***Kết thúc năm học, các bạn trong khu trọ đều lên đường về nhà. Cũng như mùa hè trước, tôi quyết định ở lại trường và tham gia kì thực tập tại bệnh viện. Quốc Quân cũng vậy, không cần hỏi tôi cũng biết hắn đăng kí Ngoại Chấn thương, còn tôi chọn Hồi sức cấp cứu.
Hồi sức cấp cứu và Khám bệnh có lẽ là hai khoa nhộn nhịp nhất trong bệnh viện, vì lưu lượng người ra vào luôn đông đúc. Căng thẳng nhất vẫn là bên cấp cứu, phải khi tận mắt chứng kiến thì tôi thật sự sốc trước cường độ làm việc của họ. Không phân biệt ngày hay đêm, các bác sĩ luôn phải túc trực theo dõi sát sao các bệnh nhân nằm lưu tại khoa, đưa ra y lệnh bổ sung trong trường hợp có tiến triển mới. Chưa kể nơi đây là bệnh viện tuyến đầu, từng phút từng giờ tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu cũng như bệnh nhân nặng được chuyển về từ các tuyến y tế cơ sở, nhưng các bác sĩ vẫn phải quyết đoán mà giành giật từng cơ hội sống sót dù trong giai đoạn thập tử nhất sinh của bệnh nhân. Tôi gọi họ là những siêu anh hùng.
Tôi vẫn nhớ từng có một thầy giáo hỏi sinh viên bọn tôi:– Giả sử có một dịch bệnh bùng phát hoặc thảm họa xảy ra, số lượng bệnh nhân đông quá mức mà bác sĩ thì ít. Là bác sĩ thì các bạn sẽ chọn cứu bệnh nhân nặng hay bệnh nhân nhẹ trước?
Lúc đó thầy giáo không trả lời, nhưng cho đến bây giờ khi đi ở khoa cấp cứu tôi mới hiểu rằng sẽ có lúc người bác sĩ buộc phải lựa chọn cứu bệnh nhân này mà không phải bệnh nhân kia. Và trong trường hợp này thì họ sẽ cứu chữa cho bệnh nhân nhẹ trước, vì có như vậy mới cứu được nhiều người nhất có thể.
Buổi trực đầu tiên, tôi đến khoa lúc trời vừa tối, vẫn là tiếng bước chân vội vã của các nhân viên y tế và tiếng “tít tít” của máy móc cho những bệnh nhân phải thở máy, lọc máu hay chạy tim phổi nhân tạo. Tôi theo chị điều dưỡng dọn dẹp lại phòng bệnh, có một chiếc giường loang lổ rất nhiều máu khiến tôi đặc biệt chú ý, chị nói vừa có một bệnh nhân bị tai nạn lao động, tử vong do sốc mất máu. Chị còn nói một câu khiến tôi thoáng rùng mình:– Chẳng chiếc giường nào trong khoa cấp cứu mà chưa từng có người chết nằm qua.
Hơn chín giờ tối, liên tiếp có hai ca cấp cứu. Người thứ nhất là nam thanh niên ngoài hai mươi tuổi, vào viện do tai nạn giao thông, ngay lúc này vài bác sĩ chấn thương và bác sĩ huyết học vội đến khoa cấp cứu để hội chẩn liên khoa. Bệnh nhân được chuẩn đoán đa chấn thương nặng, mất máu nhiều, gãy xương và có đụng dập nội tạng. Nguyên tắc khi cấp cứu chấn thương là phải cố định tốt cột sống cổ, vì chỉ sơ sẩy một chút thôi thì bệnh nhân có thể đứt tủy cổ hoặc liệt cơ hô hấp và tử vong ngay. Qua khám toàn trạng, bác sĩ cho đặt nội khí quản để khai thông đường thở và luồn vài dây truyền vào tĩnh mạch để bù lại khối lượng tuần hoàn đã mất.
Sau một hồi vật lộn, bác sĩ liên tục đưa ra các chỉ định nhưng bệnh nhân không có chuyển biến tích cực, nhịp thở và mạch đập vẫn rất yếu, máu chảy vào ổ bụng vẫn không cầm được còn các vết thương hở có nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân lên cơn kịch phát cuối cùng, sau đó anh ta mất dần ý thức cho đến khi sóng biểu thị điện tâm đồ chỉ còn là một đường thẳng. Bác sĩ lập tức ép tim ngoài lồng ngực và cho sốc điện, vài chục phút trôi qua, rồi họ không làm gì nữa.– Bệnh nhân tử vong lúc 21 giờ 39 phút!
“Bịch” ngã ngồi trên mặt đất với gương mặt trắng bệch, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cái chết chóng vánh của người thanh niên này, anh ta nhập viện còn chưa đến một giờ đồng hồ cơ mà. Mọi người bắt đầu thu dọn tàn cuộc, chẳng mấy ai để ý đến tôi, duy chỉ có một anh bác sĩ trẻ đến đỡ và dìu tôi ra dãy ghế ngoài hành lang, anh chẳng nói gì nhưng trong mắt anh là sự đồng cảm với tôi, một đứa sinh viên lần đầu trực cấp cứu.
Tôi ngồi thẫn thờ ở đó thì bỗng đâu có một người phụ nữ trung niên hớt hải chạy vào, tìm hết các phòng trong khoa cấp cứu. Từ trong vọng ra là tiếng gào khóc thê lương của bác ấy khi ôm lấy thi thể của nam thanh niên kia. Đúng vậy, bác ấy là mẹ anh ta. Thử hỏi, có nỗi đau nào của một người mẹ lớn hơn việc mất đi đứa con dứt ruột đẻ ra? Đó là nỗi đau không thể nào nguôi ngoai trong suốt phần đời còn lại.
Tôi đứng bật dậy và lao đi vì chợt nhớ ra còn một bệnh nhân nữa được đưa vào cùng thời điểm đó. Nghe nói là một người đàn ông ngoài ba mươi, được chuẩn đoán viêm tụy cấp và có tiền sử nghiện rượu bia. Nhưng khi đến trước cửa phòng bệnh, tôi lại nghe thấy tiếng khóc giằng xé khác từ một người phụ nữ trẻ. Vậy nghĩa là… người đàn ông kia cũng không qua khỏi. Tôi còn thấy trên tay cô ấy đang ôm đứa con thơ. Bé vẫn ngơ ngác nhìn xung quanh mà không hề biết rằng kể từ đây, bé mồ côi cha.
Đến giây phút này tôi chẳng thể kìm nén được nữa mà rơi xuống giọt nước mắt. Ngày hôm nay tôi chứng kiến một người mẹ mất con, một phụ nữ mất chồng, một đứa con mất cha. Tôi chợt hiểu ra nỗi đau lớn nhất cuộc đời chính là mất đi những người mà ta thân yêu và trân trọng.***– Alo, con gái đấy à?– Vâng, là con đây!
Nghe giọng nói ấm áp của mẹ qua điện thoại mà tôi như muốn bật khóc lần nữa. Ngay tại khoảnh khắc này, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà.
Tôi hỏi mẹ còn mất ngủ hay không, hỏi bố còn hay bị đau lưng nữa không và hỏi thằng em trai tôi còn trốn học đi chơi điện tử nữa không? Mẹ cười rồi trả lời từng chuyện. Tôi nói: “Con nhớ mọi người lắm!” thì mẹ lại trách: “Nhớ mà có chịu về thăm nhà đâu.” Tôi chỉ biết cười trừ, phải rồi, đã bao lâu tôi chưa về nhà? Hình như cũng vài tháng rồi. Tôi thấy mình thật may mắn khi được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, lớn lên trong sự yêu thương bao bọc của cha mẹ. Và họ luôn ở đó, luôn dang rộng vòng tay đón tôi trở về.
Cúp máy điện thoại, tôi đi lang thang trong viện rồi chẳng biết từ khi nào đã đứng trước cửa phòng phẫu thuật. Một lúc sau cửa phòng mở, một vài người bước ra trong đó có Quốc Quân. Hắn ngạc nhiên còn tôi không nói không rằng lao đến ôm trầm lấy hắn mặc ánh nhìn của những người khác.– Em sao vậy?
Nhận ra sự kì lạ nên hắn định kéo tôi ra nhưng tôi vẫn cố chấp ôm ghì lấy, nước mắt bắt đầu tuôn thấm ướt vai áo hắn. Mất một lúc tôi mới bình tĩnh và kể lại những chuyện xảy ra ở khoa cấp cứu, hắn vừa lau nước mắt cho tôi vừa chăm chú nghe.– Đừng khóc, vì em không có đủ nước mắt để tiếc thương cho tất cả số phận trên thế gian này đâu. Đó là cuộc đời của họ, đến lúc phải ra đi thì họ sẽ ra đi.– Nhưng họ đều là những người còn rất trẻ.– Có ai cắt nghĩa một đời người thế nào là ngắn, dài sao? Chẳng ai biết rồi ngày mai sẽ có chuyện gì, vì đôi khi sự hiểm nguy chỉ xảy ra trong tích tắc. Em có nhớ hồi năm nhất học mấy môn cơ sở không? Cô giáo có nói: “Chết là phản ứng miễn dịch cao nhất của cơ thể.” Ít nhất thì bản thân họ cũng đã chiến đấu cho sự sống đến hơi thở cuối cùng.– Em biết! Vậy còn những người ở lại phải làm sao?– Họ sẽ ổn thôi, vì cuộc sống chẳng dừng lại vì nỗi đau của bất cứ ai.
Tôi trầm ngâm. Bệnh viện và trường y đã dạy tôi bài học đắt giá nhất là trưởng thành, là chấp nhận cái gọi là thực tế.***Năm thứ năm sẽ học về các chuyên ngành lẻ trong y khoa như: truyền nhiễm, tâm thần, da liễu, ung bướu, phục hồi chức năng, y học cổ truyền hay là mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng,... nhiều lắm, nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi thì chỉ có hai ngành: Pháp y và Gây mê.
Giám định pháp y là một ngành chưa được nhìn nhận và coi trọng đúng mực, nhưng không ai có thể phủ định ý nghĩa của nó đối với mội xã hội mà con người sống, làm việc và được bảo vệ dưới Hiến pháp và Pháp luật. Đây là một chuyên ngành có tính chất phức tạp nhưng cực kì logic. Từng dấu vết ở hiện trường hay các thương tích, mẫu bệnh phẩm trên cơ thể nạn nhân đều là mảnh ghép giải mã cho câu hỏi về thời gian, nguyên nhân và quá trình tử vong.
Tôi vẫn nhớ hôm đó học bài “Độc chất học”, cô giáo có hỏi cả lớp:– Các bạn đã nghe đến chất độc xyanua bao giờ chưa?– Rồi ạ!
Cô ngạc nhiên khi cả lớp đồng thanh, bèn hỏi tiếp:– Từng nghe ở đâu?– Trong truyện Conan.
Tôi không thể ngừng cười lũ bạn, và không khí buổi học càng thêm sôi nổi.
Cuối buổi là phần thực hành thí nghiệm đầu độc trên động vật. Chẳng riêng gì việc tiêm thuốc độc, mà cả treo cổ, dìm xuống nước, đâm thấu tim, đóng đinh vào đầu hay bất cứ phương thức dã man nào mà kẻ sát nhân biến thái có thể nghĩ ra thì chúng tôi đều phải thực hiện lại trên những con thỏ, con chó rồi chờ chúng hấp hối, sau đó mổ xác và quan sát.
Dù đã trui rèn được một bản lĩnh tương đối vững vàng sau bao năm ở trường y, nhưng những buổi thực tập đều khiến tôi hãi hùng. Tôi ám ảnh với những lần bị bắn văng máu của động vật vào người, kết quả là phải vứt bỏ ba chiếc áo blouse vì không thể giặt sạch. Nhưng cũng ám ảnh với tiếng gào thét và ánh mắt đáng thương của chúng khi sắp chết. Đây xác thực là môn học phải hy sinh nhiều nhất và có lẽ vì điều này mà tôi chắc chắn mình sẽ không theo Pháp y.
Gây mê hồi sức cũng khiến tôi hứng thú vô cùng. Gây mê luôn đi đôi cùng Ngoại khoa như hình với bóng, vì chính sự ra đời của các kĩ thuật gây tê, gây mê mới cho phép bác sĩ thực hiện can thiệp trên bệnh nhân, từ đó ngoại khoa phát triển. Bác sĩ gây mê là người đưa bệnh nhân vào trạng thái ngủ sâu, kiểm soát đau và duy trì chức năng sinh tồn trong suốt quá trình phẫu thuật. Đó không phải là một việc dễ dàng vì chẳng có phác đồ chung nào cho việc khống chế tốt tất cả hóa chất đưa vào cơ thể mà không làm hại người bệnh. Thiếu một chút thuốc, bệnh nhân tỉnh dậy giữa cuộc phẫu thuật và có thể tử vong, thừa một chút thuốc, bệnh nhân sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa.
Nếu bác sĩ ngoại là người đẩy bệnh nhân vào chỗ nguy hiểm thì bác sĩ gây mê sẽ là người giữ lấy mạng sống của họ, nhất là trong trường hợp xảy ra tai biến thì họ trở thành bác sĩ cấp cứu trong phòng mổ, đứng ở tuyến đầu giành giật sự sống cho bệnh nhân. Chưa kể giai đoạn hậu phẫu cũng là một tay bác sĩ gây mê chăm sóc bệnh nhân. Dẫu đóng vai trò quan trọng không kém so với bác sĩ ngoại trong ekip mổ, nhưng công lao của họ ít khi được nhớ tới. Và họ thật sự là những người hùng thầm lặng.
Cuối năm thứ năm, tôi và Quốc Quân bắt đầu ôn thi Bác sĩ nội trú. Đó là kì thi khốc liệt nhất cuộc đời người bác sĩ, vì mỗi sinh viên y khoa tốt nghiệp sau sáu năm đều chỉ được phép dự thi duy nhất một lần trong đời. Bác sĩ nội trú thực chất là hình thức đào tạo tập trung trong ba năm để phát triển tay nghề cho các bác sĩ trẻ, người ta gọi tầng lớp này là tinh hoa của ngành y và quả đúng như vậy vì những vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đều trưởng thành từ đây.
Chẳng mấy chốc đã là năm cuối đại học, năm này chúng tôi vẫn xoay vần giữa bệnh viện và giảng đường, nhưng kiến thức mới thì không có nhiều nữa mà tua lại một vòng: nội, ngoại, sản, nhi. Tôi chọn thi tốt nghiệp, còn Quốc Quân bảo vệ khóa luận với đề tài “Nhiễm khuẩn Ngoại khoa”. Hai đứa đều bận rộn đến tối tăm mặt mũi nên thời gian bên nhau chẳng còn là bao, nhưng chúng tôi vẫn nhớ lời hẹn rằng sẽ cùng đỗ vào bác sĩ nội trú, cùng đồng hành với nhau trên chặng đường kế tiếp. Và cuối cùng chúng tôi đã làm được, tôi vào Gây mê hồi sức, còn hắn đỗ Ngoại tổng hợp.
Truyện khác cùng thể loại
78 chương
44 chương
25 chương
47 chương
22 chương
29 chương