Anh sẽ ở bên em, mãi mãi nhé

Chương 23 : Băn khoăn trước ngưỡng cửa tương lai

Thật là sung sướng khi được rời khỏi giường bệnh và trở lại trường học. Trong suốt chiều dài lịch sử gần hai chục năm đi học của tôi, duy chỉ có một năm đó là tôi cảm thấy vui mừng khi kết thúc nghỉ hè. Tôi vào học trễ mất một tuần. Là mẹ tôi cẩn thận, không muốn tôi xuất hiện với bộ mặt bị trét đầy nghệ, dù sao thì cũng nên để cho mấy vết sẹo trên mặt liền hẳn đã, kẻo không lại có tin đồn, đại loại như Hạ Nhi mười một Văn bị một đám côn đồ hành hung, hay thứ gì đó… mà tôi cũng không thể nghĩ ra nổi. Ngày đầu tới lớp, suýt nữa thì tôi không nhận ra Liên Châu. Đang thong dong đạp xe trên đường, tôi nghe tiếng gọi tên, ngoái qua ngoái lại, thấy Liên Châu, tôi hoảng hốt, trước giờ Liên Châu hoặc là người khác chở, hoặc là tôi chở, sao hôm nay lại tự đi xe đạp thế này. Như nhận ra sự kinh hoàng của tôi, Liên Châu cười rất tươi: - Sắp phải đi học thêm nhiều nên Châu phải tự đi một mình cho quen. Mình lớn rồi, đâu thể phụ thuộc người khác mãi được… - Ờ. – Tôi gật đầu đồng tình. – Nhưng Châu học giỏi rồi, cần gì phải đi học thêm? Liên Châu cười ngất: - Để đạt học sinh giỏi ở trường, đúng là Châu không cần đi học thêm, nhưng còn thi Quốc gia và thi Đại học nữa mà. Tôi le lưỡi, bái phục. Tôi tuy không phải dạng chăm chỉ, nhưng cũng phải cố gắng lắm mới mon men bảy phẩy tám, còn Liên Châu, học hành nhẹ tênh, tổng kết lúc nào cũng trên chín phẩy. Chắc chất xám của tôi một phần đã dồn qua cơ bắp. Tôi nghĩ thế. Trên đời này làm gì còn đứa con gái nào sau khi hy sinh thân mình thử độ bền của công trình nước sạch nông thôn mà có thể hồi phục nhanh như tôi, ngoài tôi ra? Phương Thảo và Trịnh Giang đen sạm hẳn đi. - Ngày nào cũng tắm biển, mệt chết… Phương Thảo than thở như thế sau một chuyến nghỉ hè dài ở quê ngoại, nơi có bãi biển đẹp nhất nước. Trịnh Giang vẫn giữ thói quen vuốt vuốt cái đầu bù xù. - Giang thì ngày nào cũng phải chạy xe ngoài đường đi học thêm. Năm nay mười một rồi, sang năm là thi Đại học. Giang mà rớt Đại học, chắc tự tử chết luôn quá. - Đừng nói bậy. – Tôi phản đối ngay. – Giang chưa biết cảm giác biết mình sắp chết kinh khủng thế nào đâu. - Ôi, thi Đại học! – Phương Thảo thở dài. - Thảo chỉ cần đậu học sinh giỏi Quốc gia là sẽ được tuyển thẳng. – Liên Châu đưa giải pháp. Phương Thảo đưa mắt nhìn tôi. - Nhi sẽ thi Đại học nào? Tôi nhìn Phương Thảo không chớp mắt, làm sao mà trong cái đầu nhỏ bé xinh xắn kia lại có thể nghĩ tới ý tưởng thi Đại học nào trong khi bây giờ mới chỉ là đầu năm học lớp mười một kia chứ? - Nhi không biết. – Tôi đáp thật lòng. – Nhi chưa bao giờ nghĩ tới. - Ít ra Nhi cũng phải biết Nhi muốn làm gì chớ? Công an hay Chủ tịch tỉnh? - À… – Tôi nhún vai. – Nhi muốn trở thành một người sáng tác văn học. Cả Liên Châu và Trịnh Giang cùng nhìn tôi, tưởng tôi nói đùa. Tôi bèn nhấn mạnh thêm một lần nữa - Nhi thực sự muốn được viết. Thơ, văn, gì cũng được, miễn là viết. Nên, nếu Nhi không thi Đại học, hay thi rớt, cũng không quan trọng, Nhi sẽ ở nhà và viết. - Đó là ước mơ. – Phương Thảo nói. – Thảo cũng mơ thành họa sỹ truyện tranh vậy, nhưng thực tế thì Thảo thích làm công an. - Thời nay không ai đọc thơ nữa đâu Nhi à. – Trịnh Giang nói thêm. Chỉ có Liên Châu là đưa ra một ý kiến rất chính xác: - Nhi có thể học Đại học chuyên ngành báo chí, sau đó, tham gia vào một khóa học sáng tác, sau đó, phát hành một tuyển tập thơ… hoặc một cuốn tự truyện về chính bản thân Nhi… và sau đó… Nhi sẽ biết Nhi có thể thực hiện được ước mơ của Nhi hay không. Tôi nhìn Liên Châu bằng đôi mắt cảm phục, tới bây giờ vẫn vậy, cái đầu của Liên Châu, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ. Cuối cùng, ở lứa tuổi mười lăm, mười sáu, mười bảy, mơ thì đương nhiên vẫn có quyền, nhưng chuyện học vẫn là chuyện quan trọng trên hết. Tôi vẫn quyết tâm giữ vững quan điểm không đi học thêm, cho dù mẹ tôi với lòng lo lắng mênh mông trời bể, đã phải dùng tới biện pháp mạnh ép tôi đi học. Nhưng vì tôi cứng đầu quá, mẹ tôi đành phải nhờ tới ông anh khờ khuyên nhủ tôi vài lời. Ông anh khờ, đã chứng minh cho mẹ tôi thấy mẹ tôi đã sai lầm như thế nào, khi mới nói chuyện với tôi được hai câu, đã tỏ ra hoàn toàn bất lực. - Sao đây Hạ Nhi? Anh phải làm sao đây? Tôi vừa ngoáy lỗ tai, vừa lơ đễnh hỏi lại: - Ý anh muốn hỏi em gì? Ông anh tỏ ra khổ sở hơn bao giờ hết. - Anh không thể tự quyết định được. Bố mẹ anh muốn anh thi Đại học. - Thế thì có gì mà anh phải nghiêm trọng? Sau bao nhiêu năm trời thong dong chơi dài cổ, bây giờ mới là lúc ông anh lộ ra cái bản mặt gặp chuyện thì cuống lên như phải bỏng. - Nhưng anh không muốn thi… anh chưa bao giờ muốn học Đại học. - À, thế anh muốn làm gì? Ở nhà lấy vợ à? Ông anh vặn vẹo hai bàn tay, tưởng như sắp khóc đến nơi. - Anh muốn tự lập Công ty. Tôi suýt nữa đâm thủng màng nhĩ. - Úi chà… – Tôi nói. – Tí nữa thì điếc. Anh nói thật à? Ông anh gật đầu. - Vậy thì anh lập Công ty đi. – Tôi tỉnh bơ. - Nhưng… - Nhưng cái quái gì? – Tôi ném cục bông vào sọt rác. – Anh thích gì, thì làm đi. Kể anh nghe, hồi hè, khi em nằm bệnh viện và đoán là mình sắp chết, điều duy nhất em sợ, là em sẽ chết trước khi kịp làm điều gì đó mình thích. Anh đâu biết khi nào anh chết, nên nếu anh thích làm gì, anh làm ngay đi. - Nhưng… - Hay để em đâm cho anh một nhát, biết đâu khi ngấp ngoải sắp chết, anh lại sáng suốt biết được mình muốn gì. Nói xong, tôi cầm con dao gọt trái cây lên. Kể từ đó, ông anh không dám hỏi ý kiến tôi về bất cứ thứ gì.