Ám khí diệt quỷ nhân

Chương 2 : Chuột tinh thích pizza

Nghe tiếng thét từ ngoài hành lang, Lữ Hàn nhanh chóng tắt bếp và lao ra cửa, hướng về phía tiếng thét. Xử lý như vậy là rất đúng. Sai lầm của nhiều người khi đang nấu ăn hoặc khi đang ủi quần áo mà gặp chuyện bất ngờ thì đều bỏ mặc bếp đang nóng và bàn ủi đang cháy phỏng mà bỏ đi. Cách đó vài căn là hình ảnh một người phụ nữ đang ngồi bệt trên nền hành lang, khuôn mặt thất thần tái mét đang chỉ tay vào trong nhà. Lữ Hàn chạy đến gần và dần dần mở góc nhìn rộng dần vào trong căn hộ. Nếu một thứ gì đó đáng sợ đột ngột xuất hiện trước mắt thì đa số sẽ chỉ khiến chúng ta sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta từ từ đi tới để mở rộng góc nhìn dần dần vào sau một góc khuất sẽ khiến chúng ta không chỉ sợ hãi mà còn mang đến cảm giác kích thích và hồi hộp vì không biết thứ gì sẽ hiện ra một cách từ từ phía sau góc khuất đó. Đầu tiên Lữ Hàn thấy một cái đuôi dài và trơn, rồi thấy đến thân hình đầy lông của một con vật to bằng con chó. Nhưng chó không có cái đuôi dài trơn tuột như thế. Rồi Lữ Hàn thấy đến một đôi tai dài dựng đứng. Hẳn nhiên là con vật đang quay đầu vào trong nhà, quay đuôi ra phía cửa. Nó đang cúi gằm đầu nhấm nháp thứ gì đó trên sàn nhà. Lữ Hàn và người phụ nữ bất động trong giây lát. Một vài người xung quanh cũng đã bắt đầu chạy đến. Còn đa số những người khác vẫn đóng chặt cửa. Nguyên tắc bất thành văn khi sống trong chung cư ở chốn thành thị náo nhiệt là nên án binh bất động khi nghe thấy tiếng động bất thường xung quanh. Không ai muốn mở cửa khi không chắc thứ gì đáng sợ ở bên ngoài. Vì chẳng may mà gặp cướp dồn vào nhà thì căn hộ chung cư trở thành một ngõ cụt, một góc chết không có cửa sau như những căn nhà biệt lập trên mặt đất. Những người dám mở cửa ra xem có chuyện gì thì thường là những người không kịp suy nghĩ đến hậu quả, hoặc là tự tin có đủ sức khỏe để xử lý các chuyện bất ngờ, hoặc là do tính hóng hớt nhiều chuyện không ngăn nổi cơn tò mò để được trở thành người nắm nguồn tin sớm nhất. Tiếng động chộn rộn ngoài cửa có lẽ bắt đầu khiến con vật chú ý. Nó đột ngột ngừng ăn, ngẩng đầu và quay nhìn ra cửa. Nó chưa làm vậy cũng đã khiến mọi người ngoài cửa hoảng sợ rồi. Nó quay ra nhìn lại càng khiến mọi người khiếp đảm hơn nữa. Cái mặt này, cái đầu này rõ ràng là của một con chuột. Một con chuột to bằng con chó. Mọi người la hét, ù té, hoảng loạn chạy mất hết. Khi chỉ còn lại một mình Lữ Hàn đứng đó thì có một bóng người lướt đến bên cạnh. Người đó tóc dài, để xõa, mặc một chiếc áo choàng tắm màu trắng. Thì ra là cô gái vừa mới đến xin trú tạm ở nhà Lữ Hàn một đêm. Bỗng con chuột khổng lồ tỏ ra sợ hãi, lông toàn thân dựng ngược, cả bốn chân khuỵu xuống ép thân mình sát mặt đất, đầu cúi gằm không dám nhìn trực diện về phía Lữ Hàn. Nhìn con chuột như kiểu muốn ngất đến nơi. Nhưng có lẽ bản năng sống đã thúc giục nó làm một hành động cuối cùng để giữ gìn mạng sống, đó là bỏ chạy. Con chuột đột ngột vùng lên lao về phía cửa sổ bằng kính bên cạnh cửa ra vào, nó phá vỡ lớp kính cửa sổ, rồi đáp xuống đất và bỏ chạy. Lữ Hàn và cô gái đuổi theo. Con chuột chạy đến cửa thoát hiểm, dùng chân trước ấn vào thanh chặn ngang để mở cửa và chạy đi. Cửa thoát hiểm ở các tòa nhà chung cư vốn được thiết kế là lối đi ngăn khói, chặn lửa để cư dân có thể sử dụng trong trường hợp hỏa hoạn. Đồng thời vì lý do an ninh nên những cánh cửa thoát hiểm được thiết kế để chỉ có thể mở được một chiều từ trong khu vực sinh sống ra lối thoát hiểm. Còn người từ trong lối thoát hiểm không thể mở cửa theo chiều ngược lại. Lúc hỏa hoạn thì ai cũng hốt hoảng, nên chốt lẫy để mở cửa vào lối thoát hiểm cũng phải được thiết kế vô cùng đơn giản. Nó chỉ là một thanh chắn nằm ngang cửa. Chỉ cần đẩy tới theo hướng đang bỏ chạy là dễ dàng mở được cửa. Con chuột mở cửa theo cách ấy. Cũng khá ngạc nhiên khi con chuột biết cách làm vậy. Nhưng nếu chúng ta thử nhìn lại cách mà loài động vật có linh tính này đào hang khoét vách, xây dựng một xã hội chuột chung với cuộc sống của con người thì có lẽ việc một con chuột biết mở cửa cũng không phải là quá gây ngạc nhiên. Con chuột sau khi lao qua cửa thoát hiểm thì bản lề tự động khiến cánh cửa tự đóng lại. Nhưng trước khi cánh cửa kịp khép sát thì một lá bài xé gió bay tới, xuyên qua chút khe hở nhỏ, cắt đứt một đoạn đuôi của con chuột khổng lổ. Đuôi của một số loài vật có rất nhiều công dụng, trong đó đáng kể nhất là giữ thăng bằng, kiểm soát tốc độ và định hướng di chuyển cho con vật. Chuột là một loài trong số đó. Bị cắt đứt một đoạn đuôi, con chuột lảo đảo, nhưng vẫn cố gắng theo cầu thang chạy xuống dưới. Lữ Hàn lúc này đã đuổi tới vào trong khu vực cầu thang, anh phóng tiếp một lá bài thứ hai. Lá bài bay uốn lượn vòng theo đường gấp khúc của cầu thang, cắt đứt vành tai một bên của con chuột. Lữ Hàn vốn không muốn gây sát thương quá nhiều nên không phóng bài nhằm vào cơ thể con chuột mà chỉ gây tổn thương ngoài da nhằm làm chậm tốc độ bỏ chạy của nó. Nhưng con chuột không chạy chậm lại chút nào, thậm chí cơn đau còn làm nó chạy nhanh hơn. Chạy hết sáu tầng lầu, con chuột vọt ra khỏi cửa thoát hiểm dưới mặt đất, chạy băng qua một mảnh đất nhỏ trồng hoa của khu vực nội bộ. Con chuột tuy rất to nhưng chạy rất nhanh. Lữ Hàn đã bị nó bỏ cách một đoạn, tưởng chừng như con chuột sắp sửa lao vào bóng tối bên kia đường và chạy thoát mất. Thình lình một con rắn khổng lồ xuất hiện, trườn nhanh tới, ngóc cao đầu, phồng mang, chặn ngay trước lối thoát của con chuột. Con chuột bất ngờ nhưng không kịp dừng lại hay chuyển hướng. Nó chỉ có thể nhảy dựng lên, bật ngửa ra, tung thân hình lên không và rớt xuống đất vẫn trong tư thế nằm ngửa hoảng loạn. Cả người nó co rúm, kêu lên những tiếng chít chít thảm thương. Rắn vốn là đại khắc tinh của chuột. Nghe thấy hơi rắn từ xa thì chuột đã phải lo bỏ chạy, huống hồ là đối diện trong khoảng cách quá gần và đột ngột thế này. Con chuột đã to, con rắn còn to hơn. Thân hình của con rắn phải to bằng một thân người lớn. Da rắn màu xanh ngọc toàn thân, ở đầu rắn ngoài màu ngọc còn pha chút màu hồng phấn. Cả thân rắn dường như phát ra tia sáng lấp lánh của màu ngọc biếc. Con rắn khì khì khẽ vài tiếng rồi phun ra hai tia nọc độc bắn thẳng vào thân hình con chuột. Đa số các loài rắn có nọc độc đều có thể ép tuyến nọc để phun nọc ra khoảng cách xa chứ không nhất thiết phải cắn trực tiếp thì mới tiết nọc. Rất nhiều người không để ý điều này mà ghé mặt lại gần nhìn những con rắn bị nhốt trong lồng và bị rắn phun nọc xuyên qua vách lồng dính lên mặt. Nhưng nọc rắn không có mấy tác dụng trên da lành của người, nó chỉ tác dụng trên vết thương hở hoặc mắt. Vì thế khi đối diện với rắn độc, chúng ta nên chú ý vấn đề phun nọc của rắn, nên đeo mắt kính và rửa nước ngay nếu bị nọc rắn phun vào người. Tuy da lành của người có đề kháng với nọc rắn nhưng da lành của chuột thì không được như vậy. Nọc từ loài đại khắc tinh cũng là chất kịch độc của chuột. Con chuột bị trúng nọc rắn phun vào mình thì tắt hẳn tiếng kêu, cả thân hình bỗng chốc cứng đơ và bắt đầu bốc khói. Cảm giác như nọc độc của rắn đang ăn mòn dần thân hình của nó. Cả cơ thể con chuột bắt đầu bị phân hủy và chẳng mấy chốc biến mất vào hư không, chỉ còn sót lại một nhúm lông chuột bốc khói trắng. Lữ Hàn nhìn thấy hoàn toàn diễn biến từ đầu đến cuối. Khi làn khói trắng dần tắt ngúm thì bốn con mắt của anh và con rắn đang nhìn đối diện vào nhau. Hai mắt rắn lóe sáng. Rồi con rắn trườn đi khuất vào một bụi cây cảnh lớn cách đó không xa lắm. Lữ Hàn đành quay lại tòa nhà, trở lại căn hộ hiện trường vụ án con chuột khổng lồ này. Người phụ nữ chủ căn hộ đã dần hoàn hồn, kể lại rằng tối nay bà ta mua một cái bánh Pizza phô mai về nhà ăn. Nhưng khi mới mở hộp, chưa kịp ăn miếng nào thì nghe tiếng động lịch kịch ngoài cửa. Bà ta ra mở cửa thì con chuột khổng lồ đó bò ngang qua trước mặt, bò vào nhà, lấy chân trước hất cái bánh pizza thơm ngon xuống đất để ngấu nghiến. Bà ta quá hoảng sợ, hét lên, đi giật lùi ra khỏi cửa và ngã ngồi xuống nền đất hành lang. Lúc đó mọi người chạy đến và diễn biến tiếp theo xảy ra như ở trên. Câu chuyện quá đơn giản nên Lữ Hàn không biết làm gì hơn ngoài an ủi người phụ nữ mấy câu và trở về căn hộ của mình. Lữ Hàn biết người phụ nữ này. Người này khá nổi tiếng trong chung cư. Bà ta rất ghét mèo. Hằng ngày cứ thấy mèo hoang là bà ta xua đuổi hoặc nhặt những thứ linh tinh dưới đất để ném vào mấy con mèo hoang. Hoặc gặp mèo nuôi nhà hàng xóm thì bà ta cũng xua đuổi tương tự như vậy. Thực ra bà ta cũng có nỗi khổ. Người phụ nữ ấy bị dị ứng với lông mèo nên không muốn mèo lại gần mình. Nhưng vì lợi ích của bản thân mà chọn cách cư xử đầy thành kiến như vậy cũng thật không hay. Mà không chỉ có bà ta, nhiều người trong chúng ta cũng hay chọn cách cư xử thành kiến như vậy khi bước ra đường. Đa số chúng ta sẽ vì lợi ích cá nhân mà vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, chạy lấn tuyến. Nhưng khi gặp các nhà chấp pháp giao thông, chúng ta chẳng bao giờ chịu rằng đó là lỗi của bản thân, mà luôn chấp niệm đó là lỗi của quy hoạch, lỗi của thiết kế, lỗi của những người khác chạy sai khiến cho bản thân mình chạy sai theo. Dần dần chúng ta mang thành kiến nặng nề chống đối lại các nhà chấp pháp. Mèo có mèo này mèo nọ. Người cũng có người này người kia. Chỉ có ở thiên đường thì chúng ta mới gặp được những vị thánh làm nhiệm vụ chấp pháp để khiến chúng ta hài lòng hoàn toàn. Còn ở chốn nhân gian, các nhà chấp pháp cũng vẫn là người không hoàn hảo như chính chúng ta vậy. Khi chống đối lại các nhà chấp pháp, chúng ta vô tình trở thành đồng minh biện hộ và bảo vệ cho những người vi phạm luật giao thông khác bằng nhiều hành động khác nhau: thông báo cho người khác biết phía trước có chốt kiểm soát giao thông, có chốt kiểm tra nồng độ cồn, có chốt bắn tốc độ, biện minh cho những người bị phạt, thậm chí có hành động chống đối khi thấy lực lượng chấp pháp đang trấn áp những kẻ vi phạm manh động… Chúng ta làm tất cả những điều đó mà không hề biết, khi lưu thông trên đường, người lái xe bên cạnh chúng ta là ai. Đó có thể là người lương thiện đang đi làm, có thể là người đang chuẩn bị tham gia vào một trận hỗn chiến, có thể là người đang đi giao ma túy, có thể là người đang mắc bệnh tâm thần, có thể là người vừa giết một người khác và đang di chuyển khỏi hiện trường… Nhưng chúng ta cứ mang thành kiến nặng nề và chống đối đó với những người chấp pháp thì dần dần chúng ta trở thành đồng phạm với những kẻ phạm tội lúc nào không hay. Khi nhiều người trở nên giống chúng ta, nó sẽ tạo ra một xã hội sẵn sàng phạm luật, sẵn sàng đổ lỗi của bản thân lên lực lượng chấp pháp và trở nên manh động, trong khi hằng ngày chúng ta là một người hiền lành. Đó là một quá trình diễn biến chậm chạp và lâu dài khiến chúng ta khó nhận ra. Còn đối với người phụ nữ ghét mèo đó, việc con chuột khổng lồ ghé vào nhà có phải là kết cục nhân quả của quá trình bà ta xua đuổi khắc tinh của chuột hay không thì thực không dám chắc. Hoặc có thể đó chỉ đơn giản là mối nhân duyên với chuột của bà ấy mà thôi. Còn Lữ Hàn, sau khi về nhà một lúc thì lại nghe thấy tiếng động lịch kịch ngoài cửa. Nhưng may thay, lần này không phải là con chuột khổng lồ ghé thăm như câu chuyện của người phụ nữ hàng xóm. Chỉ là cô gái xin ở nhờ lúc nãy. Khi Lữ Hàn mở cửa, cô gái nhìn Lữ Hàn một chốc và buông một câu gọn lỏn: - Tôi đói rồi.