Những người trên vùng biển ngày hôm đó đều là ngư dân, không phải chiến binh người Nhật. Nhưng khi nhận được lệnh trở thành một phần trong cỗ máy chiến tranh của Nhật Hoàng, họ ngoan ngoãn chấp nhận thi hành nhiệm vụ, và sẵn sàng ở vị trí chiến đấu trong hàng ngàn con tàu nối nhau loanh quanh quần đảo tạo thành một hệ thống báo động hữu hiệu. Thậm chí họ vẫn được tiếp tục nghề đánh cá nhưng, trong những lúc không có chiến tranh, với trách nhiệm để mắt đến bất kỳ sự xâm chiếm nào của tàu thuyền Hoa Kỳ. Đám người trên tàu Nitto Maru vẫn thường xuyên rong ruổi ra ngoài Thái Bình Dương nhiều ngày nay nhưng không gặp một tàu lạ nào. Thế nên họ không có sự chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin xấu khi một buổi sáng sớm ngày 18/04/1942, họ nhìn thấy một đội tàu gồm vài chiếc khổng lồ xình xịch tiến về phía Nhật Bản. Đây là một cảnh tượng lạ. Họ không được huấn luyện để biết tàu địch hoặc thậm chí phân biệt đâu là tàu địch đâu là tàu bạn, nhưng có một điều họ chắc chắn phải làm là báo cáo cấp trên. Một trong những người đánh cá ấy tên là Nakamura Suekichi chạy đến buồng thuyền trưởng Gisaku Maeda. Maeda bắt đầu liên lạc bằng bộ đàm đến Kysho, tàu chỉ huy của hạm đội 5 của Nhật Bản. Khi họ nhìn thấy bóng dáng của một trong những con tàu đang tiến về phía họ, tàu ấy có tên là USS Nashville. Và đạn bắt đầu bắn như mưa cày xới những đợt sóng đang dâng tràn quanh tàu họ. * Rafe và Danny cũng như những phi công khác đang nằm trên giường cố nghỉ ngơi trước khi thực hiện một chuyến bay dài. Đúng lúc ấy, họ nghe tiếng chuông báo động vang lên khắp con tàu và máy bộ đàm bắt đầu hoạt động: Báo động, báo động! Mọi người chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Cả hai nhào vọt ra ngoài hành lang, thấy thủy thủ chạy tỏa ra mọi ngả. - Còn cách bờ biển Nhật Bản rất xa mà! Phải chăng là một đợt luyện tập nữa. Danny tự hỏi. Rafe đáp: - Tớ không biết. Có cái gì khiến bọn họ đang nhao nhác cả lên. Đại tá Doolittle trèo lên cầu chỉ huy của con tàu Hornet, thấy chỉ huy Halsey đã tụ tập cùng đoàn thủy thủ. - Có chuyện rồi! - Halsey báo Doolittle. Không nghi ngờ gì chuyện ấy, ông nhìn thấy những tay súng trên boong đang nã đạn như mưa. Doolittle nói: - Chúng ta còn cách Tokyo bao xa? - 700 hải lý. Vài phút sau, loa phóng thanh phá đi mệnh lệnh. - Các phi công đâu? Vào vị trí trên máy bay của các anh ngay. * Thiếu tá Jackson đưa Evelyn vào trong toà nhà không có gì là lạ lùng, ngoại trừ không có biển đề nơi ngưỡng cửa báo cho khách đến viếng thăm toà nhà(…………) này tên là gì. Nếu có ai hỏi thì người ta sẽ bảo đây là đài phát thanh, như thế đủ giải thích cho hàng ăngten nối nhau phía trên mái nhà. Evelyn theo Jacksonđi dọc theo hành lang dài, có lính gác trang bị súng đứng canh phòng cẩn mật. Sau đó họ bước vào trong một căn phòng trắng có khoảng hơn chục người viết tốc ký và nhiều nhân viên giải mã ngồi sau bàn làm việc. Nàng nhìn lướt qua khu vực có một phòng riêng biệt phía bên kia bức tường kính dày. Trong đó một đám đông căng thẳng ngồi bên máy bộ đàm thi nhau làm việc. Jackson đưa Evelyn qua hai lần cửa của phòng này đến một bàn trống, ông thì thầm: - Đừng nói gì với họ và họ cũng không hỏi gì nàng đâu. Cứ giả vờ ngồi đánh máy những tin tức mà chúng tôi đưa cho nàng. Trong phòng sặc mùi khói thuốc lá và mùi mồ hôi. Evelyn chỉ muốn lộn mửa. Bụng nàng quặn đau. Jackson ngồi ở giữa đám người đeo tai nghe. Một người trong số họ, một người Mỹ gốc Nhật Bản quay sang ông bảo: - Chúng tôi đã bắt được đài tàu Nhật truyền tin cho nhau. Họ đã phát hiện ra những tàu hàng không mẫu hạm của chúng ta. Vừa nghe tới đó, Evelyn đã hối hận. Nàng tự nhủ, ước gì mình đừng tới đây. * Cách đó 2000 dặm, những người đứng trên boong tàu hàng không mẫu hạm Hornet cho tàu chạy xuôi theo chiều gió, tăng tốc độ lên tối đa. Đám phi công thuộc binh chủng không quân tỏa ra trên boong tàu. Những thủy thủ thuộc quân số hải quân đã đứng đợi sẵn ở đó, cố chống chọi với những cơn gió mạnh, kiểm tra mật hiệu, nhốn nhào đối phó với thay đổi bất ngờ của kế hoạch tấn công. Tàu tuần dương ở sát mạn phải của mẫu hạm Hornet vẫn tiếp tục nã đạn vào canô đi tuần của Nhật. Doolittle chạy trên boong, ông thấy Ross Greening đã sắn tay vào việc tự lúc nào. - Cất cánh từ vị trí này quá xa mục tiêu - Greening gào lên cố át tiếng gió rít và mưa rơi dày đặc. - Thế thì các máy bay này phải cần thêm nhiên liệu vì đường xa hơn bắt buộc phải có trọng tải nhẹ ở mức thích hợp để có thể cất cánh. Máy bay của Dollittle đã đứng ở vị trí đầu của hàng máy bay thả bom, ngay đằng sau đó, hai chiếc máy bay của Rafe và Danny đang sẵn sàng chờ lệnh của ông. Ông chạy đến và bảo: - Vất tất cả những gì các cậu không cần ra máy bay, mọi thứ. Truyền lệnh của tôi đến những người khác, bảo họ làm đúng như lời tôi nói nghe chưa! Khi họ luống cuống làm theo lời ông, Doolittle trở lại nói với Greening. - Ross, cậu hãy xem phía trước có gì trở ngại không? Vậy là quãng đường bay của họ dài thêm 300 dặm nữa. Mỗi phần trọng tải, mỗi một giọt nhiên liệu có ý nghĩa sống còn trong lúc này. Đám phi công nhào vào trong những chiếc máy bay đứng sau họ bắt đầu quăng ra ngoài những vật dụng thừa mà họ định mang theo trong chuyến bay qua Nhật Bản để đến Trung Quốc. Một hoa tiêu dọn ra khỏi máy bay một cái máy quay đĩa và nhiều đĩa hát mà anh ta yêu quý. Nhiều phi công khác quăng ra một bịch giấy vệ sinh vì người ta đe dọa anh rằng Trung Quốc sẽ không tìm đâu ra giấy vệ sinh mà sài, nên anh mới mang đi cả đống như vậy. Mặc dù đã cố gắng đến thế, nhưng trọng tải của họ vẫn bị dư. Đó là theo Greening. Ông nhào lên một chiếc máy bay, tháo chiếc ghế bằng sắt ở vị trí phụ lái, quăng nó xuống boong tàu trước con mắt kinh hoàng của Rafe. Rafe đứng bên dưới chiếc bụng máy bay chui đầu vào cửa mở từ bụng chiếc máy bay ấy. - Thưa chỉ huy, vậy tôi sẽ ngồi đâu ạ! Greening trả lời bằng cách vỗ mạnh vào chiếc ghế đẩu bằng gỗ vừa thế vào chiếc ghế sắt của phụ lái. Rafe thốt lên: - Trời ơi! Suốt 8g đồng hồ bay, tôi buộc phải ngồi trên chiếc ghế này sao? - Này, tôi nói cho cậu nghe nhé! Cả cậu và đội bay nên đi tiểu trước khi lên máy bay đi, nếu không thì phi cơ của cậu không thể cất cánh khỏi cái cầu tàu này được đâu. Bởi vì nước trữ lượng trong người cậu cũng khiến cho trọng tải của máy bay nặng thêm đấy. - Nói xong, ông trèo xuống đi ngang qua Rafe, và đến bên chiếc máy bay kế tiếp. Chợt Greening đứng sững lại suy nghĩ. Ông quay người chộp lấy một thủy thủ đi ngang qua. - Đi tìm cho tôi mấy cái chổi, cây lau nhà, bất cứ thứ gì có tay cầm là một thanh gỗ dài ấy. Mang dầu hắc và cọ sơn đến đây. Không ngần ngừ, anh lính thủy vội vã đi ngay. Khi anh ta quay trở lại, đã thấy Greening lôi hết những khẩu súng máy được chuẩn bị chỉnh tề ở khoang cuối của máy bay. - Cưa đám chổi ấy, chỉ lấy cán chổi, sơn nhựa đường lên cho đen và đặt chúng vào chỗ vẫn đặt súng ấy. Sau đó, đến nhà bếp đem mấy cái nồi to mà anh nuôi vẫn hay nấu soup ấy, đổ đầy xăng máy bay vào đó làm nhiên liệu dự trữ, đi ngay đi! Xa xa ngoài khơi, một chiếc canô tuần tiễu của Nhật đã trúng đạn và nổ tung. Rafe và Danny gặp nhau vì máy bay của họ từng đợt đang quăng xuống dưới sàn tàu và những chiếc gậy được sơn lên vào vị trí ấy. Danny nhận xét: Biết đâu trò này lại dọa được bọn Nhật. Họ đưa mắt cho nhau. Sau đó, mỗi người về máy bay của mình. * Trong phòng điều hành, các kỹ thuật viên ngồi còm lưng mỏi cổ và căng thẳng cố nắm bắt lấy từng âm thanh lướt qua tai họ. Evelyn đã thôi không cố tỏ ra bận rộn nữa. Chẳng ai thèm để ý đến nàng. Và người có đeo headphone chịu trách nhiệm tiếp sóng từ Washington ngẩn đầu lên nghe ngóng. Anh thì thầm: Roger rồi bịt ống nghe lại thông báo cho cả phòng: - Phòng tác chiến cho rằng các phi công nên xuất phát ngay lúc này. Jackson lắc đầu: - Phải chờ tin của Doolittle đã. Không có ai ở Washington đủ lực hủy bỏ chiến dịch vào lúc này. Tất nhiên cũng có một số người nắm quyền lực, một thế lực đủ khả năng nói với tư lệnh Halsey đang lênh đênh giữa biển khơi là đừng quá tin tưởng vào nhận xét của ông ta hoặc nói với đại tá Jimmy Doolittle mà lúc này đang dẫn đầu đoàn máy bay cất cánh trên không trung. Cứ tưởng bở rằng anh biết nhiều hơn, hay hơn ông ta đi. Không ai ở Hoa Kỳ dám làm điều đó, thế nên họ đành đợi và nghe tin tức báo về. * Trên con tàu Hornet, người ta đã khởi động cho các động cơ máy bay, thăm dò tốc độ gió, mong mỏi máy bay xuất phát được an toàn. Doolittle ngồi sau đoàn máy bay thả bom dẫn đầu cả đội. Tiếng động cơ nổ rất êm. Ngoài kia, ngài tư lệnh ra lệnh cho cả đội và Ross Greening cùng đứng trên boong tàu cầm một tấm bảng viết phấn giơ lên cho Doolittle xem. Doolittle liếc nhìn lá cờ hiệu bay phần phật dọc theo mặt phía trên của tàu hàng không mẫu hạm. Gió thổi mạnh, nhưng mưa không lớn lắm. Doolittle cảm giác máy bay là một phần thân thể ông, mọi vật nhoà đi và ông cảm thấy bánh xe đang lăn mặc dù đã nhấn thắng. Trước mặt ông, đường băng trên hàng không mẫu hạm ngắn không thể tả. Và nếu dưới mắt ông, nó ngắn như thế thì ông cũng có thể hình dung ra nó như thế nào trong mắt những người khác. Hơn nữa những phi công dưới quyền ông lúc này đều hầu hết chưa bao giờ cất cánh lên đường chiến đấu từ một sân bay quân sự đầy đủ tiện nghi, chứ đừng nói là cất cánh từ một boong tàu của một tàu chiến đang lắc lư ngoài khơi. Giờ thì máy bay đã chất đầy bom và nhiên liệu. Trời ơi! Ông đang yêu cầu những chàng trai của mình làm cái trò gì đây. Ông nhìn lá cờ Mỹ bay phần phật trong gió ngoài kia. Ross Greening đang hít một hơi dài và giơ cao tấm bảng có đề chữ: “Lên đường”. Doolittle nhìn ra phía trước, và chào tư lệnh Halsey. Halsey nghiêm mình chào lại, sau đó Doolittle ngoái nhìn Ross Greening một lần nữa và nhả thắng ra. Qua mái vòm kính của buồng lái, Rafe và Danny nhìn thấy chiếc đuôi của máy bay chỉ huy Doolittle bắt đầu tiến lên phía trước cách họ một quãng xa. Chuyển động ấy hình như rất chậm. Cánh quạt xé gió đưa máy bay lướt đi. Mọi người tự nhủ: trời ơi, ông ta không thể cất cánh trong tình trạng này được. Nhưng những người khác thì nghĩ Jimmy Doolittle có thể làm bất cứ điều gì mà ông toan tính với chiếc phi cơ ấy và ông ấy cho rằng làm như thế này là thượng sách. Đã quá nửa đường băng ngắn ngủi mà chiếc máy bay vẫn dán chặt xuống boong tàu, nhưng con tàu đang chạy xuôi theo chiều gió, thế nên điều ấy giúp máy bay đạt đến tốc độ theo yêu cầu sớm hơn. Sức gió là niềm hy vọng duy nhất của họ lúc này. Phi công không thể đứng nhìn máy bay bò chậm như thế lâu hơn nữa. Họ đang cố tưởng tượng ông hoàng Doolittle đang nghĩ gì. Mỗi một vòng quay của bánh xe đều đưa chiếc P-25 đến gần hơn mép của cầu tàu. Lúc này, người ta cho rằng máy bay không có khả năng cất cánh được nữa. Nó sẽ rơi tòm xuống biển hệt như một hòn đá. Nếu thế thì chỉ trong giây lát, máy bay sẽ chìm nghỉm hoặc nếu không bom sẽ phát nổ khiến Doolittle và phi đội của ông chết tan xác. Doolittle đến cuối boong tàu, ông kéo mạnh cần điều khiển, chiếc máy bay ném bom ngóc đầu lên êm ái vút trên không trung thật dễ dàng. Doolittle đã ở trên bầu trời, ông cho máy bay của mình lượn một vòng chào hàng không mẫu hạm. Đám thủy thủ trên boong reo mừng. Tư lệnh và đoàn tùy tùng gật đầu thán phục. Các phi công khác theo gương Doolittle đưa máy bay của họ tiến vào bầu trời. Trong buồng chỉ huy, tư lệnh Halsey nhìn theo cho đến chiếc máy bay cuối cùng rời boong tàu của ông theo lịch trình đến Nhật Bản. Ông nói bâng quơ: - Đây là lần đầu tiên tất cả đàn chim câu ra khỏi lồng và bảo chúng đừng có quay trở về. - Ngừng lại một lát ông nói thêm:- Thôi được, giờ thì chúng ta chuồn khỏi đây thôi - Đoàn tàu chiến của tư lệnh Halsey quay đầu thật nhanh và bắt đầu phóng như bay về phía Trân Châu cảng. Trong phòng thu thanh, người ta căng tai nghe, nhưng không thấy tín hiệu gì. Mọi người đều vã mồ hôi. Mùi mồ hôi chua chát át cả mùi thuốc lá. Evelyn cố giữ hơi thở đều, cảm thấy phổi mình tê liệt lúc nào. Tuy nhiên trái tim nàng không như hai lá phổi kia, nó đập thình thịch trong ngực nàng, thân hình run lên theo từng nhịp tim. * Ngoài khơi Thái Bình Dương, 16 máy bay chỉ cách mặt nước 20 bộ. Rafe và Danny nhìn nhau, máy bay của họ chỉ cách xa 50 bộ. Máy bay của Doolittle dẫn đầu, cả đội hình bay thành hình mũi tên. * Tổng thống Franklin Delani Roosevelt đang phát biểu trước quốc dân đồng bào qua máy phóng thanh phát sóng từ Nhà Trắng. Hơn ½ dân số Hoa Kỳ đang lắng nghe như nuốt lấy từng lời ông: “Từ Berlin, Rome, Tokyo, người ta cho rằng đất nước Hoa Kỳ là quốc gia của những kẻ tay yếu chân mềm, hễ có chuyện là thuê các binh lính của Anh, Nga hoặc Trung Quốc ra ngoài chiến đấu thay. Liệu hôm nay họ còn dám nói thế nữa không? Liệu họ có dám nói những lời ấy với tướng MacArthur và binh lính dưới quyền của ông. Họ cứ thử nói những lời như thế với những chiến binh ngày hôm nay đang bay ở ngoài khơi Thái Bình Dương. Khi ấy các phi công trên những pháo đài bay sẽ trả lời bằng những hành động cho họ thấy, và cả những lính thủy đánh bộ nữa.” Cũng như bất cứ người nào khác, Roosevelt cũng có những nỗi sợ riêng. Nhưng ông dồn nỗi sợ hãi vào tận trong tâm hồn sâu thẳm, lắng xuống trọn vẹn với người thân (?) và làm tròn trọng trách. Ông làm tất cả những gì có thể làm được và chung sống hoà bình với những gì mình không thể thay đổi được. Ông không cầu nguyện cho mình sức mạnh để bước đi vững chãi trên hai chân như trước. Ông cũng không khẩn cầu niềm vinh quang mà ông biết ông xứng đáng được nhận. Nhưng khi ông đã nói đến những lời này rồi thì từ nơi sâu kín nhất của trái tim, ông thực tâm cầu xin Thượng đế cho Jimmy Doolittle và các chàng trai dũng cảm trở về bình an.