Độc

Chương 25

"Ghê gớm chết cũng thành ma mà chân tình, quân tử có chết cũng ra xương tàn, một ả đàn bà váy mỏng không thân thế, phải canh cánh cơm áo mưu sinh như nó sẽ không dại dột làm cây thẳng cho người ta đốn lấy gỗ đầu tiên."​ Năm ấy, cô tú Đỗ Thị Mai Hoa vừa tạm biệt quãng đời học trò để chào đón bao ước vọng lớn đang lấp lánh nơi khung trời Đại học. Mai Hoa không xinh đẹp. sắc xảo song đoan trang nhu mì theo chuẩn mực một tiểu thư khuê các được dạy dỗ cẩn trọng. Hai bậc thân sinh đều theo nghiệp đưa con chữ sang sông, bố cô còn là giáo sư Văn Khoa danh tiếng. Tốt nghiệp tú tài, mẹ cô muốn con gái chọn một trường đại học trong nước nhưng bố lại muốn cô mở rộng đôi cánh, bay cao để nhìn ngắm toàn vẹn cuộc đời vốn chẳng mãi lụa là như vòng tay gia đình. Thế là cô run rẩy mà háo hức chờ đón cuộc sống độc lập nơi nước Pháp tráng lệ - vùng đất có những bài hát, những tác phẩm nghệ thuật êm ái ru lòng khách lãng du. Và giấc mơ kia đã vội lui xuống, nhường lại màn nhung cho một anh chàng biết ôm đàn hát tình ca, những tình ca của nước Pháp. Trong tiếng đàn lời ca, trong ánh mắt đắm đuối, trong nụ cười ngọt nào của chàng, cô đã tìm thấy một nước Pháp của riêng mình... Mười chín tuổi, Mai Hoa ngậm ngùi bỏ lại sau lưng dòng lệ đớn đau của mẹ, nỗi thất vọng ngút ngàn của bố để theo chàng về vùng đất đỏ xa xôi, ngày nắng đổ lửa đêm rét căm căm. Cô tin với tình yêu sắt son, gian truân chỉ là những viên sỏi lát dưới con đường dẫn đến hạnh phúc, rồi một ngày nào đó bố mẹ sẽ thấu hiểu và tha thứ, rồi câu thề “Nếu cô nhất định chọn đứa con trai ấy thì tôi xem như mình chưa từng có đứa con duy nhất này” của bố cô sẽ phai phôi, rồi cô và chàng sẽ mãi là đôi uyên ương không rời. Nhưng cuộc sống mới với bộn bề khó khăn cùng một gia đình chồng lạ lẫm, liệu tình yêu non nớt kia có đủ sức sinh tồn? Nhà chồng cô rất nghèo, ngoài mảnh vườn bạc màu ra chẳng còn gì, một nhà bốn người gần như sống dựa vào đồng lương cán bộ xã còm cõi của chồng cô. Ba năm, hai đứa con gái ra đời; ba năm, cô chưa một về thăm bố mẹ bởi gánh nặng mưu sinh oằn vai đã chiếm trọn ngày tháng; ba năm, hôn nhân vẫn chỉ là lời cam kết miệng. Từ một tiểu thư nắng không tới mặt mưa không tới đầu, cô đã học được cách làm sao vừa chăm con vừa chu tất việc nhà, việc nương rẫy. Em chồng còn đi học, bố mẹ chồng lại khó tính nên cô nào dám nề hà khó nhọc, cố gắng cáng đáng trong ngoài chẳng chút lơ là. Ấy vậy mà cô vẫn không được lòng nhà chồng, ngoài dăm tháng đầu đến thời điểm những món nữ trang đắt giá cô mang theo đều đã bán hết thì họ chưa từng xem cô là người nhà. Hai đứa trẻ sinh ra không được thừa nhận, nhà nội càng không buồn ngó ngàng đến tuy nhiên nếu chúng khóc la hay đau ốm, cô sẽ lập tức nhận được những lời giáo huấn cay nghiệt. Họ mắng cô tiểu thư nên lười nhác, vô dụng, ăn bám chồng dẫu cơm nước, vườn tược lẫn heo gà trong chuồng đều do một tay cô chăm nom từ sớm tinh mơ đến tối muộn. Họ chì chiết cô không biết sanh con, lại luộm thuộm, nhếch nhác, không xứng với quý tử nhà họ. Làm sao mà xứng cho được khi lợi nhuận từ đợt thu hoa màu này thì dành để may vài bộ quần áo mới cho chồng còn giao tế xã hội đến lứa heo xuất chuồng sau lại đóng học phí, mua sách bút cho em chồng, trong khi đàn gà đã được bố mẹ chồng đánh tiếng để sắm sửa giỗ chạp; ba mẹ con cô quanh năm chỉ luẩn quẩn chái bếp góc vườn nên quần áo nhàu nhĩ, bạc màu cũng có ai quan tâm đến. Tranh thủ vài rẻo nông nhàn hiếm hoi, cô quặn thắt nhớ về quãng ngày đã qua, lúc được bố mẹ ngợi khen hết lời khi cô xuống bếp nấu bữa chiều hay thời người đàn ông nay gọi là chồng vẫn luôn dịu dàng bung ô, che nắng đón mưa thay cô nhưng quá khứ chỉ còn là vệt hằn đớn đau. Thoáng chốc năm năm trôi đi, cô vẫn chưa một lần thăm hỏi bố mẹ mình trong khi khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng xa mù, ngoại trừ những lần chồng có nhu cầu sinh lý – họ gần như sống riêng. Hai năm gần đây, chồng cô thuyên chuyển công tác lên huyện nên thời gian anh ta ghé qua nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay mà có về thì trò chuyện với bố mẹ, thăm hỏi em gái vấn đề học hành, bù khú cùng xóm làng đã chiếm trọn. Con bé Thư lên bốn, Chi em nó gần ba tuổi, cô thêm vài lần sẩy thai nhưng bố chúng lại chẳng hề hay biết hoặc giả có biết cũng vô tâm quay mặt đi bởi câu nói cửa miệng của anh ta là: “Đàn ông lo việc đại sự bên ngoài đã đủ gian lao nên đàn bà muốn chồng yêu thương thì phải tròn bổn phận vợ hiền dâu thảo, tâm lý thông cảm cho chồng và biết bằng lòng với hạnh phúc đang có.” Cô vì lời này mà không suy tính thiệt hơn, hết lòng chăm sóc bố mẹ chồng, em chồng, chồng suốt ngần ấy năm hòng mong một hạnh phúc trọn vẹn. Tuy nhiên hy vọng ấy cứ nhạt dần nhạt dần theo những vòng quay mắng nhiếc của bố mẹ chồng xen lẫn tiếng cười mỉa mai của cô em chồng và hụt hẫng nhất chính là thái độ bạc bẽo của chồng. Cách đây hơn tháng, cô sẩy đứa con thứ năm; đêm qua, anh ta vẫn mặc nhiên đè cô xuống giường, hùng hục thỏa mãn bản lĩnh đàn ông xong liền kéo quần đứng dậy, không một lời động viện dẫu là man trá. Cô cảm giác bản thân còn rẻ rúng hơn cả gái làng chơi, phải chăng? Vậy mà cũng hai năm nữa trôi qua, cô vẫn không liên lạc được với bố mẹ nhưng lần này là do thư gửi đi rất nhiều mà hồi âm mịt mùng xa. Có lẽ họ chưa thể tha thứ cho đứa con gái duy nhất ngỗ ngược của mình... Có lẽ họ không còn ở ngôi nhà cũ... Có lẽ vì cô còn chưa dám đối mặt hiện thực nên lời lẽ trong thư chỉ đơn thuần là thăm hỏi qua loa... Có lẽ định mệnh chỉ thị muốn cô tiếp tục níu kéo cuộc hôn nhân này cho con gái có bố, cho bản thân cô một lần hạnh phúc... Nhưng trong tất thảy những có lẽ, cô luôn cố gắng trốn tránh nỗi sợ hãi rằng bố mẹ đã chẳng thể chờ đến ngày con cháu hồi gia. Cơn lo lắng tràn ngập sự day dứt, hối hận khiến sức khỏe cô ngày thêm suy yếu mà gánh nặng việc nhà chẳng giảm còn tăng, gia đình chồng khắc nghiệt ra mặt, vấn đề cô chẳng sinh được con trai là nội dung duy nhất mỗi khi họ mở miệng, chồng dường như thành người xa lạ khi anh ta khiến cô thương tổn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tuy nhiên điều cô phiền não nhất lại là hai đứa con gái còi cọc xanh mướt vẫn chưa được đến trường. Đứa chị rất nhút nhát, chỉ cần một tiếng quát to đã có thể khiến nó trở nên ngơ ngáo mất hồn. Đứa em ít nói với người nhưng suốt ngày tha thẩn trò chuyện cùng cỏ cây, heo gà – nó lì lợm hơn chị, đánh không khóc, quát không sợ, luôn mím môi như trêu ngươi. Liệu tương lai chúng sẽ đi về đâu? Nhìn con, mọi ý chí phản kháng, dứt bỏ cuộc sống hiện tại bỗng tan biến vì chúng cần một gia đình đầy đủ bố mẹ, ông bà; nhiệm vụ của cô là cố gắng nhẫn nhịn hơn nữa. Chẳng phải ông bà ta thường nói “Gái có công thì chồng không phụ” đó ư? Đầu đông năm ấy, cô mang thai lần nữa, chắc nhờ ơn trên thương xót nên thai nhi rất khỏe, ít hành mẹ. Bụng cô ngày càng tròn, ai gặp cũng bảo nhất định sẽ sinh quý tử, nhà chồng nghe thế cũng bớt cay nghiệt phần nào duy chỉ riêng chồng cô là hững hờ như không bận tâm. Thai đến tháng thứ sáu thì tiết trời đã vào hạ năm sau, trong một lần nhà có giỗ, anh ta đưa cả tình nhân về rồi chỉ thẳng vào mặt cô mà tuyên bố: “Con trai mới được phép ở lại cái nhà này, nếu là vịt trời nữa thì cút ra khỏi đây. Nhà tôi không dư cơm gạo nuôi lũ nữ sanh ngoại tộc.” Lúc ấy cô đang tất bật trong bếp lo thức cúng cộng ăn uống cho ba mươi con người. Lần đầu tiên trong bảy năm hôn nhân, cô ngẩng đầu trừng mắt nhìn thẳng vào anh ta: “Chúng đều là con anh, máu thịt của anh, sao anh có thể nhẫn tâm như vậy?” Anh ta cười khùng khục, hơi thở nồng nặc mùi rượu, mùi gà rô-ti do chính tay cô làm: “Con thì sao? Nuôi nó lớn tốn bao công bao của để rồi lại giống cô à?” ... Tháng năm, cô trở dạ sinh non vì trượt ngã trong chuồng lợn. Em chồng đi học xa, mẹ chồng bận sang thăm con gái nhà hàng xóm vừa sinh được quý tử đầu lòng, bố chồng vừa nghe con bé Ngọc Thư khóc gào đã bảo chuyện sinh nở dơ bẩn của đàn bà – ông không dây vào. Con bé Ngọc Chi nhìn chị co rúm ngồi cạnh người mẹ máu me lênh láng giữa đám heo hồi lâu rồi mím môi, lầm lũi đi như chạy sang nhà bác Bảy đầu ngõ. Bác Bảy chẳng bà con gì nhưng rất thương chị em nó, thường hay vuốt tóc còn len lén dúi cái bánh que kẹo mỗi lần gặp nó lang thang trong xóm, chẳng giống những người nó bị buộc phải gọi là ông bà, là bố, là cô. Họ ăn cá thịt còn mẹ con nó chỉ gặm xương, nhai rau già. Họ ngủ phòng kín gió, chăn êm đệm ấm trong khi ba mẹ con nó ở chái tranh cạnh bếp, hạ nóng cháy da, đông rét buốt thịt. Họ trước mặt thiên hạ thì ngọt ngào nhưng sau lưng lại đánh mắng tựa hồ kiếp trước, nó vô tình phạm thượng vào mộ phần của họ. Người phụ nữ tên Bảy vội vàng đóng cửa hàng nước, tất tả đưa cô đến trạm xá. Chồng Bảy thì đạp xe gần hai mươi cây số dưới mưa gió đầu mùa để báo tin cho chồng cô. Cô sinh khó, bác sĩ yêu cầu phải có người thân đại diện để hoàn tất thủ tục chuyển viện lên tuyến trên. Vì nể mặt chồng Bảy cùng là nhân viên công quyền nên anh ta đành miễn cưỡng chấp nhận có mặt tại phòng bảo sanh nhưng không đồng ý ký giấy tờ bởi trên pháp luật, đôi bên nào có ràng buộc gì. Cô lại hạ sinh con gái, đứa bé chết do ngộp ối từ trong bụng mẹ còn thai phụ băng huyết dẫn đến mất máu khá nhiều, nếu không tiếp máu khẩn cấp sẽ mất mạng mà thời buổi khốn khó ấy, máu đắt hơn cả vàng. Anh ta hay tin liền qua loa dăm câu rồi dặn Thư ở lại bệnh viện để bản thân về nhà xoay tiền. Đến chiều muộn, anh ta vẫn không quay lại, Thư khóc lả trong vòng tay Bảy và cô đã không còn cơ hội ôm lấy hai đứa con gái khổ mệnh một lần cuối cùng. Phần số của ba người đàn bà được quyết định ngay lúc cô buông tay! Trong lúc cô ra đi đớn đau nơi bệnh viện dưới thân phận không chồng mà đẻ thì chồng cô vội vàng quay về nhà, gọi người đến bán tống bán tháo tất thẩy lợn gà trong chuồng. Chưa hết, anh ta còn biết cô vẫn luôn giữ một đôi hoa tai ngọc khá lớn – món của hồi môn do bà ngoại để lại; vì vậy, căn chòi rách nơi ba mẹ con cô vẫn trú liền được một phen càn quét tung tóe. Cuối cùng, giữa mớ quần áo cũ nát, anh ta đã tìm ra món đồ mình cần. Gót giày tây hân hoan dẫm mạnh lên chiếc áo lụa màu hồng nằm chơ vơ giữa sân nhoe nhoét bùn đỏ. Con Chi hoảng hốt lao đến hòng dùng thân mình chở che cho chiếc áo ấy – món quà sinh nhật đầu tiên mẹ tặng nó. Giọng nó thều thào mà lạnh lẽo: “Bố! Chừng nào mẹ về?” Mũi giày thô cứng sượt ngang qua trán con Chi, tạo nên vệt rách rướm máu nhưng anh ta không chút xót thương: “Tránh ra! Con mẹ chỉ biết sinh vịt trời của mày nó không về nữa đâu.” Đó là câu nói cuối cùng anh ta để lại làm của hồi môn cho con gái mình. Ôm chiếc áo lụa hồng đã chuyển sang sắc cam đỏ, con bé Chi bò lê trên nền đất, ngước đôi mắt trẻ thơ vốn chẳng bao giờ trong veo nhìn theo bóng dáng người nó gọi bằng bố đang dần nhạt nhòa dưới cơn mưa tháng năm. Cả người con bé lấm lem một màu đỏ nhờ nhờ như màu máu pha nước mắt. Ngày đưa cô ra đồng trời mưa như trút hờn, con bé Thư đi trước, nước mắt hòa nước mưa ướt đẫm linh vị tạm bợ bằng tấm ván tạp khắc vội mấy dòng tên tuổi. Con bé Chi lầm lũi theo sau chị, mười ngón chân bé tẹo bấm chặt vào bùn nhão cho khỏi ngã – bức ảnh trắng đen đã ố màu trên tay nó loang loang nụ cười tỏa nắng của một cô gái đương độ xuân tràn. Cô gái ấy và hình hài héo hon im lìm trong manh chiếu cói thay cỗ áo quan kia là một ư? Tám năm... thời gian đáng sợ hay lòng người vỗn dĩ đáng sợ? Một đời đàn bà vừa về đất, tiễn đưa chỉ có hai đứa con gái cút côi, vợ chồng nhà Bảy cùng hai cậu thanh niên xung phong đủ nhân ái thừa xa lạ. Từng nắm đất... từng nắm đất... từng nắm đất... lấp đầy mộ huyệt chẳng sâu, từ từ dựng nên bức tường vĩnh hằng giam cầm tuổi thơ nát nhàu của hai đứa trẻ rồi kéo lê chúng nó trên những dãi dây gai tưới máu. Con bé Thư bỗng dưng thôi khóc, đưa tay vuốt tóc em thay mẹ và cất giọng khàn đặc vì khóc gào quá nhiều: “Mẹ lên trời rồi, sau này em phải ngoan thì mới được lên trời với mẹ, biết không? Con bé Chi gật gật, hướng ánh mắt chơ vơ ngập tràn hy vọng lên bầu trời mây giăng xám xịt trên đầu; mưa rơi thẳng vào mặt nó, tràn vào mắt vào hốc mũi, cay xè. Nó mếu máo van nài: “Mẹ ơi, con ngoan mà, cho con theo với...” Bác Bảy gái đứng sau lưng hai đứa trẻ chợt òa lên nức nở. Bác Bảy trai len lén quay đi, khịt mũi một tiếng nho nhỏ. Hai vợ chồng bất nhẫn nhìn nhau tự hỏi, nghĩa tử là nghĩa tận mà gia đình nhà nội còn chẳng ló mặt thì tương lai của hai đứa trẻ này liệu sẽ về đâu? Cô theo về xóm này đã được tám năm, lễ phép với xóm giềng nhưng lại rất kín đáo, nói đúng hơn là không có thời gian để trò chuyện thêm dẫu dăm câu nên chẳng ai hay biết hoàn cảnh nhà ngoại cụ thể ra sao. Ngày trước, mọi thủ tục hành chánh đều tin tưởng làm theo mọi an bài của chồng, từ việc khoan kết hôn chờ anh ta thăng tiến vững vàng đến việc khai sinh cho con chỉ có tên mẹ. Chính vì sự ngoan hiền có phần dại dột này đã khiến hai đứa trẻ cô rứt ruột sinh ra thêm lần nữa thương tổn khi chứng kiến cảnh bố đẻ đứng trước mặt chúng, trâng tráo phủi sạch mọi quan hệ huyết thống mà rằng, thấy cô trót nhỡ dại nên gia đình anh thương xót cưu mang chứ chẳng phải vợ chồng như mọi người vẫn nhầm tưởng. Lời quan có gang có thép, xóm giềng dẫu xót hộ cũng chỉ xầm xì dăm cao chê trách; hơn nữa, gia đình anh ta đã chuyển nhà lên phố ngày sau khi cô mất. Rồi từ đấy, hai đứa trẻ bắt đầu chuỗi ngày vật vờ sống nhờ vào tình tha nhân, hôm rau cháo nhà này, mai khoai sắn nhà kia. Cuộc sống khó khăn, xóm lại là xóm nghèo nên giúp đỡ được như thế cũng đã là quá sức người. Nhờ bác Bảy trai ra sức lo liệu, chạy vạy để hai chị em được nhập khẩu chính thức vào nhà mình nên tám tuổi, con bé Chi bắt đầu đến trường. Nhà hai vợ chồng bác Bảy dẫu chồng công chức, vợ mở hàng ăn nhưng vẫn chạy ăn từng bữa bởi họ còn hai đứa con dại cộng thêm song thân phụ mẫu già yếu. Có lẽ vì thế mà con bé Thư nhất mực không chịu đi học, xin phép được ở nhà phụ việc vặt cho bác Bảy gái. Thoáng chốc, con bé Chi đã lên lớp Sáu; con bé Thư ngoài phụ việc ở nhà bác Bảy còn tranh thủ thời gian rỗi ra chợ xem ai cần thuê gì thì làm nấy, bất kể sớm tinh sương hay chiều muộn. Hai đứa con của bác Bảy đang tuổi ăn tuổi lớn trong khi cấp lớp càng cao học phí càng nhiều chẳng thể mãi trơ tráo tạo thêm gánh nặng cho hai bác. Sau nhiều lần thuyết phục hai bác, chị em cất chòi tranh tạm ở cuối vườn, tự túc rau cháo nuôi nhau và tuyệt nhiên không nhận thêm bất kỳ sự giúp đỡ nào khác vì mấy năm gần đây, mẹ bác Bảy trai càng lúc ốm càng nặng nên chi phí thuốc thang như cơn bão kéo ngang, càn quét tất thảy những chắt góp bao năm của hai bác, khiến cảnh sống càng lúc càng túng thiếu. Chi học rất giỏi dẫu các giáo viên luôn phê bình là kém năng động, thiếu hòa đồng. Tám năm đến trường, Chi chưa từng kết giao với bất kỳ người bạn nào. Ngày qua ngày, Chi đến trường với đúng một chiếc áo trắng ngả màu cháo lòng sờn chỉ cùng đôi dép nhựa chắp vá, mòn vẹt vì quãng đường gần mươi cây số và hối hả trở về nhà sau khi tiếng trống tan trường vang lên để chăm bà. Bà là mẹ của bác Bảy trai, đã lẫn lại bị bán thân bất toại đã mấy năm nay. Chi âm thầm làm tốt mọi việc từ giúp bà ăn uống, tắm giặt, thu dọn chất thải đến ngồi yên nghe bà mắng; mặc cho hai bác hết lời khuyên can, thậm chí còn dọa sẽ không cho ở trong đất nhưng tấy thảy đều không lay chuyển được quyết tâm của đứa trẻ lạc mất tuổi thơ ấy. Thư đã thành cô thiếu nữ đôi tám giỏi giang, vén khéo. Vài anh chàng bắt đầu ngấp nghé theo đuổi nhưng gương mẹ còn chưa mờ, rồi liệu người ta có chấp nhận bảo bọc Chi hay không khiến Thư lần lựa mãi vẫn không dám gật đầu. Cho đến một ngày cuối hạ có anh chàng xã bên sang chợ vô tình gặp Thư đang chạy việc cho quán phở nức tiếng nhất vùng. Ấn tượng đầu tiên trong Thư về anh chàng kia là nụ cười chân chất như thóc như khoai. Anh chàng lại liêu xiêu đổ vì nét mặt cam chịu và ánh mắt buồn của Thư. Đôi bên cứ thế chạm mặt nhau thường xuyên hơn, câu chuyện cũng không còn gượng gạo mấy lời thăm hỏi bâng quơ nữa. Thư thi thoảng đã mỉm cười, mắt cũng bớt buồn! Cuối năm ấy, chàng trai đưa Thư về ra mắt, mọi việc những tưởng đã yên vui nếu như con của chị gái chàng trai không vô cớ đánh mất một chiếc hoa tai. Thư lại là người ngoài duy nhất bế con bé cả khoảng thời gian đủ dài. Tất nhiên gia đình họ cũng đã nghe qua về gia cảnh nhà Thư nên trong lúc xót của, mẹ đứa bé đã chẳng ngại ngần khẳng định ai là kẻ trộm. Anh chàng kia đứng giữa chẳng biết phải tin ai ngờ ai nên chỉ đành giảng hòa bằng cách hứa đến tháng lương sau sẽ mua một đôi hoa tai mới cho cháu. Chết lặng nhìn người đàn ông mình đã đặt một nửa lòng tin, Thư cười khan một tiếng và quay lưng kết thúc đoạn tình cảm vừa mới bắt đầu; dẫu ngay hôm sau chiếc hoa tai bị đánh cướp ấy đã được tìm thấy, mắc vào tấm khăn trải bàn nước bằng vải đính những hạt nhựa trong lấp lánh và anh chàng cũng đã hết lời xin lỗi. Thư lại trở về căn chòi của mình, nguyện dành cả phần đời còn lại thay mẹ chăm sóc Chi – cô em gái dường như không biết cười đúng nghĩa. Chớp mắt đã hơn nửa năm, những tháng hè ngắn ngủi trôi qua với khoảng tiền học phí lớp Chín như quả bóng lửa treo lơ lửng trên mái đầu hai chị em Thư. Chi dù sao cũng là thiếu nữ trăng tròn, không thể cứ đến trường với duy một chiếc áo ngả màu đất đỏ và quần cũn cỡn trên mắt cá chân cả đoạn. Nhưng khoản kiếm được từ chân chạy việc vặt ngoài chợ cộng thêm nuôi dăm con gà, trồng mươi luống rau cũng chỉ tạm đủ đắp đổi miếng ăn, thuốc men qua ngày vì sức khỏe Chi rất kém. Thậm chí những hôm mưa gió, bác Bảy còn phải ép buộc bọn họ nhận cân khoai, ít cá khô, chưa kể bữa sáng của hai chị em đều ăn miễn phí tại hàng của bác. Chỉ còn hai ngày nữa là niên khóa mới khai giảng, Thư như rồ dại vì vẫn chưa tìm được cách xoay đủ tiền học phí cho Chi mà chẳng biết phải chia sẻ cùng ai bởi nếu Chi biết sự thật, ắt hẳn cô bé sẽ nhất quyết bỏ học. Nên cả chiều ấy, Thư đứng ngồi không yên, tay chân lóng ngóng đến độ bà chủ hàng phở cũng phải cau mày bận tâm. Phụ việc quán đã hơn ba năm, luôn trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau nhưng chưa lần nào Thư tỏ ra bất an thế này. Ở vùng quê hẻo lánh này, bảy giờ đêm đã là muộn, bên trong quán phở đang lục tục đóng cửa, ngoài đường thưa thớt vắng bóng người qua. Dưới ánh đèn măng-xông vàng ợt, bà chủ quán nheo mắt nhìn Thư hồi lâu rồi tặc lưỡi lắc đầu ra ý thương xót: “Con về trước đi Thư, cứ để đống chén đũa đó cho cô.” “Dạ, tráng qua nước nữa là xong rồi cô Ba.” Thư vẫn thoăn thoắt tay làm, đầu chỉ hơi ngẩng lên lễ phép đáp lời. Quán nằm ngay trên trục quốc lộ, nhà Thư cũng chỉ cách đây độ non cây số nhưng đường xá rất xấu, lại phải băng ngang qua khu bến xe cũ chuyện tập trung dân tứ chiếng giang hồ nên bà chủ luôn cho phép Thư về sớm, ngoại trừ những hôm cuối tuần muộn khách như hôm nay. Bà phủi phủi hai tay vào vạt áo, cất bước đến chỗ mấy chậu bát to rồi ngồi xổm xuống cạnh Thư: “Có chuyện gì buồn nói cô nghe, coi cô có giúp được gì bây không.” Đôi môi luôn tái nhợt của Thư cố nặn ra nụ cười méo mó như cố trốn tránh ánh mắt thân thiết nơi đối phương. Đơn độc lặng lẽ mười mấy năm cũng đã thành quen, Thư dần quên lãng cách thức đón nhận sự cảm thông từ người khác. Môi lại mím chặt vào nhau, im lặng kéo dài cho đến khi hình ảnh Chi bỏ học, ngày ngày quẩn quanh chăm bà ốm, giúp bác Bảy bán hàng rồi lợn gà, mớ rau xâm chiếm toàn bộ trí não, Thư vô thức bật ra tiếng van nài: “Cô cho con ứng lương trước mười ngày được không cô?” Thư nhận lương theo ngày, mỗi ngày mười nghìn. Trái ngược với thái độ nửa lúng túng nửa âu lo của Thư, bà chủ liền vui vẻ gật đầu: “Cái con nhỏ này, tưởng chuyện gì. Đóng học cho nhỏ em phải không? Cô cho bây ứng nửa tháng luôn đó.” Con gái bà học cùng lớp Chi, học phí cộng thêm nhiều khoảng linh tinh khác cũng phải hơn trăm nghìn, đó là chưa kể sách bút, áo quần. Thư run run cầm số tiền trên tay, niềm vui như vỡ òa qua khóe mắt long lanh nước khi cúi gập người để cảm tạ bà chủ. Quãng đường tối đen từ quán về nhà bỗng sáng và gần hơn bao giờ hết, tương lai của Chi nhất định cũng sẽ như thế. Sau khó khăn lần này, Thư càng răn đe bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa, tuyệt đối không để luyến ái phân tâm bởi chỉ duy nhất mình Chi mới là máu thịt vĩnh viễn, là tin yêu trường tồn. Những kỳ vọng tương lai cứ chầm chậm khắc họa lên trong tâm trí khiến nụ cười trên môi càng lúc càng tươi nhuận hơn, nhịp chân cũng vì thế thêm nhanh. Bỗng dưng, bóng xe Simson cùng hai tên đàn ông chắn ngang trước mặt, một tên xương xẩu cười khùng khục, tên còn lại giương đôi mắt đỏ ngầu hau háu như thú hoang tìm được mồi ngon nhìn vào Thư... Chừng mấy mươi phút sau, âm giọng thiếu nữ gào thét được thay thế bằng tiếng van xin bi ai trong cơn cùng cực. Đêm đã muộn, ánh trăng khuyết cuối mùa le lói soi rọi hình ảnh một thân hình còm cõi đang gắng gượng chút lực tàn bám chặt vào đuôi chiếc xe phóng như bay trên mặt đường lởm chởm đất đá. “Trả tiền lại...” Nhưng tiếng khẩn cầu bi thống nhỏ dần rồi chìm vào khúc truy điệu của côn trùng hợp xướng cùng cơn gió rít gào tiễn hồn về chốn thinh không. Sau đêm ấy, Chi chỉ còn lại một mình bởi Thư đã được đưa ra đồng cạnh bên mẹ. Chi không khóc lóc, không vật vã, chỉ đưa ánh mắt chênh vênh vô hồn vào xa xăm vô định suốt cả buổi chiều, đến tận lúc mưa gió kéo đến. Bác Bảy nhiều lần bảo Chi vào ở cùng nhưng nó luôn lắc đầu chối từ, một mình lâu mãi đã thành quen! Năm niên học kế tiếp, Chi vẫn học rất giỏi nhưng hạnh kiểm chưa bao giờ vượt qua mốc Khá do thường xuyên đi học muộn lại từ chối tất cả mọi hoạt động đoàn đội. Mỗi sáng, Chi thức dậy từ tinh mơ, phụ bác Bảy dọn hàng xong tất tả đến trường; trưa về lùa vội bát cháo loãng hoặc củ khoai rồi sang chăm bà, tranh thủ học bài để kịp giờ ra hàng phở cô Ba khi bóng nắng vừa chênh chếch hướng Tây. Thời cấp III của Chi đã trôi qua như thế, trong câm lặng nhọc nhằn. Chi đỗ Á Khoa ngành Sinh Hóa của một trường đại học danh tiếng hàng đầu – kỳ tích chấn động cả huyện nhà bởi bao nhiêu năm qua chưa từng có xảy ra trường hợp tương tự. Hai mươi tuổi, Chi nuốt ngược tiếng thở dài đắng chát vào hồn, quyết tâm rời xa mảnh đất thừa yêu thương dư oán hờn này để dấn thân vào cuộc mưu sinh khác, còn khốc liệt hơn nơi đô thị phù hoa. Ngày đi, bác Bảy gái rưng rưng nước mắt, ép nó phải nhận hai bộ quần áo đẹp nhất mà bác chỉ dám mặc mỗi khi Tết đến hoặc có tiệc tùng sang trọng cùng hơn năm trăm nghìn tiền học phí kỳ đầu, trong đó có những tờ tiền lẻ còn vương mùi bún bò; cô Ba hàng phở thết nó bát phở đặc biệt, len lén dúi mấy tờ tiền vào cái túi bóng thay cho vali trên tay nó; bác Bảy trai xin nghỉ làm nửa ngày, mượn chiếc xe đạp của ông chủ tịch xã rồi còng lưng đưa nó xuống tận bến xe Huyện. Dưới ánh nắng giữa hè oi ức, bác Bảy trai yêu thương vỗ đầu Chi: “Thượng lộ bình an nghe con gái! Một thân một mình giữa thành phố rộng lớn, cái gì cũng phải nhìn trước ngó sau, nghe không? Có gì thì điện thoại về trụ sở ban ấp tìm bác, đừng có sợ phiền hai bác.” Lần đầu tiên trong cuộc đời này, Chi được trìu mến gọi là “con gái” nên chẳng biết phải khóc hay cười mới hợp tâm trạng, cứ ngây ngô nhìn bác Bảy trai đến tận lúc tiếng người lơ giục lên xe. Nó khom lưng, cúi đầu xuống thật thấp, âm giọng run lên nghèn nghẹn: “Dạ, con xin lỗi vì không thể tiếp tục chăm bà. Hai bác giữ gìn sức khỏe, hè con về.” Xe chầm chậm lăng bánh, qua ô cửa kính vàng ố, Chi gấp gáp nói với ra: “Nhờ bác chăm sóc phần mộ mẹ với chị con giúp con...” Vậy là quãng đời sinh viên nhục nhằn đã bắt đầu với Chi. Thân gái quê kệch lại chẳng có sắc vóc hơn người, nó khó khăn lắm mới xin được công việc rửa chén bát trong một nhà hàng sang trọng, lương bị chèn ép nhưng bù lại được một bữa ăn cộng thêm thời gian tương thích với thời khóa biểu học và giờ khóa cổng ký túc xá. Lượng bài vở ngành Hóa Sinh khá nặng, nó như con thoi giữa trường và nhà hàng nên một năm đã trôi qua vẫn chưa hề biết thế nào là phồn hoa phố thị. Cuối năm nhất, nó hay tin bác Bảy gái do vất vả dài ngày dẫn đến viêm phổi nặng, viện phí vét sạch đến đồng bạc cuối cùng trong nhà mà sức khỏe vẫn chưa tiến triển nhiều. Mùa hè ấy, nó giữ đúng lời hứa quay về thăm nhà, mang theo đến mấy triệu đồng. Hai bác hỏi, nó bảo là lương làm thêm dư dả nên ngoài các chi phí sinh hoạt còn trích ra được một khoản tích lũy. Xưa nay, nó chẳng biết cười nên lúc nó mở to đôi mắt, cười nói vui vẻ khi nhắc đến số tiền thì hai bác lập tức tin. Ừ! Nó biết cười rồi song đấy là nụ cười bằng cơ hàm của một ả đàn bà trơ tráo vừa rao bán tấm màng sinh học mang tên trinh tiết của mình mà không chút luyến tiếc hay cảm thấy ô nhục. Chi ở nhà hai hôm lại quay xuống thành phố, tiếp tục bốn năm sinh viên với đủ loại công việc làm thêm. Từ một cô bé quê mùa, nó đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh đủ tốt, biết đi nhẹ nói khẽ cười duyên trên những gót giày cao nhọn. Chỉ duy nhất nhân sinh quan của nó chưa từng thay đổi nếu không muốn nói rằng ngày càng cay nghiệt hơn, vẫn ít nói cười, không màng tin yêu và thực dụng một cách đáng sợ. Sau lần đầu tiên làm đàn bà kia, nó tuyệt nhiên không tùy tiện để đàn ông trêu đùa cũng chẳng đong đưa đa tình nhưng vẫn kịp kiếm cho mình một anh chàng có gia thế tốt kèm thêm bản lĩnh cá nhân đủ tài giỏi. Ghê gớm chết cũng thành ma mà chân tình, quân tử có chết cũng ra xương tàn, một ả đàn bà váy mỏng không thân thế, phải canh cánh cơm áo mưu sinh như nó sẽ không dại dột làm cây thẳng cho người ta đốn lấy gỗ đầu tiên. Với một anh chàng – một chỗ dựa cơm áo vững chắc - thì nó sẽ có nhiều thời gain và điều kiện chứng minh năng lực thực hơn. Tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi cộng thêm những mối quan hệ sẵn có, Chi đường hoàng bước vào văn phòng một tập đoàn dược phẩm tầm cỡ khu vực. Sau hơn hai năm miệt mài phấn đấu, Chi đã mua được nhà riêng, đưa tro cốt của mẹ và chị về gần, xây sửa nhà cho bác Bảy và biến cái tên Đỗ Trần Ngọc Chi thành Đỗ Chi Lăng. Chi Lăng là vùng đất đã ghi dấu chân thơ dại của mẹ nó – ngày xưa, mẹ vẫn thường dỗ chị em nó ngủ bằng những dòng hoài niệm xa xăm. Nó còn muốn tìm lại nguồn cội ông bà ngoại nhưng trí óc non nớt ngày ấy chẳng còn sót lại gì ngoài hai chữ “Chi Lăng” này. Gần năm năm trước, khi đang trên đà sự nghiệp thăng tiến thuận lợi, tình ái viên mãn thì cô gái tên Chi Lăng ấy bỗng dưng bỏ việc, cắt đứt mối quan hệ nam nữ tưởng chừng rất tốt đẹp mà không có bất kỳ lý do hay sang chấn tâm lý nào và lựa chọn rủi rong trên những cung đường hư ảo mịt mờ tiếng thở dài tô xám môi cười. Cô tham gia vào nhóm, từ bỏ cả tấm hộ chiếu quê mẹ nhằm thuận lợi hơn cho công tác rồi bình thản để lại sau lưng bao lời đàm tiếu, bao lợi danh một thời xa xăm...