***Đầu kì hai, nhóm tôi học tại khoa Sản, tôi có một sự xúc động mạnh mẽ khi lần đầu tiên đặt chân đến đây, nơi những sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời. Bởi vì cách đây đúng hai mươi hai năm, mẹ tôi là một trong những sản phụ trong phòng phẫu thuật, và tôi cũng là một trong những đứa trẻ sơ sinh trong lồng kính kia. Mẹ kể lần ấy sinh tôi mẹ tưởng mình sẽ chết vì cơn đau đớn vượt quá sức chịu đựng của một người phụ nữ. Nhưng khi nhìn thấy tôi nằm gọn trên tay bác sĩ thì mọi đau đớn của mẹ như tan biến. Thế nên tất cả người mẹ trên thế gian này đều vĩ đại như vậy!
Đến khi tận mắt chứng kiến một cuộc đẻ thường, tôi mới hiểu rằng mẹ tôi đã từng mạnh mẽ và kiên cường như thế nào.
Sản phụ ba mươi tuổi, mang thai con thứ hai, cô ấy nhập viện đã hơn một tháng và hôm nay là ngày lên bàn sinh. Giai đoạn đầu chuyển dạ diễn ra thuận lợi. Khi thai nhi lọt xuống xương chậu của mẹ thì tử cung cũng bắt đầu mở, sau đó nước ối ồ ạt trào ra. Bác sĩ dạy sản phụ cách rặn đẻ, cô ấy kiên nhẫn làm theo và cắn răng chịu đau, vì cô ấy biết la hét chỉ thêm mất sức.
Cửa tử cung đã mở tối đa, nhưng đầu em bé vẫn chưa trôi ra nên buộc bác sĩ phải rạch tầng sinh môn của sản phụ. Thủ thuật này là can thiệp không gây tê, bởi vì cơn đau đẻ của người phụ nữ được ví như gãy hai mươi xương sườn cùng một lúc nên khi bị rạch thêm một đường trên cơ thể cũng chẳng khiến họ có cảm giác thêm nữa.
Mọi chuyện sau đó diễn ra không mấy thuận lợi vì đây là một trường hợp bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con rất hiếm gặp, thai nhi nhóm máu Rh dương còn sản phụ là Rh âm, nhóm máu chỉ chiếm 0,08 phần trăm dân số Việt Nam. Trong quá trình sinh, khi hàng rào rau thai bị phá hủy sẽ có sự trộn lẫn giữa máu của mẹ và con gây ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người mẹ và thiếu máu tán huyết ở trẻ sơ sinh. Nhưng thật may mắn vì điều này đã được lường trước từ thời kì tiền sản nên sản phụ đã được điều trị bằng kháng thể từ trước đó và đứa trẻ cũng sẽ được thay máu sớm sau sinh.
Khi sản phụ được đưa ra ngoài thì chồng cô ấy vội vàng đến bên giường bệnh, anh ta nắm tay rồi hôn lên mặt cô và nói trong xúc động: “Cảm ơn em!” Thì ra muốn biết một người đàn ông yêu thương vợ mình bao nhiêu, hãy xem phản ứng của anh ta trong phòng sinh, xem anh ta có quan tâm và lo lắng, có trân trọng sự hy sinh của vợ hay không?***Nhóm tôi tiếp tục luân khoa, và Nhi là môn lâm sàng cuối cùng trong năm học này. Tôi vốn rất yêu trẻ con vì sự ngây thơ và đáng yêu của chúng nhưng những đứa trẻ ở đây lại chẳng còn mang dáng vẻ ấy nữa.
Khoa Nhi luôn ồn ào bởi tiếng khóc quấy của trẻ con, vì chúng phải chịu đựng sự giày vò của bệnh tật, nhưng khóc đến mệt lả thì lại thiết ngủ trong vòng tay của bố mẹ. Có đứa mãi đến ngày ra viện tôi mới thấy rõ được khuôn mặt của chúng khi không còn đầm đìa nước mắt. Nhưng chúng may mắn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ từ khi lọt lòng đã phải sống cùng thuốc, thời gian bên cạnh bố mẹ còn không nhiều bằng tiếp xúc với bác sĩ. Những đứa bé này thường trầm tĩnh và rất ngoan, nhưng ánh mắt của chúng luôn hiện hữu lên khao khát về một cuộc sống bình thường khỏe mạnh giống như các bạn đồng trang lứa.
Rảnh rỗi lúc nào, tôi đều đến phòng bệnh của chúng, kể cho chúng nghe những mẩu chuyện vụn vặt, còn chúng sẽ kể cho tôi nghe về ước mơ và dự định trong một tương lai không xa khi được xuất viện của chúng.
Dù yêu thương trẻ con bao nhiêu thì tôi cũng chẳng thể thích nổi môn học này. Bởi vì Nhi khoa là cả một bầu trời khác, về mặt giải phẫu hay sinh lý, cơ chế bệnh sinh hay mô hình bệnh tật đều khác xa so với người trưởng thành, chưa kể còn thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Thăm khám và hỏi bệnh thì càng là thử thách lớn vì đa phần ngôn ngữ và sự nhận biết của trẻ con có hạn. Khách quan là vậy nhưng vấn đề vẫn nằm ở bản thân tôi đã không cố gắng hết mình, kết quả: lâm sàng Nhi là môn tệ hại nhất trong những năm đại học của tôi.
Ngày có điểm thi, Quốc Quân đến tìm tôi:– Điểm số Nội, Ngoại, Sản của em rất khá, tại sao Nhi chỉ được 5?– Nhưng em không trượt môn.
Tôi kìm nén sự khó chịu vì hắn đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của một đứa vốn ưa tự do như tôi.– Em chỉ định học để qua môn à? Dù sau này em không theo Nhi, nhưng mọi chuyên ngành đều liên quan chặt chẽ đến nhau. Em muốn trở thành bác sĩ giỏi thì trước hết em phải là một sinh viên giỏi ở trường y. Trong sáu năm này, tất cả những gì chúng ta học đều áp dụng trực tiếp vào hành nghề, nếu bây giờ em không thể học hành nghiêm túc thì sau này khi bệnh nhân họ tin tưởng và giao mạng sống cho em, nhưng em chỉ có thể nắm trong tay năm mươi phần trăm xác suất thành công thôi sao?
Giọng điệu không nóng cũng chẳng lạnh của hắn khiến tôi lặng người.
Khi bước chân vào ngành y, tôi nghĩ rằng khó khăn lớn nhất chính là áp lực học hành, thi cử. Nhưng không! Đã biết bao nhiêu lần tôi đứng bối rối trước bệnh nhân, lưỡng lự trước những câu hỏi của họ? Hay đã bao lần các bác sĩ yêu cầu làm việc này việc kia mà tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu, quy trình ra sao? Áp lực luôn phải chạy đuổi theo kiến thức khi mỗi ngày gặp hàng chục bệnh cảnh khác nhau. Và nỗi sợ lớn nhất chính là sợ bản thân mình ngu dốt, bằng cách này hay cách khác sẽ làm hại đến bệnh nhân.
Từ hôm đó trở đi, tôi lao vào học ngày học đêm. Ôn lại những kiến thức cơ sở lẫn lâm sàng thì tôi mới biết những gì mình đã học trong suốt mấy năm qua đều trôi tuột đi phân nửa, Quốc Quân nói do tôi học nông mà không chịu đào sâu vào bản chất nên học xong là quên phéng đi luôn. Và hắn kèm cặp tôi từ những vấn đề đơn giản nhất.
Buổi chiều Chủ nhật, chúng tôi hẹn nhau ở một quán cafe sách gần trường. Hắn đến sớm hơn và ngồi ở một góc yên tĩnh trên tầng hai, tôi tới kéo chiếc ghế bên cạnh thì hắn ngăn lại:– Em ngồi sang bàn bên kia đi, chúng ta đến đây để học bài chứ không phải để hẹn hò.
Tôi lườm hắn nhưng vẫn thuận theo, đúng là làm việc độc lập sẽ hiệu quả hơn vì độ tập trung cao. Tôi đang chuẩn bị một chuyên đề trong câu lạc bộ ngoại, dù được phân công làm một phần nội dung nhưng số lượng tài liệu phải nghiên cứu rất nhiều. Cứ theo thói quen, hễ có chỗ nào vướng mắc tôi sẽ hướng về phía bàn hắn và hỏi ngay:– Cơ nào dài nhất trong cơ thể?– Cơ may....– Kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng nhất hiện nay là...– Tetracyclin....– Khi nào thì em có thể kết luận bệnh nhân bị gãy xương?– Khám thấy dấu hiệu “lạo xạo” của xương....– Bệnh nhân sau phẫu thuật phải nằm bất động lâu ngày hay mắc phải biến chứng gì?– Thuyên tắc phổi.– Tại sao, cơ chế là gì?– Người nằm bất động trong thời gian dài sẽ xuất hiện các huyết khối trong lòng mạch, chúng vỡ ra và trôi nổi tự do rồi đi vào động mạch phổi gây thuyên tắc phổi cấp. Vì diễn biến nhanh nên biến chứng này rất nguy hiểm....– Hỏi một câu nữa thôi, đúng chuyên ngành của anh luôn. Tại sao đóng đinh nội tủy trong phẫu thuật kết hợp xương lại là phương pháp bảo tồn mô mềm và mạch máu trong khi nó làm phá hủy một phần tủy xương?– Vì mạch máu của phần tủy còn lại sẽ tái sinh rất nhanh, đủ để nuôi toàn bộ xương.
Sau màn đối đáp qua lại, cuối cùng hắn cũng ngẩng đầu lên nhìn. Tôi cười trừ, hắn vẫn luôn vô cùng kiên nhẫn với tôi trong bất kể chuyện gì, chuyện học hành thì càng là vậy. Hắn bước nhanh đến bàn chỗ tôi, lật dở vài trang tài liệu mà tôi đang xem rồi hắn không thương tiếc mà cốc vào trán tôi một cái:– Em đấy, đến khi nào em mới có thể tự lập? Anh không thể là từ điển bách khoa cho em tra cứu bất cứ lúc nào em muốn được. Em phải chịu đọc nhiều sách, đọc rộng và đọc sâu hơn. Dù đọc rồi cũng sẽ quên nhưng còn hơn là lười đọc.
Tôi vẫn cười, vì hắn không biết rằng lúc này trông hắn dịu dàng như thế nào. Và tôi chợt nhận ra hắn vẫn luôn bao dung và nâng niu tôi như một nàng công chúa.– Em vẫn chăm chỉ mà!
Tôi nói bâng quơ, nhưng trong lòng hiểu rõ mình đã nỗ lực và miệt mài biết bao nhiêu, vì bản thân và cũng là vì tôi muốn mình xứng đáng đứng bên cạnh một người ưu tú như hắn.– Ừ, được rồi! Có muốn hỏi gì nữa không?– Không đâu! Nhưng anh có thể dịch tài liệu này giúp em được chứ?
Tôi đưa hắn tập tài liệu ngoại văn, nhưng chợt nhớ đến câu nói trước đó: “Đến khi nào em mới có thể tự lập?” Tôi đành cười trừ, còn hắn thở dài nhưng vẫn chấp nhận giúp tôi.
Truyện khác cùng thể loại
46 chương
11 chương
13 chương
100 chương