Giấu phong cảnh trong hồi ức
Chương 13 : Giấu phong cảnh trong hồi ức
TRANS: YUN.
Có câu giấy không gói được lửa, ba cô làm gì ở bên ngoài cuối cùng bị mẹ cô biết hết rồi.
Hai người ly hôn ngay sau đó.
Ba Từ Bạch đã tìm một luật sư giỏi, ông ấy thụ lý rất nhiều vụ kiện ly hôn chưa thua lần nào. Song mẹ Từ Bạch không muốn gì cả, bà chỉ muốn quyền nuôi con gái.
Đối với việc này, Đào Quyên bình luận là: "Nghệ sĩ họ chính là như vậy, thường không dính khói lửa nhân gian.”
Đào Quyên vào tứ hợp viện sống do được đích thân bà nội Từ Bạch chăm sóc, khi ấy bụng của ả đã hơi nhô lên, bên trong có một sinh linh mới sắp chào đời.
Ả đi tới đâu cũng phải có chống lưng — — trong thời đại hộ khẩu Bắc Kinh có giá trị như vậy, ả phải nhanh chóng giải quyết được vấn đề nhà ở, vấn đề hôn nhân và vấn đề công việc, thật ra khá là khó khăn.
Ả chuyển từ phục vụ trong nhà hàng sang làm văn thư cho một công ty nọ, dựa vào mối quan hệ ba Từ Bạch, quỹ đạo cuộc đời của ả đã khác xa so với trước.
Đào Quyên không quên ổn định vị trí của mình.
Ả nghe nói các họa sĩ đều có tính cách nóng nảy, ả đoán mẹ Từ Bạch không may mắn như ả, cũng không dịu dàng biết lấy lòng như ả, vì vậy ả càng ân cần với ba Từ Bạch, dành tình yêu sâu sắc mãnh liệt cho ông.
Ba Từ Bạch còn chưa lãnh chứng với ả, có điều lãnh chứng chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.
Vì đàn ông quan tâm đến con cái của họ, mà Đào Quyên thân làm một bà mẹ đơn thân thì chẳng cách nào đăng ký giấy khai sinh cho con mình.
Cuối tháng tám lại là một ngày nắng đẹp trời trong xanh, cây cỏ hoa lá tươi tốt, ánh mắt trời ấm áp.
Từ Bạch lên cao trung nhưng không học ở trường sơ trung của cô.
Mẹ cô gửi cô vào một trường trung học quốc tế theo kiểu nội trú, dự định sẽ sớm cho cô đi du học Anh.
Nhưng sau khi đóng học phí xong, tiền của mẹ chẳng còn bao nhiêu, đúng lúc có cơ hội triển lãm tranh ở Thượng Hải, sau khi sắp xếp ổn thỏa cho Từ Bạch xong bà một mình chạy tới Thượng Hải.
Từ Bạch vẫn còn rất nhiều đồ đặc để ở tứ hợp viện.
Bà nội khóa trái cửa phòng của cô không cho người khác vào, nhưng bà nhìn vật nhớ người đồng thời rất nhớ cháu gái nên cứ dăm ba ngày bà lại gọi điện cho Từ Bạch bảo cô được nghỉ thì về nhà ăn cơm.
Vào ngày Quốc Khánh tháng mười, mẹ cô ở Thượng Hải chưa về, Từ Bạch nhận được điện thoại của bà nội bèn vác cặp về nhà.
Hẻm nhỏ vẫn là hẻm nhỏ của trước kia nhưng nhà thì không phải nhà xưa kia nữa, con đường trước đây chỉ cần mười phút là có thể đi hết, hôm nay Từ Bạch rề rà ở nửa tiếng.
Người hàng xóm mới dọn tới nhà sát vách, và quả nhiên đã nhổ bỏ bụi Thiên Trúc Quỳ rồi. Cảnh vật trong sân không giống như xưa, cỏ úa vàng, lá rụng lác đác, Từ Bạch bỗng ngộ ra mùa thu là mùa khô héo.
Bà nội đứng ở cửa đón cô: "Tiểu Bạch, hôm nay bà có làm món chân giò dầm tương."
Đã nhiều ngày không gặp, bà nội cảm thấy cháu gái gầy đi rồi, xoa mặt Từ Bạch rồi dặn dò: "Ở trường cháu nhớ ăn nhiều vào, cơ thể đang phát triển không ăn sao được, cháu nặng bao nhiêu rồi?”
Từ Bạch đáp đúng sự thật: "Bốn mươi tám ký."
"Cao một mét bảy," Bà nội đau lòng nói, "Như vậy sao được......"
Dưới con mắt của người lớn, chiều cao như Từ Bạch phải được sáu mươi ký mới chắc khỏe.
Vì vậy trong khi ăn, bà tôi liên tục gắp thức ăn cho Từ Bạch: "Món chân giò hầm tương hôm nay làm rất ngon, vừa miệng lắm."
Ba Từ Bạch ngồi đối diện, đã lâu không gặp con gái đương nhiên ông cũng rất nhớ con, thế là ông lột thịt trên bụng cá sạo rồi dùng muỗng múc vào bát con gái.
“Ăn cá đi,” Ba cô nói, “Con cá này là ba làm đấy”.
Ghế sofa trong nhà đổi thành bộ mới, ngay cả bộ đồ ăn cũng khác trước.
Từ Bạch chỉ có một loại cảm giác như tới nhà người ta làm khách.
Trong lòng cô có tâm sự nên ăn cơm cũng ăn rất chậm.
Ba cô nói: "Cua còn đang hấp trong nồi, chẳng phải con thích ăn cua nhất sao? Trong nồi hấp bỏ rất nhiều gừng, hồi nhỏ con thích ăn kiểu này nhất mà."
Từ Bạch nghe câu này xong cuối cùng cũng ngẩng đầu lên.
Từ lúc về nhà cô đã cảm thấy có gì đó không bình thường, đến lúc này cô mới chợt nhớ ra: "Ba, Thang Viên của con đâu?"
Từ Bạch buông đũa xuống không ăn nữa. Cô nhìn thẳng vào mắt ba mình, lặp lại lần nữa: "Ba, Thang Viên của con đâu?"
Thang Viên là con mèo Từ Bạch nuôi.
Ba cô muốn tránh đề tài này, bèn mở một chai bia nói: "Tiểu Bạch, con muốn ăn chè trôi nước à, lát nữa ăn cơm trưa xong ba đi siêu thị mua cho con......"
Từ Bạch đứng dậy khỏi chỗ ngồi, chống hai tay lên bàn ăn.
Giọng cô nghẹn ngào: "Nói cho con biết đi, ba đưa Thang Viên đi đâu rồi?"
Thức ăn trên bàn bốc khói nghi ngút, nhưng không ai trả lời cô.
Mùa thu nắng chói chang, bầu trời trong xanh, mây trắng nhấp nhô, làn gió mát rượi rất dễ chịu.
Nhưng Từ Bạch cảm thấy lạnh cả người.
Bà nội an ủi: "Cháu gái bảo bối ngoan, đừng khóc, chẳng phải chỉ là một con mèo thôi sao? Nếu cháu muốn thì bà đi mua cho cháu một con mới."
Bà mẹ kế ngồi đối diện Từ Bạch im lặng từ đầu đến cuối, lúc này cũng lên tiếng khuyên: "Đúng vậy, Tiểu Bạch. Con muốn nuôi mèo à, đừng khóc, nuôi con mới là được mà."
Nói xong, mẹ kế tự cảm thấy đang nói đùa, ả không khỏi cười ra tiếng.
Song lý do khiến Từ Bạch chịu về nhà trước tiên là thăm bà nội, thứ hai là để thăm mèo.
Cô không hề muốn gặp ba mình.
Từ Bạch có thể nói chuyện bình thường với ba mình là nhờ sự giáo dục nhiều năm của gia đình.
Ba cũng từng hứa với Từ Bạch sẽ giúp cô chăm sóc mèo trong mấy tháng này, đợi cuối tháng 10 mẹ cô trở về Bắc Kinh ổn định cuộc sống mua nhà mới thì sẽ trả Thang Viên cho cô.
Lần gần đây nhất Từ Bạch về là tháng 9, vì cô đang sống trong trường nên không thể chăm sóc con mèo được. Khi ấy Thang Viên xa xa nhìn thấy cô đã nhào mạnh tới, bộ dáng tủi thân không thôi.
Con mèo vẫn là bộ lông mềm mại đó, lông có hai màu trắng xen đỏ, bốn vuốt mèo trắng như tuyết, đôi tai dựng đứng, cọ đầu vào Từ Bạch cẩn thận liếm láp.
Tạ Bình Xuyên nói đúng, Từ Bạch thật sự đã nuôi con mèo này giống hệt con chó rồi.
Từ Bạch còn nói với Thang Viên: "Em ráng chịu đựng được không, chúng ta cùng chờ mẹ về sau đó chúng ta dọn tới nhà mới nhé.”
Nhà mới là một căn hộ chung cư mới ở khu Xương Bình, nhà còn chưa trang trí xong thì Từ Bạch đã chuẩn bị cát vệ sinh cho mèo và dựng sẵn thang leo cho mèo rồi.
Giờ đây, trong một buổi trưa nào đó của đầu tháng 10, mẹ kế của Từ Bạch nói với cô: "Con nhìn xem, trong bụng dì có em trai của con đấy, mèo đều có bệnh giun móc, sao chúng ta có thể nuôi được khi ở nhà có phụ nữ mang thai?"
Mẹ kế cho rằng phụ nữ có thai và mèo chỉ được chọn một.
Một con mèo và một con người, ai sẽ chọn cái trước chứ?
Mẹ kế che mặt cười: "Trùng hợp đồng nghiệp của ba con......"
Mẹ kế chưa nói xong thì ba cô đã ném đũa xuống thừa nhận với con gái: "Đồng nghiệp của ba là chú Trương từng đến nhà chúng ta rồi, con cũng biết chú ấy.”
Ba cô nói tiếp: "Con trai của lão Trương thích mèo muốn tìm một con mèo hoa màu đen trắng giống như cảnh sát trưởng mèo đen trên TV, trùng hợp nhìn thấy con mèo đó của con.”
Mẹ kế và ba đẻ, cả hai đều được đề cập đến "trùng hợp".
Có vẻ như đây thực sự là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Như vậy còn chưa đủ, ba cô còn nói tiếp: "Chỉ là một con mèo thôi, con đừng để bụng nữa, con dành thời gian cho việc học chẳng phải tốt hơn sao?”
Từ Bạch hòa hoãn mấy giây nhưng vẫn không có sức nói chuyện.
Cô chỉ đứng thôi nhưng hai chân đã tê hết rồi, sau gáy đau nhói giống như máu chảy ngược.
Cô hỏi một câu: “Nhà của lão Trương ở đâu, con muốn đi tìm mèo của con.”
Mẹ kế ngồi đối diện vừa ăn chân giò hầm tương vừa nói: “Tiểu Bạch, như vậy không tốt đâu, đồ tặng đi rồi còn lấy về được sao……”
Câu nói dửng dưng đó của mẹ kế đúng lúc làm sụp đổ giới tuyến của Từ Bạch.
Từ Bạch lạnh mặt nói: “Đừng gọi tôi là Tiểu Bạch, ai là bà con với bà.”
Nụ cười của mẹ kế cứng đờ, lấy khăn giấy lau tay.
Hễ là đồ ăn mẹ kế đụng qua Từ Bạch không ăn nữa. Bởi vì mẹ kế gắp qua cá sạo cho nên thịt cá sạo ba cô gắp cho cô đều bị cô vứt hết vào thùng rác.
Cô có thể ngồi cùng bàn ăn cơm với họ đã là cực hạn của Từ Bạch mười lăm tuổi có thể chịu đựng được.
Nhưng mẹ kế bị cô làm mất mặt cũng nhịn không được hỏi ngược lại: “Làm gì vậy, một hai muốn lấy mèo về, lỡ làm bị thương tới em trai con……”
‘Em trai’ đối với Từ Bạch mà nói chỉ có trong lời nói viển vông.
Càng huống chi, bởi vì đứa em trai này mà gia đình cô tan nát.
Cảm xúc dồn nén trong bốn tháng cuối cùng bùng nổ ở giây phút này.
Nghĩ tới nỗi uất ức mẹ cô phải gánh chịu, nước mắt mẹ cô chảy ra, Từ Bạch lập tức giận dữ ném vỡ chén lên sàn nhà: “Cho dù có làm bị thương tới thì đã làm sao, bà vốn dĩ chẳng phải là người trong gia đình chúng tôi.”
Câu này chọc tới điểm đau, sắc mặt mẹ kế chợt biến.
Ả cúi đầu cụp mắt che bụng của mình.
Trong bụng còn có một đứa bé chưa ra đời.
Ba Từ Bạch thấy vậy bỗng giơ tay lên như định giáo dục con gái: “Tiểu Bạch, sao con nói như vậy, có giáo dưỡng hay không? Đó là em trai ruột của con, mau xin lỗi dì đi.”
Hốc mắt Từ Bạch đầy lệ, nhưng giọng nói đầy cứng rắn: “Ba muốn đánh con sao......” Cô khàn giọng nói: “Con không bao giờ muốn nhìn thấy ba nữa.”
Lúc Từ Bạch vừa sinh ra, thật ra ba mẹ rất vui mừng. Nhất là ba cô, gặp ai cũng nói vợ ông sinh con gái cho ông rồi, vừa trắng vừa đáng yêu nên đặt tên là Từ Bạch.
Từ Bạch thuở bé trắng ngần xinh xắn, gần như chẳng có người lớn nào là không thích.
Chính vì vậy, búp bê của cô đều phải dùng cả chiếc tủ để đựng.
Ba cô không biết làm sao để nuôi con gái, cố gắng cung cấp những điều kiện vật chất tốt nhất cho cô.
Công việc được điều từ dưới quê lên Bắc Kinh, ba mẹ Từ Bạch vừa mượn tiền vừa vay vốn khó khăn lắm mới mua được căn tứ hợp viện.
Sau đó nữa thì tới ngày hôm nay.
Tay ba Từ run run, bạt tai vẫn không rơi xuống.
Giờ ông không phải là ba của một mình Từ Bạch, ông còn có một đứa con chưa ra đời.
Ăn cơm xong, ông gọi điện cho Lão Trương.
Đầu bên kia điện thoại, Lão Trương muốn nói lại thôi: “Haiz, Lão Từ à, tôi có lỗi với ông.”
Lão Trương giải thích: “Con mèo của nhà ông, từ lúc tới nhà tôi thì nằm trong góc từ sáng tới tối, không ăn cũng không uống, tôi đoán chỉ còn lại một hơi thở cuối cùng thôi......”
Lão Trương vốn cho rằng mèo đói bụng chịu không nổi sẽ tự tới ăn. Nhưng nhìn tình hình trước mắt sợ là qua không khỏi rồi.
Ông không muốn tìm nơi chôn mèo nên nhiệt tình đề nghị: “Lão Từ, hay là thế này đi, giờ tôi lái xe tới nhà trả con mèo cho ông.”
Thế là chiều hôm đó, Thang Viên về lại với vòng tay Từ Bạch.
Nó được đựng trong một hộp bìa cứng, hai mắt vẫn còn mở, đôi mắt giống như viên pha lê trong suốt đến mức không lẫn chút tạp chất nào.
Từ Bạch rơi nước mắt như mưa, cực kỳ thận trọng nhẹ nhàng xoa đầu nó.
Nó hơi híp mắt lại, giống như trước đây — — rất nhiều năm về trước, bởi vì được Từ Bạch dịu dàng vuốt ve mà mềm mại kêu ‘meo’ một tiếng.
Từ Bạch ôm chặt hộp bìa cứng: “Không sao đâu, về là tốt rồi, chị đưa em đi bệnh viện.”
Lão Trương tiếc tiền tiêu vì một con mèo, nhưng Từ Bạch lại lấy hết toàn bộ cửa cải có được ra.
Cô cản một chiếc taxi dùng tốc độ nhanh nhất trong đời chạy tới bệnh viện thú y gần nhất.
Nhưng lúc vào cửa lớn bệnh viện thì cơ thể Thang Viên đã lạnh dần rồi.
“Em cố gắng thêm chút nữa, sắp tìm được bác sĩ rồi……” Nước mắt làm mơ hồ tầm mắt Từ Bạch, cô ôm lấy con mèo mỗi một phút trôi qua giống như đến gần vực thẳm.
Từ Bạch vuốt ve Thang Viên mà không biết phải làm sao, nó vẫn dùng chút hơi thở cuối cùng nghiêng đầu qua liếm ngón tay cô — — cái lưỡi nhỏ màu hồng vừa khô vừa lạnh lẽo.
Nó tì đầu dưới tay Từ Bạch để xác nhận cô không đi nữa.
Nếu Từ Bạch muốn đi nó cũng hết cách rồi, bởi vì mắt nó đã mở không ra nữa. Nếu Từ Bạch muốn đi, nó sẽ không đợi cô về được nữa.
Thang Viên dường như biết bản thân chẳng còn sức thay đổi hiện thực, cái đầu dán trong tay Từ Bạch từ từ gục xuống.
Tuổi thọ của một con mèo ngắn ngủi biết bao nhiêu, có điều toàn bộ ký ức của nó chỉ liên quan tới Từ Bạch.
Từ Bạch bưng mặt khóc nức nở, nước mắt lăn qua kẽ hở bàn tay rơi xuống, nhưng cô không để gục ngã, cô còn phải tìm bác sĩ, tìm bác sĩ tốt nhất.
Xong bác sĩ cũng tận sức.
Trong bệnh viện thú y đầy mùi thuốc khử trùng, bác sĩ mặc áo blouse trắng thở dài nói: “Cô gái, cháu nén đau buồn.”
Bác sĩ nói: “Nếu đưa tới trước ba ngày có lẽ còn cứu được, giờ không còn hơi thở của sự sống nữa rồi.”
Từ Bạch dựa tường ngồi xuống, trong lòng là con mèo đã lạnh cứng mà bác sĩ trả cho cô.
Từ Bạch nhớ tới năm chín tuổi đó, trên đường cô tan học về nhà nhìn thấy một con mèo lang thang.
Con mèo đó chỉ lớn bằng lòng bàn tay, màu đen trắng, bốn chân nhỏ trắng như tuyết, ngồi xổm bên đường đầy sợ hãi bất an.
Từ Bạch căn bản không nghĩ nhiều, cô đựng mèo con vào cặp rồi đưa thẳng về nhà. Cô còn khoe với Tạ Bình Xuyên, nói cô có nuôi một con thú cưng, nó rất ngoan rất đáng yêu.
Tạ Bình Xuyên lại nói: “Em nuôi mèo à? Mèo không nhận chủ, sao ngoan ngoãn được chứ.”
Nhưng mèo của Từ Bạch khác với những con mèo khác. Nó dính người, quen hơi nhà, nhát gan còn thích làm nũng.
Bởi vì lông nó có màu đen trắng nên Từ Bạch đặt tên cho nó là Thang Viên.
Nhưng nay Thang Viên nằm yên không nhúc nhích giống như đang ngủ say.
Trước nó nghịch ngợm bao nhiêu thì giờ nó yên tĩnh bấy nhiêu, lỗ tai cũng cụp xuống chẳng còn chút hơi thở nào nữa.
Từ Bạch đặt Thang Viên trở về hộp bìa cứng rồi tìm một nơi yên tĩnh vắng lặng. Lúc chôn cất nó, cô tháo vòng tay của mình xuống đặt vào hộp bìa cứng, coi như làm vật bồi táng cùng Thang Viên.
“Cám ơn em ở bên chị sáu năm,” Từ Bạch khóc đau cả đầu, được một cơn gió thổi tới khiến đầu óc tỉnh táo hơn một chút, “Em là bé mèo tốt nhất, chị là chủ nhân xấu nhất.”
Cô ngồi ở mảnh đất trống đó rất lâu, nhìn ánh đèn neon đang xa lấp lánh ánh sáng.
Xung quanh ít người qua lại, chỉ có tiếng gió kéo dài.
Hai tay Từ Bạch ôm gối, cuối cùng nhận rõ một hiện thực, trên đời này chẳng ai có thể vĩnh viễn ở bên cô — — sống chết là có kỳ hạn mà thời gian là vô hạn, trong cuộc đời dài dằng dặc cô chỉ là kẻ lữ hành cô độc.
Mà điểm cuối cùng của chuyến hành trình chẳng qua chỉ là một nơi mờ tối cô đơn cùng cực.
Truyện khác cùng thể loại
303 chương
43 chương
30 chương
89 chương
9 chương
45 chương
45 chương