Hoàng Phi

Chương 2 : Biến cố Hoàng thất ( Thượng )

Chương 2: Biến cố Hoàng thất ( Thượng ) Theo thông lệ, anh em của Vua khi muốn nạp thê phải dâng sớ trình lên Quan gia (*), nạp cung nữ có thể tuỳ tiện nhưng cưới vương phi lại phải có lễ nghi. Quan gia trong Điện Vạn Thọ duyệt tấu chương, mấy tấu chương liên tiếp về đê điều, lương thực được ngự bút châu phê, đến tờ tấu sớ của Bình Nguyên Vương lại khiến hắn dừng bút. Hắn cầm tờ tấu lên đi đi lại lại dưới ánh nến, vẻ nghĩ ngợi. Bình Nguyên Vương vốn thông thạo văn chương sách vở, ngắm cảnh ngâm thơ, hôm nay lại có tư tình với mỹ nhân. Hỉ sự hoàng thất là việc lớn, hắn không thể quyết định qua loa, mực đỏ của vua chấm lên giấy không thể xoá. Nghĩ rồi Hoàng đế đặt tờ giấy lên bài rồi truyền gọi nội giám: “Ngày mai truyền Bình Nguyên vương sau buổi chầu đến gặp trẫm ở Ngự Thư Phòng”. (*) Quan gia: chỉ Lê Nhân Tông, đời Trần có qui định gọi vua là quan gia, nay cũng theo lệ ấy ( theo sách Đại Việt Sử kí toàn thư trang 418 – quyển XI) Đi qua dãy trường lang với những cây cột đỏ rực, Tư Thành được Tuệ Nội giám hồ hởi ra đón: “Tham kiến Bình Nguyên Vương, Ngài mau vào trong, Quan gia đang chờ”. Quan gia đứng hướng mặt ra phía ngoài, anh nghe tiếng lách cách của mành tre thì quay lưng lại, nói: “Khanh đến rồi sao, ngồi đi”. Trước giờ Quan gia vẫn coi Tư Thành như anh em mà đều miễn lễ mỗi lần gặp mặt riêng tư. Tư Thành nóng lòng lên tiếng hỏi: “Không biết Quan gia gọi thần đến đây có việc gì”. Anh cười điềm đạm lướt mắt trên tờ tấu sớ rồi dừng ánh mắt nơi Tư Thành: “Là mỹ nhân nào khiến khanh động lòng thế này”. Nơi ánh mắt Tư Thành lộ rõ vẻ hân hoan say mê khi nói về nàng ấy: “Con gái Nguyễn Đức thị. Thần và nàng có cơ duyên đối thơ bên hồ sen vào hai tháng trước, đến nay cũng đã chạm mặt hai lần”. Lần đầu tiên hắn thấy Tư Thành có nét mặt rạng rỡ đến như thế, hẳn phải là nữ nhân có một vị trí vô cùng đặc biệt. Phần vì Tư Thành chỉ mới mười tám, hắn muốn giữ người em út này lại thêm một năm. Quan gia thở hắt ra một hơi nói: “Hôn sự của khanh là chuyện hệ trọng, năm nay khanh chỉ mới mười tám tuổi, tuổi này vẫn còn trí vẫy vùng bốn phương, thong dong tự tại, chưa quen bó buộc, đợi thêm vài năm nữa vậy.”. Lòng Tư Thành gợn lên chút bất bình không yên. Anh chỉ là Vương Gia, lấy vợ nạp thiếp là mong muốn của bản thân, sao đến cả việc này cũng bị ngăn cấm. Tư Thành nhìn chăm chú vào bóng lưng của Quan gia đứng cản ánh sáng xuyên qua khung cửa, khó hiểu nói: “Trai đến tuổi lấy vợ, gái đến tuổi gả chồng là việc thường”. Bóng dáng vững chải ấy bước đi đến trước mặt chàng, Quan gia đặt bàn tay kiên định lên cánh tay Tư Thành, nhìn thẳng vào mắt anh: “Ta là anh trưởng, tất biết điều gì tốt cho khanh, hơn nữa hiện nay ngập lụt khắp nơi, nhân dân lầm than, đê điều cần củng cố, Thân Vương làm đám rước linh đình không phải là chuyện tốt lành”. Tư Thành bất lực hỏi: “Vậy thì chờ đến khi nào, mùa hạ thì nước ngập, mùa thu thì hạn hán. Chờ đến khi người mà thần thích gả cho người khác sao”. Tình cảm anh em của Hoàng Đế và chàng xưa nay vẫn luôn tốt đẹp, lời nói của Tư Thành làm cho Quan gia có chút động tâm. Em mình lay động trước một nữ nhân, thân làm quân chủ một nước, không thể thành toàn cho nó hay sao? Anh xoay người đi, trầm ngâm nói: “Đợi đến khi tình hình quốc gia ổn định thì nghĩ đến việc hôn sự của khanh vẫn chưa muộn, chi bằng trong thời gian này khanh hãy cùng ta nghĩ cách chống lũ, nuôi chí lập thân rồi làm lễ hỏi cưới vẫn chưa muộn”. Không khí trong gian phòng tràn ngập nặng nề dồn nén. Lòng Tư Thành bứt rứt không yên, xung quanh chàng như toả ra khí nóng. Chàng không đáp lại lời Quan gia, rồi nhanh chóng bước ra khỏi phòng để thoát khỏi sự kìm hãm đó, tránh cho bản thân đi quá đà mắc tội khi quân. Thấy Tư Thành bước ra khỏi điện Cần Chánh với vẻ mặt không vui, Tuệ Công công nhanh chân chạy vào, nhìn sắc mặt Quan gia vẫn không chút biến chuyển. Hắn lại gần dâng chén trà rồi hỏi: “Vương Gia còn trẻ tuổi, lời nói bồng bột, mong Bệ hạ đừng nóng giận làm ảnh hưởng long thể” Quan gia bình thản nhận chén trà từ tay Tuệ Công công: “Ta với Bình Nguyên Vương Gia vẫn hay có tranh luận, nhưng ta vẫn luôn coi đó là việc nhà, không cần nóng nảy nghĩ ngợi nhiều làm gì”. Kể từ lần ấy, số lần Tư Thành được triệu vào thư phòng của Quan gia cũng ít hơn trước, hai người không còn đánh cờ, bàn luận cổ thi như xưa. Điện Thừa Thiên của Thái hậu đêm nào cũng có tiếng hát ca trù vang lên, mấy hôm nay bà khó đi vào giấc ngủ nên bảo ty giáo phường sang hầu cho thư thái hơn. Tĩnh Túc từ từ bước lại gần tràng kỷ Thái hậu đang ngồi, thấy bà đang nhắm mắt ngưng thần bèn đứng bên mà hầu quạt. Bà vẫn còn đang nhắm mắt nhưng cảm nhận vẫn rất rõ, liền bảo : “Có việc gì mà ngươi vào đây vội vàng, quên rằng cung nhân đi đứng không được phát ra tiếng sao”. Tĩnh Túc thấp giọng: “Dạ bẩm chỉ là nô tì vội vào báo cho Đức bà một chuyện nên quên mất phép tắc xin Người thứ tội”. Thái hậu gọi một người cung nữ đứng gần ra cho nhạc nữ lui. Tĩnh Túc chờ cho nhạc nữ về gần hết, nói: “Nô tì nghe nói Bình Nguyên Vương và Quan gia đang có xích mích”. Giữa Tư Thành và Hoàng Đế tuy là cùng cha khác mẹ nhưng từ nhỏ đã thân thiết với nhau, tình cảm không khác gì anh em ruột. Thế nên sự việc lần này đều làm cho hạ nhân ngạc nhiên. Nhưng chỉ riêng Thái hậu như đã biết trước ngày này thế nào cũng đến, bà xoay người sang hỏi: “Thế Quan gia mấy hôm nay thế nào? “. Tĩnh Túc đáp: “Bẩm không có biến chuyển gì nhiều, chỉ là trầm lặng hơn trước, phê duyệt tấu chương xong thì ở trong điện Vạn Thọ ít ra ngoài”. Thái hậu nhíu hàng mày suy tư: “Mấy hôm trước Quan gia gặp ta vẫn bình thường cơ mà, trước kia khi đăng cơ ta đã dạy đừng quá thân thiết với anh em như lúc còn ở trong phủ, dẫu sao bây giờ cũng là quan hệ quần thần và chủ thượng nên giữ khoảng cách”. Tĩnh Túc đáp: “Nô tì còn nghe thuật lại hôm đó Bình Nguyên Vương gia nóng giận đi ra khỏi điện Vạn Thọ trước mặt nội giám cung nữ ngự tiền, có lẽ Quan gia vì việc này mà thấy buồn bực, mất thể diện không ra khỏi cửa chăng”. Thái hậu chậm rãi lướt ngón tay lên từng hoa văn chữ thọ thêu chỉ vàng tỉ mỉ trên bộ áo giao lĩnh dài chấm đất mà nói: “Bình Nguyên Vương gia trong triều trước giờ được đề cao, tư chất thông minh, đĩnh đạc hơn người không thể tránh khỏi tư tưởng coi mình là nhân tài, ngôn hành lấn quyền Thiên tử”. Tĩnh Túc vẫn chậm rãi hầu quạt mà nói: “Vốn chỉ là chuyện cưới xin mà Bình Nguyên Vương gia lại làm ra như thế với Quan gia thật không đáng”. Bà từng nhiếp chính trong mười năm, từng xử lý nhiều chuyện lớn trong triều, những cơn biến động sóng gió thường bắt nguồn từ những đợt sóng ngầm nhỏ nhoi. Bà tất nhiên hiểu rõ nguồn cơn, muốn chặn đại hoạ lớn thì phải diệt từ mầm hoạ. Ánh nhìn Thái hậu xa xăm nhưng kiên định nói: “Ngươi đi gặp những quan văn thường lui đến phủ Bình Nguyên Vương dặn dò đôi việc, việc này nếu xử trí không thoả đáng ắt sẽ xảy ra nội loạn” . Hoa bàng nở trắng xoá một góc sân trong Thái miếu, có một cánh hoa lặng lẽ đáp xuống mặt đất làm phát ra tiếng động phá vỡ cái tĩnh mịch của nơi đây. Nữ nhân hoàng cung hầu hạ tiên đế một đời, nay đến nơi Thái miếu nhang khói cho vị quân vương mình hết lòng yêu thương ngày ngày niệm Phật thanh tâm tịnh khí. Ngô Sùng viên đã sống một đời tranh đấu ồn ào nơi hậu cung, nay được gần cửa Phật, lòng an yên vô lo. Tụng kinh đã lâu, bà bước mấy bước ra đứng trước hiên, ánh nắng trong veo của bầu trời cũng đúng lúc còn mấy tia le lói tắt dần mà để cho làn mây đen che khuất đi. Bà quay sang hỏi cung nữ bên cạnh: “Mấy hôm nay sao ta không thấy Tư Thành đến đây vậy Huệ? “. Như Huệ ấp úng đáp: “Dạ bẩm chắc là Điện hạ (*) bận theo các Kinh sư học trong cung còn phải cùng Quan gia nghị chính cùng các đại thần nên không đến thỉnh an lệnh bà được”. (*) Điện hạ: danh xưng dùng gọi Vương Gia, chỉ Tư Thành Bên ngoài bỗng dưng xôn xao thanh âm tiếng bước chân hùng hồn, còn có cả tiếng sắc bén của vũ khí chạm vào nhau phát ra những tiếng làm người ta ớn lạnh. Ngô Sùng viên kinh động lùi lại mấy bước, Như Huệ liền đi đến hỏi một ni cô vừa bước vào: “Cho đệ tử hỏi Thái miếu trước giờ tĩnh lặng nay sao lại có tiếng binh đao?”. Vị ni cô đáp: “Bần ni vừa đi từ ngoài vào, quân lính ra lệnh rằng nơi này hay có trộm vặt nên trong cung phái lính đến canh phòng, họ còn nói người trong này nếu không có việc gì cần gặp thầy thuốc thì không được phép ra ngoài”. Như Huệ chỉ đáp lời: “Đa tạ sư phụ đã chỉ bảo”. Ngô Sùng viên thấy cảnh đó thì trong lòng không khỏi bất an, Tư Thành mỗi ngày đều đến gặp bà, đã mấy hôm liền không ai trông thấy, người làm mẹ tâm tư luôn dự cảm về an nguy của con. Bà gấp rút nói với Như Huệ: “Mau, Huệ, ngươi tìm cách để chúng ta ra ngoài dò hỏi tung tích Bình Nguyên Vương”. Như Huệ sai một tiểu cung nữ đến xưng danh tính với bọn lính canh, người ấy chưa kịp nói hết câu, mới nghe đến “Ngô Sùng viên”, bọn chúng đã rút gươm ra vắt chéo: “Không ai được ra ngoài ngoại trừ có người bệnh nặng, là Lệnh bà thì càng không, trong cung đã có ý chỉ, canh phòng cẩn thận “. Lòng Ngô Sùng viên như bị trăm ngàn ngọn lửa thiêu đốt, bà ngồi xuống tràng kỷ, mắt nhắm nghiền thần sắc bất an. Như Huệ liền tìm một bộ y phục khác để cả hai thay vào, cải trang thành người làm công quả ở Thái miếu mà tuồn ra bên ngoài.