Hữu Phỉ
Chương 141
Đồng Minh vừa lên tiếng, thầy đồ Lâm và Trần Tuấn Phu đều im lặng.
Hồi lâu, Trần Tuấn Phu mới nói:
– Đồng Minh huynh, huynh… nói vậy là ý gì?
– Ý nói con đang là hồi quang phản chiếu.
Tạ Doãn vịn tường đá bên cạnh, thử đứng dậy.
Kể cũng lạ, ban nãy hắn nói còn không nổi mà giờ một bát thuốc xuống, tuy rất vất vả nhưng hắn vẫn lảo đảo trụ được, kế tiếp, Tạ Doãn thử đi tại chỗ mấy bước, đại khái cảm thấy đã ổn mới vô cùng nhẹ nhàng nói:
– Lần trước con được chư vị sư thúc nhiều lần điều trị mới có thể miễn cưỡng đi được trong hang đá, lần này cảm thấy khá hơn nhiều.
Đồng Minh đại sư thở dài:
– Giao Hương vực dậy tinh thần, “Tam vị” treo mạng, hai thứ trùng điệp vào nhau có thể ép ra chút sức sống cuối cùng trên người con, khiến con không tới nỗi lặng lẽ suy yếu mà chết, chỉ là trị ngọn không trị gốc, treo mạng một lần là ít đi một đốm “chân hỏa”, sau ba vị nếu vẫn không tìm được thuốc giải…
Trần Tuấn Phu sa sầm mặt, hỏi:
– Vì sao huynh lại cho nó dùng thứ thuốc hổ lang như vậy?
Đồng Minh đại sư:
– Thấu Cốt Thanh toàn bộ đều dựa vào chút nội lực trên người nó chống đỡ, một khi cơ thể suy yếu là hoàn toàn hết cứu, ta thực tài hèn sức mọn, lật nát “Bách độc kinh” cũng chỉ có thể nghĩ ra kế tạm bợ như vậy thôi.
Tạ Doãn không mảy may để ý:
– Trần sư thúc, “sống chết có số, phú quý do trời”, trúng độc Thấu Cốt Thanh còn có thể nhảy nhót tưng bừng như con đâu được mấy người, ngay cả “hồi quang phản chiếu” cũng có thể chiếu tới ba lần, chắc hẳn duy nhất từ cổ chí kim, còn gì mà chưa biết đủ?
Trần Tuấn Phu nghe lời khuyên giải này, hàng mày vẫn không giãn ra, ông nhìn Tạ Doãn sâu sắc, Tạ Doãn thản nhiên ngẩng đầu cười với ông. Trần Tuấn Phu thở dài nặng nề, mắt không thấy, tâm không phiền, rời khỏi hang động khô nóng này.
Thầy đồ Lâm cụp mắt, mặt buồn rười rượi:
– Biết đủ thế nào đây? Con còn chưa cưới vợ!
Tạ Doãn liền nói:
– Có gì đâu, Lâm sư thúc, thúc cũng chưa cưới vợ mà!
Thầy đồ Lâm đầy bi thương lập tức bị Tạ Doãn hỗn láo trào phúng làm đau nhói, tức đến mức nhảy tại chỗ ba cái, bứt đứt hai cọng râu bạc, phẫn nộ chạy đi.
Tạ Doãn không chịu tha, cất cao giọng:
– Sư thúc, tốt xấu gì con cũng tặng người ta tín vật định tình rồi, còn sư thúc thực không được thì nuôi con mèo cái tán gẫu cho đỡ cô quạnh đi ha.
Lâm phu tử gầm lên ở cửa hang:
– Nghiệt đồ! Hỗn xược!
Tạ Doãn đắc ý đưa tay sờ “tín vật định tình” của hắn – hộp nhỏ chứa đầy vỏ sò. Hắn mở ra xem, thấy mấy cái vỏ vốn được xếp ngay ngắn bên trong như bị mèo cào, loạn hầm pà lằng, Chu Phỉ nhận “ý tốt” của hắn nhưng không nhận toàn bộ, nàng chỉ chọn những cái đẹp mang đi, còn mấy cái méo mó nứt mẻ thì để lại hết cho hắn.
Tạ Doãn:
– …
Còn rất khó hầu nhỉ.
Đồng Minh đại sư nói với Lưu Hữu Lương luôn căng thẳng đứng hầu bên cạnh:
– Lưu thống lĩnh đi trước nghỉ ngơi đi, hôm nay đã làm phiền nhiều, An Chi đã tỉnh rồi, cứ để nó tự quét dọn là được.
Lưu Hữu Lương ngập ngừng, không biết bảo Đoan vương điện hạ tự quét dọn sơn động có hợp tình hợp lý hay không, nhưng sau đó nhìn ra được lão hòa thượng có lời muốn nói bèn thức thời khom người hành lễ, lui ra ngoài.
Thấy ông đi rồi, Tạ Doãn mới hỏi:
– Lưu thống lĩnh nào thế?
– Thống lĩnh cấm quân bên cạnh Tào Trọng Côn, nghe nói là “Hải Thiên Nhất Sắc” cuối cùng.
Đồng Minh đại sư nói:
– Dạo trước ông ấy trốn chạy khỏi cố đô, dọc đường bị Đồng Khai Dương mang người truy sát, giữa chừng gặp A Phỉ, A Phỉ cứu ông ấy rồi tiện tay giao phó cho Lâm sư thúc con.
Tạ Doãn hơi bất ngờ cau mày, không biết là kinh ngạc vì “Chu Phỉ có thể cướp được người dưới tay Đồng Khai Dương” hay khó hiểu vì sao Hải Thiên Nhất Sắc cuối cùng lại bị lộ.
Đồng Minh đại sư thay Giao Hương đã cháy hết, đốt một cây mới cắm vào hương án, nói:
– Tào Trọng Côn chết rồi.
Tạ Doãn thình lình nghe được tin này, đầu tiên là giật mình, sau đó cười nói:
– Gì? Nói vậy là con làm Tào Trọng Côn nhịn chết rồi!
Đồng Minh đại sư:
– …
Tạ Doãn hưng phấn vịn tường đứng dậy, bắt đầu đi lại quanh giường đá, mùi Giao Hương nồng nặc hơi ngộp, hắn vươn ngón tay, khói trắng lượn lờ kia như có sinh mạng, triền miên quấn lấy tay hắn, tiếp đó chui vào trong thất khiếu bách hài (1) của hắn.
(1) Khiếu: lỗ, thất khiếu: bảy lỗ trên cơ thể người: hai tai, hai mắt, hai mũi, miệng; hài: xương; thất khiếu bách hài: chỉ chung cả cơ thể.
Mỗi lần đi một vòng, sắc mặt hắn lại tốt hơn một chút, thân hình cũng nhẹ nhàng hơn.
Đi tới vòng thứ mười, Tạ Doãn không cần vịn tường nữa, tiếng bước chân kéo dài càng lúc càng nhẹ, kế đó, hắn chợt rung ống tay áo, vận lực vào tay nhẹ nhàng vẫy, bức tranh trên bàn đá ngoài mấy thước bị chưởng phong chính xác của hắn bắn văng ra, trải “soạt” đầy bàn.
Nữ tử áo đỏ như muốn tung giấy tuôn ra, phong thái hào hoa trong nét mực soi sáng cả hang động âm u.
Tạ Doãn thu chưởng, chắp tay đứng, cảm khái:
– Sư phụ, con cảm thấy mình sắp khỏi rồi, “Tam vị thang” này của người thật là thuốc độc chứ không phải thuốc giải ạ?
Đồng Minh đại sư:
– A di đà Phật, từ xưa tới nay, bị thương bị bệnh đều đến như núi đổ, đi như kéo tơ, vật sau khi uống mà bệnh đi ngay như hiển linh một đêm, dù Lữ quốc sư cũng chưa từng gặp, phàm nhân sao dám hy vọng xa vời?
Tạ Doãn chỉ thuận miệng nói đùa nhưng lại khơi ra một tràng thao thao bất tuyệt của lão hòa thượng, bèn vội nói:
– Con đùa với người thôi, không cần nghiêm túc vậy đâu ạ.
Hắn vừa nói vừa lấy tấm da mềm loang lổ nét mực kia xuống, tỉ mỉ thưởng thức kiệt tác của Chu Phỉ, hỏi:
– Sư phụ, con có thể ra ngoài đi dạo không?
Đồng Minh đại sư không lên tiếng, trong hang đá yên tĩnh chỉ có thể nghe thấy tiếng ông lần tràng hạt, qua một lát, ông mới nhỏ giọng nói:
– Tùy con, nhớ mang theo Giao Hương.
Tạ Doãn hiểu, Đồng Minh đại sư đồng ý có nghĩa là hắn có thể nhảy nhót vui vẻ cho đến lần uống “Tam vị thang” kế tiếp.
Hắn suy nghĩ, lại sửa miệng:
– Thôi, không đi nữa, một tháng nửa tháng, đi cũng không được bao xa, chán phèo, con cứ ở trên đảo trò chuyện với lão nhân gia vậy.
Đồng Minh đại sư lặng lẽ niệm một tiếng Phật hiệu, vươn bàn tay như cành khô vỗ vai Tạ Doãn, nói:
– Thiệt thòi cho con không chê ba lão già sắp xuống lỗ bọn ta.
Tạ Doãn cười nói:
– Sư phụ thiên hoàng quý tộc, năm xưa ngay cả loạn thần tặc tử họ Triệu như con đây người cũng chịu thu nhận giúp đỡ, đồ nhi sao dám chê người?
Đồng Minh đại sư nghe, gương mặt đầy nếp nhăn nở nụ cười ấm áp, nói:
– Con biết mình là ai là được, là nhi tử của ai, hậu duệ của ai, quan trọng sao? Huống hồ lão nạp thân ngoài chốn hồng trần, qua lại như lục bình trôi, tứ đại giai không, nếu còn so đo chuyện tục gia mấy trăm năm trước thì cả đời tu hành há chẳng phí hoài sao?
Tạ Doãn giơ một ngón tay lắc lắc, hỏi ngược:
– Sinh lão bệnh tử là nỗi khổ phàm nhân, cũng là đạo tu hành, đại sư, nếu người không so đo chuyện tục gia thì sao thấy đồ nhi tu hành, người lại mày chau mặt ủ?
Đồng Minh nhất thời hơi á khẩu.
Tạ Doãn lại nói:
– Sư phụ, người không biết đâu, con vừa mơ một giấc mơ rất dài.
Đồng Minh:
– Mơ thấy gì?
– Mơ thấy chuyện hồi nhỏ… khi đó con không nghe lời khuyên của người, khăng khăng đòi về Kim Lăng, cảm thấy mình có tài kinh thiên vĩ địa, học nghệ đã thành, nhất định phải về cố đô báo thù.
Tạ Doãn bắt chéo chân ngồi trên giường đá, nhẹ nhàng nói trong Giao Hương bảng lảng:
– Kỳ thực con chỉ có chút xíu ấn tượng về cố đô và cha mẹ mà thôi, không nhớ rõ, lẽ ra không có chấp niệm lớn như thế, có lẽ do Vương công công lúc nhỏ luôn hộ tống và chăm sóc con cứ nhắc mãi bên tai con mà thành.
Đầu đuôi câu chuyện năm xưa vì sao Tạ Doãn trúng Thấu Cốt Thanh, tuy trong lòng Đồng Minh đại sư có phán đoán nhưng lần đầu tiên nghe chính Tạ Doãn nói nên không ngắt lời hắn, yên lặng lắng nghe.
– Con đến Kim Lăng, hoàng thượng và con ôm nhau khóc rống, trước đây con tưởng cả triều trên dưới đều ôm nặng quốc thù gia hận, chỉ mong sao được lập tức Bắc phạt, quay về đánh để báo thù. Nhưng sau đó con mới phát hiện, căn bản không phải vậy, mọi người đều không muốn đánh trận, chỉ muốn an ổn chiếm nửa giang sơn phía nam, tiếp tục làm quan to quý nhân sống qua ngày, không ai muốn hiến gia sản để “phục quốc” cả. Hoàng thượng không làm gì được họ, khoảng thời gian đó, hoàng thượng thường xuyên gọi con vào cùng uống rượu, rượu vào ắt say, say ắt nói ra những lời khổ sở tận đáy lòng. Con vốn ôm đầy bụng xúc động và phẫn nộ, thấy vậy càng không thể nhịn nổi, liên tiếp nhiều ngày đấu võ mồm với phái chủ hòa trên triều đường, cãi nhau ầm ĩ, chướng khí mịt mù. Sau đó con tự cho mình thông minh, xin lệnh đi tuần biên cương, dùng kế dụ người Bắc tới, lại báo láo quân tình, bịa ra ba ngàn quân phòng thủ ở biên quan, thừa cơ đoạt lại ba thành, lấy trận đại thắng này làm cớ, xúi giục bộ hạ cũ của phụ thân và một đám con cháu hàn môn không nơi nương tựa công kích bộ Binh…
Đồng Minh cảm khái:
– Trẻ người non dạ.
– Trẻ người non dạ, không biết nông sâu.
Tạ Doãn cười nói:
– Kỳ thực lúc đó Bắc triều đang lúc binh hùng tướng mạnh, còn phương nam hai năm liền chịu lũ lụt, dân chúng lầm than, vả lại triều đình trên dưới không đồng lòng, căn bản không phải thời cơ tốt để khai chiến, ngay cả hoàng thượng cũng chỉ mượn việc tranh chấp giữa hai phái chủ chiến chủ hòa để tạo thế cân bằng giữa “tân đảng” và “thế gia” ở Kim Lăng mà thôi. Mọi người đều hiểu rõ đạo lý này, chỉ mình con không hiểu.
Triệu Uyên dùng “con côi của Ý Đức thái tử” lập ra một tấm bia lớn cho phái chủ chiến, ngoài miệng năm lần bảy lượt tuyên bố mình chuẩn bị nhường ngôi, khiến cựu đảng phương nam phức tạp hốt hoảng không yên, chỉ sợ triều đình Kim Lăng rơi vào tay một tiểu tử choai choai suốt ngày đòi báo thù phục quốc.
Đồng Minh đại sư hỏi:
– Sau đó thì sao?
Tạ Doãn nói:
– Sau đó hoàng thượng hạ chiếu cho con vị trí thân vương. Sau đó nữa thì mời đại học sĩ thảo chiếu chỉ, muốn chính thức sắc phong con làm thái tử vào ngày con khải hoàn về triều, đợi khi con đại hôn sẽ nhường ngôi trả quyền. Nếu chưa tuyên bố, lẽ ra nó là mật chỉ, nhưng không biết từ đâu tiết lộ phong thanh, trong một đêm nó đã truyền khắp Kim Lăng sóng ngầm cuồn cuộn.
Ngữ khí hắn bình bình nhạt nhạt, nhưng mấy câu ấy như mang theo sóng to gió lớn khiến người nghe lạnh hết cả sống lưng.
Chiếu thư mật bị lộ như đốm lửa hoang đốt lên nỗi lo lắng sợ hãi nhiều ngày của các quý tộc Nam đô, họ không ngờ Triệu Uyên lại “mềm yếu” đến độ này, đành được ăn cả, ngã về không, định diệt trừ “bạo quân” tương lai.
– Con lúc đó ở tiền tuyến xa xôi, ngày ngày lo bố trí canh phòng đối kháng, còn phải vắt óc thu xếp ổn thỏa cho bách tính bị chiến tranh liên lụy… nên không biết chuyện này.
Tạ Doãn cúi đầu, nhìn đầu ngón tay nhợt nhạt của mình, nuốt những lời chua chát “dẫu sao con trẻ người non dạ” trở vào, dùng giọng điệu người ngoài cuộc nói:
– Chuyện sau đó sư phụ đại khái cũng nghe rồi, lương thảo quân con bị cố ý lề mề, tấu sớ con gửi về Kim Lăng bị giữ lại, bất đắc dĩ chỉ có thể dùng chiêu hiểm, đúng lúc trong quân có kẻ phản bội để lộ bí mật, thành trì bị Tào Ninh cô lập mà viện quân lần lữa mãi không chịu đến.
Tạ Doãn nói:
– Nhiều năm nay, bề ngoài con viết “Hàn nha thanh”, bán “máu” làm lộ phí, kỳ thực chưa từng chân chính nhắc với ai về chuyện này. Lúc nãy con nằm mơ, từng chuyện từng chuyện một như mới hôm qua, chợt không nhịn được muốn tìm người tán gẫu.
Lần đó chuyện bại lộ, Kiến Nguyên hoàng đế tức giận, cả triều xôn xao.
Đoan thân vương dẫu sao cũng là “hoàng thất chính thống”, nghe nói các thái học sinh trong thành Kim Lăng viết thư gây rối, yêu cầu triều đình nghiêm trị “quốc tặc”, chuyện càng làm càng lớn, cựu đảng Giang Nam không thể không đẩy ra mấy chục kẻ thế mạng để lắng chuyện, Ngự lâm quân cưỡi ngựa trên đường, xét nhà bắt người… Xuôi nam hơn mười năm, lần đầu tiên Triệu Uyên đóng mạnh được cây đinh của mình vào thế lực Giang Nam vững chãi, ấu đế “mềm yếu” ấy dựa vào sự ẩn nhẫn phi thường của mình, cuối cùng từng bước một đi đến ngày hôm nay.
Đồng Minh đại sư trầm mặc hồi lâu mới hỏi:
– Lúc đó có thân binh tự nguyện làm thế thân cho con, suất binh dẫn dụ bọn Tào Ninh Liêm Trinh đi, yểm trợ con phá vây bỏ chạy, vì sao con không chịu?
Nếu lúc đó “giữ lại núi xanh, lo gì thiếu củi”, với uy tín của hắn trong quân đội và dân gian, cộng thêm một lần ngã là một lần bớt dại tương lai, nói không chừng cuối cùng hươu chết vào tay ai còn chưa biết.
Tạ Doãn cười, nói:
– Không biết, chắc là số mệnh.
Nói xong, hắn vươn vai, bỏ qua đề tài này và những chuyện trong quá khứ, hỏi:
– Sư phụ, thanh đao mấy năm trước rảnh rỗi con rèn ra đâu rồi?
– Tan rồi, chưa kịp ra lưỡi.
Đồng Minh cũng ngầm hiểu, không nhắc nữa, chỉ nói:
– Trần sư thúc con nói tay nghề con không được.
– Ờm, vậy thôi.
Tạ Doãn:
– Con lại đi thỉnh giáo ông ấy, rèn lại thanh khác mới được.
Đồng Minh nói:
– Chỗ A Phỉ…
Tạ Doãn:
– Không cần báo nàng biết, vật có thể gặp nhưng không thể cầu, giục nàng cũng vô dụng, chờ hôm nào con thực chịu hết nổi hẵng báo cũng không muộn.
Hắn đứng dậy cuộn tranh lại, rồi cất lá thư bên cạnh Chu Phỉ để lại cho hắn, chuẩn bị giữ để từ từ xem, tiếp đó hít sâu một hơi, chậm rãi bước ra khỏi sơn động nhỏ bé này, gọi Trần Tuấn Phu bên bờ biển:
– Trần sư thúc, có sắt tốt không ạ?
Sắt dùng làm thần binh tuyệt thế dường như đều có lai lịch, chỉ riêng Toái Già là không thấy lưu danh sử sách, không có bối cảnh thần bí “sắt rơi từ thiên ngoại” gì, chỉ là vật được luyện chế thông thường giữa thế gian, nhờ hai vị chủ nhân trước sau là Lữ quốc sư và Nam đao mà trở nên bất phàm trong thiên hạ.
Dương Cẩn hâm mộ nhìn Toái Già chém sắt như chém bùn, cảm giác kiếm sắt khắp thiên hạ đều là bùn trước mặt nó, không dằn được hỏi:
– Đao này của cô là đao gì thế? Cho ta xem với được không?
Chu Phỉ còn chưa kịp đáp, Lý Thịnh đã nóng nảy trước:
– Dương huynh, đã là lúc nào rồi! Bắn tên trong rừng, mai phục ở đường nhỏ, lúc bắn tên thì tiết tấu từng đợt rõ ràng, huấn luyện nghiêm chỉnh, đây chắc chắn không phải sơn phỉ bình thường… A Phỉ muội đi làm gì?
Lời hắn chưa dứt, Chu Phỉ đã lao lên ngược dòng tên bắn, ngang nhiên bổ ra một con đường giữa rừng tên dày đặc, chớp mắt còn chưa vào rừng, tiếng hét thảm đã vang lên bốn phía, tên bắn lén ngợp trời bỗng chốc thưa thớt, đám Lý Thịnh vội vàng đuổi theo, chỉ trong chốc lát, Chu Phỉ đã đánh ngã một nửa đám thích khách trong rừng như gió thu cuốn hết lá vàng.
Bắn cung cần khoảng cách, một khi người tới đủ gần sẽ rất khó thể hiện uy lực, đặc biệt là khi võ lực song phương chênh lệch rất lớn.
Người bắn tên lén thấy tình thế không ổn, lập tức quân lính tan rã, định chạy trốn.
Lý Thịnh nhanh chóng đưa mắt ra hiệu cho Dương Cẩn, hai người chia nhau mỗi người một bên chặn đường chạy của đào binh, bao vây ba mặt, trong nháy mắt đã quấn thích khách hốt hoảng bỏ chạy như cái bảnh sủi cảo.
Truyện khác cùng thể loại
56 chương
317 chương
60 chương
111 chương
20 chương
324 chương
25 chương