Giờ đây, Tsangyang Gyatso hằng ngày phải đối mặt với sự đốc thúc nghiêm khắc của thầy dạy kinh, tất cả thời gian của Ngài đều là ngồi yên đọc kinh, rất nhiều kinh văn liên miên không dứt bày trước mặt Ngài, khiến Ngài cảm thấy mệt mỏi chưa từng có. Lúc đó Sangye Gyatso bắt đầu hơi sốt ruột, y biết rõ thiếu niên này đã bị gió hoang cao nguyên thấm nhuộm, muốn triệt để gột bỏ tính buông thả trên người Ngài, không phải là chuyện có thể làm được trong một sớm một chiều. Ba năm, y phải dùng thời gian ba năm, thuần phục đứa trẻ đã bỏ bê mười lăm năm này, khiến đứa trẻ đó trở thành một vị Đạt Lai thứ 6 hoàn hảo, lãnh tụ chính trị vĩ đại. Chỉ là sau ba năm, Sangye Gyatso thật sự nỡ đem chính quyền cả đời khổ tâm vun vén, hai tay dâng cho Tsangyang Gyatso hay sao? Không ai có thể đưa ra một câu trả lời khẳng định, bao gồm bản thân Sangye Gyatso. Thật ra chúng ta đều là nô lệ của danh lợi, biết rõ đời người chẳng qua nổi trăm năm, vẫn phải chém giết tranh đoạt, liều mạng đến nỗi máu chảy đầu rơi. Hôm nay bạn giẫm lên hài cốt người khác ngồi hưởng thiên hạ, ngày mai ai sẽ vì bạn thu thập ván cờ tàn của giang sơn? Các bậc vua chúa lúc có thiên hạ, liền tìm kiếm thuốc tiên khắp nơi, tu luyện đan dược, hy vọng có thể trường sinh bất tử, e sợ giang sơn cực khổ dành được sẽ theo sự kết thúc của sinh mệnh chớp mắt hóa thành số không. Họ biết rõ trên đời này không hề có phương thuốc bất tử, nhưng vẫn nghĩ đủ mọi cách tìm kiếm. Có lẽ đó là vì không cam tâm, không cam chịu tâm huyết một đời của mình phó mặc cho dòng nước cuốn trôi. Thế nhưng sức người thật sự có thể làm gì được số trời? Vua chúa được tôn xưng là con trời (thiên tử), nhưng con trời và người thường cũng chẳng có phân biệt. Còn Đạt Lai Lạt Ma được tôn xưng là Phật sống, họ cũng là xương phàm thai tục, dù có linh hồn không chết, lại chẳng có thể xác không già. Có lẽ Tsangyang Gyatso trước giờ chưa từng nghĩ phải ngồi ôm thiên hạ, hô mây gọi gió. Từ khi vào ở trong cung Potala, Ngài mới biết, cuộc sống ở đây còn lâu mới tốt đẹp như tưởng tượng trong lòng, nhìn thấy trong mắt. Ngài như một chú chim sẻ lông vàng, bị nhốt vào chiếc lồng đẹp đẽ sang trọng, mỗi ngày đợi người chủ cho ăn, thỉnh thoảng cùng y đi dạo trước lầu sân vắng, ngắm phong cảnh mênh mông vô biên phương xa, muốn bay lượn, lại phát giác sớm đã bị vận mệnh chặt đứt lìa đôi cánh. Ngài khát vọng tự do, ngày ngày cô độc ngóng nhìn ngoài cửa sổ, hy vọng sẽ có người đi qua, sinh lòng thương xót giúp Ngài trốn thoát. Lúc đó, Ngài hầu như quên mất, bản thân là Phật, quên rằng sứ mệnh Ngài vào ở trong cung Potala là để cứu rỗi chúng sinh, để họ không phải chìm đắm trong bùn lầy trần thế. Đúng vậy, chìm đắm, giờ đây người thật sự chìm đắm là Ngài. Hàng ngày đọc kinh văn khô khan, tham ngộ Phật pháp phức tạp. Thầy dạy kinh của Tsangyang Gyatso đối với Ngài đặc biệt nghiêm khắc, vì chỉ cần một chút lơi lỏng là sẽ bị Đệ Ba trừng phạt khắc nghiệt. Sangye Gyatso bận rộn xong chuyện chính sự, có lúc còn đích thân giảng bài cho Tsangyang Gyatso, điều này khiến Ngài càng thêm lo sợ không yên. Chúng ta dường như có thể tưởng tượng được tình cảnh ba trăm năm trước, một thiếu niên mười lăm tuổi bị nhốt trong cung điện phồn hoa của cung Potala: tay ôm sách kinh, ngồi nằm không yên, Ngài luôn nghĩ cách làm sao để có thể thoát ly khỏi trói buộc, trở lại cảnh tiêu dao ngày xưa của mình. Trên thực tế, Phật sống các đời đều từ lúc thơ ấu đã được chỉ định là linh đồng chuyển thế, kiếp này của họ cũng chỉ là đứa trẻ bình thường, lại phải gánh vác trách nhiệm của kiếp trước mà họ không hề hay biết. Bất kể họ có bằng lòng hay không, nhất định phải có sự khác biệt với những đứa trẻ khác. Không thể trưởng thành thuận theo tự nhiên, không thể sống tự do tự tại; khi họ còn rất nhỏ, đã bị nhốt vào chiếc lồng tu hành, tiếp nhận phán xét của số mệnh. Suốt đời này, ngay cả quyền lợi lựa chọn họ cũng không có, định sẵn phải dùng hạnh phúc bình thường đổi lấy kính ngưỡng của muôn dân. Cô độc ngồi trên ngai Phật, sách kinh là tri âm, tràng hạt là giai nhân, Phạn âm[4] là tình ca, đèn bơ là ánh sáng duy nhất. [4] Phận âm: chỉ tiếng đọc kinh. So ra, Tsangyang Gyatso bay nhảy ngang dọc mười lăm năm chốn phàm trần, chẳng phải may mắn hơn các linh đồng chuyển thế khác ư? Ít nhất Ngài từng có thời gian tự tại an nhàn, từng tắm trong gió núi trăng thanh dịu dàng, từng cùng cô gái xinh đẹp đa tình nói chuyện yêu đương. Chỉ chẳng qua hết thảy những điều tốt đẹp này như hạc vàng đi xa, không trở lại nữa. Đào hồng rụng rồi vẫn sẽ có khi lại nở, trăng sáng lặn xuống phía tây rồi sẽ có lúc mọc lên, người yêu ly biệt vẫn còn có ngày gặp lại, nhưng Tsangyang Gyatso, thì mãi mãi vĩnh biệt cõi hồng trần rối rắm. Không kịp rồi, tất cả đã quá muộn. Anh túc thật sự rất đẹp, nhưng khi bạn ăn vào, mới biết đó là một loại thuốc chứa kịch độc. Sau khi hiểu rõ thì đã trúng độc quá nặng. Bạn muốn trở thành vua của cung Potala, thì tất nhiên phải trải qua dày vò người thường không thể chịu đựng. Tsangyang Gyatso không quản nóng lạnh, vất vả học tập Phật pháp ở đây, dù trong lòng Ngài ít nhiều không tình nguyện, thậm chí nóng nảy không yên, nhưng Ngài rốt cuộc vẫn là linh đồng chuyển thế, trong cốt cách có tính Phật và linh tuệ. Trong thời gian ngắn ngủi, việc học tập của Tsangyang Gyatso đã tiến bộ vượt bậc, điều đó khiến Sangye Gyatso cảm thấy an ủi, đôi khi lơ đãng, sẽ mỉm cười với Ngài. Nụ cười đó đối với Tsangyang Gyatso thật nhợt nhạt yếu ớt. Mỗi khi màn đêm buông xuống cung Potala, mọi người tản hết, mỗi một đồ vật ở đây đều tẩy hết lớp phấn son trang điểm ban ngày, tỏ ra yên tĩnh vô cùng. Lúc này lòng Tsangyang Gyatso bị nỗi cô độc gặm nhấm, Ngài nhớ làng nhỏ miền núi đã cho Ngài tất cả những điều tốt đẹp. Nhớ màu bầu trời đêm ở đó, nhớ hương thơm của hoa dại, nhớ hình ảnh người dân Monpa uống rượu ca hát bên đống lửa, nhớ người mẹ khâu vá da chồn dưới đèn, càng nhớ tình cảm dịu dàng khi Ngài cùng ý trung nhân hò hẹn dưới trăng. Trong kiếp này ngắn ngủi, Được sủng hạnh vô cùng. Kiếp sau thời thơ ấu, Phải chăng lại tương phùng? Sau khi tỉnh mộng, Ngài đã lệ rơi đầm đìa, cả cung Potala rộng lớn này, chỉ có ánh trăng hắt xuống giường Phật của Ngài. Muốn gọi một con chim, nhờ nó đưa tin đến phương xa, tiếng hót nghẹn ngào của nó dường như cho Ngài biết, nó sống chẳng hề tự do, dù nó có một đôi cánh bay lượn, vậy mà thân vẫn bất do kỷ. Vạn vật trên đời đều đang sống, đều đang hô hấp, và cũng đều thân bất do kỷ.