Đức phật và nàng: hoa sen xanh 1

Chương 52 : Trở lại trung đô

Phần 4: Trở lại Trung Nguyên “Dù khó khăn nhường nào, Người cao thượng cũng không chấp nhận của cải phi nghĩa; Dù đói khát đến đâu, Vua sư tử cũng không thèm ăn miếng mồi ôi thiu.” (Cách ngôn Sakya) Năm 1269 – tức năm Kỷ Tỵ, Âm Thổ theo lịch Tạng – tức niên hiệu Hàm Thuần thứ năm, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ sáu, Mông Cổ. Bát Tư Ba ba mươi lăm tuổi, Chân Kim hai mươi sáu tuổi. Xuân qua thu tới, thời gian chảy trôi như dòng nước. Từ Sakya đến Đại Đô, chúng tôi đã đi suốt một năm, bốn tháng, đủ thấy mức độ gian khổ của hành trình này. Tháng một năm 1269, Bát Tư Ba trở lại Trung Đô. Có điều, lần này, bên cạnh chàng không còn bóng dáng cao gầy thân thuộc với nụ cười tươi tắn, rặng rỡ luôn thường trực trên môi ấy nữa. Khi ra đi, Bát Tư Ba vừa tròn ba mươi tuổi, ấp ủ biết bao hoài bão. Ngày trở lại, chàng đã ba mươi lăm tuổi, nếm trải bao cay đắng, khổ nạn của cuộc đời. Buổi lễ nghênh đón Bát Tư Ba được tổ chức trọng thể đến mức ai nấy đều trầm trồ, xuýt xoa. Hốt Tất Liệt cho lập một đàn hương rất lớn ở nơi cách kinh thành một dặm để đón Bát Tư Ba. Trên đàn hương bày một bàn thờ rất rộng, hàng trăm vương công quý tộc và quan lại triều đình xếp thành hai hàng ở hai bên, đội nghi thức trang nghiêm, tề chỉnh, kéo dài từ hương đàn đến tận cửa hoàng cung. Vì là Đại hãn nên Hốt Tất Liệt không đích thân ra đón, nhưng ngài đã cử Hoàng tử Chân Kim cùng Hoàng hậu, phi tần và các đại thần trong triều đi nghênh đón quốc sư. Vinh dự lớn lao này, Hốt Tất Liệt chỉ dành cho Bát Tư Ba. Khi đoàn chúng tôi vừa đến đàn hương, Chân Kim đã đích thân tới trước xe ngựa của Bát Tư Ba, đỡ quốc sư xuống xe. Nhiều năm không gặp, Chân Kim đã trưởng thành lên rất nhiều, cậu ta để râu, thân hình cao lớn, vạm vỡ, phong thái đường hoàng, bệ vệ. Cậu ấy ứng xử nho nhã, lịch duyệt, chứ không giống đám quý tộc Mông Cổ cục mịch, thô lỗ, chỉ biết bắn cung, cưỡi ngựa kia. Tôi thầm khen, quả là một đấng anh tài, hào kiệt, chả trách Khabi lại tự hào về cậu ta đến vậy. Thị vệ dắt đến một con voi Thiên Trúc khổng lồ, trên lưng buộc một bảo tọa [1] được trang trí bằng các hàng châu ngọc đan chéo nhau. Sau khi Bát Tư Ba ngự trên bảo tọa, tiếng trống, tiếng nhạc rầm rộ vang lên. Đội nghi thức với cột khắc kinh văn, cờ hoa, ô lọng rợp trời, những dòng cờ phướn tung bay dưới bầu trời xanh. Trên tất cả các con phố, người ta cắm cờ ngũ sắc rực rỡ, dân chúng đứng chen chân hai bên đường, xúc động chiêm bái. Cảnh tượng trang nghiêm, long trọng như thể ngày Phật Đản. Lúc này, Hốt Tất Liệt đang ngóng chờ trên đại điện. Vừa thấy Bát Tư Ba xuất hiện, ngài đã vội vã bước tới nghênh đón. - Cuối cùng cũng về tới nơi! Năm năm trời, trẫm ngày đêm thương nhớ quốc sư! Năm đó, Hốt Tất Liệt đã năm mươi tư tuổi nhưng vẫn tráng kiện như ngày nào, gương mặt hồng hào, rạng rỡ. Trong khi, Bát Tư Ba tiều tụy, ốm yếu hơn trước. Bát Tư Ba quỳ xuống vái lạy, nghẹn ngào: - Đại hãn... Hốt Tất Liệt vội đỡ Bát Tư Ba đứng lên, khẽ vỗ vào vai chàng, động viên: - Tay Chongni của phái Phaktru ấy chỉ giỏi mồm mép, trẫm đã đuổi hắn về rồi. Trẫm vẫn tu tập theo pháp môn của phái Sakya. Quốc sư hãy nghỉ ngơi một thời gian, sau đó mời quốc sư làm lễ quán đỉnh cho trẫm. - Thưa Đại hãn, bần tăng trở về Trung Đô lần này không phải để tranh giành sự sủng ái của Đại hãn, mà có việc đáng vui mừng bẩm báo với người. Bát Tư Ba rút trong tay áo ra một bản tấu chương, trịnh trọng dâng lên: - Thưa Đại hãn, sau tám năm nghiên cứu, Bát Tư Ba đã hoàn tất trọng trách sáng tạo ra loại chữ Mông Cổ mới, xin dâng lên Đại hãn. Đây là bản “Ưu lễ tăng nhân chiếu thư” [2] do Đại hãn soạn thảo, đã được chép lại bằng loại chữ Mông Cổ mới. Hốt Tất Liệt mừng vui khôn xiết, đón lấy bản tấu chương, càng đọc càng hài lòng, phấn khởi: - Tốt lắm, hay lắm! Loại chữ viết mới này sẽ bù đắp thiếu sót của triều đại chúng ta, giúp chấn hưng nước nhà! Trẫm sẽ lập tức ban chiếu thư, ra lệnh phổ biến loại chữ này trên toàn quốc! Tháng Hai năm đó, Hốt Tất Liệt ban lệnh phổ cập chữ viết mới. Kể từ ngày chiếu thư được ban bố, toàn bộ công văn, giấy tờ trao đổi qua lại đều phải được viết bằng loại chữ mới. Khi ấy, người ta gọi văn tự này là “chữ Mông Cổ mới”. Sở dĩ “mới” là để phân biệt với chữ Mông Cổ kiểu Uyghur trước đây. Không lâu sau, loại chữ này được đổi tên thành “chữ Mông Cổ” hoặc “quốc thư Mông Cổ”. Khi loại văn tự này suy vong, người đời sau gọi nó là chữ Bát Tư Ba để kỷ niệm người đã sáng tạo ra nó. Cậu hai Rinchen và đại đệ tử Drakpa Odzer đã dọn dẹp, bài trí xong xuôi phủ Quốc sư để nghênh đón Bát Tư Ba. Tối hôm đó, Bát Tư Ba thay bộ áo cà sa mới, nói với tôi: - Lam Kha, tối nay Đại hãn thết tiệc tẩy trần cho ta, em cứ ở lại phủ Quốc sư nghỉ ngơi, chờ ta về. Rồi chàng ngừng lại một lát, ánh mắt thoáng chút do dự: - Tối nay Hoàng hậu cũng đến dự tiệc, không có thời gian để gặp em đâu. Ngày mai ta sẽ đưa em đến tìm cô ấy. Tôi cuộn tròn trên giường, gật đầu. Sáng sớm hôm sau, Bát Tư Ba giữ đúng lời hẹn, đưa tôi vào cung gặp Khabi. Hậu cung của Hốt Tất Liệt vẫn giữ nếp sống của người Mông Cổ, không thiết lập chế độ ra vào cung quá nghiêm khắc như sau này. Vả lại, Bát Tư Ba là thượng sư của rất nhiều hậu phi, hoàng tử, công chúa triều Nguyên nên chàng được tự do ra vào hoàng cung. Mái tóc Khabi đã điểm rất nhiều sợi bạc nhưng gương mặt vẫn ngời ngời vẻ trang trọng, đài các, mọi cử chỉ, hành động đều toát lên phong thái của bậc mẫu nghi thiên hạ. Cô ấy lệnh cho đám người hầu lui ra ngoài rồi cúi xuống nhìn tôi, lắc đầu, thở dài: - Trời đất ơi, sao lại ra nông nổi này? Ba trăm năm tu luyện đã thành công cốc! Trong tộc hồ ly màu lam của chúng ta, làm gì có ai bi đát như cô chứ! Tôi ngoảnh mặt đi, không thèm để ý đến cô ấy. Tôi đã tàn tạ, thê thảm thế này rồi mà cô ấy vẫn không quên chọc tức tôi. - Thưa Hoàng hậu, Lam Kha đã trải qua rất nhiều cay đắng, đã nếm đủ những đau đớn, khổ sở mà người thường khó lòng chịu đựng nổi. Cô ấy rơi vào tình cảnh thảm thương thế này, tất cả đều vì bần tăng. Bát Tư Ba nhẹ nhàng vuốt ve tôi rồi chắp tay, trịnh trọng vái Khabi một vái: - Bần tăng đưa cô ấy đến gặp người là muốn hỏi, liệu cô ấy có thể khôi phục được linh khí không? Khabi túm cổ tôi, nhấc lên. Tôi giẫy đạp, vùng vẫy nhưng không ăn thua. Cô ấy quan sát tôi thật kĩ rồi hờ hững đáp: - Nói là khó thì cũng chẳng khó, chỉ cần chăm chỉ tu luyện, từ từ sẽ khôi phục được thôi. Tôi quên là cổ mình đang bị thít chặt đến nghẹt thở, tròn xoe mắt nhìn cô ấy. Bát Tư Ba lo lắng hỏi: - Phải mất bao lâu? Cô ấy phì cười, đặt tôi vào lòng Bát Tư Ba, liếc xéo tôi một cái: - Thành quả tu luyện suốt ba trăm năm, làm gì có chuyện muốn khôi phục là khôi phục ngay được! Còn phải xem vận số của từng người ra sao. Người thông minh, tái trí thì chỉ cần ba, bốn năm là đủ, kẻ đần độn, ngu si, có thể phải tu lại ba trăm năm cũng nên. Tôi trừng mắt lườm cô ấy, nói thế chẳng bằng không nói. ========= [1] Có nghĩa là ghế báu. (DG) [2] Ưu lễ tăng nhân chiếu thư (Chiếu thư về việc kính lễ các nhà sư) là bản chiếu thư Hốt Tất Liệt ban riêng cho Bát Tư Ba. Trong chiếu thư này, Nhà vua hết lời ca ngợi Bát Tư Ba cùng với tôn giáo mà ngài đang tu tập. Đồng thời yêu cầu mọi người trong thiên hạ phải kính lễ các nhà sư, tăng sĩ, không ai được phép tỏ ra khinh thường họ. (DG) Cô ấy ngẫm ngợi một lát rồi gật đầu với tôi: - Thế này đi, nể tình chúng ta là đồng loại, từ lâu lại có quan hệ thân thiết, ta sẽ truyền linh khí cho cô. Tuy không thể giúp cô lập tức phục hồi nhưng chí ít cô có thể trò chuyện như xưa. Tôi giật mình ngẩng lên, không tin nổi vào tai mình. Cô ấy trở nên tốt bụng từ khi nào vậy? Truyền linh khí cho người khác sẽ hao tổn rất nhiều năng lượng của bản thân, nếu không phải là người thân thiết nhất của mình, trên đời này, làm gì có kẻ nào bằng lòng làm việc đó? Cô ấy chẳng buồn đếm xỉa đến ánh mắt băn khoăn của tôi, đặt ngón tay lên vết sẹo hình hoa sen trên trán tôi và niệm chú. Một luồng khí nóng truyền từ ngón tay cô ấy vào ấn đường của tôi, chỉ trong chốc lát đã lan khắp cơ thể, cho tôi cảm giác vô cùng thư thái, dễ chịu. Một lát sau, cô ấy ngừng lại, lấy hơi, nhìn tôi. Tôi thử cất tiếng gọi: - Lâu Cát... Tuy giọng nói vẫn còn khản đặc nhưng rõ ràng tôi đã có thể trò chuyện. Bát Tư Ba vui mừng khôn xiết: - Lam Kha, hay quá! Em lại có thể trò chuyện được rồi! Tôi sung sướng, vùi đầu vào lòng chàng, gọi đi gọi lại tên chàng. Khabi tủm tỉm: - Thôi thôi, đừng tình tứ trước mặt ta nữa. Tìm nơi vắng vẻ mà tâm tình, thủ thỉ. Gương mặt Bát Tư Ba đỏ như gấc chín, tôi xấu hổ quay mặt đi. Khabi lấy lại dáng vẻ đoan trang, thục hiền của một hoàng hậu, dặn dò tôi: - Cô vẫn còn nhớ các pháp môn đó chứ? Hãy chăm chỉ tu tập và đừng quên điều này, càng tu luyện hiệu quả cô càng có cảm giác buồn ngủ. Điều này hết sức bình thường, không nên lo lắng. Tôi và Bát Tư Ba đưa mắt nhìn nhau, ánh mắt chàng ngập tràn niềm vui. Kể từ khi Kháp Na qua đời, tôi chưa bao giờ thấy chàng cười. Nhưng hôm nay đã khác, nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện của chàng khiến tim tôi loạn nhịp. Tôi vội vã quay mặt đi để che giấu xảm xúc đó. Suốt khoảng thời gian sống trong phủ Quốc sư, Bát Tư Ba không lúc nào nguôi ngoai mỗi khi nhìn sang phủ Bạch Lan Vương phía đối diện. Vì thế, Hốt Tất Liệt đã đề nghị chàng dọn vào ở trong ngôi chùa Đại Hộ Quốc Nhân Vương vừa khánh thành, nằm bên sông Cao Lương. Ngôi chùa này do Hoàng hậu Khabi công đức tiền của để xây dựng, người ta trồng hàng nghìn cây mẫu đơn trong chùa. Hoa mẫu đơn, tiếng Tạng là “mai đóa nhiệt oa”, nghĩa là: vườn hoa. Mùa xuân về, hoa mẫu đơn đua nhau nở rộ, rực rỡ chẳng khác nào vườn Thượng Uyển trên Thiên Cung. Từ ngày trở về Trung Đô, Bát Tư Ba lại đầu tắt mặt tối. Bát Tư Ba là người đứng đầu Tổng chế viện mà Hốt Tất Liệt lập ra để cai quản nền Phật giáo của đất nước và các công việc chính sự liên quan đến vùng Tufan. Thêm vào đó, chữ Mông Cổ vừa được ban lệnh phổ cập, Bát Tư Ba phải đích thân truyền dạy mọi người cách sử dụng vì chàng là người sáng tạo ra hệ thống chữ viết mới mẻ này. Vì thế, ngày nào chàng cũng đi sớm về muộn, bận bịu thâu đêm suốt sáng, tôi chỉ gặp được chàng chốc lát vào buổi tối. Còn tôi, tôi có việc quan trọng phải làm. Hằng ngày, ngoài lúc ăn uống và ngủ nghỉ, tôi dành trọn thời gian và tâm sức cho việc tu luyện. Giờ đây, tôi đã thoát khỏi nỗi tuyệt vọng và đang nỗ lực không ngừng nghỉ vì mục tiêu: lấy lại hình hài con người! Lần đầu tiên trong đời, khát khao cháy bỏng ấy đến với tôi khi trái tim tôi rung động trước vị quốc sư tuổi trẻ tài cao, được mọi người sùng bái ấy. Còn bây giờ, khi đã nếm trải đủ những cay đắng, khốn cùng của cuộc đời, đã biết thế nào là sinh ly tử biệt, đã hiểu thế nào là tình yêu đích thực, trái tim tôi chẳng thể rung động được nữa. Trong lòng tôi lúc này, Dharma xếp vị trí số một. Tôi muốn có được hình hài con người để được ôm con trai tôi vào lòng. Đúng như Khabi dự đoán, sau mỗi ngày khổ luyện, tôi lập tức chìm vào giấc ngủ say. Thường thì, khi Bát Tư Ba về phòng, đã thấy tôi thiếp đi mê mệt. Hôm sau, khi tôi thức giấc thì chàng đã rời khỏi phòng ngủ từ lâu, chỉ còn chút hơi ấm vương lại trên gối và cốc sữa bò bốc hơi nơi đầu giường nhắc nhở tôi rằng, hôm nay, chàng lại tiếp tục vòng quay của chuỗi ngày đi sớm về muộn. Nhưng trong những lần gặp hiếm hoi, tôi hết sức thảng thốt vì hình như Bát Tư Ba đã già đi vài phần so với lần gặp trước. Năm nay chàng mới ba mươi lăm tuổi, vậy mà những nếp nhăn nơi đuôi mắt và trên trán cứ ngày một đậm hơn, sâu hơn. Tuy những nếp nhăn khiến chàng trở nên từng trải hơn, vững chải, trang nghiêm hơn, nhưng thực sự nó không hợp với tuổi tác của chàng. Tôi biết những năm qua chàng đã quá lao tâm khổ tứ vì việc chung, lại phải chứng kiến người thân của mình qua đời, nhưng dù vậy, khoảng thời gian ở Sakya, chàng không già nua nhanh chóng như trong vòng một năm trở lại đây. Tôi đã khuyên can và nài nỉ chàng đừng quá lao lực nhưng chàng chỉ mỉm cười đáp lại, tiếp tục thức khuya dậy sớm, tiếp tục già nua đi như thế. Ngày tháng thoi đưa, chớp mắt đã hết một năm. Năm 1270, thể theo nguyện vọng của Hốt Tất Liệt, Bát Tư Ba tổ chức lễ truyền pháp quán đỉnh Mật tông [3] cho Nhà vua. Hốt Tất Liệt ban tặng cho Bát Tư Ba ngọc ấn của vua Tây Hạ mà năm xưa Thành Cát Tư Hãn đã đoạt được khi công phá Tây Hạ. Ngọc ấn này đã được gia công thành ngọc ấn lục giác khi ban tặng cho Bát Tư Ba. Đồng thời, Hốt Tất Liệt sắc phong Bát Tư Ba làm đế sư với lời ca ngợi: “Ngài là bậc trên thông thiên văn dưới tường địa lý, đệ tử của đấng Phạm Thiên, hóa thân của Phật Đà, người đã sáng tạo ra chữ viết mới, gánh vác việc triều chính.” Bên cạnh việc ban ngọc ấn và sắc phong làm đế sư, Hốt Tất Liệt còn ban thưởng cho Bát Tư Ba rất nhiều vàng bạc, châu báu, lụa là, gấm vóc. Tất nhiên, toàn bộ số của cải này đã được Bát Tư Ba chuyển về Sakya làm kinh phí xây dựng đền Nam Sakya. Mùa hè năm đó, Sakya báo tin: bản khâm Shakya Zangpo viên tịch! Đại sư Shakya Zangpo đã ngoài sáu mươi, khi chúng tôi rời Sakya, sức khỏe của đại sư đã yếu đi nhiều. Mất mát này khiến Bát Tư Ba đau buồn một thời gian dài. Sau khi xét suy mọi bề, Bát Tư Ba gửi thư về Sakya, lệnh cho Kunga Zangpo kế nhiệm chức vị bản khâm đời thứ hai. Tôi vô cùng kinh ngạc: - Chàng giao cho một người thân phận thấp kém như Kunga Zangpo chức vị lớn lao ấy, chàng không sợ mọi người sẽ phản đối sao? - Kunga Zangpo đi theo ta và Kháp Na từ nhỏ, năng lực của cậu ta, ai nấy đều thấy rõ. Cậu ta là người già dặn, chín chắn, suy nghĩ thấu đáo, thận trọng. Công trình đền Nam Sakya là một công trình vĩ đại, xét thấy cả phái Sakya chỉ có mình Kunga Zangpo có thể đảm nhiệm được trọng trách này. Chàng đặt bút xuống, thổi cho khô các nét mực rồi quay sang nói với tôi: - Còn về chuyện xuất thân, hiện cậu ấy đã là con rể của phái Sakya, thế là đủ. - Người xưa nói không sai: “Yêu ai yêu cả đường đi.” – Tôi thở dài, trong lòng cứ phấp phỏng lo âu. – Bởi vì cậu ta là người mà Kháp Na tin tưởng nhất nên chàng cũng tin tưởng cậu ta tuyệt đối. Chàng trầm ngâm không nói, ngước nhìn màn đêm buông xuống ngoài cửa sổ. Gió đêm mang theo hơi nóng của ngày đầu hạ ùa vào phòng, thổi bay cánh màn. Chàng đột nhiên thẫn thờ, buột miệng: - Sắp ba năm rồi! Tôi ngỡ ngàng, lập tức hiểu ra điều chàng muốn nói. Tôi cúi đầu, nước mắt lã chã, lòng đau quặn. Kháp Na đã rời xa chúng tôi gần ba năm rồi... Ngày đêm với tôi không còn ý nghĩa nữa, ngoài những lúc miệt mài khổ luyện, tôi dành trọn thời gian để nghĩ về con trai. Không biết thằng bé đã lớn thêm được chút nào chưa? Không biết đã bi bô tập nói chưa? Chắc là con tinh nghịch, đáng yêu lắm. Chắc là con càng ngày càng giống cha. Mong là lúc mẹ lấy lại được hình hài con người, mẹ vẫn có thể ôm con trong tay. Bát Tư Ba ngày một già nua. Cứ cách một thời gian, ngắm nhìn chàng, tôi lại thấy chàng già đi rất nhanh. Chàng mới ba mươi sáu tuổi nhưng hai năm trở lại đây, chàng dường như đã già đi hơn mười tuổi. Những đường nét thanh tân trên gương mặt chàng đã hoàn toàn biến mất. Vóc dáng gầy gò càng thêm tiều tụy, lưng chàng còng xuống, chiều cao giảm hẳn, nếp nhăn trên trán ngày càng vằn vện, quá nửa chân tóc là màu trắng. Chàng rất chăm chỉ cạo đầu, hễ thấy chân tóc trắng là lập tức cạo sạch. Trước đây, mỗi lần chàng ra ngoài là đám đông các thiếu nữ lập tức xúm lại, chiêm ngưỡng, nhưng giờ đây, cảnh tượng đẹp đẽ đó không còn tái diễn nữa. Một ngày nọ, tôi gắng gượng chống lại cơn buồn ngủ để chờ chàng về. Tôi đã cấu vào chân mình để giữ cho đôi mắt không khép lại. Sau giờ Hợi, khi bàn chân tôi đã sưng đỏ, tôi mới thấy chàng bước vào phòng. Tôi nhảy lên lòng chàng khiến chàng giật mình: - Lam Kha, sao giờ này còn chưa đi ngủ? Em phải chịu khó ngủ thật nhiều mới nhanh phục hồi linh khí được chứ! ========= [3] Quán đỉnh Mật Tông là nghi lễ trong Phật giáo Kim Cương Thừa mà theo đó, các pháp được truyền theo hình thức tantra thông qua công đức vô lượng và năng lực của đại sư truyền pháp. (DG) Tôi trách móc: - Ngày nào chàng cũng chỉ ngủ có ba canh giờ, sau đó rời khỏi phòng giải quyết cả núi việc. Nếu em không nhẫn nại chờ đợi, chắc chẳng khi nào gặp được chàng. Chàng vuốt ve cái đầu nhỏ của tôi, vẻ mặt chẳng có gì là hối lỗi: - Chữ Mông Cổ vừa được ban hành, ta phải hướng dẫn quan lại trong triều cách dùng, còn phải soạn bài giảng nữa. Ta cũng muốn đưa em đi cùng, nhưng chắc chắn những công việc này sẽ khiến em cảm thấy buồn chán, nên em hãy chăm chỉ ở lại đây tu luyện thì hơn. - Em chờ chàng về không phải vì em cảm thấy buồn chán! – Tôi hơi bực, thúc cái mũi nhọn vào cánh tay chàng. – Chàng còn nhớ những lời dặn dò của Kháp Na không? Kháp Na không muốn chàng quá lao lực vì giáo phái hay vì trọng trách thống nhất đất Tạng. Kháp Na muốn chàng sống cho bản thân mình. Nghe nhắc đến Kháp Na, chàng chỉ biết im lặng. Tôi thở dài: - Lâu Cát, cho dù chàng không bận tâm đến sức khỏe của bản thân, không màng đến việc dung mạo của mình ngày một già nua thì chàng cũng phải nghĩ đến Dharma chứ? Nếu chàng qua đời, Dharma sẽ ra sao? Một đứa bé như nó làm sao gánh vác nổi trọng trách của giáo phái? Chàng khép hờ đôi mắt, hàng mi dài rung động, nụ cười gượng gạo: - Đừng lo, Đại hãn ban cho ta rất nhiều loại thuốc bổ quý hiếm. Ngày nào Dampa cũng sắc cho ta uống. Ta hứa với em, sau khi kết thúc chuỗi ngày bận rộn này, ta nhất định sẽ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng một thời gian và dành nhiều thời gian cho em hơn. Tôi muốn nói thêm nhưng không biết phải nói sao. Chàng lúc nào cũng vậy, chẳng bao giờ để ý đến sức khỏe của mình. Suốt cuộc đời, chàng chưa bao giờ sống cho riêng mình. Chàng vỗ nhẹ vào lưng tôi, dỗ dành: - Em mau ngủ đi, ta xem qua một lượt các công văn của Tổng chế viện gửi đến rồi sẽ đi nghỉ ngay. Cơn buồn ngủ lập tức ập đến, trước lúc thiếp đi, hình như tôi có cảm giác bị nhấc bổng lên và đưa đi đâu đó, có tiếng bước chân quen thuộc. Sau đó, tôi không còn biết trời đất gì nữa. Tết năm 1271, Hốt Tất Liệt dẫn theo Khabi và Chân Kim đến chùa Đại Hộ Quốc Nhân Vương lễ Phật, cầu phúc. Chân Kim đã lẻn đến gặp tôi. Cậu ta mang cho tôi món gà rán của quán Đức Thắng mà tôi thích nhất. Tôi thốt lên kinh ngạc rồi nhào đến ngấu nghiến, cắn xé món thịt thơm ngậy. Bạn bè chơi với nhau từ bé có khác, hiểu rõ tôi thích gì nhất. Lần nào đến chùa, Chân Kim cũng là người giúp tôi cải thiện bữa ăn. - Tiểu Lam, lẽ ra em phải là một hồ ly già cả rồi mới phải chứ! Vì sao ta không thấy em già đi chút nào? Bộ lông của em vẫn bóng mượt như thế, đôi mắt vẫn xanh lam, đáng yêu như thế. Chân Kim vừa nhìn tôi thả sức thưởng thức món ngon vừa bật cười khúc khích, thò tay đùa giỡn với chiếc cằm của tôi. Tôi khinh khỉnh nhìn cậu ta. Nếu thấy tôi lúc vừa trở về Trung Đô, chắc chắn cậu ta sẽ không nhận xét như vậy. Lúc ấy, đôi mắt của tôi tái dại, lông lá xác xơ, tơi tả. Mất hai năm trời khổ luyện, tôi mới lấy lại được dáng vẻ như bây giờ. Những ngày qua, tôi đã cảm nhận một cách rõ rệt, linh khí trong cơ thể ngày càng nhiều lên. Khứu giác, vị giác, thính giác và thị giác của tôi đều đã phục hồi. Tôi thử biến phép thì phần lớn đều thành công. Có lẽ chẳng bao lâu nữa tôi sẽ lấy lại hình dáng con người! Chân Kim đột nhiên buông một câu hỏi lạ lùng: - Không biết ở trên trời cô ấy có được bình an không? Cậu ta cúi đầu, thở dài, hàng lông mày dày, rậm xô lại, chừng như đang có rất nhiều tâm sự. - Năm năm qua ta chưa lần nào gặp lại cô ấy. Tôi sững sờ, cậu ta đang nói về tôi sao? Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi, Khoát Khoát Chân đã sinh cho cậu ta đứa con trai thứ ba. – Thiết Mộc Nhĩ, vậy mà cậu ta vẫn tưởng nhớ cuộc gặp tình cờ vào ngày lễ Sitatapatra đó ư? Tôi khẽ lắc đầu. Đối với cậu ta, cô gái tóc xanh, mắt xanh ấy chẳng qua chỉ là một ảo ảnh mà thôi. Vì buổi chiều tham ăn, chén cả con gà rán mà Chân Kim mang cho nên tôi hầu như không đụng đũa vào đĩa thức ăn buổi tối. Ăn uống xong xuôi, tôi cuộn tròn trên giường, lăn qua lăn lại một hồi vẫn không thấy buồn ngủ. Lạ quá, hai năm qua, tối nào cơm nước xong một lúc là tôi buồn ngủ rũ mắt kia mà, vì sao hôm nay không hề có cảm giác muốn ngủ? Tiếng bước chân quen thuộc của Bát Tư Ba vang lên ngoài cửa. Tôi tủm tỉm cười, nằm im trên giường vờ ngủ say. Cánh cửa kẹt mở, chàng bước về phía tôi, ôm tôi lên. Tôi định mở miệng dọa chàng nhưng lại thấy chàng cất bước rời khỏi căn phòng. Vòng vèo một hồi, tôi càng lúc càng nghi hoặc, chàng định đưa tôi đi đâu? Đến trước cửa một căn phòng lạ lẫm, chàng đẩy cửa bước vào như thể rất thông thuộc. Căn phòng được bài trí đơn sơ, một người con gái yêu kiều đang ngồi xoay mặt về phía cửa sổ. Nghe tiếng động, người con gái lập tức quay đầu lại, mỉm cười: - Thầy đến đấy à? Tôi toát mồ hôi khi nhận ra người đó là Khabi! ~.~.~.~.~.~ - Đến tận bây giờ tôi vẫn có thể đọc thuộc bản chiếu thư ban hành chữ Bát Tư Ba của Hốt Tất Liệt. Tôi đứng lên, chầm chậm cất bước trong căn phòng, khe khẽ đọc: - Trẫm dùng chữ viết ghi lại lời nói, ghi lại những sự kiện để người đời nay biết những việc của người đời trước. Quốc gia của trẫm bắt nguồn từ phương Bắc, phong tục cổ hủ, chưa có chữ viết của riêng mình, văn tự mà người Mông Cổ sử dụng là mượn từ chữ Hán và chữ Uyghur. Xét thấy các nước lân bang đều có chữ viết riêng, gặt hái được những thành tựu văn hóa rực rỡ. Những điều mà người đời tôn trọng là những điều ghi trước các cuốn sách... Do đó, trẫm đã hạ lệnh cho ngài Bát Tư Ba sáng tác ra chữ mới của Mông Cổ, dịch tất cả các chữ để mọi người đọc được mà hiểu biết mọi chuyện. Chàng trai trẻ tỏ ra băn khoăn: - Hốt Tất Liệt ra sức phổ cập chữ Bát Tư Ba là thế, vậy thì vì sao về sau, loại chữ này không được tiếp tục lưu truyền? - Bởi vì hình dạng của kiểu chữ này rất khó nhận biết. Thêm vào đó, một số địa phương vẫn phỏng theo kiểu chữ Triện của người Hán nên lại càng khó nhận biết hơn. – Tôi lật mở những bức hình trong sách và chỉ cho chàng trai trẻ từng chữ một. – Bởi vậy, mặc dù triều Nguyên đã nhiều lần hạ lệnh yêu cầu quan lại và dân chúng sử dụng chữ Bát Tư Ba khi ghi chép, viết lách, và thực chất là cũng có một số thư tịch được viết bằng chữ Bát Tư Ba, nhưng phần đông dân chúng vẫn tiếp tục dùng chữ Hán. Thế nên, chữ Bát Tư Ba chủ yếu chỉ được sử dụng trong các văn kiện của quan lại. Cậu ta quan sát và thử mô phỏng một chữ Bát Tư Ba, rồi gật gù, nói: - Quả thật rất khó phân biệt. - Sau khi triều Nguyên suy vong, chữ Bát Tư Ba dần dần bị đào thải, cuối cùng trở thành văn tự chết. Chàng trai ngẩng lên hỏi: - Vậy vì sao ngay cả Mông Cổ cũng không còn lưu truyền loại chữ này? Tôi cười: - Bởi vì nhà Nguyên chỉ là một trong bốn nước lớn của đế quốc Mông Cổ, chữ Bát Tư Ba chỉ được sử dụng ở triều Nguyên, các nước Mông Cổ khác không sử dụng loại văn tự này. Triều Nguyên sụp đổ, người Mông Cổ bị người Hán đuổi khỏi Trung Nguyên, chữ Bát Tư Ba từng được sử dụng rộng rãi ở Bắc Nguyên một thời gian. Sau đó, cùng với việc những người sử dụng loại chữ này bị các bộ lạc Mông Cổ khác đồng hóa, chữ Bát Tư Ba từ đó diệt vong. Chàng trai trẻ thở dài: - Vậy nên ngày nay, chúng ta chỉ có thể đọc được chữ Bát Tư Ba trên các di vật văn hóa.