Chương 7   Tô Thiệm ở bên cạnh nói: "Nếu Minh Thành bằng được một phần mười Thừa Phương, ta đã thắp nhang tạ ơn tổ tông phù hộ rồi....." Ý là nhắc tới chuyện Tô Thừa Phương vừa được thăng nhiệm Công bộ Thị lang.   Tô Thiệm luôn hết lời khen ngợi Tô Thừa Phương, Tô Nguyên nghe nhiều đến mức tai mọc kén luôn rồi.   Lão phu nhân sợ Tô Minh Thành mất mặt, lớn từng ấy tuổi rồi còn bị phụ thân so sánh bèn nói: "Chẳng qua nó có quý nhân dìu dắt, may mắn mà thôi." Bà quay sang La thị: "Hôm nào thời tiết ấm hơn thì dẫn Văn Bác tới đây cho ta xem, nhất định cũng xinh xắn như ba ca ca của nó vậy."   Đứa nhỏ này mới một tuổi, La thị cũng mới hết cữ không lâu, nghe vậy cúi đầu vâng dạ.   Nói đến trẻ con, Tô Thiệm cười nói: "Thừa Phương, nghe nói Nguyễn di nương có thai phải không?"   "Vâng, tháng trước đại phu đã xác nhận." Tô Thừa Phương vuốt cằm.   "Mong là có tin tốt!" Tô Minh Thành nhìn La thị: "Nàng và Nguyễn di nương lúc nào gặp cũng cười cười nói nói, hay là qua xem đi." Hắn ta cười nói với lão phu nhân: "Thượng Tĩnh hay ngại, có khi chốc nữa về nhà lại nhớ thương."   Vì Tô Thừa Phương chưa tái giá nên thi thoảng lão phu nhân vẫn cho Nguyễn Trân ra gặp khách, nhất là thân thích như La thị cũng được gặp vài lần; La thị lại nhát gan, nên nói chuyện với Nguyễn Trân hiền lành cũng khá hợp: "Qua thăm cũng đúng, Nguyễn di nương tốt lắm." Bà khen Nguyễn Trân cũng là vì nể mặt Tô Thừa Phương.   La thị vui vẻ đứng dậy.   Tô Minh Thành tài học thường thường nên không lấy được cô nương danh môn vọng tộc, vì thế đi lối tắt cưới cô nương La gia. Phụ thân La thị là ngự y, La thị cũng học được vài phần bổn sự, kiếp trước nghe nói La thị có xem mạch cho mẫu thân nhưng lúc ấy Tô Nguyên đang ở Đông uyển ngắm hoa với Tô Văn Huệ nên không rõ lắm, không biết đời này thế nào? Tô Nguyên có chút không yên lòng.   Tô Văn Huệ giỏi đoán ý người, biết cảm tình giữa Tô Nguyên và Nguyễn Trân nên bèn lên tiếng: "Chỉ ngắm thược dược cũng không có gì thú vị, không bằng đi nơi khác xem."   Đương nhiên Tô Nguyên không phản đối, kết quả Tô Văn Huệ kéo nàng tới chỗ Nguyễn Trân: "Mẹ ta đang ở đây, đi, vào xem một lát."   Cô nương thật tốt bụng, Tô Nguyên lại càng thích Tô Văn Huệ!   Nguyễn Trân quả thật có chút bối rối, La thị tới đã làm nàng vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, không ngờ sau đó hai cô nương cũng tới.   "Không đi ngắm hoa sao?" Nàng vội hỏi: “Giờ thược dược đang nở rộ, một thời gian nữa sẽ tàn mất."   Tiểu thiếp chính là như vậy, Tô Văn Huệ không khỏi có chút thương hại, khó trách tính tình Tô Nguyên không được tốt lắm, lúc mới làm bạn cứ xù lông lên như con nhím vậy, nhưng ở chung lâu mới phát hiện đây chỉ là một cô nương đơn thuần, rất giàu tình cảm. Năm ngoái khi nghe nói mẫu thân Tô Văn Huệ sinh bệnh, Tô Nguyên còn gửi một gốc linh chi tốt nhất của mình tới cho nàng.   "Con với Nguyên Nguyên ngắm chán rồi mới tới đây." Tô Văn Huệ nhìn ống tay áo đang vén lên của Nguyễn Trân: "Chẳng lẽ mẹ định bắt mạch sao?"   La thị đỏ mặt: "Xem chơi thôi."   "Ngoại tổ phụ là ngự y nổi tiếng thiên hạ cơ mà." Tô Văn Huệ cười, đẩy mẫu thân: "Mẹ mau thử xem, vừa rồi cha còn nói hi vọng có tin tức tốt mà." Nguyễn Trân xắn tay áo lên một chút, mọi người đều chăm chú nhìn La thị, bao gồm cả Tô Nguyên.   Mặt La thị càng đỏ hơn, ngồi xuống đặt tay lên cổ tay Nguyễn Trân.   Từ góc nghiêng nhìn lại, khuôn mặt nho nhỏ của La thị nhu hoà lại an tĩnh. Tô Văn Huệ không giống nàng chút nào, mà lanh lợi hoạt bát giống Tô Minh Thành. Tô Nguyên nhìn mà thầm thở dài trong lòng, đáng tiếc y giả không thể tự y, sau khi sinh bệnh La thị không thể tự chữa cho mình, thậm chí La lão gia tử cũng bó tay, nghe nói là mất trên giường bệnh.   Tô Minh Thành ôm nàng về La gia, ngã xuống dưới mưa.   Tô Nguyên nghĩ đến số phận đoản mệnh của La thị mà thổn thức trong lòng, ánh mắt vẫn luôn nhìn nàng không hề rời đi. La thị bắt mạch rất nghiêm túc, tựa như phát hiện ra gì đó, vẻ mặt có chút kinh ngạc, rồi lại có chút mừng rỡ. Nàng ấy chậm rãi buông tay ra.   "Thế nào?" Nguyễn Trân hỏi.   La thị chỉ cười.   "Mẹ, có phải mẹ biết gì không?" Tô Văn Huệ hỏi: "Mau nói đi mà."   La thị cũng không nói gì mà chỉ hỏi Nguyễn Trân: "Đại phu nói thế nào? Ta nghe nói đại phu Hồi Xuân đường tới xem cho ngươi, ông ấy nói gì?"   "Ông ấy nói còn phải xem đã, nói cái gì mà chưa đủ tháng nên chưa nói được, không thể mở miệng lung tung."   Nghe Nguyễn Trân nói vậy, sắc mặt La thị thay đổi, bên tai như vang lên giọng phụ thân: "Một cô nương như con làm gì có khả năng bắt mạch cho người khác. Con cũng không phải nam nhi, còn không bằng đi học nữ hồng, đừng ở đây nói hươu nói vượn, ảnh hưởng đến tính mạng người khác." Nàng ấy ngập ngừng lên tiếng: "Ngươi mới hoài hơn một tháng, khó mà nói được, vẫn là đợi một thời gian mời đại phu đi. Đinh đại phu còn không nhìn ra thì sao ta nhìn ra được."   Tô Văn Huệ bất mãn: "Mẹ, mẹ không nói trước được sao?"   La thị lắc đầu: "Ta không xem được."   Tô Nguyên hơi trợn mắt, rõ ràng La thị phát hiện gì đó nhưng sao đột nhiên lại sửa miệng, chẳng lẽ thai nhi không tốt ư? Tại sao lại không nói?   Nguyễn Trân không thích ép buộc người khác, huống chi đã biết tình cách La thị là như vậy nên chỉ cười: "Quên đi, dù sao ta cũng không vội vã muốn biết." Nàng gọi người dâng trà: "Uống chút trà nóng đi, ta nhớ ngươi thích uống Bích loa xuân đúng không? Chỗ ta có một ít mới mang tới, uống rất thơm."   Mọi người an vị uống trà.   Người Tô Nguyên để ý nhất kiếp này chính là Nguyễn Trân, người nào chuyện gì cũng chẳng bằng mẫu thân, nên nàng rất muốn hỏi lại một câu. Vì bọn họ tới nên lão phu nhân đã sớm chuẩn bị yến hội, cũng gọi Nguyễn Trân nhập tịch. Khi tiệc rượu khai màn, Tô Nguyên bước nhanh tới bên La thị, kéo nàng trốn sau một bồn thông cảnh, nhẹ giọng hỏi: "Đường thẩm, ngài nói cho ta biết đi, mạch của di nương sao thế, có phải không tốt không?"   "Không." La thị bị dọa nhảy dựng, vội nói: "Không, tốt lắm."   "Vậy sao ngài không nói?" Tô Nguyên biết nàng ấy nhát gan nên thanh âm cũng nhỏ đi, dụ dỗ bảo: "Nói cho mình ta thôi được không? Ta thật sự rất lo lắng, lo lắng thì đêm sẽ ngủ không ngon."   TTiểu cô nương đang khẩn cầu có đôi mắt giống như hồ nước dưới trời sao; tay áo của La thị bị kéo đến mức nàng không thể động đậy. Biết không lay chuyển được Tô Nguyên, lại sợ tiểu cô nương quá sốt ruột mà la lên trước mặt mọi người nên vội vàng nói: "Ta cảm thấy mạch tượng giống mạch tượng thai thứ nhất của ta.... nhưng ta không dám chắc, ngay cả Đinh đại phu cũng không dám nói chắc. Được rồi, chỉ nghe thôi đấy, ngàn vạn lần không được nói với ai khác, phần lớn lời ta nói là nói bừa thôi."   Lần thứ nhất La thị hoài long phượng thai, sinh Tô Văn Huệ và ca ca Tô Văn Nhuận.   Tô Nguyên trợn tròn mắt.   La thị sợ người khác nhìn thấy bèn nhanh chóng rút tay ra khỏi tay Tô Nguyên, quay lại chỗ Tô Minh Thành.   Rất lâu sau, Tô Nguyên vẫn chưa bình tĩnh lại được.   Chẳng lẽ mẫu thân hoài long phượng thai ư? Nhưng kiếp trước nàng chưa hề nghe thấy cái tin này, mà vẫn chỉ nghĩ là sẽ có thêm một muội muội mà thôi... thế chẳng phải phụ thân sẽ có con trai sao? Trong phút chốc, Tô Nguyên, vui vẻ vô cùng, nhưng nhớ lại lời La thị nói nàng không dám chắc bèn tỉnh hẳn.   Có lẽ nên mời đại phu để xem lại.   Nàng muốn nói chuyện với phụ thân, nhưng quay đầu lại đã thấy Tô Thừa Phương đang nói chuyện với Nguyễn Trân. Y mặc hạ bào nhẹ nhàng, trắng tựa tuyết trắng, nền vải gần như không có hoa văn gì, nhưng trông vẫn đẹp đẽ, quý phái vô cùng.   "Lão thái thái nhờ người đưa tới một giỏ đào và dưa lê, đều là quả nàng thích, ta đã sai người đưa về phòng rồi." Tô Thừa Phương cũng đã sai người báo tin cho người nhà Nguyễn Trân.   Đôi mắt của nam nhân toả ra ánh sáng lung linh, còn đẹp hơn cả bảo thạch. Mặt nàng bị nhìn đến mức đỏ ửng, nhẹ giọng nói: "Chắc do mẫu thân tự trồng, nghe ca ca nói hai năm trước mẹ tạo một vườn nhỏ trong nhà trồng hoa quả, có lẽ cuối cùng cũng đã có quả chín rồi."   "Lão thái thái thật đúng là người thanh nhàn." Tô Thừa Phương nghe vậy bèn mỉm cười.   Hai người đang nói tới Quý thị, mẫu thân của Nguyễn Trân, cũng chính là ngoại tổ mẫu của Tô Nguyên, đương nhiên không phải ngoại tổ mẫu trên danh nghĩa. Mẫu thân của Tô phu nhân Chân thị đã sớm tạ thế, vì thế Tô Nguyên chưa từng được gặp, sau lại được Nguyễn Trân nuôi lớn nên nàng đã sớm coi Nguyễn Trân là mẫu thân, nghiễm nhiên cũng coi người Nguyễn gia là nhà ngoại của mình. Quý thị tư dung phúc hậu, hoà ái dễ gần, mỗi lần đến Tô gia đều đối xử rất tốt với Tô Nguyên, mà lòng tốt ấy lại xuất phát từ tận chân tâm, sao Tô Nguyên có thể không thích cho được.   Nàng rất sốt ruột.   Bởi vì kiếp trước, Quý thị nhiễm bệnh vào năm nay, tới tháng chín đột nhiên nặng lên, Nguyễn Trân bất chấp việc mình đang mang thai mà đi Tấn Huyền vì muốn thấy bà lần cuối, sau đó gặp chuyện trên đường.   Mẫu thân mất, Quý thị quá đau xót cũng nhanh chóng vĩnh biệt cõi đời.   Hồi ức quá mức nặng nề, khiến cho người ta hít thở không thông. Tô Nguyên nặng nhọc hít thở, cảm giác bi thương đột nhiên trỗi dậy. Hai năm, nàng mất quá nhiều người nhà.   Rốt cuộc phải làm sao mới có thể cứu vãn mọi thứ?   Phu thê Quý thị ở Tấn Huyền, tất nhiên không thể gọi họ tới kinh thành được, không có lý do thích hợp, nàng cũng không dám mạo muội nói với phụ thân. Về phần Nguyễn Trân, Tô Nguyên lắc đầu, mẫu thân không phải là người thích tranh quyền tranh thế, muốn người nói vài câu trước mặt phụ thân cũng rất khó khăn.   Cũng bởi vậy nên tổ mẫu mới có thể dung hạ mẫu thân, mới có thể nhắm một mắt mở một mắt cho mình tới thăm mẫu thân, nhiều lắm là nói hai câu không đau không ngứa.   Lúc Tô Nguyên đang sầu não, phía sau lại có bước chân dồn dập. Nàng quay đầu nhìn lại, thấy môtj tuỳ tùng vội vã chạy tới bên người Tô Thừa Phương, cúi đầu nói: "Lão gia, Nguyễn gia công tử tới bái phỏng."   Không phải là cậu sao? Tô Nguyên rất vui vẻ.   Nàng rất thích Nguyễn Trực, vì Nguyễn Trực luôn trực tiếp thể hiện tình cảm với mẫu thân và nàng, không hề để ý tới cái nhìn của người khác. Có khi gặp Tô Cẩm bắt nạt nàng, Nguyễn Trực cũng mặc kệ Tô Cẩm có phải tiểu cô nương không, sẽ thẳng mặt trách cứ. Vì thế khi nhắc tới cậu, mẫu thân luôn cười khổ, mà tổ mẫu thì... Tô Nguyên nhìn phía lão phu nhân, phát hiện thấy sắc mặt lão nhân gia rất khó coi.   Quả thật, tính tình hai huynh muội Nguyễn gia rất khác biệt.   Tô Thừa Phương cũng không cảm thấy kinh ngạc vì Nguyễn Trực tới, chắc Nguyễn lão phu nhân đã nói với Nguyễn Trực nên y mới tới thăm, vậy là y bèn sai người mời vào.   Nguyễn Trân lặng lẽ kéo tay áo hắn: "Hay là để ca ca chờ ta ở vườn thược dược, ta nói mấy câu với huynh ấy là được rồi."   Hôm nay nhiều khách, nàng sợ Nguyễn Trực đắc tội với người ta.   Tô Thừa Phương trấn an: "Minh Thành cũng quen y mà, không sao, hơn nữa y bỏ thương theo văn, tháng tám năm nay còn đang muốn thi hương, tương lai trúng cử nhập quan cũng phải xã giao, chẳng lẽ nàng còn lo cho y mãi sao?"   Những lời này khiến lòng Nguyễn Trân ngổn ngang trăm mối, sao nàng có thể không biết lý do Nguyễn Trực đột nhiên dùi mài kinh sử. Huynh ấy chưa bao giờ cầm sách đọc, mà giờ lại khắc khổ mười ba năm, sáu năm trước thi trúng tú tài, ba năm trước thi trượt, mà nay lại tham gia thi hương, thật sự có thể đỗ sao? Những người khác thì đã học hành từ nhỏ, còn được danh sư chỉ điểm.   Nàng nhẹ nhàng thở dài.   Tô Thừa Phương kêu gã sai vặt mời Nguyễn Trực vào.   Rất nhanh, có một người đàn ông đi vào trong đình. Y mặc áo dài Hàng Châu màu xanh nhạt, cổ áo và tay áo dùng tơ vàng ngân tuyến thêu hoa văn xuân yến(*), toả sáng lấp lánh. Y đeo thắt lưng màu vàng, trên đó treo bốn cái hầu bao đủ mọi màu sắc, còn có cả một miếng ngọc mỡ dê đẹp không tì vết, thoạt nhìn thật giống như công tử nhà giàu chốn kinh kì. May mắn ngũ quan anh tuấn, hai mắt sắc bén, mũi cao mày rậm làm khí chất toàn thân đầy phóng khoáng.   (*) Xuân yến: Chim chóc, mùa xuân.   Tô Nguyên cười rộ lên, người kiếp trước nàng không đợi được, rốt cuộc nay lại gặp ở đây.