Ai Rồi Cũng Khác
Chương 14
Cúp máy ngủ ngon!
Hôm qua ngồi nói chuyện điện thoại với một người chị xong thì chị ấy bảo: “Đấy! Nói chuyện với mày xong tao với mày cúp máy ngủ ngon, chẳng lo nghĩ gì nhiều...”
Chị làm tôi giật mình với câu nói “cúp máy ngủ ngon”.
Bạn biết không, nói chuyện điện thoại với một người xong mà bạn có thể cúp máy ngủ ngon thật ra không dễ như mình tưởng! Trong một vài câu chuyện, bạn sẽ không ngừng lo lắng, không biết mình có nói hớ hênh cái gì không hoặc là có đang bị dụ dỗ cái gì không. Tôi còn biết nhiều người gài cả chế độ ghi âm tự động vào máy, để có gì sau này còn bằng chứng để “tố” nhau.
Dùng một phút để rà soát lại, trong đời bạn có bao nhiêu người mà bạn có thể “cúp máy ngủ ngon” như thế?
Cái đứa mình ghét
Luôn có một đứa mình ghét trong cuộc đời. Mình không biết tại sao từ khi số phận để cho hai đứa biết nhau, mình đã ghét nó đến như vậy!
Mình với nó không hề liên quan nhưng mình không thích nó hơn mình điều gì.
Làm kiểm tra mình không cần điểm cao, nhưng phải cao hơn nó.
Đi chơi chung, xe mình phải đẹp hơn xe nó.
Bố mình phải làm chức cao hơn bố nó.
Bồ mình phải đẹp hơn bồ nó (dù chỉ là mình tự nghĩ vậy!)
Khi ra trường mình muốn mình làm việc ngon hơn nó, kiếm tiền nhiều hơn nó.
Chuyện gì của nó mình cũng muốn biết, để đoán xem nó đang làm gì, để xem mình phải làm gì, để vượt xa nó, cho nó ngửi khói...
Ấy vậy mà...
Khi cái đứa mình ghét gặp rủi ro, tự dưng mình chùng dạ. Cái đứa mình ghét có khi cũng mệt mỏi khi cứ phải tranh đấu vô nghĩa với mình, nó bảo nó không muốn nữa, tha cho nó đi.
Cái đứa mình ghét đâu có biết...
Dù mang tiếng ghét, nhưng nó là động lực để mình phát triển, mình giỏi hơn. Cái đứa mình ghét nó giống một người bạn đồng hành đi bên cạnh, nó nhìn sang mình, mình nhìn sang nó cùng đi tới.
Ghét là ghét vậy thôi, nó đau, mình cũng không cầm được nước mắt...
Người yêu mình hay người mình yêu?
Chọn người yêu mình, hay chạy theo người mình yêu?
Người ta vẫn hay khuyên hãy chọn lấy người yêu mình, để có một cuộc đời an yên về sau không lo nghĩ. Nhưng có lẽ thỉnh thoảng ta cũng nên mường tượng trước cảnh mình sẽ thức dậy bên cạnh một người mà mình không có gì để đam mê. Ta không thích mùi tóc, không nhớ nhung những gì từ cơ thể họ. Ta không hứng thú làm cho họ một tách cà phê, không muốn chuyện trò quá nhiều vì không có nhiều đề tài chung để nói. Ta quên việc tự chăm sóc mình, vì không có một người đủ để ta muốn đẹp, muốn giỏi hơn mỗi ngày vì họ.
Thế nên đừng hỏi vì sao người ta cứ chạy theo người làm mình đau khổ, và vô tâm với những tình yêu ràng buộc không mong muốn.
Ngay trong nỗi đau vì một người khiến mình say mê, cũng đã hạnh phúc gấp mấy lần việc ở cạnh một người mình không có cảm giác...
Tiền bối
Một hôm đẹp trời, tôi lướt “Facebook” và tìnn cờ thấy một dòng “status” bực mình của một người anh “lão làng” trong ngành giải trí. Anh than thở: “Bọn trẻ bây giờ... láo quá!”. Khi đọc được dòng chữ ấy, tôi cảm thấy rất buồn. Cái buồn đầu tiên là dành cho người anh của mình chắc đã phải chịu một cơn tức không dễ gì quên, cái buồn sau sâu sắc hơn thì dành cho người trẻ nào đó đã cư xử có lẽ là chưa phải phép.
Tôi chợt nhớ những ngày mình còn ấp ủ ước mơ ca sĩ. Tôi làm nhiều việc phía sau cánh gà trong gần bảy năm, gặp hầu hết những ngôi sao ca nhạc Việt Nam đương thời, và chứng kiến nhiều màn trình diễn công phu của họ. Tôi cho rằng bằng việc quan sát như vậy, có lẽ đã đủ để trở nên vững vàng để tôi bước lên sân khấu. Ngày đầu tiên “ra mắt”, tôi đã tự mình quyết định mọi thứ, từ việc xuất hiện ra sao, trả lời phỏng vấn của MC thế nào, bỏ ngoài tai những lời nói của đàn anh, đàn chị trong công ty.
Hôm đó tôi vẫn hát bình thường. Nhưng tôi đứng sai vị trí đẹp nhất trên sân khấu mà lẽ ra tôi nên hỏi một người anh chuyên về việc đó.
Hôm đó tôi vẫn hát bình thường. Nhưng tôi giao lưu dài dòng lấn sang giờ diễn của ca sĩ tiếp theo khiến khán giả chẳng buồn nghe, họ la ó.
Hôm đó tôi vẫn hát bình thường. Nhưng tôi lóng ngóng tay chân trong khi lẽ ra tôi có thể tham khảo từ anh đạo diễn sân khấu những động tác phù hợp.
Tôi có toàn bộ những “tiền bối” hơn chục năm trong nghề xung quanh, vậy mà tôi bước ra sân khấu vụng về và thất bại. Đêm đó tôi về mất ngủ, tôi lập tức nhắn tin xin lỗi những người anh của mình, hứa rằng mình sẽ không bao giờ ngu dốt như vậy lần nào nữa. Tôi thầm cảm ơn bài học chua cay đó đã thức tỉnh đứa trẻ con lâu năm trong mình, để sau này lớn lên mình sẽ không phải học lại nó lần nào nữa.
Có một điều cần phải công nhận, đó chính là những người trẻ bây giờ ngày càng giỏi. Người trẻ sau này có lợi thế về các phương tiện thông tin, công cụ hỗ trợ cũng tân tiến vượt bậc, cho nên họ có sự phát triển tài năng cũng nhanh gấp mấy lần thời trước. Chưa hết, những “bệ phóng” trên truyền hình như các chương trình thi thố ca nhạc hay các chương trình thực tế cũng thường xuyên “bơm” vào làng giải trí ngày một nhiều ca sĩ hơn. Có những bạn trẻ ca hát miệt mài bao nhiêu năm không ai biết, nhờ chương trình truyền hình, một đêm bỗng hóa “ngôi sao”.
Và ngộ nhận bắt đầu...
Thành công luôn có mặt trái của nó, nhất là nó làm tô đậm thêm cái tôi vốn dĩ đã đậm sẵn từ trước của một người nghệ sĩ trẻ. Cái tôi lớn tướng nên người trẻ không còn nhìn thấy gì khác ngoài mình, không còn quan tâm được đến cảm xúc của ai khác ngoài mình, thêm phần áp lực vì khi nổi tiếng thì công việc nhiều lên khiến họ ngày càng thay đổi.
Tôi không phải là một người già hay giàu kinh nghiệm sống gì cho cam, nhưng tôi cũng lớn lên từng ngày và cũng có cách tích góp “vốn liếng” trải đời của riêng mình nên tôi rất hiểu cảm giác đó. Tôi cũng từng gặp nhiều người trẻ, họ không có thói quen nói xin chào, họ bước đi trong tư thế ngẩng cao đầu dù đôi khi đó là nơi không cần phải trịch thượng đến thế! Tôi không dám phán xét, nhất là khi tôi vẫn chưa làm được gì cho đất nước, cho gia đình nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta không tôn trọng một “tiền bối” đúng mực, chúng ta sẽ mất nhiều thứ lắm!
Trong bộ phim “Đấu trường sinh tử 2” chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên, khi phải tham gia vào cuộc chiến sinh tử, nhân vật chính của chúng ta buộc phải lựa chọn những người tham gia đội ình để cùng chiến đấu. Phía quân địch, họ lựa chọn những người trẻ mạnh khỏe, dẻo dai. Còn phía nhân vật chính, cô gái chỉ chọn vào đội của mình những người già. Thế mà chính những người già đó, họ lại giải quyết câu hỏi lớn của cuộc chiến, khám phá bí mật chủ chốt cho sự giải thoát và thậm chí một người trong đó còn chấp nhận hy sinh mạng sống để những người trẻ đi nhanh hơn.
Gặp một “tiền bối”, giống như gặp một kho vàng. Chỉ có điều, bạn phải có chiếc chìa khóa phù hợp. Chiếc chìa khóa đó có thể là sự lễ phép, có thể là sự cởi mở. Và điều trái tim tôi luôn mách bảo khi gặp một người đi trước quyền năng, đó chính là họ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bạn nếu được hỏi. Bởi họ luôn bắt gặp đâu đó hình ảnh của mình ngày xưa bên trong bạn.
Tôi đã từng cho rằng mình có thể làm được mọithứ! (ngông cuồng đến vậy đấy!). Và thực tế luôn chứng minh cho tôi điều ngược lại. Đột nhiên tôi nhận ra mình chưa bao giờ tồn tại biệt lập, mà luôn phải gắn bó với một hay một vài người. Khi đã nhận ra điều đó, tôi chợt thấy mọi thứ sẽ nhẹ nhàng biết bao nếu chúng ta có thể được học từ những người đi trước. Ai đó từng nói, cuộc đời này không đủ dài để tự bạn học hết mọi bài học. Có những bài học dẫn đến tổn thương vĩnh viễn, có những bài học phải trả bằng tiền, bằng máu... Và không phải ai cũng có đủ một dung lượng trái tim lớn để chứa đựng những niềm đau ấy. Để an toàn cho chính mình, tôi khuyên bạn nên “tiết kiệm vấp ngã”. Tại sao “vấp ngã” mà cũng phải “tiết kiệm”? Khái niệm thú vị này có nghĩa là bạn sẽ không phải tự mình vấp ngã quá nhiều lần để học những bài học, mà hãy lựa chọn học chúng qua những người đã vấp ngã trước đó. Chính những “tiền bối” này sẽ cho bạn biết con đường chính xác để vượt qua gian nan, đến gần với thành công mà không phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt.
Một “tiền bối” khi trải qua một khoảng thời gian quá dài trong nghề, thứ mà họ tích góp không chỉ có những kinh nghiệm tốt đẹp. Cho nên, việc chúng tagồng mình lên để chứng tỏ mình đang “có thời”, hay có những hành động không lễ phép nhằm mục đích phô trương tài năng thì đối với họ cũng chỉ là trò con nít. “Tiền bối” khi cần vẫn có thể ra tay dạy cho chúng ta những bài học chua chát.
Mối quan hệ “tiền bối - hậu bối” sẽ luôn tốt đẹp, nếu một trong hai bên thực sự biết nghĩ cho đối phương. Sự lễ phép, tôn trọng người đi trước là điều cực kì có lợi ột người trẻ. Điều đó bảo vệ bạn an toàn trên con đường thực hiện ước mơ, giữ mọi thứ cảm xúc nằm ở trạng thái cân bằng. Rồi một ngày nào đó những “hậu bối” này sẽ trở thành “tiền bối”, ngày hôm nay họ đã hiểu và tôn trọng đồng nghiệp, thì họ cũng sẽ nhìn đàn em sau mình với con mắt thiện cảm, chân tình hơn.
Đừng bao giờ xem thường những người lớn hơn, họ đã từng trẻ, còn chúng ta thì chưa từng già...
Truyện khác cùng thể loại
163 chương
192 chương
59 chương
10 chương
575 chương
21 chương