Bát tiên đắc đạo
Chương 87 : cứu thánh mẫu, mượn nhà lưu ly tiễn em bé, đặc chế đèn sen báu
Lã Động Tân hỏi Hằng Nga :
- Cuối cùng, các vị tiên làm cách nào cứu được Nguyên Chân phu nhân ?
Hằng Nga cười, nói :
- Anh quả là chàng ngốc. Ngần ấy vị đại la thiên tiên, chẳng lẽ không có người nào đủ thủ đoạn dời non, lấp biển ? Khoan nói là đem nhốt dưới ngọn núi Thái Sơn, ngay cả đem trấn bà ta dưới đáy biển, dời núi ở khắp nơi, đè lên mình bà ta, thì các vị tiên cũng đủ bản lãnh di chuyển núi đi chỗ khác, xuống biển yêu cầu Long vương giúp đỡ, cứu được phu nhân. Nhưng Thiết Quài tiên sinh không muốn dùng tới những biện pháp mạnh bạo như thế, là vì phu nhân thật tình phạm pháp, Nhị Lang mới phải dụng hình. Nếu lập tức cứu bà ta ra, thì thứ nhất là làm trái luật trời, thứ hai là làm mất uy tín Nhị Lang. Cuối cùng, tiên sinh mới nghĩ ra một biện pháp lưỡng toàn, không làm tổn thương thể diện Nhị Lang, cũng không phá hoại luật trời mà khiến Nguyên Chân phu nhân không cảm thấy nỗi khổ tù tội vẫn tưởng như an tọa trong miếu trước đây. Biện pháp đưa ra, mọi người đều hoan nghênh.
Thiết Quài tiên sinh đi đầu, dẫn theo các vị tiên, cùng lên đỉnh núi Thái Sơn. Nơi đó có động phủ của Thiết Quài, hiện đang do đệ tứ của ông là Dương Nhân coi sóc, làm chỗ tu chân. Thiết Quài tiên sinh cùng chúng tiên tới động phủ, Dương Nhân vội quì xuống tiếp đón, mời vào bên trong, hỏi nguyên do vì sao mọi người tới đây. Thiết Quài tiên sinh nói sơ qua cho biết, liền kêu Dương Nhân đi ra ngoài, vời gọi các vị tổ địa bản sơn, vào động phủ gặp mặt. Dương Nhân nghe lời, vời gọi tất cả các thổ địa lớn nhỏ cộng chung chừng ba mươi vị. Thiết Quài tiên sinh nói với các vị đó :
- Hiện có Nguyên Chân phu nhân, bị anh ruột là thần Nhị Lang trấn áp ở dưới núi này. Bần đạo thương bà ta vô tâm mắc tội, tình cũng đáng thương, đặc biệt yêu cầu các vị đạo trưởng cùng tới đây giúp đỡ. Theo ý bần đạo, luật trời không thể không tuân, thể diện thần Nhị Lang không thể không giữ. Nguyên Chân phu nhân đã phạm luật trời, phải chịu trừng phạt, tạm thời khuất thân ở đây. Chúng tôi chỉ dự bị giúp bà ta, cho trọn tình bạn bè, bảo hộ cho bà khỏi phải chịu nhiều đau khổ. Biện pháp thứ nhất là xây dựng cho bà một động phủ ở dưới núi này, làm chỗ cho bà chịu tội và tu chân. Tuy rằng bà không thể ra khỏi núi, chúng tôi cũng muốn bất chợt tới thăm bà, nên biện pháp thứ hai là đào một đường hầm xuyên qua núi. Biện pháp thứ ba là nhờ các vị tôn thần ra sức giúp đỡ, khi động phủ xây xong, đường hầm đào rồi, thỉnh thoảng phái nhân viên tới trông coi, đừng để đường đi tắc nghẽn. Cũng xin các vị tùy thời chiếu cố, nếu phu nhân có yêu cầu gì, hoặc muốn nhắn tin gì, các vị có thể tới động phủ của tôi, liên lạc với học trò tôi là Dương Nhân. Chẳng biết các vị có ủng hộ nghĩa cử này hay không ?
Các thổ địa nghe xong, tất nhiên là vui vẻ nhận lời, nói : "Tuân chỉ !"
Thiết Quài tiên sinh vỗ về họ vài câu, lập tức kêu gọi mọi người cùng đi thăm Nguyên Chân phu nhân. Các vị tiên tới đầu núi, Thiết Quài tiên sinh liền thi triển pháp lực, khiến tòa núi Thái Sơn nứt làm đôi, mở ra một lối đi. Mọi người rơi xuống tới đáy núi, mới nhìn thấy phu nhân đầu bù tóc rối, mặt mũi lem luốc, mặc quần áo tù phạm, nằm cuộn tròn dưới đất, như thể chết rồi.
Trong các vị tiên, có Hà tiên cô là đàn bà, giàu lòng từ bi, lại nhận thấy mình có trách nhiệm, vì đã gây ra việc này, trong lòng rất bứt rứt. Cô đi lên trước, vừa khóc vừa kêu gọi, đỡ phu nhân dậy.
Phu nhân thấy các vị tiên, vừa buồn vừa thẹn, còn nghi là gặp nhau trong giấc mộng. Tiên cô nói rõ ý mọi người tới đây, tự nhận tai họa này là do cô gây ra, biểu thị lòng hối tiếc. Phu nhân cất tiếng than dài, nói :
- Tất cả đều là định số. Tiểu muội phạm luật trời, hiện nay đã hoài thai. Tất cả những sự việc đó, cuối cùng cũng phải tiết lậu, có can dự gì tới tỉ tỉ ? Nay đội ơn tỉ tỉ mời được các vị sư thúc bá, sư huynh đệ , từ xa tới đây, ra tay cứu vớt, muội tử vô cùng cảm kích. Mai sau tội mãn, tai qua, có ngày lại được nhìn thấy ánh mặt trời thì ơn đức của tỉ tỉ và các vị, muội tử nguyện báo đáp tận tình.
Các vị tiên nghe vậy, đều cảm thấy chua cay trong lòng.
Thiết Quài tiên sinh lại làm phép, xuất hồn rong chơi hải phủ, tìm tới Thủy tinh cung, hỏi mượn và đem về bầy biện năm, sáu căn phòng lưu ly. Mỗi căn phòng đó có treo một hạt minh châu rất lớn, phát ánh sáng rực rỡ như ban ngày, lại có hai hạt châu, tránh rét và kỵ nóng. Phu nhân mang thân tù tội, bỗng được nhà cửa tiện nghi như thế, so với hồi ở trong miếu, cảm thấy thoải mái gấp bội, trong lòng mười phần vui sướng. Sau đó, các vị tiên còn mang về bầy biện trong phòng đủ thứ đồ đạc cần thiết, còn sang trọng hơn những nhà giàu có trên đời. Phu nhân cười, nói :
- Đội ơn các vị đối đãi thế này, thật không biết lấy lời gì để cảm tạ. Nhưng ở đây lâu ngày, quá thoải mái thế này, lại sợ rằng mai sau thoát tội, còn luyến tiếc mãi không nỡ bỏ đi.
Các vị tiên nghe vậy, đều cười rộ lên. Thiết Quài tiên sinh gật đầu nói :
- Người tu đạo phải gạt bỏ những chuyện bi hoan, mới khỏi bị tình trần tục ràng buộc. Nay còn hai việc, phải nói rõ với phu nhân. Thứ nhất, chúng tôi đã quyết định, bất kể phu nhân ở đây bao lâu, chúng tôi có hơn mười người, mỗi năm sẽ cử một người tới đây, truyền thụ cho phu nhân chút đạo pháp, phu nhân ở trong lòng đất, có thể chuyên tâm tu luyện, mai sau thoát nạn, trở về trời, có thể giúp Ngọc đế giải quyết nhiều công việc.
Phu nhân cảm kích vô cùng, khấu đầu lạy tạ. Thiết Quài tiên sinh lại nói tiếp :
- Việc thứ hai là chẳng bao lâu sẽ sinh một vị công tử. Vì cậu bé này, Hà đại tiên cô sẽ thay mặt bà, đi hái những bông hoa, hấp thụ tinh anh của núi sông, quang hoa của mặt trời, đem về chế thành một cây đèn, gọi là đèn sen báu. Sau khi bà sinh nở, hãy đem đứa bé cùng cây đèn, đặt chung ở căn phòng phía Đông, tự nhiên có thổ địa thay mặt bà, đem đứa bé trao cho chồng bà là Vương Xương. Ánh sáng ngọn đèn này không phải ánh sáng của trần gian, ánh sáng đó chiếu ra, nhất thiết yêu ma, quỉ quái phải tránh xa mười dặm. Ánh sáng đó lại thông đạt tính linh, chỉ đường cho người đi lạc. Ví dụ như ta muốn đến một nơi nào, chẳng cần phải hỏi thăm đường, cứ theo hướng ánh sáng chiếu tới mà đi, nhất định không lầm lạc.
Thiết Quài tiên sinh nói tới đó, Hà tiên cô hăng hái nhận lời :
- Việc này cứ giao cho tôi giải quyết, ắt không lầm lỡ.
Một vị thổ địa già rời khỏi chỗ ngồi, nói :
- Sau này phu nhân hạ sinh công tử, trách nhiệm hộ tống đã có tiểu thần đảm nhận, chẳng cần nhờ tới bọn quỉ dịch. Xin phu nhân cứ yên tâm.
Thiết Quài tiên sinh biết ông này là thổ địa, trông coi một vùng rộng năm mươi dậm quanh đây, vội hướng về phía ông ta, thi lễ nói:
- Tôn thần chịu vất vả như thế, quả thật phu nhân không còn lo lắng.
Nguyên Chân phu nhân vội hướng về phía Hà tiên cô và lão thổ địa, cúi đầu lạy tạ.
Lam Thái Hòa cảm thấy bản thân mình chưa hết lòng, vội nói:
- Tôi sẽ kiếm về cho phu nhân vài người phục dịch.
Các vị tiên hỏi :
- Đó là một việc tốt, liệu anh có chu toàn nổi không ?
Thái Hòa hỏi vị tổng thổ địa núi Thái Sơn :
- Quanh đây có nữ yêu không ?
- Nữ yêu làm gì không có ? Cách đây chừng trăm dặm, có con tinh thỏ trắng, tụ tập một đám chồn, thỏ, quấy rối nhân gian. Chẳng phải thượng tiên muốn bắt vài đứa, em về phục dịch phu nhân đấy ư?
Thái Hòa gật đầu, nhận là phải, thổ địa nói :
- Việc đó cũng tốt, chỉ sợ bọn chúng dã tính không thuần, làm phiền phu nhân thôi.
Thái Hòa cười, nói :
- Bần đạo đã có cách, khiến chúng không thể giở thói man rợ. Vả lại, phu nhân đắc đạo nhiều năm, bọn yêu ma thấy bà, sẽ hết sức hầu hạ, để hy vọng sau này được thành chính quả, lẽ nào còn dám quật cường ?
Thổ địa nghe lời, dẫn Thái Hòa đi, cùng độn thổ tới địa phương đã nói. Rất may, thỏ tinh đang ở bãi đất trống, cùng nhiều nữ yêu bứt cỏ, chơi trò "đấu co". Bọn chúng thấy Thái Hòa thần thái lỗi lạc, tư cách khác phàm, lấy làm lạ. Cầm đầu nhóm là tinh thỏ vẫn còn giữ thói man rợ, liền nói với đám yêu vài câu, rồi làm bộ quyến rũ, cười khe khẽ, tiến lên phía trước, nghênh tiếp Thái Hòa, cất tiếng hỏi :
- Đạo trưởng vì sao đến đây ?
Nhìn lại, thấy đi theo Thái Hòa là một ông lão, nhận ngay ra đó là vị thần đô thổ địa bản sơn, liền nói .
- ông già này cũng đi theo làm chi ? Quả là ông khách bất ngờ.
Thái Hòa nói :
- Vô sự chẳng đặt chân lên Tam bảo điện. Ta là pháp sư Lam Thái Hòa, đặc biệt tới đây để mời vài vị tỉ muội, đi theo ta tới một nơi, chiếu cố một vị thiên tiên có tước hiệu, hiện đang mắc nạn. Trong tương lai, tự nhiên có phúc phận, được kết quả tốt. Ai tình nguyện, hãy theo ta đi liền.
Thỏ tinh nghe nói, bất giác cười lớn tiếng, nói :
- Coi ông có phong thái bất phàm, có vẻ là một đạo nhân thông minh, té ra chỉ là một chàng ngốc. Chúng tôi ở đây thoải mái, tiêu dao tự tại, chẳng ràng buộc gì, ai mà tình nguyện đi theo ông, làm đầy tớ người khác ? Nếu ông muốn dùng sức mạnh, lôi kéo chúng tôi đi, thì chẳng khác gì chuồn chuồn lay cột đá, không hề nhúc nhích. Chi bằng ông ở lại nơi đây, làm sơn chủ của chúng tôi, chị em chúng tôi năm người, tình nguyện làm vợ ông, cùng hưởng cảnh thanh nhàn, há chẳng tuyệt diệu hay sao? Thượng tiên thấy thế nào?
Nói rồi, nhìn vào mặt Thái Hòa mà nháy mắt, đưa đẩy làn thu ba, làm điệu bộ lả lơi, quyến rũ. Nếu người phàm mà gặp phải cảnh này, ai mà thoát khỏi tiêu hồn, táng phách, rơi vào mê hồn trận ? Chẳng dè gặp phải tay Lam Thái Hòa, đạo tâm chuyên nhất, uổng công cho tinh thỏ giở trò ma mị. Vừa nghe nó nói, Thái Hòa hét ngay một tiếng, như sấm nổ giữa thinh không, tay lăm lăm thanh kiếm, chỉ ngay mặt tinh thỏ, nói :
- Ngươi tính giỡn mặt ta hả ? Thôi, thôi, để ta trổ một trò nho nhỏ cho ngươi coi nhé !
Nói rồi, há miệng thổi, phun ra một luồng sáng bạc, vây chung quanh con thỏ, biến thành vô số đao nhọn, nhầm vào tinh thỏ mà lao xuống, chỉ chực tấn công. Thỏ tinh hãi quá, vội quì xuống, dập đầu lạy, xin tha mạng, tình nguyện đi theo thượng tiên, hầu hạ vị tiên nhân mắc nạn. Thái Hòa hít một hơi, luồng sáng bạc liền chui vào trong miệng. Chàng ta mới bảo tinh thỏ đứng lên, dẫn nó đi theo, tới chỗ cửa động. Thỏ tinh lại chỗ mấy chị em thương lượng.
Đám yêu tinh này đều là những đứa có nghĩa khí, nghe tinh thỏ nói đều đồng ý đi theo. Thái Hòa mừng lắm, lập tức đứng chỗ chính giữa, nói cho chúng biết xuất thân và tước phong của Nguyên Chân phu nhân, lý do vì sao hiện nay là lâm vào cảnh khó khăn, được các vị tiên đồng lòng giúp đỡ thế nào, kể lại đầu đuôi. Trước khi đi, lại răn đe chúng :
- Các ngươi là dị loại, tu được tới trình độ này, chẳng phải chuyện dễ dàng. Nhưng giữa chừng bỏ phế việc học, tụ tập nhau làm bậy, có khác gì bọn thảo khấu cường nhân trên đời, rốt cuộc cũng có ngày bị thiên binh tiêu diệt. Sao bằng nhân cơ hội này, bỏ tà qui chính, hết lòng phục vụ phu nhân. Mai sau phu nhân qua cơn hoạn nạn, trở lại ngôi vị, lẽ nào lại bỏ rơi các ngươi ? Lại còn nhiều vị tiên nhân dạy dỗ, nâng đỡ, các ngươi cũng có ngày lên trời, liệt vào tiên ban. Cơ hội ngàn năm khó gặp đó, nếu các ngươi bỏ lỡ, chẳng đáng tiếc lắm ư ? Bọn ta sẽ chọn trong núi này vài yêu nhân, tài bồi cho chúng, chẳng bao lâu cũng thành chính quả. Trong khi đó, các ngươi mãi mãi vẫn là yêu ma, nhìn lại mình, há chẳng hổ thẹn lắm sao ?
Bọn yêu nghe vậy, đều hân hoan, kêu lên :
- Nguyện theo đại tiên ra đi, quyết không hối tiếc ! Nếu thay lòng đổi dạ, xin thiên lôi đánh chết !
Thái Hòa hài lòng, nói :
- Các ngươi có chí khí như thế, mai sau ắt thành chính quả.
Nói rồi, giải tán bớt đám tiểu yêu, đưa cho những đứa còn lại mỗi đứa một lá bùa hộ mệnh, dẫn chúng về địa phủ, gặp các vị tỉên. Năm con yêu thấy các vị tiên, người nào cũng có phong thái rạng rỡ, tỏ ý khâm phục, thề hết lòng phục dịch phu nhân. Các vị tiên mừng rỡ, từ biệt phu nhân, mỗi người đi một nơi.
Trong khi đó, Nhị Lang, vì em gái làm chuyện đáng xấu hổ, không mặt mũi nào mà nhìn người khác, mới lên thiên cung, xin trả lại chức, trở về đất phong Quán Khẩu. Con chó ngao trước nay không rời xa ông trong khoảnh khắc, ông cũng bỏ lại nơi công phủ, chẳng dẫn đi theo. Vì thế, con chó mới lẻn xuống phàm trần, quậy phá lung tung.
Hằng Nga nói tới đây, ngừng lại một lát để nghỉ mệt, lấy hơi.
Động Tân đã hiểu rõ sự việc, nói :
- Trước đây, đệ tử rất thắc mắc,vì sao Nhị Lang là một vị thần nghiêm túc, lại không quản thúc chặt chẽ, để con chó ngao, là vật luôn theo sát bên mình, có thể lẻn xuống phàm trần ? Nay nghe lời tiên cô nói, đệ tử đã hiểu rõ nguyên do, không còn quái lạ nữa. Nhưng xin hỏi tiên cô, Trương đại tiên nhờ cô đưa lá thư gì ? Vì sao không đưa người khác, lại nhờ tiên cô ? Rốt cuộc, con chó này, Nhị Lang có thu về hay không ? Xin tiên cô mau mau nói rõ.
Hằng Nga gật đầu, nói :
- Anh đừng nóng vội. Đây là đoạn cốt yếu của câu chuyện, tự nhiên tôi phải nói cho anh rõ. Nguyên Chân phu nhân tới ngày khai hoa nở nhụy, sinh được một người con trai, đặt tên là Vương Thái. Lúc đó, tuy bà ở dưới lòng đất, thật chẳng khác gì ở trong miếu. Mọi việc đều có các bà thổ địa chăm lo, lại có mấy đứa nữ yêu tận tâm hầu hạ, chẳng có gì phải lo lắng, khổ sở. Chiều tối hôm đó, Hà tiên cô lại đem tới cây đèn sen báu, tự nhiên có lão thổ địa, tay xách đèn, tay bồng đứa bé, thay mặt phu nhân, đưa tới kinh thành. Quả nhiên lúc đó Vương Xương đã cưới con gái Ngưu thượng thư làm vợ. Hôm đó, tiểu thư mộng thấy thần thổ địa đem tới cho mình một con trai, tỉnh dậy đang cùng chồng bàn bạc về giấc mơ. Lúc đó, trời chưa sáng rõ, chợt nghe trên nóc nhà có tiếng trẻ khóc oa oa, rất lấy làm lạ. Vợ chồng mặc áo trở dậy, sai người leo lên nóc nhà xem thử, liền thấy một đứa bé mày thanh mắt sáng, bên cạnh có một đĩa đèn dầu, ngoài ra còn có một phong thư kèm theo. Trước đây, hồi Vương Xương kết hôn cùng tiểu thư, có đem chuyện nói rõ cho tiểu thư biết, nhưng tiểu thư chỉ cho là chuyện nói đùa, nay mở thư ra xem, mới rõ sự thật. Trong thư kể rõ lai lịch của cây đèn, yêu cầu Vương Xương phải luôn luôn đặt đèn này bên cạnh đứa bé, có thể tránh được mọi tai ương, mà sau này còn có thể soi gương cho đứa bé đi tìm mẹ nó.
Vợ chồng thấy đứa trẻ này là con của tiên đẻ ra, nên yêu quí nó vô cùng .Vương Xương nhớ tới cuộc gặp gỡ với Nguyên Chân phu nhân đau lòng quá khóc lóc hồi lâu, thành bệnh nặng. Về sau, không biết nghe lời người nào, nói rằng đèn sen báu của đứa bé có thể tránh được tai nạn, hoặc giả trị được bệnh cũng không chừng, mới đem treo đèn ở đầu giường người bệnh. Quả nhiên bệnh Vương Xương lập tức dứt liền, mà tinh thần còn mạnh mẽ hơn trước. Từ đó về sau, trong nhà hễ có người bệnh, đều dùng đèn sen báu chiếu vào, lập tức khỏi bệnh. Bà mẹ Ngưu tiểu thư năm đó đã ngoài tám mươi, mắc bệnh tim, thở khò khè, cũng dùng đèn này trị khỏi. Vì thế, cả nhà coi cây đèn như một bảo bối, mà đối với đứa trẻ, cũng sủng ái lạ thường.
Hà tiên cô vẫn còn day dứt vì lỗi của mình, nên đặc biệt quan tâm tới Nguyên Chân phu nhân. Cô nhận trách nhiệm liên lạc giữa hai mẹ con, không nài vất vả, thường xuyên lui tới giữa kinh thành và vùng núi Thái Sơn, đem tin tức của đứa bé báo cáo với phu nhân. Nghe đâu Thiết Quài tiên sinh toan định, sau này Nhị Lang quyết không dung cho em gái rời khỏi núi, nên chuyện này chưa êm, còn một phen tranh chấp cam go. Các vị tiên cùng Nhị Lang đều là chỗ bạn bè đồng đạo, không tiện ra mặt thương thuyết, đành phải đợi đứa bé lớn lên, mọi người dụng tâm dạy dỗ nó, nâng đờ nó, để nó có bản lãnh cao hơn Nhị Lang, sau đó mới có thể bênh vực mẹ, đánh bại ông cậu, nghênh đón mẹ ra khỏi núi, phục hồi chức vị.
Hiện tại, những việc này đều giao cho Hà tiên cô chủ trì. Các vị tiên nghe tin Nhị Lang nén thẹn trở về đất Thục, ngay cả chuyện nhà cũng không hỏi tới nữa, lấy làm khó nghĩ quá chừng.
Mọi người bàn nhau, phải tìm một biện pháp nào để gỡ thể diện cho Nhị Lang. Họ nghĩ tới câu nói của cổ nhân : "Gỡ chuông phải nhờ tay người buột chuông", đều nói :
- Việc hôn nhân này do Nguyệt lão làm chủ. Nguyệt lão đã đứng chủ hôn cho Vương Xương và phu nhân, có thể thấy cuộc hôn nhân này không phải cẩu thả. Sai lầm của phu nhân ở chỗ quá sợ anh trai, cứ giấu giấu diếm diếm, mới thành tội "lấy chồng không xin phép anh". Nhưng xét về căn bản, vẫn là vì kính trọng anh, như vậy tội của phu nhân cũng có chỗ giảm nhẹ, đồng thời thể diện của Nhị Lang cũng gỡ lại được. Nhưng việc này, Nguyệt lão không đứng ra làm chứng, làm sao Nhị Lang tin được ?
Truyện khác cùng thể loại
614 chương
85 chương
405 chương
157 chương
4707 chương
41 chương