***Chúng tôi bắt đầu đi bệnh viện vào giữa kì này, năm thứ ba sẽ đi khoa Nội và khoa Ngoại. Hồi mới chân ướt chân ráo vào trường, tôi chẳng hiểu thế nào là nội, ngoại. Vốn tưởng rằng chữa các cơ quan bên trong cơ thể thì gọi là nội, chữa các bệnh ngoài da thì gọi là ngoại. Nhưng không, ngoại khoa là chữa trị bằng can thiệp từ bên ngoài thông qua dao, kéo,... hay dễ hiểu hơn là phẫu thuật. Còn nội khoa là chữa trị bằng tác động từ bên trong như dùng thuốc thông qua các phác đồ điều trị.
Nhóm tôi được phân chia đi nội trước, đi ngoại sau. Mà ở khoa Nội, lưu lượng bệnh nhân ngoại trú đến khám cũng như bệnh nhân nội trú đang điều trị tại viện đông hơn nên chúng tôi cũng được thực hành nhiều, được các bác sĩ cầm tay chỉ việc. Mỗi sáng đều đặn, từng nhóm sinh viên sẽ theo bác sĩ chính đi các buồng bệnh để thăm khám cho bệnh nhân, dù bệnh nhân đông nhưng sinh viên cũng không hề ít, ngoài đối tượng năm thứ ba là chúng tôi thì còn các anh chị năm thứ tư và năm thứ sáu, cùng vài anh chị bác sĩ nội trú. Đến chiều chúng tôi học ở giảng đường của bệnh viện, mỗi tuần sẽ có một buổi trực đêm tại khoa.
Đi học tại khoa ngoại thì khác, các bác sĩ ở đây rất bận rộn, vì họ dành phần lớn thời gian trong phòng mổ nên công việc tại khoa thường thay đổi linh hoạt. Lịch giảng lúc mười giờ sáng, nhưng bác sĩ có ca phẫu thuật gấp, chúng tôi phải chờ đến một giờ chiều là chuyện thường tình.
Đêm trực đầu tiên, tầm tám giờ tối nhưng bệnh viện vẫn nhộn nhịp người ra ra vào vào, mấy đứa nhóm tôi đang đọc bệnh án trong phòng làm việc của khoa, còn tôi lang thang dạo quanh các buồng, có bệnh nhân đã nghỉ ngơi sớm, có bệnh nhân được người nhà đến thăm. Thời gian học ở bệnh viện chủ yếu là buổi sáng, nhưng với thực tế số lượng đông sinh viên cùng sự bận rộn của bác sĩ, thì buổi tối mới là thời điểm tốt nhất để mấy đứa sinh viên tiếp xúc với bệnh nhân. Tôi đi đến phòng bệnh ở cuối dãy hành lang thấy Quốc Quân đang nói chuyện với một bác trung niên. Liếc mắt một cái hắn cũng trông thấy tôi nên gọi tôi vào.
Phòng bệnh này đặc biệt nhất trong khoa vì những người nằm ở đây đều là bệnh nhân nặng, có những người không gượng dậy được, chỉ thều thào vài hơi, có những người phải thở bình oxy. Vị trí của nó nằm ngay cạnh cầu thang để phòng trường hợp khẩn cấp có thể vận chuyển bệnh nhân xuống ngay khoa Hồi sức cấp cứu.
Hai người vẫn đang nói chuyện, thỉnh thoảng hắn sẽ kể vài chuyện lặt vặt, sau đó lại hỏi đến những vấn đề trọng yếu, vừa nói vừa ghi nhanh vào cuốn sổ tay. Tôi như thấy được một mặt khác của hắn: rất lễ phép và lịch sự.
Khi chúng tôi bước ra khỏi phòng bệnh, bầu không khí hối hả trong viện cũng vơi bớt đi phần nào. Hắn vừa đưa tôi cuốn sổ vừa nói:– Lát nữa cùng đọc bệnh án của những người đó đi, xem triệu chứng trên lâm sàng khác với lí thuyết như thế nào?
Tôi cười gật đầu, thực ra về khoản học hành hắn rất tốt bụng, hắn giỏi và luôn giúp đỡ, chia sẻ với người khác.– Này, tại sao cậu lại học muộn mất ba năm? – Tôi vốn thắc mắc điều này từ rất lâu rồi.
Hắn chưa bắt kịp sóng của tôi nên sửng sốt một lúc rồi cười:– Tò mò chuyện của tôi à? Tôi giống Hoàng Minh ấy, chỉ là chọn lại đúng con đường cho mình thôi.– Vậy ra trước đây cậu cũng từng học một trường đại học khác à?
Hắn nhìn xa xăm bầu trời đêm.– Năm đó tôi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của trường Bách khoa, tôi học ở đó hai năm, sự hào hứng của những ngày đầu càng phai nhạt khi ập vào tôi là những buổi học nhàm chán, những ngày phải ngồi trước màn hình máy tính hàng giờ gõ gõ những chuỗi kí tự khô khan. Tôi rất mê game, cũng thích tìm tòi về mấy hãng công nghệ lớn trên thế giới, nhưng tôi không thực sự thích chúng, cái tôi thích chỉ là sự hay ho và giải trí. Cảm giác lúc đó thật sự rất chơi vơi, không còn chỗ để bám víu. Cuối năm thứ hai, kết quả học tập xuống dốc vì thường xuyên bỏ tiết, rồi tôi lao vào đi làm, làm tất cả các nghề mà một thằng sinh viên có thể làm: phát tờ rơi, shipper, chạy grab, bồi bàn cho một quán ăn hay thu ngân cho một quán cafe. Tôi cũng không biết đâu là điểm tựa của mình, nhưng chắc chắn không phải cái ngành kia nên hết năm hai tôi rút hồ sơ.– Mùa hè năm đó tôi nhận gia sư cho một cậu bé lớp 12, thằng bé học lực trung bình nhưng rất thích ngành y. Ngày đầu tiên gặp, thằng bé cho tôi xem tất cả những tạp chí y khoa mà nó sưu tầm được, tôi đã choáng ngợp và sau đó lại mê đắm. Tôi quyết định bỏ ra một năm nữa để ôn thi đại học cùng nó, sau đó hai anh em cùng đỗ vào ngôi trường này. Nó vừa đủ điểm đỗ vào đây cả gia đình đã mừng rớt nước mắt, còn tôi thừa điểm vào; nhưng tôi chỉ thiếu 0,05 điểm nữa là đỗ vào Y Hà Nội, nguyên một tháng sau đó tôi không gặp mặt bất cứ người thân, bạn bè nào. Tôi dằn vặt bản thân mình rằng tại sao không thể cố gắng thêm một chút nữa. Nhưng khi bước chân vào ngôi trường này, tôi thực sự đã không còn bất cứ tiếc nuối nào.
Hắn nói xong không biết từ lúc nào đã quay sang nhìn tôi, ôi trời, tôi chưa bao giờ bắt gặp ánh mắt nồng nàn đến thế. Tôi máy móc nhích người ra xa hắn một chút, bỗng dưng tôi thông minh đến lạ, tôi chợt hiểu những hành động quan tâm từ trước đến nay của hắn, cũng như ý vị trong câu nói lúc nãy. Còn hắn nhìn hành động kì quặc của tôi rồi bật cười:– Ha ha, tôi không còn nuối tiếc vì tôi đã thật sự yêu thành phố này, một nơi đủ giàu có nhưng không quá ồn ào, tấp nập, một nơi đủ phát triển nhưng không khí vẫn trong lành, phố xá vẫn quang đãng. Có lẽ tôi đã sống ở nơi đất chật người đông như Hà Nội quá lâu rồi, nên nơi này đem lại cho tôi cảm giác thật bình yên.
Tôi chợt thở phào.– Đúng vậy! Còn tôi đã sống ở đây hơn hai mươi năm rồi, có những lúc muốn tung cánh bay đi thật xa, nhưng mảnh đất này sẽ mãi là nơi tôi muốn trở về. – Tôi lại hỏi hắn. – Mà còn cậu bạn năm đó cậu dạy kèm thì sao?– Tôi phải cảm ơn thằng bé vô cùng vì nó đã cho tôi niềm cảm hứng với ngành y, cũng như an ủi tôi trong giai đoạn khó khăn, lúc biết được kết quả, nó có nói với tôi: “Anh ơi, học trường nào không quan trọng, quan trọng là anh có phải người giỏi nhất ngôi trường đó hay không.”– Và bây giờ cậu là sinh viên xuất sắc nhất khoa.
Tôi bổ sung ngay, còn hắn cười gật đầu.– Cậu bé ấy đang học cùng khoa, cùng lớp với chúng ta.– Ồ, cùng lớp sao, là ai vậy?– Là Khải, cùng nhóm với mình hồi còn học tiền lâm sàng đấy.***Sau buổi tối hôm đó, tôi hiểu hơn về con người hắn, cũng từ đó mà trở nên thân thiết một cách tự nhiên. Tôi thường cùng hắn đi khắp các buồng bệnh trong khoa, đo huyết áp, thăm khám tất cả bệnh nhân. Tầm nửa buổi sẽ theo các anh chị điều dưỡng đi tiêm, truyền cho bệnh nhân. Có những lúc phải chạy đi đưa, lấy xét nghiệm từ các khoa cận lâm sàng như hóa sinh, huyết học, một buổi sáng như vậy cũng lao lực không kém gì một buổi học thể chất. Cũng có khoảng thời gian rảnh rỗi hơn, chúng tôi ngồi trong phòng họp của khoa đọc bệnh án, cũng sẽ phụ giúp bác sĩ chép bệnh án. Chữ bác sĩ rất khó đọc, khổ nhất là phải dịch tên thuốc.
Sinh viên chính là tầng lớp thấp bé nhất trong bệnh viện, vì bản thân chúng tôi kinh nghiệm không có, kiến thức không đủ, luôn chạy theo bác sĩ thậm chí còn làm vướng chân vướng tay họ. Bác sĩ vốn dĩ không phải là những người khó tính, chính áp lực công việc khiến họ không chấp nhận bất cứ sự thiếu sót nào.
Có buổi sáng nọ, tôi đi đo huyết áp cho một bệnh nhân nhưng không thể nào nghe được tiếng mạch đập, tôi nghĩ có lẽ do tiếng quạt trần và máy móc ồn ào nên không nghe rõ, tôi qua đo cho người khác, định lát nữa sẽ đo lại cho bệnh nhân đó.
Lát sau bác sĩ vào phát hiện bệnh nhân tụt huyết áp đến mức sắp ngất, sau đó liền chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Tôi đứng đó mặt cắt không còn giọt máu, bị bác sĩ mắng cho một trận:– Sinh viên năm thứ mấy rồi mà không biết đánh giá tình trạng bệnh nhân? Không đo được huyết áp thì em phải báo ngay cho bác sĩ chứ. Em làm thế này là “giết” bệnh nhân rồi!
Và cả rất nhiều lần khác, cảm xúc trong tôi chai sạn dần, tôi không còn cái sự tự ái và xấu hổ thuở ban đầu mà thay vào đó là hổ thẹn. Bị mắng nhiều mới biết bản thân mình còn sơ suất nhiều thế nào, kiến thức vẫn mỏng ra sao.
Sự giúp đỡ và chỉ dạy tận tình của các anh chị khóa trên, các bác sĩ trẻ có lẽ là điều an ủi lớn nhất đối với chúng tôi. Thỉnh thoảng có những ca nặng như một bệnh nhân ung thư phổi, các anh sẽ mang cho chúng tôi xem tấm phim X-quang có hai lá phổi đông đặc đến trắng xóa, hay cho chúng tôi đọc phiếu xét nghiệm máu của bệnh nhân đa hồng cầu. Rồi tất cả cùng túm tụm lại thảo luận.
Quốc Quân nói với tôi rằng hãy cố gắng tạo mối quan hệ với các anh chị khóa trên để học hỏi kinh nghiệm. Rồi hắn rủ tôi tham gia Câu lạc bộ Ngoại khoa, nhưng tôi nói tôi không có ý định theo ngoại vì cường độ công việc quá cao. Hắn giải thích với tôi rằng đó là câu lạc bộ học thuật có thâm niên lâu nhất trong trường, mà đã là học thuật thì chắc chắn có nhiều sinh viên giỏi. Và đúng là như vậy, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn mà chỉ cần tập trung lắng nghe mọi người tranh luận cũng khiến tôi mở mang rất nhiều kiến thức.
Điều tôi bất ngờ là Quân đã tham gia câu lạc bộ từ năm nhất đại học, tôi tự hỏi hồi đó đã biết gì về cơ chế, triệu chứng và bệnh học đâu, làm sao nghe hiểu những chuyên đề sâu như thế? Vậy mà hắn vẫn tích cực trong suốt ba năm. Hắn nói muốn trở thành một bác sĩ Ngoại chấn thương, còn tôi không thích ngành chuyên khoan, cắt, đục, đẽo trên người bệnh nhân như này lắm. Trong một buổi nọ, có một nhân vật đặc biệt đến tham gia sinh hoạt cùng chúng tôi.– Xin giới thiệu với mọi người, đây là anh Nguyễn Anh Tùng là một trong số những người sáng lập kiêm chủ nhiệm đầu tiên của câu lạc bộ chúng ta. Anh ấy hiện đang là một bác sĩ Ngoại Chấn thương của bệnh viện hạng nhất trong thành phố.
Khi anh ấy đứng lên chào mọi người, tôi ngưng đọng mọi giác quan khác, riêng đôi mắt nhìn không chớp, bởi vì tôi chưa gặp ai đẹp trai như vậy. Không chỉ là ngoại hình, cảm giác anh ấy mang lại cho người khác thật dễ gần, dễ mến. Quốc Quân gọi mấy lần tôi mới nghe thấy mà ngượng ngùng rời mắt khỏi người ta. Ôi trời, tôi lại quá lố rồi.
Chủ đề của buổi hôm đó là “Chấn thương sọ não”, anh Tùng chia sẻ với chúng tôi rất nhiều, từ những bệnh nhân anh gặp, tới những kinh nghiệm anh trải qua. Anh nói vào những ngày lễ hoặc gần Tết là khoảng thời gian khoa cấp cứu và khoa chấn thương phải làm việc hết công suất. Các ca nhập viện đa phần là tai nạn giao thông, và đó cũng là nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương sọ não.
Tôi chăm chú nhìn anh nhưng chỉ nghe câu được câu chăng, tôi tự nhủ với bản thân: lần sau gặp lại, tôi sẽ tập trung vào những gì anh nói hơn là khuôn mặt và nụ cười của anh. Còn Quốc Quân ngồi bên cạnh, hắn đã ghi chép được vài trang giấy.
Cuối giờ Quốc Quân bỏ về trước, tôi phát bực vì tính tình hắn còn khó hiểu hơn con gái. Đuổi kịp theo hắn ra đến cổng trường mà hắn vẫn làm ngơ tôi.– Cậu sao thế, tôi lại làm gì khiến cậu giận?
Hắn dừng lại, quay sang trách móc tôi:– Con gái các cậu ai cũng như thế à? Thấy trai đẹp là không biết trời trăng mây đất gì nữa sao?– Không đến nỗi đấy đâu.
Tôi cúi đầu, còn hắn được nước nói tiếp:– Lại chối nữa hả? Suốt cả buổi còn không rời đi nửa con mắt khỏi người ta. Sao, thích anh ấy rồi à?– Người như anh ấy ai mà chẳng thích cơ chứ?
Hắn nhìn tôi lắc đầu như thể tôi là trẻ con không hiểu chuyện.– Tôi có một tin vui và một tin buồn, cậu muốn nghe tin nào trước. – Rồi hắn lại nói tiếp mà chẳng xem phản ứng của tôi. – Tin vui là cậu sẽ sớm được gặp lại anh Tùng, vì anh ấy là giảng viên bộ môn Ngoại. Còn tin buồn là… anh ấy có vợ rồi.– Hả?
Hắn cười hả hê rồi bỏ lại tôi vẫn đang sửng sốt phía sau. Trái tim yếu đuối của tôi vẫn chưa thể chấp nhận sự thật này. Chẳng phải người ta vẫn hay nói đàn ông thường kết hôn sau tuổi ba mươi hay sao? Người ta vẫn hay bảo học y không có thời gian yêu đương hay sao? Khi tôi vừa gặp được người trong mộng thì giấc mộng cũng tan biến. Thật quá nghiệt ngã và đau lòng!
Truyện khác cùng thể loại
46 chương
11 chương
13 chương
100 chương