươi có giải hai câu đầu, câu giữa không nói? Cá và dê có liên quan gì tới trống?
- Chuyết Ngôn, huynh tới nói xem, có phải kẻ này cưỡng từ đoạt lý không?
Tôn Đĩnh vỗ bàn đứng dậy.
Thẩm Mặc cười ha hả:
- Văn Hoa huynh, ta nghĩ Văn Trường huynh có ý khác.
- Vậy huynh nói xem là chữ gì?
Tôn Đĩnh hỏi ngược lại.
- Hai tiếng trống là giờ hợi "hợi" , ba tiếng trống là giờ "tí", mười hai thú, hợi là lợn sợ hổ, tí là chuột sợ mèo. "Hợi" "Tí" cùng ngồi, là chữ "Hài" ( trẻ con).
Thẩm Mặc giải thích:
- Không biết đệ đoán có đúng không nhỉ?
- Biết còn cố hỏi.
Từ Vì tức tối trừng mắt lên.
- Ha ha ha, đúng là vỏ quít dầy có móng tay nhọn.
Tôn Đĩnh nhảy nhót reo hò.
- Có phải ngươi đoán được đâu? Cao hứng cái gì?
Từ Vị giận cá chém thớt:
- Còn không mau uống rượu của ngươi đi.
Tôn Đĩnh muốn quịt, Từ Vị không cho, hai người cãi vã ỏm tỏi. Mọi người cười lớn, lúc này hạ nhân mang thêm mấy món ăn nóng, bảy người quay lại bàn, ăn uống nói cười.
Trong bữa tiệc mọi người ăn ý, không hỏi Thẩm Mặc và Từ Vị làm gì ở Tây Uyển, vì đó thuộc về cơ mật tối cao, hỏi cũng không đáp được, chỉ làm mọi người khó xử.
Nhưng đại sự gần đây phát sinh trong triều đủ để những thanh niên mới bước chân vào quan trường này hứng thú thảo luận rồi.
Ngô Đoái nói:
- Ngoại sát bính thìn mới qua được quá nửa, lại bộ và đô sát viện với các tội danh già cả, vô năng, tham ô, đã có hơn ba mươi tả hữu bố chính sứ, án sát sư , tri phủ trở xuống thì vô số, trong đó Chiết Giang chúng ta thôi có ba tri phủ, bảy tri huyện bị miễn chức.
Tôn Lung tiếp lời:
- Thêm vào thẩm tra kinh quan vào mùa đông, trước sau đã có hơn ba trăm quan viên hạ bệ rồi.
Hắn thở dài:
- Rất nhiều nhân vật Nghiêm đảng bị xử trí hoặc điều chức, cho nhàn tản, mũi giáo chỉ thẳng vào Nghiêm các lão.
- Đúng thế.
Từ Vị gật đầu:
- Hai cuộc khảo sát này khiến cho Nghiêm đảng bị đả kích và suy yếu nghiêm trọng. Nhưng quan viên trên tứ phẩm không có trong lần khảo sát này.
Hắn cười hăng hắc:
- Nếu như năm sau kinh sát Đinh Tị, vẫn cho Lý Mặc chủ trì, e rằng Nghiêm các lão thành gà trụi lông mất.
- Rất rõ ràng, Lý Mặc được bệ hạ ngầm cho phép.
Tôn Đĩnh hưng phấn reo lên:
- Xem ra ngày tháng của Nghiêm các lão đã hết rồi. Lý Mặc sắp tiếp nhiệm rồi.
Nhưng thấy người khác không lên tiếng, hắn xấu hổ gãi đầu:
- Quên mất, quên mất, Lý Mặc hận chúng ta tới tận xương tủy.
Bảy người bọn họ đồng môn đồng khoa đồng hương, đánh gẫy xương vẫn còn dính gân, trong mắt bất kỳ một ai cũng là một thể.
Thẩm Mặc cười khổ:
- Xin lỗi, làm liên lụy tới mọi người rồi.
Sau người cười lớn:
- Sợ liên lụy thì đã chẳng tìm huynh uống rượu.
Thẩm Mặc cảm động, nói:
- Mọi người yên tâm đi, Lý Mặc chẳng làm nổi trò trống gì, Nghiêm Tung cũng chẳng ngã được.
- Thật sao?
Tôn Đĩnh không tin:
- Nghiêm Tung đã bảy mươi bảy tuổi rồi, đệ thấy bệ hạ đang có ý để Lý Mặc thay ông ta.
- Vốn có khả năng này.
Từ Vị uống một ngụm rượu, nói:
- Nhưng hiện giờ thì không có nữa.
- Vì sao?
Mọi người cùng hỏi.
- Vì ông ta luôn trái ý bệ hạ.
Tựu Vị chép miệng:
- Bệ hạ sẽ không để người như thế ở bên cạnh.
Chính đang nói chuyện thì đột nhiên có gió lạnh từ bên ngoài thổi vào, mọi người nhìn ra ngoài trời, thấy có mây đen. Bọn họ biết Bắc Kinh thời tiết thất thường, thở dài:
- Thời tiết quái quỷ, sao lại mưa lúc này?
- Mưa mùa hè rất tốt, lúa má uống no, con người cũng sảng khoái.
Chư Đại Thụ cười vui mừng.
- Mưa xuống rồi còn phải giữ khách lại.
Từ Vị cười khoái trà:
- Chúng ta có thể thoải mái ăn của nhà giàu mà không phải áy náy.
- Ăn của đệ bao năm rồi, có thấy khi nào huynh tỏ ra áy náy đâu.
Thẩm Mặc cười mắng.
Quả nhiên gió lạnh vừa cuốn tới là trên trời mây đen cuồn cuộn, mưa ào ào trút xuống chớp mắt đã che kín cảnh ngoài cửa sổ, nhưng đem hơi nóng xua đi quá nửa.
Cảm thụ sự mát mẻ do cơn mưa lớn mang lại, Từ Vị hứng trí cầm đũa gõ bát, hát:
Tây bắc thiên biên phong lôi khởi.
Siếp thì gian ô vân cổn cổn hắc mạn mạn,
Hoa lạp lạp đại vũ tái cá dũng tuyền...
Bài hát cảnh mưa ở Bắc Kinh, đúng là rất sinh động.
**
Phương trời tây bắc sấm chớp nổi.
Tức thì mây đen cuồn cuộn tới.
Sầm sầm mưa lớn như thác đổ.
Bị cơn mưa lớn phá ngang, mọi người quên mất đề tài ban đầu, nói sang chuyện khác. Ăn uống xong mưa còn chưa dứt, liền dọn bàn, chơi mã điếu rút thời gian. Thường thường Từ Vị tích cực nhất, không ngờ chủ động nhường hiền, chắp tay một vòng đứng dậy nói:
- Ta hơi say rồi, ra ngắm mưa cho tỉnh táo một chút.
Thẩm Mặc hiểu ý:
- Ta đi theo Văn Trường huynh, bị mưa làm lạnh thì không tốt.
Mọi người mắt đã dán vào quân bài rồi, thuận miệng nói:
- Đi đi.
Truyện khác cùng thể loại
83 chương
46 chương
15 chương
71 chương
163 chương
23 chương
23 chương
71 chương
262 chương