Hôm sau hoàng thượng ở lại Visao. Ngự y Villie được triệu đến mấy lần. Ở tổng hành dinh và trong các đạo quân đóng quanh Tổng hành dinh, có tin đồn thánh thể bất an. Theo lời của những người thân cận, thì Người không ăn uống gì và đêm ấy ngủ không yên giấc. Sở dĩ hoàng thượng xem mình như vậy là vì cái ấn tượng mà cảnh quân lính thương vong đã ghi sâu vào cái tâm hồn dễ xúc cảm của Người. Tảng sáng ngày mười bảy, một sĩ quan Pháp, cầm cờ trắng là dấu hiệu của sứ giả đi điều đình, đến đồn tiền tiêu xin yết kiến Nga hoàng và được đưa đến Visao. Viên sĩ quan ấy là Xavary. Hoàng thượng vừa mới nghỉ được một lát và Xavary phải chờ. Vào giữa trưa, y được vào bệ kiến và một giờ sau lại trở về với dồn tiền tiêu của quân Pháp, cùng đi với công tước Dolgorukov. Có tin đồn rằng mục đích cuộc công cán của Xavary là đề nghị một cuộc hội kiến giữa hoàng đế Alekxandr và Napoléon. Hoàng thượng đã từ chối cuộc hội kiến, và điều đó làm cho ba quân rất mừng rỡ và tự hào. Vì vậy Dolgorukov là tướng đã thắng trận Visao được cử đi theo Xavary, thay mặt hoàng đế thượng nghị với Napoléon, nếu trái với mọi sự mong đợi của mọi người, Napoléon, có ý muốn xin giảng hoà thật. Đến tối, Dolgorukov trở về vào thẳng ngự dinh và ở lại rất lâu với hoàng thượng. Ngày mười tám và mười chín tháng mười một, các đạo quân tiến thêm hai đoạn đường và các đồn tiền tiêu của quân địch lại lùi, sau vài phát súng qua lại. Từ giữa trưa ngày mười chín, các giới chỉ huy cao cấp nhộn nhịp sôi nổi khác thường và tình hình ấy kéo dài đến sáng ngày hôm sau, hai mươi tháng mười một, là ngày diễn ra trận Austerlix đáng ghi nhớ. Kể cho đến giữa trưa ngày mười chín, chỉ có giữa hai tổng hành dinh của vua Nga và vua Áo mới thấy có một tình hình khẩn trương nhộn nhịp, nào những cuộc bàn luận sôi nổi, nào những tin tức qua lại nào những chuyến đi công cán của các sĩ quan phụ tá. Bắt đầu từ giữa trưa ngày hôm ấy thì cảnh nhộn nhịp lan đến cả tổng hành dinh của Kutuzov và bộ tham mưu của các tướng chỉ huy quân đoàn. Đến chiều, do sĩ quan của các tướng truyền đi, tình hình nhộn nhịp đã lan khắp quân đội từ tiền quân đến hậu quân, và đêm mười chín rạng ngày hai mươi toàn thể quân đội đồng minh gồm tám vạn người rời bỏ trại, rầm rập tiến lên thành một trận tuyến khổng lồ rộng tới chín dặm Nga. Sự chuyển động tập trung phát ra hồi sáng từ tổng hành dinh hai hoàng đế và thúc đẩy toàn thể quân đội, cũng chẳng khác nào sự chuyển động đầu tiên cửa chiếc bánh xe lớn trong một cái đồng hồ khổng lồ. Từ từ, một trong các bánh xe bắt đầu quay, rồi một cái thứ hai, rồi một cái thứ ba; rồi thì các bánh xe răng cưa to nhỏ và các trục nang dọc lần lượt chuyển theo, mỗi lúc một nhanh: rồi chuông đánh, những pho tượng nhỏ diễu qua, và, đôi khi chỉ chờ phút quay đều đều, cho thấy kết quả cuối cùng của toàn hoạt động. Cũng như bộ máy đồng hồ, bộ máy quân sự cũng phải chạy đến cùng sự chuyển động đầu tiên phát ra, và bộ phận của nó cũng đều nằm yên cho đến khi được đẩy đi. Các bánh xe quay ken két trên trục, răng cưa khớp vào nhau, sức quay nhanh làm cho những bánh xe nhỏ rít lên, thế mà cái bánh xe bên cạnh vẫn nằm yên, tương chừng sẽ còn nằm nguyên như thế hàng trăm năm nữa. Nhưng khi đã đến lúc, một cái răng cưa cuốn nó đi, thế là theo đà chuyển động nó quay tít và kêu vù vù góp phần vào hoạt động chung mà nó không hề hay biết kết quả và mục đích. Trong cái đồng hồ chuyển động phức tạp của vô số bộ máy rốt cục làm cho đôi kim chuyển chầm chậm và đều đều để chỉ thời giờ; và cũng hệt như vậy, những chuyển động phức tạp của mười sáu vạn quân vừa Nga, vừa Pháp này, những mối nhiệt tình, những dục vọng, ước mong, hối tiếc, tủi hổ, đau xót, những mềm kiêu hãnh bồng bột, những mối lo sợ bồn chồn, những nỗi hân hoan cuồng nhiệt của họ, tất cả những thứ đó va chạm nhau, trộn lẫn vào nhau, đều không đưa đến kết quả nào khác là sự thất bại trong trận Austerlix cũng gọi là trận Ba Hoàng đế(1), nghĩa là đưa đến một chuyển động rất chậm của cái kim lịch sử thế giới trên mặt đồng hồ lịch sử nhân loại. Ngày hôm ấy, công tước Andrey thường trực và không rời khỏi tổng tư lệnh. Vào khoảng hơn năm giờ chiều Kutuzov đến tổng hành dinh và, sau một cuộc hội kiến ngắn với hoàng đế, đến gặp đại nguyên soái ngự tiền là bá tước Tolstoy. Bolkonxki liền thừa dịp đến hỏi Dolgorukov về tình hình chi tiết. Công tước Andrey cảm thấy Kutuzov đang cáu gắt và bất bình, mà ở tổng hành dinh người ta cũng đang bất bình về Kutuzov và mọi người đều nói với ông bằng cái giọng của kẻ biết được một điều gì mà người khác không biết; và chính vì vậy chàng muốn hỏi chuyện Dolgorukov xem sao. Dolgorukov bấy giờ đang uống trà với Bilibin nói: - A. Chào các bạn. Mai là ngày hội lớn đấy. Còn các cụ nhà anh thì nghĩ thế nào? - Ông ta đang cáu lắm phải không? - Tôi không cho là ông cụ đang cáu, theo tôi thì chẳng qua ông cụ chỉ muốn người ta nghe ý kiến mình thôi. - Nhưng mà người ta đã nghe ông ấy ở hội đồng quân sự và người ta còn nghe nữa khi nào ông ta nói có lý; còn đang lúc này, Buônapáctê không sợ gì hơn là một trận đại chiến, mà lại trì hoãn để chờ đợi, chẳng biết chờ đợi cái gì, thì không thể được. Công tước Andrey nói: - À thế anh đã gặp Buônapáctê? Buônapáctê như thế nào? Anh thấy hắn thế nào? - Vâng, tôi đã gặp hắn và biết chắc rằng hắn không sợ gì cho bằng một trận đại chiến. - Dolgorukov nhắc lại và rõ ràng là rất thích thú với cái kết luận mà ông ta đã rút ra được từ cuộc hội kiến này - Tại sao lại chịu điều đình và nhất là lại lui quân, mà lui quân là một việc hết sức trái ngược với phương pháp tác chiến của hắn? - Anh hãy tin tôi, hắn đang sợ, sợ một trận đại chiến, giờ tận số của hắn đã đến. Tôi cam đoan với anh là thế. Công tước Andrey lại hỏi: - Nhưng anh hãy kể lại cho chúng tôi nghe anh thấy Buônapáctê như thế nào? Hắn ta là một người mặc áo đuôi én màu xám, rất thích tôi gọi là "Bệ hạ", nhưng đáng buồn cho hắn là tôi không gọi bằng tước hiệu gì cả. Hắn là như thế đấy, và không còn gì khác hơn nữa. - Dolgorukov vừa nói vừa liếc sang Bilibin mỉm cười. Ông nói tiếp: - Tuy tôi rất kính trọng cụ Kutuzov, tôi cũng thấy rằng chúng ta mà còn chờ nữa và để cho hắn có dịp chuồn đi hay là lừa ta một vố trong lúc hắn đang chắc chắn nằm trong tay ta thì thật là đẹp mắt. Không được! Không nên quên Xuvorov và nguyên tắc của ông ta. Không bao giờ nên tự đặt mình vào cái thế bị tấn công mà phải tự mình tấn công trước. Các anh hãy tin tôi, ra trận thì tinh thần cương quyết hăng hái của phái trẻ thường chỉ đường chiến thắng chắc hơn tất cả kinh nghiệm của các lão tướng Cunctartor(2). Công tước Andrey nói: - Nhưng chúng ta tấn công địch ở vị trí nào? Hôm nay tôi đã lên các đồn tiền tiêu và chịu không thể biết được đích xác lực lượng chính của quân địch bố trí ở chỗ nào? Chàng muốn nói với ông Dolgorukov về kế hoạch tấn công mà chàng đã nghĩ ra. Dolgorukov đứng dậy, vừa trải lên bàn một tấm bản đồ vừa nói nhanh: - À! Hắn ở đâu cũng thế thôi! Mọi trường hợp đã được dự kiến hết: nếu hắn là Bruyn… Rồi Dolgorukov trình bày rất nhanh và lộn xộn kế hoạch tiến quân bên sườn do Vairother dự định. Công tước Andrey phản đối mấy điểm và trình bày kế hoạch của mình, một kế hoạch cũng có thể hay không kém gì kế hoạch của Vairother, nhưng gặp trở ngại là đưa ra sau khi kế hoạch kia đã được chuẩn y. Khi chàng muốn chứng minh những khuyết điểm trong kế hoạch kia và những ưu điểm trong kế hoạch của mình, thì công tước Dolgorukov không nghe nữa và đáng lẽ nhìn vào bản đồ thì lại nhìn chàng một cách lơ đãng và nói: - Vả lại hôm nay sẽ họp hội đồng quân sự ở hành dinh Kutuzov anh có thể đem trình bày tất cả các điểm này. - Chính thế, hôm nay tôi sẽ nói. - Công tước Andrey vừa nói vừa rời khỏi bản đồ. Bilibin từ nãy đến giờ chỉ mỉm cười vui vẻ lắng nghe câu chuyện giữa hai người, giờ mới chêm vào với dụng ý rõ ràng là muốn bỡn cợt. - Nhưng mà các ngài bận tâm vì cái gì mới được chứ? Dù mai chúng ta thắng hay bại, vinh quang của quân đội Nga cũng vẫn được vẹn toàn cơ mà. Ngoài Kutuzov của anh ra, có vị tư lệnh quân đoàn nào là người Nga nữa đâu. Này nhé: tướng quân Vimpfen, bá tước đơ Langeron, công vương Lichtenstein, công vương Hohenlohe và sau cùng là Prsch… Prsch… và vân vân, như mọi tên Ba Lan khác. Dolgorukov nói: - Im đi, đồ ác khẩu… Không đúng thế đâu, bây giờ đã có hai tướng là người Nga: Miloradovich và Dolgorukov, lại có thêm một người thứ ba nữa: bá tước Arakseyev nhưng thần kinh ông ta yếu lắm. - Chắc ông Mikhail Ilarionovich đã họp xong. Thôi, xin chúc các vị may mắn. - Công tước Andrey nói đoạn bắt tay Dolgorukov và Bilibin rồi đi ra. Trên đường về, nhìn Kutuzov ngồi yên lặng bên cạnh mình, Công tước Andrey không thể không hỏi xem ông ta nghĩ thế nào đến trận đánh ngày mai. Kutuzov nghiêm nghị nhìn người sĩ quan phụ tá của mình, yên lặng một lúc rồi đáp: - Tôi nghĩ là trận này sẽ thua và đó là điều tôi đã nói với bá tước Tolstoy, nhờ bá tước tâu lên hoàng thượng. Và anh có biết là bá tước trả lời tôi thế nào không. "Ấy! Tướng quân thân mến ơi, tôi chỉ dự bàn việc gạo, thịt, còn việc đánh nhau thì ông bạn lo lấy". Vâng… Người ta trả lời cho tôi như thế đấy. Chú thích: (1) Đầu thế kỷ 19 ở châu Âu có ba hoàng đế thì đều dự trận này cả: một bên là Napoléon đệ nhất, Hoàng đế Pháp, một bên là Frantx đệ nhị. Hoàng đế Áo - Hung và Alekxandr đệ nhất, Hoàng đế Nga. (2) Trong cuộc chiến tranh giữa Canhago và La Mã, thời cổ đại (218 - 202 trước công nguyên) danh tướng Canhago là Annibal tiến quân vào lãnh thổ La Mã như vũ bão, đánh tan hết các đạo quân thiện chiến của La Mã. Bấy giờ Fabiux được công cử làm nguyên soái. Chiến lược của Fabiux là tránh giáp trận, kéo dài cuộc cầm cự, dùng thời gian mà tiêu hao khí thế và lực lượng của đối phương. Nhờ chiến lược khôn ngoan ấy mà La Mã khỏi bị tiêu diệt. Nhưng người đương thời không hiểu, cho Fabiux là hèn nhát và phản bội và gọi ông là Cunctator nghĩa là "Người trì hoãn". Trong các ngôn ngữ Tây Phương Cunctator có nghĩa là người chỉ huy quân sự dè dặt, khôn ngoan, không hành động sôi nổi, để chờ thời cơ thuận tiện. Trong các cuộc chiến tranh chống Napoléon, chiến lược của Kutuzov chính là tranh những trận đánh vô ích để chờ thời cơ, dùng chiến tranh nhân dân mà đuổi địch.