Khi Đỗ Phồn tỉnh dậy đã là quá trưa ngày hôm sau. Ngồi ngẩn ngơ trên giường một lúc lâu, cô vẫn chưa hoàn hồn sau những việc kinh sợ đã xảy ra với mình đêm hôm qua. Xâu chuỗi lại những sự việc tối qua, Đỗ Phồn càng nghĩ càng thấy rối rắm. Đầu tiên là tiếng gõ cửa bất chợt lúc đêm khuya của Apollo, rồi hộp cà phê không biết ở đâu ra xuất hiện trên bàn. Kế đó là những lời nói đầy ẩn ý của người thầy giáo ấy. Anh ta nói nhà anh ta ở Olympus. Anh ta nói anh ta thích ánh sáng. Anh ta nói bóng tối là con đường ẩn thân của nhiều kẻ… Và còn… Đưa ánh mắt về phía cửa sổ, nơi bụi trường xuân đang yên bình đung đưa theo gió, Đỗ Phồn mơ hồ nghĩ liệu lẽ nào chuyện đêm qua chỉ là một giấc mơ? Nhưng không! Những vết bầm đỏ trên cổ tay nhắc nhở cô rằng tất cả đều là sự thật. Rồi cả quầng sáng màu vàng chói mắt. Cả hai giọng nói với hai thanh âm lẫn lộn vang lên trước khi cô chìm vào mộng mị. Một giọng nói trầm ấm nhưng đầy răn đe cho kẻ gọi là “em gái”. Thanh âm ấy…hình như là của Apollo? Còn một giọng nữ lạnh lẽo đầy sát khí vang lên, nói rằng sẽ…trả thù… Càng suy nghĩ, Đỗ Phồn cảm thấy như mình bị lôi vào một mớ bòng bong rối tung rối mù. Chả nhẽ…cô bị…ma ám? Không phải chứ? Lắc mạnh đuổi những suy nghĩ ấy ra khỏi đầu, Đỗ Phồn ngồi dậy chuẩn bị cho ca học buổi chiều. Tầng trên của căn nhà đặc biệt yên ắng. Apollo đã đi khỏi từ lúc nào không hay. Cũng đúng, vì chiều nay là tiết Lịch sử Âm nhạc Phương Tây của anh ta dạy. --- Lớp học là nơi yêu thích của Đỗ Phồn, nhưng lại không phải là một nơi yên tĩnh như cô mong muốn. Đám sinh viên trộn lẫn Âu Á hầu hết đều là tinh anh, và tất nhiên, lắm tài thì nhiều tật. Kỷ luật là một khái niệm ít khi xuất hiện trong đầu của đám anh tài này. Tuy nhiên, vẫn có một số ít những tiết học được họ xếp vào loại “ngoại lệ”. Trong những tiết ấy, bạn có thể thoải mái lắng nghe bài giảng mà không sợ những âm thanh ầm ĩ hay thái độ đối phó từ phía những người bạn cùng lớp của mình. Tiết học Lịch sử Âm nhạc Phương Tây là một trong số hiếm hoi đó. Trước đây thì không phải như vậy. Những thứ dính tới “Lịch sử” là thứ mà sinh viên luôn muốn tránh né nhất. Nhưng từ khi thầy giáo điển trai Apollo trở thành giáo viên bộ môn mới, thì Lịch sử Âm nhạc Phương Tây là tiết được mong chờ nhất cả tuần, ngoại trừ Đỗ Phồn. Là một học sinh chăm học, lại có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc, Đỗ Phồn hầu như yêu thích tất cả mọi môn ở học viện này. Trong khi mà đám sinh viên bận rộn với vui chơi, tiệc tùng, với những câu chuyện về các chàng trai, thì cô luôn chăm chú hướng mắt lên bảng, lắng nghe kĩ từng lời của giảng viên. Âm nhạc là tình yêu của cô. Hơn nữa, nếu không học, cô có thể làm gì trong cuộc sống tẻ nhạt của mình đây? Vậy nhưng, cô sinh viên chăm học Đỗ Phồn lại luôn cúi đầu xuống trong tiết Lịch sử Âm nhạc Phương Tây kể từ khi Apollo tới dạy. Lúc này đây, người thầy giáo mà cô luôn tránh né đang đứng ngay ngắn trên bục giảng. “Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho các em một nhạc cụ của người Hy Lạp cổ.” Apollo giới thiệu. Anh kéo thừ gì đó từ dưới bàn, đặt nhẹ nhàng lên trên mặt bàn trước ánh mắt trầm trồ của lũ sinh viên. Đó là một cây đàn Lia*! Một cây đàn Lia vô cùng tinh xảo. Đôi tay Apollo lướt nhẹ trên từng dây đàn, tạo thành những âm điệu trong trẻo những đứt quãng. Anh từ tốn kể: “Thần thoại Hy Lạp kể lại, cây đàn này chính là vật đã được chàng Orpheus* mang theo xuống âm phủ để tìm kiếm vợ của mình…” Cầm cây đàn, Apollo chậm rãi bước xuống phía dưới, đi quanh lớp học để mọi người có thể chiêm ngưỡng nó. “Truyện kể rằng Eurydice, vợ của Orpheus, bị rắn cắn chết trong ngày cưới. Đau lòng trước cái chết của nàng, Orpheus cất lên tiếng ca đau thương, khiến cho thiên nhiên, thần tiên phải rơi lệ. Tìm đường xuống địa phủ, với cây đàn lia (lyre) và tài âm nhạc của mình, Orpheus đã thuyết phục Hades và Persephone, vị vua và hoàng hậu của âm phủ, động lòng thương, cho phép Eurydice về lại dương gian, với một điều kiện: cho đến khi cả hai lên đến được dương thế, Orpheus phải giữ im lặng và không được ngoái lại nhìn người vợ đi đằng sau…” “Vậy nhưng với niềm thương nhớ sâu nặng và tình yêu quá mãnh liệt của mình, Orpheus đã không làm được điều đó…” “Sau cái quay đầu của chàng, linh hồn vợ Orpheus đã biến mất…mãi mãi…” Câu nói kết thúc cũng là lúc đôi chân Apollo dừng lại ở phía bàn Đỗ Phồn. Đặt cây đàn lên chồng sách vở trước mặt cô, Apollo mỉm cười hỏi: “Đỗ Phồn, em còn biết truyền thuyết nào về cây đàn này nữa không?” “Đó chẳng phải là vật biểu tượng của vị thần cùng tên với thầy sao, thưa thầy?” “Chỉ vậy thôi ư?” Không hiểu sao cô cảm thấy giọng của Apollo có chút…mong đợi? “Chỉ vậy thôi,thưa thầy.” Đỗ Phồn nhàn nhạt đáp. “Vậy để tôi nhắc em nhớ. Cây đàn này không chỉ là vật mà Apollo luôn mang theo bên mình. Bằng cây đàn Lia này, ngài đã tấu lên những khúc tình si để bày tỏ tình cảm với nàng Daphne. Không chỉ vậy, ngàn năm sau khi Daphne biến thành nguyệt quế, Apollo vẫn đêm đêm gẩy lên những bài nhạc…mong chờ người vợ của mình sẽ trở về…” Giọng điệu Apollo đều đều, nhưng ẩn trong đó có chút nỗi niềm bi thương. “Đã là chuyện ngàn năm, sao thầy còn rõ như vậy, thưa thầy?” Đỗ Phồn gằn nhẹ. Cô thực sự không thích ai đó mang thần thoại quê hương ra làm trò đùa. “Tôi suy ra…từ tâm lý của một kẻ si tình…như tôi chẳng hạn!” Bốn chữ “như tôi chẳng hạn”, Apollo ghé vào tai Đỗ Phồn, nói nhỏ chỉ đủ để cô nghe thấy. Hơi thở mát lạnh của Apollo phả bên tai, Đỗ Phồn lại cảm thấy khó chịu và bức bách. Cô nhanh chóng quay mặt tránh né sự đụng chạm ấy. “Xem ra thầy không chỉ giỏi việc dạy học.” Cô mỉa mai. “Tôi giỏi cái gì, rồi em sẽ còn rõ hơn nữa.” Apollo cười bí ẩn. Lúc vị thầy giáo qua lưng đi lên bảng. cô bạn người Anh cạnh Đỗ Phồn mới đẩy nhẹ tay cô: “Sao cậu có vẻ ác cảm với thầy giáo vậy?” Cô bạn thắc mắc. “Vì tớ thấy anh ta nguy hiểm!” Đỗ Phồn nói nhỏ. Không hiểu sao, sau lời nói của cô, bước chân đang hướng lên bục giảng của Apollo bỗng ngưng lại. Sẽ không phải là anh ta nghe thấy đấy chứ? Không thể nào!! Khoảng cách…xa như vậy? Trước nỗi sợ hãi của cô gái, Apollo tiếp tục hướng về phía bục giảng. Bên tai anh vẫn văng vẳng câu nói của Đỗ Phồn. “Vì tớ thấy anh ta nguy hiểm…” Nguy hiểm? Anh mang lại cho người khác cảm giác bức bách vậy sao? Lẽ nào bởi vậy, mà cô đã trốn chạy khỏi anh từ kiếp trước? Lớp học trở lại yên ắng. Nhưng không khí dường như có vẻ trầm xuống hơn hẳn lúc nãy. Đúng lúc đó, những tiếng bước chân từ hành lang vang lên. Cánh cửa lớp được đẩy ra, thầy giáo chủ nhiệm vốn cả năm không thấy mặt, lúc này đây lại xuất hiện, lần thứ hai trong tháng! “Chào các em, xem ra tháng này lớp ta được đón tiếp nhiều người mới!” Thầy giáo hồ hởi. Lũ sinh viên lại được dịp nhao nhao! Sau sự xuất hiện của Apollo, bọn họ đều mong “người mới” kế tiếp đây sẽ là một mỹ nam, hay một mỹ nhân cũng được. “Xin giới thiệu với các em một người bạn mới cũng đến từ Hy Lạp như thầy Apollon đây. Bạn…Orion!” Cánh cửa lớp học lại một lần nữa được đẩy ra. Một bóng dáng cao lớn bước vào. Làn da màu mật khỏe khoắn… Mái tóc nâu nhẹ nhàng bay theo làn gió… Nụ cười ấm áp như ánh dương… Trái tim Đỗ Phồn lúc này bỗng cảm thấy đau nhói. Giữa sự vỡ òa của đám sinh viên, cô gái nhỏ thẫn thờ nhìn chàng trai đang đứng trên bục giảng. Tại sao…cô lại cảm thấy quen thuộc đến vậy? Tại sao…trái tim cô bỗng dưng lại đau đớn như vậy? Tại sao? Cùng lúc đó, ánh mắt của Orion dừng lại nơi Đỗ Phồn. Ngay sau đó…cậu tiến về phía cô gái nhỏ đang thẫn thờ ấy. Chống hai tay lên bàn, Orion cúi sát vào mặt Đỗ Phồn. Giọng nói ấm áp của cậu xen lẫn vui mừng khôn tả: “Cuối cùng…cũng tìm được em rồi.” Orion ôm chầm lấy Đỗ Phồn trong sự ngơ ngác của cô, và của cả lớp! Lúc này đây, không ai chú ý tới vầng sáng màu đỏ rực ẩn hiện xung quanh người thầy trên bục giảng. Đôi mắt của Apollo ngày một tối thẫm lại. Cái nhíu mày của anh mang theo sự tức giận đang cố kìm nén. Viên phấn trong tay Apollo giờ đây đã…vỡ vụn! --- Chú thích: - Đàn Lia: Từ thời Hy Lạp, đàn lia gắn liền với một thể loại âm nhạc thời bấy giờ - thi ca, và nó cũng trở thành biểu tượng của âm nhạc từ khi ấy. Theo thần thoại, người góp phần lớn nhất trong việc sáng tạo ra cây đàn lia và thi ca là Orpheus, con trai của vua Oeagrus xứ Thrace và nữ thần thi ca Calliope. Đàn Lia cũng là một trong những biểu tượng của thần Apollo - Chàng Orpheus: Orpheus (tiếng Hy Lạp: Ορφεύς) là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, con trai của vua Oeagrus xứ Thrace và nữ thần thi ca (muse) Calliope. Trong một số truyền thuyết khác thì Orpheus là con trai của Apollo và Calliope. Orpheus không được đề cập đến trong các tác phẩm của Homer và Hesiod, nhưng được biết đến vào thời của Ibycus (khoảng 530 TCN), một trong 9 thi sĩ danh tiếng của Hy Lạp cổ đại.