Quà từ trong nhà, quà ra ngoài ngõ
Chương 5 : Bà là bà tiên trong cổ tích.
Ngày bé tôi ở với bà ngoại. Là bà chứ không phải là ba hay mẹ. Ngày mẹ sắp sinh tôi, bà ngoại từ miền đồng bằng lần đầu tiên trong đời bước chân ra khỏi lũy tre làng. Bà đi chăm đứa nhỏ đang còn là một bào thai nằm trong bụng mẹ. Từ lúc mới lọt lòng tôi đã ở cùng bà, hơi thở trong ký ức cũng là của bà, lồng ngực cũng là của bà, mọi cái ôm ấm áp đều là của bà. Ngày đó ba mẹ tôi hay phải đi công tác xa, có những lúc lâu đến mức tôi tưởng chừng như quên mất mình còn có ba mẹ.
Có hôm cả xóm tụ tập phía sân nhà hàng xóm. Mấy đứa nhỏ tíu tít đùa vui bên ba mẹ chúng, bỗng dưng lòng tôi trỗi lên một cảm xúc buồn thảm sâu sắc. Tôi ghé cái miệng nhỏ nhắn vào tai bà thì thầm:
“Bà ơi, sao con không có ba mẹ?”
Bà đưa tay quẹt hàng nước mắt vừa mới chực trào ra. Còn tôi vẫn tròn xoe con mắt ngước lên nhìn bà. Ngày đó trẻ con, còn chưa hiểu chuyện, đâu biết ba mẹ đi công tác xa, đến mức con gái bé nhỏ ở nhà quên mất mình cũng có ba có mẹ như bao nhiêu người khác. Nếu họ biết tôi nói câu đó, có lẽ họ sẽ buồn, rất buồn.
Con cũng xin lỗi bà, vì khiến bà đau lòng vì con nhiều như vậy.
Tối tối phố núi buồn chán, hai bà cháu ăn cơm xong thì sáu giờ đã lên giường đi ngủ. Đối với một đứa trẻ sáu tuổi hiếu động thì giờ đó khó mà yên giấc được. Bà không biết kể chuyện, cũng không biết hát ru, bà chỉ biết quát khẽ:
“Ngủ đi mai còn đi học.”
Cứ thế những ngày ba mẹ vắng nhà là những ngày cùng bà ngủ sớm.
Đến khi trong xóm có chiếc tivi đầu tiên, cũng là lúc thời gian đi ngủ của bà cháu tôi bị rút ngắn lại chút ít. Hồi đó tivi chiếu bộ phim Hoàn Châu Cách Cách. Vì có bữa xem được, bữa không, nên tôi không biết toàn bộ nội dung phim như thế nào. Tôi chỉ nhớ cô gái xinh đẹp Hàm Hương đội mũ trắng với đàn bướm bay lượn xung quanh. Bà luôn bắt tôi về nhà ngủ sớm. Để đến bây giờ khi mọi cô gái trạc tuổi tôi đều ghi dấu ấn sâu đậm về bộ phim nổi tiếng đó, thì tôi chỉ nhớ đến những lần phụng phịu giận bà lúc đêm về.
Ngày tôi còn bé, bà muốn bán quán. Ba mẹ tôi dựng lên cho bà một cái quán nhỏ nhỏ xinh xinh ở ngay trước cửa nhà tôi. Bà bán xôi. Ngày ngày bà đều thức dậy lúc trời còn chưa sáng. Bà cứ thế lục đục mãi, để nấu một nồi xôi thơm ngát mùi nếp. Tới khi gà gáy sáng, ông mặt trời cũng dần hé mình ra từ sau rặng núi phía xa, bà lại gọi tôi dậy. Hai bà cháu mặc áo khoác thật dày, rồi đi thể dục. Bà bảo đi thể dục, nhưng thực ra là hai bà cháu tôi đi lấy bánh mì ở lò bánh mì để về bán. Trong màn sương rét mướt ấy, bà nắm bàn tay nhỏ nhắn của tôi, dung dăng dung dẻ hiên ngang đi giữa con đường. Trời còn quá sớm, phố xá vẫn lặng ngắt như tờ, đến cả khuôn mặt của bà lúc đó tôi còn không nhìn rõ vì mắt vẫn kèm nhèm ngái ngủ.
Mỗi ngày bà sẽ nấu một loại xôi khác nhau. Có hôm xôi đậu, hôm xôi gấc… Hôm nào có xôi gấc bà đều sẽ nhặt lại hạt gấc cho tôi. Tôi rất thích thứ hạt đen đen nhẵn bóng đó. Bà bảo để tôi chơi thảy thay cho những viên đá xanh cứng ngắc. Tôi cứ tích trữ đống hạt đó đầy dần, đầy dần cho tới lúc bà không còn bán xôi nữa.
Bà mở hàng rất sớm. Tôi cũng hay ngồi cạnh nhìn bà dọn hàng trong lúc trời còn nhá nhem. Ánh sáng yếu ớt từ cái đèn quả nhót không đủ chiếu sáng xung quanh nhưng nó tạo nên một màng sáng nhàn nhạt, dường như đang tỏa ra hơi ấm. Bà nhóm một cái bếp than nho nhỏ để đặt nồi xôi lớn hai tầng lên trên. Những lúc đó tôi sẽ hơ hơ hai bàn tay của mình trên bếp lửa, rồi ngồi xuýt xoa mãi. Bà cứ lụi cụi, còn tôi cứ mơ màng nhìn màn sương trắng phía sau lưng bà. Bà bán xôi rất đắt hàng. Bởi vì bà nấu xôi rất ngon, bà còn phát minh ra một món ăn mới: bánh mì kẹp xôi. Cứ thế hàng xôi của bà nổi tiếng khắp xung quanh khu phố nhỏ. Mới sáu giờ đã bắt đầu có người tới mua đồ ăn sáng. Một người, rồi hai người… Đến lúc quán hơi đông rồi, tôi đã ngủ gục trên ghế. Sáu rưỡi bà lại gọi tôi dậy, nhét cho tôi một đùm xôi ấm nóng vào tay, rồi gửi tôi sang nhà hàng xóm nhờ người ta đưa tôi đi học. Trưa trưa tôi sẽ tự mình đi bộ về.
Tính tôi không được tập trung lắm, làm gì cũng mơ mơ hồ hồ. Có hôm tôi đem chiếc áo khoác vác trên vai, đến lúc về tới cửa nhà, áo rớt ở đâu tôi cũng không rõ. Tôi lại là một đứa trẻ khá yếu ớt, mẹ hay gọi tôi là “con mèo hen” hay “một tháng hai lăm ngày đau”. Đến mức năm lớp hai tôi đã phải bỏ thi chỉ vì bị ốm, cuối cùng mẹ tôi phải “đi cửa sau” để tôi được lên lớp cho bằng bạn bằng bè. Vì tôi yếu như vậy, nên bà rất lo cho tôi. Trưa nào tôi cũng cà kê khắp nơi, ngó bên này một ít, bên kia một ít nên tôi hay về nhà trễ, bà sẽ vì lo lắng mà đứng ở cửa đợi tôi về. Khi thấy bóng dáng siêu vẹo của tôi từ phía xa, bà đã tất tả chạy lại đỡ cặp cho tôi. Chiếc cặp chứa đầy sách vở, còn to gấp đôi cái lưng mảnh khảnh của tôi ngày đó. Mỗi lần đi học về thấy bà, tôi lại thở phào một cái. Sống lại rồi!
Quán xôi của bà mở tới năm tôi lên lớp bốn thì đóng. Mẹ không cho bà dậy sớm làm việc nữa. Điệp khúc một ngày xôi, một ngày bánh mì của tôi từ đó cũng chấm dứt. Thế nhưng hình ảnh của cái quán nhỏ lúp xúp trước cửa nhà vẫn in sâu trong ký ức của tôi. Tôi còn nhớ hồi đó mỗi khi tay tôi bị xước măng rô. Bà lại bế tôi lên, bảo tôi vỗ vỗ vào mái của cái quán nhỏ, vừa vỗ vừa đọc:
“Xước măng rô thì xô mái nhà.”
Thực sự cho đến lúc này tôi vẫn không hiểu hành động đó có ý nghĩa là gì. Nhưng lúc đó, tôi rất thích làm như vậy. Lòng cảm thấy vui vui, những miếng da bị xước ra cũng không còn đau nữa.
Đến khi em trai tôi ra đời, bà lại bận chăm sóc thêm cho một sinh linh bé nhỏ, nên bà không còn đứng ở cổng chờ tôi về nữa. Hôm đó tôi đi học về, có lẽ là do say nắng nên khi vừa tới cửa nhà, tôi đã úp mặt xuống bậc thềm. Tôi nằm im ở đó một phút, sau đó một trận đau buốt chạy dọc từ cằm tới não khiến tôi thức tỉnh. Tôi khóc ré lên. Bà nghe tiếng tôi, lao thẳng ra cửa, bế tôi dậy, hai tay bà đầy máu. Bà không biết làm gì, đặt tôi xuống thềm, rồi vừa khóc vừa chạy qua nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ. Hồi đó mẹ còn đang ở cữ, không thể bước chân ra khỏi nhà, ba vẫn đang đi công tác xa chưa về. Bà đưa tôi xuống phòng khám gần nhà, bác sĩ may cho tôi năm mũi ngay cằm. Hàng xóm thì vây quanh rất nhiều, tôi thấy bà cứ thỉnh thoảng lại ló đầu ra từ phía sau đám đông. Cứ thấy bóng bà, tôi lại khóc. Cằm rung rung khiến bác sĩ không thể may được. Bác hàng xóm kéo bà tôi ra ngoài, không cho bà ngó tôi nữa, tôi mới ngừng khóc. Ngày đó, có thuốc tê nên tôi không thấy đau chút nào, chỉ là thấy bóng bà khiến tôi tủi thân mà thôi. Nghĩ lại, tôi đau vì cái cằm rách thì ít, còn bà xót cho tôi lại quá nhiều.
Bà rất đẹp, còn đẹp hơn mẹ nhiều. Da bà mịn và tóc bà thẳng. Vậy nên mẹ mới hay trách bà sao đẻ ra mẹ da xấu, tóc xấu. Tiếc là, lúc tôi thấy bà đẹp thì tóc bà đã ngả qua hai màu từ rất lâu rồi. Tôi hỏi mẹ:
“Ngày xưa bà trông như thế nào hả mẹ?”
Mẹ tôi cười:
“Từ lúc mẹ biết suy nghĩ đã thấy bà trông như vậy rồi.”
Tôi khẽ gật đầu, một người phụ nữ tự mình bươn trải hơn nửa cuộc đời, tự mình nuôi dạy con cái thành người, bà đâu còn thời gian để mà chăm sóc cho bản thân. Tôi đau lòng. Nhưng lại càng quý trọng hình ảnh của bà hơn nữa. Bởi vì khi tôi sinh ra, bà tôi đã đẹp như vậy rồi.
Bây giờ bà nhiều tuổi rồi, lại thêm bệnh tiểu đường. Bà không ăn được đồ ngọt, cũng có nhiều thứ khác cần phải kiêng ăn. Tôi lại đùa bà:
“Ngày xưa không có mà ăn, bây giờ có nhiều thứ ngon thì lại không được ăn, số bà khổ quá.”
Bà lườm tôi rồi bảo:
“Bà thèm vào. Mấy đứa ăn đi.”
Vậy đấy, bà số khổ. Sống cả một đời, hết vì con rồi lại vì cháu. Bà không biết kể truyện, không biết hát ru, nhưng bà chính là bà tiên trong truyện cổ tích của cuộc đời tôi.
Truyện khác cùng thể loại
41 chương
155 chương
14 chương
9 chương
63 chương
29 chương