Tào Tặc

Chương 458

Quận Kim Thành, năm thứ sáu niên hiệu Tây Hán Chiêu Đế cũng chính là năm thứ tám mươi mốt trước Công nguyên. Nơi này vốn bao gồm Thanh Hải và phía tây Lan Châu, Cam Túc ngày nay. Ban đầu, nơi này có chín thị trấn. Thời gian trôi qua, đến năm Kiến Vũ thứ mười ba (tức năm thứ ba mươi bảy Công Nguyên), quận Kim Thành được sát nhập vào Lũng Tây. Nhưng khi Minh Đế còn tại vị, một lần nữa người lại khôi phục bảy huyện trực thuộc quận Kim Thành bao gồm Doãn Ngô, Kim Thành, Doãn Nhai, Chi Dương, Hạo Môn, Lệnh Cư và Du Trung. Huyện Doãn Ngô vẫn thuộc quyền sở trị của quận Kim Thành như trước. Mãi đến những năm cuối thời Kiến An, nơi này mới sửa đổi thành huyện Du Trung. Chính vì thế, nói Hàn Toại tiến vào chiếm Du Trung, đóng quân ở Mục Uyển là xâm phạm biên giới cũng không sai, bởi Mục Uyển thuộc quận Hán Dương; nhưng nói y không xâm phạm biên giới cũng không có gì quá đáng. Mục Uyển tuy là lãnh địa của quận Hán Dương, nhưng từ sau loạn Biên Chương, đã không có người nào thực sự tiếp nhận nơi này. Tháng ba năm Kiến An thứ chín, sau khi Lưu Bị bắt đầu hành động ở quận Nam Dương, tập kích huyện An Chúng, gã lại giết chết thái thú Trương Tú ở quận Nam Dương. Trương Tú vừa chết, Nam Dương đại loạn. Quan Bình và Trần Đáo dẫn một đội binh mã nhân cơ hội này cướp lấy Niết Dương và Cức Dương. Ngay khi Lưu Bị chuẩn bị đánh chiếm Uyển thành, Giả Hủ đã đi trước một bước, lệnh Đãng khấu giáo úy, Trung lang tướng Lý Điển dẫn bộ binh đến Uyển thành ngay chiều hôm đó cùng y liên kết giáp công, đánh bại Trần Đáo và Quan Bình, đoạt lại Cức Dương. Sau đó, Hạ Hầu Đôn dẫn bộ binh tiến vào chiếm lấy Uyển thành. Lý Điển, Nhạc Tiến chia nhau trấn thủ Hồ Dương, Cức Dương, tạo thành thế hai gọng kìm sẵn sàng tấn công Lưu Bị. Trương Tuyền, con trai của Trương Tú cố thủ Nhương thành không ra. Lưu Bị không còn cách nào khác, đành phải tạm thời thu binh. Nhưng dù vậy, hai huyện An Chúng và Niết Dương đổi chủ cũng báo trước mối xung đột giữa hai nhà Tào và Lưu đã không thể hóa giải được nữa. Hàn Toại ở quận Doãn Ngô nghênh đón một vị khách không mời mà tới. Mã Đằng đột nhiên đến thăm, khiến Hàn Toại ít nhiều không kịp chuẩn bị. - Văn Ước, ngươi và ta quen nhau đã được bao lâu rồi? Trong đại sảnh, Mã Đằng uống một ngụm rượu, chợt than. Hàn Toại ngẫm nghĩ một chút: - Quen nhau từ năm Trung Bình thứ hai, đến nay đã gần hai mươi năm. - Hai mươi năm ư? Mã Đằng bật cười: - Thời gian trôi qua nhanh quá. Nhớ năm xưa, ta chỉ là một tên vô danh tiểu tốt, mà nay đã hai màu tóc. Văn Ước, hai mươi năm này, ngươi và ta cùng hợp tác cũng có khi không vui vẻ gì nhưng chuyện đó không quan trọng. Ngươi và ta cùng liên kết, hùng bá một nửa Lương Châu, cho dù là lão già Tào Tháo kia cũng không làm gì được ngươi và ta. Chúng ta vinh nhục cùng chịu. Hàn Toại nói: - Đúng vậy. Y không hiểu vì sao Mã Đằng lại bất ngờ đến Kim thành như thế. Nhưng y tin rằng Mã Đằng đến đây không phải để nhắc về quá khứ, để tâm sự với y. Chỉ có điều, Mã Đằng không nói ra, y cũng sẽ không mở lời nói trước. Hàn Toại chỉ đưa đẩy theo Mã Đằng, thi thoảng lại gật đầu đồng ý. - Đạo làm người nói đại trượng phu sinh thời loạn thế phải biết giơ cao ba thước kiếm, lập công lao sự nghiệp. Nay đã đến lúc ta muốn giở chút quyền cước, thực hiện kế hoạch lớn. Ta muốn mời Văn Ước trợ giúp ta một tay, có được không? Kịch hay đến rồi! Hàn Toại ngồi thẳng người dậy, nhìn Mã Đằng, nói: - Không biết Thọ Thành muốn lập công lao sự nghiệp gì? - Lương Châu dù tốt nhưng quá lạnh lẽo. Ngươi và ta dù nắm được một nửa Lương Châu nhưng dù sao cũng khó có thể thành đại sự. Nay Trung Nguyên đang xảy ra hỗn chiến, Tào Tháo bị ghìm chân ở Hà Bắc, khó có thể thoát được. Chiến sự Hà Đông lại ác liệt, binh lực Quan Trung không có. Cổ nhân nói được Quan Trung là có được cả thiên hạ. Mỗ dù không có được cả thiên hạ cũng không muốn Quan Trung bị khói lửa chiến tranh lan đến. Ta muốn mời Văn Ước cùng ta nắm lấy Quan Trung, chẳng biết có được không? Mã Đằng đi thẳng vào vấn đề, nói thẳng ra ý nghĩ trong lòng hắn. Hàn Toại nhất thời không biết nên từ chối như thế nào, nên đối đáp ra sao. - Thọ Thành muốn làm Vương ở Quan Trung ư? - Ha ha ha! Mã Đằng mỉm cười, lắc đầu lia lịa: - Vương của Quan Trung do ai làm không quan trọng. Nếu Văn Ước muốn làm Vương của Quan Trung, ta cũng ủng hộ ngươi. Nhưng ta thành tâm đối đãi với Văn Ước, Văn Ước lại khi dễ ta. Hàn Toại ngẩn ra, tỏ vẻ sợ hãi: - Huynh trưởng, vì sao lại nói thế? - Ta ở Võ Uy dốc sức đánh chiếm Hà Tây. Ta xin Văn Ước giúp ta kìm chân núi Dương Nghĩa, Hán Dương nhưng Văn Ước ngươi lại… Hôm nay ta đến đây là muốn nói với Văn Ước rằng ngươi và ta vui buồn có nhau, hợp thì có lợi, chia ra là hại. Nếu Văn Ước ngươi có yêu cầu gì thì cứ nói, đừng ngại. Vi huynh chỉ cần có thể làm thì nhất định sẽ không từ chối. Chuyện tương lai sau này nếu ngươi muốn trấn thủ Quan Trung, ta sẽ ở lại Lương Châu. Nếu ngươi muốn Lương Châu, ta sẽ đi Quan Trung. Ngươi và ta quen biết hai mươi năm, không gì là không thể nói được cả. Ngươi thấy sao? Hàn Toại lặng im! Mã Đằng đi thẳng vào vấn đề, thẳng thắn nói ra suy nghĩ của hắn khiến y hơi cảm động. Bảo y không có dã tâm ư? Chẳng qua là nói xằng. Leo lên được đến địa vị như bọn họ, nếu nói không có dã tâm chắc chắn là không thể. Chẳng qua Hàn Toại không biểu hiện rõ ràng, mạnh mẽ như Mã Đằng. Nhiều năm qua hai người hợp tác với nhau, y vẫn luôn đóng vai trò làm phụ tá. Quan Trung? Hàn Toại không phải không nghĩ đến! Nhưng y biết rõ y không đủ sức. - Huynh trưởng, huynh làm Hòe lý hầu, lại là tiền tướng quân khâm mệnh của triều đình, đốc phủ Lương Châu là chuyện đương nhiên. Nhưng Thiêu Đương lão vương có giao tình sâu đậm với ta. Nay lão bị nhốt ở phía tây thành Long Kỳ, cuộc sống rất gian khổ. Lão từng nhiều lần thỉnh cầu với ta, hy vọng huynh trưởng có thể tha cho Mộc Thừa Cốc. Nay đệ mặt dày cầu khẩn, không biết huynh trưởng có thể đồng ý không? Thành Long Kỳ này chính là huyện Hải Yến thuộc tỉnh Thanh Hải ngày nay. Thiêu Đương là một bộ lạc tộc người Khương sinh sống ở Hà Hoàng. Thiêu Đương lão vương không phục sự thống trị của Đường Đề, mấy lần đấu tranh không có kết quả liền dẫn quân rời khỏi Tây Lương, đặt chân vào Hà Hoàng. Nhưng Thanh Hải khi đó còn cằn cỗi, còn lạnh giá hơn Lương Châu nhiều. Lúc đó, Khương tộc của Thiêu Đương phải nhờ Hàn Toại giúp đỡ mới miễn cưỡng sống sót nổi… Thành Long Kỳ vốn thuộc quyền cai quản của Tây bộ đô úy. Nhưng sau loạn Biên Chương, nơi này đã không còn chịu sự cai trị của Tây bộ đô úy nữa. Chính vì thế khi Vương Mãnh làm Tây bộ đô úy cũng chỉ có thể đặt chân đến Lũng Tây. Hiện giờ người trấn thủ thành Long Kỳ chính là Bàng Đức - Bàng Lệnh Minh. Hàn Toại nói những lời này nghe thì tưởng như đang cầu xin cho Khương tộc của Thiêu Đương nhưng thực ra lại có hai ý khác. Thứ nhất, Mã Đằng ngươi là Hòe Lý Hầu, là tiền tướng quân. Bằng vào thân phận của ngươi theo lý nên trấn thủ Quan Trung. Cho nên, ngươi làm Quan Trung Vương, ta ủng hộ, nhất định sẽ không phản đối. Điểm thứ hai, chính là yêu cầu của Hàn Toại. Mã Đằng mượn người Khương hùng bá Tây Lương, rồi phát triển lực lượng đến như bây giờ. Nói chung, phần lớn người Khương ở Lương Châu đều chịu sự sai khiến của Khương Vương, cho nên Mã Đằng có thể điều động rất đông binh mã. Nhưng nếu Thiêu Đương ra khỏi Hà Hoàng, ắt sẽ không chịu thần phục Đường Đề, hoặc nên nói là bọn họ sẽ không thần phục Mã Đằng. Khương tộc của Thiêu Đương nổi dậy cũng có nghĩa Khương tộc của Đường Đề sẽ xuống dốc. Mã Đằng và Đường Đề quan hệ rất tốt; Hàn Toại và Khiêu Đương lão vương cũng rất thân thiết! Vậy chẳng phải nói Mã Đằng ngươi làm Quan Trung Vương thì cứ ở Quan Trung đi. Còn Lương Châu hãy để ta cai quản, để ta thống trị sao. Cách nói chuyện của người xưa luôn thích vòng vo, quanh co. Lời nói của Hàn Toại cho thấy y muốn chiếm cứ Lương Châu. Mã Đằng liên tục gật đầu: - Hiền đệ nói không sai. Lúc trước, hắn gọi Hàn Toại là Văn Ước, nhưng giờ hắn đã đổi thành hiền đệ, bày tỏ tình cảm thân mật giữa hai người. - Lệnh Minh tuổi còn trẻ, còn có nhiều thiếu sót! Hài tử đó làm việc gì cũng đều dốc hết sức, cho nên… Nhưng hiền đệ yên tâm, ta đã lệnh cho Lệnh Minh trở về Võ Uy, ra trấn huyện Tuyên Uy. Từ nay về sau, thành Long Kỳ giao cho hiền đệ. Mộc Thừa Cốc từ nay về sau để cho Khương tộc của Thiêu Đương phát triển. Hàn Toại nghe thấy thế mừng rỡ. Y vốn chỉ muốn thăm dò xem sao, không ngờ Mã Đằng lại đồng ý ngay. Thành Long Kỳ vốn thuộc quyền cai quản của Võ Uy. Mã Đằng dùng cách này để nói với Hàn Toại rằng “Ta đồng ý giao Lương Châu cho ngươi.” Vậy thì rất tốt, ít nhất hai người chúng ta cũng thống nhất ý kiến. Hàn Toại cao hứng, lập tức sai người bày tiệc rượu. Hai người liên tục chúc tụng nhau, uống rượu rất vui vẻ. Đến khi trời tối sầm, Hàn Toại giữ Mã Đằng ở lại nghỉ ngơi nhưng hắn lại từ chối. Hắn dẫn theo binh mã đóng quân ngoài thành, trở về Thân Binh doanh vẫn tốt hơn. Hàn Toại nghe thấy thế càng thấy yên tâm hơn. Y lại giữ Mã Đằng trò chuyện một hồi rồi mới khách khí tiễn Mã Đằng rời khỏi phủ đệ. Mã Đằng đi rồi, Hàn Toại thở dài. Trong lòng y có sự sảng khoái khó có thể diễn tả hết được. Mã Đằng đi rồi, y có thể độc bá Lương Châu rồi. Ha ha, Quan Trung Vương ư? Lão tử không cần. Ta chỉ muốn làm Lương Châu Vương thật tốt, vậy là đủ rồi! Đều là Vương, nào có gì thua kém nhau. Tuy nói Quan Trung giàu có, đông đúc, Lương Châu lạnh giá nhưng nắm được Lương Châu, chẳng khác nào đã khống chế được hành lang Hà Tây, thương lộ (đường buôn bán) của Tây Vực. Của cải chưa chắc đã ít hơn. Mấy năm nay Quan Trung liên tục chinh chiến, cũng có phần hoang tàn. Đến lúc đó, y chắc chắn phải tìm cách sửa sang, hơn nữa còn phải đối mặt với Tào Tháo. Càng nghĩ, Hàn Toại càng thấy Lương Châu tốt hơn… - Nhạc phụ, chuyện này con cảm thấy có chút kỳ lạ. - Ồ? - Mã Đằng nào phải người hào phóng như vậy? Sao hắn có thể dễ dàng đồng ý giao Lương Châu ra chứ? Hàn Toại nghe thấy thế mỉm cười: - Ngạn Minh không cần lo lắng. Cho dù Mã Đằng có không đồng ý, chỉ cần Thiêu Đương lão Vương ra khỏi Hà Hoàng, liên kết với Khương tộc ở Bạch Mã, Lương Châu này sẽ là thiên hạ của ta. Đến lúc đó, hắn mà đổi ý thì ta sẽ quy thuận Tào Tháo, hợp tác với Tào Tháo đối phó người này. Nếu hắn đồng ý, ta đây vẫn bình yên nắm lấy Lương Châu. Mã Đằng hắn có cách gì ngăn cản ta chứ? Diêm Hành nghe xong vẫn hơi lo lắng. Nhưng thấy Hàn Toại cao hứng như thế, gã lại không nói gì nữa. Nhưng không sao, chắc hẳn Mã Đằng cũng không làm gì được chúng ta. Chuyện này đi đến đâu tính đến đó, nếu hắn thực sự đồng ý giao Lương Châu ra cũng không phải là chuyện gì xấu cả. - Nhạc phụ sớm nghỉ ngơi. Tiểu tế còn có việc phải thảo luận với Công Anh nữa. - Đi đi. Hàn Toại gật gật đầu, trở về hậu trạch. Công Anh tên là Thành Công Anh, cũng là quân sư của Hàn Toại, luôn trung thành và tận tâm với y. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Thành Công Anh không có danh tiếng gì. Nhưng trong lịch sử, người này đã đi theo Hàn Toại từ những năm cuối thời Trung Bình, là tâm phúc của Hàn Toại. Năm Kiến An, Hàn Toại bị Tào Tháo đánh bại, mang theo đám tàn binh trở về Hoàng Trung. Đám bộ khúc mỗi người đi một nơi, chỉ có Thành Công Anh đi theo y. Sau này, Hàn Toại bị bộ khúc giết chết, Thành Công Anh báo thù cho y xong liền quy thuận Tào Tháo, giữ chức liệt hầu. Người này từng theo thứ sử Ung Châu là Trương Ký, từng đến Lư Thủy, Diên Khang, trải qua loạn Lương Châu, Lũng Hữu, về sau ốm chết. Thành Công Anh thuộc loại nhân vật bị lịch sử chôn vùi, không người biết đến. Thành Công Anh vốn phải phụng lệnh trấn thủ Du Trung, chẳng ngờ y lại bị phong hàn, nằm bẹp ở nhà, không dậy nổi. Diêm Hành tìm Thành Công Anh là để thảo luận chuyện Du Trung. Nằm trên giường bệnh, Thành Công Anh nghe Diêm Hành nói rõ ý đồ của Mã Đằng xong, liền chau mày, trầm tư suy nghĩ. - Chuyện này rõ ràng không phải tác phong của Mã Đằng. - Đúng vậy, ta lo rằng Mã Đằng có quỷ kế, nhưng lại không nghĩ ra nguyên nhân là gì. Nhạc phụ quá tin lời Mã Đằng, không chút nghi ngờ nên ta rất lo lắng. Công Anh, ngươi là người nhạc phụ tín nhiệm nhất, chi bằng ngày mai ngươi và ta cùng khuyên can người đi? Thành Công Anh ngẫm nghĩ một chút, gật đầu, đồng ý. - Ngạn Minh, thân thể ta đã bình phục rồi, chậm nhất vài ngày nữa sẽ đi Du Trung. Sau khi ta đi rồi, ngươi phải dốc sức phò tá chủ công nhiều hơn nữa. Chủ công mưu kế sâu xa nhưng những chuyện nhỏ nhặt sẽ không tránh khỏi có sơ xuất. Lúc ấy, ngươi nhất định phải nhắc nhở chủ công. Ngoài ra, ngươi cũng phải đề phòng đám người Mã Ngọn và Lương Hưng. Những người này không đáng tin cậy. - Quân sư yên tâm, ta hiểu rồi! Hai người trao đổi tình hình chiến sự sắp tới trong thư phòng. Bất giác, đêm đã khuya, đã đến giờ tý… Diêm Hành đứng dậy cáo từ. Thành Công Anh tiễn gã ra đến ngoài cửa phủ. Chợt từ phía cửa thành xa xa, tiếng mõ dồn dập vang lên, ngay sau đó là những tiếng la hét, ánh lửa ngút trời. - Có chuyện gì thế này? Diêm Hành và Thành Công Anh đều ngẩn ra, ngạc nhiên nhìn cửa thành ở phía xa. Tiếng la hét càng ngày càng vang to hơn, nháy mắt đã lan đi khắp huyện thành Doãn Ngô. Cùng lúc đó, rất nhiều nơi trong thị trấn bốc cháy, chớp mắt, huyện thành đã chìm trong biển lửa. Địch tập kích ư? Thành Công Anh và Diêm Hành nhìn nhau, ngơ ngác. Hai người không hẹn mà cùng thất thanh kêu lên: - Mã Đằng! Thành Công Anh quay lại, lớn tiếng quát đám tôi tớ trong phủ: - Người đầu, mau dẫn ngựa mang đao tới cho ta. - Công Anh có đại thương không? - Có! Diêm Hành tới tìm Thành Công Anh bàn chuyện, vốn không mang theo binh khí. Chuyện xảy ra bất ngờ nên gã không kịp trở tay. Cũng may, quý phủ của Thành Công Anh không hề thiếu binh khí. Diêm Hành chọn một cây trường mâu nặng hơn ba mươi cân, xoay người lên ngựa, đến khôi giáp cũng không kịp mặc. Thành Công Anh cũng vội vàng ứng chiến, lên ngựa, nắm đại đao bảy thước, dẫn gia nhân cùng Diêm Hành xông ra ngoài. Thanh đại đao bảy thước này có sống đao màu đỏ sậm, là loại Tào Công đao điển hình, có tên là Thanh Sương Phủ. Thanh đao nặng hai mươi tám cân, một mặt sắc bén, đao nặng, thân đao hẹp dài. Nếu để Tào Bằng bình phẩm thì thanh Thanh Sương Phủ này chắc hẳn được Tào Cấp chế tạo trước trận chiến Quan Độ, chứ không phải trình độ của ông bây giờ. Ngoài chợ, thanh Thanh Sương Phủ này có giá một ngàn hai trăm xâu tiền. Gia nhân của Thành Công Anh không nhiều lắm, ước chừng chỉ hơn trăm người. Diêm Hành và Thành Công Anh dẫn bọn họ xông đi dọc theo con phố dài. Trong ánh lửa, nơi nơi đều là phản quân. Diêm Hành và Thành Công Anh biến sắc bởi hai người phát hiện ra rằng loạn quân không phải là binh mã Tây Lương của Mã Đằng mà có rất nhiều người là binh sĩ Kim thành. Nói cách khác, binh sĩ Kim thành tạo phản. - Là người của Hậu Tuyển! Thành Công Anh liếc mắt đã nhận ra lai lịch của đám phản quân này, hét lớn. Hậu Tuyển là một trong những thuộc hạ của Hàn Toại. Đó cũng là tâm phúc của Hàn Toại. Hơn nữa Hậu Tuyển, Trình Ngân và Lý Kham có quan hệ rất tốt. Đặc biệt Hậu Tuyển và Lý Kham còn có quan hệ sui gia với nhau. Nếu Hậu Tuyển làm phản, vậy chẳng phải Trình Ngân và Lý Kham cũng làm phản sao? Còn có Mã Ngoạn, Dương Thu, Lương Hưng, Trương Hoành, liệu bọn họ có cùng tạo phản không? Mã Đằng làm sao để chiêu hàng bọn họ? Sao cửa thành lại bị mở ra thế này? Bao nhiêu nghi vấn liên tiếp hiện lên trong đầu Thành Công Anh và Diêm Hành. Nhưng bọn họ không có thời gian để suy nghĩ những vấn đề này. Diêm Hành cắn răng, thúc ngựa xông về phía đám phản quân. - Công Anh, cứu chủ công. Ta đi ngăn bọn họ lại.