- Chị ấy đã dạy anh những gì, kể ta nghe xem nào. Thiên Thành cong môi hờn dỗi. - Đúng là trăm nghe không bằng một thấy, kiến thức hội họa của cô ấy không phải là tầm thường. Ta đã lĩnh giáo được không ít, như Lục pháp luận của Tạ Hách thời Lục triều. Khí vận sinh động, cốt pháp dụng bút, ứng vật tượng hình, tuỳ loại phú thái,  kinh doanh vị trí, truyền di mô tả. Đệ nhất pháp chính là linh hồn xuyên suốt, bao quát những vấn đề cốt lõi. Đó là lý do tại sao khi ta ngắm tranh vẽ, cảm tưởng như đã họa chính xác từng đường nét nhưng vẫn thấy "một chút chưa thể chạm đến". Sự chính xác đó chỉ dừng lại ở hình thức chứ chưa thể hiện được "cốt khí" của đối tượng. - Em thì chẳng có gì để anh lĩnh giáo. Thiên Thành cụp mắt xuống, nhìn trông đến tội. - Sao lại không có gì? Thiên Thành bắn ổi rất giỏi này, bắt đom đóm cũng rất siêu, giấu đồ cũng vô cùng lợi hại. - Anh đừng nhắc chuyện cũ nữa. Ai dạy em dùng ná bắn, ai hậu đậu nên khiến em phải tự tay bắt đom đóm chứ, còn giấu đồ...Đừng cười em nữa. - Được rồi, thế này nhé, người ta chỉ lĩnh giáo họa sĩ khi muốn học vẽ. Hơn nữa không phải ta học vẽ là vì em sao. - Hoa em gửi ta bị mốc đấy, có biết tại sao không? - Nếu đem ra phơi khô luôn thì hoa dễ bị giòn và gãy nên khi anh cắm hoa lên đầu em, em về tới cung là ép luôn. - Vấn đề là hoa anh cắm lên đầu em. Khoan đã, không nên gọi là cắm mà phải nói là gài. - Lúc giận người ta thì là cắm, hết giận lại gọi là gài phải không? - Anh đâu có ý đó. Hoa anh gài lên tóc em đều là hoa tươi, có nước nên khi em mang đi ép luôn thì tất nhiên sẽ dễ bị mốc. Muốn phơi khô cũng phải chọn thời điểm. Em phơi vào ban chiều, ánh nắng chói chang nên khiến hoa sẽ dễ bị héo. Khi phơi phải phơi vào chỗ tối để giữ màu cho hoa. Mỗi loại hoa tùy vào kích thước, cánh dày hay mỏng, to hay nhỏ sẽ có cách phơi khác nhau như ép vào sách hay treo ngược hoa lên trần. Em còn giữ hoa anh gửi không đấy, em sai Nhàn Hạ đem đốt hết rồi phải không? - Không dám trả lời là đốt thật rồi. - Anh lại giận em à. - Thần không dám. Công chúa sai người đem đốt hết tâm tình của thần, thần không dám giận, chỉ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc thôi. . Ta ngập ngừng gọi Nhàn Hạ lại hỏi, chính ta đã sai em ấy đem đốt hết thư mà Quốc Tuấn gửi nhưng ta nghĩ có vẻ như em ấy không có gan đốt hết chúng. - Em có còn giữ thư mà Quốc Tuấn gửi chị không? - Em biết là sẽ có ngày này mà. Nhàn Hạ bấy lâu nay vẫn luôn cất giữ thư của Quốc Tuấn gửi cho ta rất cẩn thận. "Ta yêu em. Ta. Trần Quốc Tuấn. Yêu em". Em cũng yêu anh. Em. Thiên Thành. Yêu anh. Có phải rằng khi bạn yêu một ai đó, cứ tự mình vẽ ra những kết cục, anh ấy không yêu mình, anh ấy yêu mình. Ta còn nhớ năm đó ở chùa Thắng Nghiêm, ta ngốc nghếch ngồi bứt lá cây, yêu này, không yêu này, chậu cây đó nhiều lá quá rốt cuộc ta vẫn không biết khi bứt đến chiếc lá cuối cùng kết quả sẽ là yêu hay không yêu. Hoặc thậm chí nếu kết quả là không yêu ta sẽ tiếp tục thử một chậu cây khác, bứt đến khi nào kết quả là yêu thì thôi. Có những điều giấu kín trong lòng, quay lưng nhìn lại đã thành "rất lâu sau đó". Tương tư là gì, khi chưa yêu, đang yêu và ngay cả khi không còn yêu, con người ta vẫn ngày đêm tương tư. Sáng sáng, ta đều đem thư anh ấy gửi ra đọc, đọc nhiều đến mức thuộc lúc nào không hay. Chiều chiều, ta đều đem những lá thư ép hoa khô ra ngắm, ngắm đến mức cảm tưởng như nhắm mắt lại vẫn có thể vẽ y nguyên cánh hoa ấy. Tối tối trước khi đi ngủ cũng phải ôm chúng vào lòng một chút sau đó mới có thể ngủ ngon. Bệnh tương tư này khó chữa vô cùng! . Ngẫm lại mỗi người sinh ra đều mang trong mình những tài năng xuất chúng, có thể tài năng ấy ẩn mình trong lớp đất khô cằn đang đợi mưa đến, có thể tài năng ấy len lỏi giữa lớp đất màu mỡ. Đừng để tài năng năm ấy của bạn mãi mãi chỉ dừng lại ở hai chữ "tiềm năng". Chẳng thể cầm cây bút lông họa thật đẹp, cũng chẳng thể gảy đàn thật hay nhưng ta có thể kéo căng dây cung, nhẹ buông tay, nhìn mũi tên bay về đích. Người khác không làm được không có nghĩa là bạn không thể làm được và cũng tương tự bạn không cần phải ép mình làm những việc người khác vẫn thường hay làm. Lượt bắn cuối. Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa. Đó là lần đầu tiên ta và anh ấy phải đứng ở hai đầu chiến tuyến. Ta yêu anh ấy là một chuyện, còn tranh đấu là chuyện khác. Mọi thứ đều phải rạch ròi, không có chuyện ta sợ Quốc Tuấn thua ta thì sao hay ta thua anh ấy thì như thế nào. Ta cũng mong anh ấy nghĩ như vậy, đó là cách chúng ta tôn trọng nhau. Lượt bắn ấy ta đã không điều hòa được nhịp thở, khi buông tay có chút do dự nên tên chưa bắn tới đích ta cũng biết không thể nào đi trúng hồng tâm. Ta nhìn sang Quốc Tuấn cũng vừa lúc anh ấy bắn xong mũi tên cuối cùng, anh ấy đi ngang qua ta lại buông câu sến sẩm "Em bắn trúng tim anh rồi". Quốc Tuấn đã bắn chệch, ta là người chiến thắng. Phụ hoàng vỗ tay tán thưởng, xem ra người rất hãnh diện về ta với đám quần thần. Đó là dạng hạnh phúc chưa từng mong chờ đến, vốn không kì vọng nên khi nó xảy ra mới cảm thấy ngạc nhiên đến vậy. Người chỉ biết ta vẫn đang luyện bắn cung, có lẽ đây mới là lần đầu tiên người xem ta biểu diễn. - Thật không hổ danh là hoàng nữ của ta. Phụ hoàng nhìn ta đầy trìu mến. - Có phải con nên đối tốt với Trung Thành Vương hơn một chút không. Người đã đỡ cho con một mũi tên, người đã dạy con học cách bắn cung. Nhưng có vẻ như thằng bé này bắn cung khá tệ, ta đến xem bao nhiêu lần là chừng ấy lần nó thua con. Không biết là nó muốn nhường con hay là thực sự không giỏi bắn cung. Hôm nay cũng không thấy thi đấu. - Phụ hoàng từng đến xem con bắn cung ư? - Thì người làm cha như ta cũng có đôi chút tò mò. - Phận làm con như con vô cùng cảm kích. Phụ hoàng đã đến thao trường lúc nào mà ta chẳng hay biết. Nhưng ta có cảm giác như người đang hiểu lầm mối quan hệ giữa ta và Trung Thành Vương. . Nội dung thi đấu tiếp theo: Cưỡi ngựa bắn cung. Lúc này ta đã về vị trí ngồi, đợi đến màn trình diễn của Quốc Tuấn. Anh ấy thong dong dắt ngựa đến trước đường ngựa chạy, nhẹ nhàng vuốt ve thì thầm với nó điều gì đó. Đường ngựa chạy cách bia 150 bộ, người cưỡi ngựa phải dùng cung bắn trúng càng gần hồng tâm của bia càng tốt. "Đáng nhẽ chị nên đến động viên anh ấy vài câu chứ. Anh ấy đang nhìn về phía chị kìa. Chị có thấy hồi hộp y như em ngày trước đứng ngồi không yên xem anh Quốc Tuấn đá cầu không. Sợ anh ấy không đỡ được cầu, sợ cầu rơi xuống đất". Ta như thấy bạn nhỏ Thiên Thành năm nào ngồi chống cằm hướng ánh nhìn về phía Quốc Tuấn. Chị không muốn làm anh ấy phân tâm, chị biết một tiếng gọi của chị cũng đủ làm anh ấy xao nhãng. Ngồi trên lưng ngựa, vừa phi ngựa, vừa bắn cung, thực sự rất nguy hiểm. Chị luôn có cảm giác ngồi trên yên ngựa thật chênh vênh, dễ ngã nên đến tận bây giờ chị vẫn chưa một lần thử cưỡi ngựa. Có phải khi con người ta trưởng thành sẽ thường lựa chọn sự an toàn, sẽ chẳng muốn phiêu lưu, mạo hiểm nữa? Không chiến thắng cũng được, chỉ cần anh ấy được bình an. Tiếng vó ngựa lộc cộc, ngựa đi đến đâu bụi phong trần mờ mịt bay đến đó. Một mình, một ngựa, một cung, lần lượt từng bia đích, Quốc Tuấn phi nước đại quay lưng bắn về phía tấm bia cuối cùng. Anh ấy đã hoàn thành bài thi trong sự trầm trồ, thán phục của cả thao trường. Quốc Tuấn ung dung cho ngựa đi về phía ta, kéo dây cương dừng ngựa lại, cảm tưởng như hai đứa có thể cứ nhìn nhau mà mỉm cười mãi như vậy. Ta cũng chẳng hay Quốc Tuấn học mấy câu nghe lãng mạn vô cùng từ đâu ra. Khi ta hỏi anh ấy có yêu ta không, anh ấy hay ví von với việc khi đứng giữa đại dương bao la, hay ngắm nhìn cả ngân hà rộng lớn nhưng không biết tại sao vĩnh viễn không thể quên con suối lúc nhỏ chơi đùa cũng như trong lòng chỉ có mỗi một ngôi sao nhỏ bé. Có những người nhìn vào chỉ thấy toàn khuyết điểm, chỉ có một ưu điểm duy nhất đó là chẳng thể thay thế được. Đến lượt Trung Thành Vương thi đấu, mọi thứ trông có vẻ khá ổn cho đến giữa đường ngựa chạy. Anh ấy trước đây cũng từng "dụ dỗ" ta học cưỡi ngựa rất nhiều lần nhưng ta đều từ chối. Nguyên nhân phần lớn là do ta sợ cảm giác ngồi trên lưng ngựa. Ngựa của Trung Thành Vương bỗng lồng lên, anh ấy vội buông cây cung trên tay, kéo ghìm dây cương lại nhưng có vẻ không có tác dụng gì. Cuối cùng Trung Thành Vương nhảy xuống đất từ bên hông của nó, cũng may anh ấy nghiêng người lăn xuống chứ không tiếp đất bằng đầu hay lưng. Ta nhanh chạy ra xem tình hình của Trung Thành Vương. Cả thao trường náo loạn lên, người gọi thái y, người lo giữ con ngựa bất kham ấy lại. Cuộc thi cũng tự động chấm dứt vì sự cố hy hữu này. Giống như năm ấy Trung Thành Vương đỡ cho ta một mũi tên, anh ấy luôn nói rằng mình sẽ không sao đâu.