Triết lí âm dương của văn hóa phương Đông có câu “Khi cực thịnh cũng là lúc khởi suy “ mang ý nghĩa khi một điều gì đó đạt đến ngưỡng nhất định của nó và không thể tiếp tục tiến lên hay lùi xuống được nữa, thì sẽ bắt đầu quá trình ngược lại của mình. Ví dụ vương triều phong kiến nào cũng vậy, dù có hưng thịnh đến mấy thì khi đạt đến một ngưỡng rực rỡ tột bậc nào đó, nó sẽ bắt đầu suy tàn, để rồi khi đất nước suy tàn đến một mức độ không thể tồi tệ hơn nữa, nó sẽ lại phát triển đi lên từ trong tro bụi. Cũng giống như loài linh điểu Khổng Tước vậy, khi đạt đến vẻ đẹp mỹ lệ nhất trong đời nó thì sẽ tự nộ hỏa nguyên thần mà cháy thành tro, để rồi lại tái sinh trở lại với vẻ đẹp hoàn mỹ hơn trước. Nhưng không hẳn là khi đến ngưỡng “cực thịnh “ thì sẽ tiến hành “khởi suy “ ngay, mà nó còn cần một thời gian được gọi là “hư không “. Có nghĩa khi đạt đến đỉnh điểm của cực thịnh thì tại đó sẽ là một bề mặt bằng phẳng, nơi mà mọi thứ diễn ra không có thịnh hay suy, diễn ra một cách vô thức. Và khi sự quân bình đó kéo dài được một thời gian thì sẽ tiến hành sụp xuống, đó là lúc bắt đầu “khởi suy “. Điều cốt yếu tôi muốn nhấn mạnh chính là trạng thái được gọi là hư không đó. Tâm trạng của tôi vào những ngày diễn ra tang lễ của Sơn đen cũng hệt như vậy, luôn tồn tại ở trạng thái hư không, lơ mơ không nhận rõ được mình đang nghĩ gì và muốn gì. Những ngày ấy, buổi sáng học xong, trưa về ăn cơm thì tôi lại phóng xe ra ngoài đường, mẹ tôi có hỏi thì tôi sẽ theo phản xạ nói ngay là tôi đi học thêm, nhưng bà lại chẳng hỏi gì cả. Có lẽ, mẹ tôi cũng biết con trai mình đi đến đâu. Đúng vậy, ngày nào tôi cũng đến nhà Sơn đen từ trưa đến mịt tối mới trở về nhà trong bộ dạng buồn bã và đầy mệt mỏi. Đoạn đường từ nhà tôi đến nhà Sơn đen không xa, giữa trời trưa nắng gắt, có những lúc tôi tưởng như khi tôi chạy xe đến nhà nó thì nó sẽ lại phóng ra đón tôi bằng một cú đấm nhẹ hều vào bụng, rồi lại khoác vai nhau đi đá bóng. Có những lúc tôi tự gạt mình trong một giấc mộng rằng Sơn đen vẫn còn sống, rằng nó chẳng phải là cái người đang nằm bất động ở kia. Thế nhưng khi đến cổng nhà nó, khi thấy những chiếc bàn tròn được kê đằng trước, chứng kiến những vòng hoa trắng xóa, tờ giấy cáo phó dán trên tường, những con người đang ngồi, đang quỳ, đang khóc, thì tôi mới biết được trở lại rằng đứa bạn thân của mình đã mất thật rồi. Đã bao lần tôi đưa mắt nhìn vào bên trong, và tự lẩm bẩm với cỗ quan tài một mình: - “Sơn, mày phước lớn mạng lớn mà, đừng có đùa như vậy, tao không thích đâu! “ - “Ê thằng kia, tao nhớ ra rồi, băng “Trẻ ranh đường phố” chưa có người kế vị, tao dự định cho thằng Rế đệ tử ruột của mày nhậm chức, mày nghĩ sao? “ - “Cái thằng này, hỏi mà không nói gì hết, chán mày ghê!” - “Bố hỏi mà không trả lời à con? Tin tao oánh mày như hồi đó không, cái hồi còn nhỏ ấy? “ - “Cái hồi…… mày tỉnh dậy đi…..! “ Nhưng cũng có những lúc tôi lại tự vấn một cách trái ngược: - “Sơn, mày nằm trong đó thì đừng mở mắt ra nhé, vì tao không muốn mày thấy cảnh này đâu!” Đúng vậy, tôi không muốn thằng Sơn chứng kiến cái cảnh mẹ nó sức yếu và ngày càng kiệt quệ vì sự ra đi vĩnh viễn của con mình, bà khóc rồi lại ngất, tỉnh rồi lại khóc, rồi lại ngồi lặng đi, đầu tóc rũ rượi, ánh mắt vô hồn nhìn di ảnh của con mình. Tôi không muốn thằng Sơn phải thấy ba nó lặng lẽ gạt nước mắt mỗi khi thằng em nó đòi anh. Tôi không muốn nó phải thấy những điều đó, phải thấy những gì tàn nhẫn nhất của cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Với tư cách là người bạn thân nhất của nó, tôi luôn túc trực bên cạnh linh cửu, chỉ trừ những lúc đi học và về nhà, còn lại tôi đều ở gần nó, nhiều khi đến nỗi có một vài người còn lầm tưởng tôi là anh em ruột với nó. Họ bảo tôi đừng buồn, họ an ủi tôi như chính tôi là người nhà của thằng Sơn, để rồi tôi lại là người đi an ủi mẹ nó, và dỗ dành em trai của nó. Tôi lấy việc đi mua nước, đi mua hương hỏa, nến thắp, làm những việc mà tôi cảm thấy là mình còn có thể làm được cho bạn mình. Buổi sáng, tôi đi học, buổi trưa tôi về nhà ăn cơm, rồi lại chạy đến nhà thằng Sơn. Tôi cứ đi ra đi vô để góp phần vào việc lo hậu sự, tôi chỉ đạo bọn đàn em trong băng phải làm thế này thế kia. - Thằng Tủn, mày nín anh coi nào! - Đóm, dẫn thằng Tí về nhà đi, mẹ nó kêu kìa! - Tối rồi, tụi mày về ăn cơm rồi học bài đi, tao ở đây được rồi! - A Lý, sao rồi? Có những lúc, tôi hồi hộp mong ngóng tin của thằng Rế, vì nó liên tục bị gọi lên đồn công an để lấy lời khai. - Sao? Có gì không? Thằng Rế buồn bã lắc đầu, nó bảo gia đình lão béo kia vẫn cứ hung hăng như vậy, và khăng khăng không phải lỗi của con mình. Tôi lại thất vọng, lại chờ sang ngày hôm sau, và lại thất vọng. Và ba tôi vẫn chẳng nhắc gì đến chuyện này, ông cũng im lặng. - Thôi đừng buồn, thiên bất dung gian mà, mày về nhà đi! – Tôi xoa đầu an ủi thằng Rế. Nhìn dáng nó đi lững thững một cách sầu não khuất dần về phía cuối đường, tôi càng nhận rõ được rằng, mất mát này là một mất mát quá lớn lao, không chỉ là của mình tôi, mà là của rất nhiều người. Những ngày đó, tuyệt nhiên không hề có lấy một lời thăm hỏi, hay một cuộc viếng thăm nào từ gia đình lão béo. Nếu có, chỉ là một người lạ mặt nào đó ăn mặc lịch sự, tự giới thiệu là luật sư và muốn được thay mặt thân chủ để đền bù. Nhưng ba của Sơn đen từ chối hết tất cả các khoản đền bù mà không hề nhận lấy một đồng nào, ông nhất mực bảo rằng, tất cả sẽ do tòa án phán quyết. Người luật sư bỏ về trong bực tức, tôi còn tưởng như hắn sẽ gọi gia đình lão béo đến để gây sự, tôi ước gì sẽ được như vậy, và chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại gì mà lao đến, một quyền đánh chết lão béo để trả thù cho bạn tôi. Nhưng rốt cuộc, gia đình người bị nạn vẫn chìm trong đau thương tang tóc, và gia đình kẻ gây tai nạn, lại không có đến một nén nhang nào gọi là hối lỗi. Buổi tối, hội bàn tròn đến viếng thăm, mặt mũi thằng nào thằng nấy buồn xo, thằng Dũng xoắn bình thường láu táu là thế mà hôm nay cũng im ru. - Vừa mới gặp mấy hôm trước, vậy mà…..! – Luân khùng lắc đầu thở dài não ruột. Tụi Khang mập lại càng thảm hơn khi chính tụi nó là người được Sơn đen dạy cho từng miếng võ, bày cho những chiến thuật bóng đá, đem lại cho tụi nó những tràng cười sảng khoái. Giờ đây, việc duy nhất tụi nó có thể làm cho Sơn đen chỉ là thắp một nén nhang, và ngồi tại đó với khuôn mặt sầu bi, tang tóc. Và tôi lại là người đến an ủi từng thằng, tôi kiên cường đến mức tôi không nghĩ là tôi sẽ như vậy, đến mức thằng Tuấn rách còn ngạc nhiên khi thấy tôi lăng xăng hăng hái quá mức cần thiết. Nhưng tụi nó đâu biết, tôi đang cố làm mình bận rộn, vì chỉ cần thảnh thơi rảnh tay một phút giây thôi, là tôi sẽ lại chìm trong nỗi buồn mất bạn. Tiểu Mai cũng thường xuyên đến viếng, có một lần nàng đi cùng với chú Ba của mình, là ba của anh Triết. - Sao anh không nói với em? – Nàng trách khẽ tôi về chuyện tối chủ nhật vừa rồi, tôi chạy về gặp ba của mình để nhờ chuyện đòi lại công đạo. - Thì giờ anh nói rồi đấy! – Tôi rầu rĩ đáp vẻ như không quan tâm. - Chú Ba là công tố viên của tòa án nhân dân tối cao, em đã kể hết với chú rồi! - Tiểu Mai thì thầm vào tai tôi. Tối hôm ấy, tôi nhìn Tiểu Mai bằng ánh mắt cảm kích mà tôi chưa từng nhìn, vì nàng ít nhất cũng đã mang cho tôi một chút hơi ấm hiếm hoi trong suốt những ngày lạnh giá vừa qua. Cũng ngay tối hôm đó, chú Ba đã đến nhà tôi và gặp ba tôi. Khi hai người gặp nhau, tôi thấy chú Ba khẽ cúi chào ba tôi, rồi hai người bước lên cầu thang đi vào phòng khách. Không rõ là hai người bàn chuyện gì ở trên lầu, nhưng mãi đến gần khuya thì chú Ba mới chào cả nhà tôi và ra về. - Gì vậy ba? – Tôi đưa mắt ngơ ngác hỏi. - Ừm…! – Ba tôi lẳng lặng gật đầu rồi quay vào trong. Tôi không biết gì nhiều, và Tiểu Mai cũng chẳng biết gì hơn, nàng bảo tối hôm đó vừa về nhà thì chú Ba đã gọi điện thoại ngay cho ai đó, và đã xảy ra một cuộc tranh cãi khá gay gắt, đến nỗi chú Ba dập máy điện thoại đánh rầm một cái mà cả nhà đều nghe thấy. Không biết gì xung quanh chuyện xử án tội phạm, tôi chỉ biết trở lại làm một chỗ dựa tinh thần cho những ai có thể dựa vào. Đó, có lẽ là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất của đời tôi, luôn phải an ủi mọi người, nhất là bé Trân. Đúng vậy, tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng Trân lại buồn đến như vậy! Con bé luôn đến nhà Sơn đen, cũng giống như tôi, nhưng trừ giọt nước mắt duy nhất của hôm đầu tiên thì những ngày sau tại nhà Sơn, đứng trước quan tài, tuyệt nhiên tôi không thấy Trân khóc. Về nhà, tôi có hỏi thì con bé cũng không trả lời mà bỏ đi một mạch vào phòng, để rồi tối hôm sau lại có mặt ở nhà Sơn đen, cũng với ánh mắt buồn u uất, cũng thái độ không nói chuyện với bất kỳ ai, lẳng lặng đến, và lẳng lặng về. Chỉ trừ một đêm nọ, khi tôi xin phép gia đình thằng Sơn đem chiếc vòng đá còn dang dở, chiếc vòng đã là những gì cuối cùng Sơn đen còn thấy trên cõi đời này, tôi đem về cho bé Trân. - Em… mở cửa cho anh được không? – Tôi gõ cửa phòng con bé. - …..! – Trân mở cửa rồi quay trở lại giường. Tôi cứ tưởng mình sẽ bắt gặp con bé đang khóc, để rồi khi tôi bất ngờ đến thì con bé sẽ vội quệt nước mắt, để lại đôi mắt đỏ hoe rồi ra mở cửa cho tôi. Nhưng không, đôi mắt bé Trân vẫn ráo hoảnh, tựa hồ như chưa hề ướt đẫm bao giờ. - Chiếc vòng này… Sơn nó làm còn dang dở… anh gửi lại cho em! – Tôi khổ sở nói rồi đặt nó lên bàn. Vẫn không nhìn tôi, cũng không nhìn vòng đá, Trân đưa mắt vô hồn như nhìn một điều gì đó xa xăm, rất xa xăm. Mãi đến khi tôi bước ra cửa phòng và kéo nhẹ lại, thì tôi vẫn không thấy biểu hiện gì khác thường từ phía con bé. Chính điều này làm tôi lo sợ rằng Trân sẽ buồn quá mà mất đi tỉnh táo, làm chuyện rồ dài. Thế nhưng không, khuya hôm ấy, khi tôi thấy phòng của Trân vẫn còn sáng đèn, nhẹ nhàng đi đến, tôi định bảo con bé ngủ đi thì…. Trong phòng, bé Trân đang gục mặt trên bàn, tay siết chặt chiếc vòng đá còn dang dở, và khóc rấm rứt trước một tấm hình con bé chụp chung với Sơn đen trong một dịp đi chơi. - Anh…ác lắm….hức… hu hu… anh ác…lắm…..hu! Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc nhẹ đóng cửa phòng lại, và cắn chặt môi mình để kềm cơn xúc động đang chực trào ra. Không biết vì sao tôi lại kìm nén đi cảm xúc của chính mình, tôi không thể hiểu được tại sao. Hay có lẽ lúc ban ngày, tôi cố tỏ ra kiên cường để không ai phải biết, để rồi khi về đêm, tôi trở lại là chính tôi, là thằng con trai mất đi đứa bạn thân nhất của mình, và im lặng thức trắng đêm, gặm nhấm nỗi đau của riêng bản thân mình? Nhưng dù có cố đến cách nào đi nữa, tôi cũng không thể phát tiết ra được cảm xúc thật sự từ tận sâu thẳm trong tim mình. Tôi cứ nghĩ tôi sẽ rất đau khổ, tôi sẽ vật vã đến gào khóc, nhưng không, tôi luôn ở một trạng thái mơ hồ, lờ đờ mà không biết mình nghĩ gì, muốn gì. Có những lúc tôi nghe nỗi đau dâng trào tột đỉnh, nhưng chỉ đến cuống họng rồi nghẹn lại, không thể bộc lộ ra được. Rồi tôi nóng vội, bồn chồn, đi qua đi lại giữa đêm như một người điên. Không ai nhận ra được sự khác thường trong tôi kể cả chính tôi, chỉ trừ Tiểu Mai. Nàng đã mấy lần đến gần tôi và nói: - Anh đừng như vậy, em.. sợ…! Nhưng tôi còn biết làm gì nữa? Tôi còn không biết mình đang như thế nào nữa kia mà? Tôi không biết mình đang mong đợi điều gì? Tôi đang mong đám tang sẽ nhanh chóng trôi qua để tôi bớt đau khổ, hay tôi đang chờ đợi một bản án thích đáng dành cho hai thằng khốn kiếp kia? Hay tôi đang chờ một điều hão huyền hơn, là bạn tôi sẽ sống lại? Tôi không thể đau khổ hơn, nhưng cũng không thể vui một chút xíu nào, tôi không điều khiển được tinh thần của tôi nữa. Tôi đau nỗi đau không nói thành lời của riêng tôi, một nỗi mất mát nay đã làm tôi buốt giá, ngừng trệ tất cả những suy nghĩ của tôi. Tất cả chỉ là một miền trắng xóa, mơ hồ và không mục đích, đúng vậy, một miền trắng xóa hệt như màu trắng của khăn tang, của hoa tang, của… đám tang. Tao đang làm sao vậy? Sơn ơi…… Ngày tiễn đưa Sơn đen về nơi an nghỉ cuối cùng là một ngày trời không có nắng, những đám mây phủ kín cả một vùng trời như không để bất kỳ ai trong dòng người đưa tang phải đổ mồ hôi vì nóng, bởi họ đã đổ quá nhiều nước mắt rồi. Sáng sớm hôm ấy, cả tôi và Tiểu Mai không hẹn mà cùng nhau xin phép nghỉ học một ngày để có mặt trong nghi lễ chôn cất. Vẻ như nàng đã biết trước được tôi sẽ xin nghỉ học hôm nay, vậy nên, nàng cũng vậy. Tiểu Mai mặc một bộ áo váy màu đen theo truyền thống tang lễ ở Nhật, tôi thì thậm chí còn chẳng quan tâm là mình sẽ mặc gì, vẻ như là một bộ sơ mi được mẹ chuẩn bị sẵn vào đêm hôm qua. Bé Trân, vẫn buồn bã và lẳng lặng như một cái bóng, con bé cứ mãi đi sau hai đứa tôi, không nói một lời nào. Đoàn người đưa tiễn linh cửu hôm nay rất im lặng, không ai nói với ai câu nào, tất cả chìm trong bầu không khí nhạt nhòa xám xịt như chính thời tiết hôm nay vậy. Tiếng tụng kinh của các vị sư thầy ở đằng trước vọng về đằng sau như càng làm thê lương tâm trạng của mọi người hơn nữa. Nhưng tuyệt nhiên không có một ai bật ra tiếng khóc, kể cả mẹ của Sơn đen, bà lẳng lặng đi cạnh linh cửu, đi cạnh đứa con út đang ôm di ảnh con trai đầu lòng của bà. Đoàn người dừng lại ở nghĩa trang thành phố, đó là một vùng đất cao và rất rộng lớn, từ trên đây có thể phóng tầm mắt nhìn thật ra xa phía biển khơi mênh mông. Khi đến nơi, những người trong dịch vụ mai táng nhẹ nhàng đặt cỗ quan tài xuống, và rồi họ cột dây, thả từ từ chiếc hòm gỗ chứa thân xác bạn tôi trong đó xuống một hố cát đã đào sẵn. Mọi thứ vẫn diễn ra trong im lặng, chỉ có tiếng kinh cầu của vị sư thầy là nhỏ nhẹ và đều đặn vang lên. Bất chợt em trai của Sơn đen quay sang, ngước mắt hỏi ba: - Ba… sao lại thả anh hai xuống đây? Anh hai chưa ăn sáng mà, sao lại đi ngủ tiếp hở ba? Câu hỏi thơ ngây của đứa bé chưa hiểu chuyện lại làm mẹ nó bật khóc, bà gào lên thảm thiết trước mộ phần con mình. Tiếng gào khóc của bà đầy bi thương, ai oán, và làm dậy lên lòng thương cảm đối với tất cả những ai có mặt vào ngày hôm đó. Bởi nỗi đau của người mẹ mất con luôn là nỗi đau bi thống, cứa lòng những người đang sống tiễn người đã chết. Tiểu Mai khẽ siết chặt tay tôi, nàng vẫn lạnh lùng như thuở nào, nàng không khóc, tôi cũng không khóc. Hoặc giả chăng là hai đứa tôi đều không khóc được, nhưng Trân thì khác. Con bé không bao giờ khóc thật to, mà đôi vai chỉ khẽ run lên, rồi từng giọt nước mắt lăn dài trên má, dù đôi mắt vẫn còn nhìn đăm đăm về phía cỗ quan tài đang dần bị đất lấp lên. Mộ phần Sơn đen nằm ở một nơi có thể nhìn ra toàn cảnh biển, không được khang trang như những ngôi mộ cạnh bên, nhưng ít nhất đám tang của nó cũng đã có rất nhiều người tiễn đưa. Và bọn trẻ trong băng nhóm tụi tôi, không biết bằng cách nào mà tụi nó cũng đến, không sót một đứa dù là đứa ít tuổi nhất. Khi mọi người đã lục tục kéo nhau ra về, thì Trân vẫn đứng lặng trước mộ phần của Sơn đen, và cả tôi lẫn Tiểu Mai đều nhận ra sự đổi khác của con bé. Trên bàn tay phải nhỏ nhắn lúc này là chiếc vòng đá còn dang dở của Sơn đen đã được bé Trân đan lại một cách hoàn chỉnh, và con bé đang mấp máy môi như nói điều gì đó. Giây phút chứng kiến con bé đeo chiếc vòng đá ấy vào tay là giây phút mà cả tôi và Tiểu Mai đều biết một điều rằng, đó là sau này Trân khó còn có thể nhận lời yêu ai được nữa! Một ràng buộc và thề ước được tạo ra với một người đã chết là một điều tàn nhẫn nhất đối với người còn sống, dẫu cho có được chấp nhận hay không!