Bát tiên đắc đạo
Chương 88 : Nguyệt lão đứng ra hòa giải nhị lang thu hồi chó ngao
Lã Động Tân hỏi :
- Nguyệt lão hiện ở trên cung trăng, gần chỗ tiên cô, có thể tới Quán Khẩu, giải thích chuyện này với Nhị Lang được không?
- Vì việc này, hiện giờ Trương Quả đại tiên đang nhờ tôi giao thiệp với Nguyệt lão, cốt ý mời ông ấy tới Quán Khẩu một chuyến. Nguyệt lão vì việc nghĩa, khó nỗi từ chối. Bây giờ, tôi phải trở về cung trăng, trước tiên giải quyết việc này cho ổn thỏa, nhân tiện nhờ Nguyệt lão đưa tin cho Nhị Lang, nói rõ cho ông này biết chuyện con chó ngao đang gây rối. Nhị Lang không thể vì chuyện riêng trong gia đình mà bỏ bê công vụ, đến nỗi quên luôn con chó, không ngó ngàng gì tới, để nó có cơ hội lẻn xuống phàm trần, gây hại cho người vô tội, trong đó có gia đình Vương viên ngoại, bị thiệt hại nhiều nhất. Ông ấy là người có trách nhiệm, không muốn hại ai bao giờ, một khi nghe được chuyện này, tất nhanh chóng thu hồi chó ngao, trừ hại cho dân, đồng thời giải vây cho anh, há chẳng phải một công đôi việc hay sao ?
Động Tân mừng rỡ, bái tạ Hằng Nga, nói :
- Nếu không được tiên cơ quan tâm giúp đỡ, đệ tử thật tình khốn đốn, không nghĩ ra được cách gì để giải quyết, chẳng biết ngày nào mới lên được Lư Sơn học kiếm pháp, hại tới Hà đại tiên cô nóng lòng chờ đợi.
- Đây là việc chung, mọi người cùng lo giải quyết. Theo lời Trương đại tiên nói, đạo hữu có lai lịch rất lớn, chẳng những chúng tôi không bì kịp, ngay cả các đại la thiên tiên cũng không hơn được. Hiện nay, tuy đạo hữu còn đang tìm hỏi đạo, nhưng đến lúc cần thiết, sẽ có người tiên chiếu cố, bảo hộ.
Hằng Nga nói rồi, nhoẻn miệng cười, nói lời tạm biệt. Tức thì, mây ngũ sắc lại hiện ra trước mặt, Hằng Nga leo lên. Đám mây từ từ lên cao, khoảnh khắc đã lên đến lưng chừng trời, Hằng Nga đứng trên đó, đưa tay vẫy chào. Động Tân tiễn tiên cô đi rồi, định thần nhìn lại, thấy mình vẫn đang ở nhà họ Vương. Lại ba ngày nữa. Không thấy chó quái trở lại, cũng không được tin tức gì về Nhị Lang.
Khuya hôm đó, tập xong bài tập luyện khí, Động Tân vừa tính lên giường đi nghỉ, chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng gió ào ào, thầm lấy làm lạ. Nhìn ra bên ngoài. Qua lớp giấy dán cửa sổ, thấy đầu hói của một vị hòa thượng ló ra, dường như đang rình rập, thăm dò, cách xa hơn mười bước. Động Tân có nhãn lực khác xa người thường, có thể nhìn rõ được mọi vật từ xa. Nhưng anh ta bẩm sinh có tính trung hậu, tuyệt đối không nghi ngờ có ai làm ác, nên cũng không đề phòng kẻ gian. Nhìn một hồi, cho rằng chẳng có chuyện gì, mới tắt đèn đi ngủ. Ai ngờ, lát sau lại có tiếng gió nổi lên, lần này ào ào một trận, Động Tân nghi ngờ, nghĩ thầm : "Chẳng phải là chó quái ảo hóa thành nhà sư, tìm đến gây sự ư ?". Nghĩ vậy, nhưng vẫn không trở dậy, qua tấm màn che nhìn ra xa, thấy một hòa thượng mạnh mẽ, đang dùng tay cào lớp đất bên dưới lớp tường dầy, khoét được một lỗ hổng rất lớn, chui qua chỗ đó, bò vào. Lúc này Động Tân đã nhìn rõ, nhận ra Tri Viên hòa thượng, hôm trước đã cùng với anh tới đây bắt yêu. Nghĩ ông này làm trò kỳ quái như thế, ắt phải có ý đồ gì xấu, mới leo xuống giường, thắp đèn lên, đường hoàng bước ra gặp Tri Viên. Tri Viên thấy mặt Động Tân, không nói gì cả, trước nhất nhìn chăm chú vào chiếc áo đạo Động Tân đang mặc, sau đó mới lên tiếng hỏi :
- Lã đạo hữu, cho bần tăng mạo muội hỏi một câu. Chiếc áo đạo hữu đang mặc, có phải vẫn khoác trên mình đạo hữu từ hôm đó hay không ?
Động Tử, cười đáp :
- Đệ tử nghèo rớt mồng tơi, làm gì có chiếc áo thứ hai ?
Tri Viên lại ngắm nghía một hồi nữa, lại cầm đèn soi cho rõ, hân hoan nói :
- Đúng đấy, đúng đấy. Vừa rồi ở trong bóng tối, nhìn không rõ lắm, cứ tưởng mầu áo hôm nay khác với mầu chiếc áo anh mặc hôm nọ. Nay nhìn kỹ, đã nhận rõ là cùng mầu. Bây giờ, tôi muốn thương lượng với anh một việc nho nhỏ, chẳng biết có chịu đáp ứng hay không ?
Bấy giờ, Động Tân đã đoán được bảy, tám phần ý đồ của Tri Viên, liền cười, đáp :
- Chỉ cần đừng tổn hại cho tôi, mà có lợi cho hòa thượng thì có gì mà chẳng tuân mệnh ?
- Không thể nói là không tổn hại cho anh, nhưng tổn thất đó kể ra cũng không lớn. Nói cho dứt dạt là có tốn thất cho anh, nhưng anh cũng không nên từ chối. Thưa thực với anh, từ hôm chia tay cùng anh, lòng tôi cứ thắc thỏm, từng giờ từng phút nghĩ tới…
Tri Viên bỏ lửng câu nói, Động Tân vội nói :
- Đội ơn quan tâm, cảm kích vô cùng.
Tri Viên ngớ mặt ra một lúc, sau suy nghĩ lại về lời nói của Động Tân, bát giác thổi "Phì !" một tiếng :
- Khoan đã, khoan đã ! Tôi với anh là chỗ bèo nước gặp nhau, có gì mà quá quan thiết tới anh ? Tôi chỉ nghĩ tới chiếc áo đạo của anh thô !
Động Tân đã hiểu rõ ý nghĩ của Tri Viên, cười cười, nói :
- Thì cũng kể như là quan thiết vậy. Chiếc áo đạo là đồ vật đệ tử mặc trên mình, mà hòa thượng để ý tới, thì đệ tử cũng phải cảm kích chứ.
- Anh quá khách sáo rồi. Nhà chùa chúng tôi chỉ nói thực tế, không hoa mỹ. Nói thực với anh, từ hôm đó, tôi luôn nghĩ tới chiếc áo đạo, tuy hiện tại đang khoác trên mình anh, giá mà đưa tôi sử dụng thì hay hơn. Vì thế, hàng ngày tôi tiếp cận bên anh, rình lúc anh đi ngủ, lấy về, bảo quản thay anh. Nói xin lỗi, đạo sĩ các anh là hạng nhỏ nhen, chiếc áo đạo đáng giá bao nhiêu, mà mỗi ngày, từ sáng tới tối đeo dính bên mình, lúc đi ngủ cũng không chịu cởi ra, ngay cả khi đại tiểu tiện cũng thế. Tôi rình sáu ngày liên tiếp, có lúc ấn mình đằng sau nhà, có khi núp dưới chân tường. Có hôm, tôi ở trên đỉnh màn, ngóng tới nửa đêm. Nếu anh không tin, tôi trưng bằng chứng cho anh coi. Tôi thấy anh đứng ở trong sân, cùng một cô gái nói đủ thứ chuyện, những gì là thần Nhị Lang, Lý Thiết Quài… còn có một phu nhân nào đó, và những thổ thần. Đứng nói riết, nói riết, không biết mỏi chân nữa chắc ? Lã đạo huynh, hãy nói thật tôi biết, người con gái đó là ai ? Tại sao không thấy cô ta từ ngoài cửa tiến vào, cũng không thấy anh mời cô ta ngồi xuống đất nói chuyện, và sau đó cô ra đi bằng cách nào ? Đừng nói cô ta cũng giống như tiểu tăng, có tài phi thiềm tẩu bích đấy nhé .
Động Tân thấy Tri Viên nói những lời trái lễ nghĩa như thế, bất giác vừa buồn cười vừa tức giận, liền cười, nói : :
- Thật tình tôi không thể đem tên họ và lai lịch của cô gái đó nói cho ông nghe được. Là một vị hòa thượng, sao ông lại tò mò, thọc mạch như thế ? Tôi nói ra, chỉ sợ làm tăng khẩu nghiệp của ông mà thôi. Thật tình lòng tôi không nỡ hại ông, xin thứ lỗi không thể nói ra.
Tri Viên nghe vậy, chẳng những không tức giận, còn tươi cười nói :
- Toàn những lời vớ vẩn, nói ra chẳng ích lợi gì. Nói thật cho anh biết, từ hôm đó ta đã hiểu ra rằng anh là hạng người bủn xỉn, nhỏ nhen. Bất luận thế nào, anh không thể cởi áo đạo ra, là vì bên mình chẳng có vật gì đáng giá, chỉ có độc nhất một chiếc áo, cởi ra rồi, lấy đâu quần áo lót che thân ? Nói tóm một lời, chiếc áo đạo này, anh không thể cởi ra được.
Động Tân cười lớn tiếng, nói:
- Nói đúng quá đi mất. Thượng nhân tả cảnh bần cùng của bần đạo, cứ như vẽ ra trước mặt, hoặc giả ông được nhìn tận mắt, cũng không bằng. Nhưng người xưa có nói : người quân tử gặp lúc khốn cùng, vẫn giữ vững tiết tháo" , thì nghèo khổ có hại gì ? Chúng ta chỉ cần phóng nhãn quang cho xa, giữ khí lực cho lớn, việc gì phải hau háu nhìn tài vật của người khác, hở ra là nghĩ cách trộm cắp ? Đáng tiếc cho hạng người đó, cho dù giàu có nhất nước, mà phẩm hạnh đem vất đi, thì còn gì là tư cách con người nữa chứ ? Hạng người đó, cho dù giầu có cách mấy, cũng là người bỏ đi.
Tri Viên vẫn cười, nói :
- Anh cũng giỏi chửi bới người ta. Nhưng nên biết rằng người nào đã đạt tới trình độ như bọn ta, thì thưởng hay phạt, khen ngợi hay chửi mắng, cũng vô dụng thôi. Cần nhất là để ý tới lợi ích thực tại thôi. Anh có nói hay, nói giỏi thế nào, ta vẫn là ta. Hôm đó, ta về tới chùa, suy đi nghĩ lại, đã nẩy ra một chủ ý. Chủ ý đó gồm có hai biện pháp. Bước thứ nhất là cách nhũn nhặn, tức là như hiện nay chúng ta đang trò chuyện tử tế, ta sẽ vái anh một vái, nói Lã đạo huynh, thành thật xin lỗi, anh có thể đem áo đạo tặng cho tôi được không ? Bần tăng đã chuẩn bị sẵn hai trăm lạng bạc, đủ cho đạo hữu sắm hai chục chiếc áo khác, còn sang hơn chiếc áo đạo này. Như vậy, kể như đạo hữu không chịu thiệt thòi gì. Nếu đạo hữu đồng ý, chúng ta nối lại tình giao hảo, gọi anh xưng em, vĩnh viễn không đứt đoạn mối giao tình, há chẳng phải điều tốt đẹp nhất đời hay sao ?
Động Tân gật đầu, nói :
- Còn bước thứ hai của biện pháp ?
Tri Viên không trả lời, mà đưa cặp mắt hau háu nhìn khắp căn phòng một hồi, chợt thấy chỗ chân tường có mấy quả cầu bằng giấy mà trẻ con thường đá chơi, lớn nhỏ gồm bốn quả cầu tất cả, liền nhặt lên tay, xếp chúng thành một hàng. ông ta há miệng thổi một hơi, từng quả cầu bay lên bức vách, xuyên thủng bức tường thành bốn lỗ hổng, nằm gắn chặt trong đó. Động Tân kinh hãi, nghĩ thầm: "Quả là công phu đích thực, tuyệt nhiên không phái trò ảo thuật. Chiếc áo đạo của ta có thể chế ngự được binh đao, nước lửa, chẳng biết có chịu nổi sức tấn công của công phu này hay không ? Đang suy nghĩ, bỗng thấy Tri Viên quay mặt lại, nhe răng ra cười, lộ vẻ dử tợn, rồi đưa tay che miệng, cất tiếng ho, khạc ra một cục đờm, rơi xuống tấm ván sàn nhà, khoét tấm ván thành một hố sâu hun hút.
Động Tân tuy ở bên sư phụ, học tiên đạo nhiều năm, biết được khá nhiều về huyền lý, cũng chưa từng được thấy công phu võ thuật như thế này, trong lòng kinh hãi, nhưng ngoài mặt không thể tỏ ra khiếp nhược. Không đợi Tri Viên mở miệng, vội giữ nét mặt bình thản, mỉm cười :
- Không dè thượng nhân có thứ bản lãnh cao đến thế. Đại khái là trò đùa mà bọn trẻ con năm ba tuổi thường học hỏi để giỡn chơi, chứ gì ? Đáng tiếc cho ông gia nhập Phật môn đã lâu, uổng phí thời gian để học lấy pháp môn vô bổ như thế này. Nên biết Phật pháp vô biên, thứ bản lãnh của ông chỉ làm trò chơi cho người tu đạo mà thôi. Chiếc áo bần đạo đang mặc, không phải do nhân công tạo thành, cũng không phải của riêng, bần đạo sẵn có, mà do gia sư Văn Phòng tiên sinh ban cho, có thể chế ngự được đao binh, nước lửa. Vì thế, từ hôm rời nhà cho đến nay, chưa dám cởi ra trong khoảnh khắc, mà cũng không dám khinh suất đem tặng cho người khác. Bần đạo tuy là chủ nhân chiếc áo, vẫn chưa biết nó có hiệu dụng lớn đến thế nào. Theo lời gia sư nói, nó có thể chế ngự được đao binh, nước lửa, nhưng chẳng biết, ngoài những thứ đó ra, nó có thể chịu đựng nối quá cầu giấy trên tay thượng nhân bắn ra, hoặc bãi đờm từ miệng ông khạc ra hay không ? Vì thế, bần đạo còn đang phân vân, tự thẹn không nghĩ ra cách gì để đền ơn người tri kỷ. Nay bần đạo nghĩ ra một biện pháp, có thể giải quyết ôn hòa cho cả đôi bên. Cũng bất tất phải qui định là trái cầu giấy hoặc bãi đờm, xin thượng nhân cứ thi triển tất cả tài năng bình sinh, ra sức phá hủy chiếc áo. Nếu ông vừa ra tay, chiếc áo đạo dã rách toang, thì chiếc áo rách đó bần đạo coi là vô dụng, mà thượng nhân cũng không mặt mũi nào khoác nó lên mình, vấn đề đã được giải quyết xong. Trái lại, nếu thượng nhân đem hết bán lãnh và vũ dũng ra, mà vẫn không thể làm tổn hại chiếc áo, đủ thấy bần đạo chẳng cần có bản lãnh như ông, chỉ nhờ cậy một chiếc áo cỏn con, cũng đủ chế thắng thượng nhân. Nếu thượng nhân có ngàn, vạn cánh tay, có thể bắn ra ngàn vạn trái cầu nhỏ, có trăm, ngàn cái miệng, khạc ra vô số bãi đờm, thì chiếc áo lỗ chỗ vết bẩn, thượng nhân có đủ can đảm khoác nó lên mình hay không ? Như vậy, vấn đề lại được giải quyết. Thượng nhân, ông thử coi những biện pháp đó có thỏa đáng hay không ?
Tri Viên không trả lời, rút trong tay áo ra một bảo kiếm, đâm thẳng vào Động Tân. Động Tân trong tay không có vũ khí sắc bén, chỉ trông cậy vào chiếc áo đạo che thân, như chiếc áo giáp, né qua né lại. Trong khi đó, Tri Viên rất sợ làm rách chiếc áo, nhắm những chỗ cơ thể Động Tân không có áo che phủ mà đâm. Động Tân linh cơ sáng suốt, hiểu được ý đó, lúc nào tránh được thì tránh, tránh không được thì kéo áo che phủ. Đâm tới đâm lui được vài hiệp, bỗng nghe một tiếng "Soảng !", mũi kiếm của Tri Viên đụng phải áo bào, ánh lửa phát sáng lòe, mũi kiếm gẫy cụt. Tri Viên giận quá, nghiến răng căm hận, nói :
- Trước hết ta hãy đâm mù hai mắt của ngươi, coi ngươi còn cách gì né tránh nữa không ?
Vừa nói vừa mò trong tay nải, rút ra một con dao găm, nhắm hai mắt Động Tân mà đâm. Động Tân hoảng quá. Thấy một luồng sáng, nhắm về phía mắt mình mà lao tới, Động Tân vội né qua một bên, nhưng không còn kịp nữa, bất giác "A ?" lên một tiếng, ngã vật ra đằng sau. Tri Viên mừng quá, chạy lại để lột chiếc áo đạo Nhưng Động Tân vẫn khỏe mạnh như cũ, đợi hắn đến gần, bỗng tung hai vó, đứng bật dậy, luồn quanh chiếc bàn vuông, lẻn ra phía sau, từ đó có thể chạy ra khỏi cửa. Động Tân chợt nghĩ ra một kế, xô chiếc bàn ngã xuống, cản đường Tri Viên. Động Tân chạy thoát ra cứa rồi, Tri Viên nổi giận đùng đùng, đưa chân đá phốc chiếc bàn vuông, dùng sức quá mạnh, khiến mặt bàn vỡ toang, mấy cái chân bàn gẫy lìa, bay ra mỗi chỗ một cái, đụng phải bức tường vôi. Tri Viên đuổi theo Động Tân, ra tới ngoài, lại gây một trận ầm ĩ. Toàn thể người nhà họ Vương đều kinh hãi, thức dậy, xách đèn lồng, mang đuốc, ra theo. Vương viên ngoại thấy một Tăng, một Đạo đang đánh nhau, luôn miệng kêu khổ, hô to lên :
- Hai vị sư phụ có điều gì cần nói thì nói, có chuyện gì chăng nữa, cũng nên thương lượng cùng nhau, nói cho rõ ra, muôn ngàn lần không nên động thủ.
Hai người đang đánh nhau đến hồi quyết liệt, lời nào mà lọt nổi vào tai ? Lúc đó, Động Tân hoàn toàn nhờ cậy vào chiếc áo đạo che chở, chỉ biết né tránh, không tìm được đường nào mà chạy. Cũng may, con đao găm của Tri Viên đâm trúng tay áo của chiếc áo đạo, văng đi mất, Tri Viên đành đánh tay không, nhắm đầu và chân Động Tân mà đập. Có lúc hắn đập trúng chiếc áo đạo, cảm thấy như thể đấm nhằm khối thép. Tuy hắn đã luyện được công phu làm giảm cơn đau, nhưng da thịt người ta làm sao chống lại sắt thép ? Hắn cảm thấy hai tay tê nhức, chịu không thấu. Bên kia, Động Tân cũng đã sức cùng lực kiệt, chịu không nổi nữa rồi.
Chính lúc mười phần nguy nan, chợt nghe trên không trung có tiếng chó sủa. Vợ chồng Vương viên ngoại nghe tiếng, vội bò lăn ra đất, chuồn đi, miệng kêu "ông Trời cứu mạng ! Chó quái lại tới báo thù rồi !".
Động Tân và Tri Viên nghe rõ ràng có tiếng người ở trên không trung quát mắng :
- Súc sinh, đã gây nên đại họa, còn dám sủa nữa hả ?
Hai người ngửng đầu lên, thấy một vị thần mặc giáp vàng, tay dắt một con chó, từ trên không đáp xuống. Ông thần thấy Động Tân đánh không lại Tri Viên, đưa chân đá một phát, khiến Động Tân bay lên không trung, giây lát biến mất. Ông lại đưa một tay ra, ghì chặt lấy Tri Viên, giao cho con chó canh giữ, dặn nó :
- Dẫn hắn về chùa Báo Quốc, giao cho sư phụ hắn. Ta sẽ tới sau.
Con chó sủa lên một tiếng, cắn vào bắp vế Tri Viên. Tri Viên. nhận ra nó là con chó ngao, hôm nọ đã bị mình đuổi đi, biết vị tôn thần mặc áo giáp vàng ắt là thần Nhị Lang, chủ nhân của con chó kinh hãi quá chừng, chẳng dám nhúc nhích. Chỗ chân bị chó cắn máu ra lênh láng, đau đớn vô cùng, vội lên tiếng xin tha mạng.
Nhị lang thét con chó :
- Bất tất phải cắn hắn. Hạng người rắp tâm làm giặc như hắn, máu thịt hôi tanh, e rằng làm bẩn miệng mày đó.
Chó ngao liền sủa lên một tiếng, lôi kéo Tri Viên, cùng bay lên không trung, nhắm hướng chùa Báo Quốc mà tới.
Truyện khác cùng thể loại
34 chương
1085 chương
1621 chương
214 chương
501 chương
170 chương
1199 chương
1040 chương