Thường thì chúng tôi gặp nhau tại nhà tôi, vì tôi khó có thể vắng nhà, nhưng lâu lâu chúng tôi cũng ngủ qua đêm tại căn hộ của cô ấy. Tôi cảm thấy không thoải mái khi ở đó. Những bức tường sơn màu trắng, mấy tấm thảm cũng trắng nốt, và vài món đồ nội thất ít ỏi của cô thì có dạng ống thép. Cảm tưởng như chúng tôi đang ở trong một phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Ở trong bếp, cô chuẩn bị một món rau củ nào đó, chúng chỉ khiến tôi đầy hơi. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ai đó thò đầu vào phòng thông báo: “Đến lượt cậu khám rồi đấy!”. Mỗi góc nhà đều có cây xanh, to như một cây bulô con. Theo những gì tôi thấy, chúng rất có thể là cây nhựa, vì toàn bộ căn hộ được thiết kế theo hướng loại trừ các nguồn gây dị ứng. Thứ duy nhất tạo ra một khoảng vui tươi là tấm áp phích tôi đã mua tặng cô ấy. Thật đáng yêu khi cô ấy treo lên tường một bức tranh tầm thường như thế. Chắc có lẽ tôi nên tặng cho cô ấy vài tấm tranh thêu của mẹ tôi nhỉ? Có trời biết, tôi có nhiều hơn cả mức cần thiết. Tôi tin chắc mẹ thêu mỗi tuần một bức trong suốt năm mươi năm trời, đa số chúng được bà tặng sinh nhật hàng xóm hoặc bạn bè. Đi đến nơi nào trong làng, tôi cũng bắt gặp một tác phẩm thủ công của mẹ nhìn mình ngạo nghễ. Và tôi vẫn còn cả một va li đầy tranh thêu, đủ để phủ kín toàn bộ ngôi nhà. Ngoài ra, cô ấy không có ti vi. Và đương nhiên đầu máy cũng không có nốt. Đến nỗi tôi phải tránh không đến nhà cô khi truyền hình phát một trận bóng đá quan trọng. Đương nhiên tôi không nói với cô ấy như thế. Vào những buổi tối đó tôi nói: “Anh phải làm sổ sách kế toán”. Cô ấy đến nhà tôi vào một buổi tối như vậy và tôi phải nghiến răng bỏ xem bóng đá để đánh vật với đống giấy tờ chất đống trên bàn làm việc của bố tôi. Cũng may tôi đã sờ đến chúng. Tôi tìm thấy giấy báo tài khoản âm, thư đòi nợ, tối hậu thư cho việc thanh toán, và những thư nhắc nhở lần thứ n. Tôi mất cả nửa buổi tối hì hục với chúng và giải quyết gần như toàn bộ những thứ còn tồn đọng. Có lẽ cô ấy là một thiên thần hộ mệnh, mặc dù không hay biết. Mà cũng thật dễ chịu khi ngồi xem số dư tài khoản trong khi cô ấy ngọ ngậy trong lòng tôi và khám phá tôi không chút ngượng ngùng. Cứ cái kiểu ưu đãi nghề nghiệp này chắc tôi phải cân nhắc đến chuyện trở thành một anh kế toàn viên tỉ mỉ và cần cù mất thôi... Ừ thì, không hẳn đêm nào chúng tôi cũng phải chơi trò bịt mắt đoán người. Ý tôi là, cả một chuồng đầy bò vẫn đợi tôi mỗi buổi sáng. Tôi hỏi cô ấy lý do của việc không mua ti vi. Lúc ở nhà tôi, cô xem tất, kể cả quảng cáo. Thứ cô ấy thích nhất là những em bé bụ bẫm bập bẹ nói lời khen ngợi nhãn hiệu tã giấy của mình. Cô tròn mắt xem mọi thứ, từ những chương trình tạp kỹ với những ông bà già hạnh phúc sưu tập tượng chú lùn giữ vườn, cho đến những bộ phim hình sự đêm muộn trong đó bọn ác luôn kết thúc trong một chiếc xe hơi dưới vực sâu. Tôi làm tình với cô ấy trên tấm thảm to trước màn hình ti vi trong khi cô không rời mắt khỏi bộ phim hài Những người bạn. - Đấy anh thấy không! – Cô ấy thốt lên. – Rõ ràng người như em thì không được phép có ti vi. Chỉ có thể thao là cô ấy không ủng hộ. Ngay khi nghe thấy nhạc hiệu của một chương trình thể thao, cô bắt đầu thở vắn than dài và lôi tập thơ ngớ ngẩn trong chiếc túi hoa của mình ra. Cái túi là vật bất ly thân của cô ấy, trong đó cô luôn cất vài ba quyển sách. Hoặc là cô ấy ra sức khiến tôi sao nhãng. Cô mồi chài tôi trên tấm thảm, mặc dù tôi vẫn không thể rời mắt khỏi cuộc đối đầu giữa hai đội Björklöven và Modo. Cũng có khi chúng tôi thuê phim về xem. Nói thế nghĩa là không phải một phim, vì chúng tôi không bao giờ thỏa thuận được với nhau về sự lựa chọn. Chúng tôi luôn thuê hai bộ phim. Để rồi cô vớ lấy chiếc túi hoa của mình trong khi tôi xem phim của tôi, và tôi ngủ khò khi cô xem phim của cô. Hai chúng tôi hợp nhau như nước với lửa, giống như cách nói của ông ngoại tôi. Và tôi không muốn chuyện này chấm dứt. Chỉ cần tôi sống ngày nào biết ngày ấy.