Quà từ trong nhà, quà ra ngoài ngõ

Chương 4 : Nỗi buồn của con gái là nỗi đau của mẹ

Phố núi luôn có những thời điểm se lạnh một cách kì lạ. Mỗi khi chuyển mùa như vậy, bệnh lười của tôi lại tái phát, hai mẹ con tôi hay đủng đỉnh cùng nhau đi gội đầu ở một tiệm quen. Ở tiệm gội đầu đó, có một cô gái trạc tuổi tôi, cô ấy làm việc ở đó cũng một năm rồi, hiện tại cũng đã sinh được một bé trai ba tuổi. Mỗi lần như vậy, lúc về, mẹ lại hay chọc tôi. “Người ta bằng tuổi mày mà người ta đã đi làm kiếm tiền nuôi con, còn mày lại để mẹ dắt đi gội đầu.” Tội ngại, cũng chỉ biết cười trừ. Tính ra khi mẹ mang thai tôi cũng là năm mẹ hai mươi ba tuổi. Năm nay tôi cũng đã hai ba tuổi rồi. Bằng mẹ ở vào thời điểm đó, nhưng thời đó, lấy chồng như mẹ đã là trễ, có con như vậy cũng là chuyện bình thường. Tôi biết mẹ cũng chỉ chọc tôi vậy thôi, chứ mẹ không hề mong tôi lấy chồng sớm, để rồi có một cuộc sống bươn trải cực khổ như cô gái đó. Ai cũng bảo hai mẹ con tôi giống nhau, giống như hai giọt nước. Nhưng thực ra tôi lại là phiên bản lỗi của mẹ. Nếu thực sự giống mẹ, tại sao mẹ tôi hay được người ta khen trẻ, khen đẹp, còn tôi lại hay bị chê chứ? Tôi đành tự an ủi mình, có lẽ đến khi tôi bằng tuổi mẹ tôi rồi, tôi cũng sẽ được người ta khen đẹp như mẹ vậy. Mẹ hay trêu tôi, cũng hay đau lòng cho tôi. Mẹ cũng là người hay chê bai nhan sắc của tôi nhất. Câu cửa miệng của mẹ tôi là: “Xấu như mày lai mười đời cũng không hết.” Mỗi lần như vậy tôi lại vờ trách mẹ: “Ai bảo mẹ đẻ ra con xấu như vậy?” Mẹ tôi lại bảo: “Hỏi bà mày ấy. Bà thì da dẻ hồng hào mịn màng, ai bảo bà đẻ ra mẹ xấu xí làm chi.” Tôi bật cười: “Thế sau này con con xấu, con lại bảo nó là tại mẹ.” Bà ngoại tôi nằm trên phản, cười rung cả người. Có lúc tôi đang nằm trên phản xem tivi, mẹ ngồi ngay bên cạnh, đưa tay đặt trước ngực tôi kéo một đường từ trên cổ xuống bụng rồi bật cười ha hả. “Con gái gì mà phẳng lì thế này.” Tôi bảo: “Thì con có mặc áo ngực đâu.” Theo lý thuyết của tôi, mặc áo ngực mới có ngực, còn không mặc thì… cứ vậy đi. Mẹ tôi lại bảo: “Không có gì thật luôn hả, cởi ra mẹ coi nào.” Tôi lấy hai tay che trước ngực, la lên oai oái: “Mẹ kỳ quá đi.” Mẹ bị ám ảnh nhan sắc còn nhiều hơn cả tôi. Mẹ luôn tìm những thứ rau quả mát cho tôi ăn, mỗi lần tôi về nghỉ hè, ngày nào mẹ cũng bắt tôi đắp mặt nạ dưa leo hoặc mặt nạ sâm. Rồi còn mua cả kem dưỡng da cho tôi, bắt tôi bôi, còn không quên lải nhải bên cạnh: “Con gái gì mà không biết tự chăm sóc bản thân.” Lâu lâu mẹ còn hỏi những câu rất kỳ lạ: “Hay mẹ mua thuốc nở ngực quảng cáo trên tivi cho Nhân uống nhé.” “Hay mẹ dẫn Nhân đi phẫu thật nâng ngực, nâng mũi nhé.” Mẹ cũng hay đau lòng bảo: “Sao Nhân tồ quá vậy, giống ba không giống, cứ giống mẹ làm gì cho xấu.” Đó là vì tôi có làn da giống mẹ, khô ráp và không được mịn màng. Mẹ sợ tôi buồn, cũng sợ tôi tủi thân vì không được như người ta, nên mẹ hay chủ động chê tôi. Lâu dần tôi nghĩ lại, có lẽ nào mẹ tôi đang luyện cho tôi tinh thần thép, để tôi quên đi rằng tôi là một con bé không được xinh xắn cho lắm. Mẹ phát hiện ra tai tôi bé như tai chuột, giống ba, ngón chân cái thì hay nhếch lên khi đi, lại giống ba. Mẹ lại thở dài ngao ngán: “Sao lại toàn tổng hợp những cái xấu thôi. Chả bù cho thằng Thiện. Mà cũng may là mày giống mẹ, chứ thằng Thiện giống mẹ chắc nó chả dám mặc quần đùi đi đá bóng nữa.” Vậy đấy, vì cái làn da không mấy mịn màng của mình, mà một cô gái hơn hai mươi tuổi như tôi chẳng bao giờ dám mặc quần đùi ra đường. Tủi cũng có, nhưng riết rồi quen à. Chẳng phải mẹ có nói đó sao, dù sao mình cũng được cái cao ráo. Có lần nói chuyện với mấy đứa bạn cùng phòng kí túc xá của tôi, tôi có nói mẹ tôi lùn nhất nhà. Chúng nó mới hỏi mẹ mày cao bao nhiêu. Tôi bảo tròn mét sáu. Chúng nó lao vào đập tôi túi bụi, vì cái tội trêu ngươi những đứa hai mét bẻ đôi như chúng nó. Tôi lại cười, may mắn vì nhà tôi toàn chân dài, tôi giống ba, giống mẹ được điểm đó. Cũng không tính là hoàn toàn xấu xí! Nhưng cái xấu của tôi không chỉ đơn thuần tới từ làn da, mẹ đau lòng tôi còn vì từ lúc lọt lòng tôi đã mang theo tật bẩm sinh. Mẹ hay kể ngày tôi bé, nhắm mắt rất đẹp, nhìn rất ngoan, rất xinh. Nhưng mãi cho đến lúc tôi tròn một tuổi, mắt phải của tôi vẫn không mở được. Mẹ lo sợ, đi khám đủ nơi. Bác sĩ đều nói mắt tôi không có vấn đề gì, là do mí bị sụp, cơ mắt bị liệt, nên tôi không mở được mắt. Ngày đó mẹ đã khóc, đau lòng cho đứa con gái đầu lòng của mẹ. Tôi còn nhớ như in ngày tôi năm tuổi. Mẹ đưa tôi ra Hà Nội chữa bệnh. Hai mẹ con đùm đùm bọc bọc ôm nhau giữa thủ đô xa lạ. Mẹ dẫn tôi đi ngang qua Lăng Bác, nhưng Lăng Bác không mở cửa nên cho đến giờ tôi cũng chưa được bước chân vào nơi đó. Mẹ còn dẫn tôi đi hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc. Thế nhưng ký ức sâu sắc nhất của tôi về Hà Nội lại là ánh đèn phòng phẫu thuật sáng chói và một bên mắt bị băng cùng với thuốc khử trùng đỏ lòm màu máu. Tôi cũng nhớ những lúc mẹ tôi lén lau nước mắt vì thương tôi, nhớ lúc hai mẹ con co quắp nằm trên chiếu trong một góc hành lang của bệnh viện. Sau này khi tôi tròn mười tám, tôi lại một lần nữa được mẹ đưa đi mổ mắt. Lần này là Sài Gòn. Lần này tôi đã lớn. Nhưng sau khi mổ, tôi vẫn khóc, vẫn sợ như thuở ban đầu. Tôi còn gào lên với mẹ: “Sau này con có xấu chết đi nữa, con cũng không mổ xẻ gì thân thể con nữa đâu.” Mẹ còn xót hơn tôi, chỉ biết ôm tôi an ủi, rồi quay mặt đi lau giọt nước mắt vừa chực trào. Sau này mẹ tôi cũng không còn nói sẽ cho tôi đi thẩm mĩ nữa, chỉ là gợi ý nếu tôi muốn làm gì mẹ đều sẽ ủng hộ. Mẹ không sợ con gái mẹ xấu, chỉ sợ con gái mẹ bị người khác chê cười. Sau hai lần đau, mắt tôi đã mở, nhưng vẫn là “mắt bồ câu, con đậu, con bay”. Thời tôi học cấp hai, có lần học môn Sinh học. Bài học hôm đó có phần nói về những bộ phận của con người nếu không có công dụng cho sự phát triển, tiến hóa của loài người sẽ bị tiêu giảm dần đi. Có một cậu trai trong lớp tôi đã vô tình gọi tôi là: “Mắt tiêu giảm”. Tôi biết cậu ta trẻ con, cũng biết cậu ta trêu đùa, cũng đã giận cậu ấy, nhưng ai biết được sau này, đó lại là người không để ý đến ngoại hình của tôi mà yêu tôi. Tôi cũng không khóc lóc, không kể với ai nhưng vẫn âm thầm ghi nhớ trong lòng. Sau này tôi bị cận, đeo kính, cũng đỡ sợ bị người ta để ý đến đôi mắt không được bình thường của mình. Có lẽ tôi để ý nhiều đến ngoại hình, cũng tự ti nhiều về nó, nhưng nhờ mẹ, nhờ những người thân và bạn bè tôi, tôi cũng đã dần quên đi mình là một đứa trẻ mang khiếm khuyết. Tôi có thể quên, nhưng mẹ thì không. Mẹ vẫn luôn ám ảnh về việc đó. Nhiều lúc mẹ lại hoang mang nghĩ là do mình nên tôi mới bị tật. Mẹ đã từng đi hỏi nhiều nơi, liệu có phải do ngày mang thai tôi, mẹ lại nghĩ mình bị đau bụng nên bôi dầu nóng mới khiến tôi mới bị tật hay không. Mẹ kể, ngày mẹ sinh em trai, dù mệt chết đi được, nhưng mẹ còn phải lật lên xem hết tay chân của nó, xem nó có bị tật gì không. May mắn thay, em trai tôi là một đứa bé xinh đẹp hoàn hảo.