Bát tiên đắc đạo

Chương 86 : Trách em gái, nhị lang nổi giận trả nợ tình, thánh mẫu mắc nạn

Hằng Nga nói với Lã Động Tân : - Tôi với Nhị Lang trước nay chưa từng qua lại, tại sao Trương Quả đại tiên lại nhờ tôi đưa thư cho Nhị Lang ? Chuyện này khá dài dòng, để từ từ tôi nói anh nghe. Nguyên Nhị Lang có một người em gái, ở cuối đời nhà Chu, tu thành đại đạo, được Ngọc đế xuống chiếu, phong làm Nguyên Chân phu nhân, là người mà người đời nay ngoa truyền, xưng là thánh mẫu nương nương. Theo như lời đồn đại, phu nhân tuy đắc đạo, thụ phong, nhưng vẫn nợ người trần một mối nhân duyên. Số là hồi nương nương ở dưới phàm trần, từ hồi nhỏ đã được cha mẹ hứa gả cho một thiếu niên si tình. Chàng thiếu niên này là công tử nhà đại gia, trời cho có tài mạo song toàn, thần thái tuyệt thế, từ khi gia đình đưa sính lễ hỏi vợ cho, nghe nói tiểu thư tứ đức gồm đủ, xinh đẹp như tiên, lòng thầm vui sướng. Không dè cô tiểu thư đó, từ nhỏ đã không dùng đồ tanh tưởi, không mặc lụa là. Đến chừng có chút tri thức, liền dốc lòng tu đạo, cha mẹ cũng không thể ngăn cấm, chị em không khuyên can nổi. Vừa mười lăm tuổi, liền bỏ nhà đi tu. Chàng thiếu niên được tin, khóc rống lên, thổ huyết ra mà chết. Tiểu thư, sau khi tu thành đại đạo, được phong phu nhân, mỗi khi nghĩ đến người chồng vì nặng tình với mình mà chết, không khỏi khắc khoải trong lòng, thường nói : "Bản thân ta làm người tiên, không làm được điều gì tốt cho người khác, lại hại chết người chồng đa tình, ân hận biết mấy !" Thần Nhị Lang nghe được câu nói đó, thường chế nhạo cô, trách móc cô, nói cô không nên nuôi lòng phàm như thế. Đã giữ lòng phàm, sao không chuyển kiếp làm người trần gian, còn ở trên trời làm chi ? Phu nhân nghe vậy, giận dỗi nói: - Những lời muội muội nói là chí tình, chí lý. Người phàm còn không quên tình, bỏ lý, huống hồ là tiên, Phật ? Nhị Lang nổi giận nói : - Cô tham luyến tình dục như thế, chỉ sợ không thoát khỏi bị đày xuống hồng trần, tiếc cho bao năm đạo hạnh, một sớm thành hư không. Còn sợ rằng càng ngày càng lún sâu vào đường mê, rơi xuống vòng luân hồi, lúc đó chẳng ai cứu nổi cô. - Muội muội chẳng qua chỉ nói về tình lý, việc gì mà phải đoạ xuống phàm trần ? Ca ca nói quá lố như thế, thực đáng tức cười. - Hiền muội nói sai rồi. Người và tiên khác nhau, cũng bởi chút ý niệm nuôi trong lòng, như một mầm cây. Trong lòng đã có ý niệm phàm tục, liền khác biệt với thần tiên. Chỉ sợ những lời cô nói hôm nay, chính là gốc rễ của đủ thứ tai kiếp. Cô còn không tự giác ngộ, dám lem lém tranh cãi cùng ngu huynh, há chẳng đáng chê cười, đáng thương hại hay sao ? Phu nhân thấy Nhị Lang có ý hăm dọa mình, liền cười lạt, nói: - Tôi chỉ biết hai chữ "tình, lý" thông hành khắp ba cõi. Bất luận là người phàm hay tiên, Phật, ai đã thoát khỏi phạm vi đó ? Lão Quân tổ sư, bản thân là tổ của thần tiên, đã mấy lần hạ phàm, là vì lý gì ? Như Lai bên Tây phương, tình nguyện xuống địa ngục để cứu vớt người đời, lại vì lý gì ? Muội muội tuy không dám hỗn láo so sánh với hai vị đạo tổ đó, nhưng cũng chẳng chịu đứng ở ngoài vòng tình lý, khiến người đời chê cười, nói tôi là một tiên nhân không hiểu tình lý. Nói là thiết thực, vạn nhất có vì lý do hại chết người, mà sau này bị đày xuống hồng trần, để hoàn tất nghiệt án, muội muội cũng không từ chối. Còn việc minh tâm kiến tính, tự cảnh giác, để quay về với bản chân, hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân, có biết giữ khí tiết tu trì hay không. Chưa hề thấy người hạ phàm nào bị đọa lạc vào vòng luân hồi, vạn kiếp không giải thoát. Nhị Lang nghe em gái nói lôi thôi như thế, bất giác nổi giận đùng đùng, nói : - Ta đã năm lần bảy lượt cảnh cáo ngươi, ngươi còn mê đắm như thế, thật uổng danh cho ngươi, thân làm thần tiên, nhận sắc phong của Ngọc đế, mà chẳng khác gì người phàm trên đời. Ta làm huynh trưởng, quan tâm tới ngươi, đã nói hết tình hết lý, mà ngươi vẫn chấp nê, không chút hồi tâm chuyển ý, ta đành để ngươi tự do, tự tiện, muốn làm Lão Quân tổ sư, hay Phật Như Lai, xin cứ tự nhiên. Ta không có đại công hạnh, đại phúc phận ấy đâu, chỉ biết khắc khổ, giữ phận mình thôi, chứ làm đại la tiên lữ, ta cũng chẳng dám có vọng tưởng. Từ nay anh em ta, đường ai nấy đi, được chưa ? Phu nhân thấy Nhị Lang ức hiếp mình như thế, bực tức nói : - A huynh sao phải khổ tâm ép buộc muội tử ? Những lời muội tử nói, chẳng qua chỉ là kiến giải của bản thân, cho rằng khắp vòng trời đất, bốn biển năm châu, dù việc lớn hay nhỏ, công hay tư, cũng phải lấy tình lý làm gốc. Hồi muội tử ở dưới trần gian, đã thừa lệnh cha mẹ, hứa gả cho người ta. Nay người ta vì muội tử mà chết, muội tử đã hại chết anh ta để được làm người tiên, nhận chức chốn thiên tào, nếu không tìm cách báo đáp, chẳng hóa ra trong lòng không có chút hối tiếc nào ? Không thể nói : làm người tiên chẳng cần phải có lương tâm. Rồi, không cần giảng đạo lý, cứ việc làm lợi cho mình, gây họa cho người, cũng được hay sao ? Em biết trong thâm tâm a huynh cũng cho đó là việc không phải. Đã thừa nhận những hành vi đó là không nên làm, thì trước khi có thể trả ơn người ta, cũng phải có lòng hối lỗi, rồi một khi có cơ duyên, lập tức tìm cách báo đáp. Đó là nỗi lòng của muội tử, không hề ẩn chứa chút tình dục, nghĩ chuyện hạ phàm, kết hôn nhân với người ta. Vả lại, nếu muội tử có ý niệm phàm tục như thế, tại sao hồi bấy giờ không thuận theo lệnh cha mẹ, nghe lời khuyên của các chị em, mà lại khổ công cầu đạo, tu tiên . Vì khổ tâm tu hành, mới được lên trời, thụ phong tước hiệu, cùng a huynh đứng vào tiên ban, ngang hàng nhau. Nhị Lang vốn là một vị thần nóng tính, tự cường, hiếu thắng, không chịu cho ai khuất phục mình, nay bị em gái cãi tay đôi, không biết đường nào trả lời, bất giác nổi cơn lôi đình, đưa tay chỉ phu nhân, hét to lên : - Được, được ? Ngươi có bao lăm công đức, đạo hạnh cao thâm cở nào, mà dám cùng ta tranh cãi, bắt bẻ ? Người đã to gan như thế, đủ thấy trong lòng ngươi không còn coi ta là huynh trưởng nữa. Ta cũng bất tất phái thừa nhận một đứa em gái làm bại hoại môn phong như ngươi . Từ nay về sau, đường ai nấy đi, không còn hỏi han tới nhau nữa, để ta khỏi phải vì ngươi mà ứa gan. Phu nhân nghe tới câu "bại hoại môn phong", bất giác tức tối, khóc ầm lên, nắm áo Nhị Lang, tính lôi kéo đi triều kiến Ngọc đế, viện giải nỗi oan khuất. Nhị Lang đời nào chịu cho em gái lôi kéo, mới gỡ tay ra, xô đẩy phu nhân, ngã lăn ra đất, giận dữ nện mạnh gót giày cồm cộp, đi ra. Đi vài bước, quay đầu nhìn lại, thét mắng : - Còn một câu này ta nói cho ngươi biết, hãy nhớ kỹ. Ngươi muốn lấy chồng cũng được, muốn theo trai cũng được, nhưng phải thoát ly tiên giới, trở xuống chốn phàm trần ngay. Và ta cấm ngươi không được nhắc tới tên ta. Ta kể như ngươi đã chết rồi, không hỏi tới nữa. Nếu ngươi có trên trời, làm náo loạn, hoặc mượn danh tiếng ta, làm chuyện bại hoại, ta sẽ đem ngươi trấn áp dưới chân núi Thái Sơn, khiến ngươi không có ngày ngóc đầu lên được, ngươi đã hiểu chưa. Từ biệt ! Nói rồi, không quay đầu lại, giận dữ bỏ đi. Hằng Nga ngừng một lát, kể tiếp : - Nhưng đã là thần tiên, không được phép nói chơi, cũng không được thiếu nợ ai một điều gì. Nguyên Chân phu nhân đã thiếu nợ tình đối với người chồng chưa cưới, lại ở trước mặt thần Nhị Lang nói rõ mấy câu, tình nguyện trả nợ tình người đó. Ở phu nhân chỉ là câu nói vô tâm nhưng cõi âm, cõi dương, cõi người, cõi trời, cõi nào cũng có các vị nhật dạ du thần, hàng ngày dạo chơi khắp nơi, chuyên ghi chép những lời nói, hành động của người ta. Một khi đã ghi vào sổ, trình lên Thượng đế, Lão tổ phê chuẩn, liền thành định số. Dù anh đạo đức cao bao nhiêu, công hạnh sâu cỡ nào, cũng không thoát khỏi định số. Trong cung trăng chúng tôi, lại có một vị Nguyệt lão, chuyên quản lý việc hôn nhân phối hợp ở các cõi. Ông có một cuốn sách, ngay trang đầu ghi chép việc nam nữ phối hợp, ghi rõ cả năm, tháng. Cuốn sách này thật kỳ quái, không cần dùng bút viết ra chữ. Hễ trên trời, dưới đất có một cặp phối ngẫu, tới lúc việc hôn nhân phát động, liền có tên họ hai người nam nữ ghi trong sổ. Chẳng những là hôn duyên chính đáng, ngay cả những cặp vợ chồng tạm bợ, hoặc chỉ hoan lạc trong một thời gian ngắn, cũng không thoát ra ngoài cuốn sách này; cũng không hiểu người nào đã thay mặt Nguyệt lão viết lên đó. Đợi tới lúc hai người kết hợp, Nguyệt lão mới cho các thư lại trong phủ, dùng sợi dây đỏ cột chân họ lại. Nay Nguyên Chân phu nhân vô ý nói ra lời hứa, khéo làm sao người vị hôn phu thời xa xưa của bà đã chuyển kiếp làm người, sinh ra ở đất Dương Khúc, tỉnh Sơn Tây, họ Vương tên Xương, vừa tới tuổi đội mũ, lên Kinh ứng thí, đi ngang qua miếu Nguyên Chân phu nhân, tục gọi là miếu thánh mẫu. Lúc đó, trời đổ cơn mưa lớn, Vương Xương vào miếu tránh mưa, chợt thấy pho tượng thánh mẫu, hình dung mười phần xinh đẹp. Hạng thiếu niên là hay bộc lộ tình cảm, nhất thời hứng lên, không cần biết tới chuyện tạo nghiệt hay không, liền dùng phấn viết lên hai vách tường mấy câu thơ nhảm. Lúc đó, phu nhân được Hứa chân quân mời đi chơi sông Tiền Đường, ngắm nước thủy triều. Tới chừng bà về đến miếu, thấy hai bài thơ xằng bậy, trong lòng giận dữ, lập tức phái thần binh giữ miếu, nổi cơn gió đuổi theo Vương Xương, bắt về, định giải lên thiên đình luận tội, đưa xuống âm tào trừng phạt, khép tội rất nặng. Không dè Vương Xương tới miếu, vì bị gió thần thổi vào mặt, nên đầu óc mê man, nằm gục dưới hành lang, dường như đang ngủ. Phu nhân chưa kịp xét hỏi, bỗng nghe báo có Nguyệt lão tới. Bà kinh ngạc, tự nghĩ mình là người tiên, cùng Nguyệt lão chẳng có quan hệ gì, ông ấy tới đây làm chi ? Nhưng người ta đã tới, cũng đành phải lấy lễ tiếp đãi, mời vào. Vừa làm lễ tương kiến xong, Nguyệt lão liền hướng về phía phu nhân, lên tiếng chúc mừng. Phu nhân vừa kinh ngạc vừa tức giận, cho rằng Nguyệt lão có ý đùa giỡn bà. Đến chừng Nguyệt lão lấy sách đưa cho coi, bà mới hiểu người tù nằm dưới thềm, trước mắt bà, chính là người chồng chưa cưới năm xưa. Một vụ trùng án, đến nay nên kết thúc. Bấy giờ phu nhân mới cất tiếng khóc, rất hối hận đã không nghe lời anh trai, để đến nay tạo thành một đoạn nhân duyên tiên phàm. Nguyệt lão lại hai ba lần khuyên nhủ : - Đã có tục duyên, sớm muộn gì cũng có hồi chung cuộc, chi bằng sớm kết liễu, để củng cố tiên nghiệp, tránh khỏi tình cảnh thân làm người tiên, lòng vẫn giữ ý niệm phàm tục, chỉ tổ cho các vị đồng đạo chê cười. Phu nhân nghe vậy, mới nghĩ rằng việc đã đến nước này, đành chấp nhận kết hôn cùng Vương Xương. Vì sợ ông anh biết được, lại gây chuyện sóng gió, ngay hôm đó bà nhờ Nguyệt lão đứng chủ hôn, gọi tỉnh Vương Xương, nói rõ cho biết. Phu nhân nhòm lén Vương Xương, thầy thần thái tuyệt hảo nghi biểu khác thường, không thẹn là chồng của bà. Sau khi thành hôn, phu nhân vướng chức kim tiên, không thể hạ phàm, vì vậy Vương Xương cứ tiếp tục lên đường ứng thí. Lúc hai người chia tay, Nguyệt lão lại tới, nói rõ chàng ta đi lần này, ắt trúng khôi khoa. Và theo như sách hôn nhân chàng còn có một người vợ khác, là vị tiểu thư, con gái Ngưu thượng thư. Nguyên Chân phu nhân nói : - Lang quân đã ở phàm trần làm quan, phải có người vợ trên dương thế, thay chàng trông coi việc cửa việc nhà. Chỉ mong rằng chàng lấy được công danh, nên sớm rời xa biển khổ. Thiếp đã là vợ chàng, mối duyên cũ đã giải quyết, món nợ tình đã trả xong. Sau này đắc chí thành danh, chàng nên mau chóng rút lui. Nếu chàng còn nhớ đến tình, có thể về miếu gặp thiếp, thiếp sẽ đem những bí quyết tu đạo trao tặng cho chàng. Nếu chàng mãi mê thanh sắc, tham luyến công danh, e rằng lần sau gặp lại, không còn cứu vớt được nhau. Chẳng bao lâu, thân nằm trong quan tài, cùng hủ nát với cỏ cây, một chút kết quả cũng không đạt được, còn phụ tấm lòng thiếp khuyến hóa chàng ngày hôm nay. Vương Xương nhất nhất nhận lời, rơi nước mắt mà ra đi. Sau khi chàng đi rồi, phu nhân có bầu được một tháng, nằm tĩnh dưỡng trong miếu, đợi kỳ khai hoa nở nhụy, sẽ đem con trả cho Vương Xương, để từ đó nghiệt duyên kết liễu, có thể an tâm giữ chức vụ, không còn chút ý niệm trần tục nào nữa. Ai hay tiên phàm phối ngẫu là phạm luật trời. Vương Xương kiếp trước nặng tình với phu nhân mà chết, phu nhân đã đem thân báo đáp, luận về tội trạng tuy có chỗ giảm khinh, nhưng không thể tha bổng, mà còn phải chịu nhiều gian nan, vất vả, mới tiêu trừ xong nghiệt chướng. Trong khi đó, Nhị Lang phụng mệnh Ngọc đế, nhận chức "đô tuần án sứ", có nhiệm vụ đi tuần tra ba cõi, chuyên kiểm tra các việc thiện ác công tội của tiên phàm ở khắp ba cõi : thượng, trung và hạ giới, để tâu trình Ngọc đế thường hay phạt, trừng trị hay ban thưởng. Ông ấy tuy là vị thần minh cương trực, nhưng cũng ưa khôi hài. Một hôm, tại bàn tiệc do Thiết Quài tiên sinh chiêu đãi, Nhị Lang gặp được Hà tiên cô, là đại đệ tử của Huyền Nữ, cũng là người đang ở Lư Sơn, chờ đợi một người để truyền thụ kiếm pháp. Rượu ngà ngà, mọi người nói cười ầm ĩ, Hà tiên cô trong lúc vô ý, đề cập tới chuyện kiếp trước của mình, cùng với việc tu đạo ra sao, kể lại từ đầu tới cuối. Nhị Lang vỗ tay, cười lớn tiếng, nói : - Hèn chi ai ai cũng nói Hà tiên cô đã có chồng. Té ra chuyện đó có thực, nay cô tự nói ra, mới biết người đời không đổ oan cho cô ! Hà tiên cô cho rằng Nhị Lang cố tình chọc quê mình, bất giác đỏ mặt. Trong lúc nóng vội, không tự kiềm chế, cô thuận miệng nói ra : - Nhị Lang đừng đoán mò, nói xấu người ta. Em gái ông với người phàm trần làm chồng, bản thân ông làm đô tuần án ba cõi, mà chuyện gia đình ông cũng không điều tra ra hay sao ? Câu nói vừa rời khỏi miệng, cả bàn tiệc kinh hãi, tiên cô cũng tự hối là đã lỡ lời, biến đổi sắc mặt. Nhị Lang vốn là một vị thần tinh minh, những sự việc trong ba cõi, từ việc lớn như quốc kế dân sinh, đến việc nhỏ như chuyện vặt vãnh, bình thường, chẳng việc nào thoát khỏi tai mắt ông. Riêng có chuyện em gái với Vương Xương là ông không biết tí gì. Một là vì Nhị Lang quá tự tin, cho rằng trong gia đình mình, quyết không thể có chuyện phạm pháp. Thứ hai, đây là chuyện gia đình ông, có quan hệ tới thể diện của ông, mọi người đều có thể biết, nhưng không ai dám thổ lộ với ông. Đó là chuyện thường tình. Tuy nhiên, chuyện này có quan hệ tới kỷ cương trên trời, dẫu không phải lớn lao gì, nhưng lâu ngày cũng bị lộ, không thể giữ bí mật mãi, chẳng qua là tiên cô nói sớm ra thôi. Nhị Lang nghe lời nói đó, bỗng nhớ lại những lời hai anh em tranh cãi trước đây, biết rằng câu chuyện tiên cô nói ra ắt không phải vô căn cứ. Chỉ vì mình có ý chế giễu người ta, mới bị người ta moi ra chuyện xấu của gia đình mình. Bản thân làm tuần án, chuyện tư tình em gái bị moi ra, làm sao lấp liếm cho nổi ? Nói ra chỉ thêm nhục mà thôi. Chỉ thấy Nhị Lang tái mặt đi, hai mắt đỏ sọc hồi lâu không nói một lời. Tiên cô biết mình đã gây nên họa, vội hướng về phía Nhị Lang bồi tội, nói rằng những điều mình vừa nói ra đều là lời giỡn chơi, thật tình không có chuyện đó, xin Nhị Lang tha lỗi lỡ lời. Nhị Lang lại có suy nghĩ khác : "Thân danh là tuần án sứ, giữ chức vụ kiểm tra, bản thân không ngay thẳng, làm sao có thể uốn nắn người khác ? Bất luận chuyện này có thật hay không, cũng nên công khai điều tra mới phải. Đồng thời đối với tiên cô, chẳng những không nên giận dỗi, còn phải cảm ơn cô đã cảnh tỉnh ta mới đúng". Vì thế, ông đột nhiên lại gần tiên cô, vái một vái, nói : - Tiên cô đừng nên nghi ngờ. Tôi há phải hạng ác thần, yêu tiên, quen dối trá, thiên vị ? Ở chức vụ của tôi mà bản thân có điều hiềm nghi, làm sao sữa chỉnh được người khác ? Khổ nỗi thường ngày các vị bằng hữu ngộ nhận, tưởng rằng việc này nên giữ bí mật, để giữ thể diện cho tôi, đã khiến tôi không nghe phong thanh được điều gì, có biết đâu rằng làm vậy là hại tôi, lầm lỡ công vụ, hủy hoại danh tiết ? Nay những lời tiên cô nói, tuy chỉ là nói đùa, cũng rất bổ ích cho tôi. Nhị Lang tôi coi đó là những lời chân tình của bạn bè chơi với nhau bằng đạo nghĩa chân chính. Nhân đây, tôi xin chân thành biểu lộ lòng cảm kích và lo âu, đợi giải quyết xong việc công, sẽ tới cúi đầu bái tạ trước mặt tiên cô. Nói rồi, hướng về phía tiên cô, vái một vái, quay nhìn các vị tiên trên bàn tiệc, gật đầu, rồi tất tả bước ra. Các vị tiên đều nói : - Nhị Lang đi lần này, ắt đem Nguyên Chân phu nhân ra trừng trị thẳng tay, làm sao cho tốt đẹp mọi chuyện đây ? Hà tiên cô rất hối hận vì đã lỡ lời, cất tiếng khóc. Thiết Quài tiên sinh cười, nói : - Các vị quả thật không hiểu đạo lý, vì nghĩ xuẩn đã làm hỏng việc. Những chuyện lớn như thế này, có quan hệ tới kỷ cương của thiên đình. Trên trời không thể so sánh với phàm gian, giả sử tiên cô không nói ra chăng nữa, thì các vị đại la kim tiên đều có bản lãnh chưa bói đã biết. Nhị Lang không biết, chỉ vì quá tự tin, không nghi ngờ gì về gia đình mình, nên tạm thời mơ hồ, nhưng rốt cuộc cũng có ngày ông hiểu rõ, cần gì đợi người khác tố cáo ? Vì thế, tiên cô bất tất phải để tâm làm chi. Bàn về trách nhiệm của Nhị lang, bất kể là em gái hay ai khác, một khi biết được sự việc ông ấy phải lập tức điều tra cho rõ, giải quyết cho thỏa đáng. Chúng ta hãy đợi Nhị Lang giải quyết vụ án cho tròn vẹn, coi ông phát lạc ra sao. Chúng ta ở đây đông đảo các vị tiên nhân, ai nấy đều tận tâm tận lực, giúp đỡ Nguyên Chân phu nhân, bảo đảm cho bà ta khỏi chịu nhiều đau khổ. Đợi khi bà tai qua nạn khỏi, lại lấy danh nghĩa đám đông, lập một bản tấu chương dâng lên Ngọc đế, xin tội cho phu nhân. Nếu Nhị Lang cố chấp, cũng còn có cách thương nghị với ông ấy, sợ gì ? Các vị tiên nghe vậy, đều vỗ tay, khen là hay lắm. Lam Thái Hòa cười, nói với Hà tiên cô : - Té ra những lời tiên cô buộc miệng nói ra trong bàn tiệc, lại trở thành những lời tốt đẹp, thành toàn cho Nguyên Chân phu nhân. - Tôi chưa thấy được điều đó. - Tại sao không ? Cô thử nghĩ coi, Nguyên Chân vi phạm luật trời, tội ấy bà ta tự gánh chịu, Nhị Lang lãnh chức tuần án, giải quyết vụ án là phận sự của ông ấy. Nhưng vụ án phát giác ra bởi cô được mọi người đồng lòng ủng hộ, sau này sẽ chiếu cố tới phu nhân, như vậy chẳng phải cô đã làm tốt cho bà ta hay sao ? Mọi người nghe vậy đều cười ầm lên. Riêng tiên cô vẫn áy náy trong lòng, nhân đó kiên quyết yêu cầu mọi người đừng giải tán, hãy ở lại, chờ nghe tin tức. Các vị tiên đều đồng ý. Đợi được nửa ngày, Thiết Quài tiên sinh vận dụng thần cơ, biết rõ sự tình, bất giác tắt nụ cười, nói : - Các vị coi ông Nhị Lang này chẳng phải chàng ngốc hay sao? ông ta đã đem em ruột của mình trấn áp dưới chân núi Thái Sơn rồi ! Các vị tiên kinh hãi, thất sắc, Hà tiên cô cũng nóng vội, biến đổi sắc mặt, nước mắt rơi lã chã, thúc ép Thiết Quài tiên sinh mau nghĩ ra kế gì cứu Nguyên Chân phu nhân. Hằng Nga kể tới đó, dù chuyện này chẳng can dự gì tới mình, Lã Động Tân cũng vò đầu bứt tóc, nói : - Hỏng mất rồi ! Ông thần Nhị Lang này quả thật quá hung ác Em gái ông phạm kỷ cương thiên đình, cũng có Nguyệt lão đứng chủ hôn, để kết liễu trọn vẹn vụ án tình. Bàn về tội, cố nhiên là nên trừng trị, bàn về tình cũng có chỗ dung tha. Nếu không giảng tình lý, cứ đem trị tội thẳng tay, há chẳng phải quá đáng hay sao ? Chẳng hiểu các vị đại tiên có nghĩ ra cách gì cứu phu nhân hay không ? Hằng Nga cười, nói : - Việc của anh chưa xong, hơi đâu mà anh lo thay cho cổ nhân ? Vả lại ngần ấy vị thiên tiên, lại không cứu nổi một người hay sao ?