Hoàng Phi
Chương 1 : Gặp gỡ
Chương 1: Gặp gỡ
Thăng Long vào hạ, hoa sen nở rộ, nõn nà như nước da thiếu nữ. Đằng xa, bóng dáng nàng con gái Nguyễn Đức gia- Nguyễn Kim Huyền đang chèo thuyền hái hoa. Mái tóc bồng bềnh tựa suối mây hoà quyện vào gió trời thoảng hương sen thơm ngát.Áo the dài hồng phấn càng làm nàng như đoá hồng liên Tây Hồ muôn phần thướt tha. Nàng khẽ hôn lên mấy búp non vừa mới hái, làn da trắng như sứ đặt cạnh hồng liên kia càng thêm phần kiều diễm. Trời về trưa mỗi lúc một gay gắt, mấy người tỳ nữ thấy nàng đi lâu quá nên gọi: “Tiểu thư, chúng ta mau về thôi, sắp tới giờ dùng cơm rồi”. Kim Huyền chỉ đáp lời chúng bằng một nụ cười rồi cầm lấy tay chèo mà vào bờ. Bỗng tiếng một nam nhân vang lên làm dừng bước chân nàng: “Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cá”.
Kim Huyền bất giác lùi lại mấy bước theo lễ nghi nhưng vì tức cảnh sinh tình, nàng nghĩ ngợi rồi đáp lại bằng giọng vô cùng trong trẻo: “Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho”. Rồi nàng che miệng cười khúc khích nhưng nàng không nán lại lâu mà vội cúi mặt bước đi ngay để giữ lễ nghĩa. Nàng chỉ tưởng rằng mình đáp lại lời trêu ghẹo của một nam nhân bình thường, nhưng nàng đâu có hay, đó lại là Bình Nguyên Vương- Lê Tư Thành. Kim Huyền rời đi nhưng đã để lại trong lòng chàng biết bao rung động xuyến xao. Người nói vô tình nhưng người nghe hữu ý. Trời trưa nắng gắt, Tư Thành không say vì nắng, mà say vì mỹ nhân.
Đi xa một quãng, Kim Huyền quay sang nói với mấy người tỳ nữ: “Chuyện hôm nay, các ngươi chớ có bẩm lại với phu nhân và lão gia đã nghe rõ chưa”. Bọn chúng đều đồng thanh “dạ” một tiếng. Hồng Chi đi cạnh tiếp lời: “Cũng may chủ tử cứng cỏi đáp trả lại làm hắn im miệng, những tên này gặp nữ nhân càng ngại ngùng yếu thế hắn lại càng lấn tới”. Kim Huyền nhíu đôi hàng mày thanh mảnh, nói: “Trông hắn ta cũng khôi ngô, tuấn tú ấy mà lại thích trêu hoa ghẹo bướm, cợt nhã”.
Về đến cung, mấy tên thái giám hầu bên cạnh Tư Thành thấy chàng có vẻ khác so với thường ngày. Lý Đinh bèn đến dò hỏi tâm tư chủ: “Tứ điện hạ, ngài bị sao thế ạ, ngài thấy không khoẻ, hay là để nô tài truyền thái y”.Tư Thành chống một tay lên cằm, đôi mắt mơ màng nhìn về xa, khuôn mặt anh tú lúc này đây tràn ngập vẻ si tình, chàng nói: “Thái y làm sao chữa được bệnh tương tư”.Lý Đinh cười hiểu ý rồi vờ vả vào má mình cho tỉnh: ” Nô tài ngốc “. Rồi Lý Đinh lựa lời nhắc khéo chàng: “Cũng đến giờ đi Thái miếu thỉnh an Ngô Lệnh bà rồi, Tứ điện hạ, chúng ta đi mau kẻo để Lệnh bà đợi lâu ạ”.
Tư Thành trước giờ là đứa con hiếu thảo hết mực, chàng nghe vậy thì vội chỉnh xống áo ngay ngắn rồi cất bước đi ngay. Ngô Sùng viên, mẫu thân chàng trước kia từng là phi tần rất được sủng ái của Tiên đế, nay Tiên đế cưỡi rồng quy thiên để lại mẹ goá con côi. Tư Thành vừa bước vào thì đã thấy mẹ ngồi chỉnh tề trên sập, bao nhiêu năm qua, khí độ điềm tĩnh, trang nhã trên khuôn mặt bà không thay đổi, chàng cúi xuống hành lễ. Bà nâng chàng đứng dậy: “Con đến thăm mẹ, là mẹ vui rồi, không cần câu nệ lễ tiết”.
Tư Thành ngồi cạnh mẹ, chàng sốt ruột hỏi: “Mẹ ở đây có tốt không, người ta có đối đãi với mẹ đàng hoàng không”. Ngô Sùng viên nhìn con cười ưu nhã rồi nói: “Ta trước giờ sống an phận làm tròn chức phận Sùng viên canh giữ Thái miếu, một lòng hướng về Tiên đế thì làm sao bị đối xử tệ được”.Chàng cầm bàn tay nhỏ nhắn của mẹ mình, giữ thật chặt, rồi nói: “Chỉ sợ có người còn giữ trong lòng chuyện năm xưa với ngài Nguyễn Trãi mà tính toán”.
Ngô Sùng viên nghe con nhắc đến tên tội thần liền đổi sắc mặt, bà nhìn xung quanh bốn phía rồi nói với con: “Chuyện xưa đã qua rồi, con đừng nhắc lại làm gì kẻo chuốc hoạ vào thân, năm xưa trẻ tuổi hiếu thắng tranh giành một phen, bây giờ người đó cũng đã sống yên ổn ở điện Thừa Thiên, không còn cái tâm ấy nữa, con không cần lo nghĩ nhiều làm gì. Giờ ta chỉ một lòng ăn chay niệm Phật tưởng nhớ Tiên đế.Tư Thành vẫn không chịu nghe, trong lời nói chàng còn có chút gì phẫn uất, bực bội: “Người đã có dã tâm, giang sơn dễ đổi bản tính dễ dời sao, con chỉ thấy lo cho mẹ”.
Ngô Sùng viên lựa lời khuyên nhủ con kiềm tính nóng: “Phàm nam nhân, lấy chí mà nuôi thân, con nóng bực như vậy, làm sau làm trượng phu. Ta trái lại lo cho con nhiều hơn, sau này thành gia lập thất cứ bản tính bộc phát này, biết làm sao”. Nghe đến bốn chữ thành gia lập thất, Tư Thành ngượng nghịu mặt đỏ như gấc: “Mẹ sao khi không lại nói đến việc này, con làm sao đủ tuổi thành gia lập thất chứ”. Ngô Sùng viên nhìn dáng điệu của con liền cười, đoán ý: “Thế nào, đã có ý với cô nào rồi phải không, thảo nào mẹ vừa mới nó là đã đỏ hết mặt”.
Tư Thành gãi đầu ngập ngừng: “Con vừa mới gặp một nữ nhân ở hồ sen hôm nọ…”. Ngô Sùng viên thấy con mới lần đầu thổ lộ tình cảm trai gái liền phì cười một tràng, bà liền trấn tĩnh rồi hỏi con: “Hồ sen trong cung này không nhiều, là con gái nhà ai mà lạc vào mắt xanh Bình Nguyên Vương thế này”.Chàng không dám nhìn vào mắt mẹ mình như muốn giấu tâm tư: “Con không biết tên nàng ấy, nhưng nàng rất giỏi thơ ca, đoán là nữ nhân khuê các”.
Ngô Sùng viên cũng từng một thời niên thiếu có những cảm xúc đầu đời thế này, bà đọc thấu tâm can con: “Nếu có duyên ắt hẳn sẽ gặp lại, con cũng đừng sa vào mỹ sắc quá đà, làm hại tâm trí thiếu minh mẫn”. Tư Thành cúi đầu đáp lời: “Con trai trước giờ đều một lòng hướng về mẹ, xin nghe lời chỉ dạy của mẹ”.
Kể từ hôm cuộc gặp gỡ ấy tại hồ sen, lòng Kim Huyền cảm thấy lo âu, nàng không ngờ mình hái sen mà lại làm cho người nam nhi khác thấy thích mắt mà có lời trêu ghẹo. Việc này nếu đến tai phu nhân, chắc chắn Kim Huyền sẽ bị mẹ quở trách là ngôn hành thiếu đoan trang. Nàng sợ nên ở trong phủ mấy tháng liền không dám ra bên ngoài dạo chơi nữa. Đến hôm nay, tiết trời có hơi dịu xuống, nắng hạ không còn quá oi ả, Kim Huyền theo Nguyễn Phu nhân vào cung thỉnh an Thái Hậu, sau đó lại đến Thái miếu thỉnh an Ngô Sùng viên. Cả nhà Nguyễn Đức Thành cùng Ngô Tiệp dư (*) trước kia đều đứng về phía tội thần Nguyễn Trãi. Nay Ngô Sùng viên trong cung cũng coi như là thầm lặng, không có tiếng nói, giao tình giữa bà và Nguyễn Phu nhân vẫn không hề suy giảm.
(*) Lúc trước còn là phi tần của Thái Tông, Ngô Sùng viên ở hàng Tiệp dư nên gọi là Ngô Tiệp dư
Ngô Sùng viên nhìn hai mẹ con Nguyễn Phu nhân gật đầu rồi nói: “Kim Huyền năm nay cũng đã ra dáng thiếu nữ rồi, năm nay con bao nhiêu tuổi”. Kim Huyền cúi đầu thấp giọng đáp: “Bẩm Lệnh bà, con năm nay tròn mười tám tuổi ạ”. Bà nhìn từng cử động của nàng đều phải phép, ra dáng nữ nhân chốn nội đình thì mỉm cười nói: “Nguyễn Phu nhân dạy con gái thật khéo, trong khuê các, con đã đọc được những sách nào”.
Kim Huyền đáp lời: “Dân nữ tài thô học thiển, khuê các còn lười nhác, chỉ mới tinh thông Kinh Thư, Nữ Tắc, Mạnh Tử, còn phải được bề trên (*) dạy bảo nhiều, không dám tự nhận mình học rộng hiểu nhiều ạ”.
(*) người lớn
Ngô Sùng viên trước giờ luôn trọng người tài sắc vẹn toàn, bà muốn xem học vấn của Kim Huyền tới đâu: “Nữ tử vô tài tiện thị đức (*) con hiểu câu này thế nào”.
(*) Nữ nhân không tài mới là đức
Kim Huyền im lặng trong giây lát rồi đáp: “Dân nữ nghĩ chữ “vô” không có nghĩa là “vô tài” mà là có ý rằng vốn có tài nhưng lòng lại tự cho mình là không có. Nữ nhân lấy đức hạnh làm đầu. Đức hạnh từ tâm, tâm tịnh không phô trương tài quá mức. Dù có nhưng tâm không vướng mắc được mất. Lòng không chấp niệm được hơn, biết an phận bằng lòng, đó là loại đức hạnh cao quý nhất của nữ nhân”.
Nàng nói một tràng xong thì liền cúi đầu: “Kim Huyền nhỏ tuổi vô tri, mong được Lệnh bà (*) dạy dỗ thêm ạ”.
(*) Từ dùng để gọi các phi tần trong cung
Nét mặt Ngô Sùng viên vô cùng hoan hỉ khi nghe những lời khôn ngoan này của nàng: “Tốt lắm, câu này nếu là nữ tử nông cạn sẽ chỉ hiểu rằng tài với nữ nhân không quan trọng, nhưng Kim Huyền con lại nghĩ sâu, nhìn rộng, ta có chuỗi phật châu này vừa mới khai quang ban cho con, xem như là quà gặp mặt”.
Đến khi hai mẹ con Kim Huyền rời khỏi Thái miếu, trời dần xế chiều, gió thổi lay động vài bông súng trên mặt hồ trước mặt. Thỉnh an nhiều nơi, Nguyễn Phu nhân thấm mệt, bà bước đến tiểu đình, nói với con gái: “Mẹ con ta ngồi đây nghỉ ngơi một lát rồi về phủ”. Kim Huyền đã lâu không bước chân ra ngoài, hôm nay được dịp nàng như vàng oanh sổ lồng: “Mẹ cho con ra bờ hồ đứng chơi một tí nhé, con quay lại ngay”. Nguyễn Phu nhân nheo mắt nhìn ra đằng xa rồi gật đầu.
Mùa hạ ở kinh thành oi bức vào đầu ngày nhưng đến cuối ngày nắng lại dịu đi, khí trời trở nên thanh mát, nhè nhẹ thổi qua làn da thiếu nữ. Có tiếng bước chân chậm rãi bước lại gần chỗ nàng, Kim Huyền tưởng là mẹ nên quay lại nở một nụ cười tươi tắn, nàng định cất lời nhưng bóng dáng cao lớn của nam nhân làm nàng sững sờ. Tư Thành bước tới gần nàng hơn, chàng vẫn còn chưa nhớ ra nàng là người con gái ở hồ sen hôm nọ, chỉ vì muốn đi đến ngắm cảnh mà gặp mặt. Chạm ánh mắt người con trai lạ mặt, Kim Huyền chợt ngây người ra, bỗng giọng nói the thé của viên nội giám làm nàng giật mình: “To gan, gặp Bình Nguyên Vương (*) , không hành lễ còn đứng ngơ ra đó”.
(*) Lê Thánh Tông lúc còn là hoàng tử hiệu là Bình Nguyên Vương
Nàng cúi đầu hành lễ: “Dân nữ Nguyễn Đức thị bái kiến Điện hạ (*) “. Tư Thành trước giờ vốn là người tính khí vui vẻ, thoải mái, không câu nệ lễ tiết, chàng đáp: “Bình thân, ta cũng chỉ là ra đây ngắm cảnh thôi. Đây là khu vực Thái miếu bình thường chỉ có phi tần, quan chức lui tới, chẳng hay cô đây sao lại đến đây”.
(*) Cách xưng hô của người dưới đối với Hoàng tử
Kim Huyền hơi cúi thấp mặt: “Bẩm Điện hạ dân nữ theo mẹ vào Thái miếu thỉnh an Lệnh bà”. Nàng cất tiếng nói nhẹ nhàng, nhún nhường mà hết sức trong trẻo, gợi lên trong trí nghĩ Tư Thành thanh âm quen thuộc. Chàng hơi chau mày, hỏi: “Vậy sao, có phải ta từng gặp qua cô rồi không”.
Làn nước trong xanh phản chiếu ánh mặt trời lặn như dát vàng lên làn da Kim Huyền, chàng nhìn cảnh ấy thì nhớ ra câu đối hôm nọ, khẽ “a” lên một tiếng rồi nói: “Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho, có phải là nàng không”. Kim Huyền thoáng chút kinh ngạc nhưng rồi nàng cũng nhớ ra, câu đối đó chính là nàng nói, nàng khẽ gật đầu rồi đáp: “Trời cũng không còn sớm nữa, dân nữ còn phải hầu mẹ về phủ, không tiện ở lại hầu chuyện Điện hạ, mong ngài thứ tội”. Nói rồi nàng bước đi, Tư Thành quay người theo Kim Huyền, nàng rời đi đọng lại trong lòng chàng bao ngẩn ngơ, rung động. Tư Thành khẽ nói thầm như người đang trong mơ: “Bước đi uyển chuyển, mỹ lệ mà thanh tao”.
Lý Đinh đứng cạnh động nhẹ vào chàng, nói: “Vương Gia, người vừa nãy nói vào đây thỉnh an lệnh bà, tức là có quen biết”. Tư Thành gật đầu đắc ý, chưa có người con gái nào làm chàng yêu thích đến như vậy. Dung nhan hoa nhường nguyệt thẹn ấy của Kim Huyền làm trái tim chàng loạn nhịp.
Truyện khác cùng thể loại
298 chương
104 chương
154 chương
59 chương
57 chương
23 chương