Bát tiên đắc đạo
Chương 24 : lý tiên nhân trổ phép, trừng trị dâm bạo. dương hiếu tử cảm đức, nhập huyền môn
Dương mẫu suy nghĩ một lát, nói với Lý Huyền :
- Lý Tiên sư đã có ý tốt tài bồi cho tiểu nhi, lẽ nào mẹ con tôi lại không cảm kích ? Ngay cả chồng tôi ở dưới suối vàng, nếu biết được tin này, nhất định cũng hân hoan. Chỉ có một việc khó khăn, chẳng dám không trình bày rõ ràng với tiên sư. Thiết nghĩ Ngưu Tĩnh là tổng quản trong phủ Trung Sơn vương, bình thời rất được vương gia tin cậy, nên mới dám làm những chuyện càn dỡ như thế. Lần này tuy nhờ pháp lực của tiên sư cứu cho mẹ con tôi thoát hiểm, nhưng sợ tiên sư đi khỏi, hắn lại tìm cách báo thù. Con tôi tuy không đủ sức cứu tôi, nhưng có nó bên cạnh, tôi cũng vững dạ phần nào.
Nghe phu nhân nói vậy, Lý Huyền cười, bảo :
- Phu nhân cứ yên tâm. Tên Ngưu tặc đó đã bị tôi và lệnh lang đánh cho thất điên bát đảo, có phần chắc là chẳng bao lâu Trung Sơn vương sẽ xử hắn tội chết, tịch thu gia sản, đem phân phát cho người nghèo. Phu nhân cũng chẳng mong được đền bù tổn thất, nhưng Ngưu tặc quyết không thể gây hại cho bà được nữa. Việc này, bần đạo có thể bảo đảm. Nếu phu nhân còn chưa tin, có thể hỏi lại lệnh lang vừa rồi, cậu ấy vui mừng hớn hở, cũng vì lý do này đấy.
Dương mẫu không thể không tin, nhưng muốn biết rõ sự tình, mới thét mắng, hỏi Dương Nhân :
- Vừa rồi mày nói bô bô, sao bây giờ lại im như hạt thóc ?
Dương Nhân vội thưa :
- Chẳng phải hài nhi không chịu nói, mà vì thấy mẫu thân và tiên sư trò chuyện, con đâu dám vô phép nói leo ?
Lý Huyền tỏ vẻ hài lòng, gật gù, nghĩ thầm : "Mẹ con nhà này, trong cơn nguy cấp cũng không phế bỏ tôn ti trật tự, quả là hiếm thấy", nhân đó mới cất giọng ôn tồn, nói :
- Công tử mau đem chuyện giữa chúng ta, bẩm báo với lệnh huyên đường. Chúng ta phải nói cho dứt khoát, sau đó mới định được kế hoạch tiếp theo. Bần đạo vân du chốn nước non, tới đâu cũng là nhà, không thể ở lâu chốn này.
Dương Nhân mới đem chuyện liên quan giữa cậu và Lý Huyền, kể rõ một lượt. Dương mẫu nghe xong mỉm cười, nói :
- Diệu dụng của tiên gia quả thật không giống với người đời. Những tuồng tham dâm như Ngưu Tĩnh, phải trị tội thật nặng mới đáng đời ! Nếu không, trên đời còn gì vương pháp, mà thiên đạo cũng chẳng có nữa. Hài nhi được đi theo pháp sư, là điều may mắn vô cùng cho nó, kẻ góa bụa này, tuy chỉ có nó là con, cũng không nỡ quyến luyến, để lầm lỡ học nghiệp, mai một tính linh của con. Tuy nhiên, tình âu yếm riêng tư, hiền giả cũng không tránh khỏi, xin hỏi tiên sư, tiểu nhi đi lần này, ngày nào mới được trở về ?
Lý Huyền nói :
- Phu nhân quyết định như vậy là sáng suốt lắm. Nhưng phải biết một miếng ăn, một hớp nước, đều có số định trước, việc tụ tán cũng vậy thôi. Ví như bần đạo ở tuốt trên miền Bắc, bỏ nhà đi tu, ai ngờ tới đây dừng chân, lại gặp lệnh lang. Chuyện như vậy đâu có thể tính trước được ?
Phu nhân nghe vậy, hoảng hốt trong lòng, hỏi giọng buồn bã :
- Theo ý tiên sư, đại khái là kẻ góa bụa cùng tiểu nhi biệt ly lần này, vị tất đã có dịp gặp lại ?
Lý Huyền chưa kịp trả lời, Dương Nhân đã đột nhiên khóc rống lên :
- Nếu nói vậy, hài nhi tình nguyện hầu hạ mẫu thân, suốt đời không rời xa dưới gối. Quả có tiên duyên, cũng phải đợi mẫu thân trăm tuổi mới tính. Hiện giờ, xin tiên sư lượng thứ, tạm cấp cho đệ tử thời hạn chừng vài chục năm.
Dương mẫu nghe con nói vậy, lại thấy vẻ mặt cậu ta quá buồn thảm, cũng không cầm được nước mắt, nhưng không dám nói tiếng nào, chỉ lặng lẽ đợi coi Lý Huyền chỉ thị ra sao. Lý Huyền cất tiếng than thở :
- Phu nhân nói vậy là chưa thông đạt. Người ta sống ở đời khác gì một giấc mộng. Vả lại việc sống chết dễ gì mà biết trước, huống hồ chuyện mẹ con, chồng vợ hội hợp hoặc chia ly ? Ví như chuyện trước mắt giữa ba chúng ta đây, tình cờ được gặp nhau hôm nay, phu nhân có từng nghĩ rằng vào ngày ấy, tháng ấy, được gặp
Lý Huyền này không ? Lý Huyền ta có thể kể đã tu đạo thành công, có thể biết được chuyện vị lai, nhưng quyết nhiên không nghĩ tới chuyện ngày hôm nay, ở chỗ này, được gặp mẹ con phu nhân. Hội hợp đã không định trước, thì chia ly cũng khó liệu lường. Mẹ con bà từng nương tựa nhau trong lúc nghèo khổ, nay đột nhiên phải chia tay, tránh sao khỏi lưu luyến ? Đó là lẽ thường tình. Nhưng cũng nên biết chế ngự tình cảm nhất thời, để cầu lấy những điều tốt đẹp lâu dài. Thiên tư lệnh lang chớ để uổng phí, tháng ngày qua mau, càng không nên để trở thành hư độ. Đã thấy đại đạo có thể cầu mong, thần tiên chẳng phải hão huyền, thì nên nắm lấy cơ hội, dứt lòng yêu thương mà thành toàn cho con. Bần đạo tuy không dám tiết lậu thiên cơ, nhưng có thể hứa rằng hai mươi năm sau, lệnh lang học thành tài, sẽ trở lại nhà, mẹ con sẽ có ngày được gặp nhau. Lúc đó, lệnh lang đã đạt tới mức bất phàm, mà mẹ con phu nhân có dịp tụ họp lâu dài. Bần đạo là người xuất gia, không dám nói nhiều, cũng không cưỡng ép người khác. Nếu phu nhân không chịu xa con, cũng là thường tình của người đời, bần đạo không ép, tức khắc đi ngay.
Phu nhân nghe vậy, vội sửa lại vạt áo, cúi lạy mà thưa :
- Lời của tiên sư vững như vàng đá, lòng của sư tôn rộng như trời đất, kẻ góa bụa này kiến thức nông cạn, suýt nữa mang tội, làm lỡ việc của tiểu nhi. Nay được chỉ bảo, lòng đã sáng suốt, sẽ bảo nó lập tức đi theo tiên sư. Nó ở bên tiên sư còn tốt hơn ở bên cạnh tôi rất nhiều.
Dương mẫu liền bảo con khấu đầu lạy Lý Huyền, tôn làm sư phụ. Dương Nhân còn tỏ vẻ lưu luyến, Dương mẫu liền nghiêm sắc mặt trách cứ. Dương Nhân chẳng dám cãi lời mẹ, nhắm về phía Lý Huyền, lạy tám lạy.
Lý Huyền đưa hai mẹ con trở lại nhà, niệm chú biến đá thành vàng, để Dương mẫu có cái chi dùng hàng ngày. Ông lại vẽ xuống đất làm bờ tường thành, để các tiểu yêu không thể xâm phạm. Lại dùng cây bút tầy đầu vẽ ra vài chục con quỉ dữ tợn, hễ gặp nguy nan, cứ treo bức tranh đó ở giữa nhà, miệng hô : "Lý pháp sư truyền dụ bảo hộ nhà ta", tức thì bọn quỉ đó hiện hình, đẩy lui lũ giặc. Dương mẫu bái tạ, nhận lấy bức tranh. Về sau ở địa phương có bọn vô lại nhòm thấy nhà Dương mẫu có vẻ sung túc, nghĩ rằng trong nhà có tích chứa nhiều của cải, mới tụ tập lại tới đánh cướp. Chúng vào tới cửa, cất tiếng reo hò, Dương mẫu vội đem bức tranh treo lên, làm theo lời pháp sư đã dạy, chúng thấy vô số quỉ hung tợn vác đao, cầm mâu xông ra chống cự. Bọn giặc sợ hãi, tính chạy trốn. Ai ngờ bức tường do Lý Huyền vạch đất vẽ ra, chỉ vào được chứ ra không được. Gặp lúc Dương mẫu kinh hãi, kêu gọi hàng xóm tới cứu, người ta kéo nhau tới giúp đỡ, tóm hết ráo những tên cướp. Nhân vì không muốn gây nhiều chuyện, chỉ lấy lời khuyên nhủ, trách mắng, tha đi tất cả.
Từ đó, bọn tiểu nhân không đứa nào dám tới tấn công nữa. Tới mười năm sau, Lý Huyền xét thấy Dương Nhân chú tâm tu đạo, mà Dương phu nhân tuổi cũng đã cao, đêm ngày tưởng nhớ con trai, ông mới đặc cách thi ân, cho phép Dương Nhân xuống núi, đón mẹ lên phương Bắc, lại chấp thuận cho hai mẹ con mỗi năm được gặp nhau một lần. Nhưng đó là chuyện sau.
Lý Huyền dẫn Dương Nhân từ huyện Tiền Đường 1 tiến lên miền Bắc, vượt qua sông tới vùng Tề, Lỗ 2 , tìm cho Dương Nhân một nơi làm động phủ, ở dưới núi Thái Sơn, đặt tên là động Bích Hà, truyền cho cậu ta phép hít thở, bảo cậu trước hết hãy luyện công phu về dưỡng tâm, vận khí. Vì cậu mới tu hành lần đầu, ông chiếu theo cách mà Văn Thủy tiên sinh trước đây đã làm cho ông, kiếm cách bảo hộ chốn tu hành, thi thố phép thuật vời gọi Bạch Ngọc phu nhân từ Hoa sơn tới đây, để phục dịch Dương Nhân. Lại vì tên gọi của phu nhân quá huyênh hoang, ông mới cải danh là "Ngọc Nhi". Cứ ba năm một lần, ông đều tới khảo sát công phu của Dương Nhân, tùy lúc mà chỉ dạy thêm. Dương Nhân bản chất tuy tốt, nhưng không sánh kịp Lý Huyền là người sinh ra đã sẵn có tiên căn, nên cậu tu trì trong mười năm mới dứt bỏ được việc ăn đồ nấu nướng, lại biết phép đằng vân giá vụ, vời thần khiến quỉ.
Lý Huyền từ sau khi nhận Dương Nhân làm đệ tử, đã ngao du khắp nơi, từ Nam sang Bắc, tới cả các hải đảo. Trong vòng mười năm, ông đã làm được rất nhiều việc : giúp người, lợi vật, trừ bạo an dân. Rồi thời hạn hai mươi năm đã sắp hết, Lý Huyền nhớ tới lời ước hẹn với tổ sư, trước hết trở lại động Tử Hà, núi Hoa sơn một chuyến. Lần này hạ phàm, Lý Huyền lo một việc tuần du, đã để Phi Phi, Điên Điên ở lại giữ động phủ, lo việc tu đạo. Bọn Phi Phi cảm ơn Lý Huyền đã chỉ dẫn cho việc tu luyện, không dám bỏ đi đâu cả. Nhờ vậy, trong vòng vài năm, hai người đã tiến bộ trông thấy, đã đổi hẳn lớp xương thịt, vĩnh viễn không còn trở lại hình dạng cầm thú, đã trở thành các địa tiên, trường sinh bất lão. Họ đã sửa sang động phủ thành một nơi thanh nhã, u tĩnh, trồng được nhiều loại tiên hoa, tiên quả, nuôi được nhiều giống chim tiên. Lý Huyền trở về thăm động, thấy tình hình như vậy, lòng rất hân hoan. Kiểm tra công hạnh và học nghiệp của hai người, thấy tiến bộ rõ rệt, Lý Huyền có sắc vui hiện lên nét mặt. Thấy hai người phủ phục dưới thềm, ông đưa tay đỡ dậy, cho đứng bên cạnh, nói :
- Ta từ khi xuống núi, đã tuân theo pháp chỉ của tổ sư, đi du ngoạn chốn nhân gian. Trong mấy năm, tuy không đạt được điều gì tốt đẹp cũng thu nhận được một đệ tử có căn khí, và cũng lập được một số công đức, giúp đời, lợi vật. Nhưng ta tự thẹn chưa làm được nhiều việc, không mặt mũi nào mà nhìn mặt tổ sư. Nay các người chưa cần đợi lệnh ta, mà đã làm được nhiều việc tốt đẹp, thì tri thức và thiên hạnh của các ngươi còn hơn ta nữa. Các ngươi chịu khó luyện tập, tinh tiến như thế, chẳng bao lâu cũng thành chính giác.
Phi Phi, Điên Điên vui mừng, quì xuống lạy tạ, nói :
- Tất cả đều nhờ ơn sư tôn chỉ giáo. Chúng đệ tử xuất thân là cầm thú, đạt được công phu thế này, thật quá lòng mong ước. Nay lại được sư tôn ban lời tưởng thưởng, chúng đệ tử vô cùng cảm kích.
Lý Huyền gật đầu, nói :
- Các ngươi đã nhập đường người, vẫn không kiêng kị xuất thân năm xưa của mình, cho thấy các ngươi đã có công phu khắc kỷ rất lớn. Đứng dậy, đứng dậy ! Ta sẽ truyền thụ cho các ngươi yếu quyết về tu tâm dưỡng tính. Yếu quyết này chẳng phải tầm thường, lại không phải pháp thuật phổ thông, nếu các ngươi tu luyện thành công, sẽ có thể sống lâu cùng trời đất, lại lập thêm được nhiều công đức. Vài trăm năm sau, các ngươi cũng có thể theo các thần tiên lên Linh Tiêu bảo điện, hoặc ngao du Bồng Lai tam đảo.
Hai người vui mừng, rơi nước mắt. Lý Huyền lại nói :
- Lần này ta không thể ở lâu tại đây. Ngày mai ta đã phải lên cung Bát Cảnh, núi Côn Luân, triều yết tổ sư, tuân theo pháp chế từ năm xưa. Hai người rất giỏi dang, ta không phải dặn dò nhiều. Các người chỉ cần ở đây dụng công tu luyện là được rồi. Ta lại mới thu nhận một học trò, tên là Dương Nhân, và ta đã phái Ngọc Nhi tới Thái sơn để phục dịch anh ta. Nhưng công phu anh ấy còn nông cạn, hai ngươi có thể, cứ ba năm hai lần, tới thăm hỏi, đồng thời khảo sát xem anh ta có kiên tâm tu trì hay không, rồi về báo lại cho ta biết, ta tự có cách phân xừ. Dương Nhân này có căn khí khá tốt, có lòng hiếu thảo cảm động tới trời, thành công cũng nhanh, nên ta muốn sớm nâng đỡ anh ấy. Lần này ta triều yết tổ sư, chắc được ngài đích thân chỉ dẫn nhiều điều.
Hai người dạ dạ, tuân mệnh.
Ngày hôm sau, Lý Huyền ngồi ngay ngắn trong động phủ. Tới giờ ngọ bỗng nghe trên không trung có tiếng nhạc vang lên, Lý Huyền liền đứng dậy, nói :
- Chắc là tổ sư phái người tới đón ta đó.
Liền chỉnh đốn quần áo, bước ra ngoài động. Quả nhiên thấy một đám mây ngũ sắc từ trên trời hạ xuống, có hai đồng tử mặc áo xanh, tay cầm phất trần, tay vịn con hạc, đứng đợi. Lý Huyền cúi chào, nói :
- Lý Huyền có tài năng gì, mà dám phiền tổ sư phải ưu lễ như thế ?
Đồng tử nói :
- Tổ sư và nhiều vị sư huynh đang đợi sư huynh tới ! Xin mau cưởi hạc đi thôi !
Lý Huyền lạy tạ, leo lên lưng hạc, bay vào không trung, tiên nhạc tắt dần, mây ngũ sắc dần dần biến đi, không thấy đâu nữa.
Phi Phi, Điên Điên rất khâm phục, nhìn nhau, nói :
- Người tiên đạt tới mức độ như vậy, thật không uổng phí một đời vất vả.
Lý Huyền tới bên ngoài cung Bát Cảnh, cho mây hạ thấp, leo xuống lưng hạc, cung kính đợi tổ sư tuyên triệu. Đồng tử nói :
- Sư huynh quá chuộng lễ nghi. Tổ sư đã sai chúng tôi đi đón, thì sư huynh cứ tiến vào tham bái cho rồi, cần gì phải đợi tuyên triệu ?
Lý Huyền hạ thấp giọng :
- Ngu huynh không giống như các sư đệ được. Khó khăn lắm mới được tới đây, chẳng dám thất lễ.
Các đồng tử cười mà đi vào, một lát trở ra, nói :
- Tổ sư mời sư huynh vào.
Lý Huyền sửa lại mũ áo, khoan thai bước vào, thấy Lão Tử ngồi ngay ngắn ở giữa đại điện, hai bên có nhiều vị thần tiên đứng hầu. Thấy Lý Huyền tới, các tiên ông đều khom lưng chào. Lý Huyền lạy Lão Tử tám lạy, sau đó mới chào các vị tiên. Lão Tử cười, bảo :
- Trong mười năm, con đã làm được rất nhiều công đức, những việc con cần làm đã hoàn tất. Nhưng còn có nợ kiếp trước, có duyên kiếp này. Nợ ắt phải trả, nhân duyên ắt phải kết liễu.
Nói rồi, ngửng nhìn trời mỉm cười, nhắm mắt ngồi yên. Lý Huyền không hiểu tình ý, muốn xin chỉ giáo. Lão Tử bỗng mở mắt ra, nói :
- Cha mẹ con đang đợi con tới độ thoát cho, mau lợi dụng cơ hội này giải quyết cho xong đi. Để ông bà nếm mãi mùi đau khổ trên trần thế, là tội của con đấy !
Lý Huyền cúi đầu, thưa vâng. Lão Quân lại nói :
- Con đi ngay đi ! Chừng nào độ xong cho cha mẹ, lại về gặp ta.
Lý Huyền tuân chỉ, rút lui.
Truyện khác cùng thể loại
614 chương
85 chương
405 chương
157 chương
4707 chương
41 chương