Nhiếp chính ỷ lan
Chương 10
Dưới sự trị vì của vị vua nhân đức tài năng, nước Đại Việt vào những năm 1067-1068 đã đạt tới thời cực thịnh. Việc liên kết biên giới, do chính sách khoan hồng nhân đức và sáng suốt của vua, đã chinh phục được các tù trưởng thiểu số. Trong thực tế, vua không cần sử dụng hết các quyền tối cao, mà kỷ cương phép nước vẫn được duy trì, củng cố. Trong triều, ngoài châu, dân yên nghiệplàm ăn, quan lại chịu sự giám sát chặt chẽ của vua, noi theo gương vua, rủ lòng thương yêu muôn dân, khiến cho trên dưới thuận hòa, trong xóm cùng thôn vắng, không có tiếng oán than. Vui trong niềm vui ấy, Ỷ Lan trẻ đẹp hơn xưa, càng tỏ ra là người có năng lực giúp vua trong mọi việc. Bởi vậy, đã xấp xỉ ngũ tuần mà vua vẫn trẻ trung và tráng kiện. Vua chẳng những chỉ thích săn bắn, mà còn cho lập những hội săn, hội bơi chải, cùng quần thần múa khiên, đánh cầu50 và cho mở những hội vật ở kinh đô và khắp nước, khiến cho từ quan đến dân đều nô nức tập luyện, gây không khí tỉ thí vui vẻ trong quan quân và dân chúng.
[50] Múa khiên, đánh cầu là một trò chơi thịnh hành thời Lý. Quả cầu bằng da hình tròn trong nén đầy lông tơ. Trong cung, sân chơi được xây ngay dưới thềm ngai vua. Hai bên tả hữu đông và tây dựng hai cửa bằng gỗ gọi là cầu môn cao hơn một trượng trên chạm rồng, dưới đặt tòa sen bằng đá dùng vải trải lên trên. Chỉ có các bậc vương và đại thần mới được dự chơi ở trước bệ.
Cách chơi: Chia làm hai phe, mỗi phe mười hai người, cưỡi ngựa tay cầm gậy đánh cầu. Ở hai cầu môn có treo cờ nhật nguyệt, dưới đặt dàn nhạc phụ họa. Hai phe mặc áo vóc, màu áo khác nhau. Trước thềm bày hai giá cờ bên nào được (đánh hóng qua cầu môn) thì cắm vào giá một lá cờ. Sau một lần được, vua và quần thần nghỉ giải lao uống rượu rồi lại chơi tiếp.
Thấy vua trẻ lại, có đại thần tâu cho tuyển thêm cũng nữ. Lời tâu ấy được vua chấp thuận ngay. Ỷ Lan tìm cách can gián vua.
Nhân một lần vua đến thăm hoàng phi, Ỷ Lan trao con cho vua, ý nhị nói:
- Từ ngày sinh quý tử thiếp yêu mến con hơn cả bản thân mình. Thiếp thật mãn nguyện sung sướng khi thấy hoàng nhi khôi ngô, bụ bẫm. Từ đó thiếp nghiệm ra rằng đối với người mẹ đứa con là tất cả. Vì con, người mẹ có thể làm tất cả mọi việc, dù phải chết.
Vua nâng hoàng nhi áp sát vào mặt mình, rồi lấy ra một viên ngọc quý đặt vào tay con:
- Sao ái phi bỗng dưng lại nói vậy? Trẫm yêu quý hoàng tử như báu ngọc. Chứng cớ là trẫm vẫn dành cho hoàng tử một kho châu báu, không ít những viên ngọc quý như thế này.
Ỷ Lan trách nhẹ:
- Bệ hạ chỉ biết có hoàng nhi thôi!
Vua ngạc nhiên:
- Trẫm vẫn nặng tình với ái phi như ngày nào.
- Bệ hạ vẫn nặng tình với thiếp, cớ sao lại nảy ý tuyển thêm cung tần mỹ nữ? Chẳng lẽ trong cung đã có gần 300 cung tần mỹ nữ mà vẫn chưa đủ sao?
Vua bỗng lâm vào tình thế khó xử. Nhác thấy sự lúng túng của vua, Ỷ Lan tâu:
- Xin bệ hạ thấy cho lòng thiếp, không phải thiếp hẹp lượng. Song nước nhà đang thời thịnh trị, muôn dân đều tôn thờ bệ hạ. Ấy là bởi bệ hạ tu đức để giáo hóa muôn dân. Làm nên công trạng rạng rỡ ấy bệ hạ phải mất hàng chục năm. Vậy thì vì lẽ gì bệ hạ còn định tuyển thêm cung nhân để phương hại tới uy danh, công đức như trời biển của bệ hạ bấy lâu?
Dừng lại giây lát, Ỷ Lan nghẹn lời nói tiếp:
- Xin bệ hạ cho thiếp được cạn lời. Những ngày thiếp mới sinh hoàng nhi, các cung tần mỹ nữ đều lần lượt tới chúc mừng. Thiếp se lòng nhận thấy trong số họ, nhiều người đã má đào hoen ố, mặt mày điểm nếp nhăn, còn đâu thời xuân sắc? Bệ hạ là bậc minh quân nỡ lòng nào để họ thiệt thòi về đường con cái mà không rủ lòng thương xót. Bởi vậy, theo thiếp nghĩ, vì muốn công đức của bệ hạ ghi tạc vào sử xanh, bệ hạ chẳng những nên bỏ ý định tuyển cung nhân mà còn nên cho những cung tần mỹ nữ cao niên, ốm yếu, về quê quán và chu cấp cho họ.
Lời lẽ ngọt ngào thấu tình đạt lý của Ỷ Lan khiến vua không dễ bắt bẻ. Tuy vậy nhà vua vẫn trì hoãn:
- Ái phi đối với trẫm thật là trọn nghĩa vẹn tình. Chỉ hiềm vì quần thần tâu bày, việc đó buộc trẫm phải suy xét.
Ỷ Lan không lùi bước:
- Quần thần thấy bốn phương yên ổn, dân yên nghiệp cấy cày, quan quân dốc lòng thờ vua giúp nước, muốn nòi giống sinh sôi nảy nở mà tâu vậy. Nhưng bệ hạ nhìn xa thấy rộng có nghe hay không lại là lẽ khác. Nếu bệ hạ chọn trong đám cung tần mỹ nữ những người cao niên, ốm yếu cho về quê quán thì chẳng những quần thần càng thêm kính yêu bệ hạ mà muôn dân cũng chịu ơn bệ hạ. Cảm cái đức lớn ấy, muôn dân sẽ sẵn lòng sinh tử vì nghiệp lớn của bệ hạ. Ấy là nhìn xa. Còn nhìn gần, ví như công chúa Từ Hoa nết na đến vậy mà tình riêng lỡ dở, không con cái, chẳng những đáng thương lắm sao! Thân phận các cung tần mỹ nữ kia cũng vậy. Nửa đời không con cái, không được hưởng ân tình của bệ hạ, lại phải sống cô đơn như thế, bệ hạ có thấu tình cho họ chăng? Vẫn biết bệ hạ hằng chu cấp chẳng thiếu tiền gạo, song một đời người phụ nữ không con cái, không được hưởng niềm vui gia đình thì dù sự vinh hoa phú quý kia có lên đến tột đỉnh cũng không san lấp được nỗi buồn phiền sầu não đeo đẳng cả đời họ, Vậy, chờ chi bệ hạ chẳng xuống dụ làm một việc nhân đức cổ kim chưa hề thấy để cái gương nhân đức ấy thức tỉnh quan quân, muôn dân truyền tụng.
Những lời chân tình của Ỷ Lan khiến nhà vua ân hận vì bấy lâu chưa thực bận tâm đến những số phận của những cung nữ đã hiến dâng cả tuổi xuân để hầu hạ mình. Ỷ Lan đã cảm hóa được vua, khiến cho ông vua đa tình nhưng rộng lòng thương người phải hồi tâm. Bởi vậy, sau lúc chơi đùa với hoàng nhi, vua nói với Ỷ Lan:
- Khá khen ái phi đã biết gợi cho trẫm nhận ra sự vô tâm của mình – vua mỉm cười - Nể lời ái phi, ngay ngày mai trẫm sẽ cho những cung nhân cao niên về quê quán và chu cấp cho họ tiền bạc đủ sống đến già.
Ỷ Lan bồng bột níu lấy tay vua, đôi mắt đen láy chớp chớp:
- Bệ hạ quả là một vị hoàng đế xưa nay hiếm. Trong việc trị nước, tấm lòng nhân ái của bệ hạ sẽ ngự trị mãi trong lòng dân chúng. Bệ hạ đã có cả một chiến lũy kiên cố, ấy là lòng dân.
Ỷ Lan sung sướng đón hoàng nhi vừa ngủ ngon trong tay vua. Và, lần đầu tiên trong đời, người vợ diễm lệ của vua Lý Thánh Tông cố tình nép mình vào lòng vua hồi lâu.
**
*
Vua Lý Thánh Tông vừa phải trải qua những giây phút cảm động khi chứng kiến cảnh hơn 50 cung nữ nước mắt lưng tròng đến từ tạ Ỷ Lan để sửa soạn trở về quê thì nhận được tin cấp báo: Vua Chiêm Thành Chế Củ được Tống Thần Tông51 giúp thuyền ngựa, binh khí đã đem quân xâm lấn Đại Việt và thách thức vua Đại Việt ra cự chiến.
[51] Vua Tống 1067 – 1085.
Sự xúc phạm ấy khiến cho vua Lý Thánh Tông nổi giận. Vua lập tức thiết đại triều vào ngày hôm sau ở điện Thiên An, quyết định xuất quân. Sau đó vua hạ chiếu thân cầm quân đi đánh giặc. Tất cả quân cấm vệ52 và các đơn vị tinh nhuệ nhất, cả thảy năm vạn, đêm ngày rượt lại nghệ thuật đánh thủy. Hai trăm thuyền chiến tung hoành trên các bến sông kinh thành, dưới quyền tiết chế của viên dũng tướng thao lược Lý Thường Kiệt. Kinh đô Thăng Long sôi động hừng hực khí thế xuất quân. Trước ngày hội các quần thần ở Long Trì tuyên thệ sẵn sàng sinh tử vì việc quân quốc, vua ngự trên Long Chu53 cùng nguyên soái Lý Thường Kiệt đi duyệt binh. Ngay sau nghi lễ lớn, vua triệu Lý Thường Kiệt vào cung hỏi:
[52] Thời Lý Thánh Tông có 3.200 quân cấm vệ, chia làm mười sáu quân (mỗi quân 200 người) nhiệm vụ chủ yếu của cấm vệ là bảo vệ kinh đô.
[53] Thuyền riêng của vua.
- Lần xuất chinh này khanh định liệu thế nào?
- Tâu bệ hạ! – Lý Thường Kiệt đáp – Đánh phá được giặc, thậm chí bắt vua giặc là chuyện dễ, nhưng diệt được ý chí gây hấn của giặc mới thật là khó. Vì lẽ đó, xuất quân lần này trước phải đánh lấy kinh đô Chiêm, bắt Hoàn Vương, sau gấp đem quân về lo phòng thủ phương bắc.
- Nguyên phi Ỷ Lan cũng tâu với trẫm những ý ấy.
- Tâu bệ hạ – Lý Thường Kiệt tiếp – Chính vì vậy không nên để nước vắng chủ. Vả lại Hoàn Vương không phải là đối thủ của bệ hạ, nên thần dập đầu xin bệ hạ đừng cất công đi làm gì cho khó nhọc. Thần chỉ xin được đem theo đứa em là Lý Thường Hiến giúp sức cũng đủ bắt Hoàn Vương đem về.
Vua Lý Thánh Tông vỗ ngai đứng dậy, giọng quả quyết:
- Trẫm triệu khanh đến không phải là để nghe lời can gián. Trẫm phải thân cầm quân đi để cho kẻ thù biết uy danh của nước Đại Việt, biết vua nước Đại Việt không phải là hạng sợ chia khó nhọc với quân lương, không dám xông pha giữa muôn trùng tên bay để giữ gìn non sông gấm vóc. Còn việc điều khiển triều chính – vua bước đến trước mặt Lý Thường Kiệt, giọng sôi nổi – Trẫm đã nghĩ kỹ rồi. Người có đức độ, tài năng, được lòng quần thần, xứng đáng được trẫm giao phó việc lớn không thể là ai khác ngoài chính phi Ỷ Lan. Được phó thác việc lớn, Ỷ Lan sẽ biết sắp đặt đường đi nước bước và không thua bất cứ bậc khanh tướng nào về mặt trí tuệ, cách dùng người, việc cố kết lòng dân, kể cả sự bình tĩnh cần có.
Cặp mắt Lý Thường Kiệt mở to, sáng rực. Vị nguyên soái triều Lý khâm phục tài dùng người của nhà vua và bày rỏ những điều bao lâu ấp ủ:
- Tâu bệ hạ! Chọn hoàng phi ủy thác mọi quyền bính, bệ hạ thật sáng suốt. Theo ý thần, hoàng phi tuy không có đại khoa lừng lẫy nhưng học vấn có thể sánh với những tay cự nho siêu việt, lại thêm có chí lớn. Con người ấy còn tinh tường nhìn thấy những cái mà người khác thản nhiên đi qua và không hề chú ý, lại biết dùng âu và uy để thu phục nhân tâm.
Vua sững sờ:
- Lòng khanh cũng nghĩ như trẫm vậy sao?
- Muôn tâu! Cái kim ở trong túi cũng có ngày lộ ra. Huống chi hoàng phi đã làm được bao việc có ích trong triều đình.
Ngay sau đó, vua phấn chấn xuống chiếu phủ dụ quân dân, giao quyền trị nước cho Ỷ Lan. Xong việc, vua ngự trên Long Chu thân đôn đốc thủy quân tập trận và sửa soạn làm lễ tuyên thệ, xuất chinh.
* *
*
Ỷ Lan như trẻ lại trong bộ lễ phục nhưng nét mặt lộ vẻ đăm chiêu tư lự. Trong gian điện lớn, từng khoảnh khắc trôi qua, Ỷ Lan càng thêm bối rối, hồi hộp khi phút chia tay nhà vua đã đến gần. Cả đêm qua, nói đúng hơn, kể từ hôm vua cho động binh, hạ chiếu thân chinh làm tướng đi dẹp giặc, có đêm nào Ỷ Lan ngủ được trọn giấc? Nỗi lo nhà vua đi trận mạc gian lao, nguy hiểm bên nỗi lo việc lớn được ủy thác vượt quá sức mình, khiến Ỷ Lan gầy xọp đi. Mối bận tâm còn lại vẫn là việc lớn được giao phó. Mà Ỷ Lan chẳng dám từ. Ỷ Lan sống lại cái cảm giác giống hệt ngày nào ở quê nhà nghe kể về sự tích chùa Dâu. Vì phụng sự cho dân, Man Nương khí phách biết bao. Ỷ Lan cảm thấy lòng mình thanh thản điềm tĩnh. Đêm đến khi nghĩ đến con thơ, nghĩ đến nỗi vất vả của nhà vua, nhất là trước phút chia tay, Ỷ Lan bỗng thấy lòng mình nao nao xúc động.
Vừa lúc ấy, thị nữ không kịp báo trước, vua đã bất ngờ tiến vào cung điện. Sửa vội xiêm áo, Ỷ Lan tự nhủ phải bình tâm nhưng khi đứng trước người chồng sắp đi trận mạc xa, lòng Ỷ Lan xao xuyến khác thường. Nhận ra nỗi bối rối của Ỷ Lan, vua cố lấy giọng vui vẻ:
- Trẫm đã ghé thăm hoàng nhi. Còn ái phi, đã sửa soạn xong để ra dự lễ tuyên thệ chưa?
Thay bằng câu trả lời, Ỷ Lan vội níu lấy vạt áo chiến bào màu vàng sẫm54của vua, khó nói nên lời. Cúi nhìn Ỷ Lan, lần đầu tiên vua Lý Thánh Tông nhận thấy khuôn mặt xinh xắn thân thương của vợ bỗng nhợt nhạt và cặp mắt to đen trong suốt có ngấn lệ. Vua vuốt ve đôi vai tròn của Ỷ Lan, giọng trầm hẳn xuống:
[54] Thời Lý chỉ có vua mới dùng y phục màu vàng.
- Ái phi chớ có quá lo cho trẫm.
Ngước nhìn vua, cặp môi thoáng run của Ỷ Lan thì thầm:
- Bệ hạ ra đi xin cẩn trọng mình vàng. Việc ở triều bệ hạ hãy yên lòng, thiếp sẽ gắng nối chí bệ hạ.
Chỉ có ngần ấy lời nhưng vua Lý Thánh Tông bất giác rùng mình.Vị vua đang cầm trong tay vận mạng của cả nước khi ấy biết rõ rằng, lần xuất chinh này chỉ có thể đánh thắng.
* *
*
Ỷ Lan cùng các cung nữ đến điện Thiên An cũng là lúc quân cấm vệ, phủ vệ từ bốn cửa trùng trùng điệp điệp tay lăm lăm binh khí, rầm rầm tiến vào sân Long Trì. Các tướng quân cấm vệ, phủ vệ theo thứ bực đã đứng dàn thành hàng, sát thềm rồng, làm đích cho quân mình tiến tới. Xung quanh điện Thiên An và sân Long Trì, cờ quạt, tinh kỳ đủ màu sắc cắm la liệt, khiến cho hội thề càng thêm uy nghiêm, trang trọng. Xa kia, đằng sau hàng quân, bên tường thành bao bọc lấy sân rộng dân chúng đông như nêm cối đang cố nghển cao đầu để dõi xem hội lễ.
Bỗng một hồi trống, rồi một hồi chiêng vang lên đĩnh đạc. Nghe hiệu lệnh ấy, viên thượng thư bộ Lễ dẫn các quan thừa vụ thái giám55 y phục chỉnh tề, đem hương và những bó đuốc cuốn giẻ tẩm dầu bước lên đàn thề, dựng ngay trước điện sát sân Long Trì.
[55] Trật đứng đầu hoạn quan.
Trong khu vực dành riêng cho giới hoàng tộc bỗng nhốn nháo. Quay về phía sau, Ỷ Lan chợt trông thấy hoàng hậu Thượng Dương đang cùng các cung nữ tiến lên, hoàng hậu thật lộng lẫy trong bộ áo triều phụng màu xanh thẫm, có in hình chim phượng ngũ sắc đang xòe cánh. Chiếc vương miệng dát đầy châu ngọc óng ánh, khiến cho hoàng hậu có một vẻ kiều diễm nổi bật trong các cung nữ xinh đẹp. Ỷ Lan nhận ra hoàng hậu vừa mỉm cười đáp lại sau cái chào của mình.
Lần thứ hai hiệu lệnh lại nổi lên. Ở hành lang Giải vũ đông, Ỷ Lan dễ dàng nhận ra vóc dáng thanh lịch, điềm tĩnh, gương mặt thông minh của thái sư Lý Đạo Thành trong bộ trang phục đại thần, tay cầm bài ngà đang dẫn đầu các quan văn tiến ra trước đàn thề. Đối diện với Lý Đạo Thành, ở hành lang Giải vũ tây, quan phụ quốc thái phó Lý Thường Kiệt đường bệ trong bộ y phục võ tướng, cũng đang dẫn đầu các quan võ tiến lại.
Lần thứ ba chiêng trống lại ầm ầm nổi lên. Dứt hiệu lệnh các văn võ đại thần và quân lính bỗng đứng lặng như hóa đá. Vua Lý Thánh Tông uy phong lẫm liệt trong bộ chiến bào vừa tách ra khỏi đám võ sĩ hộ vệ để cùng viên nội giám bước lên đàn thề. Theo lệnh vua, viên nội giám lần lượt thắp hương cắm lên lư đồng hạng đại và bật hồng56 những bó đuốc đã cắm trên đàn từ trước. Vua đưa cặp mắt ngời sáng nhìn khắp lượt. Và, sau mấy câu phủ dụ, vua bỗng cất cao giọng:
[56] Đốt lửa.
- Trẫm tuân theo sự nghiệp của tổ tiên, xem dân muôn họ ở bốn biển đều như con đỏ. Cho nên cõi xa lấy điều nhân mà khoan phụ, phương ngài mộ lòng nghĩa mà sang cống. Mà nay Chiêm thành đời đời làm phiên thần cho trẫm bỗng sinh lòng phản trắc. Viên tù trưởng57 hèn bỗng chốc phụ lời hẹn ước của cha ông, quên cả việc tuế cống, ấy là trái mất lệ thường của triều đình. Nào đã hết, cậy được nước Tống kia che chở, ngầm giúp sức, lại được phỉnh nịnh, viên tù trưởng ấy còn xâm phạm bờ cõi, thách trẫm ra cự chiến. Tội ấy đạo trời không dung tha. Trẫm mỗi lần nghĩ đến lòng đau dạ xót. Bởi thế, cũng là vạn bất đắc dĩ, trẫm phải tự làm tướng đem quân ra chiến trường.
[57] Chỉ vua Chiêm Thành.
Hỡi các triều thần, tướng súy và ba quân, các ngươi phải hết lòng tuân theo mệnh lệnh của trẫm để rửa cái hổ lớn cho nước, bắt kẻ phản phúc phải cúi đầu.
- Xin vâng theo lời chỉ dạy của bệ hạ! Vạn tuế! – Tướng súy quân lính nhất loạt dạ ran, đáp lại. Các đại thần cúi rập người lớn tiếng đáp:
- Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh sẽ trị tội.
Vua phấn chấn nói tiếp:
- Ngay sau hội thề, trẫm thân đốc xuất năm vạn tinh binh do nguyên soái Lý Thường Kiệt, thống lĩnh quân tiên phong, tán kỵ vũ úy Lý Thường Hiến theo sau, sẽ làm lễ xuất phát. Trong lúc vắng trẫm, trẫm ủy thác cho nguyên phi Ỷ Lan thay trẫm cầm quyền trị nước, quan thái sư Lý Đạo Thành phụ chính. Các ngươi phải ráng sức giúp nguyên phi trị nước như khi xưa giúp trẫm trị vì thiên hạ. Được như vậy ấy là phúc lớn của nước Đại Việt hãy còn.
- Xin vâng theo lời chỉ bảo của bệ hạ! Vạn tuế! Vạn vạn tuế! Quần thần, tướng súy, quân lính nhất loạt đáp lại.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, Ỷ Lan bỗng thấy trào lên một nỗi xúc động to lớn, mới mẻ chưa từng thấy. Nàng cảm thấy mình nhỏ bé đi giữa biển người đang nung nấu ý nghĩ cao cả sẵn lòng sinh tử vì vua, vì nước. Từ lời thề thiêng liêng của quần thần, Ỷ Lan càng nhận rõ rức mạnh của triều Lý chính là bắt nguồn từ sự đồng lòng, muôn người như một. Từ triều Thái Tổ, Thái Tông giặc xâm lấn bờ cõi, bao lần mưu đánh nước Đại Việt, nhưng các vua trước đã đánh đâu được đấy. Xem vậy dân chúng không phải là kẻ dửng dưng với việc mất còn của đất nước, luôn sẵn sàng vào sinh ra tử, đem cái chết đổi lấy sự bảo toàn của giống nòi. Bởi vậy trong giờ phút nghiêm trang thành kính này, Ỷ Lan thấy dào dạt một tình yêu thương rộng lớn. Ỷ Lan thấy mình gắn bó với vua, với nước, gắn bó với mỗi con người. Sự ủy thác của vua, vì vậy cũng là sự ủy thác của dân chúng. Niềm tin của vua giao cho mình đảm đương trọng trách cũng là niềm tin của muôn dân.
Sau hội thề, vua dẫn đầu quần thần, quan quân theo quan lộ, ra cửa Bắc58. Tại đây, trên sông Tô Lịch san sát cờ quạt, tinh kỳ, chiếc Long Chu dành riêng cho vua và trên 200 thuyền chiến đã đỗ sát bờ. Trong nắng sớm kinh thành, vua nổi bật trong vẻ đẹp võ tướng, bước xuống Long Chu trong tiếng pháo nổ ran ran và tiếng reo của năm vạn binh lính và đông đảo dân chúng ken đặc hai bên bờ sông. Phút chốc chiếc Long Chu lượn ba vòng rộng như chào dân chúng rồi quay mũi về phía sông Nhị lao đi. Hơn hai trăm thuyền chiến cũng hối hả rẽ nước lao theo. Dòng sông Tô Lịch ken đầy thuyền chiến tung bọt trắng xóa. Theo đà lao của thuyền chiến, từng đợt sóng cồn nối theo nhau, táp vào bờ như muốn cuốn phăng cả những người đứng gần mép nước.
[58] Cửa này mở ra sông Tô Lịch phố Phan Đình Phùng ngày nay.
Cho đến lúc đội thuyền chiến hùng hậu của vua vun vút lao vào sông Nhị59 Ỷ Lan mới dứt cơn bàng hoàng. Tiết trời xuân lành lạnh60 nhưng lòng Ỷ Lan ấm áp lạ. Giặc sẽ chẳng thể nào đương đầu nổi đội thủy quân tinh nhuệ, được thôi thúc bởi nghĩa lớn lại có tướng tài đốc xuất - Ỷ Lan nghĩ. Rồi vua và những người con ưu việt của dân tộc sẽ mang chiến công rực rỡ trở về. Vợ chồng sẽ lại được gặp nhau… Nghĩ đến đấy Ỷ Lan thấy mặt mình nóng bừng. Nắng mật mùa xuân tôn nước da mịn màng của Ỷ Lan hồng lên như được thoa một lớp phấn mỏng. Cặp mắt to đen thông minh của Ỷ Lan sáng ngời long lanh. Những người từng gần Ỷ Lan chưa bao giờ thấy Ỷ Lan đẹp đến thế. Cũng khi ấy, Ỷ Lan chợt bối rối khi thấy dân chúng kinh thành từ lúc nào, đã đứng dày đặc hai bên quan lộ, đăm đắm nhìn về phía mình, vẻ mặt hoan hỉ, thành kính. Ỷ Lan thúc các cung nữ trở về. Không hẹn mà nên, vừa đi được một đoạn, Ỷ Lan bỗng gặp hoàng hậu Thượng Dương mắt đỏ hoe đang đi về phía mình. Ỷ Lan rẽ đám cung nữ bước lại gần hoàng hậu, giọng ngọt ngào:
- Hoàng hậu chẳng nên quá lo lắng. Hoàng đế ra đi sẽ lập được chiến công rạng rỡ trở về.
[59] Sông Hồng Hà.
[60] Vua Lý Thánh Tông xuất quân vào tháng 2 năm Kỷ Dậu (24-2-1069).
Từ lâu rồi, thấy Ỷ Lan rộng lượng lại không cậy vua yêu mà làm điều gì bất nhẫn, hoàng hậu Thượng Dương thầm chịu ơn và sinh lòng nể trọng, nay lại thấy dẫu được vua trao cho trọn quyền bính mà vẫn giữ lễ độ nên hoàng hậu càng cảm kích.
- Cám ơn phi đã an ủi ta, nhưng ta đâu chỉ lo việc ấy. Ta còn lo hoàng đế đi xa, ai là người chăm sóc hoàng nhi?
Được lời như cởi tấm lòng, Ỷ Lan sung sướng:
- Hoàng đế đi xa nhưng có hoàng hậu và quần thần chăm bẵm, hoàng nhi sẽ đỡ thiệt thòi. Mai ngày khôn lớn, vì cái ân ấy, hoàng nhi ắt phải gắng công báo đến.
Hoàng hậu tươi cười:
- Ta đã định bụng hàng ngày sẽ sang thăm hoàng nhi nhưng chưa tiện phô bày. Nay phi nói vậy, chính hợp lòng ta quá. Rồi ngắm nhìn Ỷ Lan, hoàng hậu trìu mến:
- Sinh hoàng nhi, phi biết kiêng cữ, giữ được nhan sắc thế này là khó lắm. Ta mấy lần sinh nở ta biết.
Chưa bao giờ các cung nữ thấy hoàng hậu Thượng Dương và Ỷ Lan nói chuyện với nhau thân mật như thế. Cũng là lần đầu tiên các cung nữ ở hai cung công khai trò chuyện, hỏi han nhau. Rồi sau đó hoàng hậu Thượng Dương và nguyên phi Ỷ Lan, mỗi người một vẻ đẹp, một cốt cách, đã kẻ trước người sau cùng cung nữ về điện Thiên An – Chưa bao giờ dân chúng kinh thành được dịp ngắm nhìn hoàng hậu Thượng Dương, nhất là Ỷ Lan, lâu như vậy.
Truyện khác cùng thể loại
77 chương
111 chương
257 chương
1692 chương
265 chương