Ăn trưa nhà cô Út Huệ xong, tôi leo lên phản nằm nghe gió mơn man da thịt. Nhà cô Út Huệ cửa nẻo thông thốc, gió tha hồ ra vào chơi đùa chạy nhảy trên người tôi khiến tôi bị giấc ngủ cuốn trôi lúc nào không hay. Khi tiếng chim chèo bẻo kẹt trên cây sầu đông trước sân đánh thức tôi dậy, nhà đã vắng tanh. Cô Út Huệ chắc đã đội nón ra đồng. Bé Loan, mười tuổi, con gái cô cũng chẳng thấy đâu, tôi đoán nó đang mải mê bắt chuồn chuồn ngoài vườn cải. Tôi ra sau hè, múc nước rửa mặt. Lúc đi vào, tôi nhác thấy bé Loan đứng chỗ cây ổi, đang loay hoay với cái lon sữa bò trên tay. Tôi tò mò nhón chân lại gần, trố mắt quan sát. Hóa ra nó đang chơi trò gọi điện thoại. Cái lon được đục rỗng hai đầu, một đầu bịt giấy, có sợi chỉ xuyên qua ngay chính giữa. Sợi chỉ từ cái lon này nối với cái lon kia. Khi bị kéo căng, sợi chỉ truyền được âm thanh. Lúc tôi sè sẹ bước tới, bé Loan đang trò chuyện với con Rùa bên kia hàng rào. Nó nói huyên thuyên gì đó vào cái lon, hình như đang hỏi về bài học ở lớp, xong úp cái lon vào tai để nghe con Rùa trả lời. Tôi tưởng nó đang mải mê tán chuyện, không biết tôi đứng ngay sau lưng. Nào ngờ nó nói oang oang trong ống lon khiến tôi giật bắn mình: - Chị nói sao? Có kẻ trộm đứng sau lưng em à? Tôi chưa kịp phản ứng, đã giật mình thêm cái nữa khi bé Loan tiếp tục ông ổng: - Con ngỗng tưởng là kẻ trộm chứ thực ra anh Đông không phải là kẻ trộm hả chị? Tới đây tôi không nhịn được nữa, liền đưa tay cốc đầu con nhóc một cái: - Đủ rồi nghe em! Tôi giật phắt cái lon trên tay nó: - Đưa đây cho anh! Tôi áp cái lon vào miệng: - Em nói xấu gì anh đó, Rùa? Tôi liếc qua nhà con Rùa, thấy nó đang đứng tủm tỉm sau giờ giậu. Nghe tôi hỏi, nó lật đật nói vào ống loa: - Bé Loan nói chứ em đâu có nói. Em chỉ bảo anh đang đứng sau lưng nó thôi. - Vậy tại sao nó biết chuyện… “kẻ trộm”? - Đó là en kể cho nó nghe. Kể lúc anh còn ở trong nhà kia. Vậy là bé Loan trêu tôi chứ không phải con Rùa. Tôi quay lại tính cốc con nhóc này thêm cái nữa nhưng nó đã chạy mất. Nhớ đến cuộc trao đổi về bài học giữa con Rùa và bé Loan khi nãy, tôi ngập ngừng hỏi: - Em học chung lớp với bé Loan hả Rùa? - Dạ. - Sao anh nghe thằng Thục nói em… bằng tuổi nó. - Dạ. Năm nay em mười bốn tuổi. Mười bốn tuổi lẽ ra phải học lớp chín như thằng Thục. Nhưng con Rùa vẫn học lớp năm trường làng. Tôi tính hỏi nó tại sao nó lại học trễ như vậy, trong khi ông nội nó là thầy giáo, nhưng cuối cùng tôi quyết định không đả đọng gì đến chuyện đó. Có hàng trăm lý do để một người học trễ, mỗi lý do là một nỗi buồn và thật là bất nhẫn nếu gợi lại nỗi buồn của người khác. Con Rùa như đọc được thắc mắc của tôi qua sự im lặng đột ngột. Nó giải thích: - Hồi bảy tuổi, em bị bệnh. Bệnh nặng lắm, em ốm giơ xương, rụng hết tóc, tưởng chết rồi. Em phải nghỉ học mất bốn năm.