Nhiếp chính ỷ lan
Chương 9
Tin nguyên phi Ỷ Lan sinh quý tử làm chấn động cả kinh thành Thăng Long. Khắp nơi nhân dân vui mừng, loan tin cho nhau, xem như niềm vui của chính mình. Những người yêu mến Ỷ Lan quả quyết rằng, hoàng nhi sẽ thừa kế chí lớn của vua cha và sự minh mẫn của mẹ. Hoàng nhi chắc phải đẹp như mối tình rất đẹp của cặp trai tài gái sắc và hứa hẹn sẽ là vị vua anh kiệt đưa nước Đại Việt đến thời kỳ hưng thịnh. Toại nguyện vì đã có người kế vị, vua phấn chấn đặt tên con là Càn Đức và cả tháng ròng, vua cho treo đèn kết hoa ở cung Ỷ Lan. Đến ngày hoàng nhi trọn tháng, vua làm lễ ăn mừng, theo nghi thức trang trọng đặc biệt. Đêm ấy tiệc vui bày khắp sảnh trên điện dưới. Tất cả các đại thần văn võ, các cung phi mệnh phụ trong hoàng cung, đều kéo đến chúc mừng Ỷ Lan. Ban nhạc triều đình và các ca nữ nổi tiếng về các lối hát dân gian ở kinh thành cũng được huy động đến giúp vui. Khắp cung điện, đèn đuốc được thắp sáng trưng. Bàn thờ khói hương nghi ngút. Các đại thần theo thứ bậc đứng xếp hàng hai bên. Các hoạn quan phục dịch, áo quần sa tanh đỏ chói, đi lại rộn rịp. Hệt như nghi lễ lâm trào, hết hồi trống thứ chín, vua Lý Thánh Tông mặc áo hoàng bào, nét mặt hoan hỉ, đến bên bàn thờ làm lễ tạ trờiPhật đã phù hộ cho nguyên phi Ỷ Lan sinh hoàng nam. Ngay sau đấy hàng chục bánh pháo khổng lồ được đốt nổ rền cả hoàng thành. Dứt tiếng pháo, vua ngự trên vị trí trang trọng nhất chủ trì cuộc tiếp nhận lễ vật. Thái sư Lý Đạo Thành đọc bản danh sách những người đến mừng. Viên thượng thư bộ Lại cẩn thận ghi vào sổ từng món đồ mừng của các quan và giới hoàng tộc. Cuộc tiếp nhận lễ vật đặc biệt sôi nổi khi Ỷ Lan trang sức cực kỳ lộng lẫy, đẹp như thiên tiên, bế hoàng nhi mặc áo nhiễu thêu rồng, từ sau rèm khoan thai bước ra, đến đứng trước nhà vua, giữa hai hàng đại thần. Âu yếm nhìn Ỷ Lan như đẹp thêm ra sau khi sinh con, vua trầm giọng:
- Ái phi ăn ở phúc đức nên được trời Phật phù hộ sinh hoàng nam. Việc ấy khiến cho trẫm và cả triều đình vui mừng. Dòng họ từ đây sẽ có người kế vị chăm lo việc nước. Ái phi có công sinh hoàng nam, ắt biết chăm bẵm, dạy dỗ hoàng nam đủ tài trí để tề gia trị quốc, xứng với lòng mong ước của trẫm và hoàng tộc.
Vua dứt lời, ỷ Lan từ từ quỳ xuống, bảy lần cúi đầu tạ ơn rồi lui vào sau bức rèm thêu rồng cạnh vua. Xong các thủ tục trang nghiêm, dọn đường cho vua làm lễ tấn phong hoàng tử Càn Đức làm thái tử vào ngày hôm sau, tiệc vui bắt đầu.
Khi không còn phải bận tâm vào các nghi lễ gò bó cứng nhắc, Ỷ Lan lui vào phòng riêng. Nhận ra nét tư lự bất thường trên gương mặt Ỷ Lan, người thị nữ thân tín săn đón:
- Ngày vui thật trọn vẹn mà sao hoàng phi còn bận tâm điều gì?
Trao con cho nhũ mẫu, Ỷ Lan nựng con thay cho câu trả lời:
- Con ngoan! Ngày vui của con không trọn vẹn vì sự vắng mặt của đích mẫu43.
[43] Theo tục lệ, dù hoàng nam là con Ỷ Lan nhưng mẹ chính được xã hội công nhận, vẫn là hoàng hậu Thượng Dương.
Không khí nặng nề xâm chiếm căn phòng. Chính Ỷ Lan lại phá tan sự im lặng:
- Ngươi có thấy hoàng gia bàn tán về chuyện hoàng hậu thờ ơ với ngày vui của hoàng nhi không?
Lộc thật thà:
- Chẳng cứ hoàng tộc mà các văn võ đại thần ai cũng nhắc đến. Người ta chê hoàng hậu cố chấp.
Ỷ Lan mỉm cười, cái cười không phải vì vui:
- Lẽ ra ta không nên bận tâm đến chuyện này. Điều ta bận tâm là đã làm hết sức để xóa đi những xích mích với hoàng hậu mà hoàng hậu cứ cố tình không hiểu bụng ta. Ngươi thử nghĩ xem, không hòa thuận trong gia đạo làm sao nêu gương được cho đời. Miệng thế chê cười hoàng hậu cố chấp cũng sẽ chê cười ta không khéo cư xử.
Người thị nữ ân cần:
- Hoàng phi không lạ gì tính nết hoàng hậu. Vậy, việc gì phải tự dằn vặt mình? Nếu cho thiếp lạm khuyên thì mọi việc phi lý đều có những cái cớ của nó. Xem vậy, việc hoàng hậu không đến cũng là dễ hiểu.
Ỷ Lan nghiêm giọng:
- Ngươi cạn nghĩ mà nói vậy thôi! Ngày mai hoàng đế sẽ làm lễ tấn phong cho hoàng nhi. Nghĩa là sau này hoàng nhi sẽ nối ngôi cha trị vì thiên hạ. Quyền uy có thể sinh ra tật xấu. Ai giấu kín được việc đích mẫu thờ ơ với đêm vui của con ta? Có chắc rằng hoàng nhi không bị xúc xiểm từ chuyện ấy, gây nên mối tâm thù ngày sau?
Người thị nữ đáp:
- Tâu hoàng phi! Lỗi ở hoàng hậu can dự gì đến hoàng phi mà ngại.
Ỷ Lan vẻ mặt đau khổ nói:
- Chọn cho ta cách cư xử của người thắng thế thường tình thì dễ. Ta muốn ta và cả con ta sau này ăn ở nhân đức, làm điều nhân đức. Thiếu gì chuyện hiềm khích gây nên họa? Bởi thế chê hoàng hậu mà là lo xa cho hoàng hậu vậy. Một người thông tuệ lẽ ra không nên hành động như thế.
Bỗng hiểu ra Ỷ Lan đang nghĩ tới những điều xa xôi hơn, những điều mà một người bình thường không thể nghĩ tới, người thị nữ thân tín của Ỷ Lan cúi đầu im lặng.
Vừa khi ấy vua Lý Thánh Tông bước vào. Nhà vua đã nghe lọt câu chuyện nên nói giọng cảm kích:
- Ái phi nghĩ thế mới thật là người độ lượng. Trẫm quên không nói, hoàng hậu bị ốm từ hai ngày nay.
Ỷ Lan sững sờ:
- Chết nỗi! Nếu vậy thì chính thiếp mới là người có lỗi. Thiếp thật đáng trách. Thiếp phải tới thăm hỏi ngay mới được.
Vua âu yếm nắm tay Ỷ Lan, nói cả bằng mắt:
- Đêm vui, ái phi chẳng nên rời khỏi cung.
Ỷ Lan rút tay mình ra khỏi bàn tay nóng hổi của vua:
- Bệ hạ thứ lỗi cho thiếp. Thiếp không thể vui một mình, vui trong sự đau đớn của người khác. Hoàng hậu cần được chính thiếp an ủi.
Vua trầm giọng:
- Trẫm thực không sâu sắc bằng ái phi. Ái phi cứ làm theo lòng mình. Trẫm chờ ái phi.
**
*
Hoàng hậu Thượng Dương uể oải ngồi tựa vào chiếc kỷ phủ gấm kê ngoài hiên tầng lầu thứ hai, lơ đãng nhìn màn đêm dày đặc ở xung quanh. Từ mấy ngày nay, hoàng hậu định bụng không nghĩ gì về Ỷ Lan, càng không nghĩ tới đêm vui mừng hoàng tử Càn Đức trọn tháng ở bên ấy. Nhưng oái oăm thay, đèn đuốc ở kinh thành như tụ cả về hướng ấy và tiếng sáo lay động cả kinh thành cứ vút lên ngân xa buộc hoàng hậu chẳng thể làm ngơ được. Ở bên ấy, chắc sắp sửa hành lễ. Hoàng hậu nghĩ thầm - Thật vinh hạnh cho Ỷ Lan và đau khổ cho ta. Ai ngờ người con gái lam lũ, vốn dòng cùng dân được trời phú cho sắc đẹp, lại tốt số đến thế. Sinh được hoàng tử, uy quyền và danh vọng của Ỷ Lan sẽ khuynh loát cả triều đình. Những kẻ từng cầu cạnh ta sẽ bỏ ta để xun xoe, tâng bốc, lấy lòng con người tốt phúc, tốt số ấy. Thái sư Lý Đạo Thành chịu ơn sâu sắc của ta cũng chẳng đã bỏ mặc ta xoay xở, đối phó với Ỷ Lan đó sao? Càng nghĩ hoàng hậu càng giận mình, giận đời, giận cả đám thị nữ thiếu trung thành và bất lực. Lạ thay, biết kế độc của ta mà Ỷ Lan không tìm cách trả thù. Chẳng nhẽ Ỷ Lan lại rộng lượng đến thế? Hay là Ỷ Lan toan tính, suy ngẫm tìm kế hiểm. Bây giờ sinh Hoàng nam, được vua yêu quý, bọn đại thần cầu cạnh, Ỷ Lan sẽ ra tay làm hại ta chăng? Có thể lắm. Hoàng hậu vừa nung nấu mối tị hiềm vừa bồn chồn lo lắng tự nhủ.
- Thị nữ. - Chợt hoàng hậu nóng nảy lên tiếng gọi.
- Tâu hoàng hậu! Thần thiếp nghe lệnh. Một thị nữ đứng đâu đó vội vã bước ra.
- Mấy ngày nay ta giả ốm để khỏi phải đến cung Ỷ Lan. Nhưng ta lại nóng lòng muốn biết ở bên ấy họ đang làm gì. Ngươi hãy giúp ta việc ấy.
Người thị nữ lo lắng:
- Bên ấy họ đều biết mặt con.
Hoàng hậu rít lên:
- Thị nữ của Ỷ Lan liều thân cứu chủ, dám chết thay cho chủ. Còn ngươi, ta cư xử có đến nỗi nào mà việc cỏn con ấy cũng thoái thác?
Người thị nữ nghẹn ngào:
- Tâu hoàng hậu! Hoàng phi đối xử với kẻ dưới như chị đối với em, không lạm sai việc gì không phải. Vậy nên gặp lúc nguy nan, kẻ dưới dám đền ơn che chở. Vả chăng vì hoàng hậu, thiếp cũng đã mấy phen nguy khốn. Hoàng hậu sao nỡ nặng lời…
Hoàng hậu Thượng Dương chợt mủi lòng:
- Chuyện cũ nhắc lại làm gì. Vả ta cũng đã đền công khó nhọc. Thôi, ngươi hãy lần nữa giúp ta. Xong việc ta sẽ ân thưởng.
Người thị nữ nước mắt lưng tròng, cải trang làm dân thường vội vã ra đi. Nhưng vừa xuống tới đường, bất ngờ gặp xe Ỷ Lan đi đến. Hấp tấp quay lại báo tin cho hoàng hậu thì Ỷ Lan đã cùng hai thị nữ đi vào tới cung.
Sau phút ngạc nhiên và bối rối, hoàng hậu Thượng Dương sửa sang xiêm áo lạnh lùng bước xuống phòng khách. Hài lòng trước nghi lễ ra mắt của Ỷ Lan, hoàng hậu Thượng Dương làm bộ vui:
- Bên ấy đang buổi vui, sao phi bỏ đi cho đành?
- Tâu hoàng hậu! Thiếp vừa được hay ngọc thể hoàng hậu bất an nên vội vã đến thăm. Chẳng hay bệnh tình hoàng hậu đã thuyên giảm chút nào chăng?
Hoàng hậu ngập ngừng:
- Chỉ vì ta mà đêm hôm hoàng phi phải vất vả. Cảm ơn phi, ta chỉ váng vất qua quýt thôi. Không sang bên ấy dự tiệc vui được lòng ta xiết bao ân hận. Vậy mà hoàng phi không để bụng, lại đến thăm hỏi ta, ta thật cảm động.
- Hoàng hậu quá khen. Được thấy dung nhan hoàng hậu đã tươi tốt, thiếp thật mừng.
Cảm động trước thái độ ân cần của Ỷ Lan, hoàng hậu cởi mở:
- Còn chuyện này nữa. Vì ốm không sang dự lễ ăn mừng hoàng nam đầy tháng chắc không ít người dị nghị, hoàng phi chớ bận tâm về những lời đàm tiếu của những kẻ vô công rồi nghề ấy.
Ỷ Lan cười hóm hỉnh:
- Thiếp có thể ngày mai tới thăm hoàng hậu cũng không muộn. Nhưng thiếp đã bỏ dở tiệc vui đi ngay trong đêm nay chính là để tránh sự dị nghị của thiên hạ.
Hoàng hậu Thượng Dương cướp lời giọng mát mẻ:
- Làm việc ấy, hoàng phi sẽ nêu được tiếng thơm ở đời. Hoàng phi thực là người khôn ngoan rất mực.
- Xin hoàng hậu hiểu cho bụng thiếp. Việc thiếp làm không phải cho riêng thiếp mà là cho hoàng hậu đó.
- Cho ta? Lý lẽ của hoàng phi hay thật!
- Tâu hoàng hậu! Thiếp những muốn trong nhà phải hòa thuận. Bởi thế, đáng lẽ trong đêm vui, thiếp chỉ cần lo trang điểm để nhận sự chúc mừng của các quan và hoàng tộc. Nhưng thiếp đã đến thăm hoàng hậu, thiếp cốt cho mọi người thấy hoàng hậu bị yếu mệt không đến mừng cho Hoàng nam chứ không phải có lòng nào khác.
Nghe những lời chân tình của Ỷ Lan, hoàng hậu Thượng Dương trở lại dáng ưu tư:
- Hoàng phi nghĩ như thế thật sao?
- Hoàng hậu cũng đã biết, thiếp nguyện lấy ân trả oán, giữ phúc về sau. Huống chi, giữ cho Hoàng hậu cũng chính là giữ cho thiếp.
Cũng chỉ tới lúc ấy hoàng hậu Thượng Dương mới chuyển lòng. Sau phút tần ngần, hoàng hậu Thượng Dương cố lấy dáng tự nhiên:
- Hoàng phi cư xử phải đạo, ta cũng được nhờ cậy.
Khi tiên chân Ỷ Lan trở về, hoàng hậu Thượng Dương hỏi người thị nữ thân tín:
- Ngươi có cho rằng Ỷ Lan thật bụng với ta chăng?
Người thị nữ của hoàng hậu không trả lời vào câu hỏi:
- Tâu hoàng hậu! Theo ý thiếp, người tốt chẳng bao giờ lường hết bụng dạ của kẻ xấu.
Hoàng hậu Thượng Dương bỗng nhận thấy vẻ mặt bất kính của người thị nữ, gặng hỏi:
- Vậy giữa ta và Ỷ Lan ai là người tốt?
- Tâu hoàng hậu! Giữa hoàng hậu và hoàng phi, thiếp không thể mắc tội phạm thượng. Xin hoàng hậu thứ lỗi cho thiếp.
Lần đầu tiên hoàng hậu Thượng Dương bị kẻ hầu người hạ xúc phạm. Nhưng hoàng hậu nén giận. Hoàng hậu xót xa thấy mình thêm cô đơn, lẻ loi. Hoàng hậu uể oải đứng dậy. Một niềm an ủi nho nhỏ chợt đến: giấc ngủ sẽ cho ta lời khuyên bổ ích. Bởi vì nhắm mắt lại là cách nhìn vào tâm hồn kỳ diệu nhất.
**
*
Cũng vào khoảng thời gian ấy, sau cả năm nghiền ngẫm, tìm hiểu đạo Phật, kiến thức của Ỷ Lan về đạo Phật đã tấn tới.
Phật giáo lúc ấy ngày càng ăn sâu, bén rễ trong dân chúng và các nhà sư đều học rộng hiểu sau, ăn ở theo đạo lý, có ảnh hưởng lớn và được dân tôn kính, Ỷ Lan thêm hiểu trật tự, kỷ cương, phép nước dưới triều Lý Thánh Tông sở dĩ được củng cố vững chắc, một phần do nhà vua quy tụ các nhà sư. Bởi vậy nung nấu ý nguyện giúp vua trị nước, Ỷ Lan đã bỏ công sức tìm hiểu đạo Phật.
Khi Ỷ Lan ngỏ ý muốn hội kiến với các nhà sư, vua Lý Thánh Tông bằng lòng ngay.
Một sáng, nhân ngày hội các sư ở chùa Khai Quốc (Thăng Long), Ỷ Lan thay mặt nhà vua đặt tiệc chay rồi cùng đàm đạo luận đạo Phật với các vị sư già học rộng. Các nhà sư đã sửng sốt trước câu hỏi sâu rộng của Ỷ Lan.
- Nghĩa hai chữ Phật và Tổ là thế nào? Có hơn kém nhau điều gì không? Phật ở phương nào? Tổ ở thành nào? Đạo Phật đến nước ta từ đời nào? Truyền thụ như thế nào?
Nghe câu hỏi ấy các nhà sư đều nhìn nhau im lặng. Một lúc sau Trí Không44 nổi tiếng uyên bác thời ấy mạnh bạo:
[44] Sư quê ở Đan Phượng (Hà Tây) nổi tiếng học. Về sau được Ỷ Lan phong làm Quốc sư.
- Tâu chính phi! Học vấn kẻ bần tăng còn nông cạn nhưng cũng xin thưa: Thường trú ở thế gian không sinh không diệt thì gọi là Phật. Hiểu rõ tâm tôn của Phật, tu hành và trí giải cùng ứng với nhau thì gọi là Tổ. Vậy Phật và Tổ là một. Về sau bọn học giả càn rỡ cho là hơn kém. Phật lấy lòng từ bi, cho nên sinh ra Thiên Trúc, vì đấy là trung tâm của trời đất. Phật mười chín tuổi xuất gia. Ba mươi tuổi thành đạo và thuyết pháo bốn mươi chín năm. Phật mở các thứ pháp quyền để cho mọi người ngộ đạo, ấy gọi là hưng giáo một đời vậy. Khi sắp vào Nát Bàn (nirvana) Phật sợ đạo thống mê muội và đình trệ, bèn bảo Văn Thù (Mãn Jucri) rằng: “Trong bốn mươi chín năm nay, ta chưa từng nói một chữ, có thể nói rằng ta đã nói rồi được không?”. Rồi Phật cầm một cành hoa giơ lên. Mọi người đều không hiểu ý nghĩa là gì, chỉ có Ca Diếp (Mahakacyapa) mỉm cười. Phật biết Ca Diếp đã khổ hợp được thâm ý của Phật, liền đem chính Pháp phó thác cho Ca Diếp làm tổ thứ nhất, ấy gọi là tâm tôn của giáo ngoại biệt truyền vậy. Đến đời Lưu Hán, Ma Đàng (Kacyapamrtanga) đem đạo ấy vào nước Hán rồi Đạt Ma (Bodhidharma) lại đem truyền bá ở nước Lương, nước Ngụy. Đến khi dòng Thiên Thai thành lập, thì sự truyền giáo rất thịnh. Dòng ấy gọi là giáo tôn (agama) sau lại có thêm dòng thiền tôn. Hai dòng ấy vào nước ta đã lâu. Dòng giáo thì có Mâu Bác và Khăng Tăng hội là đầu tiên, Dòng thiền thì có Ti-ni-da-lưu-chi lập ra tiền phái và Vô Ngôn Thông lập ra hậu phái, ấy là tổ của hai phái.
Ỷ Lan gật đầu vẻ hài lòng rồi hỏi tiếp:
- Dòng giáo tôn đã lập thì hai phái của dòng thiền tôn có hiệu nghiệm gì?
Sư Trí Không cung kính thưa:
- Theo chuyện Pháp sư Đàm Thiên thì Tùy Cao Tổ công nhận dòng thiên tôn là Phật pháp. Hoàng hậu Cao Tổ nói rằng: Ta nghĩ đến đạo từ bi của đức Phật, không biết báo ân đức ngài thế nào cho phải. Ta lạm giữ ngôi nhân chủ muốn rộng truyền đạo Tam bảo45 đã thu nhặt những dị hài sa lý ở khắp mọi nơi, lập được bốn mươi chín ngọn bảo tháp ở trong nước để làm cầu đỡ dẫn đường cho dân chúng và làm được một trăm năm mươi ngôi chùa rồi. Bây giờ ta lại muốn lập chùa dựng tháp ở các nơi trong xứ Giao Châu để cho các nước đều được thấm nhuần phúc trạch. Xứ ấy tuy nội thuộc nước ta nhưng xa xôi quá. Vậy nên ta tuyển lấy các xa môn46 có danh đức sang đó hoằng hóa dân chúng, để hết thảy chúng sinh đều biết đạo Bồ Đề.
[45] Tam bảo: Phật, pháp, tăng.
[46]Chỉ người xuất gia tu hành.
Ỷ Lan cắt ngang:
- Hoàng hậu Tùy Cao Tổ giở giọng phúc đức! Bà ta không biết xứ Giao Châu có đường sang Thiên Trúc, cũng không biết trước khi Phật giáo vào nước Tùy Giao Châu đã xây ở Luy Lôm trên hai mươi ngọn bảo tháp, có trên năm trăm tăng và dịch được mười lăm bộ kinh rồi hay sao?
Sư Trí Không kinh ngạc về tài nhớ của Ỷ Lan, tâu:
- Quả vậy, Phật đã truyền vào nước ta trước họ. Thiên hạ thiếu gì người tự phụ mà nhầm lẫn. Lại nói chuyện cũ bấy giờ ở Giao Châu có các vị sư Ma-la-ki-thành, Khang-tăng hội và Mậu Bác truyền đạo. Nay lại có thượng pháp, sĩ pháp Đắc Hiền thuộc phái lưu tri dạy đạo. Rồi tể tướng đời Đường trong bài tự sách ”Truyền Pháp” nói rằng phái thiền ở đâu cũng thịnh. Thiền sư Trượng Kính Vân đem tâm yến của mã tổ đi giác ngộ ở xứ Ngô Việt và đạo sĩ Vô Ngôn Thông47 đêm tôn chỉ của Bác Trượng đi khai ngộ ở Giao Châu. Đó là hiệu nghiệm của hai phái.
[47] Thiền sư Vô Ngôn Thông quê ở Quảng Châu sang Việt Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, hạt Tiên Du (Hà Bắc). Nghĩa Vô Ngôn Thông là không nói mà sáng suốt.
Ỷ Lan hỏi:
- Dòng dõi truyền thụ của hai phái ấy hiện ra sao?
Sư Trí Không liền đáp:
- Tâu chính phi! Phái Lưu Tri tức là sư Lâm Huệ Sinh và sư Vương Chân Không ngày nay. Phái Vô Ngôn Thông tức sư Phan Quảng Trí và sư Lôi Hạ Trạch ngày nay. Còn phụ nhiều lắm, không thể kể xiết được.
Nghe sư Trí Không trả lời vậy, Ỷ Lan rất hài lòng. Cuộc hội kiến sau đó chuyển sang phần đạo lý. Trước lúc kết thúc, Ỷ Lan ân cần nói với các nhà sư những lời tâm huyết:
- Ta hằng muốn mọi người sống an hòa, theo cái đức, học cái tài để con dân khôn ngoan, giỏi giang lên. Ta vốn thiết tha về đạo lý. Nghiền ngẫm kinh Phật ta nghiệm ra Phật giáo chuyên chú về phép thiền mà đạo thiền lấy khổ học tâm linh để tập trung vào hoạt động thực tế giúp dân, giúp nước. Cũng bởi vậy, tùy theo từng nước mà việc dạy đạo có khác nhau. Ví như ở Đại Việt, những nhà tu hành thường là những bậc cao học, biết đem tài trí giúp vua dựng nước. Vua Đinh Tiên hoàng đã tuyển người có đức lớn để dẫn dắt các nhà tăng. Sư Ngô Chân Lưu đọc hết kinh điển nhà Phật, hiểu được mọi yếu chỉ của thiền tôn, có chí giúp nước nên vua Đinh mến phục, phong cho chức tăng thống rồi cho hiệu là Khuông Việt đại sư, làm chủ các chùa. Qua thời Lê Đại Hành, các thầy tăng Lạc Thuận và Khuông Việt vì dốc lòng giúp nước, được vua ân cần trọng dụng, tham dự những việc quân quốc trọng sự mà còn cải trang làm người lái đò chèo thuyền đi đón sứ Tống là Nguyễn Giác ở Giàng Khúc, làm rạng danh cho nước48. Xem vậy nhà sư muốn làm sáng tôn chỉ của Phật, trước phải dốc lòng giúp nước, giúp vua. Sự học của kẻ tu hành do vậy, không biết thế nào là đủ. Bởi vì, nếu không có tư chất anh tuấn và kiến thức rộng rãi cao siêu, thì làm sao hiểu được những tôn chỉ huyền bí, để làm lãnh tụ cho những người theo học và làm khuôn phép cho những người đời sau? Nay ở Đại Việt ta, Phật giáo có ở mọi nơi. Có nhiều người lòng thiền sáng như mặt trời, gương đạo trong như băng tuyết. Không ít người ra giúp việc nước, lo việc dân, nâng kẻ ngã, vớt kẻ đắm. Đó là cái học thần thông biến hóa vì đạo giúp đời rất đỗi tự hào cho vườn thiền vậy.
[48]Sứ nhà Tống có tặng người lái đò bài thơ trong đó có câu ”Thiên ngoại hữu thiên ửng viễn chiếu”, nghĩa là ngoài trời lại có trời soi xa. Vua hỏi Khuông Việt ý tứ bài thơ ấy. Sư tâu: Sứ Tống có ý tôn trọng bệ hạ cũng như vua của họ vậy. Khi sứ Tống về nước, sư làm bài ”Vương long quy” (Chàng Vương về) để tiễn. Nội dung phỏng dịch như sau:
Gương buồm gấm gió hòa nắng dãi
Khách thần tiên trở lại đế hương
Nghìn trùng vượt biển mênh mang
Đường về thăm thẳm chín phương bên trời
Chén ly biệt tình người thắm thiết
Đưa xứ quân khôn xiết đinh ninh
Cõi Nam một tấm lòng thành
Nhớ đem tâu với thiên đình cho minh.
Sứ Tống hết lời khen ngợi. Vua Tống cảm kích mà giao hảo tốt đẹp một thời.
Nghe những lời giáo huấn uyên bác, cố hướng các nhà sư vì đạo giúp đời, dốc lòng giúp vua nước ấy, các vị sư già học rộng đều rất cảm kích. Sư Đa Bảo49 thành kính hứa hẹn:
[49] Sư ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (Hà Bắc).
- Chính phi đọc rộng kinh điển nhà Phật, hiểu được lý huyền vi của đạo, đã giáo huấn, kẻ bần tăng đâu dám trái ý.
Trước lúc chia tay, Ỷ Lan ứng khẩu đọc một bài kệ:
“Sắc thị không, không tức sắc.
Không thị sắc, sắc tức không.
Sức không câu bất quản.
Phương đắc khế chân tông.”
Nghĩa là:
“Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không
Sắc không đều chẳng quản
Mới được hợp chân tông.”
Ỷ Lan vừa mới dứt lời, các sư đều ngỡ ngàng đứng dậy, hướng về phía Ỷ Lan, bày tỏ lòng khâm phục trước bài thơ thâu tóm triết lý đạo Phật rất tài tình.
Cuộc hội kiến được ghi vào lịch sử Phật giáo trong kỷ nguyên Đại Việt ấy, đã khiến tên tuổi Ỷ Lan mãi mãi không bao giờ phai trong lòng giới tu hành.
Truyện khác cùng thể loại
77 chương
111 chương
257 chương
1692 chương
265 chương