Bát tiên đắc đạo
Chương 25 : đọc lời kệ, lão quân báo nhân quả gặp hỏa kiếp, lý huyền mất pháp thân
Lý Huyền vâng pháp chỉ của Lão Quân, trở về nhà điểm hóa cho cha mẹ cùng lên tiên giới. Vợ chồng Lý Kỳ đều sẵn có thiện căn, Lý Kỳ ở trong triều lại là một vị quan trung lương, mà xưa nay trung thần, hiếu tử giữ tâm rất chính trực, rất gần gũi với đường lối của tiên. Sau ông bà lại được Lý Huyền dâng hiến thuốc tiên, khí trần trọc đã xua đi được phân nửa, nên lúc này tinh thần rất sáng suốt. Lý Huyền vừa điểm tỉnh một câu, ông bà đã giác ngộ ngay, mối trần duyên dứt bỏ tức thời, cả hai cùng nhập tiên tu đạo. Lại qua năm mươi năm, Lý Huyền độ cho cha mẹ thành địa tiên.
Lý Huyền giải quyết trọn vẹn việc của cha mẹ, mới nghĩ tới việc quan trọng thứ hai, là trở về thỉnh mệnh tổ sư. Lão Quân không đợi Lý Huyền mở miệng, đã nói :
- Cha mẹ con đã được con điểm hóa, quy chính tu đạo, thật đáng mừng. Nay là lúc con nên hoàn thành cho xong túc nguyện của con từ kiếp trước. Lại có một người chủ trì một đạo trường. Chủ nhân của đạo trường này tuy không thuộc môn hạ ta, nhưng cũng là Đạo môn đệ tử, sau này còn có duyên cộng sự với con, vậy con nên lưu ý làm việc cho tốt.
Lý Huyền khấu đầu lạy tạ, lại hỏi :
- Dám hỏi tổ sư, tương lai của con thế nào ?
Lão Quân nói :
Ta có mấy câu kệ sau đây, con hãy ghi nhớ, để sau này chứng nghiệm:
Tịch cốc không biết cách
Xe nhẹ, đường cũng quen
Muốn được hình hài cũ
Gặp người mới mới nên.
Lý Huyền lại lạy tạ, từ biệt Lão Quân, cưỡi mây bay về động Bích Hà. Dương Nhân quì gối, đón vào trong động. Lý Huyền hỏi han, kiểm tra công khóa của Dương Nhân một lần nữa, tỏ vẻ hài lòng, nói vài câu khen thưởng, nhân đó dặn dò :
- Ta mới tới thăm tổ sư, được ngài truyền cho thuật xuất hồn rong chơi. Qua bảy ngày, thân xác có thể vất bỏ, không cần dùng tới nữa. Ngươi cứ việc châm lửa đốt xác của ta, bất tất phải nghi ngại. Nhân vì hồn thường luyến xác, lúc quay về lại muốn hợp nhất với xác, khiến sau này lên trời chỉ tổ vướng víu chân tay, chi bằng sớm đem thân xác đốt cháy lại hay hơn. Nhưng chưa đủ bảy ngày, nhất thiết không được đốt xác, vì sợ rằng hồn và xác của ta chưa thể tách rời vĩnh viễn, lúc hồn trở về, không có chỗ nào gửi gắm, ắt trở thành một du hồn.
Dương Nhân dạ dạ xin vâng. Lý Huyền nằm ngay đơ trên giường, miệng niệm chân ngôn lâm râm, hồn liền xuất ra ngoài, hướng về phía Giang Nam mà đi.
Hồn lên núi Kim sơn, nhìn ngắm cảnh sông một vòng, lòng rất khoan khoái, lại tìm đường xuống dưới chân núi Kim sơn. Hỏi thăm và biết được trong nhà Hà cô nương đã xảy ra nhiều chuyện kỳ lạ, liền vui mừng nói thầm : "Túc nguyện của ta có thể thành tựu ở đây rồi". Nghĩ rồi, tiến tới cửa xin cầu kiến.
Bấy giờ Hà Lan Tiên cô nương ở nhà tu hành đã được hơn hai mươi năm. Đêm hôm trước, cô mộng thấy Huyền Nữ tới, chỉ thị : "Người mà con đang đợi, họ Lý tên Huyền, chính là học trò của Lão Quân. Hiện nay, ông ấy đã đắc đạo trước con, và đã lập lời ước nguyện là phải được nhìn thấy con xuất gia, tìm đạo, ông ấy mới chịu. Giờ ngọ ngày mai, ông ấy sẽ tới đây. Vậy con hãy chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp. Ta đi đây !". Huyền Nữ nói rồi, biến mất. Lan Tiên giật mình tỉnh dậy, nhớ lại giấc mộng vẫn thấy rành rành trước mắt. Hôm sau dậy sớm, kể lại cho cha mẹ hay, cha mẹ cô nói:
- Người tiên đã báo mộng, quyết không sai lầm. Con nên thành tâm chờ đợi người tiên tới chỉ dẫn cho.
Lan Tiên nhận là phải. Đúng giờ ngọ, quả nhiên Lý Huyền tới nhà. Lan Tiên vừa mừng vừa kinh ngạc, vội thay bộ quần áo mới của đạo gia, tay cầm phất trần, ra cửa tiếp đón, cùng Lý Huyền gật đầu chào nhau. Lan Tiên mỉm cười, mở lời trước :
- Đêm qua, tôi nằm mơ thấy Huyền Nữ nương báo điềm cho biết, nói giờ ngọ ngày hôm nay thế nào tiên trưởng cũng tới, nên tôi cung kính chờ đợi đã lâu rồi.
Lý Huyền vội nói :
- Không dám, không dám ! Bần đạo và tiên cô cùng bị đày xuống trần, trải qua mười kiếp, có thể kể là chỗ quen biết từ lâu đời. Những chuyện kiếp trước vẫn khắc sâu trong tim này, hôm nay được biết tiên cô chuyển kiếp, qui chân, tính linh không mờ tối bần đạo cũng mừng cho tiên cô, chẳng bao lâu sẽ tu thành chính quả, trở về tiên giới.
Hai người xưng tụng nhau một hồi, rồi cùng đàm đạo về công phu tu trì, bí quyết nhập môn. Lan Tiên nghe Lý Huyền chỉ dạy, càng hiểu rõ hơn về những điều mà Huyền Nữ đã truyền thụ cho cô trước đây. Cô mừng rỡ, hết lời cảm tạ Lý Huyền.
Bất giác mà đã qua sáu ngày. Lý Huyền khuyên Lan Tiên nhân dịp này lập tức xuất gia, đi rong chơi các nơi danh sơn, sông dài, tìm các bậc danh sư, các người bạn có ích, giúp cho mình tiến triển về đường tu đạo. Lan Tiên cúi đầu, vâng lời chỉ giáo.
Lúc chập tối, Lan Tiên ở trước mặt cha mẹ, bỗng dập đầu lạy tạ công ơn nuôi dưỡng bấy lâu đồng thời ngỏ ý xuất gia. Cha mẹ cô đang muốn ngăn cản, Lý Huyền liền phất tay áo một cái. Tức thì Lan Tiên nhìn thấy một cửa động hình tròn, bên trong trần thiết đẹp đẽ, cô chưa từng thấy lần nào. Lan Tiên chợt thấy tâm trí sáng suốt, nhẩy một cái, tiến vào trong động. Cha mẹ cô chỉ thấy một bức tường thành ngăn cách, Lan Tiên biến đi đằng nào chẳng rõ. Nhưng bên tai còn văng vẳng tiếng Lan Tiên dặn dò :
- Cha mẹ hãy bảo trọng. Con đi đây !
Lý Huyền đưa Hà Lan Tiên ra khỏi nhà cô rồi, hai người cũng không gặp lại nhau. Một đám mây đưa cô tới một thạch động thiên nhiên ở trên đỉnh núi Hành sơn, thuộc Giang Nam. Lan Tiên đang ngơ ngác, chợt nghe bên tai có tiếng người nói :
- Hà tiên cô, Hà tiên cô ! Đây là nơi cô tu hành. Cô hãy dụng công tu trì chừng mười năm, tự nhiên có cao nhân tới nâng đỡ cô. Hãy để tâm luyện tập chớ trễ biếng, mà mắc tội với trời, rước họa vào thân. Chú ý, chú ý ! Ta đi đây.
Lan Tiên mở mắt ra nhìn, thấy nơi đây là một ngọn núi rất cao, cảnh vật vắng vẻ, hợp với việc tu hành. Hà tiên cô ở lại thạch thất này, một mình tu hành. Trong vòng năm năm trời, cô đã dứt bỏ được thức ăn nấu nướng. Huyền Nữ thỉnh thoảng lại hạ phàm, chỉ dẫn cho cô, sau cùng nhận cô vào môn hạ, truyền cho cô bộ sách "Ngọc Hư bí kíp". Nhờ vậy, Hà tiên cô tiến bộ rất nhanh.
Nhưng đó là chuyện sau.
Lại nói chuyện Lý Huyền hướng dẫn Hà Lan Tiên vào đường tu đạo rồi, từ biệt Hà tiên cô, trở về Thái sơn. Đang đi, Lý Huyền chợt cảm thấy chấn động mạnh trong tim. Thần tiên sợ nhất là chuyện xúc động trong lòng, nó luôn luôn báo hiệu một sự việc phát sinh. Hiện giờ, Lý Huyền đã có thể biết trước những chuyện sẽ xảy ra, nhưng lần này ông chỉ có một nhận thức rất mơ hồ, cảm nhận được một tai họa lớn đang xảy ra, nhưng chính xác là chuyện gì thì ông không biết. Định thần một hồi, Lý Huyền nhớ lại mấy câu kệ mà Lão Quân tổ sư mới đọc cho nghe, liền vội vã cưỡi mây trở về động phủ. Nào ngờ vừa tiến vào động, liền thấy tình hình đổi khác : chẳng những không thấy mặt Dương Nhân, ngay cả thân xác của mình cũng biến đâu mất. Lý Huyền ngồi nghỉ giây lát bấm đốt ngón tay, liền biết rõ sự tình.
Nguyên trước kia, Lý Huyền đi rồi, Dương Nhân ở lại động phủ canh gác xác Lý Huyền, đặc biệt quan tâm, lo lắng, sợ sệt, chẳng dám dời xa nửa bước. Thời gian trôi mau, đã qua được sáu ngày, lại thêm nửa ngày nữa, sắp tới thời hạn Lý Huyền dặn dò, nên đem xác ông thiêu đốt đi. Trong thời gian căng thẳng đó, Dương Nhân bỗng thấy một người xăm xăm tiến vào động phủ. Nhìn lại, Dương Nhân nhận ra đó là một người đồng hương, tên là Chu Tiểu Quan, một người bạn thân, trước kia cùng học một trường, cùng nô đùa với nhau từ hồi nhỏ, và đã lâu lắm không được gặp nhau.
Dương Nhân thấy mặt Chu Tiểu Quan, vừa mừng vừa kinh ngạc. Lúc này, anh đang bận canh giữ xác Lý Huyền, không rảnh mà lo tính chuyện gì khác. Anh vẫn ngồi yên tại chỗ, không đứng dậy đón bạn, chỉ vội vã hỏi Tiểu Quan vì sao tới đây, có chuyện gì quan trọng hay không ? Tiểu Quan thở hổn hển một lát mới nói được, cho biết mẹ Dương Nhân đang mang bệnh nguy kịch, mong mỏi Dương Nhân về, để mẹ con gặp mặt nhau lần cuối.
Các vị độc giả hẳn còn nhớ Dương Nhân tới trú ngụ ở Thái sơn là do lệnh của Lý Huyền. Nghĩ tình mẹ hiền, con hiếu, Lý Huyền đã chấp nhận cho bà mẹ Dương Nhân được di chuyển về ở Thái An, cách xa động Bích Hà chừng một trăm dặm. Chu Tiểu Quan đi buôn bán Bắc Nam, mỗi lần lên miền Bắc đều ghé thăm, hỏi han bà mẹ Dương Nhân, và cũng nhiều lần ghé chơi động Bích Hà. Lần này anh ta cũng ghé nhà họ Dương, gặp đúng lúc Dương mẫu bệnh nặng, mong nhớ con trai. Vì thế, anh ta không ngại đường sá xa xôi lên núi để kêu Dương Nhân về nhà. Dương Nhân nghe Chu Tiểu Quan cho biết bệnh tình lão mẫu, vừa kinh hãi vừa đau đớn, lại thêm nóng ruột vô cùng. Nếu bỏ đi, lại sợ phụ lòng ủy thác của sư tôn, để lầm lỡ việc tu đạo của thầy, nhưng nếu không đi ngay, để dây dưa tới hôm sau, lại không kịp nhìn mặt mẹ già. Ở vào tình thế lưỡng nan, Dương Nhân không biết làm sao cho phải, cứ ngẩn mặt ra nhìn Chu Tiểu Quan, không nói được một câu. Tiểu Quan càng thôi thúc :
- Dương huynh, anh làm sao vậy ? Lão bá mẫu hiện đang thoi thóp chỉ đợi anh về để nói lời vĩnh quyết, sao anh còn ở đó mà giữ khư khư lấy một xác chết ? Nếu để chậm trễ, lão bá mẫu qui thiên, mà không được cùng anh nói câu trăn trối, chẳng là mối hận suốt đời hay sao ?
Dương Nhân nuốt nước mắt nói :
- Chẳng giấu gì Chu huynh, cái xác này là xác của sư phụ tiểu đệ mà ông ấy đâu có chết, nên mới căn dặn tiểu đệ phải canh chừng. Đến nay chỉ còn một ngày nữa là trách nhiệm của tiểu đệ hoàn tất, làm sao tiểu đệ có thể bỏ đi cho đành ?
Chu Tiểu Quan nghe nói, cười rộ lên :
- Hèn chi lão bá mẫu nói anh học ngày học đêm, chăm chăm chú chú vào việc học đạo, đến độ trở thành ngớ ngẩn, ngu si. Một người đã chết, anh còn ngồi đó mà canh giữ cái xác được sao ? Từ xưa tới giờ, chưa từng nghe chuyện có người chết đã sáu ngày, hồn còn trở về nhập xác. Vả lại sư phụ anh bảo anh canh gác bảy ngày, anh đã kiên trì canh giữ được sáu ngày rưỡi, chỉ còn có nửa ngày nữa thôi. Sáu ngày liền ông ấy không về, bây giờ lại đột ngột trở về quả là chuyện khó tin. Theo ý tôi, việc của tôn sư, anh đã lo liệu được chín phần mười, có sai sót cũng chẳng bao nhiêu, không thể trách cứ anh được. Trong khi đó, việc của mẹ anh lại rất khẩn trương, mẹ con có gặp mặt nhau hay không, phải giải quyết trong chớp mắt.
Dương Nhân ngần ngừ, hỏi lại :
- Theo ý anh thì pháp thân sư phụ tôi nên an bài thế nào !
- Việc đó quá dễ dàng. Sư phụ anh dặn dò thế nào, cứ vậy mà làm, là ổn thỏa thôi.
- Lỡ ra sư phụ tôi chọn đúng lúc này để trở về thì sao ? Tôi là học trò, chịu ơn nặng của sư tôn, chưa chút báo đáp, nay lại đem thân xác của thầy mà hủy diệt, khiến hồn vía ông bơ vơ, không nơi nương tựa, thì tội lỗi ngập đầu, có đem xác tôi mà băm vằm cũng không đủ chuộc tội.
Dương Nhân nói rồi, phục xuống trước xác Lý Huyền mà khóc rống lên, tình cờ bàn tay đụng vào pháp thân Lý Huyền, thấy lạnh như băng giá, toàn thân không toát ra chút khí nóng nào. Dương Nhân kinh ngạc, nói cho Chu Tiểu Quan chuyện đó, Chu Tiểu Quan mới nói to tiếng :
- Đấy, anh đã tỉnh ra chưa ? Người chết đã sáu ngày, cái xác tự nhiên mục nát, anh còn hy vọng thầy anh sống lại nữa sao ? Nếu nói sư phụ anh là thần tiên chân chính, thì thần tiên lẽ nào lại chết dễ dàng như thế ? Hảo huynh đệ, việc này không thể trì hoãn được nữa. Lão bá mẫu đang thoi thóp thở, chắc là đang chống đỡ cái chết để đợi anh đấy. Tại sao anh chỉ biết quan tâm tới sư phụ, mà không nghĩ gì tới mẹ đẻ của mình ?
Dương Nhân nghe vậy, đau lòng quá, không còn thời giờ để nghĩ tới chuyện xa xôi gì khác, liền đứng dậy. Sau đó lại quì trước thi thể sư phụ, dập đầu lạy một hồi, kêu khóc thảm thiết. Chu Tiểu Quan mới giúp Dương Nhân một tay, hạ thân xác Lý Huyền xuống, khiêng ra ngoài động phủ, chất cỏ chung quanh, nổi một mồi lửa thiêu xác Lý Huyền. Dương Nhân lại quì dưới đất, kêu khóc thảm thiết, không muốn đứng lên. Chu Tiểu Quan vội đỡ Dương Nhân dậy, dìu vào trong động, rửa mặt qua loa, không kịp thu xếp hành lý, vội vã cùng nhau xuống núi.
Lúc này, Dương Nhân chưa biết đằng vân giá vụ, nhưng đã luyện được xương cốt cứng cáp, thân thể mạnh mẽ, bước đi nhanh nhẹn như bay. Dương Nhân không tự nhận biết mình đi quá nhanh, Chu Tiểu Quan chạy mướt mồ hôi cũng không theo kịp, đã mấy lần phải kêu gọi Dương Nhân đứng lại chờ mình. Dương Nhân lòng nóng như lửa đốt, không muốn ngừng lại một giây phút nào. Ngừng đợi vài lần như thế, Dương Nhân mới bàn với Tiểu Quan, bảo anh ta cứ thủng thẳng mà đi, để mình chạy trước cho mau. Lúc đó trời đã ngả bóng hoàng hôn, Dương Nhân ngừng chân ở một khu chợ, mua được một cây đuốc, dự tính đi tới lúc nửa đêm sẽ về tới nhà. Tiểu Quan cũng đành làm theo ý của Dương Nhân.
Dương Nhân rời xa Chu Tiểu Quan, gia tăng cước bộ, giữa đêm tối chạy như bay như biến. Đi chừng bảy, tám chục dặm, tới lúc trống canh hai, đã có thể nhìn thấy cổng nhà mình ở chỗ xa xa, Dương Nhân cảm thấy trong lòng vừa nóng gấp, vừa an ủi. An ủi vì may mắn đã về tới nhà, có thể gặp mặt mẫu thân, nóng gấp vì chưa rõ mẹ còn sống hay đã chết. Nếu bà còn sống, nhưng nói không được nữa thì có khác gì đã chết, chẳng là điều đau lòng hay sao ? Lòng nghĩ vậy, đôi chân lại cất bước mau hơn. Một hồi sau, đặt chân qua cửa nhà. Bà mẹ anh ta lúc đó đợi con quá lâu, không chịu nổi nữa rồi : đàm đã đưa lên, chặn ngang cổ họng. Dương
Nhân tiến lại, giậm chân đấm ngực, kêu khóc thất thanh, làm náo loạn lên một hồi. Bấy giờ, linh hồn mẹ anh ta mới quay trở lại. Bà mở mắt nhìn con trai một hồi, đôi môi khô héo nở một nụ cười mãn ý, khổ nỗi nói không được tiếng nào. Chỉ thấy bà nỗ lực ngửng đầu lên nhìn, môi mấp máy không ra tiếng, rồi ruổi thẳng hai chân mà qui thiên.
Truyện khác cùng thể loại
34 chương
1085 chương
1621 chương
214 chương
501 chương
170 chương
1199 chương
1040 chương