Luật Ngầm

Chương 3 : Bí mật kinh hoàng

Buổi sáng được đưa đến nhà cậu Tư, tôi đã được chơi rất nhiều trò chơi điện tử thú vị với các anh chị họ của mình. Anh họ tôi có bộ đồ chơi xếp hình Lego rất đẹp, những chi tiết của nó khiến tôi mê mẩn. Các cháu của mợ Tư tôi cũng sang nhà chơi cùng vì đang là kỳ nghỉ hè, chúng tôi chia nhau mớ đồ chơi để cùng chơi. Mặc dù chỉ được chia những mảnh Lego sứt mẻ, cũ mèm nhưng tôi không hề tị nạnh hay muốn đòi hỏi gì hơn. Các anh chị bàn tán rôm rả về những trò chơi điện tử mới, những loại Lego và giá tiền của chúng. Tôi im lặng ngồi lạc lõng một góc, vì tôi có biết gì đâu để nói xen vào. Rồi tôi nhận ra và hiểu được vị trí của mình ở đâu trong mớ đẳng cấp của các ông anh bà chị. Khi tôi tắm xong, vừa bước ra, họ nhìn tôi rồi cười ầm lên, người giúp việc nhà cậu tôi cũng cười ngặt nghẽo. Tôi ngơ ngác không hiểu gì cho đến khi anh họ tôi lên tiếng: “Sao lại mặc quần bơi? Không thấy nóng à?” Lúc này, tôi mới nhìn lại mình từ trên xuống dưới. Chiếc quần đến đầu gối này được một người chị họ cho, tôi đã mặc rất nhiều lần, và cho đến bây giờ mới biết nó là quần bơi. Ngượng đỏ mặt, tôi im lặng không nói gì, lủi thủi đi vào phòng nằm trùm chăn khóc rấm rứt vì xấu hổ và tủi thân. Sáng hôm sau, tôi không còn nghĩ ngợi gì đến chuyện tối qua nữa. Mợ Tư đưa cả nhà đi siêu thị, là một nơi rất to và có máy lạnh chạy mát rượi. Chúng tôi vào một cửa hàng gà rán, và tôi lại bị cười nhạo khi lao ngay vào bàn ngồi đợi phục vụ đến. Họ cười tôi không biết “fast food” là gì, tự phục vụ là gì. Sau đó, mợ Tư mua cho tôi một bộ pijama màu hồng cổ sen có thêu hoa rất đẹp, vải rất mịn lại còn thơm phức. Tôi thích lắm! Vì nó giống với bộ mà chị họ tôi vẫn mặc. Tối hôm đó, thấy chị mặc bộ đồ như vậy, tôi cũng đi tắm và thay sang bộ đồ mới mua dù nó chưa được giặt lại. Tôi muốn mặc giống chị. Nhưng vừa thấy tôi đi ra, chị đã nhìn tôi bằng ánh mắt khó chịu, rồi đi vào phòng thay bộ khác. Tôi bất giác hiểu rằng họ không muốn tôi giống họ, vì tôi cố gắng mãi mãi cũng chẳng thể giống họ. Một lần khác, nhìn thấy chị họ không vui, tôi xuống xin tiền mẹ rồi lẳng lặng ra tiệm trái cây gần đó mua một túi đào. Tôi mang đĩa đào đã được trình bày đẹp mắt lên cho chị và nghĩ rằng chị sẽ vui, nhưng tôi đã thất vọng khi chị chỉ ăn một miếng rồi chẳng quan tâm nữa, cũng không nói một lời cảm ơn. Tôi đã từng nghĩ rằng nếu có ai đó ngoài ba mẹ quan tâm tôi như vậy, ắt hẳn tôi sẽ rất vui và hạnh phúc. Nhưng làm vui lòng người giàu sao mà khó quá! Những ngày nghỉ hè không vui như tôi nghĩ. Những món đồ chơi không được chia sẻ công bằng, tôi luôn là người nhận được những thứ cũ nhất, xấu nhất hoặc là sắp hỏng. Một lần lỡ ăn quá nhiều kem trong tủ lạnh vì quả thật nó rất ngon, khi vô tình xuống bếp uống nước, tôi đã nghe lỏm được người giúp việc và các anh chị họ của tôi thì thầm với nhau: “Nhà nó làm gì có tiền mua mấy thứ đó nên thấy thèm là phải thôi. Ăn gì mà thấy khiếp. Mua gì về chắc phải mang cất đi quá, để nó thấy nó lại ăn mất.” Tôi nghe được mà trống ngực đập thình thịch, không phải tôi sợ mà là cảm thấy nhục nhã. Từ bé đến lớn, dù gia đình ở vị trí nào, hoàn cảnh ra sao, tôi vẫn luôn được dạy dỗ và tự ý thức được mình phải cư xử thế nào cho phải phép, đặc biệt là trong việc ăn uống. Tôi chưa bao giờ để ai chê cười mình về cái ăn, cái mặc đến như thế này. Ngày tôi bước chân vào nhà cậu Tư, cậu đã nói rằng tôi thích ăn gì trong tủ lạnh thì cứ lấy. Tôi đã xin phép trước khi ăn và nhận được sự đồng ý, vì tôi không bao giờ động vào đồ của ai nếu chưa được họ cho phép. Vậy mà… Tôi từng ngồi trước điều hoà để hít lấy hít để hơi lạnh phả ra từ đó, vì nó khiến căn phòng có mùi “nhà giàu”. Tôi ngửi thấy mùi quen thuộc đó khi đẩy cửa bước vào bất cứ căn phòng nào có điều hoà. Nhưng giờ đây, tôi bắt đầu thèm được trở về nhà, thèm được nằm trong căn phòng của tôi, căn phòng không có mùi “nhà giàu” nhưng tôi được tự do ở đó. Ngôi nhà với mái tôn nóng hầm hập vào những trưa hè, những cơn gió Lào thốc vào hiên. Ba vẫn thường đặt một thau nước đá trước cây quạt, rồi bật hết công suất để tôi được ngon giấc vào những buổi trưa oi ả như thế. Tôi thèm thuồng đến cháy lòng những que kem đá không “sang miệng” nhưng được mua bằng tiền của mình, và không ai có quyền mang hoàn cảnh gia đình tôi ra để phán xét khi tôi ăn nó. Tôi bắt đầu buồn bã trong ngôi nhà lộng lẫy, tráng lệ này. Mẹ đi đâu cả ngày, tôi ngồi bên ô cửa sổ trong phòng đồ chơi nhìn xuống đường xá đông nghịt xe cộ qua lại. Tôi tự hỏi phố xá thênh thang nhưng cớ sao lòng người lại chật hẹp đến thế? Ánh nắng vàng yếu ớt cuối ngày hắt vào chỗ tôi ngồi. Tôi nằm xuống, tự nhủ mình sẽ ngủ một lát trong lúc đợi mẹ về. Tôi lịm dần trong tiếng cười đùa chát chúa vang vọng ở phòng bên cạnh. Tôi biết mẹ về nhưng mắt nặng trĩu không thể mở ra được. Cơn sốt mê man khiến hơn ba ngày sau tôi mới tỉnh lại. Trong những ngày mông lung đó, tôi nằm mơ thấy rất nhiều điều: Tôi thấy ba mẹ bỏ nhau và tôi lang thang một mình nơi những cơn sóng biển xô dữ dội vào bờ sủi bọt trắng xoá; tôi thấy mình chới với giữa không gian quay cuồng như một chú chim nhạn mất phương hướng, chơ vơ trong cơn giông bão... Đó là cơn sốt thập tử nhất sinh nặng nề nhất trong cuộc đời tôi tính đến thời điểm này. Ở tôi có một sự nhạy bén lạ thường mà mẹ tôi thường nói là giác quan thứ sáu. Tôi linh cảm được hết những điều sẽ xảy đến với mình. Dẫu chỉ là cảm giác mơ hồ, không căn cứ nhưng cũng khiến tôi bồn chồn và âu lo không biết khi nào nó mới xảy ra. Sau khi tôi khỏi ốm vài ngày, mẹ dắt tôi ra tiệm cà phê gần nhà cậu Tư. Mẹ bảo muốn nói chuyện với tôi như hai người bạn, và trên hết là, tôi hãy thể hiện mình là một người lớn thực thụ vì giờ đây, đã đến lúc tôi phải trưởng thành rồi. “Mẹ muốn ly hôn với ba, và mẹ hy vọng con sẽ suy nghĩ nghiêm túc về điều này. Con có quyền nói lên ý kiến của mình, mẹ sẽ cân nhắc và tôn trọng quyết định của con vì cuộc đời này, mẹ chỉ sống vì con.” Tôi không bất ngờ trước quyết định này của mẹ, dù rằng trong lòng tôi vẫn có chút bàng hoàng. Mẹ cho tôi nghỉ hè ở nhà cậu Tư để âm thầm theo dõi ba, theo dõi mối quan hệ giữa ông và một người phụ nữ mà mẹ đã nhiều lần bỏ qua. Cô ta tên là Lan. Ba tôi và cô ta quen nhau từ khi tôi vừa vào lớp một. Tôi đủ lớn khôn để hiểu được rằng, khoảng thời gian sáu năm đã đủ để chứng minh cho một tình yêu nghiêm túc, khó có thể là thứ tình cảm phù phiếm bên lề cuộc sống vợ chồng mà con người ta vẫn thường dùng đó làm lý do để thứ tha cho nhau. Tôi cũng đã chứng kiến những chuỗi ngày dài đẵng đằng với những bí mật của ba, nỗi bất ổn trong gia đình và sự chịu đựng của mẹ. Có lẽ, mẹ đã chờ đợi quá lâu rồi, chờ cho đến khi tôi đủ lớn để hiểu và cùng mẹ gánh vác nỗi bất hạnh này. Sẽ thật bất công nếu như tôi ích kỷ ngăn cản mẹ ra đi. Lòng tôi chùng xuống, tôi thốt ra những lời đắng nghét từ tận tâm can: “Lúc nhỏ, mẹ đã sống cho con. Giờ đây, con đã khôn lớn rồi, con muốn sống vì mẹ. Mẹ hãy ly hôn với ba đi.” Mẹ tôi không nói gì. Sự thảng thốt khiến mẹ không thể nói gì hơn. Không gian nghèn nghẹt những cảm xúc bao trùm một người làm mẹ và một kẻ làm con. Tôi vẫn luôn ước gì những lỗi lầm đừng xảy ra, còn nếu xảy ra, xin hãy sửa chữa và bù đắp nó. Nhưng có lẽ, con người ta thường không biết trân trọng những cơ hội dành cho mình, cho đến khi không còn cơ hội nào nữa. Chim vẫn hót ríu rít trên hàng cây ven đường, xe cộ qua lại ồn ào tấp nập, mọi thứ vẫn thế nhưng nào có ai biết cuộc đời tôi trong phút chốc đã đổi thay. Chiếc đài cassette ở đâu đó phát ra âm thanh dìu dặt: “Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng Đường thênh thang gió lộng một mình ta...”(1) Mẹ con tôi trở về Nha Trang mà không báo trước. Để đảm bảo mọi thứ thật chắc chắn, và cũng để cho nhau một cơ hội cuối cùng, chúng tôi bắt xe đến nhà người phụ nữ tên Lan kia. Tôi không bất ngờ khi nhìn thấy ba ở đó, họ cùng nhau nấu ăn. Ba đã xây cho người phụ nữ kia một ngôi nhà xinh xắn với đầy đủ tiện nghi. Họ thật sự giống như một gia đình. Mẹ tôi không nói gì nhưng tôi biết, dù đau đớn, mẹ cũng chẳng còn gì để mà vụn vỡ. ❉❉❉ Chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ ở thành phố, cuộc sống mới đầy khó khăn bắt đầu. Giữa căn nhà trống trải vì chưa kịp mua đồ dùng trong nhà, mọi thứ hoang lạnh đến đáng sợ, sự hoang lạnh của tan vỡ. Mẹ tôi vừa lo thủ tục đơn phương ly hôn vừa tất bật tìm trường mới cho tôi, vì không trường nào chịu nhận tôi nếu hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Nhưng bà nội tôi giữ rịt lấy hộ khẩu vì không muốn mẹ bỏ ba, bà nghĩ rằng đó sẽ là áp lực khiến mẹ tôi suy nghĩ lại. Nhưng một người phụ nữ đã kiên quyết ra đi sẽ không bao giờ quay đầu lại, dù cho có chịu áp lực nào đi chăng nữa. Nhờ vào mối quan hệ của mẹ, tôi đã được nhập học tại một trường công lập trong thành phố. Tôi và mẹ vừa bắt đầu cuộc sống mới, vừa phải trốn tránh sự truy tìm của ba. Ba không đồng ý ly hôn, ông cho người lùng sục tìm kiếm mẹ con tôi khắp nơi. Giờ đây, tôi đủ lớn để nhận ra rằng ba tôi không đơn thuần là một người làm kinh doanh, hay một nhà thầu xây dựng như trước kia nữa. Dưới trướng ba có rất nhiều “tay chân” làm việc cho ông. Dường như ông có liên quan mật thiết đến thế giới ngầm đằng sau lớp vỏ bọc hiền lành và tận tuỵ. Hay nói một cách khác, ông là “ông trùm” cai quản một băng nhóm nào đó, tôi đã nghe được sự thật này qua cuộc điện thoại của mẹ vào một đêm khuya khoắt khi mẹ nghĩ rằng tôi đã ngủ. Có lẽ, với bản chất của một ông trùm, thì bất cứ điều gì từng là sở hữu của ông sẽ vĩnh viễn thuộc về ông, bằng không, chính tay ông sẽ huỷ hoại điều đó trước khi nó thuộc về người khác. Một buổi tối, mẹ đưa tôi ra ngoài ăn khuya, chợt thấy ba đi ngang qua, mẹ níu tôi ngồi sụp xuống. Chúng tôi đã sống chui nhủi như những kẻ chạy trốn. Chạy trốn quá khứ để bắt đầu lại mọi thứ. ❉❉❉ Tôi vào trường mới với nhiều bỡ ngỡ. Sau giờ học, tôi vẫn thường leo lên xe bus đi từ đầu trạm đến cuối trạm, bởi vì tôi không muốn về nhà. Ánh mắt buồn rười rượi nhìn xa thăm thẳm, nơi có những ngọn sóng đang cồn cào xô bờ, tôi ước mình là ngọn sóng đó, để được thoả sức gào thét những nỗi niềm riêng cố chôn giấu. Nhưng tôi không thể làm gì khác hơn là để sự khắc khoải ấy gặm nhấm trái tim mình trên những chuyến xe bus muộn. Và rồi dần dần, tôi biến mình thành con nghiện, tôi nghiện sự buồn phiền. Tôi rơi vào những mối tình ảo trên mạng, nơi tôi có thể lang thang và trải lòng. Những dòng chữ ngọt ngào từ người khác phái khiến tôi cảm thấy ấm áp, trái tim vụn vỡ như được xoa dịu. Tình cảm ảo nhưng cảm giác nó mang lại là thật. Mẹ tôi gom góp và vay mượn thêm để mở một nhà nghỉ đối diện bến xe làm kế sinh nhai, nuôi tôi ăn học. Không hiểu vì sao ba biết được nên tìm đến, đập phá đồ đạc khi không có mẹ ở nhà. Tôi rất hoảng sợ, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy hận ba vô cùng. Chính tôi đã nhấc máy gọi cảnh sát đến. Những ngày sau đó, ba không làm ầm ĩ nữa mà lặng lẽ ngồi ở quán cà phê đối diện nhà tôi nhìn sang. Ba mặc một chiếc áo gió màu xanh áo lính, đeo kính đen và đội mũ lưỡi trai che nửa khuôn mặt. Có lẽ ông hiểu rằng, ông sẽ vĩnh viễn đánh mất tôi, đánh mất tình thương yêu và sự tôn trọng của tôi nếu như đẩy mọi việc đi quá xa. Mỗi ngày, ông ngồi ở đó và chờ đợi tôi sang tiệm tạp hoá kế bên mua đồ ăn vặt, sau đó ông sẽ chạy sang trả tiền cho tôi. Nhìn thấy ba, tôi ráo hoảnh từ chối tiền của ông. Người hàng xóm hỏi tôi: “Ba của con hả?” Ba nhìn tôi bằng ánh mắt lấp lánh niềm hy vọng. “Không phải ạ!” Câu trả lời của tôi khiến khuôn mặt ba trở nên dúm dó và tràn đầy tuyệt vọng. Tôi biết ba đau đớn nhưng không biết có lớn bằng nỗi đau trong tôi hay không... Một đêm mưa gió, ông đến thăm tôi và tìm cách gặp mẹ. Cảm giác tôi dành cho ông lúc này không còn gì ngoại trừ nỗi khiếp sợ. Tôi không hiểu vì sao lại sợ hãi chính ba ruột của mình như thế, nhưng có lẽ sức chịu đựng của tôi cho đến thời điểm này đã đi quá giới hạn. Ông bước vào nhà, xô đổ vài vật dụng ở phòng khách. Tôi hoảng sợ la hét, đẩy ông ra khỏi nhà. Ra đến sân, ông ngồi thụp xuống, ôm bụng đau đớn. Ông đã khóc... Bất giác, tôi cảm thấy thương ông và ước rằng giá như mình mất hết ý thức để không phải chứng kiến những điều đang diễn ra trước mắt mình, và như thế, tôi sẽ không phải đau đớn hay giằng xé đến tận tâm can như thế này. Tôi tự hỏi vì sao con người ta không thể chọn cách buông tay nhẹ nhàng khi không còn có thể chung sống, yêu thương nhau được nữa? Vì sao không trân quý, nâng niu khi mọi thứ còn đang nằm trong tầm tay, mà phải đợi đến khi yêu thương vụt mất mới thấy tiếc nuối trong nỗi bàng hoàng và điên cuồng níu giữ? Nhưng có lẽ, tôi còn quá nhỏ và chưa đủ trải nghiệm để thể tìm ra câu trả lời cho mình. ❉❉❉ Một ngày tháng Mười năm tôi mười bốn tuổi, bà ngoại đột ngột ra đi trong lần phẫu thuật tim. Không ai trong gia đình tôi tin được rằng bà sẽ ra đi đột ngột đến vậy. Các xét nghiệm đều cho thấy bà sẽ dễ dàng vượt qua đợt phẫu thuật này. Bác sĩ được cậu tôi mời từ Úc cũng như các máy móc thiết bị đều được nhập hoàn toàn từ nước ngoài về. Cuộc phẫu thuật được bác sĩ thông báo thành công tốt đẹp, tuy nhiên, bà ngoại tôi lại không thể tỉnh lại sau đó, và ra đi vì tràn dịch. Tất nhiên, để đảm bảo uy tín của các bác sĩ, một cuộc điều tra quy mô cục bộ đã được thực hiện nhằm tìm ra nguyên nhân tử vong bất thường này. Các báo cáo cho thấy bà tôi mất vì sự tắc trách của ê kíp y tá được giao chăm sóc hậu phẫu. Nhưng các dì và cậu tôi quyết định cho qua chuyện này với mong muốn bà được ra đi thanh thản, vì có kiện họ ra toà đi chăng nữa thì bà tôi cũng chẳng thể sống lại. Một người xuất gia như bà chắc chắn cũng không muốn con cái vì mình mà bỏ đi đạo lý từ bi hỉ xả. Trong suốt những ngày tang lễ, ba luôn túc trực bên cạnh linh cữu của bà ngoại. Lúc sinh thời, bà rất quý ba mặc dù ngày trước, gia đình mẹ tôi cương quyết ngăn cấm mối lương duyên này, thậm chí đã đe dọa sẽ từ mặt mẹ khi mẹ quyết khăn gói theo ba. Vậy mà theo thời gian, sự hiền lành, tận tuỵ và cần mẫn của ba đã khiến bà ngoại hồi tâm chuyển ý, chấp nhận ba là một người con rể trong gia đình. Trước lúc bà mất, mỗi chiều, ba đều vác cuốc sang trồng cho bà một vườn cây ăn trái theo sở thích của bà. Mặc dù không còn chung sống với mẹ nhưng hàng tuần, ba vẫn thường ghé thăm bà. Ngày bà ngoại tôi lên đường vào Sài Gòn trị bệnh, ba hứa khi bà về sẽ trồng thêm một vườn xoài, nhưng mấy ai biết được chuyến đi nào sẽ là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời… Ngày hoả táng bà ngoại, mẹ dường như ngất lịm trong vòng tay ba. Ông cũng khóc. Đây là lần thứ ba trong cuộc đời tôi thấy ba khóc. ❉❉❉ Giáng sinh năm đó, tôi mời ba đến nhà, một lời mời chính thức và đĩnh đạc sau những hờn trách mà tôi đã dành cho ông. Trước đó vài hôm, tôi đã nhìn thấy ba cùng người phụ nữ tên Lan kia đi cùng nhau khi tôi đang lặng lẽ ăn sáng một mình trước cổng trường. Tôi bỏ dở bữa sáng khi ông bố bên cạnh liên tục dỗ dành đứa con gái trạc tuổi tôi. Tôi không hề biết rằng đó là Giáng sinh cuối cùng trong cuộc đời tôi có ba. Ông đến với dáng vẻ gầy gò và hiền lành như mọi lần. Sau bữa tối, mọi người cùng quây quần ở sofa để tặng quà cho nhau. Tôi có quà cho tất cả mọi người, từ mẹ, cô giáo cho đến người giúp việc và nhân viên bảo vệ của nhà tôi. Nhưng ba thì không. Ông đã ngồi ở đó với nụ cười lạc đi trong ánh mắt đau đáu của tôi. Tôi đã hành hạ ông bằng cách đó, nhưng sao tôi lại không thấy hả hê hay vui sướng trong lòng? Khuôn mặt và cảm xúc của ba khi đó đã ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ, để rồi mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy một nỗi niềm dâng lên khiến cổ họng nghẹn ứ. Một ngày, tôi bị cảm lạnh, ba mang một con gà sang để mẹ nấu cho tôi bát cháo gà tẩm bổ. Tôi nói không thích ba vào nhà nên ông đã đứng nép ngoài cổng. Tôi cố tình đi ra, bắt taxi đi thẳng mà không thèm ngoái lại, để lại ông với tiếng gọi lọt thỏm giữa biển người: “Con ơi… Con ơi…” Nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy ba gọi với theo, đôi tay vẫn nắm chặt túi thịt gà. Hình bóng ba trong chiếc áo khoác màu xanh sờn cũ nhoè đi trong mắt tôi. Tết năm đó, mẹ không về kịp vì chuyến công tác. Ba sang nhà đưa tôi đi mua một số bánh mứt mà tôi thích. Tôi đòi những chiếc váy sang trọng trong cửa tiệm cho buổi văn nghệ toàn trường, ba cũng vét sạch ví để mua cho tôi. Ba lặng lẽ ngồi ở bậc thềm bên ngoài cửa tiệm trong lúc chờ tôi thử váy. Vẻ ngoài lam lũ khiến ông lọt thỏm lẻ loi giữa ánh đèn vàng và sự nhộn nhịp tấp nập của những cửa hàng này. Ánh mắt ông luôn man mác một nỗi buồn, một sự cưng chiều vô điều kiện dành cho tôi. Đêm ba mươi Tết, mẹ vẫn chưa về kịp, một mình tôi ngồi lặng lẽ ở góc sân thượng ngắm nhìn dòng người qua lại trong nỗi buồn sâu thẳm đến tận đáy lòng. Đồng hồ điểm thời khắc giao thừa, tiếng reo vui nơi nhà hàng xóm, tiếng chúc tụng nhau, tiếng cha mẹ mừng vui ăn một bữa cơm đoàn tụ cùng con cái... cứ râm ran trong bóng đêm. Tôi ngồi đây, lặng lẽ một mình nuốt từng dòng lệ đắng nghét vào trong… Đêm ba mươi. Đêm ba mươi Đất trời reo vui sao lòng người quạnh vắng? Con ngồi đây khóc thương đời chết lặng Cha mẹ nơi đâu sao bỏ mặc con thơ? ❉❉❉ Sáng mồng một, tôi ghé về thăm nội và ba, mang theo một vài củ sâm mà tôi mua được cho ba nhưng thời điểm này, ông đã bắt đầu phải kiêng khem một số loại thực phẩm nên không ăn được sâm do tôi mang đến. Tôi ngồi một lát rồi tìm cớ ra về dù bà nội và ba muốn tôi ở lại ăn cùng ba bữa cơm đầu năm. Nhưng tôi đã từ chối… Tôi không hiểu vì sao mình lại từ chối trong khi ngày trước, được cùng ăn cơm với ba luôn là niềm vui lớn đối với tôi. Ông gầy đi trông thấy, bóng dáng hắt hiu tiễn tôi ra về mà nửa như muốn chạy theo… Đôi mắt ấy đã giày vò trái tim tôi suốt những năm tháng về sau. Ba mẹ tôi cùng nhận được giấy triệu tập của toà án để giải quyết đơn ly hôn. Con người là thế, họ đấu tranh để xa rời nhau, nhưng chính tại thời điểm cận kề và hiểu thấu được rằng đã thật sự mất nhau sau gần hai mươi năm chung sống, không ai có đủ can đảm để đối diện với điều đó. Chẳng ai bảo ai, họ không đến toà mà gặp nhau nơi quán cà phê cũ đã từng nhiều lần hò hẹn trước đây. Họ lặng lẽ ngồi cạnh nhau mà không ai nói với ai một lời nào. Có lẽ không cần nói ra, họ cũng đã thấu hiểu được suy nghĩ của người kia rồi. Chầm chậm lật lại những trang ký ức sờn cũ, những ngày nghèo túng nhưng vẫn sắt son nghĩa vợ chồng, niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và những giọt nước mắt... Ngày xưa cũ, khi mái đầu còn xanh, họ đã hứa sẽ bên nhau trọn đời trọn kiếp. Giờ đây, mái đầu đã ngả màu thời gian, họ lại lặng lẽ rời xa nhau… “Hạnh phúc trong tay, một thời mơ ước, gối mộng xa bay Còn nhớ khôn nguôi, một chiều im nắng Mưa còn rơi, gợi niềm cay đắng Là mất nhau rồi, là đời chia lối, nỗi buồn riêng tôi. Người đã quay đi, lời nào không nói Riêng mình tôi chờ mùa đông tới Một kiếp xa xôi, một đời quên lãng Em còn yêu tôi.”(2) Một tháng sau lần gặp gỡ cuối cùng đó, ông đã mãi mãi ra đi về cõi vĩnh hằng… Tôi vẫn còn nhớ, cái đêm mà ba hấp hối, ngoài trời sương giăng ngập lối. Hơn mười hai giờ đêm, sau khi nhận được tin của bà nội, tôi đã có mặt bên cạnh ba ngay lập tức. Lúc này, ông đã không còn tỉnh táo để nói lời trăng trối với tôi nữa. Đôi mắt ông nhìn trân trân lên trần nhà, và tiếng rên rỉ không ngừng khiến lòng tôi chết lặng. Máu trào ra từng đợt từ khoé miệng ông. Người phụ nữ tên Lan cũng có ở đó. Mẹ theo sau tôi nhưng cô Út không mở cửa cho mẹ vào. Có lẽ vì có người phụ nữ đó ở đây, hoặc cũng có thể vì sự ích kỷ cá nhân nào đó trong lòng họ. Tôi chỉ biết rằng mẹ tôi đứng bên ngoài kêu gào rất lâu nhưng không hiểu sao lúc đó tôi không nghe thấy gì cả. Cũng có lẽ, ba không muốn mẹ nhìn thấy cảnh tượng này, không muốn mẹ nhìn thấy giây phút ông hấp hối lìa trần, cho đến tận những năm sau này, mẹ vẫn luôn tin rằng ông còn hiện diện ở đâu đó trên cõi đời này. Ngày còn sống, ba tôi có một con chó Becgie Đức, ông gọi nó là Nô. Bà nội tôi bảo, những ngày cuối cùng trước khi ông ra đi, Nô cứ đi ra đi vào, thỉnh thoảng sủa vống lên như thể nó linh cảm được chuyến đò tử thần sắp đưa ông sang thế giới bên kia. Ngày đưa tang ba tôi, Nô bị xích ở nhà vì nội tôi sợ nó chạy theo rồi bị bắt mất. Ấy vậy mà khi chuẩn bị làm lễ hạ huyệt, Nô lù lù chạy đến từ xa, vừa chạy vừa la ăng ẳng. Không ai hiểu làm thế nào mà nó có thể giật đứt xích và tìm được lên ngọn núi này. Trở về nhà, Nô không rời chiếc giường của ba tôi nửa bước. Nó quanh quẩn ở đó, không thiết ăn uống gì, thỉnh thoảng lại chạy lên núi nơi ba tôi nằm, rít lên và dùng chân cào cào xuống đất. Một thời gian rất ngắn sau ngày ba tôi ra đi, Nô cũng trút hơi thở cuối cùng bên cạnh chiếc giường của ông… Chỉ có chủ là bỏ rơi chó chứ chúng không bao giờ rời bỏ chủ… Liên tiếp đối mặt với hai nỗi mất mát người thân quan trọng nhất trong đời, mẹ tôi dường như không còn nhiều dũng khí để tiếp tục bước đi trên con đường rất dài ở phía trước nữa. Mặc dù mẹ không nói ra, cũng không hề khóc, nhưng tôi hiểu được cảm nhận của mẹ lúc bấy giờ bởi vì chính tôi cũng như thế. Trước, trong và sau tang lễ của ba, tôi vẫn lặng lẽ đi đi về về như một cái bóng. Tôi không khóc lóc, bi lụy nhưng với tôi, bầu trời dường như đã sụp đổ... Tôi và mẹ như hai cái bóng trong nhà. Thành thật mà nói, trở thành một người mẹ đơn thân là điều không hề dễ dàng. Mẹ tôi phải đối mặt với quá nhiều thứ, nhất là khi tôi đang ở độ tuổi mới lớn, một giai đoạn đầy khó khăn cho cả tôi lẫn mẹ. Bà bắt đầu cáu gắt nhiều hơn. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nặng nề với nhau vì những việc không đâu, cuộc sống trở nên ngột ngạt và đầy chán nản. Tôi muốn tìm một phương trời mới đầy nắng để hong khô những mảng ký ức hoen nước mắt của mình ở nơi này. Tôi muốn tạm quên đi những thứ phải là một phần trong cuộc đời. Một điều khá bất ngờ là sau tang lễ của ba khoảng hai tuần, ông Đại tá năm xưa bà nội tôi đã từng kết hôn để nằm vùng, cho người trở về Việt Nam tìm lại gia đình xưa và có ý đưa các cô còn lại của tôi sang Pháp đoàn tụ với ông. Ông ấy đã già yếu nơi xứ người, nên nhắn nhủ rằng rất đau buồn trước sự ra đi của con trai. Bà nội tôi từ chối tiếp người đưa tin của ông ấy, nên tôi phải hẹn người đó đi ăn trưa vào một ngày khác. Cuộc trò chuyện diễn ra vào một ngày mưa phùn, tôi hẹn người đàn ông kia tại một nhà hàng Ý nằm trên đường Lê Lai. Trong buổi nói chuyện hôm đó, tôi mới biết người đàn ông này tên Bern, con trai của ông Đại tá với người vợ sau, họ kết hôn trong thời gian ông ấy lưu vong. Họ đã từng có thời gian sinh sống tại Mỹ và hiện giờ sống tại Strasbourg, một thành phố ở phía Đông Bắc nước Pháp. Họ chuyển đến đây vì yêu phong cảnh đẹp nên thơ và sự bình yên ở đó. Theo vai vế thì tôi phải gọi Bern bằng chú. Suốt bữa ăn, tôi không nói quá nhiều, chỉ lắng nghe chú chia sẻ về cuộc sống của họ ở xứ người, và cảm nhận của Bern khi trở về Việt Nam để thay cha tìm lại những người anh em cùng cha khác mẹ. Bern cho tôi xem hình ảnh của gia đình họ. Tôi cảm nhận được ông Đại tá đã thật sự tìm thấy sự yên bình sau những năm tháng đạn bom và giết chóc. Ông ấy đã già, và có lẽ cũng không còn đủ sức để lắng nghe sự thật về hai người con trai của mình nữa. Làm sao tôi có thể tàn nhẫn nói ra rằng họ không phải là con ruột của ông? Vì thế, tôi quyết định giữ kín bí mật này với Bern cũng như với ông ấy. Bern hỏi tôi lý do bà nội từ chối sự đoàn tụ này. Tôi trầm lắng một lúc trước khi cho chú một câu trả lời thích hợp, bởi tôi không thể trả lời bừa bãi khiến Bern bị tổn thương trong trường hợp này được. Nhìn chú, tôi nói: “Chú biết đó, chiến tranh quá tàn khốc, nó khốc liệt đến mức chúng ta khó lòng hình dung được, chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Cháu nghĩ rằng sẽ đến lúc, những thắng thua trong chiến tranh không còn quá quan trọng nữa mà quan trọng hơn hết là cách mà con người ta vượt qua, chữa lành những vết thương, những mất mát. Bà nội đã có những ký ức đau thương trong quá khứ và cháu nghĩ rằng bà muốn nó được ngủ yên.” Suốt buổi hôm đó cho đến lúc chia tay, tôi còn cố nói cho Bern hiểu rằng, những người con trai đã lần lượt rời bỏ bà tôi mà đi, bà chỉ còn lại hai người con gái để nương tựa khi tuổi già. Bern tỏ ra trầm ngâm trước những lời giải thích của tôi. Cuối buổi, chú chia sẻ với tôi rằng sở dĩ năm xưa bố của chú không phản kháng dù ông ấy có thể đem quân vào tiêu diệt tiểu đội của bà, là bởi vì ông ấy thật lòng yêu bà và những đứa con của mình. Ông ấy cũng đoán biết trước được thời cuộc, và những gì xảy ra năm 1975 đều đã đúng với giấc mơ từng lặp đi lặp lại của ông. Ông luôn tin rằng mình không phải là kẻ phản bội, bởi vì cùng một dân tộc tàn sát lẫn nhau mới là sự phản bội đáng ghê sợ nhất. Trong bức ảnh Bern cho tôi xem, tôi nhìn thấy chân trái của ông Đại tá phải chống nạng. Tôi hỏi thăm về tình trạng sức khoẻ của ông. Câu trả lời của chú khiến tôi rất bất ngờ: “Trong đêm hôm đó, ông đã tự bắn vào chân mình để tạo hiện trường giả. Và cháu biết đấy, tuổi già khiến vết thương đó thỉnh thoảng lại tái phát, gây nhức nhối. Ông thường nói đùa với chú rằng ông cũng có vết thương chiến tranh để làm kỷ niệm.”Sau câu nói của Bern, chúng tôi đều im lặng. Ngoài trời bắt đầu ngớt mưa và tôi xin phép ra về trước. Bern ghi lại cho tôi một số thông tin để giữ liên lạc với nhau, vì hôm sau chú sẽ quay trở lại Pháp. Sau bốn mươi chín ngày của ba, tôi bày tỏ với mẹ nguyện vọng muốn được đi giao lưu văn hoá ở một đất nước khác vào mùa hè. Mẹ không trả lời nhưng tôi vẫn tự mình lên mạng để tìm hiểu thêm thông tin về các khoá học. Một ngày nọ, trong lúc dọn dẹp đồ đạc trong tủ riêng, tôi tìm thấy chiếc điện thoại mà ba đã cho tôi trước khi ông mất đúng một tháng. Chiếc điện thoại có kiểu dáng khá to và nặng, mặt bên ngoài giống như những chiếc điện thoại bình thường, nhưng mở màn hình bên trong ra thì không khác gì một chiếc máy tính xách tay mini. Lúc đó, tôi không hứng thú lắm vì trông nó không thời trang, cũng không gọn nhẹ để tiện cho vào túi. Vì thế, tôi đã cất vào tủ rồi quên mất. Tôi mở điện thoại ra, pin vẫn còn khá đầy, đây quả là kiểu điện thoại sử dụng pin tốt nhất trong mọi loại mà tôi từng biết. Mở phần danh bạ, tôi thấy một vài dãy số không lưu tên. Còn ở phần hộp thư đến, có một vài tin nhắn bằng những ký tự khá khó hiểu. Mở tiếp phần máy tính ra, tôi thấy có một vài phần mềm từ điển, một vài thư mục với ảnh mặc định, có một thư mục được mã hoá khiến tôi khá tò mò. Tôi muốn mở ra xem thử ba tôi đã lưu gì ở đây, tôi nghĩ mãi cũng không biết mật mã là gì, bỗng dưng, tôi nhớ lại thời điểm tặng cho tôi chiếc máy này, ba có dặn: “Dù thế nào thì con cũng không được quên ngày tháng năm sinh thật của mình.” Ngày tháng năm sinh thật của tôi chỉ ba và mẹ biết, sau này tôi lớn lên, mẹ mới nói cho tôi. Tôi nhập thử thì lạ thay, mật mã được chấp nhận. Hàng loạt dữ liệu tự động giải mã nhanh chóng. Tôi vào xem từng phần, càng xem tôi càng run rẩy. Chiếc máy chứa toàn bộ những bí mật trong cuộc đời ba tôi, kể cả nguyên nhân cái chết của ông và sự mất tích của bác tôi.