Xuân Yến
Chương 67 : Tín Đắc - Sự tồn tại vô hình
Ian là người vùng Nam bán cầu. Hai mươi bảy tuổi. Kĩ sư máy tính. Khôi ngô, khỏe mạnh, bạo dạn và hồn nhiên. Đi học, đi làm… cuộc sống trước đây nói chung chỉ diễn ra trong phạm vi Brisbane. Yêu thích các hoạt động ngoài trời, leo núi, trượt tuyết, ra biển, du lịch tự túc, làm tình với các cô gái đẹp. Anh là con một, được cha mẹ nuông chiều, chưa yêu ai sâu sắc, nhưng từ năm mười tám tuổi đã bắt đầu nếm thử thú vui xác thịt, ngụp lặn say sưa như thú nhỏ. Cùng năm ấy, anh thất tình, không phải là một trải nghiệm đau đớn gì cho lắm, chỉ là quyết định chia tay, biến nó thành một lý do để bản thân đi xa, chọn một địa điểm hẻo lánh, cuối cùng sang Lào.
Anh không mấy tò mò về văn hóa phương Đông. Nhưng nhờ chuyến đi ấy, gặp Thẩm Tín Đắc.
Anh kể rất nhiều chuyện, thao thao bất tuyệt, hào hứng hơn anh tưởng. Tuổi thơ, cha mẹ, công việc, thành phố, tình yêu, cuộc sống đại học, thú vui du lịch… dốc bầu tâm sự về các chủ đề vô tận với người con gái vẻ mặt man mác ngồi ở phía đối diện, thưởng thức nét cười vui vẻ ngời sáng trên khuôn mặt cô sau những mẩu chuyện sôi nổi tràng giang. Cô rất ít cười, nhưng đã cười là rất xinh. Mặc chiếc áo mỏng màu lam nhạt, kiểu dáng đơn giản, thùa khuyết bằng tay, cổ áo cửa tay viền chỉ tơ. Cổ đeo sợi dây đỏ, xỏ một chiếc nanh chó màu trắng bằng bạch ngọc. Món trang sức kì quái. Chắc là dùng để trừ tà. Khi cô tiện tay vấn mái tóc dài lên cao, anh trông thấy một chữ màu xanh đen xăm ở gáy cô lúc cô xoay người: Lẫm.
Anh hỏi, chữ này nghĩa là gì?
Cô nói, nghĩa là lẫm liệt, hoặc lạnh lẽo. Ngừng một lát, lại bổ sung, cũng còn mang nghĩa trong suốt, sắc nhọn, siêu thoát, đau đớn nữa.
Anh nói, một chữ Hán mà chuyển tải được nhiều hàm nghĩa khác nhau như thế à? Gặp những văn cảnh không rõ ràng thì biết nó theo nghĩa nào chứ?
Cô nói, văn tự Trung Quốc không có quy tắc nghiêm ngặt cố định, khi nắm vững đến một mức độ nào đó rồi, anh có thể dùng trí tưởng tượng để mở rộng phạm trù của nó. Nó sẽ chảy trôi, biến hóa, phát triển theo ý thức và tình cảm của anh, nó tự bước vào vị trí anh xếp đặt. Đây chính là sức sống và tính ưu việt của Hán tự.
Anh tỏ ra không thể hiểu dược. Cô cười khẽ, như thế là đủ thấy, đời này biết tiếng Trung chưa chắc đã may mắn. So với tiếng Trung hiện đại thì tôi thích cổ văn hơn. Đó là những con chữ đẹp đẽ và bí hiểm ngay cả với người Trung Quốc. Thời gian đào thải hết những thứ mà người ta coi là không cần thiết và không quan trọng. Các giá trị thường bị đánh giá quá thấp hoặc quá cao, chứ không mấy khi khách quan. Chẳng ai xác định được cái gì là thực sự quan trọng. Cũng thường xuyên thiếu lòng nhẫn nại.
Họ ăn cơm ở một nhà hàng ngoài trời chỗ đầu phố. Đã chiều muộn mà không khí vẫn oi ả. Nhà hàng này rất có tiếng trong cộng đồng người phương Tây ở khu vực thành cũ, lúc họ vào chỗ ngồi đã kín cả. Bữa tối gồm xa lát đu đủ, cá rán, cơm nắm. Ian là người đàn ông khỏe mạnh hoạt bát giỏi diễn đạt bằng cả cơ thể và ngôn từ, quen tư duy trực tiếp lớp lang rạch ròi thẳng thắn. Chủ đề trao đổi của họ xa cách và khác biệt, giao tiếp hiển nhiên gặp trở ngại. Có một phần trong tâm hồn cô mà người khác không thể tiến vào không sao thấu hiểu, tuy rằng tiếng Anh rất thành thạo, nhưng chẳng qua cũng chỉ tự nói tự nghe. Nhưng điều này không cản trở bầu không khí mới quen vui vẻ của hai người trẻ ở nơi tha hương dị quốc. Các khác biệt lại gây kích thích, cô khiến anh say mê.
Có bữa cơm mà ăn mãi không xong. Đến tận khuya người vắng lầu không, chỉ còn mỗi bàn của họ.
Tản bộ về đến khách sạn. Phút giây từ giã, cô đứng dưới tán cây trong khoảnh sân ngập bóng trăng, đôi mắt đen lấy thẳm sâu đăm đăm nhìn anh, lòng không sao xác định được là có cảm xúc gì. Anh thì đang ngần ngừ, không biết có nên thu hết can đảm để hôn cô, bỗng nhiên cô cất tiếng, có muốn vào phòng tôi ngồi một lát, uống tách trà Trung Quốc không. Cô chủ động mời.
Phòng cô ở tầng hai, phòng đơn chật hẹp, góc tường đặt một va li da bò vân sần màu đen, đã cũ, nhưng kiểu dáng cổ điển chất lượng tốt, nền da dai dày, mềm mại, bóng loáng, vuốt lên thấy còn rất căng. Cô nói đây là đồ cũ mẹ mua ở một chợ trời châu Âu, thường dùng trong các chuyến viễn du. Trải qua nhiều năm tháng, cuối cùng nó sang tay cô. Bắt đầu mang theo hồi đi Luân Đôn học, đựng quần áo và sách vở đơn giản.
Anh hỏi cô, nhà ở đâu. Không có, cô nói. Ở Luân Đôn hay Trung Quốc đều không có nhà, ở nhờ nhà dân, trọ trong kí túc xá trường, rồi ra ngoài thuê chung cư một thời gian ngắn. Ăn học có người chăm nom, gia đình họ hàng thì chẳng ai còn sống.
Cô lấy nước sôi pha trà Trung Quốc. Anh không thích trà xanh lắm, chỉ nhấp một ngụm cho phải phép. Chú ý đến chiếc khăn trắng cá nhân trải trên đệm giường, vỏ gối và chăn đền viền ren, có con chữ và hoa văn thêu tay. Cô nói, là đồ mẹ thêu cho từ nhỏ, bất kể quần áo, túi xách, khăn tay hay cặp đi học, đều thêu tên lên cả. Trong các chuyến xê dịch, họ luôn mang chăn ga gối đệm đi. Mẹ rất kĩ tính về giường chiếu, không thích sử dụng lại đồ dùng bằng vải của người lạ. Vì thế cô cũng có thói quen này.
Sau đó, cô xoay người đi, vẻ mặt bình thản, chậm rãi cởi áo.
Truyện khác cùng thể loại
9 chương
101 chương
107 chương
90 chương
54 chương
10 chương
60 chương
39 chương