Xuân Yến

Chương 96 : Kỳ Chiếu - Cô Đảo

Buổi tối, có lúc tôi ra ngoài tản bộ. Chợ đêm Kỳ Chiếu nổi tiếng gần xa. Ngõ nhỏ phố nhỏ có những khu chợ dân gian họp từ nửa đêm đến tờ mờ sáng, lưu truyền qua nhiều tháng năm, ăm ắp phong vị trần tục như một bữa tiệc. Khói dầu mỡ cuồn cuộn, tiếng người và còi xe dồn dập xôn xao, các sạp hàng bạt ngàn thức ăn, đủ hình đủ sắc, từ núi xuống biển, không gì không có. Các món rán xào không mấy sạch sẽ vệ sinh. Khách hàng háu ăn đông đảo lượn quanh, không biết họ dừng lại ở những quán này để thỏa mãn khẩu vị, hay say sưa vì một ảo ảnh phồn hoa no đủ nào đó của thế gian. Kỳ Chiếu, đô thành thuở xưa đã chìm lỉm như con thuyền lớn giữa lòng đại dương. Giờ chỉ còn những dãy bàn gỗ trần trụi dưới bóng đèn, trải khăn ni lông, ngổn ngang đũa dùng một lần cùng hộp xốp. Thực khách uống rượu nói chuyện nhai nuốt nhồm nhoàm, không hề khó chịu vì bát đũa sơ sài ngoa nguếch. Tộp tộp. Rào rào. Mặt đất lổng chổng xương xẩu mút hết và những mẩu ướt thức ăn dư. Tôi xuyên qua đám đông, va phải hoặc song hành với người khác, giống như đi trong một dòng sông cuồn cuộn. Lạc lối giữa giấc mộng tàn của phù thế. Tôi lắng nghe những âm thanh phát ra từ trái tim cổ xưa này, huyên náo, sục sôi, khe khẽ, nhẹ nhõm. Như một cơn mưa triền miên đổ xuống cả ngàn năm dài không nghỉ sau một lần tòa thành bại trận, người trong mưa quen đương đầu với biến động nên rất bình tĩnh thản nhiên. Đối với một thành thị năm nào cũng bị nước lũ tràn qua xâm lấn chìm lỉm, thì việc cư dân mất đi mục tiêu là bình thường. Chỉ quan tâm được đến tình hình trước mắt, không thể ngóng nhìn xa xôi về tương lai. Giống như một nghịch lý cân bằng, một mặt là lỡ rồi thì thôi, dứt khoát buông bỏ. Mặt khác được bao nhiêu tận dụng bấy nhiêu, kiên cường tranh thủ thời gian. Một nhịp điệu bình tĩnh hợp lý cứ thế hình thành, sống mà thiếu tổ chức kế hoạch, buộc phải chịu đựng bản chất vô thường của sự vật. Xuyên qua chợ đêm, đi vòng quanh những con đường dù bị phá hủy mà vẫn mê hồn của khu thành cũ. Đường đêm, bên lề kê bàn tròn giản dị cho các đợt ăn khuya, ốc, cá kho, mì xào… thức ăn bày trong đĩa lớn dầu mỡ màu mè, người ta nhóp nhép ăn giữa dòng người qua lại và bụi đất mù mịt. Sạp hàng san sát, la liệt rác rến, nước bẩn và bùn cặn sau mưa chưa quét sạch. Cửa hàng nhỏ bán quần áo sáng trưng ánh đèn, vọng ra nhạc điệu thịnh hành của Hồng Kông Đài Loan. Cửa hàng đồ khô lỉnh kỉnh những gùi, giỏ, chất đầy quả khô sao, hạt hướng dương, hạt dưa, lạc, hồ đào… Trên phản hàng thịt quăng lạp xường chưa bán hết, trông rất rắn chắc, ánh lên cứng cáp, trông như tranh tĩnh vật. Tôi lại đi ra bờ hồ, mặt nước lấp lánh phản chiếu các chấm sáng đèn. Tòa nhà cao duy nhất nhô lên ở bờ đối diện trông giống một vết sẹo, dán sát lên vòm đêm đen kịt. Hút xong một điếu thuốc, đứng dậy, lại đi đến chân tường thành. Trên quảng trường, dân địa phương chơi cầu lông, tập thể dục nhịp điệu, trẻ con nô đùa, người già túm tụm. Tường thành gắn mấy chóa đèn chói chang rọi xuống mọi người, trắng lấp lóa một vùng. Tam quan khắc một bài cổ văn, nét chữ mạnh mẽ thanh tao. Tôi đứng trong bóng tối quan sát họ hồi lâu. Chụp mấy tấm ảnh, sau đó quay mình rời đi.