Họ cất cánh rời Florida trên chiếc P-25 vào một ngày đầu xuân của vùng duyên hải. Ngay chính vào lúc này, lúc rời căn cứ không quân Eglin lần cuối, họ vẫn tiếp tục tập luyện những kỹ năng bay bằng cách bay thấp suốt dọc đường băng ngang qua lục địa. Hết vùng đất của bang này đến vùng đất của bang khác lùi dần sau họ. Họ bay qua những cánh đồng, những làng mạc và những mái ấm của người dân Mỹ. Họ hạ cánh ở gần cảng San Francisco. Họ được thông báo chỉ vài giờ nữa cả đội sẽ ở trên boong hàng không mẫu hạm USS, Hornet, một trong những hàng không mẫu hạm đã trốn thoát được cuộc tấn công của không tặc Nhật Bản ở Trân Châu cảng, lúc này đang thả neo ở gần đó. Khi họ đến chiếc Hornet, họ thấy máy bay của mình đã được chuẩn bị sẵn sàng trên con tàu khổng lồ, mỗi phi công nhận được một giường ngủ trên tàu. Tới lúc này, họ vẫn chưa biết chính xác mục tiêu của mình là gì, ngay cả các thủy thủ trên tàu cũng không biết gì hết. Đám thủy thủ biết ngay sự kiện trọng đại này là có một không hai. Họ chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe thấy có nói đến những máy bay thả bom của quân đội Mỹ lại được chất lên một tàu hàng không mẫu hạm và thế là những lời đồn thổi thay nhau bay xa. Một vài thủy thủ tưởng rằng tàu của họ sẽ chở những máy bay này đến châu Âu, những người khác rỉ tai nhau rằng nước Mỹ phải có một căn cứ bí mật ở một nơi nào đó trên vùng Thái Bình Dương. Ở đó, máy bay có thể cất cánh tấn công vào những mục tiêu trên đất Nhật. Đám phi công vẫn im hơi lặng tiếng. Doolittle sẽ bảo họ phải làm gì khi ông đã được chuẩn bị sẵn sàng và ở trong tình trạng sức khỏe tốt. Giờ khắc ấy đã đến. Hàng không mẫu hạm Hornet được một đoàn tùy tùng những tàu đi theo bảo vệ, khởi hành từ cảng San Francisco. Lúc ấy, các phi công mới được nhận lệnh họp lại trong phòng tác chiến của tàu. Khi các phi công và cả những đội bay có mặt đông đủ, đại tá Doolittle nói thẳng ngay vào việc. - Thôi nào quý vị, giờ tôi có thể nói thẳng với quý vị rằng, mục tiêu của chúng ta chính là Tokyo. Chúng ta sẽ thả bom vào trung tâm thành phố này. Những người trong phòng ồ lên hồ hởi. Họ đều được huấn luyện kỹ càng rất phấn khích, đều rất trẻ tuổi, dư thừa sinh lực. Họ la ó, cười nói, vỗ vai nhau. Rafe, Danny, Anthony và Red - những người từng chứng kiến vụ Trân Châu cảng thì thầm lặng hơn. Doolittle mặc cho cấp dưới biểu lộ cảm xúc sau một thời gian dài kìm nén. Tuy nhiên cuối cùng ông buộc phải kiềm chế nỗi vui mừng của họ. - Hải quân sẽ đưa chúng ta đến cách bờ biển Nhật Bản 400 hải lý, từ đó, chúng ta cho máy bay cất cánh. Tin tức được đón nhận bằng sự im lặng kéo dài. Những phi công không ngờ mình sẽ xuất phát từ một hàng không mẫu hạm. Doolittle biết họ sẽ rất ngạc nhiên, thế nên ông để họ có thời gian suy ngẫm về điều ấy. Anthony giơ tay xin được nói: - Thưa chỉ huy, chúng tôi tưởng mình sẽ đến thẳng Tokyo từ một sân bay quân sự nhỏ nào đó chứ ạ. Doolittle chỉ đưa mắt nhìn anh ta, và Anthony lúc này ước sao mình chưa thốt ra lời nào, cố sửa chữa lỗi lầm. - Ý tôi là… thưa chỉ huy… đã bao giờ có chuyện máy bay ném bom của quân đội lại xuất phát từ hàng không mẫu hạm của hải quân chưa ạ? Doolittle đáp: - Chưa. Còn ai có thắc mắc gì nữa không? Red đưa tay và bảo: - Đại... đại. Thưa… thưa đại, chúng tôi đã được luyện tập cất… cất cánh. Nhưng… - không muốn đứng đó lắp bắp để làm phiền lòng Doolittle thêm nữa, Red đưa mắt cầu cứu Rafe. Rafe bảo: - Thưa đại tá, tôi nghĩ Red lo lắng một chút bởi vì không hiểu chúng tôi hạ cánh xuống boong tàu của một chiếc hàng không mẫu hạm này như thế nào? - Chúng ta sẽ không đủ nhiên liệu để quay trở về tàu. Doolittle trả lời - Thế nên tàu sẽ quay trở về quần đảo Hawaii ngay vào phút tất cả đội hình của chúng ta đã ở trên không. Red lắp bắp: - Nhưng… nhưng… nhưng nếu tàu trở về căn cứ thì chúng tôi hạ cánh ở đâu ạ? Ánh mắt của Doolittle quét một vòng xung quanh căn phòng đầy ắp những chàng phi công trẻ. Ông cố giữ mắt và giọng nói của mình được bình thản. - Tôi muốn cho mọi người nhớ kỹ câu này: Lushu hoo megwe fuegi nó có nghĩa là: tôi là một người Mỹ. Tiếng Hoa đấy. Thế là đã rõ, họ sẽ hạ cánh xuống đất Trung Quốc 30’ sau khi Doolittle chấm dứt lời chỉ dẫn, hàng không mẫu hạm Hornet cưỡi sóng hướng về phía Tây. Danny và Rafe đứng trơ trọi ở dưới đuôi tàu, dưới kia là mặt nước vỗ sóng. Họ vừa tản bộ dọc theo con tàu khổng lồ. Sau đó, họ đi ngược lại, đếm kỹ từng bước chân. - Ngắn hơn đường băng chúng ta vẫn thường tập luyện. - Rafe bảo - Và nhớ là trên máy bay chứa 900kg bom đạn và 650kg nhiên liệu nữa đấy. Tớ có một câu tiếng Hoa hỏi Doolittle. Câu ấy có nghĩa là: Ai nghĩ ra cái trò quái quỷ thế này. Anthony và Red và những phi công khác cũng bước dọc theo boong tàu, cố tỏ vẻ chẳng qua vì tò mò nên mới làm thế. Khi đại tá Doolittle hiện ra ở cửa chính đến bên đường băng thì đám phi công không thôi đếm bước nữa mà tỏ vẻ bình thản như đang dạo chơi. Làm như thể họ tự nhiên thèm không khí trong lành trên boong tàu. Chỉ lạ là cả đội cùng có cảm giác ấy vào cùng một thời điểm. Doolittle vờ như không biết gì. Ông đến bên Rafe và Danny, đứng bên cạnh họ nhìn ra cuối đường băng. Không thấy ai nói gì, ông khuyến khích. - Sao? Có thắc mắc gì không? Nói ra đi chứ! Rafe bảo: - Thưa ngài, chúng ta có tới những 16 máy bay. - Thì sao? - Không lẽ tất cả đội bay chỉ làm có một nhiệm vụ duy nhất thôi, thưa ngài. Danny nhanh nhảu nói thêm: - Chúng tôi sẽ không hèn nhát rút lui đâu. Nhưng có thể chúng tôi sẽ chết khi thực hiện nhiệm vụ này, nên chúng tôi muốn biết nó diễn ra như thế nào? Doolittle gật đầu. Ông nghĩ ngợi một lát, nhìn họ và nhìn những phi công khác đang đi dọc theo mạn thuyền đằng sau lưng Rafe và Danny rồi nhìn ra mặt biển vô tận trước mặt trước khi trả lời. - Ở Trân Châu cảng, quân Nhật dùng búa tạ giáng cho chúng ta một trận đau điếng. Trong cuộc tấn công này, thậm chí nếu chúng ta hoàn thành nhiệm vụ thì cũng chỉ như cái tát nhẹ vào mặt chúng thôi. Nhưng phải làm thế để cho chúng thôi cái trò lén lút tấn công vào lúc người khác không để ý. Các cậu hiểu chưa? Rafe và Danny gật đầu. Nhưng Doolittle biết nói thế vẫn chưa đủ rõ. Ông nói thêm: - Vinh quang chỉ dành cho những người nào tin tưởng vào mình và giữ được niềm tin ấy cho lâu dài. Chúng ta sẽ tin tưởng và chúng ta sẽ làm cho cả nước Mỹ có cùng niềm tin như mình. Doolittle quay lưng bước và giữa đám phi công. Ông cũng tản bộ theo con tàu y như họ đang làm. Ông muốn lên dây cót tinh thần cho họ. Muốn dùng sự có mặt của mình để thuyết phục họ tự tin hơn để thực thi một nhiệm vụ chưa từng ai làm trước đây. Ông muốn cho họ thấy qua vẻ cương quyết của mình rằng họ không chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ này mà còn có thể sống sót để quay trở về với người thân, gia đình nữa. * Đảo Oahu - nơi có Trân Châu cảng và các đảo khác ở quần đảo Hawaii bây giờ đang trong tình trạng báo động quân sự không ngớt. Những hư hại đang được sửa chữa tại các căn cứ không quân, và sự có mặt của chiến tranh trên không trung đã làm cho bầu không khí ở đây thêm căng thẳng. Ngay cả trong khu nhà dành cho sĩ quan và lính, nơi gia đình của họ đang sống trong dãy nhà gỗ một tầng thì không khí nhà binh ấy ngày càng lan rộng. Không còn đồ chơi con nít vương trên bãi cỏ. Những chiếc xe đạp 3 bánh và xe đạp thường đều được gom trở về nhà trước khi trời tối. Sĩ quan ra khỏi nhà và trở về theo những giờ giấc cố định. Kể từ sau sự kiện kinh hoàng ấy, không một quân nhân nào dám đi làm trễ trong suốt quãng đời quân ngũ của họ nữa. Thiếu tá Jackson bước ra từ một trong những căn nhà gỗ ấy đến bên chiếc xe jeep mà mỗi sáng ông thường rong ruổi để đến căn cứ. Nhưng sáng hôm nay, trước khi ông đến bên chiếc xe jeep của mình, một cô y tá có nét mặt mệt mỏi bước ra khỏi bóng mát tàn cây cọ và, không biết cô ấy đã đứng đợi ở đó bao lâu, cô gái lên tiếng. - Xin lỗi, thiếu tá Jackson, ông còn nhớ tôi không? Jackson không bao giờ quên được khuôn mặt nàng, mặc dù với một góc nhìn rất khác lần trước. Ông nhớ lần ấy mình nằm ngửa, mắt trợn ngược cầu xin nàng cứu giúp và cô gái đã nhét tay mình vào lỗ thủng của động mạch chủ nơi cổ ông. Nếu nàng không làm thế thì giờ ông đã ở dưới suối vàng rồi. - Tôi nhớ chứ! Jackson nói giản dị. Ông nhìn khuôn mặt của nàng, lần trước khuôn mặt cô gái đẹp tuyệt trần, trông nàng chẳng khác nào một vị thần cứu mạng do Chúa trời lệnh xuống trần gian cứu lấy mạng sống của ông. Bây giờ trông nàng vẫn đẹp, nhưng xanh xao, thiếu sinh khí. Cặp mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ đã lâu. Jackson đã được nghe nói lại rằng lúc này các y tá làm việc cực nhọc vô cùng. Ông cũng được tận mắt chứng kiến trong thời gian 4 tuần điều trị tại bệnh viện. Ông hỏi: - Ở bệnh viện, cô không nghỉ ngơi ư? - Có nhưng không nhiều. Nàng cố mỉm cười. Chẳng có vẻ gì vui trong nụ cười heo hắt ấy. Ông thấy cô gái đang lo lắng điều gì. Rõ ràng nàng đến đây để yêu cầu ông một điều gì đấy. Jacksonđưa tay rờ những vết sẹo chằng chịt nơi cổ vào bảo: - Tôi chẳng biết phải cảm ơn cô thế nào. Nàng ngắt lời: - Còn tôi biết trả ơn tôi không khó. Cứ kể cho tôi nghe là được rồi. - Nàng bảo gì cơ? - Một khi có tin tức đến sở chỉ huy về một nhiệm vụ mà các phi công đang phải thực hiện. Tôi muốn nghe tin tức ấy. Ông ngần ngừ, cau mày: - Tôi không biết nàng muốn nói đó là một nhiệm vụ quan trọng gì? Có một chuyện gì đó sắp xảy ra. Ông làm trong ngành tình báo và ông lập tức quay lưng đi về phía chiếc xe Jeep, cố tránh nàng càng xa càng tốt. - Xin lỗi, tôi không hiểu cô đang nói gì. - Ông là một thiếu tá tình báo. Ông biết tôi đang nói gì. - Tôi có thể để người ta bỏ tù cô được. Nàng chộp lấy tay ông đã đặt lên vô lăng: - Thiếu tá, tôi không muốn biết gì hơn ngoài những thứ tôi đã biết. Có hai người thân thích nhất của cuộc đời tôi đang đi vào nguy hiểm vô cùng. Tôi cảm thấy mình vô dụng như biết bao nhiêu người khác cứ ngồi đó lo lắng rằng không biết chuyện gì đã xảy ra với họ. Ông có hiểu như thế có nghĩa là như thế nào không? Jackson im lặng suy nghĩ hồi lâu. Ông bảo: - Nghe này, tôi không thể nói thêm điều gì với cô được. Cô biết rồi mà. Thậm chí chúng ta không nên nói chuyện với nhau nữa cơ. - Ông làm trong ngành tình báo. Có gì là bí mật với ông nữa đâu. - Thì nói chung là thế. - Nói chung ư? Nghe đây ông thiếu tá: Tôi yêu một phi công đã nhiều tháng rồi tôi phải sống chung với cảm giác diễn ra trong từng giây từng phút rằng không biết bây giờ anh ấy ở đâu, anh ấy thế nào, còn sống hay là chết. Những nỗi khắc khoải sợ hãi đó cứ lớn dần lên và như những trái bom nổ tung thân xác tôi khiến tôi kinh hoàng. Lúc nào tôi cũng có cảm tưởng anh ta chết rồi hoặc… - nàng biết nàng đang nói lung tung vô nghĩa, và như thế thì làm sao ông ta hiểu được. Bây giờ có hai người, hai người là cả cuộc đời tôi đang cùng thực hiện nhiệm vụ bí mật kia. Nó bí mật đến nỗi họ thậm chí còn không đươc phép viết thư cho tôi nữa. - Tôi hiểu nổi thống khổ của nàng - Jackson nói, ông ghét cái giọng mình sao bỗng trở nên mềm yếu thế. Ông biết mình nói thờ ơ như vậy chẳng khác nào coi cô gái xinh đẹp kia chỉ là một người đang bị kích động tột cùng cần an ủi. Sự thật là ông ghen tị với bất kỳ thằng đàn ông nào lại được một cô gái quan tâm, nhớ nhung đến nhường này. - Nhưng nàng cũng biết rồi đấy, nước Mỹ đang có chiến tranh. Điệp vụ mật thì ai mà chẳng có. Tôi không được quyền phát ngôn bừa bãi hoặc bàn luận gì về những điệp vụ ấy. Thậm chí tôi còn không được tiết lộ rằng có hay có điệp vụ ấy nữa kia. - Ông nói thêm. Không còn tự chủ được nữa, Evelyn tức giận đứng chống nạnh. - Mọi tin tức đều được thông báo về Trân Châu cảng. Trong cái phòng chẳng có cửa sổ mà ông đang định đến ấy, có những 20 cái ăngten đứng chen chúc nhau trên nóc nhà. Jackson ngạc nhiên không hiểu vì sao cô gái này biết nhiều thế. Trong một lúc, ông mong sao mình đừng phải thề những lời thề phải trung thành với ngành tình báo và việc làm của ông sắp tới không bị những bóng ma tình báo mật của chính phủ phát hiện ra. Evelyn nói cứng cỏi: - Tôi làm trong bệnh xá của phòng tác chiến. Tôi có thẻ an ninh để vào đó, điều tôi muốn biết là chỉ khi có tin tức đến, tôi cũng được nghe để biết rằng người thân của mình còn sống hay đã chết. - Bất cứ sĩ quan nào bắt gặp cô lảng vảng ở đó đều có thể tống giam cô ngay. - Jackson đáp. - Nói để cho ông biết, bất cứ y tá nào nhìn thấy một người đã đứt động mạch chủ đều quay lưng bỏ đi ngay lập tức. Jackson trợn mắt nhìn nàng. Nàng cũng nhìn lại ông. Lát sau, nàng buông tay để mặc ông khởi động chiếc xe jeep và đứng lùi hẳn lại. Ông im lặng nhìn nàng một lúc sau đó lái xe phóng vụt đi. * Vào ngày chủ nhật 12/04, tàu Hornet đến điểm tập kết với tàu Enterprise và những tàu đi theo hộ tống. Và đội hình tấn công sẽ bay về hướng Tây trong thời tiết khắc nghiệt. Họ đi đúng con đường Yamamoto đã đi, tức là đi ngang qua Vacant Sea. Thời tiết đã không ủng hộ hạm đội tàu Mỹ và họ tiến lên chậm chạp hơn là tư lệnh Halsey mong đợi. Tuy nhiên, thời gian lúc này tính bằng khoảnh khắc, nếu quân đội Nhật phát hiện ra đoàn tàu của ông thì không phải tàu ông và điệp vụ ngày nguy hiểm, mà cả lực lượng quân đội Hoa Kỳ đang trên biển Thái Bình Dương đều gặp nguy to. Càng đến gần bờ biển Nhật Bản sự nguy hiểm càng tăng. Một khi họ đã nằm trong tầm ngắm của những chiếc máy bay thả bom Nhật thì rất có thể Halsey sẽ mất chiếc thuyền của mình và trận này coi như thất bại. Trong lúc thời tiết khắc nghiệt khiến họ tiến lên chậm chạp, nó cũng khó làm cho họ xác định phương hướng. Tầm nhìn bị giảm sút, những máy bay trinh thám lại quá cồng kềnh. Halsey chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc tấn công cho đến khi những máy bay rời khỏi boong tàu. Ông không đứng đó rủa thầm vận rủi đang đến mà cố gắng càng lạc quan hơn để đối mặt với những sự thật khó khăn sắp tới. Khuya hôm đó bão đã yếu đi một chút. Họ đã vật lộn với cơn bão này trên suốt dọc đường băng qua Thái Bình Dương, mặc dù vậy họ vẫn còn nhiều giờ để vượt qua hàng trăm hải lý đưa máy bay đến điểm xuất phát. Halsey ra lệnh cho thủy thủ đoàn bắt đầu tháo những sợi dây chão cột những máy bay P-25 ở đúng vị trí trong suốt cuộc hành trình, mỗi máy bay chất 4 trái bom, và đạn dược lắp đầy cho các khẩu súng máy. Doolittle và Ross Greening quan sát các hoạt động chuẩn bị từ một căn nhà nhỏ trên boong tàu chỉ huy. Doolittle thầm thán phục những chàng lính thủy hối hả chạy quanh làm việc chăm chỉ, không hề tỏ ra sợ hãi mặc cho boong trơn trượt đang lắc lư dưới chân. Mưa ướt đẫm mặt họ, gió như muốn thổi bay thân hình họ hệt như chàng trai trong cuốn tiểu thuyết phiêu lưu Kidnapped của tác giả Robert Louis Stevenson mà ông đã đọc. Câu chuyện miêu tả một người lính bị bao vây bởi những thủy thủ dữ dằn trên một con tàu. Chàng lính kiêu ngạo nghĩ rằng thủy thủ toàn là bọn hèn nhát cho đến khi họ chiến đấu tay đôi thì chàng lính mới hốt hoảng lo sợ đứng lặng đi trong nỗi kinh hoàng khi thấy những thủy thủ vững vàng cho tàu lướt sóng bên những cột buồm và những cánh buồm trắng. Doolittle có cảm giác mình là người lính đó. Đứng cạnh ông, Greening bấm máy tính cá nhân liên tục và Doolittle phải quay lại hỏi: - Sao cậu phải loay hoay với cái thước Loga đó làm gì hả? Cất ngay đi. Greening đáp: - Thưa đại tá, tôi vừa tính xong. Để tôi nó cho ngài nghe. Thậm chí trong điều kiện thuận lợi nhất tôi cũng không thể nói rằng họ hoàn thành được sứ mạng này. Doolittle quay mặt nhìn đi chỗ khác. Ánh mắt ông hướng ra ngoài cầu tàu ướt đẫm nước mưa. - Tôi biết chúng ta có thể thua trận này, nhưng chúng ta sẽ thắng cả cuộc chiến. Muốn biết tại sao tôi tin vậy không? Greening chờ. Ông tôn trọng Dooliitle nên không muốn ngắt lời cấp trên. Dollitle nói tiếp, gật đầu nhìn về phía Rafe và Danny đang kiểm tra những máy ngầm trên máy bay ném bom: - Chính là họ đó. Họ không nổi trội trong đám đông vì mặc những bộ quần áo mốt nhất hay nhảy những vũ điệu thời trang nhất. Nhưng trong những lúc như thế này họ lại nổi bật lên với một tinh thần dũng cảm và tài năng ít ai bì kịp. Doolittle nhìn thẳng vào Greening với cái nhìn đầy ý nghĩa. - Không có một cái gì có thể mạnh mẽ hơn một trái tim của một người lính tình nguyện. Một lần nữa, họ lại hướng cặp mắt về những chiếc máy bay ném bom và thanh niên sắp sửa điều khiển chúng. Đúng lúc ấy, Doolittle quyết định, lần này ông lại nhóm họp các phi công vào trong phòng tác chiến trên chiến hạm Hornet. - Chiều tối nay chúng ta sẽ cất cánh. Thả bom xong là bay về hướng Trung Quốc. Đơn giản thế thôi. Một phi công trẻ giơ tay: - Thưa đại tá, ông đã nói với tôi mật lệnh khi hạ cánh. Nhưng ông cũng nói với chúng tôi rằng quân Nhật có mặt khắp nơi trên đất Trung Quốc là gì. Chúng tôi phải biết làm gì đây khi mật lênh không được đáp lại. - Lúc ấy, các anh hạ cánh ở đâu tùy thích và cố gắng đừng để người ta bắt được mình. Người Trung Quốc sẽ hết lòng giúp đỡ chúng ta nếu có thể. Doolittle đứng dừng lại chờ xem có ai còn hỏi gì không. Ông muốn cấp dưới của mình được yên lòng, rằng mọi khả năng có thể xảy ra đều được tính toán chặt chẽ. Viên phi công ngồi gần cuối căn phòng sau lưng Rafe và Danny giơ tay hỏi: - Thưa đại tá, nếu máy bay của chúng tôi hỏng hóc ngay trên bầu trời Nhật Bản thì chúng tôi biết làm gì đây? Doolittle gật đầu, ông biết anh ta phải lựa chọn thật kỹ mới dám hỏi câu ấy. - Tôi sinh ra không phải để làm tù nhân. Nếu máy bay của tôi trở nên vô dụng, tôi sẽ bảo cả đội nhảy dù thoát thân. Còn lại một mình tôi sẽ lái thẳng máy bay vào một mục tiêu quân sự nào mà tôi có thể tìm thấy. Đó chỉ là ý kiến của riêng tôi. Tuy nhiên tôi đã là một lão già 45 tuổi rồi. Còn các cậu vừa mới chập chững bước vào đời, thế nên các cậu làm gì thì các cậu cứ làm thôi. Nhưng tất cả các khuôn mặt trẻ trung trong phòng đều chứng tỏ rằng mình sẽ làm chính xác những gì Doolittle định làm. Ông là người hùng của họ, là khuôn mẫu lý tưởng để cho họ noi theo. * Ba tháng sau, Evelyn đã chứng kiến nhiều vết thương lành trở lại. Những vết đạn há ngoác để lộ lớp xương thịt bên trong giờ đã kín miệng, máu đã ngừng chảy từ vết thương nhường chỗ cho màu hồng lên da non. Dưới bàn tay chăm sóc tận tình của nàng, nhiều thương binh đã bình phục. Mỗi ngày nàng thay băng giữ cho các vết thương không bị nhiễm trùng, an ủi những thương binh đang tuyệt vọng, và nàng đã nhìn thấy phép lạ qua những vết thương đang dần dần lành hẳn. Nàng ghi nhận tiến trình hồi phục của những chiến binh từ khi họ còn giãy giụa đau đớn cho tới khi sức khỏe dần dần bình phục. Nàng thấy trước đây họ đau khổ chừng nào thì bây giờ họ tràn trề hy vọng nhường ấy. Và nàng ước gì cái năng lực thần bí đã hàn gắn những vết thương của những thương binh có thể hàn gắn vết thương lòng đang rỉ máu trong tim nàng. Ngày qua ngày, mạng sống bé nhỏ đang lớn dần trong bụng nàng. Ngày nào nàng cũng cảm thấy nó. Nàng cố che giấu nhưng tự biết sẽ đến một ngày nào đó, nàng không còn giấu cái thai kia lâu hơn nữa. Và thế là nàng lại lao vào lau rửa những vết thương, thay bông băng cho thương binh, phẫu thuật những vết thương đã hoại thư và cầu nguyện. Nàng thường cầu Thượng đế phù hộ nhưng không phải cho nàng mà cho những người nàng yêu quý. Nàng còn cầu cho thân hình nàng đủ lớn để nuôi cái hình hài thơ ngây mà nàng đang mang. Hôm đó là buổi sáng, nàng ngồi cắt chỉ cho một vết thương trên tay một thủy thủ. Ngước nhìn lên, nàng thấy Jackson đang đứng ở trước cửa. Ông cầm theo một giấy phép đặc biệt trên tay. Nàng hiểu giây phút nguy hiểm đã đến với những người mà nàng yêu thương. Lúc ấy, nàng hy vọng vào tương lai, một niềm hy vọng mong manh là một ngày nào đó, họ sẽ trở về.