Hữu Phỉ

Chương 177

ĐỆ NHẤT THIÊN HẠ CHO TA XEM VỚI! Nhiều năm về trước, ở sông Tẩy Mặc lặng yên êm ả, Tạ Doãn gặp tiểu cô nương ngước mắt thì ngây thơ cụp mắt thì lạnh nhạt. Lúc ấy, đao của nàng vẫn chưa thành hình, thân thủ cũng chưa đẹp đẽ. Ở sân nội viện 48 trại, hắn thậm chí không biết tiểu cô nương đó mang lá gan không sợ trời không sợ đất thế nào mà dám chống lại mẹ nàng, nói “bà thả hắn đi, tôi đứng đây cho bà đánh gãy chân”. Lần sơ ngộ có chút kịch tính ấy, hắn đưa phụ thân nàng đi. Sau đó duyên trời run rủi, họ gặp lại nhau ở địa lao của Hoắc gia bảo. Hắn giật mình, rong tinh ấy đã thành đại cô nương, hắn nhất thời hơi lúng túng vì mạo phạm giai nhân. Nhưng lúc đó hắn là kẻ lạc quan không hiện thất tình trên mặt, nàng là chày gỗ không để tâm việc gì cả, thế mà không ai thấy ai xa lạ, thật ứng với câu “Có kẻ bạc đầu mà vẫn lạ, Người thì ngả nón đã tri âm”. Hắn chỉ lối thoát cho nàng, nhưng “chày gỗ” mới ra ràng kia rất có khí phách anh hùng gặp chuyện bất bình rút đao tương trợ, liều lĩnh quay lại, đồng thời lỗ mãng va phải mảnh chân tâm sớm đã nguội tàn của hắn. Hai người ầm ĩ cả quãng đường, hắn luôn thích chọc giận nàng rồi lường trước mà tránh một đao không thể kiềm chế của nàng. Kỳ thực Pi Pi không thật sự miêu tả nhiều về tình cảm, nhưng khi nhớ lại, tôi phát hiện hóa ra giữa A Phỉ và Mốc Mốc có nhiều chi tiết nhỏ đáng thưởng thức như thế, từng chút từng chút đều toát vẻ vô lại và ngọt ngào. Tôi cực kỳ thích đoạn ở khách điếm của chưởng quỹ mập, A Phỉ đá một cước văng cả ghế dài và Tạ Doãn tránh một chiêu tung tới, cũng cực kỳ thích Tạ Doãn bỉ ổi mặt dày, võ công bị phong bế cũng không sao cả, biết trốn là được. Có một chi tiết mà tôi ấn tượng sâu sắc, đó là Tạ Doãn tức giận muốn bốc khói khi Chu Phỉ cãi hắn chạy đi chặn hậu tiện thể chọc tới Thanh Long chúa. Bề ngoài Tạ Doãn là người vô lại láu cá nhưng bản chất vẫn là một thiên hoàng quý tộc quy củ lễ độ, bụng đầy lửa giận mà nghẹn họng không thốt được lời mắng chửi nào, đã thế Chu Phỉ còn rất không tự giác tiếp tục thêm dầu vào lửa. Và cuộc chiến tranh lạnh của hai người khiến người ta dở khóc dở cười. Tạ Doãn hẳn là người rất chín chắn, nhưng tôi xem cả bộ truyện thì điều ấn tượng sâu sắc nhất là sự ấu trĩ không đáng tin cậy thể hiện ngoài mặt của hắn. Lần nào cũng vậy, chuyện gì hắn cũng nghĩ thấu đáo, hắn là người bị hiện thực và đau khổ mài giũa đến cực hạn mà trở nên chín chắn, thế nhưng ngoài mặt lại cứ nghiêm túc gây chuyện với A Phỉ, đúng là ngọt lịm. Tôi đọc truyện rất nhiều năm, nhưng chưa từng thích một cô gái nào đến mức như A Phỉ. Kỳ thực nàng khá phóng khoáng, đánh một trận là quên hết đầy bụng ấm ức, dù nàng có tính xấu không sửa được, có sự ngây thơ hơi lạnh nhạt và lỗ mãng không rành thế sự. Nhưng trong quá trình xuống núi lăn lộn chốn giang hồ, sự ngây ngô ấy đã mài ra lưỡi đao khí phách. Hung tàn, lạnh lẽo, vô thường, nàng bị tiền nhân và hiện thực xô đẩy đến bên vách núi mài ra sự sắc bén không gì cản nổi, đánh đâu thắng đó. Trong thoáng ngẩn ngơ, thỉnh thoảng người khác mới phân biệt được dung mạo mềm mại như thuở ban đầu và sự tỉ mỉ ẩn sau vẻ kiêu ngạo bướng bỉnh của nàng. Quãng đường họ đi rất gian nan, khiến người ta cảm nhận được sự ngọt ngào và có chút xót xa. Giống như văn án nói, nguyện người đứng trước mũi đao sắt lạnh, có thể nhìn thấy ánh mặt trời. Đại khái có thể xem là một lời chúc phúc nhẹ nhàng nhỉ. “Hữu Phỉ” là giang hồ tôi thích nhất, tôi cực kỳ thích đao của A Phỉ, con gái vốn nên như vậy, dù lang sói nắm quyền thì mũi đao sáng ấy vẫn như ánh mặt trời sớm tinh mơ. 8/8/2018