Thuyết Phục

Chương 9

Chương 09 Đại tá Wentworth xem Dinh thự Kellynch như nhà mình, có thể đến chơi và ngồi lâu tùy thích, vì anh được hai vợ chồng Đô đốc chiêu đãi thân thiết. Khi mới đến vùng này lần đầu, anh đã định nhanh chóng đi tiếp đến Shropshire để thăm người anh đang sống ở đấy, nhưng rồi sự hấp dẫn ở Biệt thự Uppercross đã dẫn dụ trì hoãn chuyến đi. Nhiều người tỏ ra thân thiện với anh, tâng bốc anh, mọi việc tiếp đón anh đều khiến cho anh mê mẩn. Người lớn tỏ ra thật hiếu khách và người trẻ thật dễ mến, đến nỗi anh muốn lưu lại thêm, hoãn việc trả lễ cho lòng tử tế của cô vợ Edward.  Chẳng bao lâu, anh đến chơi ở Biệt thự Uppercross hầu như hàng ngày. Gia đình Musgrove không cần phải tha thiết mời mà anh vẫn đến, đặc biệt là vào buổi sáng khi anh không có ai bầu bạn ở nhà, bởi vì hai vợ chồng Đô đốc Croft thường đi ra ngoài với nhau, quan tâm đến những công việc mới, thảm cỏ, đàn cừu, cùng nhẩn nha làm những việc khiến người thứ ba mất kiên nhẫn, hoặc cùng đi chơi với nhau trên chiếc xe một ngựa hai bánh, dần dà lấy đó làm thú vui thường ngày.  Cho đến giờ, Đại tá Wentworth chỉ có một ý nghĩ về gia đình Musgrove, đấy là sự ngưỡng mộ kiên định và nồng nàn dành cho anh. Nhưng rồi tình thân thiện ấy bị lung lay khi một anh Charles Hayter nào đấy trở về, cảm thấy bị phá bĩnh, cho rằng Đại tá Wentworth chen vào cuộc sống của gia đình.  Charles Hayter là anh cả trong số tất cả anh em họ, một người trẻ rất dễ mến, dễ làm vui lòng người. Giữa anh và Henrietta đã có quan hệ tình cảm trước khi Đại tá Wentworth được giới thiệu với gia đình. Anh đã được thụ phong và đang giữ chúc cha phó trong vùng nhưng không bị bắt buộc phải sống ở đây, thế nên anh cư ngụ tại ngôi nhà của cha anh, chỉ cách Biệt thự Uppercross hơn ba kilômét. Chỉ một thời gian vắng mặt khỏi gia đình đã khiến người anh yêu không được sự chăm sóc của anh kiềm chế trong thời khắc gay cấn này, và khi trở lại anh không vui vì thấy cô thay đổi thái độ, và vì thấy Đại tá Wentworth.  Bà Musgrove và bà Hayter là chị em. Mỗi người có tài sản riêng, nhưng cuộc hôn nhân của mỗi người cho kết quả khác biệt về vật chất. Ông Hayter có một ít bất động sản cho riêng mình, nhưng không đáng kể so với bất động sản của ông Musgrove. Trong khi gia đình Musgrove có vị thế xã hội hàng đầu trong vùng, những người con nhà Hayter không có vị thế gì cả do cha mẹ ở vị thế thấp lại sống trong cảnh kém thanh nhã và do bản thân họ thiếu nền học vấn, thế nên họ dựa vào mối quan hệ với Biệt thự Uppercross. Chỉ có khác biệt là anh trai trưởng đã chọn ình con đường học giả, có văn hóa và tư cách vượt trội so với những người em.  Hai gia đình luôn đối xử rất tốt với nhau, một bên bỏ qua kiêu hãnh, bên kia bỏ qua tị hiềm, nên các anh chị em bạn dì kết thân với nhau, chỉ trừ ý thức về vị thế mà các cô nhà Musgrove cảm nhận. Cha mẹ của Henrietta không phản đối việc Charles để ý đến con gái mình. "Cuộc hôn nhân này không phải là cao quý đối với nó, nhưng nếu Henrietta yêu anh kia thì cũng được." Và có vẻ như Henrietta đã yêu anh.  Trước khi Đại tá Musgrove đến, Henrietta hoàn toàn nghĩ thế, nhưng sau đấy cô quên bẵng người anh bạn dì Charles.  Theo những gì mà mình quan sát được, Anne không rõ Đại tá Wentworth để ý đến ai trong số hai cô gái. Có vẻ như Henrietta xinh đẹp hơn, Louisa có tính khí vui tươi hơn, và Anne không rõ tâm tư hiền hòa hay tính khí sinh động thu hút anh hơn.  Hai ông bà Musgrove hoặc vì thiếu để ý quan sát hoặc vì tin tưởng hoàn toàn rằng hai cô con gái và các anh thanh niên đến với hai cô sẽ tỏ ra kín đáo, nên hai vợ chồng đã phó mặc ọi sự việc tự diễn biến. Hai ông bà không nói ra ước vọng hoặc nhận xét, nhưng ở Biệt thự Uppercross thì hoàn toàn khác: hai cô gái trẻ bị săm soi phỏng đoán, còn Đại tá Wentworth cũng thế sau bốn, năm lần đến chơi với các cô nhà Musgrove và sau khi Charles Hayter trở về, lúc ấy Anne phải nghe ý kiến của vợ chồng em gái đoán xem cô nào được Đại tá Wentworth mến. Charles Musgrove nghĩ rằng đấy là Louisa, còn Mary nghĩ đấy là Henrietta, nhưng nếu anh Wentworth chịu cưới cô nào thì hai người cũng rất lấy làm vui.  Charles nhận xét:  - Anh chưa từng thấy người nào dễ mến như thế trong đời, và có lúc người ta nghe chính Đại tá Wentworth nói anh ấy có tài sản ít nhất hai mươi nghìn bảng kiếm được từ cuộc chiến. Đây là cả một gia sản chợt phát, hơn nữa, còn có cơ hội trong một cuộc chiến tương lai, và chắc chắn rằng Đại tá Wentworth sẽ là người tỏ ra nổi bật trong hàng ngũ sĩ quan hải quân. Ồ! Đây sẽ là cuộc hôn nhân tốt đẹp cho bất kỳ cô em nào.  Mary đáp:  - Em tin chắc thế. Ôi trời! Ước gì anh ấy thăng tiến lên bất kỳ vị thế danh dự nào! Ước gì anh ấy đựơc phong làm tòng nam tước! Cái tiếng "Phu nhân Wentworth" nghe quả là hay. Đối với Henrietta thì đấy là địa vị quý tộc. Lúc ấy Henrietta sẽ vượt qua vị thế em, và cô ấy sẽ không ngại ngùng. Ngài Frederick và Phu nhân Wentworth! Tuy nhiên, đấy sẽ là những vị thế được thành lập mới, và em chưa bao giờ nghĩ nhiều đến vị thế mới của anh.  Mary có thiên kiến mà chọn Henrietta vì cô mong Charles Hayter chấm dứt kỳ vọng. Cô khinh rẻ nhà Hayter, và nghĩ nếu gia đình cô và gia đình Hayter làm thông gia với nhau thì đấy là điều vô phúc - đáng buồn cho cô và đám con của cô.  Mary nói:  - Anh biết không, em nghĩ anh ta không xứng với Henrietta, và nếu xét qua những mối quan hệ mà nhà Musgrove đã tạo dựng thì cô ấy không nên buông thả. Em nghĩ không một người con gái nào có quyền chọn lựa rồi khiến cho bộ phận chủ yếu của gia đình mình bị chê bai và bất lợi, và tạo mối quan hệ xấu với gia tộc đã có vị thế tốt. Và rồi, xin hỏi, Charles Hayter là ai kia chứ? Anh ta không hề xứng đáng với một cô Musgrove ở Uppercross.  Tuy nhiên, chồng cô không đồng ý về điểm này, vì ngoài quan hệ với người bà con bạn dì của mình, Charles Hayter còn là con trai trưởng, và anh xét sự việc qua nhãn quan của bản thân mình là con trai trưởng. Vì thế, anh trả lời:  - Mary à, bây giờ em nói điều càn bậy rồi đấy. Đối với Henrietta thì cuộc hôn phối này không phải là cao, nhưng Charles có vị thế tốt, qua gia đình Spiter, để nhận ân huệ từ vị Giám mục trong vòng một, hai năm tới. Em nên vui mà nhớ rằng anh ấy là con trai trưởng, khi cha anh ấy qua đời thì anh ấy sẽ thừa kế gia tài. Bất động sản ở Winthrop rộng ít nhất một trăm héc-ta, thêm một trang trại gần Taunton, là vùng đất màu mỡ nhất. Anh dám chắc với em là hôn phối với những người khác trong số họ là việc gây sốc nặng, chỉ có riêng Charles rất xứng đáng với Henrietta; anh ấy là người duy nhất xứng đáng trong số họ. Anh ấy là người có tố chất tốt, và sau khi tiếp nhận Winthrop thì anh ấy sẽ biến nó thành một mảnh đất khác hẳn, sẽ sống một cuộc đời khác hẳn, và với bất động sản ấy thì anh ấy sẽ không bao giờ là người thấp kém, trong khi người có tâm tính tốt và có tài sản toàn quyền sử dụng. Không, không, nếu không cưới Charles Hayter thì Henrietta sẽ lâm vào hoàn cảnh tệ hại hơn; nếu nó chịu cưới anh ấy và Louisa cưới Đại tá Wentworth thì anh sẽ rất mãn nguyện.  Ngay khi anh bước ra khỏi phòng, Mary nói với Anne:  - Cứ để cho Charles nói gì tùy thích, nhưung để cho Henrietta cưới Charles Hayter sẽ là một chuyện gây sốc; một chuyện tồi tệ đối với cô ấy và còn tồi tệ hơn đối với em, thế nên ước gì Đại tá Wentworth giúp Henrietta loại anh ta ra khỏi đầu óc của cô ấy, mà em tin anh làm được. Hôm qua, cô ấy chẳng để ý gì đến Charles Hayter cả. Em ước gì chị có mặt ở đó để thấy thái độ của cô ấy. Còn bảo Đại tá Wentworth thích Louisa và Henrietta ngang nhau thì đấy là chuyện xằng bậy, bởi lẽ anh ấy rất mến Henrietta. Nhưng Charles là người quyết đoán! Em ước gì hôm qua chị có mặt ở bên em, để lúc ấy chị xem trong hai vợ chồng em, ai đúng ai sai, và em tin chị sẽ cho rằng em đúng, trừ phi chị quyết tâm chống đối em.  Bữa ăn tối trong gia đình Musgrove là cơ hội cho Anne nhìn thấy mọi sự việc, nhưng cô vẫn không đi dự, viện cớ mình bị nhức đầu và Charles con se mình trở lại. Lúc đầu cô chỉ muốn lánh mặt Đại tá Wentworth, nhưng bây giờ một buổi tối an bình có thêm lợi điểm là không bị lôi kéo làm trọng tài.  Về quan điểm của Đại tá Wentworth, cô nghĩ điều quan trọng là anh phải biết rõ con tim mình mà đừng làm thương tổn hạnh phúc của một trong hai chị em hoặc làm hại danh dự của anh, còn việc anh mến Henrietta hơn hay Louisa hơn thì không quan trọng bằng. Một trong hai cô rất có thể làm người vợ tình cảm, vui tươi của anh. Về chuyện của Charles Hayter, tính tế nhị của cô cảm thấy buồn dùm cho anh này khi một phụ nữ tỏ thái độ khinh thường tuy có lý do đúng đắn, và con tim của cô cảm thông với nỗi đau khổ mà cô kia gây ra. Nhưng nếu Henrietta thấy mình bị nhầm lẫn thì người ta vẫn chưa nhận ra ngay sự thay đổi nơi cô.  Đối với thái độ của Henrietta, Charles Hayter phản ứng trong sự trầm lặng và đau khổ. Cô đã quen thân với anh từ lâu nên khó tỏ ra lạnh lùng với anh chỉ sau hai lần gặp gỡ kia để dập tắt mọi hy vọng trong quá khứ và khiến cho anh không làm gì được ngoài lánh xa Biệt thự Uppercrross, nhưng đấy là điều có thể xảy ra khi một nhân vật như Đại tá Wentworth được xem là nguyên do. Charles Hayter chỉ mới vắng mặt hai tuần lễ, và khi từ giã đã cho Henrietta biết anh thiết tha muốn từ bỏ công việc cha phó hiện tại để xin làm cha phó ở Uppercross. Có vẻ như lúc ấy cô thật lòng mong mỏi việc này: Tiến sĩ Shirley, vị mục sư địa phương, trong hơn bốn mươi năm đã bám lấy trách nhiệm, nhưng bây giờ đã già yếu nên muốn có cha phó để phụ giúp ông nhiều việc; ông sẽ tạo chức cha phó có vị thế, và hứa sẽ giao chức này cho Charles Hayter. Có nhiều lợi điểm cho Henrietta và thậm chí cho Louisa khi anh làm việc ở Uppercross thay vì phải đi xa hơn mười ki-lô-mét. Chức vụ cha phó lại tốt hơn chỗ cũ, được thân cận với Tiến sĩ Shirley tốt bụng trong khi ông này từ bỏ một số công việc mà ông không còn đảm đương được. Than ôi! khi anh trở về, niềm hăng say trong chuyện này đã tan biến. Louisa không muốn nghe anh kể về cuộc trao đổi gần đây giữa anh và Tiến sĩ Shirley.  Thậm chí Henrietta chỉ quan tâm một ít, và có vẻ như đã quên bẵng tất cả những điều nghi ngại và ước ao trước kia trong cuộc thương lượng.  - Chị thật sự rất vui, luôn tin rằng em sẽ đạt được, chị luôn tin chắc thế. Chị đã không nghĩ rằng...tóm lại, em biết đấy. Tiến sĩ Shirley phải có một cha phó và anh ấy đã được ông hứa. Louisa à, anh ấy sẽ đến nhận không?  Một buổi sáng, ngay sau bữa ăn tối ở nhà Musgrove mà Anne vắng mặt, Đại tá Wentworth bước vào phòng khách ở Biệt thự Uppercross, nơi chỉ có cô và Charles con đang đau yếu nằm trên ghế bành.  Anh kinh ngạc vì chỉ thấy có mình cùng Anne Elliot, đến nỗi anh mất vẻ bình tĩnh thường ngày. Anh chỉ có thể nói:  - Tôi nghĩ các cô nhà Musgrove ở đây; bà Musgrove cho biết tôi sẽ gặp hai cô ấy ở đây.  Rồi anh bước đến khung cửa sổ để tự trấn tĩnh và suy tính xem phải hành xử như thế nào.  Trong sự bối rối tự nhiện, Anne trả lời:  - Hai cô đang ở trên lầu cùng em gái tôi và sẽ xuống ngay bây giờ.  Nếu đứa trẻ không gọi cô làm giúp một việc cho nó thì cô đã đi ra ngoài, để giải thoát cho anh và cho cô khỏi cảnh ngượng ngập.  Anh vẫn đứng bên cửa sổ, rồi nói một cách nhỏ nhẹ và lịch sự:  - Tôi mong đứa trẻ đang bình phục.  Rồi anh im lặng.  Cô phải quỳ bên ghế bành để chăm sóc cho cậu bé, và thêm vài phút im lặng trôi qua, rồi cô vui mà nghe tiếng người bước qua tiền sảnh. Khi quay mặt ra, cô hy vọng đấy là anh chủ nhà Charles Musgrove, nhưng lại thấy đấy là người không thể giúp giải thoát tình thế - là Charles Hayter, vốn có lẽ không được vui khi thấy Đại tá Wentworth, cũng giống như Đại tá Wentworth không được vui khi thấy Anne.  Cô chỉ cố gắng nói:  - Chào anh. Xin mời anh ngồi. Những người kia sẽ đến ngay.  Tuy nhiên, Đại tá Wentworth rời xa cửa sổ, hiển nhiên là không ngại tiếp chuyện, nhưng Charles Hayter chặn đứng ý muốn ấy bằng cách ngồi xuống gần chiếc bàn và cầm lấy tờ báo, nên Đại tá Wentworth quay trở lại cửa sổ.  Thêm một phút trôi qua, có thêm người. Đứa trẻ nhỏ hơn, khỏe mạnh và lanh lợi, mới lên hai tuổi, được một người nào đấy bên trong mở cánh cửa, đã mạnh dạn bước vào, tiến thẳng đến ghế bành để xem chuyện gì đang xảy ra và sẵn sàng đón nhận bất cứ thứ gì ban tặng cho nó.  Không có gì để ăn, đứa trẻ chỉ có thể chơi đùa. Vì bác gái nó không cho phép nó chọc phá đứa anh đang đau yếu, nó bắt đầu đeo bám lấy bác gái. Trong khi đang quỳ gối bận rộn, Anne không thể gỡ nó ra được. Cô nói chuyện với nó, ra lệnh cho nó, van nài nó, quyết liệt với nó, nhưng đều vô ích. Cô cố đẩy nó ra, nhưng đứa trẻ lấy làm vui mà bám trên lưng cô. Cô nói:  - Walter, xuống ngay. Cháu phá phách quá. Bác bực với cháu lắm.  Charles Hayter kêu lên:  - Walter, tại sao cháu lại không nghe lời hở? Cháu có nghe bác gái cháu nói không? Xuống đi, Walter, đến chơi với bác Charles này.  Nhưng Walter không nhúc nhích.  Trong khoảnh khắc kế tiếp, cô thấy mình được giải thóat khỏi đứa bé. Ai đấy đang gỡ cậu bé ra khỏi người cô cho dù cậu đã đè đầu cô xuống thấp, hai cánh tay nó bị gỡ ra khỏi cổ cô, rồi nó bị tách ra khỏi người cô. Chỉ đến lúc ấy, cô mới biết Đại tá Wentworth ra tay giúp mình.  Khi nhận biết được như thế, cô không nói được tiếng nào. Thậm chí cô không thể mở lời cảm ơn anh. Cô chỉ biết bám víu lấy Charles con, với cảm xúc xáo trộn. Lòng tử tế khi anh bước đến giúp cô, cử chỉ, sự trầm lặng trong khi ra tay, những chi tiết nhỏ nhặt trong tình huống mà cô nhận ra khi anh cất tiếng với đứa trẻ, cho cô thấy anh có ý tránh nghe cô cảm ơn, mà còn không muốn trò chuyện với cô, khiến cho cô có cảm xúc lẫn lộn nhưng rất đau khổ mà không trấn tĩnh được.  Cảm xúc kéo dài cho đến khi Mary và hai cô gái nhà Musgrove bước vào để chăm sóc cho bệnh nhân nhỏ, rồi cô bước ra ngoài. Cô không thể ở lại. Đáng lẽ cô đã có cơ hội để nhìn ngắm tình cảm và ganh tị giữa bốn người - bây giờ cả bốn đều hiện diện, nhưng cô không muốn ở lại chứng kiến gì cả. Rõ ràng là Charles Hayter không có cảm tình với Đại tá Wentworth. Cô có ấn tượng mạnh khi nghe anh nói, sau khi Đại tá Wentworth đã can thiệp:  - Walter, cháu phải nghe lời bác. Bác đã bảo cháu đừng phá bác Anne.  Cô hiểu anh lấy làm tiếc vì Đại tá Wentworth đã làm việc mà đáng lẽ anh phải làm. Nhưng cô không quan tâm đến tâm tư của Charles Hayter hoặc của bất cứ ai khác, vì tâm tư cô đang xáo trộn. Cô lấy làm xấu hổ với bản thân mình, xấu hổ vì đã ngượng ngập, mất bình tĩnh trong chuyện nhỏ nhặt như thế. Phải mất một thời gian chỉ có một mình và suy ngẫm cô mới trấn tĩnh lại được.