Anh sẽ ở bên em, mãi mãi nhé

Chương 22 : Tôi bắt đầu muốn trở thành nhà văn như thế nào

Chớp mắt, lại thi học kỳ hai, và nghỉ hè. Một kỳ nghỉ hè dài đằng đẵng và buồn chán nhất cuộc đời tôi. Phan Anh ngày tổng kết năm học cứ lẵng nhẵng theo tôi đòi về nhà tôi nghỉ hè, đang là con nợ của người ta nên tôi đành miễn cưỡng đồng ý. Bố mẹ tôi nghe tôi năn nỉ mãi, cuối cùng cũng phải chấp nhận. Tôi vì chuyện này mà mất cả một tuần dọn dẹp nhà cửa, lại còn lên một kế hoạch nghỉ hè hoành tráng. Thế mà đùng một cái, cu cậu gọi điện xin lỗi vì phải đi Malaysia. Tôi tức muốn phun máu mũi, suýt nữa thì đập điện thoại, hên sao lúc đó ông anh Đông Nhi đang đứng bên cạnh hí hứng hớt chuyện, nên chiếc điện thoại đã may mắn thoát nạn (nhưng anh Đông Nhi thì phải đi cà nhắc một tuần liền). Bố tôi không phải lo chuyện một thằng con trai tới nhà ở cùng với con gái suốt hè nên thảnh thơi ôm cái Công ty vệ sỹ, vắng nhà cả tháng, mẹ tôi đưa hai ông anh đi thi Đại học, tranh thủ vi vu một vòng từ Quy Nhơn tới Huế. Võ đường treo bảng thông báo nghỉ. Cả căn nhà rộng thênh, một mình tôi ôm ngang hai chân trước con mèo nặng bốn ký rưỡi trước ngực đi ra đi vào. Con mèo lười béo ú cứ lim dim mắt mặc tôi muốn tha đi đâu thì tha. Tôi đọc sách hoài cũng nhức mắt, liền thơ thẩn đi từ trong phòng ra sân, rồi từ sân đi vào phòng khách, rồi từ phòng khách lại đi ra sân. Chính vì rảnh rang quá, nên tôi sinh chán, một buổi chiều buồn buồn ôm con chó mực bỏ giỏ xe chở đi chơi. Con chó đang ngồi im ngất ngưởng cho tôi chở thì chợt thấy một con chó khác chạy lông nhông ngang qua, chắc muốn ra oai nên cậu chàng chợt sủa váng lên, và chẳng còn nhớ là đang ngồi trước giỏ xe, phóng mình lao xuống. Tôi bị bất ngờ mất tay lái, đâm luôn xuống mương nước vừa được bê-tông hóa, cả xe lẫn người nằm chỏng gọng. Trước khi ngất xỉu, tôi còn thảng thốt nhớ ra là nhà mình chưa khóa cửa. Trong thời gian tôi nằm bệnh viện, người ngợm chỗ nào cũng bị khâu vài mũi, bác sỹ với mẹ tôi cứ đợi khuất mắt tôi lại thì thầm to nhỏ, sau đó, các dì tới thăm tôi mà rơm rớm nước mắt, hai ông anh tôi ngày thường đối xử với tôi ác như giặc Ngô, giờ tới trước giường bệnh tôi chăm tôi như chăm em bé, liên tục hỏi tôi muốn ăn gì. Bố tôi cũng bỏ hết công việc, rảnh là lại lén bỏ tôi lên xe lăn, đẩy đi long nhong khắp bệnh viện. Liên kết các dữ kiện lại với nhau, tôi tin chắc là mình sắp chết, liền rất anh dũng đối mặt với tử thần, mặc dù cử động khó khăn, nhưng vẫn cố gắng viết Nhật ký để lại đầy lời lẽ lâm ly thống thiết. Thậm chí còn làm hẳn một trường ca: “Mười sáu năm sau, lại trở thành anh hùng hảo hán”. Nằm viện mười ngày, chịu đủ các thứ xét nghiệm, chụp chiếu gì đấy, tôi được trả về nhà, các vết thương bắt đầu lên da non, ngứa không chịu được. Trong tâm trạng chờ chết, tôi cáu suốt ngày. Để giải sầu, tôi bắt đầu tập tành viết thơ, sáng tác truyện, gặp ai tới thăm cũng háo hức bắt ngồi nghe tôi đọc các tác phẩm mới. Cuối cùng, sau vài ngày, chỉ còn mỗi con mèo là chịu chơi với tôi. Ngay đến cả ngày sinh nhật, tôi cũng phải tự đón một mình. Đại nạn nào rồi cũng qua, tôi chờ mãi chả thấy mình chết, đành tặc lưỡi sống tiếp. Chỉ có điều Nhật ký những ngày sắp chết của tôi được các bác sỹ trong bệnh viện vô tình đọc được, nghe hai ông anh tôi nói thì hình như người ta đang có ý định xuất bản và quảng bá nó thành một cuốn sách về nghị lực sống cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Bản quyền chắc chắn sẽ là một cái giá rất cao. Nhưng phải đợi tôi chết đi đã. Ban đầu tôi rất khoái, song, nghĩ mãi mới phát hiện ra, nghe ai thì nghe, tuyệt đối không được nghe lời hai ông anh tôi, hai ông ấy điêu lắm.