Ngày xưa có một chuyện tình
Chương 3 : Kỳ 3
Dĩ nhiên tôi không muốn đối đầu với Hướng. Không phải vì Hướng to khỏe hơn tôi mà vì nó là anh nhỏ Miền.
Tôi không thể tưởng tượng có ai thích một người con gái mà đi đánh nhau với anh của người con gái đó.
Thằng Phúc không hiểu tâm sự của tôi. Nên hôm sau tôi tái mặt khi nghe nó hớn hở khoe:
- Tối hôm qua tao đã trả thù giùm mày rồi. Tôi giật nảy:
- Trả thù bằng cách nào?
- Tao nấp trong bụi cây lấy ná thun bắn vào đầu thằng Hướng.
- Mày bắn bằng đạn sỏi hả? - Tôi hỏi và nghe bụng thót lại.
- Ừ.
Tôi trách, mồ hôi chảy ròng ròng trên cổ:
- Mày chơi vậy nó bể đầu sao?
- Bể sao được mà bể! - Phúc bĩu môi - Cùng lắm chỉ chảy máu thôi!
Rồi nó tặc tặc lưỡi:
- Thằng Hướng lì lắm. Sau khi trúng đạn, nó thét lên đau đớn nhưng vẫn đứng yên tại chỗ. Nó ôm đầu nhìn dáo dác. Còn quát "Thằng khốn nào đó?". Tao phải bắn thêm một phát nữa, nó mới bỏ chạy.
Tôi thở hắt ra:
- Mày không nên làm vậy.
- Tại sao?
Tôi cắn môi:
- Nhỏ Miền sẽ nghi tao là thủ phạm.
Phúc hung hăng:
- Kệ nó chứ!
- Không được.
- Tại sao không được? Tôi cười khổ:
- Tao nói không được là không được! Hỏi hoài!
Phúc nhìn xoáy vào mặt tôi. Ánh mắt của nó nóng bỏng đến mức tôi phải ngoảnh đi chỗ khác.
- Mày ngó đi đâu vậy? Nhìn vào mắt tao đây nè. - Vừa nói Phúc vừa nắm chặt hai vai tôi, xoay người tôi lại.
Tôi nhăn nhó:
- Buông tao ra đi!
- Tao không buông! - Phúc vẫn giữ chặt vai tôi - Mày nói thật đi! Mày thích nhỏ Miền phải không?Phúc hỏi bất ngờ khiến tôi choáng váng. Tôi nghe như có ai liệng giày vào giữa mặt. Trước giờ chưa ai hỏi tôi như vậy. Ngay cả tôi, tôi cũng chưa bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi đó. Vì vậy tôi ngẩn ra:
- Tao không biết.
- Không biết cái con khỉ! - Phúc nhún vai - Chắc chắn là mày thích nó rồi. Tôi đưa tay gãi cổ:
- Tao không biết thật mà.
- Mày không biết nhưng tao biết! Chỉ có thích đứa con gái nào đó ghê lắm mình mới chịu làm đầy tớ cho nó thôi!
Thằng Phúc nói y như tụi thằng Lẹ, rặt giọng nhạo báng. Nhưng tôi không giận nó. Vì đầu óc tôi đang chạy đua với biết bao nhiêu ý nghĩ. Tôi đang bận thăm dò lòng mình. Ờ, nếu tôi không thích nhỏ Miền tại sao những lúc nó buồn tôi lại buồn theo. Hồi học lớp chín, tôi chưa biết đến hiệu ứng cánh bướm của nhà khí tượng học Edward Norton Lorenz. Tôi chưa biết một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc ở Texas. Tôi chỉ biết những giọt nước mắt lăn trên má nhỏ Miền đủ khiến lòng tôi ướt sũng, trái tim tôi như nhúng trong bùn lầy.
- Nếu mày không thích nó, mày chẳng è lưng ra cho thằng Hướng phang mà không nghĩ đến chuyện báo thù! - Tiếng thằng Phúc vọng vào tai tôi, xa thẳm. Tôi ngập ngừng hỏi:
- Thích là sao hở mày?
Tôi ngước mắt nhìn những cánh chim bay trên đầu, chép miệng nói, không rõ nói với Đuôi Tôm hay nói với chính mình:
- Lâu nay tao chỉ nghĩ đến nhỏ Miền như một người bạn. Tao thấy nó tồi tội. Ở lớp không đứa nào chơi với nó.
Phúc dường như cũng chẳng biết thích là sao. Nó gãi má, xong lại gãi cằm. Cuối cùng nó gãi bụng, ậm ừ:
- Thích hả? Thích tức là... là...
Đột ngột mắt nó sáng lên:
- Tao nhớ ra rồi! Thích một đứa con gái nào đó tức là lúc nào mình cũng mơ tới chuyện làm chồng nó.
Tôi nhăn mặt:
- Thôi đi mày!
Phớt lờ vẻ phản đối của tôi, Phúc thao thao:
- Không chỉ vậy, lúc nào mình cũng tưởng tượng có một ngày con của nó chạy ra vườn réo mình inh ỏi "Ba ơi ba, vô ăn cơm!".
Tôi đá vô chân Phúc:
- Mày toàn nói bậy!
- Bậy gì! - Phúc nheo mắt ngó tôi - Mày không bao giờ mơ như thế à?
- Dĩ nhiên là không rồi!
Phúc kết luận gọn ơ:
- Vậy là mày đâu có thích nó!
Phúc chắc chẳng rành gì hơn tôi cái khoản này. Những lời nhăng cuội kia chắc nó đọc được trong tủ sách nhà ông nó.
Còn tôi, sau lần trò chuyện đó cũng chẳng còn tâm trí nào sàng lọc các cảm xúc của mình để biết rằng tôi có thực sự thích nhỏ Miền hay không. Ngay chiều hôm đó, Hướng mở chiến dịch truy lùng và khủng bố những đứa trong thị trấn hằng ngày vẫn chơi trò bắn chim bằng ná thun.
Không tìm ra thủ phạm bắn lén mình, Hướng tấn công tất cả những đứa mà nó nghi ngờ. Hàng chục nạn nhân vô tội lãnh đòn thù của Hướng, rên như bộng, có đứa phải nhập viện. Hàng chục phụ huynh kéo đến nhà méc với ba mẹ nó. Có người đòi ba mẹ nó phải đền tiền thuốc men cho con họ.
Bà Sáu Thôi chỉ biết khóc lóc, van xin. Còn ông Sáu Thôi suốt ngày say xỉn, thấy ai tới cũng cười hè hè đem rượu ra mời khiến nhiều người bực mình chạy đi báo với chính quyền về tội hành hung người vô cớ của Hướng.
Tối ngày thứ ba, nhỏ Miền chạy qua nhà tôi, thút thít:
- Vinh có biết ai bắn anh Hướng không?
- Không. - Tôi nói dối, chỉ sợ nó gặng hỏi tiếp.
Nhưng Miền chỉ chép miệng than thở:
- Anh Hướng gây sự khắp nơi, Miền biết trước sớm muộn gì ảnh cũng gặp họa. Tôi tặc lưỡi, an ủi:
- Chắc cũng như những lần trước thôi. Miền yên tâm đi. Rồi mọi chuyện cũng qua.
Miền nấc lên một tiếng:
- Anh Hướng sợ bị bắt, bỏ nhà đi rồi.
- Đi đâu?
- Ảnh đi Phú Yên. Chị Lụa lấy chồng trong đó.
Tôi biết chị Lụa, chị hai của Miền. Ông Sáu Thôi có ba người con: chị Lụa, tới Hướng, rồi tới Miền. Hồi tôi học tiểu học, chị Lụa chưa đi lấy chồng. Chị thích mặc áo màu hoa cà, đầu lúc nào cũng cài chiếc kẹp tóc màu hồng. Tôi nhớ mỗi lần tôi qua nhà Miền chơi vẫn thường được chị cho kẹo.
- Vậy cũng tốt chứ sao.
Tôi lừng khừng nói, nghe mình thở ra, không rõ là thở dài hay thở phào. Thằng Hướng bỏ nhà đi, thị trấn sẽ yên ổn, bọn học trò sẽ không bị ai bắt nạt. Còn tôi, mỗi lần gặp Miền dù để hái hoa giùm nó hay cho nó mượn tập sẽ không nơm nớp sợ bị ai thình lình phang gậy vào đầu.
Nghĩ đến đó, tôi bất giác đưa tay sờ gáy. Rúc năm đầu ngón tay vào chân tóc, tôi vừa sờ soạng vừa nhìn gương mặt nhòe nước mắt của Miền dưới ánh trăng, trong đầu tự nhiên bật ra câu hỏi: Mai mốt lớn lên mình có muốn cưới nó làm vợ không nhỉ?
-------
Có lẽ là cậu bé nói đúng. Bây giờ, đã lớn, thỉnh thoảng ngồi ôn lại những kỷ niệm thuở ấu thơ, tôi không thể nào nhớ nổi những lần được thầy cô khen mặc dù đó lẽ ra là những khoảnh khắc đẹp nhất và đáng nhớ nhất trong đời học trò. Thế mà tất cả đều thi nhau trượt khỏi vỏ não tôi. Nếu không lưu giữ những quyển học bạ thời đi học để thỉnh thoảng giở ra xem những lời khen của thầy cô ở cột "nhận xét của giáo viên" có lẽ tôi không mường tượng được thuở bé tôi cũng từng học hành không đến nỗi nào.
Những gì neo chặt trong trí nhớ tôi bất chấp sự dập vùi của thời gian, éo le thay là những lần bị thầy cô trách phạt hoặc đuổi ra khỏi lớp vì đủ thứ tội trạng: nhảy qua cửa sổ, đi trễ, làm dây mực vô áo bạn hoặc không đeo bảng tên trước ngực áo theo quy định. Cả chuyện dùng ná thun bắn vô đầu thằng Hướng nữa, một chuyện tày trời như vậy không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in. Nếu không có những trò nghịch như quỷ sứ đó tôi không chắc có lúc nào mình ngồi lại để kể về tuổi thơ của mình một cách hào hứng và tiếc nuối hay không.
Tôi và Vinh còm đồng ý với nhau rằng việc thằng Hướng rời bỏ thị trấn để vào sống với gia đình anh chị nó ở Phú Yên là điều tốt. Tốt cho nó và tốt cho cả bọn tôi.
Thằng Hướng khỏi bị công an tống vào tù. Còn thị trấn từ nay sẽ yên tĩnh, bọn học trò hồn nhiên sẽ lại vui như chim chóc.
Chỉ có chuyện tình cảm của Vinh còm không tốt lên chút nào, mặc dù lúc này cây gậy của thằng Hướng không còn vung lên trên cuộc tình của nó và Vinh còm cũng đã thôi khăng khăng phủ nhận chuyện nó thích nhỏ Miền.
Có lần nó bẽn lẽn thổ lộ với tôi:
- Chắc tao thích nhỏ Miền thật mày ạ.
- Sao mày biết?
Nó quay mặt đi chỗ khác, ngượng nghịu:
- Hôm trước tự nhiên tao nghĩ đến chuyện cưới nó làm vợ khi nào tao lớn lên.
- Thấy chưa! - Tôi ưỡn ngực, sung sướng - Tao đã nói mà.
Vinh còm lí nhí hỏi, vẫn không ngoảnh đầu lại, tôi có cảm giác nó đang nén một hơi thở:
- Bây giờ tao phải làm gì nữa hả mày?
Tôi đập tay lên vai nó, hùng hồn:
- Mày phải nói cho nhỏ Miền biết mày thích nó. Nó biết, nó mới thích lại mày. Nó thích lại mày sau này nó mới đồng ý làm vợ mày.
- Tao không biết nói vào lúc nào. - Vinh còm sượng sùng thú nhận.
- Thiếu gì dịp. Tối nay xe chiếu phim lưu động của phòng văn hóa thông tin thị trấn có chương trình chiếu phim ở bãi đất trống trước cổng chợ nè.
Vinh còm gật đầu và quay mặt lại:
- Ờ, tao có nghe loa phát suốt từ sáng.
- Nhỏ Miền chắc chắn sẽ ra đó.
- Tao biết rồi. Đứa nào mà chẳng ra đó. - Vinh còm khụt khịt mũi - Nhưng chuyện chiếu phim thì liên quan gì đến thắc mắc của tao?
- Sao lại không liên quan! Tối nay lúc xem phim, mày cố chen vào ngồi cạnh nhỏ Miền.
Vinh còm nuốt nước bọt:
- Rồi sao nữa?
- Phim chiếu một lúc thế nào cũng có cảnh nhân vật nam và nhân vật nữ hôn nhau.
- Sao mày biết?
Tôi hừ giọng:
- Chuyện đó con nít ba tuổi cũng biết. Xưa nay phim nào mà chẳng có cảnh hôn nhau. Phim ta cũng thế mà phim Tây cũng thế. Dĩ nhiên là Tây hôn nhiều hơn.
- Tối nay chiếu phim Tây đó mày. Trên loa người ta quảng cáo phim Cuộc chia tay trên sân ga.
- Vậy là số mày quá hên! - Tôi nói gần như reo - Chia tay thì phải hôn ít nhất là chục cái!
Vinh còm thô lố mắt nhìn tôi, mặt đực ra:
- Tao vẫn chưa hiểu mày muốn nói gì?
- Như thế này nè. - Tôi lim dim mắt - Khi nào trên màn ảnh xuất hiện cảnh hôn nhau thì mày...
- Mày xúi tao hôn nhỏ Miền hả? - Vinh còm bật kêu - Mày muốn tao bị ăn dép vào đầu hả, Đuôi Tôm?
- Tao đâu có bảo mày hôn nó. Mày chỉ thò tay qua cầm tay nó thôi.
- Cầm tay cũng không! Mày đừng có xúi bậy!
- Bậy cái con khỉ! Gì cũng không dám làm mà mai mốt đòi làm chồng người ta!
- Khi nào làm chồng rồi tính! Bây giờ tao cầm tay nó, nó hét ầm lên giữa chợ chắc tao phải bỏ nhà đi theo thằng Hướng quá!
Tôi bĩu môi:
- Nhát như thỏ mà đòi thích người ta!
- Nhát kệ tao!
Vinh còm buông thõng một câu, đá tôi một cái, rồi lảng mất.
-------
Một hôm tôi hỏi cậu Huân:
- Cậu lớn rồi mà sao chưa lấy vợ hả cậu?
Cậu Huân cười hà hà:
- A, thằng nhóc này bắt đầu quan tâm đến chuyện người lớn từ khi nào vậy ta?
Cậu sờ cằm:
- Vợ đâu phải muốn lấy là lấy hả con?
- Sao vậy cậu?
- Phải có duyên số con à.
- Duyên số á? - Tôi ngơ ngác.
- Ừ, duyên số. Đàn ông và đàn bà phải có duyên số mới thành chồng vợ được.
Cậu Huân càng giải thích, tôi càng mù mịt. Thế tôi và nhỏ Miền có duyên số với nhau không nhỉ?
- Chứ không phải mình thích người ta và người ta thích lại mình thì sẽ trở thành vợ chồng hả cậu?
Cậu Huân không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Mà cậu nhìn tôi chằm chằm:
- Con đang thích con bé nào à?
- Dạ... không có... - Tôi ấp úng chối, mặt ửng lên như ráng chiều.
Cậu Huân chỉ liếc một cái là biết ngay tôi nói dối.
- Con đang thích đứa nào vậy? - Cậu gặng hỏi, cứ như thể vừa rồi tôi gật đầu chứ không phải lắc đầu.
Tôi ngọ ngoạy các đầu ngón chân, mặt mỗi lúc một nóng ran:
- Dạ... dạ...
Thấy tôi có vẻ sắp ngất, cậu Huân thương tình:
- Thôi, con không nói tên con bé đó ra cũng được. Nhưng mà con đang thích nó đúng không?Tôi cắn môi, nghe giọng mình vo ve như muỗi kêu:
- Dạ.
Cậu Huân mỉm cười:
- Thế con bé đó có thích lại con không?
Tôi cúi gằm đầu xuống đất:
- Dạ, con không biết.
Câu Huân lại hỏi:
- Thế nó có biết con thích nó không?
- Dạ, con cũng không biết.Cậu Huân thở ra:
- Sao cái gì con cũng không biết!
Bỗng cậu đập tay lên vai tôi, toét miệng cười:
- Nhưng như thế mới là yêu.
Tôi định phân bua "thích" khác với "yêu" nhưng chợt nhớ đến ý định sau này sẽ cưới nhỏ Miền làm vợ, tôi ngờ ngợ rằng mình đã yêu, mặc dù cho tới lúc đó tôi chưa định nghĩa được tình yêu là gì. Mọi cảm xúc đến với tôi một cách đột ngột - như một sớm mai tỉnh dậy chợt nhận ra trong tim mình vừa nở một nụ hồng.
Từ ngày bị thằng Đuôi Tôm gặng hỏi, tôi nhận ra mình bắt đầu nghĩ ngợi nhiều hơn về nhỏ Miền. Tôi bắt đầu dò xét lòng mình. Tôi muốn khám phá xem tôi đang có thứ gì nhiều nhất trong mối quan hệ này: tình bạn hay tình yêu.
Cậu Huân chậm rãi:
- Chắc chắn con bé đó biết con thích nó. Tâm hồn phụ nữ như chiếc lưới dệt bằng tơ, đủ sức đón bắt mọi tín hiệu phát ra từ một tâm hồn khác, con à.
Cậu Huân khiến mặt tôi rạng ra từng giây. Và tôi ngây ngô hỏi:
- Thế mình không cần phải nắm tay nó hả cậu?
Cậu Huân giật mình:
- Con nắm tay con bé đó rồi à?
- Dạ chưa.
Tôi kể cho cậu nghe những gì thằng Đuôi Tôm xúi tôi hôm trước.
Cậu Huân nheo mắt:
- Con đừng nghe bạn con xúi dại. Tình cảm là thứ cần được nảy nở một cách tự nhiên. Tới một lúc nào đó, chuyện nắm tay sẽ diễn ra mà không cần phải tính toán hay sắp xếp.
Tôi lắng nghe từng lời của cậu, hoàn toàn tin cậy. So với lời mách nước của Đuôi Tôm, những lý lẽ của cậu rõ ràng thuyết phục hơn, dù tôi chưa hoàn toàn hiểu hết những gì cậu nói. Nhưng tôi vẫn chưa thật yên tâm. Tôi thấp thỏm hỏi:
- Nhỡ bạn đó chỉ xem con là bạn thì sao?
- Con đừng lo. Tình bạn là mảnh đất phù hợp nhất để tình yêu gieo xuống hạt giống của mình. Tới một ngày nào đó, chiếc áo tình bạn trở nên chật chội, con bé đó sẽ cần tới một chiếc áo khác.
Tuy cậu Huân không nói rõ, tôi vẫn biết chiếc áo khác đó chính là chiếc áo tình yêu. Lòng lâng lâng, tôi nuốt từng lời của cậu. Và tôi bắt đầu mơ mộng. Tôi nhìn thấy tôi và nhỏ Miền dắt tay nhau tung tăng trên đồng xa nội cỏ. Tôi thấy tôi và nó ngồi bên nhau dưới chân cầu Hà Kiều chờ cá đớp mồi để ngắm trăng tan trên mặt nước, để nghe hương sen ướp vào tóc ba ngày. Tôi quên khuấy mất dù cậu Huân nói về tình yêu rất hay nhưng đến nay cậu vẫn chưa có vợ. Tôi cũng quên mất tương lai cậu vẽ ra cho tôi thật đẹp nhưng thời gian thì rất đỗi mơ hồ: "tới một lúc nào đó", "tới một ngày nào đó".
"Lúc đó" là lúc nào, "ngày đó" là ngày nào, làm sao tôi biết được và nhất là làm sao biết nó có tới hay không?
Truyện khác cùng thể loại
42 chương
14 chương
43 chương
127 chương