Quà từ trong nhà, quà ra ngoài ngõ
Chương 3 : Chuyện tình của những con cá khô.
Nói như vậy để biết cuộc sống của ba và mẹ là hai thái cực, dù có những điểm chung nhưng điểm chung đó không tạo thành giao điểm cho họ. Giao điểm của họ chỉ được hình thành khi cả nhà nội tôi đi chạy nạn từ Bắc vào Nam, cuối cùng định cư ở Tây Nguyên. Còn mẹ là người con gái có học thức bỏ đi xa xứ để kiếm cái nghề đổi vận tương lai.
Thuở ba mẹ gặp nhau, chính là lúc nơi tôi sinh ra còn là núi rừng hoang dại. Tôi nghe các bác trong xóm kể lại những lúc mọi người quây quần tám chuyện. Họ đều là những người tiên phong, những người mở lối. Lúc huyện tôi còn là một khu rừng rậm, chỉ có một khu liên hiệp khai thác rừng ở đó. Mọi thứ đều hoang sơ đến cực điểm, không có điện, không có đất, không có lúa, chỉ có núi rừng hoang vu. Còn khó khăn hơn nơi ba và mẹ sống trước đây nhiều lần. Nhưng cuối cùng họ vẫn bám chặt nơi phố núi. Để đến bây giờ, phố núi rực rỡ đèn hoa, họ kết thành một gia đình đầm ấm.
Chuyện tình của ba mẹ cũng không lãng mạn và sâu sắc như những câu chuyện tình của ba mẹ bạn tôi mà tôi được nghe kể. Ba là người trầm lặng, mẹ là người lạnh nhạt. Mẹ bảo ngày đó mẹ nghĩ mình xấu xí, nên ai tỏ lời yêu cũng không dám nhận lời, chỉ âm thầm nghĩ trong đầu, mình xấu như vậy không xứng với họ. Có lẽ sự tự ti của tôi là bị lây từ chút gene ngầm này của mẹ. Mẹ ngày đó ám ảnh về nhan sắc, về da dẻ không được mịn màng và về mái tóc xoăn gợn sóng lăn tăn như những triền núi. Nhưng tôi cũng nghe nhiều người hàng xóm kể lại, mẹ tôi ngày đó đẹp nhất nhì huyện. Tôi chỉ biết mỉm cười, có lẽ mẹ tôi đã nghĩ quá về những nhược điểm của mình. Đến bây giờ khi tóc mẹ đã được duỗi thẳng, mẹ tự tin hơn nhiều bởi làn da trắng nhưng vẫn hơi khô, mẹ tôi vẫn bài xích tóc xoăn như thuở ban đầu.
Có một cái tết kia, mẹ dẫn tôi đi thăm nhà một người quen của mẹ. Đây là lần đầu tôi gặp ông ấy, ông ấy là một người đàn ông hơi nhỏ bé, có lẽ tôi cảm thấy vậy vì ba khá cao lớn khiến tôi hay âm thầm so sánh ba với những người khác. Nhà ông ấy rất lớn với nhiều đồ gỗ giá trị và nội thất sang trọng. Lúc chở tôi về, mẹ tôi chậc lưỡi:
“Ông ấy ngày xưa theo mẹ dữ lắm, mà mẹ không chịu.”
“Sao vậy mẹ?”
“Vì mẹ xấu.”
Tôi âm thầm may mắn, may mà mẹ lấy ba, nếu không tôi sẽ không có mặt trên cuộc đời này. Tôi không biết nếu mẹ lấy ông ấy, liệu mẹ có hạnh phúc hơn bây giờ hay không, nhưng tôi biết, mẹ chỉ nói thế thôi, chứ mẹ không hề hối hận khi lấy ba, cũng như sinh ra tôi và em trai của tôi. Vậy đó, người ta luôn tiếc nuối vì những điều mình đã bỏ qua, nhưng không thể phủ nhận những điều tốt đẹp mà mình đang có.
Tôi tò mò hỏi mẹ:
“Ba cũng đẹp hơn mẹ, tại sao mẹ đồng ý lấy ba?”
“Ba mày mà đẹp, giờ ba mày đỡ rồi, chứ ngày xưa ba mày y sì con cá khô, tao lấy cho là may mắn lắm rồi.” Nói rồi vừa cười vừa kiếm tấm ảnh cưới thời đó của ba mẹ ra chứng minh điều mình nói.
Ba ngày đó gầy và đen, chỉ thấy hõm mắt sâu hoắm và hai má gồ cao, thân hình lênh khênh hơn một mét bảy hai của ba khiến ba trông như một cây bạch đàn khẳng khiu trong gió. Mẹ tôi thì vẫn trắng và có da có thịt. Tôi đã hiểu tại sao người ta nói mẹ tôi đẹp vào ngày đó. Nhìn mẹ không khác gì nhiều so với bây giờ cả, vẫn trẻ, vẫn xuân như ngày mẹ hai mươi đó.
Tôi có chút bật cười khi xem những tấm ảnh cưới của ba mẹ. Tôi đùa:
“Trông mẹ giống hệt mấy cô yêu tinh trong Tây Du Ký.”
“Toàn mỹ nữ không đó.”
Tôi lại cười.
“Giống thật mà.”
Cái kiểu thời trang thời đó thật lạ mắt. Mẹ được làm tóc chỉn chu, không phải là những kiểu sang trọng và gọn gàng như bây giờ mà cầu kỳ hơn nhiều. Tóc được bới cao và gài rất nhiều hoa cùng bông màu nho nhỏ. Có tấm ảnh mẹ mặc váy cưới màu trắng dài quét đất với nhiều ren, còn có tấm chụp với váy vàng ngắn trên đầu gối, trong khi đôi tất mẹ mang chỉ vừa đến đầu gối mà thôi.
Mẹ xem rồi cũng cười, là đang nhớ về những ngày ngọt ngào trong quá khứ, tôi thấy mắt mẹ tôi lấp lánh hạnh phúc.
“Hồi đó hai người yêu như thế nào?”
“Làm gì có yêu.”
“Không yêu mà cưới!?”
“Ừ, đến tuổi thì lấy thôi. Ngày đó mẹ ế rồi, hai mươi tuổi mà chưa lấy chồng, mẹ sợ giống bà Thặng, không lấy được chồng nữa nên có người cầu hôn liền vội vã đồng ý.”
Hóa ra mẹ tôi cũng là cá khô, không phải khô về ngoại hình, mà là khô về tình cảm. Mẹ tôi có yêu, chỉ là không hiểu rõ về tình yêu mà thôi. Tôi biết thế, vì nếu mẹ không yêu, mẹ sẽ từ chối, giống như mẹ đã từ chối người đàn ông kia vậy.
“Ba cầu hôn mẹ như thế nào?”
“Ba mày mà biết cầu hôn cái gì. Ông ấy bảo “lấy nhé” mẹ “ừ” thế là xong thôi.”
Tôi phì cười, hóa ra duyên phận của ba mẹ chỉ vì “nó phải như thế”, có lẽ họ chính là những người có duyên vì gặp đúng người, đúng thời điểm trong truyền thuyết.
Nói về duyên phận, ba mẹ lại bị nói là khắc nhau khá nhiều. Mẹ tuổi Tuất, ba tuổi Thìn. Nghe người ta bảo hai tuổi xung khắc nhau ghê gớm lắm. Mẹ cũng bảo mở miệng ra là cãi nhau tới tận trời. Ba trầm lặng nhưng khi đã nổi khùng lên thì rất đáng sợ. Mẹ lại là người hay cãi, chẳng bao giờ nhường ai. Có lần ba giận mà mẹ còn nói, ba tức quá đạp nồi cơm điện một cái, nồi cơm văng ra hai mét, tôi tái mặt ngồi im ôm chén cơm đang ăn dở, không dám hó hé gì. Sau này chiếc nồi đó nhà tôi vẫn còn giữ, nó bị móp một bên nhưng vẫn nấu tốt, bà ngoại vẫn dùng nó để hầm xương. Nồi Liên Xô thời đó, thật là bền!
Có lần khác ba mẹ lại đại chiến. Hôm đó tôi đi chơi với đứa bạn gần nhà, lúc về thấy ba mẹ cãi nhau, cũng không biết nguyên nhân là gì. Chỉ là đấy là lần đầu tôi nghe ba mẹ tôi nhắc đến hai chữ “ly hôn”. Tôi sợ. Đối với một con bé lớp tám vào thời điểm đó, tôi thực quá nhát gan, chỉ biết nép mình sau chiếc tủ nhỏ rồi khóc. Sau đó, mẹ có nói với tôi rằng:
“Sao Nhân nhát quá vậy, thấy ba mẹ cãi nhau phải lại can chứ. Chỉ cần Nhân lại nói một câu, là ba hết giận liền mà.”
Tôi chỉ im lặng không nói. Mẹ có lẽ không biết, chuyện lúc đó đã khiến tôi để lại bóng ma lớn đến như thế nào. Tôi lo sợ những cơn giận của ba, cũng sợ ba mẹ không thể gìn giữ được hạnh phúc này dài lâu. Có lẽ ba mẹ cũng hiểu mình sai, từ sau lần đó, tôi không thấy ba mẹ cãi nhau trước mặt tôi, hai từ “ly hôn” đó, tôi cũng chưa từng nghe lại thêm một lần nào nữa.
Truyện khác cùng thể loại
40 chương
98 chương
19 chương
46 chương