Xin Hãy Quên Em
Chương 1
“Thật khó nói lời tạm biệt phải không con?” Ba tôi bảo. Tôi gật đầu, run nhẹ trong khí trời se lạnh giữa tháng Hai. “Thật buồn khi phải nhìn thấy nó trống trải như thế này.” Chúng tôi nhìn đăm đăm phía sau của ngôi nhà, những ô cửa sổ lấp lánh gam màu tối dưới ánh mặt trời của buổi chiều tà. “Đáng lẽ con không nên đến.”
“Con muốn nhìn thấy nó lần cuối”. Tôi lắc đầu, cảm thấy bàn tay bé nhỏ của Milly trong tay mình. “Con cũng muốn cho Milly nhìn thấy nó lần cuối.”
Tôi đã đến vài lần để giúp ba tôi đóng gói đồ đạc nhưng lần này là lần tạm biệt cuối cùng. Ngày mai công ty dịch vụ chuyển nhà Surrey sẽ đến và sự gắn bó của chúng tôi với ngôi nhà sẽ kết thúc. Khi tôi đứng đấy, những ký ức lần lượt hiện về trong đầu như những thước phim. Tôi thấy mình trong bộ váy hồng trên dây xích đu; ba mẹ tôi đang khoác tay nhau dưới cây anh đào chụp ảnh kỷ niệm đám cưới bạc của họ; anh Mark đang ném mấy quả bóng tennis cho Bob, chú chó chăn cừu của chúng tôi; còn Cassie đang tập thể dục trên bãi cỏ.
“Con sẽ đi một vòng nữa,” tôi nói. “Chỉ để xem... con có bỏ quên thứ gì không...”. Ba tôi gật đầu với vẻ thấu hiểu. “Đi nào cháu, Milly”.
Chúng tôi vào bên trong, vừa đi vừa tránh những cái hộp đang để lộn xộn, tiếng bước chân vọng lại khe khẽ trên sàn nhà trống trơn.
Tôi lặng lẽ tạm biệt căn bếp kiểu cũ với những viên gạch lát màu đỏ đen rồi tới căn phòng khách lớn kiểu phòng lồi, những bức tường treo đầy tranh suốt ba mươi tám năm qua. Rồi chúng tôi đi lên gác vào phòng tắm.
“Thao biển” Milly thốt lên, chỉ tay vào mấy tấm rèm.
“Sao biển. Đúng rồi. Và cả sò, cá ngựa nữa...Mẹ từng rất thích mấy tấm rèm này nhưng giờ chúng phai màu rồi, không giữ lại nữa” Tôi nói.
“Nước!” Milly bi bô, tay cầm lấy cái bàn chải đánh răng của ba tôi. “Nước, mẹ ơi”. Milly nhón chân lên, bàn tay mũm mĩm với tới vòi nước.
“Không phải bây giờ, con yêu” Tôi nói. “Với lại đây là bàn chải của ông ngoại và chúng ta không được dùng bàn chải của người khác, phải không nào?”
“Vâng ạ”
Tôi mở tủ đựng thuốc. Những gì còn sót lại là bộ đồ cạo râu, kem đánh răng và mấy viên thuốc ngủ của ba tôi. Ông bảo rằng hằng đêm ông vẫn phải uống một viên. Ở ngăn dưới là vài đồ trang điểm của mẹ tôi- hộp phấn nền, lọ thuốc sơn móng tay màu hồng sẫm sắp chuyển sang màu trắng vì để lâu không dùng và một lọ kem dưỡng mà tôi tặng vào ngày sinh nhật nhưng bà hiếm khi động đến. Tôi quẹt một ít bôi lên mu bàn tay và nhắm mắt lại.
Tuyệt quá, con yêu. Con biết mẹ thích đồ Shalimar mà. Cái lọ to thật - nó sẽ giúp mẹ trẻ mãi không già.
“Đi đi, mẹ ơi” Tôi mở mắt ra. “Đi” Milly nói như ra lệnh. Nó nắm chặt tay tôi và dẫn tôi dọc cầu thang lên tầng thượng, đôi giày màu hồng líu tíu trên những bậc cầu thang.
“Con muốn vào phòng chơi à?”
“Vâng, mẹ ạ. Phòng tơi” Nó hổn hển nói.
Tôi đẩy cánh cửa sơn vécni, ngửi thấy mùi ẩm mốc quen thuộc của những hạt bụi cũ. Tôi đã vứt đi hầu hết những món đồ chơi cũ, chỉ giữ lại một vài thứ chưa bị hỏng quá cho Milly. Thế nhưng vẫn còn một đống đồ chơi xếp hình trên bàn, một mớ quần áo cũ đựng trong một cái rổ, và vương vãi trên tấm lót sàn màu xanh lơ là nhiều tập truyện tranh cũ. Những dấu vết còn sót lại của một tuổi thơ hạnh phúc đang hiện về khi tôi nhặt lên một quyển Dandy.
Milly chui tọt vào trong một chiếc ôtô đồ chơi màu hồng. “Mẹ nhìn này”. Vừa nói nó vừa giơ lên một trong những con búp bê Sindy của tôi với vẻ hân hoan kinh ngạc của một nữ diễn viên khi đoạt giải Oscar.
“Ồ, mẹ nhớ cô bé này.” Tôi cầm lấy con búp bê từ bàn tay xòe ra của Milly và nhận được một cái nhìn vô hồn từ nó. “Mẹ có rất nhiều búp bê Sindy kiểu này. Năm hay sáu gì đó. Mẹ thường thích thay quần áo cho chúng.” Con Sindy này đang mặc một cái sơ mi kẻ carô bạc màu và một cái quần chẽn dơ dáy. Bộ tóc tết bằng nylông xa xỉ của nó đã bị Cassie cắt cụt mất, giờ tôi vẫn còn nhớ. Luồn ngón tay vào mái tóc tết dày của con búp bê, tôi cảm thấy cơn giận trong quá khứ lại trào dâng.
Mẹ biết em Cassie chọc phá con, con yêu. Mẹ tôi vẫn sẽ nói vậy. Nhưng con hãy cố nhớ rằng em nhỏ hơn con sáu tuổi và nó không cố ý trở thành kẻ phá bĩnh con đâu.
“Nó vẫn là kẻ phá bĩnh con”, tôi thốt lên trong hơi thở. Tôi chìa con búp bê cho Milly. “Con có thích nó không, cục cưng của mẹ?”
“Không” Milly lắc lắc mấy lọn tóc đen của mình. “Không, không, không”. Con bé thầm thì. Rõ ràng bộ tóc xơ xác đã làm nó chán. Milly ném trở lại con búp bê vào trong ôtô.
Tôi nhanh chóng gom vài thứ linh tinh vào một cái túi đựng rác. Khi tôi đang nhặt thì một tờ ngân phiếu rơi ra và liệng xuống sàn nhà.
“Năm trăm bảng...” Tôi lật mặt sau của tờ ngân phiếu. Tiếc là không phải ngân phiếu thật- -nếu không thì bây giờ chúng ta có thể có thêm ít tiền đấy - còn cái này”, tôi cầm lên một chiếc ôtô chạy điện hiệu Land Rover, “là của cậu Mark”. Lớp sơn của chiếc ôtô đã bong gần hết và nó còn mất hẳn một bánh. “Con biết cậu Mark không? Người gửi con búp bê Annabelle đấy?” Milly gật đầu. “Giờ cậu ấy ở xa lắm - tận nước Mỹ cơ”.
“Nước ỹ” Milly nhại lại.
“Con chỉ mới gặp cậu ấy...một lần,” tôi nhớ lại đầy buồn bã. “Vào lễ rửa tội của con.” Tôi nhìn quanh căn phòng. “Mẹ và cậu Mark chơi ở đây rất nhiều.” Tôi nhớ là đã đổi đèn tín hiệu của bộ đồ chơi tàu hỏa Hornby của Mark và đặt một khúc cây nhỏ bên cạnh đường chạy của nó. “Cậu ấy và mẹ là những người bạn tốt, nhưng thật buồn là giờ rất ít gặp lại nhau.”
Càng buồn hơn cho Milly, tôi nghĩ. Nó không có nhiều người thân là đàn ông trong đời. Không một người cha, không anh em trai, chỉ có một ông ngoại và Mark, người cậu duy nhất của nó, đã chuyển sang sống ở San Francisco được bốn năm nay.
“Vậy thôi, con gái, mình đi nào. Tạm biệt phòng chơi nhé,” tôi nói thêm khi cánh cửa phía sau chúng tôi đóng lại.
“Tạm biệt, phòng tơi.”
Chúng tôi đi qua chiếu nghỉ cầu thang để vào phòng cũ của tôi. Khi hai mẹ con ngồi lên giường, tôi nhìn lên cái đèn ngủ tròn bằng thủy tinh mờ và chú ý đến một cái xác vo tròn của một con nhện lớn. Chắc nó phải ở đó từ lâu lắm rồi. Rồi tôi nhìn lên những ô cửa sổ nơi mà một loạt những hình vẽ nguệch ngoạc còn sót lại ở một ô dưới thấp. “Mẹ vẽ đấy, lúc mẹ sáu tuổi. Bà ngoại hơi giận mẹ. Như thế là hư”. Tôi kể cho con gái nghe.
“Hư” Milly nhắc lại với vẻ thích thú.
“Có lẽ con sẽ yêu bà ngoại lắm,” Tôi nói, bế Milly lên đùi mình và thấy tay nó choàng quanh cổ. “và có lẽ bà ngoại cũng sẽ chiều con lắm.” Tôi lại cảm thấy đau nhói như khi vừa mất mẹ.
“iều...” Tôi nghe Milly bập bẹ.
Chúng tôi đứng lên. Tôi thầm tạm biệt căn phòng và khép cánh cửa lại lần sau chót. Rồi tôi liếc qua phòng anh Mark ở kế bên. Căn phòng hầu như trống trơn. Những bức tường trắng bám đầy bụi còn vương lại những miếng keo dính. Anh ấy đã dọn sạch phòng trước khi sang Mỹ. Mark bóc hết lớp giấy dán và không bao giờ quay trở lại. Tôi vẫn còn nhớ ba mẹ tôi đã đau đớn như thế nào.
Giờ thì chúng tôi đã lên tầng trên và đứng trước cửa phòng ba mẹ tôi.
“Mẹ được sinh ra ở đây Milly này...”
Anna, con sinh sớm ba tuần. Nhưng vì tuyết rơi dày quá và mẹ không thể đến bệnh viện nên mẹ phải sinh con ở nhà. Ba con đỡ đẻ cho mẹ- con thử tưởng tượng xem! Ba con cứ đùa hoài rằng ông ấy là một kỹ sư chứ không phải là một bà mụ, nhưng sau đó ba con thú thực với mẹ là ông ấy đã rất sợ. Đó thực sự là một ca đẻ hú vía...
Cái tủ đứng làm bằng gỗ dái ngựa- cùng với mấy thứ đồ gỗ không dùng khác- đang được bán đi cùng với ngôi nhà. Một tiếng leng keng nhỏ vang lên do mấy cái móc áo va vào nhau khi tôi mở ngăn bên của mẹ. Tôi hình dung ra những chiếc váy của bà vẫn trên móc cho đến vài tháng trước đây- đã hơn hai năm rồi ba tôi mới xem lại chỗ quần áo của mẹ. Ông bảo ông buồn nhất là lúc nhìn thấy những đôi giày của mẹ tôi, tưởng tượng ra bà vẫn đang đi chúng.
Tiếp theo tôi và Milly đi tạm biệt khu vườn- khu vườn mẹ tôi đã chăm chút và yêu quý. Chỉ vừa qua khỏi mùa đông nên khu vườn vẫn trơ trụi với vẻ ngái ngủ, lạnh lẽo và ẩm ướt. Nhưng khi vừa bước ra ngoài, tôi lại nhớ về những khóm đầy hoa trúc đào và mẫu đơn giữa mùa hè; những cụm oải hương vun đầy lối đi; cây tử đinh hương với những nụ hoa lan chuông màu nhạt bên dưới trong tháng Năm; cây hồng leo bám quanh cổng vườn. Từng gốc cây, nhành hoa hay ngọn cỏ đều thân thuộc với tôi như một người bạn cũ. Cây hoa táo với một thảm li ti những bong bóng màu xanh cuối tháng Tư; cây anh đào Nhật Bản với những đài hoa màu đỏ tươi. Tôi còn nhớ vào mỗi mùa thu mẹ tôi thường làm thạch từ thứ quả màu xanh căng mọng của nó- loại quả nhiều xơ và đầy thịt ngọt.
Mộc qua Nhật Bản. Đó là tên gọi đúng của anh đào, Anna ạ- Mộc qua. Con có nói được không?
Mẹ tôi rất thích nói cho tôi nghe tên gọi đúng của các loài cây và bà làm điều đó từ khi tôi còn rất bé. Mỗi khi tôi lẫm chẫm theo mẹ ra vườn, bà thường giải thích cho tôi những thứ đó không chỉ là hoa màu hồng, cây màu vàng hay quả màu đỏ. Mà chúng là Hoa Phăng, Hoa Chuỗi Ngọc, Hoa Cẩm Quỳhay là Xêri Đỏ.
“Cây dây leo màu tím đằng kia là cây thuộc họ ông lão.” Mẹ tôi nói. “Nó còn được gọi làJackmanii, theo tên của người đầu tiên trồng loại cây này. Cây hoa màu vàng nhạt này cũng là cây ông lão- hay còn gọi là cam túc. Chúng trông như những chiếc đèn lồng tiên nữ, phải không con?” Tôi nhớ mẹ tôi dùng cái kẹp vạch khóm hoa mõm chó và chỉ cho tôi xem cây hoa đăng với những bông hoa xòe ra như những chiếc váy của vũ nữ balê. “Nhìn những chiếc váy đẹp chưa kìa!” vừa nói bà vừa lắc cành hoa làm cho những chiếc váy như đang ‘múa’. Vào mùa thu, mẹ tôi thường cọ nhẹ lên mình bông hoa “đồng tiền” với cánh hoa màu xà cừ để cho tôi thấy những hạt bên trong. Sau nhiều lần như thế, dần dần những cái tên đã khắc sâu trong tôi và tôi thu lượm được bộ từ điển về thực vật học- ngôn ngữ chung của các loài cây. Khi tôi lớn hơn một chút, mẹ tôi giải thích cho tôi nghĩa của những từ này.
“Những cái tên La tinh thường có tính mô tả cao”. Mẹ tôi nói. “Vì thế cái cây nhỏ này là mộc lan nhưng nó được gọi là Mộc lan sao vì sao có nghĩa là giống hình ngôi sao, và những bông hoa này rất giống những ngôi sao trắng, con có thấy thế không? Còn cây này là Ngọc trâm- một loài nở hoa muộn, cây hoa bọ chó lớn ở đằng kia là một loài bọ chó địa cầu vì hoa của chúng có hình cầu. Và đây là một cây Hoàng liên nhanh tàn, có nghĩa là...”
“Sẽ biến mất” Tôi thấy mình thốt lên, “Mất hút khỏi tầm mắt”. Tôi nghĩ về Xan đầy cay đắng.
Trong trí nhớ của tôi vẫn còn đó lời khuyên của mẹ khi tôi hai mươi tuổi và con tim tan vỡ vì tình yêu. “Jason có vẻ rất... tử tế.” Mẹ nói chậm rãi trong khi tôi đang ngồi trên giường và khóc đẫm nước mắt. “Và đúng là cậu ấy đẹp trai, ăn mặc tươm tất, và mẹ đoán chiếc ôtô sang trọng kia là của cậu ấy.” Tôi nghĩ đến chiếc Lotus Elise của anh ta. “Nhưng cậu ấy không phải dành cho con, con gái à.”
“Sao mẹ lại nói thế? Mẹ mới gặp anh ấy có một lần.” Tôi cự nự.
“Một lần cũng đủ để mẹ biết cậu ta là loại người - mà theo ngôn ngữ của nghề làm vườn- là sớm nở tối tàn. Họ tạo ấn tượng ban đầu rất tốt nhưng nhanh chóng biến mất. Người con cần, Anna à, là một người đàn ông chung thủy như một thân cây lâu năm mạnh mẽ ấy.” Lúc đấy tôi chợt nghĩ mình sẽ lấy một người giống như một cây hoa mai. “Một người đàn ông chung thủy sẽ không bỏ rơi con. Họ sẽ ở bên con năm này sang năm khác, an toàn, đáng tin cậy và là chỗ dựa cho con. Giống như ba con đấy, luôn ở bên mẹ. Dù có chuyện gì đi nữa...” Mẹ nói thêm.
Tôi bế Milly lên và thì thầm “Mẹ đã không nghe lời bà ngoại. Nhưng điều đó không quan trọng. Mẹ đã có con rồi. Con là niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ. Cục cưng ạ” Tôi cọ mũi mình vào mũi con bé.
“Ục ưng.” Milly cười nhại lại.
Tôi ôm Milly vào lòng rồi đặt nó xuống. “Milly, con nhìn những bông hoa nhỏ này nè. Chúng được gọi là hoa giọt tuyết. Con có nói được không? Giọt tuyết”
“Giọt uyết...”
“Còn những bông hoa tím này là hoa nghệ tây...”
“Ệ tây” Hơi thở của con bé như luồn qua những chiếc gối nhỏ rồi rơi vào trong bầu không khí lạnh giá.
“Và đây, con sẽ muốn biết cho mà xem, là một cây anh thảo hoang nhỏ bé.”
“Nhỏ...” Milly lại cười rúc rích.
“Bà ngoại thường nói rằng chúng có những khuôn mặt nhỏ chìa ra, như thể đầu của chúng thò ra ngoài cửa ôtô vậy.”Khi chúng tôi đứng dậy và đi qua thảm cỏ, tôi mường tượng ra viễn cảnh, như tôi vẫn thường làm vậy, là sẽ mất nhiều năm để kể cho Milly nghe những gì đã xảy ra với mẹ tôi.
Con có một bà ngoại tuyệt vời, tôi tự nhủ trong lòng. Một người bà đáng yêu và hoạt bát. Bà ngoại quan tâm đến rất nhiều thứ, đặc biệt là làm vườn. Bà biết nhiều và rất giỏi làm vườn- bà tự học và biết tên của tất cả các loài hoa và cây cối. Và bà ngoại cũng sẽ dạy con biết, Milly ạ, như đã từng làm với mẹ, nhưng thật buồn là bà ngoại không bao giờ có dịp đó, bởi vì bà mất một năm trước khi con ra đời...
Tôi nghe thấy tiếng bước chân và ngẩng lên. Ba tôi đang đi qua ô cửa kính, tay ôm một cái hộp cáctông. Cũng giống như ngôi nhà, ba tôi đã mất đi dáng vẻ chăm chút. Ba từng trông rất phong độ so với tuổi, thậm chí là trẻ. Giờ ở cái tuổi gần thất thập, ba tôi vẫn đẹp nhưng đã già đi bởi những đau khổ mà ông phải chịu đựng.
Ba không bao giờ nghĩ sẽ sống thiếu mẹ con. Bà ấy trẻ hơn ba mười hai tuổi. Thật chẳng bao giờ ba nghĩ thế cả. Ba chẳng biết phải làm gì. Ba tôi than thở với tôi suốt mấy tháng trời sau đó.
Sau ba năm, giờ đây ba tôi đã biết sẽ làm gì. Cuối cùng thì ông cũng có thể bán hết mọi thứ và chuyển lên sống ở Luân Đôn, cách chỗ hai mẹ con tôi có một dặm. “Ba yêu ngôi nhà này. Chúng ta đã ở đây rất lâu. Gần bốn mươi năm rồi.” Ba tôi nói khi ông đến đứng cạnh chúng tôi.
Tôi thầm nhớ lại những bức tường của ngôi nhà đã chứng kiến những gì xảy ra. Tiếng nói, tiếng cười; tiếng nỉ non và tiếng quát tháo; thậm chí cả tiếng khóc lúc trẻ sinh. Tất cả chúng tôi như những mảnh hóa thạch, gắn bó sâu sắc với da thịt của ngôi nhà.
“Nhưng bây giờ là lúc phải thu dọn và tiếp tục cuộc sống thôi.” Tôi nghe thấy tiếng thở dài của ba tôi.
“Đó là lựa chọn tốt nhất, ba ạ. Ở Luân Đôn sẽ có nhiều thứ khiến ba quan tâm và cảm thấy hạnh phúc hơn - hay, ít nhất là tốt hơn.” Tôi an ủi ba.
“Có thể, ba chẳng biết. Nhưng được ở gần con và Milly thì rõ ràng là tuyệt hơn rồi.” Ba tôi nói. Tôi chợt nhận ra mấy sợi lông bạc trên cằm ông. “Ba hy vọng con sẽ không phiền nếu thi thoảng ba ghé qua thăm hai mẹ con.”
“Sao ba lại nói vậy? Ba có thể đến lúc nào tùy thích mà. Ba không nhớ là chính con khuyên ba chuyển đi sao?” Tôi đáp với một chút trách móc.
“Ba sẽ không ngồi không đâu,” Tôi nhướng mắt lên khi nghe vậy. “Và ba sẽ trông cháu cho con. Con phải hậu tạ ba đấy nhé, Anna. Thuê trông trẻ bây giờ đắt lắm.”
“Thế thì tuyệt quá, nhưng ba sẽ phải đi đây đi đó chứ - đi thăm bạn bè, đến câu lạc bộ. Ngoài ra bây giờ con đã có Luisa nữa rồi.”
“Đúng vậy.”
Tôi thầm cám ơn cô gái ở trọ đã giúp tôi tiết kiệm khá nhiều tiền. Tôi sẽ không bao giờ kham nổi tiền thuê một cô giữ trẻ bán thời gian - đặc biệt là với việc phải đóng học phí cho Milly ở trường mẫu giáo. Thế mà chỉ với bảy mươi bảng một tuần, tôi đã được Luisa làm giúp việc nhà năm giờ mỗi ngày cộng với hai giờ trông Milly. Cô ấy đúng là một món quà trên trời rơi xuống.
“Con cũng chẳng phải đi nhiều. Con thường làm việc lúc Milly ngủ. Con làm được khối thứ lúc nó ngủ đấy.” Tôi bảo ba tôi.
“Con phải ra ngoài nhiều hơn. Điều đó sẽ tốt cho con. Đặc biệt là lúc này.” Ba tôi đáp. Tôi và Milly theo ông đi dọc khu vườn - rồi ông dừng lại và nhặt một cành chìa ra của cây hoa nhài đông. Mọi thứ trong thật hoang tàn.
“Ba cám ơn con vì những gì con đã làm trong tháng vừa rồi. Ba biết là ba đã nói rồi nhưng ba rất cảm kích.” Ba tôi nói thêm khi chúng tôi rảo bước đi.
“Những gì con làm chỉ là đi đi lại lại Oxfam mấy lần thôi mà, và con cũng có thu xếp được hết đâu ba.”
“Ồ, may mà có con ở đây. Một mình ba xoay xở không xuể.”
Tôi nghĩ mà giận ông anh và cô em gái mình. Anh Mark ở Mỹ xa đã đành, đằng này Cassie có thể về giúp ba tôi. Vậy mà nó chỉ đến có một lần để dọn đồ trong phòng mình. Ba tôi chẳng kêu ca gì. Ba chiều Cassie quá, như thể nó vẫn chỉ là đứa trẻ lên chín chứ không phải hai mươi chín như bây giờ. Là con út trong nhà, Cassie được chiều quá đâm hư.
Bước chân của chúng tôi lạo xạo trên những viên sỏi khi tôi và Milly theo ba đi men theo con đường nhỏ, dài, ngang qua cây bạch dương và nhà ươm giống. Đột nhiên tôi lại thấy hiện về hình bóng mẹ tôi ở đó với cái mũ rơm tròn, còng người trên khay hạt giống. Tôi thấy mẹ nhìn lên và vẫy chào chúng tôi. Chúng tôi đi tiếp và tôi cứ nghĩ là ba tôi sẽ mang cái hộp ra gara để cho lên ôtô. Rốt cuộc ông dừng lại bên đống lửa và dùng một cái đinh ba khều khều những mẩu gỗ cháy dở trên nền đất đen.
“Hôm qua ba thấy Xan,” tôi nghe ba tôi nói khi ông đập vỡ một cái xác hộp gỗ cũ dưới chân.
Tim tôi như ngừng đập trong thoáng giây giống như mọi khi nghe đến tên Xan.
“Thấy ở đâu vậy ba?” Tôi cười hơi chua chát. “Trên bản tin chín giờ? Hay một giờ? Hay là chương trình Toàn cảnh?”
“Tin tối.”
“Thế à. Anh ấy nói về chủ đề gì vậy ba?” Một chú chim chích chòe cô độc bay ngang qua đầu tôi.
“Đốn gỗ bất hợp pháp.”
“Con biết...”
Ba tôi tỳ lên cây đinh ba và nói “Tội nghiệp con, Anna. Con xoay xở rất tốt, nhưng cả ba và mẹ con không bao giờ mong con sẽ trở thành một bà mẹ đơn thân như thế này.”
“Người con cần, Anna à, là một người đàn ông chung thủy như một thân cây lâu năm ấy. Người đó sẽ luôn ở bên con. Cho dù gì đi nữa...”
“Đừng hiểu sai ý ba,” ba tôi nói thêm ngay. “Ba yêu Milly lắm...” Khi ba tôi vươn tay xoa đầu Milly tôi mới nhận thấy cổ tay áo sơ mi của ông đã bạc hết cả màu. Tôi ghi nhớ trong đầu là sẽ đưa ba đi mua mấy cái sơ mi mới. “Nhưng ba chỉ ước con có một gia đình hạnh phúc hơn, thế thôi.”
“Vâng... Con cũng thế.”
“Điều đó chẳng dễ tý nào.”
“Không dễ.” Thực ra là rất khó khăn, tôi nghĩ. Dù bạn có yêu thương đứa con mình đến đâu cũng khó mà nuôi nấng nó một mình. Thật khó khăn khi không có ai bên cạnh để san sẻ những lo toan thường ngày hay chia sẻ trách nhiệm và cả những niềm vui, chưa kể đến những đêm dài cô đơn khi con còn bé, và cả những lo lắng đến phát sợ khi chúng ốm đau. “Nhưng đây là gia đình mà con đang có. Và còn nhiều đứa trẻ khác không biết đến cha chúng.” Tôi chợt nghĩ đến Jenny, người bạn ở Quỹ Phụ sản toàn quốc. “Và ít ra thì Milly cũng biết sơ sơ về ba nó” - tôi cắn môi. Tôi vừa thốt lên từ “B” chết chóc.
“Ba!” “Ba” Milly hét toáng lên ngay khi tôi vừa nhắc đến ba nó. Con bé mới chỉ gặp Xan sáu lần từ khi sinh đến lúc hai tuổi rưỡi nhưng nó rất yêu anh ấy. “Baa!” Nó nhắc lại với vẻ giận dỗi. Nó giậm chân, nhảy lò cò đầy thất vọng rồi ngoảnh đầu lại. “Baa!” Nó hét lên lần nữa như kiểu có thể gọi ba nó đến ngay được.
“Thôi mà con yêu. Con sẽ được gặp ba sớm mà.” Tôi an ủi Milly. Đó không hẳn là một lời nói dối vô hại, thoảng qua như chớp đèn neon của máy ảnh, vì quả thực tôi chẳng biết đến lúc nào chúng tôi mới lại gặp Xan. Milly sẽ phải làm quen với việc nhìn thấy ba nó trên tivi. Nó khấp khởi mừng khi thấy anh hiện ra trên tivi và rồi bật khóc tức tưởi. Tôi biết rõ nỗi niềm của nó.
“Ba ơi...” Mặt con bé nhăn nhúm lại và đôi mắt to màu xanh xám đẫm lệ. Ba tôi dỗ dành Milly bằng cách bảo con bé giúp ông nhặt lá. Vừa ngồi xuống và nhặt vài cái lá, tôi dán mắt vào cái hộp các tông giờ đang nhét đấy giấy tờ cũ. Trên một cái bì thư đã ngả màu vàng tôi nhận ra nét chữ ngay ngắn của mẹ.
“Cháu ngoan,” tôi nghe ba tôi khen Milly khi nó đang nhặt những cành cây khô bỏ vào một cái rổ bằng đôi găng tay. “Ông cháu mình sẽ nhặt thêm những chiếc lá đằng kia, phải không nào? Chúng khô và dễ cháy. Đúng rồi, cháu yêu. Bây giờ thì ra đứng cạnh mẹ cháu để ông châm lửa nhé.”
“Con luôn nghĩ là con sẽ rất giống mẹ.” Tôi nói, dường như chỉ đủ cho mình nghe thấy trong khi Milly vòng tay ôm đầu gối tôi. “Con nghĩ con sẽ có một gia đình êm ấm như mẹ từng có.” Ba tôi không nói gì. Ông đang cố quẹt diêm nhưng chúng gãy hết. “Con nghĩ con sẽ có một người chồng và những đứa con. Con không bao giờ nghĩ mình sẽ nuôi con một mình nhưng rồi...” Tôi lắc đầu.
“...rồi dòng đời xô đẩy,” ba tôi nói khẽ. Que diêm bốc cháy, ông bụm tay che gió và giúi vào đống lá khô.
“Vâng, dòng đời xô đẩy. Cuộc sống mà.” Chúng tôi nghe tiếng tý tách của củi khô cháy và một ngọn khói mỏng cuộn dần lên, tan vào không trung.
Ba tôi đứng hẳn dậy. “Con đã lấy hết những thứ mình muốn ở trong nhà rồi chứ? Bởi vì nếu chúng ta không mang đi hết, những người dọn vệ sinh sẽ vứt đi. Ba để riêng ra một chồng sách dạy làm vườn của mẹ con mà ba nghĩ con sẽ cần. Con muốn xem chúng không?”
“Có ạ, cám ơn ba. Con đã lấy ba quyển cùng cái xẻng và cái đinh ba của mẹ- con cần chúng.”
“Chắc mẹ con sẽ vui lắm. Bà ấy sẽ mừng vì những gì con đang làm. Không chỉ vì bà ấy rất thích làm vườn mà vì bà ấy nghĩ cuộc sống ở thành phố sẽ không hợp với con- với những giờ làm việc dài lê thê của con.”
“Vâng, con đang phải làm việc nhiều.”
“Đúng.” Vừa nói ba tôi vừa quạt lửa bằng cái nắp rỉ của một cái hộp bánh quy cũ. “Nhưng ít ra con không phải phụ thuộc vào đồng lương nữa- con làm chỉ vì con và Milly thôi. Hơn nữa con thích những gi mình đang làm hơn chứ.”
“Thích hơn nhiều ạ,” tôi hân hoan đáp. Tiếng hót của một con chim tước vang lên từ bụi cây. “Con thích làm người thiết kế vườn.”
“Một người thiết kế vườn mẫu theo tờ Times chứ?” Mẫu quảng cáo khá bất ngờ đã làm tôi tự tin hơn nhiều; Sue, trợ lý cũ của tôi, nhìn thấy và gọi cho tôi. “Và những lần xuất hiện trên GMTV cũng có ích đấy chứ.”
“Con nghĩ thế.” Tôi đã làm năm chương trình nhỏ về việc chỉnh trang vườn cho mùa xuân.
“Thế điều gì đã xảy ra với cái hợp đồng lớn ở Chelsea mà con đang hy vọng ký được?”
“Vụ ở Boltons ấy ạ?” Ba tôi gật đầu. “Con đã đi khảo sát và con sẽ trình các bản thiết kế vào thứ Bảy này. Nếu mọi việc trót lọt thì đó là hợp đồng lớn nhất mà lâu rồi con mới có được.”
“Cầu Chúa giúp con. Nhưng nếu con có khó khăn gì về tiền nong thì ba sẽ cho con mượn một ít. Ba có thể là một đối tác âm thầm trong công việc của con đấy.” Ba tôi nở một nụ cười.
“Ba tốt với con quá nhưng con dự tính chi phí cho hai năm đầu sẽ ít thôi và ba biết con sẽ không bao giờ nhờ vả ba cả.” Không giống như Cassie, trong thâm tâm tôi định như thế. Nó luôn chỉ chực vòi tiền ba tôi. Giống như một lần vào năm ngoái khi Cassie phải đi nghỉ dưỡng ở Bhutan- ba tôi đã cho nó “mượn” gần ba ngàn năm trăm bảng. “Dù sao thì năm nay mọi việc cũng dễ dàng hơn.” Tôi nói tiếp. Từ đống lửa chảy ra một dòng lấp lánh như nham thạch phun trào từ núi lửa.
“Ừ thì...” Một thoáng im lặng đột ngột và khó nói. Ba tôi hắng giọng và nhìn cái hộp. “Ba... thấy là con đang muốn về rồi, đúng không?”
“Con... nghĩ vậy.” Tôi nhìn đồng hồ, mới chỉ 3 giờ 30. Tôi vẫn chưa thực sự sẵn sàng nói lời giã biệt cuối cùng, vả lại tôi đang cảm thấy ấm áp bên đống lửa.
“Ba biết con không thích lái xe khi trời tối.”
“Đúng ạ.”
“Và có lẽ đến giờ Milly phải đi ngủ rồi.”
“Vâng”
“Còn ba thật ra cũng có một số việc phải làm.”
“Vâng, vậy thì chúng con sẽ đi đây.” Ba tôi thường không muốn chúng tôi về sớm- hôm nay trái lại. Tôi nhìn cái hộp cáctông. “Ba chắc là không cần con giúp gì trước khi con đi chứ ạ?”
“Không, ba phải làm xong việc này trước khi lửa tắt.”
“Việc gì thế ạ?”
“À... chỉ là mấy cái thư cũ ấy mà.” Tôi chợt phát hiện một nốt đỏ trên cổ ba tôi. “Thiệp Valentin ba gửi cho mẹ con- đại loại như thế.”
Tôi quên không nhắc ba tôi rằng hôm nay là ngày Valentin. Cũng chỉ vì tôi chẳng nhận được bông hồng nào, tôi đau đớn nghĩ. Tôi đang ở trong vùng miễn nhiễm với tình yêu.
“Bà ấy chẳng bao giờ vứt chúng đi,” ba tôi kể. “Ba tìm thấy chúng khi lục trong ngăn kéo của bà ấy.” Ông lắc đầu, “Những tấm thiệp Valentin mà ba từng gửi cho mẹ con- ba mươi sáu cái tất cả. Mẹ con sống rất tình cảm. Và ba cũng xem lại mấy bức thư mẹ con gửi cho ba.” Ba tôi tiếp tục kể.
“Tại sao mẹ vẫn viết thư cho ba khi hai người đã lấy nhau?” Tôi cài lại cúc áo trên cùng cho Milly.
“Đó là khi ba đang ở Braxin.” Ba tôi quạt cho khói bay đi và nhìn tôi. “Ba đoán là con không nhớ lần đó, đúng không?”
“Lờ mờ thôi ạ... Con nhớ là tiễn ba ra sân bay cùng mẹ và anh Mark.”
“Lúc đó là năm 1977, lúc con lên năm. Ba sang đấy tám tháng.”
“Thế lúc đấy ba làm gì ạ?”
“Giám sát việc sửa khung của một cây cầu ở gần Rio. Đường điện thoại rất tệ nên ba mẹ chỉ giữ liên lạc bằng thư từ.”
Giờ thì tôi nhớ cứ mỗi thứ Sáu chúng tôi thường ra bưu điện để gửi những cái bì thư bằng giấy pơluy xanh. Vì chưa biết viết nên tôi thường vẽ hoa lên bì thư của mình.
“Xa nhà lâu ngày như thế chắc ba khổ sở lắm ạ.”
“Đúng thế.” Ba tôi trả lời lặng lẽ.
“Đấy là trước lúc mẹ sinh Cassie phải không ạ?”
Ba tôi nhét thêm vào một đoạn cây mục. “Ừ, Cassie sinh một năm sau đó.”
Tôi nhìn cái hộp lần nữa- một nơi lưu giữ quá nhiều cảm xúc. “Ba không muốn giữ thật chứ? Con cứ thấy tiếc.”
“Ba sẽ giữ.” Ba tôi đập nhẹ tay vào ngực. “Ở đây. Vì ba không muốn ngồi trong căn hộ mới của mình với những thứ này bên cạnh, vì chúng làm ba cảm thấy...” Giọng ông nghẹn lại, “Vì thế... ba sẽ nhìn chúng một lần cuối trước khi đốt.”
“Con hiểu ạ. Chúng con đi đây ba ạ. Khi ba lên Luân Đôn thì gọi điện cho con và chúng con sẽ ghé qua.” Ba tôi gật đầu. “Tạm biệt ông ngoại đi nào con yêu.”
Milly ngẩng mặt lên để ba tôi hôn vào má nó.
“Tạm biệt, cháu bé ngoan của ông.”
Tôi ôm ba tôi và nói “Tạm biệt ba.” Khỉ thật, tôi lại lỡ miệng lần nữa.
“Baaa!” Milly bật khóc.
Milly ngân nga “Ba! Ba!” với một niềm đam mê và hồ hởi như một cổ động viên của câu lạc bộ Chelsea khi tôi đặt con bé vào ghế ôtô và quay đầu xe.
“Được rồi, con yêu.” Tôi nói như hát. “Chúng ta sẽ được gặp Ba, nhưng chưa phải lúc này bởi vì giờ ba đang bận.”
“Ba. Bận. Ba. Bận” con bé lặp đi lặp lại.
“Ồ, con nhìn con ngựa kia kìa.” Tôi bảo Milly.
“Ựa! Ba”
“Cả mấy con bò sữa đang yêu kia nữa kìa. Con nhìn kìa.”
“Bò sữa. Baaa...”
Khi xe dừng đèn đỏ, tôi liếc nhìn gương và bắt gặp đôi mắt Xan ở phía sau đang nhìn tôi- đôi mắt có màu của hoa xương rồng biển. Tôi thường ước phải chi Milly đừng giống Xan đến thế. Khi bờ mi của nó khép lại vì tiếng rầm rì của động cơ và hơi ấm bên trong xe, tôi lại nhớ lần đầu gặp Xan. Chẳng cần lâu tôi cũng hình dung được cái hậu quả anh ta gây ra những đổ vỡ trong đời tôi.
Khi xe sang số và bắt đầu chạy tôi nhớ rằng mình đã thận trọng như thế nào cho đến trước khi gặp anh ta. Ở điểm này tôi giống anh Mark - nhạy cảm và luôn nhìn thẳng về phía trước. Không như Cassie.
“Em phải lên kế hoạch cho cuộc sống.” Mark nói. Anh ấy lớn hơn tôi hai tuổi và chúng tôi thân thiết nhau trong những ngày đó, vì thế tôi đã nghe theo anh. “Em sẽ trở thành một bác sỹ.”
Khi mười bốn tuổi, tôi đã vạch ra kế hoạch cho riêng mình: Tôi sẽ học tập chăm chỉ, thi vào một trường đại học danh tiếng, kiếm một việc làm tốt và mua một căn hộ. Đến gần ba mươi, tôi sẽ tìm người đàn ông chung thủy đó, kết hôn và có ba đứa con, đi làm trở lại khi đứa út đến trường. Lương của tôi chỉ là phần phụ nhưng đủ để mua một ngôi nhà tranh ở bờ biển đâu đó, hay là một ngôi nhà ở Pháp, nơi mà lúc nghỉ hưu tôi và chồng sẽ về dưỡng già, đón con cháu về thăm thường xuyên, trước khi yên nghỉ bình yên trong giấc ngủ, ở tuổi chín mươi chín.
Tôi tuân thủ chính xác kế hoạch đã đặt ra trong hàng năm trời. Tôi học Lịch sử ở đại học York rồi kiếm được một việc làm ở quỹ đầu tư của thành phố nơi tôi làm ở phòng Nghiên cứu chứng khoán, tìm kiếm thông tin về các ý tưởng đầu tư - “phân tích những chỉ số cơ bản trong nhiều ngành khác nhau” như cách người ta hay nói. Công việc không phải lúc nào cũng hứng thú nhưng được cái là tôi được trả lương cao. Tôi mua một ngôi nhà nhỏ ở Brook Green, trả nợ và đóng bảo hiểm xã hội, chỗ còn lại tôi dành để tiêu. Tôi đi trượt tuyết, đi lặn và đi dã ngoại; tôi tham gia một lớp aerobic. Tôi đi xem opera nơi tôi thưòng ngồi ở phòng Vip. Tôi dành thời gian cho khu vườn của mình, với gia đình và bạn bè. Tôi đang đi đúng hướng để thực hiện những mục tiêu của mình.
Bước sang tuổi ba mươi, tôi bắt đầu tham gia các bữa tiệc đính hôn, những buổi tụ tập hay những đám cưới. Cảm thấy rằng mình cần nỗ lực hơn nữa để gặp được một ai đó, tôi tham gia một câu lạc bộ tennis, mở tiệc mời bạn bè và có những buổi hẹn hò. Trong những lần đó tôi vẫn nhớ như in những lời răn dạy kinh điển của mẹ tôi. Mẹ thường nói “Hay thư thả trước khi con gọi điện trả lời ai đó. Hãy để họ nghĩ rằng con không rảnh để gặp họ. Và đừng bao giờ dễ dãi quá, Anna ạ. Hãy cố mà giữ lấy một chút bí hiểm của phụ nữ’. Tôi phát ốm vì những lời của mẹ nhưng bà nắn tôi rằng những điều đó là cần thiết và nghĩa vụ của người mẹ bảo bà phải khuyên nhủ tôi như vậy.
“Đó là điều tất cả những người mẹ nên làm,” bà nói với giọng cứng rắn làm tôi hơi hoảng. “Bà ngoại con chẳng bao giờ khuyên mẹ điều gì. Bà ấy quá mềm yếu. Mẹ ước gì bà ngoại con làm thế vì nó sẽ giúp ích cho mẹ. Mẹ đã khờ dại trong tuyệt vọng”. Mẹ tôi nói thêm.
Điều đó giải thích tại sao mẹ lấy ba tôi khi bà mới hai mươi tuổi.
“Đó là một tình yêu sét đánh, tình yêu lốc xoáy,” mẹ tôi thường nói vui vậy mỗi khi bàn đến chủ đề ấy.
Tôi thường tròn mắt một cách kín đáo vì tôi luôn biết sự thật.
“Một cơn lốc xoáy,” ba tôi cười tinh nghịch và nói thêm. Họ cưới nhau chỉ hai tháng sau khi gặp nhau ở toà nhà Lyon Corner cạnh Khu Strand.
“Hôm đấy trời đang mưa, vì vậy quán cà phê đông nghịt. Thình lình quý ông này tiến đến chỗ mẹ và hỏi ông ấy có thể ngồi chung bàn không - thế là xong.”
Nhưng điều khiến tôi thấy ngạc nhiên là mẹ tôi, một người mà chuyện tình cảm thật mãn nguyện và không có nhiều biến cố gì, lại có vẻ lo lắng dạy bảo tôi về điều đó.
Những người đàn ông mà tôi từng hẹn hò đều hấp dẫn, đáng yêu, thông minh và có thể “lấy làm chồng” mặc dù ai cũng có những điểm yếu lớn, không cái này thì cái khác. Duncan là một ví dụ, anh ta là một nhà môi giới chứng khoán thành đạt - thông minh và đáng mến- nhưng thiếu nhiệt tình với các câu lạc bộ khiêu vũ; và rồi Gavin, người vẫn đang tìm cách nguôi ngoai sau vụ ly hôn. Sau đó tôi cặp với Henry, một người làm quảng cáo với thói quen lái xe lên vỉa hè để tránh tắc đường. Tôi bỏ Henry khi anh ta bị cảnh sát nhắc nhở lần thứ hai.
Và rồi tôi gặp Tony, làm ở một nhà xuất bản, tại một đám cưới ở Wiltshire. Tony thông minh và hài hước. Thế nhưng sáu tháng sau khi anh ta bảo không muốn đi đến hôn nhân thì tôi thôi. Tôi không thể lãng phí thời gian của mình hơn nữa.
“Con vẫn còn nhiều thời gian mà, con gái ạ,” mẹ tôi nói với giọng an ủi sau chuyện đó. Lúc ấy chúng tôi đang ngồi trong vườn ở Oxted, dưới bóng cây lê xanh. Hôm ấy là sinh nhật mẹ tôi, mùng Mười tháng Năm. Bà choàng tay quanh người tôi, người bà tỏa ra mùi nước hoa Shalimar mà tôi tặng sáng hôm đó. Mẹ tôi nói, “Anna, con mới chỉ ba mươi hai thôi.” Mắt tôi lướt qua những bông hoa lưu ly nhỏ màu xanh bập bềnh trên nền những cụm hoa khác. “Ba mươi hai tuổi vẫn còn trẻ chán. Thời đại bây giờ phụ nữ lập gia đình và có con muộn hơn nhiều - ơn Chúa.”
Đột nhiên tôi hỏi mẹ một điều mà tôi luôn tò mò muốn biết: “Nếu có thể làm lại từ đầu, mẹ có lập gia đình sớm thế này không ạ?” Mẹ tôi đẻ anh Mark khi bà hai mươi mốt.
“À...” mẹ tôi trả lời với một thoáng đỏ mặt, “Mẹ không nghĩ sinh con là một điều gì đấy sai lầm.” Nhưng đó không phải là ý tôi muốn hỏi. Bà nói tiếp: “Đúng là mẹ bắt đầu cuộc sống gia đình rất sớm nên mẹ không bao giờ thực sự vất vả vì công việc- không như con. Nhưng Anna này, con may mắn đấy, bởi vì con thuộc thế hệ có nghề nghiệp đàng hoàng, sống tự lập và có nhiều niềm vui, sau đó mới đến hạnh phúc gia đình. Và con không phải lo lắng về điều đó,” bà lặp lại, tay luồn vào tóc tôi. “Vì con còn nhiều thời gian.”
Có vẻ như thời gian là thứ mẹ tôi không có đủ bởi chỉ một tháng sau, bà qua đời.
Bây giờ, khi đang lái xe trên đường cao tốc, tôi lại nhớ về khoảng thời gian tệ hại đó - như tôi vẫn hay vậy mỗi khi đang lái xe và thư giãn đầu óc. Tôi bị sốc nặng đến mức dường như không thể thở nổi. Như thể cuộc đời tôi đang bị nhấn nút Tạm ngừng vậy. Không có mẹ, tôi biết làm gì đây? Tôi cảm thấy như bị rơi xuống một cái vực. Sẽ như thế nào nếu tôi chỉ còn hai mươi ba năm nữa để sống, tôi bắt đầu tự hỏi mình hằng đêm khi nằm nhìn chằm chằm vào bóng tối. Sẽ như thế nào nếu tôi chỉ còn mười năm, năm năm hay chỉ một năm? Tất cả chỉ vì đến bây giờ tôi mới hiểu, theo cái cách mà tôi chưa từng biết trước kia, rằng cuộc đời con người như bị treo trên một sợi chỉ.
Tôi được nghỉ phép hai tuần, đủ dài như tôi muốn, để thu xếp đám tang cho mẹ vì ba tôi không thể làm được. Việc đi làm trở lại đã khiến tôi nguôi ngoai ít nhiều- mặc dù đó là một khoảng thời gian rất kỳ lạ. Mới đầu các đồng nghiệp của tôi tỏ ra tử tế và cảm thông, nhưng dần dà họ không quan tâm đến tôi nữa, như thể mọi việc đã qua và cuộc sống trở lại quỹ đạo bình thường của nó. Sau đó nhiều tuần tôi càng ngày càng cảm thấy bất mãn với cuộc sống mà mình đang có- việc tìm kiếm thông tin về các cơ hội đầu tư không mảy may khiến tôi quan tâm- tương tự là các con số khô khan và chuỗi ngày làm việc chán chường. Giờ đây tôi chuyển sang phân tích “các chỉ số cơ bản” của sự tồn tại của riêng mình và nhận ra rằng những mục tiêu mà tôi nỗ lực đạt được quá nhỏ bé. Vì vậy tôi quyết định thay đổi cuộc sống.
Tôi thường mơ tưởng về việc từ bỏ những bon chen vô bổ và trở thành một nhà thiết kế vườn tược. Mỗi lần đến nhà ai đó, tôi lại bị ám ảnh trong đầu rằng khu vườn nhà họ sẽ trông ra sao nếu bố trí khác đi hay là trồng thêm nhiều cây cối cho sinh động hơn. Tôi đã từng thiết kế giúp một vài khu vườn - một cái kiểu Địa Trung Hải cho nhà của Sue, trợ lý riêng của tôi, ở hạt Kent; và một cái kiểu nhà tranh cho một đôi vợ chồng nhà ở bên kia đường. Họ rất thích thú ngắm nhìn những thảm dày hoa thục quỳ và mao địa đàng, còn tôi thì trở nên khá bận rộn sau đó.
Rồi tôi nộp đơn theo học một khóa một năm tại trường dạy làm vườn ở Chelsea. Sau đó tôi lên gặp sếp tôi, Miles.
“Cô đã chắc chắn chưa?” Miles hỏi khi tôi bước vào phòng làm việc của anh ta, tim tôi như bị bóp nghẹt với suy nghĩ rằng tôi sẽ mất hết số cổ phiếu và những gì thân thuộc ở đây. Anh ta xoay xoay cây bút máy màu vàng giữa hai ngón tay. “Cô sẽ mất nhiều thứ đấy, Anna à, chưa kể đến chức giám đốc trong hai hay ba năm tới.” Tôi chợt nghĩ một ngày tên tôi sẽ được in đầy lên những đồ văn phòng phẩm của công ty. Miles tiếp, “Đừng nghĩ là tôi đang cố thuyết phục cô, nhưng tôi muốn biết là cô đã suy nghĩ kỹ chưa?” Tôi phóng tầm mắt ra ngoài cửa sổ, một chiếc máy bay bay ngang qua bầu trời xanh, để lại đằng sau một vệt khói trắng trong như tuyết. “Cô đã trải qua rất nhiều chuyện gần đây. Đó có phải là phản ứng cho sự ra đi của mẹ cô không?” tôi nghe Miles nói.
“Vâng,” tôi nói khẽ. “Chính xác là như vậy đấy. Vì vậy mà tôi rất chắc chắn về những gì mình đang làm. Cám ơn anh.”
Tôi thu xếp rời nhiệm sở, rồi sau đó Miles tổ chức một bữa tiệc chia tay tôi trong phòng họp vào đầu tháng Chín. Trước một đám đông như thế, tôi mừng vì đã chọn bộ vest Prada đẹp nhất của mình - tôi thực sự thích thú vì đã mua nó với một nửa giá - cùng đôi giày cao gót hiệu Jimmy Choos ưa thích. Tôi nghĩ phải lâu lắm mới đi lại đôi giày này. Tôi cũng chẳng mua thêm gì nữa vì sẽ chẳng kiếm được đồng nào trong năm tới. Tôi cũng sẽ không uống một chút sâm banh nào, thay vào đó tôi làm ba ly cocktail liền.
Bỗng Miles gõ vào ly rượu và vuốt mái tóc xoăn vàng óng của mình- trông anh ta như một đứa trẻ già trước tuổi - “Mọi người trật tự nào,” anh ta nói khi những tiếng ồn lắng xuống. “Bởi vì tôi muốn làm phiền Anna một chút.” Mặt tôi chợt ửng hồng. Miles vắt ngược cái cà vạt bằng lụa màu vàng của mình ra sau. “Anna - hôm nay quả là một ngày buồn đối với tất cả chúng ta ở Quỹ Arden này - chỉ vì một lý do đơn giản rằng cô là một đồng nghiệp tuyệt vời.”
“Một vị sếp đáng mến!” tiếng Sue thêm vào, tôi ngoảnh lại và cười. “Giờ chị thấy tiếc là đã gợi cho em ý tưởng về nghề làm vườn.”
“Cô là một thành viên tuyệt vời trong nhóm,” Miles nói tiếp. “Những nghiên cứu tỉ mỉ của cô đã cho chúng tôi thêm tự tin trong công việc của mình. Cô đã làm việc rất chăm chỉ. Và bây giờ thì cô chuẩn bị bắt tay vào một công việc hoàn toàn mới.” Tôi mỉm cười. “Anna, chúng tôi sẽ nhớ cô nhiều hơn những gì có thể nói. Nhưng mọi người cầu chúc cô thành công và hạnh phúc với nghề nghiệp mới của mình - và hy vọng những món quà thay cho sự cảm kích to lớn của chúng tôi sẽ có ích cho cô trong tương lai.”
Tôi bước tới và nhận từ Miles một túi quà lớn và nặng đến kinh ngạc, từ bên trong tôi lôi ra một cái bình phun nước mạ bạc - bên trên có khắc tên tôi và ngày hôm đó - cùng một đôi ủng màu xanh rất nặng. Tôi bật cười và nói mấy lời cám ơn, cố gắng để không khóc tuy trong lòng đã muốn lắm rồi. Xong rồi tôi cầm lấy túi quà, ôm hôn tạm biệt mọi người, ngất ngưởng vì men rượu - và thấm đẫm nước mắt - tôi đi ăn tối cùng Sue.
Cảm giác thật lạ khi tôi đi ngang qua những cánh cửa xoay của công ty và vẫy chào mấy người bảo vệ lần cuối. Tôi và Sue đi vòng qua góc phố đến nhà hàng Chez Gerard và thưởng thức bữa tối tạm biệt với nhau. Khi chúng tôi gọi món, tôi ngước nhìn Sue, người chỉ kém mẹ tôi có bảy tuổi; theo cách nào đó chị ấy như một người dì tôi chưa bao giờ có được.
“Em biết đấy, Anna...” Sue đặt thực đơn xuống. “Chị đã làm việc với em được năm năm và chẳng có lấy một ngày nào không vui cả.”
“Chị hơn một trợ lý rất nhiều, chị Sue ạ.” Tôi thấy cổ họng mình đắng ngắt. “Chị thật sự là một người bạn.”
Sue đặt bàn tay mình lên tay tôi. “Chúng ta sẽ vẫn như vậy em nhé.”. Rồi chị ấy mở túi xách và lấy ra một gói quà. “Chị cũng có quà cho em đây.” Bên trong là một quyển sách rất xinh về những loài hoa của núi Anpơ mà tôi thích, với những bức ảnh đẹp chụp hoa long đởm tím, Nhung tuyết và Phăng mọc trên đỉnh Carpathians, Pyrenees và dãy Anpơ.
“Em cám ơn chị. Thật tuyệt vời.” Tôi thốt lên. Tôi lật trang đầu và thấy Sue đề: Tặng Ann, chúc em đơm hoa và kết trái...” “Em hy vọng là vậy.” Tôi nói với một chút lo âu.
“Ồ, em sẽ thành công mà.” Sue nói.
Sau đó, khi cà phê được mang ra, Sue bảo rằng chị ấy sắp có hẹn đi uống nước với một người bạn, Cathy. “Em đi với chị chứ?” đột nhiên Sue đề nghị.
Tôi uống một ngụm cà phê espresso. “À... em không biết nữa.”
“Em đã gặp Cathy một lần rồi, vào dịp sinh nhật thứ bốn mươi lăm của chị ấy, nhớ không?”
“Vâng, em nhớ rồi. Chị ấy cũng dễ mến.”
“Chúng ta sẽ gặp nhau ở một câu lạc bộ mới gần rạp xiếc Oxford, rồi đi tàu về Dartford cùng nhau. Đi nhé, Anna.”
“À...”
Sue liếc nhìn đồng hồ. “Chưa đến mười giờ. Và tối nay em chẳng làm gì, đúng không?” Tôi lắc đầu. “Vậy thì?”
“Vậy... được. Cám ơn chị. Tại sao lại không nhỉ?”
“Chị thấy hôm nay là ngày cuối cùng em ở thành phố này sau mười hai năm,” Sue nói khi chúng tôi bước xuống phố.
“Mười hai năm,” tôi nhắc lại. “Chừng đó là hơn một phần ba cuộc đời của em rồi.” Tôi cảm thấy loạng choạng vì mấy cốc sâm banh.
“Em không muốn nó kết thúc... nhàm chán chứ, phải không?”
“Không, em muốn nó kết thúc một cách đáng nhớ.”
“Bằng niềm vui chứ không phải nỗi buồn.”
“Vâng.”
Nhưng khi chúng tôi bước xuống cầu thang cuốn của ga xe điện ngầm, gót giày bên phải của tôi bị kẹt vào những thanh sắt. Nó bị kẹp cứng. Gần xuống tới nơi, tôi bắt đầu hoảng sợ. Và rồi, khi tôi lôi được nó ra thì cái gót bị gãy. “Khỉ thật,” tôi kêu trời khi bước đi tập tễnh. Sue lấy tay che miệng cố nhịn cười. “Chuyện này có ẩn ý đấy.” Tôi nói đầy chua xót khi cúi xuống nhặt cái gót gãy. “Em sắp sửa rời xa sự an toàn của thành phố và sắp sửa bị bỏ rơi.”
“Vớ vẩn - em sẽ rất thành công cho mà xem. Nhưng có một thứ có thể dùng tạm được đấy...”
“Đúng rồi, keo dán, chị có mang theo không?” Tôi nói chen vào.
“Dùng đôi ủng xanh nhé!”
“Ồ, không!”
“Ồ, có chứ” Sue cười toáng lên. “Thế em còn có thể làm gì khác nào? Đi chân đất à?”
“Ôi Chúa ơi!” Tôi cười khi xỏ đôi ủng vào và làm nhiều người đi ngang qua ngạc nhiên. “Vừa khít. Giờ thì em chỉnh tề rồi. Ít ra thì chúng cũng rất vừa.” Tôi nói thêm lúc đi chầm chậm dọc hành lang. “Nhưng chúng làm chân em trông to quá cỡ.”
“Em trông rất lập dị.”
“Buồn cười nhỉ.”
“Thì em chẳng vừa nói em muốn có một buổi tối đáng nhớ đấy thôi.”
“Đúng thế.”
Đi qua năm điểm dừng trên đường trung tâm thì chúng tôi đến rạp xiếc Oxford nơi Cathy đang đợi ở quầy bán vé.
Tôi dễ dàng nhận ra sự ngạc nhiên của Cathy. “Gót giày của em bị gãy.”
“Chẳng sao đâu. Với nụ cười của em thì chẳng ai để ý đến đôi chân cả.” Cathy nói với giọng thông cảm làm tôi chỉ muốn tặng chị ấy một nụ hôn. “Lên đấy một tý là đến quán bar Iso.” Hai tay bảo vệ to cao đứng sang một bên nhường đường cho chúng tôi đi qua cái băng tím chặn cửa.
“Chỗ này chỉ mới mở cửa thôi.” Cathy giải thích khi chúng tôi đi xuống mấy bậc thang vào bên trong. “Lần trước chị thấy Clive Owen ở đây. Anh ấy còn nháy mắt với chị cơ.”
“Chị may thế.” Tôi nói. “Nhưng chúng ta sẽ làm thêm mấy ly sâm banh chứ. Hai chị tìm bàn còn em đi lấy rượu nhé.”
Tôi đi về phía quầy bar đầy người. Tôi thấy hơi tự ti trong đôi ủng mặc dù may là bên trong khá tối - nhưng tôi không tài nào gọi được người đứng quầy. Và tôi đứng chờ trong mười phút, bắt đầu cảm thấy bực mình và khó chịu với ánh đèn chớp xoay bên trên, chúng làm tôi đau hết cả đầu. Rồi tôi chợt thấy một người đàn ông đứng phía bên phải mình đang ra hiệu liên hồi cho người đứng quầy rồi chỉ vào tôi bằng cả hai ngón tay trỏ ngoắc lại. Anh ta nhìn tôi và cười.
“Cám ơn anh.” Tôi nói với anh ta khi gọi đồ uống. Tôi nhìn kỹ anh và thấy nhói trong ngực. Anh có mái tóc xoăn đen xõa xuống cổ áo và đôi mắt có màu xanh khói. Anh trạc ba mươi lăm, cao và gầy nhưng đôi vai khá rộng. “Anh tử tế quá. Tôi chẳng thể gọi nổi đồ uống.”
“Tôi không hiểu vì sao nhưng cô rất nổi bật. Cô trông giống...” Người lạ mặt nói. Gwyneth Paltrow, tôi hy vọng anh ta sẽ nói vậy. Hay Kirsten Dunst. Lúc có hơi men rồi người ta nói gì mà chẳng được.
“... một tảng băng.” Anh nói. “Cô có vẻ cao, xanh xao và lạnh.”
“Và tất nhiên là tôi có nội tâm nữa.”
“Tôi cá là vậy.” Anh nhìn xuống chân tôi, mặc cho tôi tỏ vẻ lúng túng.
Rồi anh ta nhướng mày kinh ngạc. “Cô vừa đi lội bùn ở ruộng về đấy à?”
“Không.” Tôi giải thích chuyện gì vừa xảy ra.
“Bất tiện quá nhỉ.”
“Anh cũng thấy thế à?” Tôi thanh toán tiền chai sâm banh Taitinger và nói. “Nhưng tôi luôn mang theo giày dự trữ bên mình.”
“Tôi thấy rồi. Chu đáo nhỉ.”
“Dù sao cũng cám ơn anh đã giúp. Anh ga lăng thật.”
“Thỉnh thoảng thôi. Không phải lúc nào cũng thế...” Anh nói với giọng có chút nuối tiếc.
Cuộc đời tôi đáng lẽ sẽ khác đi nếu tôi chỉ dừng lại ở đó, giờ tôi nghĩ lại khi vượt lên chiếc ôtô phía trước, nếu tôi chỉ nói lời tạm biệt xã giao với người lạ mặt đẹp trai rồi đi tìm chị Sue và Cathy. Nhưng không, tôi rót đầy rượu vào một cái ly và đưa nó cho anh ta. Cùng lúc, tôi quan sát anh bạo dạn hơn - có lẽ vì rượu và tâm trạng phấn khích cao độ của tôi lúc đó đã giúp tôi bớt e thẹn. Tôi thấy anh nhìn lại tôi với vẻ quan tâm.
“Anh đi cùng ai à?” Tôi hỏi, mong đợi một phụ nữ xinh đẹp sẽ xuất hiện và lôi anh ấy đi.
“Tôi đi cùng một người bạn. Nhưng anh ta vừa ra ngoài để gọi điện cho vợ.”
“Thế vợ anh đâu?” Tôi hỏi một cách sỗ sàng khiến chính mình cũng bất ngờ.
Một thoáng ngạc nhiên hiện ra trên khuôn mặt anh. “Tôi... chưa có vợ.”
“Anh có bạn gái không?”
“Không...” anh trả lời chậm rãi, “nếu như cô muốn biết. Nhưng mà thực ra cô đang ăn mừng điều gì vậy?” Anh gõ gõ vào cái ly.
“Chẳng gì cả. Tôi chỉ sắp bắt đầu một cuộc sống mới.” Tôi đáp, lòng nghĩ về mẹ.
“Một cuộc sống mới ư?” Anh nâng ly lên và tôi quan sát từng đám bọt li ty nổi lên, như những lá cây dương xỉ đang vẫy. “Thế thì cạn ly vì cuộc sống mới của cô nào. Cô sẽ làm gì? Ra nước ngoài? Lấy chồng? Vào tu viện? Hay gia nhập gánh xiếc?”
“Chẳng phải những việc đó.” Tôi kể cho anh ta nghe rằng hôm nay là ngày cuối cùng của tôi ở đây và tôi sẽ bắt đầu khóa học về làm vườn thứ Hai tới.
“Vậy ra cô đang chuyển từ làm ở quỹ đầu tư sang nghề trồng trọt?”
“Vâng.”
“Từ cổ phiếu sang hoa hòe.” Tôi cười. “Từ Phố Wall sang quế trúc. Tôi tiếp tục chứ?”
“Thôi” tôi cười khúc khích. “Tôi nghe đủ chuyện đùa về việc này ở tiệc chia tay mới xong rồi.”
Anh ta dựa vào quầy bar. “Thế học xong thì cô sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ mở công ty tư vấn của riêng mình - Công ty thiết kế vườn Anna Temple.”
“Anna Temple...? Cô đáng được tôn thờ với cái tên như vậy. Cô đang có một anh chàng to lớn và si tình theo đuổi chứ?”
Tôi lắc đầu. “Đáng buồn là không.”
“Tôi hơi lấy làm lạ vì điều đó.”
“Còn tên anh là gì? Tôi chẳng biết xưng hô thế nào nếu không biết tên anh.”
Anh ta lại cười. “Tôi tên Xan, với chữ X ở đầu.”
“Vì anh được xếp loại X?” Tôi thích thú với sự dạn dĩ chưa từng thấy của mình. Vừa bắt đầu cuộc sống mới chỉ có hai giờ đồng hồ nhưng có vẻ tôi đã phát hiện được những nét tính cách mới mẻ của mình, tôi thầm nghĩ. Cassie chắc sẽ ấn tượng, nó vốn là đứa trơ tráo.
“Không. Đó là tên gọi tắt của Alexander.” Anh phá lên cười.
Tôi nhấp thêm một ngụm sâm banh. “Nó nghe có vẻ kêu hơn là tên Alex, phải không?”
“Tôi cho rằng đó là điều mẹ tôi nghĩ.”
Người bạn của Xan xuất hiện và thông báo rằng anh ta phải đi; vì thế tôi liền mời Xan ngồi cùng cái bàn mà Sue và Cathy vừa tìm thấy. Ban đầu Xan nói chuyện với tất cả chúng tôi rất lịch thiệp; sau đó anh và tôi bắt đầu nói chuyện riêng. Anh kể rằng anh đã từng làm việc mười năm ở Hồng Kông cho một nhà băng, nhưng rồi nghỉ việc ở đó để làm cho đài BBC.
“Anh có thích công việc hiện nay không?” Tôi làm thêm một ngụm nữa.
“Tuyệt. Tôi ước gì tôi làm việc này sớm hơn. Cuộc đời quá ngắn ngủi nên cố mà làm những gì mình thích.”
“Đấy cũng là điều tôi mới phát hiện ra.” Tôi đồng ý với Xan.
“Tôi đang thử việc ở bộ phận tin tức - thật may là họ chấp nhận một người hoàn toàn mới như tôi.”
Chị Sue và Cathy khoác áo choàng vào. “Bọn chị lên tàu đây,” Sue nói. Chị cầm lấy túi xách và cúi xuống ôm hôn tôi. “Có vẻ như em đang có một buổi tối không thể quên,” Sue thì thầm. “Có lẽ nó sẽ kết thúc có hậu.” Sue cười ẩn ý và đứng dậy. “Vậy thứ Hai gặp nhau nhé, Anna - ồ quên mất - không!” Chị ấy ôm hôn tôi một lần nữa. “Nhưng chị sẽ alô cho em.”
“Chị gọi cho em nhé, chị Sue. Cám ơn chị về quyển sách.”
Xan đang định đứng dậy thì Sue ra hiệu cho anh cứ ngồi. “Không, không, không, hai người cứ ở yên đấy.”
Và chúng tôi đã ngồi yên ở đấy, tôi không biết là trong bao lâu nữa, cho đến khi Xan nhìn đồng hồ. “Tôi phải đi thôi, đã nửa đêm rồi.” Anh nói.
“Ồ, đã đến giờ lên giường rồi à, chàng Công tử?” Tôi cảm thấy một chút luyến tiếc cộng với lo lắng.
“Tôi phải đi ngủ. Tôi vừa trải qua một ngày bận rộn.”
“Vậy thì...” tôi đứng dậy, nhận ra còn sót lại khá nhiều rượu. “Tôi cũng đi đây. Nhưng tôi rất vui vì đã gặp anh.” Tôi đưa tay ra. “Hôm nay là một ngày trọng đại đối với tôi và nó sẽ không mỹ mãn nếu không có anh.”
“Thật à?”
“Thật, tôi chẳng biết chính xác vì sao. Thực ra,” tôi nhặt mấy cái túi và nói, “Tôi có cảm giác kỳ lạ là số tôi hôm nay được gặp anh.”
“Cô sống ở đâu?” Xan chăm chú nhìn tôi.
Tôi thấy như có dòng điện chạy qua người. “Brook Green.”
“À, tôi ở Notting Hill. Tôi sẽ bắt taxi về. Tôi sẽ cho cô đi nhờ, nếu cô muốn,” anh hơi lúng túng.
Tôi như mở cờ trong bụng. “Vâng, thế thì tốt quá, cám ơn anh.”
Chúng tôi bước ra phố Oxford, bị vây quanh bởi một đám người say xỉn loạng choạng nôn mửa khắp nơi. Xan nắm lấy tay tôi khiến tôi rùng mình với cảm giác dễ chịu. Vì trời đang mưa nhẹ nên khó vẫy một chiếc taxi. Đột nhiên chúng tôi thấy một ánh đèn vàng. Xan bước xuống đường và vẫy chiếc taxi lại; nó đỗ xịch bên cạnh chúng tôi với một tiếng khựng của động cơ.
“Đến Brook Green,” Xan nói, mở cửa xe cho tôi. “Rồi qua Notting Hill.”
“Anh cho tôi xuống trước à?” tôi hỏi sau khi chui vào.
“Tất nhiên rồi.”
“Anh thật ga lăng,” tôi bảo khi chiếc xe phóng đi.
“Tôi chỉ làm những gì mình có thể thôi,” Xan trả lời. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ. Những hạt mưa rơi lộp độp trên kính, làm nhòe đi ánh đèn neon phát ra từ những cửa hiệu bên đường. “Nhưng đôi khi tôi phải miễn cưỡng làm khác đi.”
“Thật chứ?” Tôi ngắm nhìn hai giọt nước mưa chảy dọc xuống cửa kính rồi hòa vào nhau, cảm thấy hơi lạnh. “Thế giờ anh có miễn cưỡng tý nào không?”
Một thoáng im lặng giữa chúng tôi, trừ âm thanh mà động cơ xe phát ra và tiếng lốp xe lăn trên con phố đẫm nước mưa.
“Ừm, có chứ,” Xan đáp khẽ.
Tôi đan tay mình vào tay Xan, ngồi dịch sát vào anh, cảm thấy hơi ấm của đùi anh cạnh đùi mình. Chúng tôi đi qua đường Bayswater, qua Notting Hill, rồi dọc đại lộ Holland Park nơi những phiến lá to của những sồi cây đang rủ xuống vì mưa.
“Gần đến rồi,” tôi thì thào. Bóng của Xan lướt qua dưới những ánh đèn đường. “Năm phút nữa mình sẽ đến nơi.” Tôi can đảm đặt tay lên mặt anh và vuốt một cọng tóc xoăn rủ xuống sau tai anh. “Anh có thể đưa em về nhà bất kỳ lúc nào.” Tôi thốt lên. Lập tức Xan nhìn tôi không rời. Ngón tay tôi sờ lên những đường cong trên miệng Xan và chúng tôi hôn nhau. Đôi môi anh có vị của muối và sâm banh.
“Anna,” anh nói trong hơi thở. Tôi có thể ngửi thấy mùi mồ hôi trên cổ Xan. “Anna...” Chúng tôi lại hôn nhau, gấp gáp hơn, rồi tôi buông tay xuống đùi anh, cảm thấy chiếc quần jeans của Xan bỗng trở nên chật chội. Đến lúc này tôi cảm thấy ham muốn hơn bao giờ hết.
“Đường nào đấy cô ơi?” tiếng người tài xế vang lên.
“Ồ...đường Havelock.” Tôi đáp. Mặt tôi như có lửa. “Ở cuối đường ấy, bên tay trái. Ngôi nhà ở góc phố ấy.” Tôi cầm lấy túi khi xe dừng lại. Xan mở cửa xe và cả hai chúng tôi cùng bước ra - tôi thầm biết ơn anh. Nhưng thay vì trả tiền taxi, Xan vẫn đứng im, nhìn tôi với vẻ lưỡng lự.
“À... cám ơn anh,” tôi nói. “Đã đi cùng em... và...” Sao anh ta lại do dự nhỉ? Có lẽ anh ta nói dối tôi về việc chưa có vợ, tôi thất vọng nghĩ. Hay chỉ là anh ta thẹn và không muốn bắt đầu trước. Đúng rồi - chắc là thế rồi, tôi khẳng định, anh ấy thẹn. Vậy nên tôi bảo Xan điều mà sau đó đã thay đổi cuộc đời tôi. “Anh vào nhà một lát chứ?” Tôi nói nhỏ. “Chỉ là... anh biết đấy, em có thể mời anh một tách cà phê hay một thứ gì đó.”
“Cà phê à?” Xan lặp lại với một chút ngạc nhiên, như thể tôi vừa bảo “súp khoai tây”.
“Vâng, cà phê.” Tôi dựng cổ áo lên để tránh những hạt mưa đang rơi dày. “Cà phê Êtiôpia hoặc là Goatêmala. Nhẹ hoặc nặng. Anh có thể uống espresso hay là latte tùy thích. Anh có thể uống sôcôla nóng - em có một gói ngon lắm - thế là công bằng mà.” Tôi đùa Xan. “Và em nghĩ là có cả một ít bột ngũ cốc nữa.” Tôi có thể thấy tay tài xế taxi đang muốn đi lắm rồi. “Ovaltine nhé?” Tôi thử lần nữa với một nụ cười. Xan vẫn đứng đó. Tôi nhầm mất rồi. Anh ta không thèm để ý. Tôi quay đi đầy thất vọng.
Tôi nghe thấy tiếng cửa đóng lại, tiếng động cơ rồ lên khi chiếc taxi phóng vút đi.
Đột nhiên có tiếng bước chân phía sau khi tôi tra chìa khóa vào ổ. Và rồi tiếng của Xan vang lên: “Anh không nghĩ là em có trà PG đâu nhỉ?”
Khi lái xe ra khỏi đường cao tốc trong ánh chiều tà đang buông xuống, tôi vẫn nhớ với sự hối hận trong lòng, cái cảm giác vui sướng lúc tôi lóng ngóng mở cửa và đụng phải cái chuông báo trộm. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi ngôi nhà trông sạch sẽ và ấm áp. Trên bậu lò sưởi trong phòng khách có một lọ hoa ly vàng và mọi thứ rất ngăn nắp. Trên cái bàn trong phòng ăn có một hộp nhỏ đựng mấy tấm thiệp chúc mừng của những người mà tôi đã cám ơn. Tôi giấu cái hộp đi và đi vào bếp, thả áo khoác lên một chiếc ghế tựa.
Xan theo tôi vào bếp, khi tôi đổ đầy nước vào cái ấm, tôi thấy anh nhìn khung ảnh của ba mẹ tôi trên tủ. Tôi chưa kể cho Xan nghe về mẹ mình vì tôi không muốn, bởi vì nếu tôi kể thì có vẻ thật quá.
“Anh chọn loại nào? Em không có trà PG nhưng em có trà Kenya, Darjeeling, Ceylon, Assam, trà xanh, trà hoa cúc - hay nếu anh thích thứ gì đó thơm hơn, thì đây.” Tôi nói khi tôi mở tủ bếp. Lấy ra một hộp trà hoa nhài và hoa oải hương, tôi cười hỏi anh: “Anh thích loại nào?”
“Thôi không cần đâu.” Anh trả lời.
“Chắc anh phải muốn uống thứ gì đó chứ,” tôi thì thầm khích lệ.
“À, đúng rồi, thật ra anh cũng muốn...” Xan quay đi, hơi bối rối, rồi quay lại nhìn tôi. “Anh muốn em... cởi bớt... một số thứ...”
Tôi khựng lại. “Thứ gì vậy anh?” Xan nhìn xuống chân tôi. “Ồ, cái đó...” Tôi cười khúc khích và tháo đôi ủng ra.
“Như thế tốt hơn,” anh nhỏ nhẹ bảo. Anh chăm chú nhìn đôi chân tôi. “Em biết không, Anna, em có đôi gót chân rất đẹp.”
“Cám ơn anh. Khuỷu tay của em cũng thế mà.”
Xan im lặng. Anh vẫn đứng đó, nhìn tôi như đang dò xét. Và rồi tôi bước lên và chúng tôi hôn nhau. Không nói một lời, tôi nhẹ nhàng nới cà vạt của anh và kéo anh lên chiếc cầu thang sơn màu trắng dẫn lên phòng ngủ của mình. Tôi cởi cúc áo sơ mi của anh - ngực anh rộng và phẳng - rồi lùa tay lên trên. Tôi chưa bao giờ chủ động như thế này trong cuộc đời mình. Tôi cởi nốt quần anh, đẩy anh xuống giường, rồi cởi phăng áo của mình khi Xan đang vuốt ve hông tôi. Tôi cảm thấy thèm muốn cơ thể anh, điều tôi chưa từng cảm thấy với người đàn ông nào khác. Tôi muốn anh. Tôi cần anh.
“Giờ thì,” tôi thì thầm khi hai chúng tôi hòa vào nhau. Đôi mắt anh mở to, chúng tôi ân ái nhẹ nhàng và thi vị. Sau khi thỏa mãn, chúng tôi nằm trong bóng tối, vẫn ở trong nhau. Xan thiếp đi rất nhanh, còn tôi vẫn thức, lâng lâng với sâm banh và cảm giác khoan khoái. Tôi nhìn đường viền quanh cằm anh, chiếc cằm lún phún râu và những sợi lông loăn xoăn trên gò má.
Đây có thể là bắt đầu của một mối quan hệ mới, tôi sung sướng nghĩ, khi mà tôi bắt đầu một cuộc sống mới...
Tôi chìm vào giấc ngủ và mơ thấy mẹ. Nhưng đó không phải là một giấc mơ đẹp bởi vì trong giấc mơ tôi thấy mẹ đi về phía mình, ngang qua khu vườn, và tôi chờ bà tới ôm lấy tôi nhưng tôi biết là không thể. Sau đó tôi lại không dám chắc đó là mẹ mình vì khuôn mặt của bà đang biến dạng và thay đổi, dáng bà trở nên mờ ảo và xa xôi. Tôi tỉnh giấc trong bối rối và buồn bã.
Mẹ tôi sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy cảnh này? Tôi tự hỏi khi nhìn thấy ánh sáng màu xám của buổi sớm lọt qua tấm rèm. Bà sẽ thất vọng.
Trời ơi Anna - sao con lại làm thế? Con chỉ mới gặp thôi mà. Con không nhớ những gì mẹ luôn bảo con sao? Rằng nếu con có thích một ai đó thì tốt nhất là hãy kiên nhẫn...
Tôi hoảng sợ khi nhìn thấy Xan không còn ở trên giường nữa. Tôi ngồi dậy, mắt nhìn thấy vệt lõm mà Xan để lại trên chiếc gối, rồi vùng ra khỏi giường. Chắc anh ấy đang ở trong phòng tắm. Nhưng từ sự im lặng hiện hữu, tôi biết rằng không phải. Quần áo của anh đã không còn ở trên thảm nữa.
Tôi nhìn đồng hồ. Chỉ mới sáu giờ ba mươi. Tôi vội vàng đi xuống cầu thang, hy vọng anh ấy sẽ để lại vài dòng cho tôi - nhưng chẳng có gì lưu lại dấu vết anh đã ở trong ngôi nhà, trừ mùi cơ thể anh còn sót lại trên người tôi.
Tôi buông người lên ghế bành, sự trống trải của ngôi nhà làm tôi chán chường hơn. Đầu tôi như nổ tung còn miệng thì đắng ngắt. Từ ngoài cửa vọng vào tiếng lèo nhèo của người giao sữa. Tại sao Xan lại phải đi như vậy?
Hoàng hôn buông xuống khi tôi lái xe qua phía nam Luân Đôn. Đó không phải là những gì tôi có thể mường tượng ra, tôi nghĩ. Tôi ngắm nhìn Milly trong gương. Nó đang ngủ ngon, ngón cái trong miệng còn ngón trỏ vòng lên mũi.
Trước khi chìm vào giấc ngù đêm hôm đó, tôi tưởng tượng mình và Xan sẽ cùng nhau ở trên giường, rồi cùng thả mình vào cái bồn tắm Victoria lớn trong phòng tắm. Sau đó chúng tôi sẽ cùng đi đến tiệm ăn gần đó, thưởng thức trứng và món thịt nguội dinh dưỡng như thể chúng tôi đã quen nhau đã lâu, rồi cùng đi dạo trong công viên Holland. Chúng tôi sẽ hẹn hò trong ba tháng rồi Xan đưa tôi đến Florence và cầu hôn tôi. Chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới mùa hè ở Belvedere một tuần sau khi tôi hoàn thành khóa học.
Tại sao anh ta không ít nhất là đánh thức tôi dậy để tạm biệt? Tôi tức giận nghĩ. Tại sao anh ta không xử sự lịch thiệp bằng cách tối thiểu nhất là để lại một mẩu tin nhắn cho tôi, nói rằng anh ta không muốn đánh thức tôi và rằng anh ta sẽ gọi lại cho tôi sau và tái bút hỏi tôi có làm gì đêm đấy không?
Thế mà Xan chẳng làm gì cả. Anh ta bay đi mất - như kiểu anh ta đã phát hiện ra điều gi kinh hoàng lắm. Tôi ngồi đó, cổ họng đau buốt, và tôi nhớ lại mình đã khêu gợi như thế nào - nhưng thực ra là dễ dãi và bạo dạn quá.
“Mình ngủ với một người chỉ mới quen trong hai tiếng đồng hồ,” tôi rên rỉ. Tôi vò đầu bứt tai. Tại sao tôi có thể bất cẩn như thế nhỉ? Anh ta có thể là một tên sát nhân, một gã côn đồ hay là một tên trộm. Tôi nghĩ ít ra anh ta không thuộc những hạng người đó - anh ta rất chu đáo, thông minh và đẹp trai - điều tồi tệ nhất trong chuyện này.
“Mình thích anh ta,” tôi gào lên. “Mình thực sự thích anh ta.” Nhưng rõ ràng là anh ta chỉ coi đó là cuộc tình một đêm. Anh ta đã đạt được những gì mình muốn và biến mất đúng lúc. Lời răn dạy kinh điển của mẹ tôi hóa ra lại đúng.
Lúc này vẫn chỉ bảy giờ sáng. Tôi mở đầy bồn nước và ngâm mình vào trong, những giọt nước mắt thất vọng của tôi bám trên má, hòa cùng đám bọt sữa tắm.
Tôi ở lì trong nhà suốt buổi sáng, phòng khi anh ta gọi lại nhưng chẳng thấy gì, đến bữa trưa tôi “nói” với Xan mặc dù anh ta hoàn toàn không có mặt rằng hành động của tôi đêm hôm trước hoàn toàn là bộc phát và trái với điều anh ta có thể nghĩ, tôi không có thói quen lên giường với đàn ông mới quen, cám ơn anh!
Đến chiều thì tôi không còn kìm được cơn giận...
Xan là một gã khốn nạn, tôi giận giữ mắng mình khi xé toạc tấm dra ra khỏi giường. Anh ta nghĩ anh ta có thể ngủ với tôi rồi biến đi, như là tôi là một...đứa rẻ mạt. Tôi tháo tung một cái vỏ gối. Hoặc có thể anh ta đã có bạn gái rồi nhưng vẫn nói dối tôi là chưa. Sao một người đàn ông hấp dẫn như thế lại chưa có bạn gái chứ? Điều đó giải thích tại sao anh ta lại do dự như vậy, tôi vỡ ra - cảm thấy tội lỗi mà. Vì thế mà anh ta phải bỏ tôi đi thật sớm để cô ấy không biết là anh ta ở ngoài cả đêm.
Chắc cô ấy là đồng nghiệp ở cơ quan. Một cô chân dài với đôi mắt to màu xám và một cơ thể đáng mơ ước - tôi mường tượng ra người bạn gái của Xan. Cũng có thể Xan gặp cô ấy ở Hồng Kông. Một cô gái Trung Hoa mảnh mai với làn da vàng và mái tóc bóng đến mức có thể soi gương. Tôi cảm thấy ghen tỵ - điều tôi biết mình không có quyền vì tôi chỉ mới biết anh ta chưa đầy hai mươi bốn giờ.
Anh ta chẳng đáng để mình bận tâm đến thế, tôi quyết định vậy khi bỏ cái dra trải giường vào máy giặt. Tôi chọn thời gian giặt là chín mươi phút như để xóa sạch mọi dấu vết của anh ta khỏi tấm vải. Anh ta từng bảo không phải lúc nào anh ta cũng tử tế, tôi nhớ lại và đóng sầm cánh cửa máy giặt. À, ít nhất thì anh ta cũng thật thà về điều đó.
Ding!
Tôi đứng thẳng dậy khi nghe tiếng chuông cửa.
Dingggg!
Tim đập rộn ràng, tôi lao ra. Một dáng người cao lờ mờ sau ô cửa kính màu. Tôi ngắm lại dung nhan mình qua chiếc gương tròn để dưới chân cầu thang, hít một hơi thở sâu và rút then cài cửa.
Một nỗi thất vọng bao trùm lấy tôi - rồi hy vọng.
“Cô Temple?” Một người đàn ông đứng đó, tay cầm một bó hoa.
“Vâng ạ?”
“Cái này của cô.”
“Ồ, cám ơn anh.” Tôi nói khi anh ta đưa bó hoa cho tôi. “Cám ơn anh” Tôi nghĩ là tôi có thể thở phào. Và rồi tôi bỗng thấy căm ghét mình sao mà ngu ngốc thế: tôi đã ba mươi hai tuổi rồi, có còn là một cô bé mười sáu đâu.
Tôi cầm bó hoa xuống bếp và đặt lên kệ. Đó là một bó gồm hoa cúc vàng, hồng vàng và đồng tiền trắng, được bó bằng tay. Tôi cởi sợi dây buộc màu vàng và nó rơi xuống sàn nhà. Có một cái bì thư được đính ở tấm giấy bọc nhưng tôi đặt nó sang một bên. Tôi muốn trì hoãn sự sung sướng khi đọc thiệp của Xan.
Tôi tìm thấy một cái lọ trắng và cắm những bông hoa vào đấy, bỏ thêm một đồng hai xu như mẹ tôi đã dạy, vì đồng sẽ làm chúng tươi lâu hơn và tôi muốn những bông hoa này tươi mãi không tàn. Rồi tôi nhặt cái phong bì. Tôi nhận thấy nó có vẻ dày hơn bình thường, tôi xé cái phong bì, nhưng chỉ vì bên trong chẳng có tấm thiệp nào mà là một lá thư. Tôi mở nó ra với đôi tay run rẩy.
Gửi Anna, Bức thư viết. Nét chữ của anh ta trông lộn xộn. Anh xin lỗi anh phải đi sớm như vậy, nhưng vì anh phải làm ca sáng nay và chỉ mới xong việc...
“Có thế chứ!” Tôi hét lên. Tôi nhớ lại là anh đã nói anh sắp có một ngày bận rộn đang chờ phía trước. Tôi vỗ mạnh vào trán. Tôi đã quá nhạy cảm - và mệt mỏi mà quên mất. Tôi đã có thể xử sự như một người phụ nữ bao dung nhưng đã không làm được, tôi nhận ra rằng mình đã không giữ được bình tĩnh.
Đáng lẽ anh đã gọi cho em nhưng anh lại không có số của em, tìm trong danh bạ cũng không có. Tôi lại vỗ mạnh vào trán mình. Dù sao đi nữa thì được gặp em là một điều tuyệt vời.
“Đúng thế!”
- và anh muốn gặp lại em.
“Đúng rồi!”
Nhưng anh nghĩ chúng ta phải nói chuyện trước đã.
“Ồ...” tôi thấy hơi hụt hẫng.
Tối mai em có rảnh không? Xx.
Đáng lẽ tôi phải nghe lời mẹ dạy và bảo Xan rằng tôi có việc khác quan trọng hơn - nhưng đã quá muốn để làm điều đó. Ngựa đã thắng rồi, hơn nữa tôi háo hức và tò mò muốn biết anh sẽ nói gì. Chúng tôi gặp nhau ở Havelock Tavern, một quán rượu sang trọng gần chỗ tôi ở. Tôi tìm thấy một cái bàn ở góc yên tĩnh khi Xan đi gọi đồ uống. Một ly nước quả Virgin Mary dễ uống dành riêng cho tôi và một chai bia Stella cho anh.
Anh nâng ly bia lên và nhìn tôi cười buồn. “Rất vui được gặp lại em, Anna, em trông thật đáng yêu.”
“Thế ạ? Ồ, anh cũng vậy,” tôi nói với một chút lo lắng, lúng túng vì sự thật là tôi thấy Xan càng hấp dẫn hơn là khi tôi đang uống say. Đầu gối tôi đang run rẩy nên tôi xoa chúng bằng tay trái. “Dù sao thì...” tôi thở sâu. “Anh bảo rằng chúng ta cần nói chuyện.”
Nét mặt Xan biến sắc. “Anh nghĩ là chúng ta nên làm thế.”
Tim tôi thắt lại. “Được thôi... nhưng trước tiên em muốn nói một điều.”
Anh nhìn tôi dò hỏi. “Gì thế?”
“À”- tôi uống một ngụm nước quả - “những gì... đã xảy ra tối thứ Sáu vừa rồi không phải... điều em thường làm. Em không muốn anh nghĩ em như thế.”
Anh nhún vai. “Anh chẳng... nghĩ gì đặc biệt cả.”
Tôi nhìn chằm chằm vào viên đá nhỏ trong ly nước. “Em không muốn anh nghĩ là em có thói quen lên giường với người đàn ông mà em quen trong năm phút, vì những gì em đã làm với anh.”
“Nhưng mà...”
“Vì thế mà em chỉ muốn nói rằng em không phải như thế. Trái lại, hoàn toàn khác. Em rất thẹn khi gặp đàn ông.”
“Thật sao?” Sự ngạc nhiên của anh làm tôi thấy khó chịu. “Chà... hôm thứ Sáu vừa rồi em chẳng thẹn tý nào, Anna.”
Tôi đỏ bừng mặt. “Vâng, em chỉ đang cố giải thích rằng hôm đó hoàn toàn là một sự bộc phát mà em chẳng biết vì sao,” tôi nói thêm, vẫn tự nhủ trong lòng cái quái gì đã xui khiến tôi làm như vậy. “Thường thì em hẹn hò một người trong ít nhất một tháng trước khi có thể đi xa hơn là...”
Anh uống bia và ra điều suy nghĩ. “Anh biết...”
“Hay ít nhất là lần hẹn thứ mười, một trong hai cách.”
Anh gặt đầu chậm rãi. “Thế à. Nó có đồng nghĩa với bữa tối, hay cuộc hẹn có bao gồm bữa trưa và sáng không?”
“Anh làm ơn nghiêm túc một chút được không?”
“Thế còn lúc uống trà buổi chiều?”
“Nghe này, Xan, nếu anh có thể lắng nghe một phút, thì em đang nói rằng em hành động như vậy hoàn toàn là bộc phát - vì lý do nào đó lúc ấy em không phải là em nữa- và vì thế em cảm thấy...”
Anh đặt tay lên vai tôi. “Bình tĩnh nào.” Tôi có thể nhận thấy bàn tay anh đẹp như thế nào: to, dày với những ngón tay cứng và thẳng. “Chẳng có gì phải căng thẳng cả. Bây giờ là thế kỷ hai mươi mốt rồi - và chúng ta đều là người lớn cả rồi, phải không em?”
“Tất nhiên - nhưng vì em đã uống quá nhiều rượu ở bữa tiệc chia tay, rồi sau đó em uống thêm bao nhiêu sâm banh nữa - và thực ra em nghĩ đó là lý do tại sao em lên giường với anh. Em chắc là như vậy.”
“Ồ.” Anh rút tay lại. “Cám ơn.”
“Em xin lỗi,” tôi thốt lên. “Tất cả những điều đó chỉ nói lên rằng em không thường làm tình bậy bạ như vậy.”
“Thế thì lúc làm tình không bậy bạ là thế nào? Lúc em mặc một cái váy cưới và cài vương miện còn một gã mặc complê chăng?”
“Anh đừng vớ vẩn thế.”
Xan đặt ly bia xuống bàn. “Anh không vớ vẩn. Anh chỉ không hiểu tại sao em lại cảm thấy phải giải thích những gì đã xảy ra. Không việc gì phải làm thế, Anna à. Cả hai ta thích nhau mà.”
Tôi ngắm nhìn Xan. “Đúng...” tôi thì thầm. “Chúng ta đã.”
“Chúng ta vẫn vậy,” anh nói có dụng ý. “Phải không nhỉ?”
Tim tôi nhảy lên như ấm nước đang sôi sùng sục. “À... đúng thế.” Tôi nhắc lại. “Nhưng anh bảo là chúng ta cần nói chuyện, nghe có vẻ như anh sắp dành cho em một điều gì đó không hay.”
“Như là?”
“À... ví dụ như là anh đã gặp một người khác, hay là anh đã đính hôn, lập gia đình, hoặc đang sống chung với ai đó, rằng anh nghiện ngập, rằng anh có thể là người đồng tính. Vì chúng ta không biết nhau nhiều nên đó có thể là bất cứ điều gì - chà... như là anh sát hại ba anh và ngủ với mẹ anh, hoặc như anh đã từng quan hệ với cả cừu - không phải vì em cho anh là loại người có thể lang chạ với bất cứ thứ gì nhưng mà... ”
“Anna...?” Xan lắc đầu với vẻ ngạc nhiên tột độ. “Tất cả những gì anh bảo chỉ là trước tiên chúng ta nên nói chuyện - theo nghĩa đen của từ - nói chuyện,” anh xòe hai bàn tay ra với vẻ vô vọng.
“Vâng, em biết. Nhưng nói về chuyện gì?”
“À - bất cứ điều gì - vì chúng ta đã chẳng nói được nhiều vào tối hôm đó, đúng không nào? Nhưng rõ ràng là anh không giải thích rõ ràng hơn - cửa hàng bán hoa sắp đóng cửa và anh đang vội.” Anh nhún vai. “Tất cả những gì anh muốn nói là, anh muốn” - anh nhún vai lần nữa -“hiểu em hơn.”
“Thế à. Nhưng... sao anh lại do dự trước khi vào nhà em?
“Bởi vì lúc đó em chắc là đã uống quá nhiều và anh không chắc là anh nên vào. Em biết đấy, anh cố gắng cư xử như một quý ông.” Anh làm một hớp bia. “Giờ em đã thoải mái chưa?”
“Rồi ạ,” tôi gặt đầu.
Anh đặt ly bia xuống và nhìn tôi chăm chú. “Lúc nào em cũng phức tạp như thế này à?”
Tôi cười với anh. “Không.”
Sau đó chúng tôi nói chuyện suốt bữa tối. Tôi lấy lại sự tự tin của mình sau khi biết Xan không có vẻ gì là có những chuyện không hay giấu tôi. Tôi hồ hởi nói về khóa học về thiết kế vườn bắt đầu vào ngày mai.
“Khóa học diễn ra ở Vườn Vật lý Chelsea,” Tôi giải thích với anh. “Đó là một nơi tuyệt vời - giống như Vườn Bí mật - đầy những loài cây quý hiếm và thảo dược. Em sẽ tìm hiểu về nghề trồng trọt và thiết kế việc trồng cây, bố trí mặt bằng, vẽ kỹ thuật, bố trí ánh sáng; làm thế nào để tận dụng những đồ trang trí như là tượng và non bộ...” Tôi thích thú với những điều mà mình sắp được biết. “Em muốn bắt đầu ngay.”
Rồi Xan kể cho tôi nghe về khoảng thời gian học việc hai năm ở đài BBC sắp kết thúc. Anh cầm con dao lên. “Anh bắt đầu nộp đơn xin việc được rồi. Cũng khá căng đấy.”
“Anh muốn làm cho bộ phận nào ở BBC?”
“Anh cũng không chắc. Hiện anh đang làm ở phòng thời sự, nơi anh thích, nhưng hiện đang khuyết một số phóng viên, cũng khá hay vì anh đã lên hình trong một số chương trình của BBC World. Hoặc anh cũng có thể làm ở mảng thương mại để phát huy những hiểu biết về ngành tài chính của mình. Mặc dù có nhiều lựa chọn nhưng cạnh tranh khá quyết liệt.”
Sau đó anh kể về gia đình mình. Ba anh từng làm cho Hội đồng Anh, vì thế ngay từ lúc còn bé, anh đã được đi khắp nơi trên thế giới. “Gia đình anh di chuyển liên tục,” anh kể. “Hết đóng gói rồi lại dỡ đồ đạc. Anh là người theo chủ nghĩa xê dịch.”
“Hay nhỉ,” tôi cười phá lên rồi chợt cảm thấy thật ngớ ngẩn và lố bịch. “Em e là em chỉ ở lì một nơi. Gia đình em sống trong một ngôi nhà trong vòng ba mươi lăm năm.”
“Gia đình em là...?”
“Ba mẹ em - à, giờ chỉ còn ba em thôi.” Cảm giác mất mát trào dâng trong tôi. “Mẹ em mất ba tháng trước. Đến hôm nay là tròn ba tháng,” tôi chợt để ý. “Vào thứ Bảy ngày mùng Tám tháng Sáu.” Tôi bỗng thấy cơn đau nhói quen thuộc trong lòng ngực như có ai đó xếp một đống gạch lên ngực mình.
“Mẹ em bị bệnh à?” Xan hỏi khẽ.
Tôi lắc đầu. “Bà hoàn toàn bình thường. Bà mất đột ngột. Hoàn toàn bất ngờ,” tôi chua xót.
“Vậy... chuyện gì đã xảy ra?”
Tôi nhìn chằm chằm vào nụ hoa hồng được cắm một mình trong một cái lọ nhỏ. “Cổ chân bà bị bong gân.” Xan nhìn tôi ngơ ngác. “Ba em bảo bà bị ngã khi đi xuống cầu thang trước bữa trưa. Cổ chân mẹ em bị sưng to đến mức ba em phải đưa bà vào bệnh viện để họ băng nó lại. Và buổi tối hôm đó khi đang nằm trên ghế sôfa và phàn nàn về sự khó chịu của vết thương, bà đột nhiên thấy đau. Mẹ em nghĩ chắc chỉ là do tác dụng của mấy viên thuốc giảm đau bà đã uống nhưng thực ra là nghiêm trọng hơn - mẹ em bị đông máu ở chân, rồi lan ra khắp cơ thể và dẫn lên phổi. Ba em kể lại bà đã cảm thấy khó thở như thế nào...” Tôi hít một hơi thở thật sâu như đang cố giúp mẹ mình trong tuyệt vọng. “Ba em gọi một chiếc xe cấp cứu và nó đến sau mười phút, nhưng đã quá muộn, mẹ em ra đi trên tay ba. Bà chỉ bị trẹo cổ chân và mất chỉ vài giờ sau đó. Cả nhà em không thể tin đó là sự thật,” tôi xót xa. “Đến bây giờ vẫn không thể tin.”
“Thật khủng khiếp,” Xan cất tiếng sau một thoáng im lặng. Anh để tay lên tay tôi. “Chắc em cảm thấy... anh đoán là... hụt hẫng lắm nhỉ.”
Tôi nhìn Xan. “Hụt hẫng...?” Chính xác là như vậy. Và đúng lúc đó tôi biết là vì sao tôi lại hành động thiếu suy nghĩ như thế hai đêm trước đây. Nó không đơn thuần là thèm khát về mặt thể xác. Đó là vì ròng rã suốt ba tháng tôi như cuộn mình lại - một nửa trong tôi đã chết vì đau đớn - và tôi muốn cảm thấy mình...tồn tại.
“Lúc mất mẹ em bao nhiêu tuổi?”
Hình bóng của Xan mờ đi trong mắt tôi. “Năm mươi lăm.”
“Quá trẻ...” Xan lắc đầu. “Đáng lẽ mẹ em phải sống ít nhất là hai mươi năm nữa.”
“Chẳng ai trong gia đình em có thể nghĩ điều đó lại xảy ra,” tôi nói khẽ. “Tất cả mọi người đều hy vọng mẹ sẽ sống được ngần ấy. Giờ em mới biết là trước kia bản thân em cũng không ngờ như vậy.”
Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu.
“Vậy còn những người còn lại trong gia đình em?” Xan hỏi, và tôi kể cho anh về anh Mark và Cassie. “Còn cuộc sống riêng của em? Bạn trai?”
“Đã lâu rồi em chẳng hẹn hò với ai,” tôi nhún vai.
“Nhưng em trông rất hấp dẫn - với vẻ lạnh lùng bên ngoài - chắc em phải có nhiều người muốn làm quen chứ?”
“Cám ơn anh. Thỉnh thoảng cũng có. Nhưng toàn là những người mà em không thấy hứng thú.” Tôi mân mê tờ giấy ăn. “Thế còn anh?”
“Anh đã gặp một cô gái, nhưng bọn anh đã chia tay hồi tháng Năm.”
“Trông cô ấy thế nào?”
“Cũng khá xinh,” anh nói với vẻ tiếc nuối. Tôi bỗng phát ghen. “Cara rất thông minh. Rất hấp dẫn. Rất thành đạt...”
“Cô ấy có vẻ hoàn hảo nhỉ,” tôi nói mà chẳng vui vẻ gì. “Thế chuyện gì đã xảy ra?”
“Cô ấy đòi hỏi quá nhiều thứ khi còn quá sớm. Bọn anh chỉ mới quen nhau có ba tháng, vậy mà cô ấy đã thúc giục anh chuyển về sống chung - như thế là không phải.” Anh lắc đầu. “Cô ấy cứ liên tục muốn biết tương lai sẽ ra sao. Rốt cuộc thì anh chẳng chịu đựng được nữa.”
“Còn em,” tôi nói, “em thì khác. Phải thừa nhận là em đã từng như vậy, trước khi mẹ em mất, nhưng chính điều đó đã thay đổi tất cả và đồng hồ sinh học của em giờ đang ở chế độ “chờ”. Khóa học của em sẽ mất chín tháng, sau đó em bắt đầu lập công ty và tiến hành công việc, vì vậy các mục tiêu nghề nghiệp là những ưu tiên hiện tại của em.” Tôi liếc nhìn đồng hồ. “Thật ra thì giờ em phải đi - Chín giờ sáng mai em đã phải đến Vườn Vật lý rồi. Cám ơn anh vì bữa tối.”
Xan đứng lên. “Anh có thể đi cùng em về nhà không?”
“Được chứ,” tôi cười.
“Anh muốn gặp lại em, Anna,” Xan nói khi chúng tôi đứng trước cửa nhà tôi. Cây hoa tử đằng mọc trùm kín ngôi nhà đang nở hoa mùa thứ hai tỏa ra mùi hưong dễ chịu. Anh vuốt má tôi. “Thế có được không em?”
Tôi bỗng cảm thấy một niềm vui dâng trào trong lòng giống như ngô rang nổ. “Được... ạ.”
“Nhưng... không...”
“Ràng buộc?” tôi ướm thử một cách châm biếm.
Xan lắc đầu. “Áp lực. Không...áp lực. Được không nào?”
Anh hôn tôi, bước xuống con đường nhỏ, quay lại và vẫy chào tôi.
“Không áp lực?” tôi lặp lại khe khẽ. “Dĩ nhiên rồi.”
Một
“Thật khó nói lời tạm biệt phải không con?” Ba tôi bảo. Tôi gật đầu, run nhẹ trong khí trời se lạnh giữa tháng Hai. “Thật buồn khi phải nhìn thấy nó trống trải như thế này.” Chúng tôi nhìn đăm đăm phía sau của ngôi nhà, những ô cửa sổ lấp lánh gam màu tối dưới ánh mặt trời của buổi chiều tà. “Đáng lẽ con không nên đến.”
“Con muốn nhìn thấy nó lần cuối”. Tôi lắc đầu, cảm thấy bàn tay bé nhỏ của Milly trong tay mình. “Con cũng muốn cho Milly nhìn thấy nó lần cuối.”
Tôi đã đến vài lần để giúp ba tôi đóng gói đồ đạc nhưng lần này là lần tạm biệt cuối cùng. Ngày mai công ty dịch vụ chuyển nhà Surrey sẽ đến và sự gắn bó của chúng tôi với ngôi nhà sẽ kết thúc. Khi tôi đứng đấy, những ký ức lần lượt hiện về trong đầu như những thước phim. Tôi thấy mình trong bộ váy hồng trên dây xích đu; ba mẹ tôi đang khoác tay nhau dưới cây anh đào chụp ảnh kỷ niệm đám cưới bạc của họ; anh Mark đang ném mấy quả bóng tennis cho Bob, chú chó chăn cừu của chúng tôi; còn Cassie đang tập thể dục trên bãi cỏ.
“Con sẽ đi một vòng nữa,” tôi nói. “Chỉ để xem... con có bỏ quên thứ gì không...”. Ba tôi gật đầu với vẻ thấu hiểu. “Đi nào cháu, Milly”.
Chúng tôi vào bên trong, vừa đi vừa tránh những cái hộp đang để lộn xộn, tiếng bước chân vọng lại khe khẽ trên sàn nhà trống trơn.
Tôi lặng lẽ tạm biệt căn bếp kiểu cũ với những viên gạch lát màu đỏ đen rồi tới căn phòng khách lớn kiểu phòng lồi, những bức tường treo đầy tranh suốt ba mươi tám năm qua. Rồi chúng tôi đi lên gác vào phòng tắm.
“Thao biển” Milly thốt lên, chỉ tay vào mấy tấm rèm.
“Sao biển. Đúng rồi. Và cả sò, cá ngựa nữa...Mẹ từng rất thích mấy tấm rèm này nhưng giờ chúng phai màu rồi, không giữ lại nữa” Tôi nói.
“Nước!” Milly bi bô, tay cầm lấy cái bàn chải đánh răng của ba tôi. “Nước, mẹ ơi”. Milly nhón chân lên, bàn tay mũm mĩm với tới vòi nước.
“Không phải bây giờ, con yêu” Tôi nói. “Với lại đây là bàn chải của ông ngoại và chúng ta không được dùng bàn chải của người khác, phải không nào?”
“Vâng ạ”
Tôi mở tủ đựng thuốc. Những gì còn sót lại là bộ đồ cạo râu, kem đánh răng và mấy viên thuốc ngủ của ba tôi. Ông bảo rằng hằng đêm ông vẫn phải uống một viên. Ở ngăn dưới là vài đồ trang điểm của mẹ tôi- hộp phấn nền, lọ thuốc sơn móng tay màu hồng sẫm sắp chuyển sang màu trắng vì để lâu không dùng và một lọ kem dưỡng mà tôi tặng vào ngày sinh nhật nhưng bà hiếm khi động đến. Tôi quẹt một ít bôi lên mu bàn tay và nhắm mắt lại.
Tuyệt quá, con yêu. Con biết mẹ thích đồ Shalimar mà. Cái lọ to thật - nó sẽ giúp mẹ trẻ mãi không già.
“Đi đi, mẹ ơi” Tôi mở mắt ra. “Đi” Milly nói như ra lệnh. Nó nắm chặt tay tôi và dẫn tôi dọc cầu thang lên tầng thượng, đôi giày màu hồng líu tíu trên những bậc cầu thang.
“Con muốn vào phòng chơi à?”
“Vâng, mẹ ạ. Phòng tơi” Nó hổn hển nói.
Tôi đẩy cánh cửa sơn vécni, ngửi thấy mùi ẩm mốc quen thuộc của những hạt bụi cũ. Tôi đã vứt đi hầu hết những món đồ chơi cũ, chỉ giữ lại một vài thứ chưa bị hỏng quá cho Milly. Thế nhưng vẫn còn một đống đồ chơi xếp hình trên bàn, một mớ quần áo cũ đựng trong một cái rổ, và vương vãi trên tấm lót sàn màu xanh lơ là nhiều tập truyện tranh cũ. Những dấu vết còn sót lại của một tuổi thơ hạnh phúc đang hiện về khi tôi nhặt lên một quyển Dandy.
Milly chui tọt vào trong một chiếc ôtô đồ chơi màu hồng. “Mẹ nhìn này”. Vừa nói nó vừa giơ lên một trong những con búp bê Sindy của tôi với vẻ hân hoan kinh ngạc của một nữ diễn viên khi đoạt giải Oscar.
“Ồ, mẹ nhớ cô bé này.” Tôi cầm lấy con búp bê từ bàn tay xòe ra của Milly và nhận được một cái nhìn vô hồn từ nó. “Mẹ có rất nhiều búp bê Sindy kiểu này. Năm hay sáu gì đó. Mẹ thường thích thay quần áo cho chúng.” Con Sindy này đang mặc một cái sơ mi kẻ carô bạc màu và một cái quần chẽn dơ dáy. Bộ tóc tết bằng nylông xa xỉ của nó đã bị Cassie cắt cụt mất, giờ tôi vẫn còn nhớ. Luồn ngón tay vào mái tóc tết dày của con búp bê, tôi cảm thấy cơn giận trong quá khứ lại trào dâng.
Mẹ biết em Cassie chọc phá con, con yêu. Mẹ tôi vẫn sẽ nói vậy. Nhưng con hãy cố nhớ rằng em nhỏ hơn con sáu tuổi và nó không cố ý trở thành kẻ phá bĩnh con đâu.
“Nó vẫn là kẻ phá bĩnh con”, tôi thốt lên trong hơi thở. Tôi chìa con búp bê cho Milly. “Con có thích nó không, cục cưng của mẹ?”
“Không” Milly lắc lắc mấy lọn tóc đen của mình. “Không, không, không”. Con bé thầm thì. Rõ ràng bộ tóc xơ xác đã làm nó chán. Milly ném trở lại con búp bê vào trong ôtô.
Tôi nhanh chóng gom vài thứ linh tinh vào một cái túi đựng rác. Khi tôi đang nhặt thì một tờ ngân phiếu rơi ra và liệng xuống sàn nhà.
“Năm trăm bảng...” Tôi lật mặt sau của tờ ngân phiếu. Tiếc là không phải ngân phiếu thật- -nếu không thì bây giờ chúng ta có thể có thêm ít tiền đấy - còn cái này”, tôi cầm lên một chiếc ôtô chạy điện hiệu Land Rover, “là của cậu Mark”. Lớp sơn của chiếc ôtô đã bong gần hết và nó còn mất hẳn một bánh. “Con biết cậu Mark không? Người gửi con búp bê Annabelle đấy?” Milly gật đầu. “Giờ cậu ấy ở xa lắm - tận nước Mỹ cơ”.
“Nước ỹ” Milly nhại lại.
“Con chỉ mới gặp cậu ấy...một lần,” tôi nhớ lại đầy buồn bã. “Vào lễ rửa tội của con.” Tôi nhìn quanh căn phòng. “Mẹ và cậu Mark chơi ở đây rất nhiều.” Tôi nhớ là đã đổi đèn tín hiệu của bộ đồ chơi tàu hỏa Hornby của Mark và đặt một khúc cây nhỏ bên cạnh đường chạy của nó. “Cậu ấy và mẹ là những người bạn tốt, nhưng thật buồn là giờ rất ít gặp lại nhau.”
Càng buồn hơn cho Milly, tôi nghĩ. Nó không có nhiều người thân là đàn ông trong đời. Không một người cha, không anh em trai, chỉ có một ông ngoại và Mark, người cậu duy nhất của nó, đã chuyển sang sống ở San Francisco được bốn năm nay.
“Vậy thôi, con gái, mình đi nào. Tạm biệt phòng chơi nhé,” tôi nói thêm khi cánh cửa phía sau chúng tôi đóng lại.
“Tạm biệt, phòng tơi.”
Chúng tôi đi qua chiếu nghỉ cầu thang để vào phòng cũ của tôi. Khi hai mẹ con ngồi lên giường, tôi nhìn lên cái đèn ngủ tròn bằng thủy tinh mờ và chú ý đến một cái xác vo tròn của một con nhện lớn. Chắc nó phải ở đó từ lâu lắm rồi. Rồi tôi nhìn lên những ô cửa sổ nơi mà một loạt những hình vẽ nguệch ngoạc còn sót lại ở một ô dưới thấp. “Mẹ vẽ đấy, lúc mẹ sáu tuổi. Bà ngoại hơi giận mẹ. Như thế là hư”. Tôi kể cho con gái nghe.
“Hư” Milly nhắc lại với vẻ thích thú.
“Có lẽ con sẽ yêu bà ngoại lắm,” Tôi nói, bế Milly lên đùi mình và thấy tay nó choàng quanh cổ. “và có lẽ bà ngoại cũng sẽ chiều con lắm.” Tôi lại cảm thấy đau nhói như khi vừa mất mẹ.
“iều...” Tôi nghe Milly bập bẹ.
Chúng tôi đứng lên. Tôi thầm tạm biệt căn phòng và khép cánh cửa lại lần sau chót. Rồi tôi liếc qua phòng anh Mark ở kế bên. Căn phòng hầu như trống trơn. Những bức tường trắng bám đầy bụi còn vương lại những miếng keo dính. Anh ấy đã dọn sạch phòng trước khi sang Mỹ. Mark bóc hết lớp giấy dán và không bao giờ quay trở lại. Tôi vẫn còn nhớ ba mẹ tôi đã đau đớn như thế nào.
Giờ thì chúng tôi đã lên tầng trên và đứng trước cửa phòng ba mẹ tôi.
“Mẹ được sinh ra ở đây Milly này...”
Anna, con sinh sớm ba tuần. Nhưng vì tuyết rơi dày quá và mẹ không thể đến bệnh viện nên mẹ phải sinh con ở nhà. Ba con đỡ đẻ cho mẹ- con thử tưởng tượng xem! Ba con cứ đùa hoài rằng ông ấy là một kỹ sư chứ không phải là một bà mụ, nhưng sau đó ba con thú thực với mẹ là ông ấy đã rất sợ. Đó thực sự là một ca đẻ hú vía...
Cái tủ đứng làm bằng gỗ dái ngựa- cùng với mấy thứ đồ gỗ không dùng khác- đang được bán đi cùng với ngôi nhà. Một tiếng leng keng nhỏ vang lên do mấy cái móc áo va vào nhau khi tôi mở ngăn bên của mẹ. Tôi hình dung ra những chiếc váy của bà vẫn trên móc cho đến vài tháng trước đây- đã hơn hai năm rồi ba tôi mới xem lại chỗ quần áo của mẹ. Ông bảo ông buồn nhất là lúc nhìn thấy những đôi giày của mẹ tôi, tưởng tượng ra bà vẫn đang đi chúng.
Tiếp theo tôi và Milly đi tạm biệt khu vườn- khu vườn mẹ tôi đã chăm chút và yêu quý. Chỉ vừa qua khỏi mùa đông nên khu vườn vẫn trơ trụi với vẻ ngái ngủ, lạnh lẽo và ẩm ướt. Nhưng khi vừa bước ra ngoài, tôi lại nhớ về những khóm đầy hoa trúc đào và mẫu đơn giữa mùa hè; những cụm oải hương vun đầy lối đi; cây tử đinh hương với những nụ hoa lan chuông màu nhạt bên dưới trong tháng Năm; cây hồng leo bám quanh cổng vườn. Từng gốc cây, nhành hoa hay ngọn cỏ đều thân thuộc với tôi như một người bạn cũ. Cây hoa táo với một thảm li ti những bong bóng màu xanh cuối tháng Tư; cây anh đào Nhật Bản với những đài hoa màu đỏ tươi. Tôi còn nhớ vào mỗi mùa thu mẹ tôi thường làm thạch từ thứ quả màu xanh căng mọng của nó- loại quả nhiều xơ và đầy thịt ngọt.
Mộc qua Nhật Bản. Đó là tên gọi đúng của anh đào, Anna ạ- Mộc qua. Con có nói được không?
Mẹ tôi rất thích nói cho tôi nghe tên gọi đúng của các loài cây và bà làm điều đó từ khi tôi còn rất bé. Mỗi khi tôi lẫm chẫm theo mẹ ra vườn, bà thường giải thích cho tôi những thứ đó không chỉ là hoa màu hồng, cây màu vàng hay quả màu đỏ. Mà chúng là Hoa Phăng, Hoa Chuỗi Ngọc, Hoa Cẩm Quỳhay là Xêri Đỏ.
“Cây dây leo màu tím đằng kia là cây thuộc họ ông lão.” Mẹ tôi nói. “Nó còn được gọi làJackmanii, theo tên của người đầu tiên trồng loại cây này. Cây hoa màu vàng nhạt này cũng là cây ông lão- hay còn gọi là cam túc. Chúng trông như những chiếc đèn lồng tiên nữ, phải không con?” Tôi nhớ mẹ tôi dùng cái kẹp vạch khóm hoa mõm chó và chỉ cho tôi xem cây hoa đăng với những bông hoa xòe ra như những chiếc váy của vũ nữ balê. “Nhìn những chiếc váy đẹp chưa kìa!” vừa nói bà vừa lắc cành hoa làm cho những chiếc váy như đang ‘múa’. Vào mùa thu, mẹ tôi thường cọ nhẹ lên mình bông hoa “đồng tiền” với cánh hoa màu xà cừ để cho tôi thấy những hạt bên trong. Sau nhiều lần như thế, dần dần những cái tên đã khắc sâu trong tôi và tôi thu lượm được bộ từ điển về thực vật học- ngôn ngữ chung của các loài cây. Khi tôi lớn hơn một chút, mẹ tôi giải thích cho tôi nghĩa của những từ này.
“Những cái tên La tinh thường có tính mô tả cao”. Mẹ tôi nói. “Vì thế cái cây nhỏ này là mộc lan nhưng nó được gọi là Mộc lan sao vì sao có nghĩa là giống hình ngôi sao, và những bông hoa này rất giống những ngôi sao trắng, con có thấy thế không? Còn cây này là Ngọc trâm- một loài nở hoa muộn, cây hoa bọ chó lớn ở đằng kia là một loài bọ chó địa cầu vì hoa của chúng có hình cầu. Và đây là một cây Hoàng liên nhanh tàn, có nghĩa là...”
“Sẽ biến mất” Tôi thấy mình thốt lên, “Mất hút khỏi tầm mắt”. Tôi nghĩ về Xan đầy cay đắng.
Trong trí nhớ của tôi vẫn còn đó lời khuyên của mẹ khi tôi hai mươi tuổi và con tim tan vỡ vì tình yêu. “Jason có vẻ rất... tử tế.” Mẹ nói chậm rãi trong khi tôi đang ngồi trên giường và khóc đẫm nước mắt. “Và đúng là cậu ấy đẹp trai, ăn mặc tươm tất, và mẹ đoán chiếc ôtô sang trọng kia là của cậu ấy.” Tôi nghĩ đến chiếc Lotus Elise của anh ta. “Nhưng cậu ấy không phải dành cho con, con gái à.”
“Sao mẹ lại nói thế? Mẹ mới gặp anh ấy có một lần.” Tôi cự nự.
“Một lần cũng đủ để mẹ biết cậu ta là loại người - mà theo ngôn ngữ của nghề làm vườn- là sớm nở tối tàn. Họ tạo ấn tượng ban đầu rất tốt nhưng nhanh chóng biến mất. Người con cần, Anna à, là một người đàn ông chung thủy như một thân cây lâu năm mạnh mẽ ấy.” Lúc đấy tôi chợt nghĩ mình sẽ lấy một người giống như một cây hoa mai. “Một người đàn ông chung thủy sẽ không bỏ rơi con. Họ sẽ ở bên con năm này sang năm khác, an toàn, đáng tin cậy và là chỗ dựa cho con. Giống như ba con đấy, luôn ở bên mẹ. Dù có chuyện gì đi nữa...” Mẹ nói thêm.
Tôi bế Milly lên và thì thầm “Mẹ đã không nghe lời bà ngoại. Nhưng điều đó không quan trọng. Mẹ đã có con rồi. Con là niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ. Cục cưng ạ” Tôi cọ mũi mình vào mũi con bé.
“Ục ưng.” Milly cười nhại lại.
Tôi ôm Milly vào lòng rồi đặt nó xuống. “Milly, con nhìn những bông hoa nhỏ này nè. Chúng được gọi là hoa giọt tuyết. Con có nói được không? Giọt tuyết”
“Giọt uyết...”
“Còn những bông hoa tím này là hoa nghệ tây...”
“Ệ tây” Hơi thở của con bé như luồn qua những chiếc gối nhỏ rồi rơi vào trong bầu không khí lạnh giá.
“Và đây, con sẽ muốn biết cho mà xem, là một cây anh thảo hoang nhỏ bé.”
“Nhỏ...” Milly lại cười rúc rích.
“Bà ngoại thường nói rằng chúng có những khuôn mặt nhỏ chìa ra, như thể đầu của chúng thò ra ngoài cửa ôtô vậy.”Khi chúng tôi đứng dậy và đi qua thảm cỏ, tôi mường tượng ra viễn cảnh, như tôi vẫn thường làm vậy, là sẽ mất nhiều năm để kể cho Milly nghe những gì đã xảy ra với mẹ tôi.
Con có một bà ngoại tuyệt vời, tôi tự nhủ trong lòng. Một người bà đáng yêu và hoạt bát. Bà ngoại quan tâm đến rất nhiều thứ, đặc biệt là làm vườn. Bà biết nhiều và rất giỏi làm vườn- bà tự học và biết tên của tất cả các loài hoa và cây cối. Và bà ngoại cũng sẽ dạy con biết, Milly ạ, như đã từng làm với mẹ, nhưng thật buồn là bà ngoại không bao giờ có dịp đó, bởi vì bà mất một năm trước khi con ra đời...
Tôi nghe thấy tiếng bước chân và ngẩng lên. Ba tôi đang đi qua ô cửa kính, tay ôm một cái hộp cáctông. Cũng giống như ngôi nhà, ba tôi đã mất đi dáng vẻ chăm chút. Ba từng trông rất phong độ so với tuổi, thậm chí là trẻ. Giờ ở cái tuổi gần thất thập, ba tôi vẫn đẹp nhưng đã già đi bởi những đau khổ mà ông phải chịu đựng.
Ba không bao giờ nghĩ sẽ sống thiếu mẹ con. Bà ấy trẻ hơn ba mười hai tuổi. Thật chẳng bao giờ ba nghĩ thế cả. Ba chẳng biết phải làm gì. Ba tôi than thở với tôi suốt mấy tháng trời sau đó.
Sau ba năm, giờ đây ba tôi đã biết sẽ làm gì. Cuối cùng thì ông cũng có thể bán hết mọi thứ và chuyển lên sống ở Luân Đôn, cách chỗ hai mẹ con tôi có một dặm. “Ba yêu ngôi nhà này. Chúng ta đã ở đây rất lâu. Gần bốn mươi năm rồi.” Ba tôi nói khi ông đến đứng cạnh chúng tôi.
Tôi thầm nhớ lại những bức tường của ngôi nhà đã chứng kiến những gì xảy ra. Tiếng nói, tiếng cười; tiếng nỉ non và tiếng quát tháo; thậm chí cả tiếng khóc lúc trẻ sinh. Tất cả chúng tôi như những mảnh hóa thạch, gắn bó sâu sắc với da thịt của ngôi nhà.
“Nhưng bây giờ là lúc phải thu dọn và tiếp tục cuộc sống thôi.” Tôi nghe thấy tiếng thở dài của ba tôi.
“Đó là lựa chọn tốt nhất, ba ạ. Ở Luân Đôn sẽ có nhiều thứ khiến ba quan tâm và cảm thấy hạnh phúc hơn - hay, ít nhất là tốt hơn.” Tôi an ủi ba.
“Có thể, ba chẳng biết. Nhưng được ở gần con và Milly thì rõ ràng là tuyệt hơn rồi.” Ba tôi nói. Tôi chợt nhận ra mấy sợi lông bạc trên cằm ông. “Ba hy vọng con sẽ không phiền nếu thi thoảng ba ghé qua thăm hai mẹ con.”
“Sao ba lại nói vậy? Ba có thể đến lúc nào tùy thích mà. Ba không nhớ là chính con khuyên ba chuyển đi sao?” Tôi đáp với một chút trách móc.
“Ba sẽ không ngồi không đâu,” Tôi nhướng mắt lên khi nghe vậy. “Và ba sẽ trông cháu cho con. Con phải hậu tạ ba đấy nhé, Anna. Thuê trông trẻ bây giờ đắt lắm.”
“Thế thì tuyệt quá, nhưng ba sẽ phải đi đây đi đó chứ - đi thăm bạn bè, đến câu lạc bộ. Ngoài ra bây giờ con đã có Luisa nữa rồi.”
“Đúng vậy.”
Tôi thầm cám ơn cô gái ở trọ đã giúp tôi tiết kiệm khá nhiều tiền. Tôi sẽ không bao giờ kham nổi tiền thuê một cô giữ trẻ bán thời gian - đặc biệt là với việc phải đóng học phí cho Milly ở trường mẫu giáo. Thế mà chỉ với bảy mươi bảng một tuần, tôi đã được Luisa làm giúp việc nhà năm giờ mỗi ngày cộng với hai giờ trông Milly. Cô ấy đúng là một món quà trên trời rơi xuống.
“Con cũng chẳng phải đi nhiều. Con thường làm việc lúc Milly ngủ. Con làm được khối thứ lúc nó ngủ đấy.” Tôi bảo ba tôi.
“Con phải ra ngoài nhiều hơn. Điều đó sẽ tốt cho con. Đặc biệt là lúc này.” Ba tôi đáp. Tôi và Milly theo ông đi dọc khu vườn - rồi ông dừng lại và nhặt một cành chìa ra của cây hoa nhài đông. Mọi thứ trong thật hoang tàn.
“Ba cám ơn con vì những gì con đã làm trong tháng vừa rồi. Ba biết là ba đã nói rồi nhưng ba rất cảm kích.” Ba tôi nói thêm khi chúng tôi rảo bước đi.
“Những gì con làm chỉ là đi đi lại lại Oxfam mấy lần thôi mà, và con cũng có thu xếp được hết đâu ba.”
“Ồ, may mà có con ở đây. Một mình ba xoay xở không xuể.”
Tôi nghĩ mà giận ông anh và cô em gái mình. Anh Mark ở Mỹ xa đã đành, đằng này Cassie có thể về giúp ba tôi. Vậy mà nó chỉ đến có một lần để dọn đồ trong phòng mình. Ba tôi chẳng kêu ca gì. Ba chiều Cassie quá, như thể nó vẫn chỉ là đứa trẻ lên chín chứ không phải hai mươi chín như bây giờ. Là con út trong nhà, Cassie được chiều quá đâm hư.
Bước chân của chúng tôi lạo xạo trên những viên sỏi khi tôi và Milly theo ba đi men theo con đường nhỏ, dài, ngang qua cây bạch dương và nhà ươm giống. Đột nhiên tôi lại thấy hiện về hình bóng mẹ tôi ở đó với cái mũ rơm tròn, còng người trên khay hạt giống. Tôi thấy mẹ nhìn lên và vẫy chào chúng tôi. Chúng tôi đi tiếp và tôi cứ nghĩ là ba tôi sẽ mang cái hộp ra gara để cho lên ôtô. Rốt cuộc ông dừng lại bên đống lửa và dùng một cái đinh ba khều khều những mẩu gỗ cháy dở trên nền đất đen.
“Hôm qua ba thấy Xan,” tôi nghe ba tôi nói khi ông đập vỡ một cái xác hộp gỗ cũ dưới chân.
Tim tôi như ngừng đập trong thoáng giây giống như mọi khi nghe đến tên Xan.
“Thấy ở đâu vậy ba?” Tôi cười hơi chua chát. “Trên bản tin chín giờ? Hay một giờ? Hay là chương trình Toàn cảnh?”
“Tin tối.”
“Thế à. Anh ấy nói về chủ đề gì vậy ba?” Một chú chim chích chòe cô độc bay ngang qua đầu tôi.
“Đốn gỗ bất hợp pháp.”
“Con biết...”
Ba tôi tỳ lên cây đinh ba và nói “Tội nghiệp con, Anna. Con xoay xở rất tốt, nhưng cả ba và mẹ con không bao giờ mong con sẽ trở thành một bà mẹ đơn thân như thế này.”
“Người con cần, Anna à, là một người đàn ông chung thủy như một thân cây lâu năm ấy. Người đó sẽ luôn ở bên con. Cho dù gì đi nữa...”
“Đừng hiểu sai ý ba,” ba tôi nói thêm ngay. “Ba yêu Milly lắm...” Khi ba tôi vươn tay xoa đầu Milly tôi mới nhận thấy cổ tay áo sơ mi của ông đã bạc hết cả màu. Tôi ghi nhớ trong đầu là sẽ đưa ba đi mua mấy cái sơ mi mới. “Nhưng ba chỉ ước con có một gia đình hạnh phúc hơn, thế thôi.”
“Vâng... Con cũng thế.”
“Điều đó chẳng dễ tý nào.”
“Không dễ.” Thực ra là rất khó khăn, tôi nghĩ. Dù bạn có yêu thương đứa con mình đến đâu cũng khó mà nuôi nấng nó một mình. Thật khó khăn khi không có ai bên cạnh để san sẻ những lo toan thường ngày hay chia sẻ trách nhiệm và cả những niềm vui, chưa kể đến những đêm dài cô đơn khi con còn bé, và cả những lo lắng đến phát sợ khi chúng ốm đau. “Nhưng đây là gia đình mà con đang có. Và còn nhiều đứa trẻ khác không biết đến cha chúng.” Tôi chợt nghĩ đến Jenny, người bạn ở Quỹ Phụ sản toàn quốc. “Và ít ra thì Milly cũng biết sơ sơ về ba nó” - tôi cắn môi. Tôi vừa thốt lên từ “B” chết chóc.
“Ba!” “Ba” Milly hét toáng lên ngay khi tôi vừa nhắc đến ba nó. Con bé mới chỉ gặp Xan sáu lần từ khi sinh đến lúc hai tuổi rưỡi nhưng nó rất yêu anh ấy. “Baa!” Nó nhắc lại với vẻ giận dỗi. Nó giậm chân, nhảy lò cò đầy thất vọng rồi ngoảnh đầu lại. “Baa!” Nó hét lên lần nữa như kiểu có thể gọi ba nó đến ngay được.
“Thôi mà con yêu. Con sẽ được gặp ba sớm mà.” Tôi an ủi Milly. Đó không hẳn là một lời nói dối vô hại, thoảng qua như chớp đèn neon của máy ảnh, vì quả thực tôi chẳng biết đến lúc nào chúng tôi mới lại gặp Xan. Milly sẽ phải làm quen với việc nhìn thấy ba nó trên tivi. Nó khấp khởi mừng khi thấy anh hiện ra trên tivi và rồi bật khóc tức tưởi. Tôi biết rõ nỗi niềm của nó.
“Ba ơi...” Mặt con bé nhăn nhúm lại và đôi mắt to màu xanh xám đẫm lệ. Ba tôi dỗ dành Milly bằng cách bảo con bé giúp ông nhặt lá. Vừa ngồi xuống và nhặt vài cái lá, tôi dán mắt vào cái hộp các tông giờ đang nhét đấy giấy tờ cũ. Trên một cái bì thư đã ngả màu vàng tôi nhận ra nét chữ ngay ngắn của mẹ.
“Cháu ngoan,” tôi nghe ba tôi khen Milly khi nó đang nhặt những cành cây khô bỏ vào một cái rổ bằng đôi găng tay. “Ông cháu mình sẽ nhặt thêm những chiếc lá đằng kia, phải không nào? Chúng khô và dễ cháy. Đúng rồi, cháu yêu. Bây giờ thì ra đứng cạnh mẹ cháu để ông châm lửa nhé.”
“Con luôn nghĩ là con sẽ rất giống mẹ.” Tôi nói, dường như chỉ đủ cho mình nghe thấy trong khi Milly vòng tay ôm đầu gối tôi. “Con nghĩ con sẽ có một gia đình êm ấm như mẹ từng có.” Ba tôi không nói gì. Ông đang cố quẹt diêm nhưng chúng gãy hết. “Con nghĩ con sẽ có một người chồng và những đứa con. Con không bao giờ nghĩ mình sẽ nuôi con một mình nhưng rồi...” Tôi lắc đầu.
“...rồi dòng đời xô đẩy,” ba tôi nói khẽ. Que diêm bốc cháy, ông bụm tay che gió và giúi vào đống lá khô.
“Vâng, dòng đời xô đẩy. Cuộc sống mà.” Chúng tôi nghe tiếng tý tách của củi khô cháy và một ngọn khói mỏng cuộn dần lên, tan vào không trung.
Ba tôi đứng hẳn dậy. “Con đã lấy hết những thứ mình muốn ở trong nhà rồi chứ? Bởi vì nếu chúng ta không mang đi hết, những người dọn vệ sinh sẽ vứt đi. Ba để riêng ra một chồng sách dạy làm vườn của mẹ con mà ba nghĩ con sẽ cần. Con muốn xem chúng không?”
“Có ạ, cám ơn ba. Con đã lấy ba quyển cùng cái xẻng và cái đinh ba của mẹ- con cần chúng.”
“Chắc mẹ con sẽ vui lắm. Bà ấy sẽ mừng vì những gì con đang làm. Không chỉ vì bà ấy rất thích làm vườn mà vì bà ấy nghĩ cuộc sống ở thành phố sẽ không hợp với con- với những giờ làm việc dài lê thê của con.”
“Vâng, con đang phải làm việc nhiều.”
“Đúng.” Vừa nói ba tôi vừa quạt lửa bằng cái nắp rỉ của một cái hộp bánh quy cũ. “Nhưng ít ra con không phải phụ thuộc vào đồng lương nữa- con làm chỉ vì con và Milly thôi. Hơn nữa con thích những gi mình đang làm hơn chứ.”
“Thích hơn nhiều ạ,” tôi hân hoan đáp. Tiếng hót của một con chim tước vang lên từ bụi cây. “Con thích làm người thiết kế vườn.”
“Một người thiết kế vườn mẫu theo tờ Times chứ?” Mẫu quảng cáo khá bất ngờ đã làm tôi tự tin hơn nhiều; Sue, trợ lý cũ của tôi, nhìn thấy và gọi cho tôi. “Và những lần xuất hiện trên GMTV cũng có ích đấy chứ.”
“Con nghĩ thế.” Tôi đã làm năm chương trình nhỏ về việc chỉnh trang vườn cho mùa xuân.
“Thế điều gì đã xảy ra với cái hợp đồng lớn ở Chelsea mà con đang hy vọng ký được?”
“Vụ ở Boltons ấy ạ?” Ba tôi gật đầu. “Con đã đi khảo sát và con sẽ trình các bản thiết kế vào thứ Bảy này. Nếu mọi việc trót lọt thì đó là hợp đồng lớn nhất mà lâu rồi con mới có được.”
“Cầu Chúa giúp con. Nhưng nếu con có khó khăn gì về tiền nong thì ba sẽ cho con mượn một ít. Ba có thể là một đối tác âm thầm trong công việc của con đấy.” Ba tôi nở một nụ cười.
“Ba tốt với con quá nhưng con dự tính chi phí cho hai năm đầu sẽ ít thôi và ba biết con sẽ không bao giờ nhờ vả ba cả.” Không giống như Cassie, trong thâm tâm tôi định như thế. Nó luôn chỉ chực vòi tiền ba tôi. Giống như một lần vào năm ngoái khi Cassie phải đi nghỉ dưỡng ở Bhutan- ba tôi đã cho nó “mượn” gần ba ngàn năm trăm bảng. “Dù sao thì năm nay mọi việc cũng dễ dàng hơn.” Tôi nói tiếp. Từ đống lửa chảy ra một dòng lấp lánh như nham thạch phun trào từ núi lửa.
“Ừ thì...” Một thoáng im lặng đột ngột và khó nói. Ba tôi hắng giọng và nhìn cái hộp. “Ba... thấy là con đang muốn về rồi, đúng không?”
“Con... nghĩ vậy.” Tôi nhìn đồng hồ, mới chỉ 3 giờ 30. Tôi vẫn chưa thực sự sẵn sàng nói lời giã biệt cuối cùng, vả lại tôi đang cảm thấy ấm áp bên đống lửa.
“Ba biết con không thích lái xe khi trời tối.”
“Đúng ạ.”
“Và có lẽ đến giờ Milly phải đi ngủ rồi.”
“Vâng”
“Còn ba thật ra cũng có một số việc phải làm.”
“Vâng, vậy thì chúng con sẽ đi đây.” Ba tôi thường không muốn chúng tôi về sớm- hôm nay trái lại. Tôi nhìn cái hộp cáctông. “Ba chắc là không cần con giúp gì trước khi con đi chứ ạ?”
“Không, ba phải làm xong việc này trước khi lửa tắt.”
“Việc gì thế ạ?”
“À... chỉ là mấy cái thư cũ ấy mà.” Tôi chợt phát hiện một nốt đỏ trên cổ ba tôi. “Thiệp Valentin ba gửi cho mẹ con- đại loại như thế.”
Tôi quên không nhắc ba tôi rằng hôm nay là ngày Valentin. Cũng chỉ vì tôi chẳng nhận được bông hồng nào, tôi đau đớn nghĩ. Tôi đang ở trong vùng miễn nhiễm với tình yêu.
“Bà ấy chẳng bao giờ vứt chúng đi,” ba tôi kể. “Ba tìm thấy chúng khi lục trong ngăn kéo của bà ấy.” Ông lắc đầu, “Những tấm thiệp Valentin mà ba từng gửi cho mẹ con- ba mươi sáu cái tất cả. Mẹ con sống rất tình cảm. Và ba cũng xem lại mấy bức thư mẹ con gửi cho ba.” Ba tôi tiếp tục kể.
“Tại sao mẹ vẫn viết thư cho ba khi hai người đã lấy nhau?” Tôi cài lại cúc áo trên cùng cho Milly.
“Đó là khi ba đang ở Braxin.” Ba tôi quạt cho khói bay đi và nhìn tôi. “Ba đoán là con không nhớ lần đó, đúng không?”
“Lờ mờ thôi ạ... Con nhớ là tiễn ba ra sân bay cùng mẹ và anh Mark.”
“Lúc đó là năm 1977, lúc con lên năm. Ba sang đấy tám tháng.”
“Thế lúc đấy ba làm gì ạ?”
“Giám sát việc sửa khung của một cây cầu ở gần Rio. Đường điện thoại rất tệ nên ba mẹ chỉ giữ liên lạc bằng thư từ.”
Giờ thì tôi nhớ cứ mỗi thứ Sáu chúng tôi thường ra bưu điện để gửi những cái bì thư bằng giấy pơluy xanh. Vì chưa biết viết nên tôi thường vẽ hoa lên bì thư của mình.
“Xa nhà lâu ngày như thế chắc ba khổ sở lắm ạ.”
“Đúng thế.” Ba tôi trả lời lặng lẽ.
“Đấy là trước lúc mẹ sinh Cassie phải không ạ?”
Ba tôi nhét thêm vào một đoạn cây mục. “Ừ, Cassie sinh một năm sau đó.”
Tôi nhìn cái hộp lần nữa- một nơi lưu giữ quá nhiều cảm xúc. “Ba không muốn giữ thật chứ? Con cứ thấy tiếc.”
“Ba sẽ giữ.” Ba tôi đập nhẹ tay vào ngực. “Ở đây. Vì ba không muốn ngồi trong căn hộ mới của mình với những thứ này bên cạnh, vì chúng làm ba cảm thấy...” Giọng ông nghẹn lại, “Vì thế... ba sẽ nhìn chúng một lần cuối trước khi đốt.”
“Con hiểu ạ. Chúng con đi đây ba ạ. Khi ba lên Luân Đôn thì gọi điện cho con và chúng con sẽ ghé qua.” Ba tôi gật đầu. “Tạm biệt ông ngoại đi nào con yêu.”
Milly ngẩng mặt lên để ba tôi hôn vào má nó.
“Tạm biệt, cháu bé ngoan của ông.”
Tôi ôm ba tôi và nói “Tạm biệt ba.” Khỉ thật, tôi lại lỡ miệng lần nữa.
“Baaa!” Milly bật khóc.
Milly ngân nga “Ba! Ba!” với một niềm đam mê và hồ hởi như một cổ động viên của câu lạc bộ Chelsea khi tôi đặt con bé vào ghế ôtô và quay đầu xe.
“Được rồi, con yêu.” Tôi nói như hát. “Chúng ta sẽ được gặp Ba, nhưng chưa phải lúc này bởi vì giờ ba đang bận.”
“Ba. Bận. Ba. Bận” con bé lặp đi lặp lại.
“Ồ, con nhìn con ngựa kia kìa.” Tôi bảo Milly.
“Ựa! Ba”
“Cả mấy con bò sữa đang yêu kia nữa kìa. Con nhìn kìa.”
“Bò sữa. Baaa...”
Khi xe dừng đèn đỏ, tôi liếc nhìn gương và bắt gặp đôi mắt Xan ở phía sau đang nhìn tôi- đôi mắt có màu của hoa xương rồng biển. Tôi thường ước phải chi Milly đừng giống Xan đến thế. Khi bờ mi của nó khép lại vì tiếng rầm rì của động cơ và hơi ấm bên trong xe, tôi lại nhớ lần đầu gặp Xan. Chẳng cần lâu tôi cũng hình dung được cái hậu quả anh ta gây ra những đổ vỡ trong đời tôi.
Khi xe sang số và bắt đầu chạy tôi nhớ rằng mình đã thận trọng như thế nào cho đến trước khi gặp anh ta. Ở điểm này tôi giống anh Mark - nhạy cảm và luôn nhìn thẳng về phía trước. Không như Cassie.
“Em phải lên kế hoạch cho cuộc sống.” Mark nói. Anh ấy lớn hơn tôi hai tuổi và chúng tôi thân thiết nhau trong những ngày đó, vì thế tôi đã nghe theo anh. “Em sẽ trở thành một bác sỹ.”
Khi mười bốn tuổi, tôi đã vạch ra kế hoạch cho riêng mình: Tôi sẽ học tập chăm chỉ, thi vào một trường đại học danh tiếng, kiếm một việc làm tốt và mua một căn hộ. Đến gần ba mươi, tôi sẽ tìm người đàn ông chung thủy đó, kết hôn và có ba đứa con, đi làm trở lại khi đứa út đến trường. Lương của tôi chỉ là phần phụ nhưng đủ để mua một ngôi nhà tranh ở bờ biển đâu đó, hay là một ngôi nhà ở Pháp, nơi mà lúc nghỉ hưu tôi và chồng sẽ về dưỡng già, đón con cháu về thăm thường xuyên, trước khi yên nghỉ bình yên trong giấc ngủ, ở tuổi chín mươi chín.
Tôi tuân thủ chính xác kế hoạch đã đặt ra trong hàng năm trời. Tôi học Lịch sử ở đại học York rồi kiếm được một việc làm ở quỹ đầu tư của thành phố nơi tôi làm ở phòng Nghiên cứu chứng khoán, tìm kiếm thông tin về các ý tưởng đầu tư - “phân tích những chỉ số cơ bản trong nhiều ngành khác nhau” như cách người ta hay nói. Công việc không phải lúc nào cũng hứng thú nhưng được cái là tôi được trả lương cao. Tôi mua một ngôi nhà nhỏ ở Brook Green, trả nợ và đóng bảo hiểm xã hội, chỗ còn lại tôi dành để tiêu. Tôi đi trượt tuyết, đi lặn và đi dã ngoại; tôi tham gia một lớp aerobic. Tôi đi xem opera nơi tôi thưòng ngồi ở phòng Vip. Tôi dành thời gian cho khu vườn của mình, với gia đình và bạn bè. Tôi đang đi đúng hướng để thực hiện những mục tiêu của mình.
Bước sang tuổi ba mươi, tôi bắt đầu tham gia các bữa tiệc đính hôn, những buổi tụ tập hay những đám cưới. Cảm thấy rằng mình cần nỗ lực hơn nữa để gặp được một ai đó, tôi tham gia một câu lạc bộ tennis, mở tiệc mời bạn bè và có những buổi hẹn hò. Trong những lần đó tôi vẫn nhớ như in những lời răn dạy kinh điển của mẹ tôi. Mẹ thường nói “Hay thư thả trước khi con gọi điện trả lời ai đó. Hãy để họ nghĩ rằng con không rảnh để gặp họ. Và đừng bao giờ dễ dãi quá, Anna ạ. Hãy cố mà giữ lấy một chút bí hiểm của phụ nữ’. Tôi phát ốm vì những lời của mẹ nhưng bà nắn tôi rằng những điều đó là cần thiết và nghĩa vụ của người mẹ bảo bà phải khuyên nhủ tôi như vậy.
“Đó là điều tất cả những người mẹ nên làm,” bà nói với giọng cứng rắn làm tôi hơi hoảng. “Bà ngoại con chẳng bao giờ khuyên mẹ điều gì. Bà ấy quá mềm yếu. Mẹ ước gì bà ngoại con làm thế vì nó sẽ giúp ích cho mẹ. Mẹ đã khờ dại trong tuyệt vọng”. Mẹ tôi nói thêm.
Điều đó giải thích tại sao mẹ lấy ba tôi khi bà mới hai mươi tuổi.
“Đó là một tình yêu sét đánh, tình yêu lốc xoáy,” mẹ tôi thường nói vui vậy mỗi khi bàn đến chủ đề ấy.
Tôi thường tròn mắt một cách kín đáo vì tôi luôn biết sự thật.
“Một cơn lốc xoáy,” ba tôi cười tinh nghịch và nói thêm. Họ cưới nhau chỉ hai tháng sau khi gặp nhau ở toà nhà Lyon Corner cạnh Khu Strand.
“Hôm đấy trời đang mưa, vì vậy quán cà phê đông nghịt. Thình lình quý ông này tiến đến chỗ mẹ và hỏi ông ấy có thể ngồi chung bàn không - thế là xong.”
Nhưng điều khiến tôi thấy ngạc nhiên là mẹ tôi, một người mà chuyện tình cảm thật mãn nguyện và không có nhiều biến cố gì, lại có vẻ lo lắng dạy bảo tôi về điều đó.
Những người đàn ông mà tôi từng hẹn hò đều hấp dẫn, đáng yêu, thông minh và có thể “lấy làm chồng” mặc dù ai cũng có những điểm yếu lớn, không cái này thì cái khác. Duncan là một ví dụ, anh ta là một nhà môi giới chứng khoán thành đạt - thông minh và đáng mến- nhưng thiếu nhiệt tình với các câu lạc bộ khiêu vũ; và rồi Gavin, người vẫn đang tìm cách nguôi ngoai sau vụ ly hôn. Sau đó tôi cặp với Henry, một người làm quảng cáo với thói quen lái xe lên vỉa hè để tránh tắc đường. Tôi bỏ Henry khi anh ta bị cảnh sát nhắc nhở lần thứ hai.
Và rồi tôi gặp Tony, làm ở một nhà xuất bản, tại một đám cưới ở Wiltshire. Tony thông minh và hài hước. Thế nhưng sáu tháng sau khi anh ta bảo không muốn đi đến hôn nhân thì tôi thôi. Tôi không thể lãng phí thời gian của mình hơn nữa.
“Con vẫn còn nhiều thời gian mà, con gái ạ,” mẹ tôi nói với giọng an ủi sau chuyện đó. Lúc ấy chúng tôi đang ngồi trong vườn ở Oxted, dưới bóng cây lê xanh. Hôm ấy là sinh nhật mẹ tôi, mùng Mười tháng Năm. Bà choàng tay quanh người tôi, người bà tỏa ra mùi nước hoa Shalimar mà tôi tặng sáng hôm đó. Mẹ tôi nói, “Anna, con mới chỉ ba mươi hai thôi.” Mắt tôi lướt qua những bông hoa lưu ly nhỏ màu xanh bập bềnh trên nền những cụm hoa khác. “Ba mươi hai tuổi vẫn còn trẻ chán. Thời đại bây giờ phụ nữ lập gia đình và có con muộn hơn nhiều - ơn Chúa.”
Đột nhiên tôi hỏi mẹ một điều mà tôi luôn tò mò muốn biết: “Nếu có thể làm lại từ đầu, mẹ có lập gia đình sớm thế này không ạ?” Mẹ tôi đẻ anh Mark khi bà hai mươi mốt.
“À...” mẹ tôi trả lời với một thoáng đỏ mặt, “Mẹ không nghĩ sinh con là một điều gì đấy sai lầm.” Nhưng đó không phải là ý tôi muốn hỏi. Bà nói tiếp: “Đúng là mẹ bắt đầu cuộc sống gia đình rất sớm nên mẹ không bao giờ thực sự vất vả vì công việc- không như con. Nhưng Anna này, con may mắn đấy, bởi vì con thuộc thế hệ có nghề nghiệp đàng hoàng, sống tự lập và có nhiều niềm vui, sau đó mới đến hạnh phúc gia đình. Và con không phải lo lắng về điều đó,” bà lặp lại, tay luồn vào tóc tôi. “Vì con còn nhiều thời gian.”
Có vẻ như thời gian là thứ mẹ tôi không có đủ bởi chỉ một tháng sau, bà qua đời.
Bây giờ, khi đang lái xe trên đường cao tốc, tôi lại nhớ về khoảng thời gian tệ hại đó - như tôi vẫn hay vậy mỗi khi đang lái xe và thư giãn đầu óc. Tôi bị sốc nặng đến mức dường như không thể thở nổi. Như thể cuộc đời tôi đang bị nhấn nút Tạm ngừng vậy. Không có mẹ, tôi biết làm gì đây? Tôi cảm thấy như bị rơi xuống một cái vực. Sẽ như thế nào nếu tôi chỉ còn hai mươi ba năm nữa để sống, tôi bắt đầu tự hỏi mình hằng đêm khi nằm nhìn chằm chằm vào bóng tối. Sẽ như thế nào nếu tôi chỉ còn mười năm, năm năm hay chỉ một năm? Tất cả chỉ vì đến bây giờ tôi mới hiểu, theo cái cách mà tôi chưa từng biết trước kia, rằng cuộc đời con người như bị treo trên một sợi chỉ.
Tôi được nghỉ phép hai tuần, đủ dài như tôi muốn, để thu xếp đám tang cho mẹ vì ba tôi không thể làm được. Việc đi làm trở lại đã khiến tôi nguôi ngoai ít nhiều- mặc dù đó là một khoảng thời gian rất kỳ lạ. Mới đầu các đồng nghiệp của tôi tỏ ra tử tế và cảm thông, nhưng dần dà họ không quan tâm đến tôi nữa, như thể mọi việc đã qua và cuộc sống trở lại quỹ đạo bình thường của nó. Sau đó nhiều tuần tôi càng ngày càng cảm thấy bất mãn với cuộc sống mà mình đang có- việc tìm kiếm thông tin về các cơ hội đầu tư không mảy may khiến tôi quan tâm- tương tự là các con số khô khan và chuỗi ngày làm việc chán chường. Giờ đây tôi chuyển sang phân tích “các chỉ số cơ bản” của sự tồn tại của riêng mình và nhận ra rằng những mục tiêu mà tôi nỗ lực đạt được quá nhỏ bé. Vì vậy tôi quyết định thay đổi cuộc sống.
Tôi thường mơ tưởng về việc từ bỏ những bon chen vô bổ và trở thành một nhà thiết kế vườn tược. Mỗi lần đến nhà ai đó, tôi lại bị ám ảnh trong đầu rằng khu vườn nhà họ sẽ trông ra sao nếu bố trí khác đi hay là trồng thêm nhiều cây cối cho sinh động hơn. Tôi đã từng thiết kế giúp một vài khu vườn - một cái kiểu Địa Trung Hải cho nhà của Sue, trợ lý riêng của tôi, ở hạt Kent; và một cái kiểu nhà tranh cho một đôi vợ chồng nhà ở bên kia đường. Họ rất thích thú ngắm nhìn những thảm dày hoa thục quỳ và mao địa đàng, còn tôi thì trở nên khá bận rộn sau đó.
Rồi tôi nộp đơn theo học một khóa một năm tại trường dạy làm vườn ở Chelsea. Sau đó tôi lên gặp sếp tôi, Miles.
“Cô đã chắc chắn chưa?” Miles hỏi khi tôi bước vào phòng làm việc của anh ta, tim tôi như bị bóp nghẹt với suy nghĩ rằng tôi sẽ mất hết số cổ phiếu và những gì thân thuộc ở đây. Anh ta xoay xoay cây bút máy màu vàng giữa hai ngón tay. “Cô sẽ mất nhiều thứ đấy, Anna à, chưa kể đến chức giám đốc trong hai hay ba năm tới.” Tôi chợt nghĩ một ngày tên tôi sẽ được in đầy lên những đồ văn phòng phẩm của công ty. Miles tiếp, “Đừng nghĩ là tôi đang cố thuyết phục cô, nhưng tôi muốn biết là cô đã suy nghĩ kỹ chưa?” Tôi phóng tầm mắt ra ngoài cửa sổ, một chiếc máy bay bay ngang qua bầu trời xanh, để lại đằng sau một vệt khói trắng trong như tuyết. “Cô đã trải qua rất nhiều chuyện gần đây. Đó có phải là phản ứng cho sự ra đi của mẹ cô không?” tôi nghe Miles nói.
“Vâng,” tôi nói khẽ. “Chính xác là như vậy đấy. Vì vậy mà tôi rất chắc chắn về những gì mình đang làm. Cám ơn anh.”
Tôi thu xếp rời nhiệm sở, rồi sau đó Miles tổ chức một bữa tiệc chia tay tôi trong phòng họp vào đầu tháng Chín. Trước một đám đông như thế, tôi mừng vì đã chọn bộ vest Prada đẹp nhất của mình - tôi thực sự thích thú vì đã mua nó với một nửa giá - cùng đôi giày cao gót hiệu Jimmy Choos ưa thích. Tôi nghĩ phải lâu lắm mới đi lại đôi giày này. Tôi cũng chẳng mua thêm gì nữa vì sẽ chẳng kiếm được đồng nào trong năm tới. Tôi cũng sẽ không uống một chút sâm banh nào, thay vào đó tôi làm ba ly cocktail liền.
Bỗng Miles gõ vào ly rượu và vuốt mái tóc xoăn vàng óng của mình- trông anh ta như một đứa trẻ già trước tuổi - “Mọi người trật tự nào,” anh ta nói khi những tiếng ồn lắng xuống. “Bởi vì tôi muốn làm phiền Anna một chút.” Mặt tôi chợt ửng hồng. Miles vắt ngược cái cà vạt bằng lụa màu vàng của mình ra sau. “Anna - hôm nay quả là một ngày buồn đối với tất cả chúng ta ở Quỹ Arden này - chỉ vì một lý do đơn giản rằng cô là một đồng nghiệp tuyệt vời.”
“Một vị sếp đáng mến!” tiếng Sue thêm vào, tôi ngoảnh lại và cười. “Giờ chị thấy tiếc là đã gợi cho em ý tưởng về nghề làm vườn.”
“Cô là một thành viên tuyệt vời trong nhóm,” Miles nói tiếp. “Những nghiên cứu tỉ mỉ của cô đã cho chúng tôi thêm tự tin trong công việc của mình. Cô đã làm việc rất chăm chỉ. Và bây giờ thì cô chuẩn bị bắt tay vào một công việc hoàn toàn mới.” Tôi mỉm cười. “Anna, chúng tôi sẽ nhớ cô nhiều hơn những gì có thể nói. Nhưng mọi người cầu chúc cô thành công và hạnh phúc với nghề nghiệp mới của mình - và hy vọng những món quà thay cho sự cảm kích to lớn của chúng tôi sẽ có ích cho cô trong tương lai.”
Tôi bước tới và nhận từ Miles một túi quà lớn và nặng đến kinh ngạc, từ bên trong tôi lôi ra một cái bình phun nước mạ bạc - bên trên có khắc tên tôi và ngày hôm đó - cùng một đôi ủng màu xanh rất nặng. Tôi bật cười và nói mấy lời cám ơn, cố gắng để không khóc tuy trong lòng đã muốn lắm rồi. Xong rồi tôi cầm lấy túi quà, ôm hôn tạm biệt mọi người, ngất ngưởng vì men rượu - và thấm đẫm nước mắt - tôi đi ăn tối cùng Sue.
Cảm giác thật lạ khi tôi đi ngang qua những cánh cửa xoay của công ty và vẫy chào mấy người bảo vệ lần cuối. Tôi và Sue đi vòng qua góc phố đến nhà hàng Chez Gerard và thưởng thức bữa tối tạm biệt với nhau. Khi chúng tôi gọi món, tôi ngước nhìn Sue, người chỉ kém mẹ tôi có bảy tuổi; theo cách nào đó chị ấy như một người dì tôi chưa bao giờ có được.
“Em biết đấy, Anna...” Sue đặt thực đơn xuống. “Chị đã làm việc với em được năm năm và chẳng có lấy một ngày nào không vui cả.”
“Chị hơn một trợ lý rất nhiều, chị Sue ạ.” Tôi thấy cổ họng mình đắng ngắt. “Chị thật sự là một người bạn.”
Sue đặt bàn tay mình lên tay tôi. “Chúng ta sẽ vẫn như vậy em nhé.”. Rồi chị ấy mở túi xách và lấy ra một gói quà. “Chị cũng có quà cho em đây.” Bên trong là một quyển sách rất xinh về những loài hoa của núi Anpơ mà tôi thích, với những bức ảnh đẹp chụp hoa long đởm tím, Nhung tuyết và Phăng mọc trên đỉnh Carpathians, Pyrenees và dãy Anpơ.
“Em cám ơn chị. Thật tuyệt vời.” Tôi thốt lên. Tôi lật trang đầu và thấy Sue đề: Tặng Ann, chúc em đơm hoa và kết trái...” “Em hy vọng là vậy.” Tôi nói với một chút lo âu.
“Ồ, em sẽ thành công mà.” Sue nói.
Sau đó, khi cà phê được mang ra, Sue bảo rằng chị ấy sắp có hẹn đi uống nước với một người bạn, Cathy. “Em đi với chị chứ?” đột nhiên Sue đề nghị.
Tôi uống một ngụm cà phê espresso. “À... em không biết nữa.”
“Em đã gặp Cathy một lần rồi, vào dịp sinh nhật thứ bốn mươi lăm của chị ấy, nhớ không?”
“Vâng, em nhớ rồi. Chị ấy cũng dễ mến.”
“Chúng ta sẽ gặp nhau ở một câu lạc bộ mới gần rạp xiếc Oxford, rồi đi tàu về Dartford cùng nhau. Đi nhé, Anna.”
“À...”
Sue liếc nhìn đồng hồ. “Chưa đến mười giờ. Và tối nay em chẳng làm gì, đúng không?” Tôi lắc đầu. “Vậy thì?”
“Vậy... được. Cám ơn chị. Tại sao lại không nhỉ?”
“Chị thấy hôm nay là ngày cuối cùng em ở thành phố này sau mười hai năm,” Sue nói khi chúng tôi bước xuống phố.
“Mười hai năm,” tôi nhắc lại. “Chừng đó là hơn một phần ba cuộc đời của em rồi.” Tôi cảm thấy loạng choạng vì mấy cốc sâm banh.
“Em không muốn nó kết thúc... nhàm chán chứ, phải không?”
“Không, em muốn nó kết thúc một cách đáng nhớ.”
“Bằng niềm vui chứ không phải nỗi buồn.”
“Vâng.”
Nhưng khi chúng tôi bước xuống cầu thang cuốn của ga xe điện ngầm, gót giày bên phải của tôi bị kẹt vào những thanh sắt. Nó bị kẹp cứng. Gần xuống tới nơi, tôi bắt đầu hoảng sợ. Và rồi, khi tôi lôi được nó ra thì cái gót bị gãy. “Khỉ thật,” tôi kêu trời khi bước đi tập tễnh. Sue lấy tay che miệng cố nhịn cười. “Chuyện này có ẩn ý đấy.” Tôi nói đầy chua xót khi cúi xuống nhặt cái gót gãy. “Em sắp sửa rời xa sự an toàn của thành phố và sắp sửa bị bỏ rơi.”
“Vớ vẩn - em sẽ rất thành công cho mà xem. Nhưng có một thứ có thể dùng tạm được đấy...”
“Đúng rồi, keo dán, chị có mang theo không?” Tôi nói chen vào.
“Dùng đôi ủng xanh nhé!”
“Ồ, không!”
“Ồ, có chứ” Sue cười toáng lên. “Thế em còn có thể làm gì khác nào? Đi chân đất à?”
“Ôi Chúa ơi!” Tôi cười khi xỏ đôi ủng vào và làm nhiều người đi ngang qua ngạc nhiên. “Vừa khít. Giờ thì em chỉnh tề rồi. Ít ra thì chúng cũng rất vừa.” Tôi nói thêm lúc đi chầm chậm dọc hành lang. “Nhưng chúng làm chân em trông to quá cỡ.”
“Em trông rất lập dị.”
“Buồn cười nhỉ.”
“Thì em chẳng vừa nói em muốn có một buổi tối đáng nhớ đấy thôi.”
“Đúng thế.”
Đi qua năm điểm dừng trên đường trung tâm thì chúng tôi đến rạp xiếc Oxford nơi Cathy đang đợi ở quầy bán vé.
Tôi dễ dàng nhận ra sự ngạc nhiên của Cathy. “Gót giày của em bị gãy.”
“Chẳng sao đâu. Với nụ cười của em thì chẳng ai để ý đến đôi chân cả.” Cathy nói với giọng thông cảm làm tôi chỉ muốn tặng chị ấy một nụ hôn. “Lên đấy một tý là đến quán bar Iso.” Hai tay bảo vệ to cao đứng sang một bên nhường đường cho chúng tôi đi qua cái băng tím chặn cửa.
“Chỗ này chỉ mới mở cửa thôi.” Cathy giải thích khi chúng tôi đi xuống mấy bậc thang vào bên trong. “Lần trước chị thấy Clive Owen ở đây. Anh ấy còn nháy mắt với chị cơ.”
“Chị may thế.” Tôi nói. “Nhưng chúng ta sẽ làm thêm mấy ly sâm banh chứ. Hai chị tìm bàn còn em đi lấy rượu nhé.”
Tôi đi về phía quầy bar đầy người. Tôi thấy hơi tự ti trong đôi ủng mặc dù may là bên trong khá tối - nhưng tôi không tài nào gọi được người đứng quầy. Và tôi đứng chờ trong mười phút, bắt đầu cảm thấy bực mình và khó chịu với ánh đèn chớp xoay bên trên, chúng làm tôi đau hết cả đầu. Rồi tôi chợt thấy một người đàn ông đứng phía bên phải mình đang ra hiệu liên hồi cho người đứng quầy rồi chỉ vào tôi bằng cả hai ngón tay trỏ ngoắc lại. Anh ta nhìn tôi và cười.
“Cám ơn anh.” Tôi nói với anh ta khi gọi đồ uống. Tôi nhìn kỹ anh và thấy nhói trong ngực. Anh có mái tóc xoăn đen xõa xuống cổ áo và đôi mắt có màu xanh khói. Anh trạc ba mươi lăm, cao và gầy nhưng đôi vai khá rộng. “Anh tử tế quá. Tôi chẳng thể gọi nổi đồ uống.”
“Tôi không hiểu vì sao nhưng cô rất nổi bật. Cô trông giống...” Người lạ mặt nói. Gwyneth Paltrow, tôi hy vọng anh ta sẽ nói vậy. Hay Kirsten Dunst. Lúc có hơi men rồi người ta nói gì mà chẳng được.
“... một tảng băng.” Anh nói. “Cô có vẻ cao, xanh xao và lạnh.”
“Và tất nhiên là tôi có nội tâm nữa.”
“Tôi cá là vậy.” Anh nhìn xuống chân tôi, mặc cho tôi tỏ vẻ lúng túng.
Rồi anh ta nhướng mày kinh ngạc. “Cô vừa đi lội bùn ở ruộng về đấy à?”
“Không.” Tôi giải thích chuyện gì vừa xảy ra.
“Bất tiện quá nhỉ.”
“Anh cũng thấy thế à?” Tôi thanh toán tiền chai sâm banh Taitinger và nói. “Nhưng tôi luôn mang theo giày dự trữ bên mình.”
“Tôi thấy rồi. Chu đáo nhỉ.”
“Dù sao cũng cám ơn anh đã giúp. Anh ga lăng thật.”
“Thỉnh thoảng thôi. Không phải lúc nào cũng thế...” Anh nói với giọng có chút nuối tiếc.
Cuộc đời tôi đáng lẽ sẽ khác đi nếu tôi chỉ dừng lại ở đó, giờ tôi nghĩ lại khi vượt lên chiếc ôtô phía trước, nếu tôi chỉ nói lời tạm biệt xã giao với người lạ mặt đẹp trai rồi đi tìm chị Sue và Cathy. Nhưng không, tôi rót đầy rượu vào một cái ly và đưa nó cho anh ta. Cùng lúc, tôi quan sát anh bạo dạn hơn - có lẽ vì rượu và tâm trạng phấn khích cao độ của tôi lúc đó đã giúp tôi bớt e thẹn. Tôi thấy anh nhìn lại tôi với vẻ quan tâm.
“Anh đi cùng ai à?” Tôi hỏi, mong đợi một phụ nữ xinh đẹp sẽ xuất hiện và lôi anh ấy đi.
“Tôi đi cùng một người bạn. Nhưng anh ta vừa ra ngoài để gọi điện cho vợ.”
“Thế vợ anh đâu?” Tôi hỏi một cách sỗ sàng khiến chính mình cũng bất ngờ.
Một thoáng ngạc nhiên hiện ra trên khuôn mặt anh. “Tôi... chưa có vợ.”
“Anh có bạn gái không?”
“Không...” anh trả lời chậm rãi, “nếu như cô muốn biết. Nhưng mà thực ra cô đang ăn mừng điều gì vậy?” Anh gõ gõ vào cái ly.
“Chẳng gì cả. Tôi chỉ sắp bắt đầu một cuộc sống mới.” Tôi đáp, lòng nghĩ về mẹ.
“Một cuộc sống mới ư?” Anh nâng ly lên và tôi quan sát từng đám bọt li ty nổi lên, như những lá cây dương xỉ đang vẫy. “Thế thì cạn ly vì cuộc sống mới của cô nào. Cô sẽ làm gì? Ra nước ngoài? Lấy chồng? Vào tu viện? Hay gia nhập gánh xiếc?”
“Chẳng phải những việc đó.” Tôi kể cho anh ta nghe rằng hôm nay là ngày cuối cùng của tôi ở đây và tôi sẽ bắt đầu khóa học về làm vườn thứ Hai tới.
“Vậy ra cô đang chuyển từ làm ở quỹ đầu tư sang nghề trồng trọt?”
“Vâng.”
“Từ cổ phiếu sang hoa hòe.” Tôi cười. “Từ Phố Wall sang quế trúc. Tôi tiếp tục chứ?”
“Thôi” tôi cười khúc khích. “Tôi nghe đủ chuyện đùa về việc này ở tiệc chia tay mới xong rồi.”
Anh ta dựa vào quầy bar. “Thế học xong thì cô sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ mở công ty tư vấn của riêng mình - Công ty thiết kế vườn Anna Temple.”
“Anna Temple...? Cô đáng được tôn thờ với cái tên như vậy. Cô đang có một anh chàng to lớn và si tình theo đuổi chứ?”
Tôi lắc đầu. “Đáng buồn là không.”
“Tôi hơi lấy làm lạ vì điều đó.”
“Còn tên anh là gì? Tôi chẳng biết xưng hô thế nào nếu không biết tên anh.”
Anh ta lại cười. “Tôi tên Xan, với chữ X ở đầu.”
“Vì anh được xếp loại X?” Tôi thích thú với sự dạn dĩ chưa từng thấy của mình. Vừa bắt đầu cuộc sống mới chỉ có hai giờ đồng hồ nhưng có vẻ tôi đã phát hiện được những nét tính cách mới mẻ của mình, tôi thầm nghĩ. Cassie chắc sẽ ấn tượng, nó vốn là đứa trơ tráo.
“Không. Đó là tên gọi tắt của Alexander.” Anh phá lên cười.
Tôi nhấp thêm một ngụm sâm banh. “Nó nghe có vẻ kêu hơn là tên Alex, phải không?”
“Tôi cho rằng đó là điều mẹ tôi nghĩ.”
Người bạn của Xan xuất hiện và thông báo rằng anh ta phải đi; vì thế tôi liền mời Xan ngồi cùng cái bàn mà Sue và Cathy vừa tìm thấy. Ban đầu Xan nói chuyện với tất cả chúng tôi rất lịch thiệp; sau đó anh và tôi bắt đầu nói chuyện riêng. Anh kể rằng anh đã từng làm việc mười năm ở Hồng Kông cho một nhà băng, nhưng rồi nghỉ việc ở đó để làm cho đài BBC.
“Anh có thích công việc hiện nay không?” Tôi làm thêm một ngụm nữa.
“Tuyệt. Tôi ước gì tôi làm việc này sớm hơn. Cuộc đời quá ngắn ngủi nên cố mà làm những gì mình thích.”
“Đấy cũng là điều tôi mới phát hiện ra.” Tôi đồng ý với Xan.
“Tôi đang thử việc ở bộ phận tin tức - thật may là họ chấp nhận một người hoàn toàn mới như tôi.”
Chị Sue và Cathy khoác áo choàng vào. “Bọn chị lên tàu đây,” Sue nói. Chị cầm lấy túi xách và cúi xuống ôm hôn tôi. “Có vẻ như em đang có một buổi tối không thể quên,” Sue thì thầm. “Có lẽ nó sẽ kết thúc có hậu.” Sue cười ẩn ý và đứng dậy. “Vậy thứ Hai gặp nhau nhé, Anna - ồ quên mất - không!” Chị ấy ôm hôn tôi một lần nữa. “Nhưng chị sẽ alô cho em.”
“Chị gọi cho em nhé, chị Sue. Cám ơn chị về quyển sách.”
Xan đang định đứng dậy thì Sue ra hiệu cho anh cứ ngồi. “Không, không, không, hai người cứ ở yên đấy.”
Và chúng tôi đã ngồi yên ở đấy, tôi không biết là trong bao lâu nữa, cho đến khi Xan nhìn đồng hồ. “Tôi phải đi thôi, đã nửa đêm rồi.” Anh nói.
“Ồ, đã đến giờ lên giường rồi à, chàng Công tử?” Tôi cảm thấy một chút luyến tiếc cộng với lo lắng.
“Tôi phải đi ngủ. Tôi vừa trải qua một ngày bận rộn.”
“Vậy thì...” tôi đứng dậy, nhận ra còn sót lại khá nhiều rượu. “Tôi cũng đi đây. Nhưng tôi rất vui vì đã gặp anh.” Tôi đưa tay ra. “Hôm nay là một ngày trọng đại đối với tôi và nó sẽ không mỹ mãn nếu không có anh.”
“Thật à?”
“Thật, tôi chẳng biết chính xác vì sao. Thực ra,” tôi nhặt mấy cái túi và nói, “Tôi có cảm giác kỳ lạ là số tôi hôm nay được gặp anh.”
“Cô sống ở đâu?” Xan chăm chú nhìn tôi.
Tôi thấy như có dòng điện chạy qua người. “Brook Green.”
“À, tôi ở Notting Hill. Tôi sẽ bắt taxi về. Tôi sẽ cho cô đi nhờ, nếu cô muốn,” anh hơi lúng túng.
Tôi như mở cờ trong bụng. “Vâng, thế thì tốt quá, cám ơn anh.”
Chúng tôi bước ra phố Oxford, bị vây quanh bởi một đám người say xỉn loạng choạng nôn mửa khắp nơi. Xan nắm lấy tay tôi khiến tôi rùng mình với cảm giác dễ chịu. Vì trời đang mưa nhẹ nên khó vẫy một chiếc taxi. Đột nhiên chúng tôi thấy một ánh đèn vàng. Xan bước xuống đường và vẫy chiếc taxi lại; nó đỗ xịch bên cạnh chúng tôi với một tiếng khựng của động cơ.
“Đến Brook Green,” Xan nói, mở cửa xe cho tôi. “Rồi qua Notting Hill.”
“Anh cho tôi xuống trước à?” tôi hỏi sau khi chui vào.
“Tất nhiên rồi.”
“Anh thật ga lăng,” tôi bảo khi chiếc xe phóng đi.
“Tôi chỉ làm những gì mình có thể thôi,” Xan trả lời. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ. Những hạt mưa rơi lộp độp trên kính, làm nhòe đi ánh đèn neon phát ra từ những cửa hiệu bên đường. “Nhưng đôi khi tôi phải miễn cưỡng làm khác đi.”
“Thật chứ?” Tôi ngắm nhìn hai giọt nước mưa chảy dọc xuống cửa kính rồi hòa vào nhau, cảm thấy hơi lạnh. “Thế giờ anh có miễn cưỡng tý nào không?”
Một thoáng im lặng giữa chúng tôi, trừ âm thanh mà động cơ xe phát ra và tiếng lốp xe lăn trên con phố đẫm nước mưa.
“Ừm, có chứ,” Xan đáp khẽ.
Tôi đan tay mình vào tay Xan, ngồi dịch sát vào anh, cảm thấy hơi ấm của đùi anh cạnh đùi mình. Chúng tôi đi qua đường Bayswater, qua Notting Hill, rồi dọc đại lộ Holland Park nơi những phiến lá to của những sồi cây đang rủ xuống vì mưa.
“Gần đến rồi,” tôi thì thào. Bóng của Xan lướt qua dưới những ánh đèn đường. “Năm phút nữa mình sẽ đến nơi.” Tôi can đảm đặt tay lên mặt anh và vuốt một cọng tóc xoăn rủ xuống sau tai anh. “Anh có thể đưa em về nhà bất kỳ lúc nào.” Tôi thốt lên. Lập tức Xan nhìn tôi không rời. Ngón tay tôi sờ lên những đường cong trên miệng Xan và chúng tôi hôn nhau. Đôi môi anh có vị của muối và sâm banh.
“Anna,” anh nói trong hơi thở. Tôi có thể ngửi thấy mùi mồ hôi trên cổ Xan. “Anna...” Chúng tôi lại hôn nhau, gấp gáp hơn, rồi tôi buông tay xuống đùi anh, cảm thấy chiếc quần jeans của Xan bỗng trở nên chật chội. Đến lúc này tôi cảm thấy ham muốn hơn bao giờ hết.
“Đường nào đấy cô ơi?” tiếng người tài xế vang lên.
“Ồ...đường Havelock.” Tôi đáp. Mặt tôi như có lửa. “Ở cuối đường ấy, bên tay trái. Ngôi nhà ở góc phố ấy.” Tôi cầm lấy túi khi xe dừng lại. Xan mở cửa xe và cả hai chúng tôi cùng bước ra - tôi thầm biết ơn anh. Nhưng thay vì trả tiền taxi, Xan vẫn đứng im, nhìn tôi với vẻ lưỡng lự.
“À... cám ơn anh,” tôi nói. “Đã đi cùng em... và...” Sao anh ta lại do dự nhỉ? Có lẽ anh ta nói dối tôi về việc chưa có vợ, tôi thất vọng nghĩ. Hay chỉ là anh ta thẹn và không muốn bắt đầu trước. Đúng rồi - chắc là thế rồi, tôi khẳng định, anh ấy thẹn. Vậy nên tôi bảo Xan điều mà sau đó đã thay đổi cuộc đời tôi. “Anh vào nhà một lát chứ?” Tôi nói nhỏ. “Chỉ là... anh biết đấy, em có thể mời anh một tách cà phê hay một thứ gì đó.”
“Cà phê à?” Xan lặp lại với một chút ngạc nhiên, như thể tôi vừa bảo “súp khoai tây”.
“Vâng, cà phê.” Tôi dựng cổ áo lên để tránh những hạt mưa đang rơi dày. “Cà phê Êtiôpia hoặc là Goatêmala. Nhẹ hoặc nặng. Anh có thể uống espresso hay là latte tùy thích. Anh có thể uống sôcôla nóng - em có một gói ngon lắm - thế là công bằng mà.” Tôi đùa Xan. “Và em nghĩ là có cả một ít bột ngũ cốc nữa.” Tôi có thể thấy tay tài xế taxi đang muốn đi lắm rồi. “Ovaltine nhé?” Tôi thử lần nữa với một nụ cười. Xan vẫn đứng đó. Tôi nhầm mất rồi. Anh ta không thèm để ý. Tôi quay đi đầy thất vọng.
Tôi nghe thấy tiếng cửa đóng lại, tiếng động cơ rồ lên khi chiếc taxi phóng vút đi.
Đột nhiên có tiếng bước chân phía sau khi tôi tra chìa khóa vào ổ. Và rồi tiếng của Xan vang lên: “Anh không nghĩ là em có trà PG đâu nhỉ?”
Khi lái xe ra khỏi đường cao tốc trong ánh chiều tà đang buông xuống, tôi vẫn nhớ với sự hối hận trong lòng, cái cảm giác vui sướng lúc tôi lóng ngóng mở cửa và đụng phải cái chuông báo trộm. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi ngôi nhà trông sạch sẽ và ấm áp. Trên bậu lò sưởi trong phòng khách có một lọ hoa ly vàng và mọi thứ rất ngăn nắp. Trên cái bàn trong phòng ăn có một hộp nhỏ đựng mấy tấm thiệp chúc mừng của những người mà tôi đã cám ơn. Tôi giấu cái hộp đi và đi vào bếp, thả áo khoác lên một chiếc ghế tựa.
Xan theo tôi vào bếp, khi tôi đổ đầy nước vào cái ấm, tôi thấy anh nhìn khung ảnh của ba mẹ tôi trên tủ. Tôi chưa kể cho Xan nghe về mẹ mình vì tôi không muốn, bởi vì nếu tôi kể thì có vẻ thật quá.
“Anh chọn loại nào? Em không có trà PG nhưng em có trà Kenya, Darjeeling, Ceylon, Assam, trà xanh, trà hoa cúc - hay nếu anh thích thứ gì đó thơm hơn, thì đây.” Tôi nói khi tôi mở tủ bếp. Lấy ra một hộp trà hoa nhài và hoa oải hương, tôi cười hỏi anh: “Anh thích loại nào?”
“Thôi không cần đâu.” Anh trả lời.
“Chắc anh phải muốn uống thứ gì đó chứ,” tôi thì thầm khích lệ.
“À, đúng rồi, thật ra anh cũng muốn...” Xan quay đi, hơi bối rối, rồi quay lại nhìn tôi. “Anh muốn em... cởi bớt... một số thứ...”
Tôi khựng lại. “Thứ gì vậy anh?” Xan nhìn xuống chân tôi. “Ồ, cái đó...” Tôi cười khúc khích và tháo đôi ủng ra.
“Như thế tốt hơn,” anh nhỏ nhẹ bảo. Anh chăm chú nhìn đôi chân tôi. “Em biết không, Anna, em có đôi gót chân rất đẹp.”
“Cám ơn anh. Khuỷu tay của em cũng thế mà.”
Xan im lặng. Anh vẫn đứng đó, nhìn tôi như đang dò xét. Và rồi tôi bước lên và chúng tôi hôn nhau. Không nói một lời, tôi nhẹ nhàng nới cà vạt của anh và kéo anh lên chiếc cầu thang sơn màu trắng dẫn lên phòng ngủ của mình. Tôi cởi cúc áo sơ mi của anh - ngực anh rộng và phẳng - rồi lùa tay lên trên. Tôi chưa bao giờ chủ động như thế này trong cuộc đời mình. Tôi cởi nốt quần anh, đẩy anh xuống giường, rồi cởi phăng áo của mình khi Xan đang vuốt ve hông tôi. Tôi cảm thấy thèm muốn cơ thể anh, điều tôi chưa từng cảm thấy với người đàn ông nào khác. Tôi muốn anh. Tôi cần anh.
“Giờ thì,” tôi thì thầm khi hai chúng tôi hòa vào nhau. Đôi mắt anh mở to, chúng tôi ân ái nhẹ nhàng và thi vị. Sau khi thỏa mãn, chúng tôi nằm trong bóng tối, vẫn ở trong nhau. Xan thiếp đi rất nhanh, còn tôi vẫn thức, lâng lâng với sâm banh và cảm giác khoan khoái. Tôi nhìn đường viền quanh cằm anh, chiếc cằm lún phún râu và những sợi lông loăn xoăn trên gò má.
Đây có thể là bắt đầu của một mối quan hệ mới, tôi sung sướng nghĩ, khi mà tôi bắt đầu một cuộc sống mới...
Tôi chìm vào giấc ngủ và mơ thấy mẹ. Nhưng đó không phải là một giấc mơ đẹp bởi vì trong giấc mơ tôi thấy mẹ đi về phía mình, ngang qua khu vườn, và tôi chờ bà tới ôm lấy tôi nhưng tôi biết là không thể. Sau đó tôi lại không dám chắc đó là mẹ mình vì khuôn mặt của bà đang biến dạng và thay đổi, dáng bà trở nên mờ ảo và xa xôi. Tôi tỉnh giấc trong bối rối và buồn bã.
Mẹ tôi sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy cảnh này? Tôi tự hỏi khi nhìn thấy ánh sáng màu xám của buổi sớm lọt qua tấm rèm. Bà sẽ thất vọng.
Trời ơi Anna - sao con lại làm thế? Con chỉ mới gặp thôi mà. Con không nhớ những gì mẹ luôn bảo con sao? Rằng nếu con có thích một ai đó thì tốt nhất là hãy kiên nhẫn...
Tôi hoảng sợ khi nhìn thấy Xan không còn ở trên giường nữa. Tôi ngồi dậy, mắt nhìn thấy vệt lõm mà Xan để lại trên chiếc gối, rồi vùng ra khỏi giường. Chắc anh ấy đang ở trong phòng tắm. Nhưng từ sự im lặng hiện hữu, tôi biết rằng không phải. Quần áo của anh đã không còn ở trên thảm nữa.
Tôi nhìn đồng hồ. Chỉ mới sáu giờ ba mươi. Tôi vội vàng đi xuống cầu thang, hy vọng anh ấy sẽ để lại vài dòng cho tôi - nhưng chẳng có gì lưu lại dấu vết anh đã ở trong ngôi nhà, trừ mùi cơ thể anh còn sót lại trên người tôi.
Tôi buông người lên ghế bành, sự trống trải của ngôi nhà làm tôi chán chường hơn. Đầu tôi như nổ tung còn miệng thì đắng ngắt. Từ ngoài cửa vọng vào tiếng lèo nhèo của người giao sữa. Tại sao Xan lại phải đi như vậy?
Hoàng hôn buông xuống khi tôi lái xe qua phía nam Luân Đôn. Đó không phải là những gì tôi có thể mường tượng ra, tôi nghĩ. Tôi ngắm nhìn Milly trong gương. Nó đang ngủ ngon, ngón cái trong miệng còn ngón trỏ vòng lên mũi.
Trước khi chìm vào giấc ngù đêm hôm đó, tôi tưởng tượng mình và Xan sẽ cùng nhau ở trên giường, rồi cùng thả mình vào cái bồn tắm Victoria lớn trong phòng tắm. Sau đó chúng tôi sẽ cùng đi đến tiệm ăn gần đó, thưởng thức trứng và món thịt nguội dinh dưỡng như thể chúng tôi đã quen nhau đã lâu, rồi cùng đi dạo trong công viên Holland. Chúng tôi sẽ hẹn hò trong ba tháng rồi Xan đưa tôi đến Florence và cầu hôn tôi. Chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới mùa hè ở Belvedere một tuần sau khi tôi hoàn thành khóa học.
Tại sao anh ta không ít nhất là đánh thức tôi dậy để tạm biệt? Tôi tức giận nghĩ. Tại sao anh ta không xử sự lịch thiệp bằng cách tối thiểu nhất là để lại một mẩu tin nhắn cho tôi, nói rằng anh ta không muốn đánh thức tôi và rằng anh ta sẽ gọi lại cho tôi sau và tái bút hỏi tôi có làm gì đêm đấy không?
Thế mà Xan chẳng làm gì cả. Anh ta bay đi mất - như kiểu anh ta đã phát hiện ra điều gi kinh hoàng lắm. Tôi ngồi đó, cổ họng đau buốt, và tôi nhớ lại mình đã khêu gợi như thế nào - nhưng thực ra là dễ dãi và bạo dạn quá.
“Mình ngủ với một người chỉ mới quen trong hai tiếng đồng hồ,” tôi rên rỉ. Tôi vò đầu bứt tai. Tại sao tôi có thể bất cẩn như thế nhỉ? Anh ta có thể là một tên sát nhân, một gã côn đồ hay là một tên trộm. Tôi nghĩ ít ra anh ta không thuộc những hạng người đó - anh ta rất chu đáo, thông minh và đẹp trai - điều tồi tệ nhất trong chuyện này.
“Mình thích anh ta,” tôi gào lên. “Mình thực sự thích anh ta.” Nhưng rõ ràng là anh ta chỉ coi đó là cuộc tình một đêm. Anh ta đã đạt được những gì mình muốn và biến mất đúng lúc. Lời răn dạy kinh điển của mẹ tôi hóa ra lại đúng.
Lúc này vẫn chỉ bảy giờ sáng. Tôi mở đầy bồn nước và ngâm mình vào trong, những giọt nước mắt thất vọng của tôi bám trên má, hòa cùng đám bọt sữa tắm.
Tôi ở lì trong nhà suốt buổi sáng, phòng khi anh ta gọi lại nhưng chẳng thấy gì, đến bữa trưa tôi “nói” với Xan mặc dù anh ta hoàn toàn không có mặt rằng hành động của tôi đêm hôm trước hoàn toàn là bộc phát và trái với điều anh ta có thể nghĩ, tôi không có thói quen lên giường với đàn ông mới quen, cám ơn anh!
Đến chiều thì tôi không còn kìm được cơn giận...
Xan là một gã khốn nạn, tôi giận giữ mắng mình khi xé toạc tấm dra ra khỏi giường. Anh ta nghĩ anh ta có thể ngủ với tôi rồi biến đi, như là tôi là một...đứa rẻ mạt. Tôi tháo tung một cái vỏ gối. Hoặc có thể anh ta đã có bạn gái rồi nhưng vẫn nói dối tôi là chưa. Sao một người đàn ông hấp dẫn như thế lại chưa có bạn gái chứ? Điều đó giải thích tại sao anh ta lại do dự như vậy, tôi vỡ ra - cảm thấy tội lỗi mà. Vì thế mà anh ta phải bỏ tôi đi thật sớm để cô ấy không biết là anh ta ở ngoài cả đêm.
Chắc cô ấy là đồng nghiệp ở cơ quan. Một cô chân dài với đôi mắt to màu xám và một cơ thể đáng mơ ước - tôi mường tượng ra người bạn gái của Xan. Cũng có thể Xan gặp cô ấy ở Hồng Kông. Một cô gái Trung Hoa mảnh mai với làn da vàng và mái tóc bóng đến mức có thể soi gương. Tôi cảm thấy ghen tỵ - điều tôi biết mình không có quyền vì tôi chỉ mới biết anh ta chưa đầy hai mươi bốn giờ.
Anh ta chẳng đáng để mình bận tâm đến thế, tôi quyết định vậy khi bỏ cái dra trải giường vào máy giặt. Tôi chọn thời gian giặt là chín mươi phút như để xóa sạch mọi dấu vết của anh ta khỏi tấm vải. Anh ta từng bảo không phải lúc nào anh ta cũng tử tế, tôi nhớ lại và đóng sầm cánh cửa máy giặt. À, ít nhất thì anh ta cũng thật thà về điều đó.
Ding!
Tôi đứng thẳng dậy khi nghe tiếng chuông cửa.
Dingggg!
Tim đập rộn ràng, tôi lao ra. Một dáng người cao lờ mờ sau ô cửa kính màu. Tôi ngắm lại dung nhan mình qua chiếc gương tròn để dưới chân cầu thang, hít một hơi thở sâu và rút then cài cửa.
Một nỗi thất vọng bao trùm lấy tôi - rồi hy vọng.
“Cô Temple?” Một người đàn ông đứng đó, tay cầm một bó hoa.
“Vâng ạ?”
“Cái này của cô.”
“Ồ, cám ơn anh.” Tôi nói khi anh ta đưa bó hoa cho tôi. “Cám ơn anh” Tôi nghĩ là tôi có thể thở phào. Và rồi tôi bỗng thấy căm ghét mình sao mà ngu ngốc thế: tôi đã ba mươi hai tuổi rồi, có còn là một cô bé mười sáu đâu.
Tôi cầm bó hoa xuống bếp và đặt lên kệ. Đó là một bó gồm hoa cúc vàng, hồng vàng và đồng tiền trắng, được bó bằng tay. Tôi cởi sợi dây buộc màu vàng và nó rơi xuống sàn nhà. Có một cái bì thư được đính ở tấm giấy bọc nhưng tôi đặt nó sang một bên. Tôi muốn trì hoãn sự sung sướng khi đọc thiệp của Xan.
Tôi tìm thấy một cái lọ trắng và cắm những bông hoa vào đấy, bỏ thêm một đồng hai xu như mẹ tôi đã dạy, vì đồng sẽ làm chúng tươi lâu hơn và tôi muốn những bông hoa này tươi mãi không tàn. Rồi tôi nhặt cái phong bì. Tôi nhận thấy nó có vẻ dày hơn bình thường, tôi xé cái phong bì, nhưng chỉ vì bên trong chẳng có tấm thiệp nào mà là một lá thư. Tôi mở nó ra với đôi tay run rẩy.
Gửi Anna, Bức thư viết. Nét chữ của anh ta trông lộn xộn. Anh xin lỗi anh phải đi sớm như vậy, nhưng vì anh phải làm ca sáng nay và chỉ mới xong việc...
“Có thế chứ!” Tôi hét lên. Tôi nhớ lại là anh đã nói anh sắp có một ngày bận rộn đang chờ phía trước. Tôi vỗ mạnh vào trán. Tôi đã quá nhạy cảm - và mệt mỏi mà quên mất. Tôi đã có thể xử sự như một người phụ nữ bao dung nhưng đã không làm được, tôi nhận ra rằng mình đã không giữ được bình tĩnh.
Đáng lẽ anh đã gọi cho em nhưng anh lại không có số của em, tìm trong danh bạ cũng không có. Tôi lại vỗ mạnh vào trán mình. Dù sao đi nữa thì được gặp em là một điều tuyệt vời.
“Đúng thế!”
- và anh muốn gặp lại em.
“Đúng rồi!”
Nhưng anh nghĩ chúng ta phải nói chuyện trước đã.
“Ồ...” tôi thấy hơi hụt hẫng.
Tối mai em có rảnh không? Xx.
Đáng lẽ tôi phải nghe lời mẹ dạy và bảo Xan rằng tôi có việc khác quan trọng hơn - nhưng đã quá muốn để làm điều đó. Ngựa đã thắng rồi, hơn nữa tôi háo hức và tò mò muốn biết anh sẽ nói gì. Chúng tôi gặp nhau ở Havelock Tavern, một quán rượu sang trọng gần chỗ tôi ở. Tôi tìm thấy một cái bàn ở góc yên tĩnh khi Xan đi gọi đồ uống. Một ly nước quả Virgin Mary dễ uống dành riêng cho tôi và một chai bia Stella cho anh.
Anh nâng ly bia lên và nhìn tôi cười buồn. “Rất vui được gặp lại em, Anna, em trông thật đáng yêu.”
“Thế ạ? Ồ, anh cũng vậy,” tôi nói với một chút lo lắng, lúng túng vì sự thật là tôi thấy Xan càng hấp dẫn hơn là khi tôi đang uống say. Đầu gối tôi đang run rẩy nên tôi xoa chúng bằng tay trái. “Dù sao thì...” tôi thở sâu. “Anh bảo rằng chúng ta cần nói chuyện.”
Nét mặt Xan biến sắc. “Anh nghĩ là chúng ta nên làm thế.”
Tim tôi thắt lại. “Được thôi... nhưng trước tiên em muốn nói một điều.”
Anh nhìn tôi dò hỏi. “Gì thế?”
“À”- tôi uống một ngụm nước quả - “những gì... đã xảy ra tối thứ Sáu vừa rồi không phải... điều em thường làm. Em không muốn anh nghĩ em như thế.”
Anh nhún vai. “Anh chẳng... nghĩ gì đặc biệt cả.”
Tôi nhìn chằm chằm vào viên đá nhỏ trong ly nước. “Em không muốn anh nghĩ là em có thói quen lên giường với người đàn ông mà em quen trong năm phút, vì những gì em đã làm với anh.”
“Nhưng mà...”
“Vì thế mà em chỉ muốn nói rằng em không phải như thế. Trái lại, hoàn toàn khác. Em rất thẹn khi gặp đàn ông.”
“Thật sao?” Sự ngạc nhiên của anh làm tôi thấy khó chịu. “Chà... hôm thứ Sáu vừa rồi em chẳng thẹn tý nào, Anna.”
Tôi đỏ bừng mặt. “Vâng, em chỉ đang cố giải thích rằng hôm đó hoàn toàn là một sự bộc phát mà em chẳng biết vì sao,” tôi nói thêm, vẫn tự nhủ trong lòng cái quái gì đã xui khiến tôi làm như vậy. “Thường thì em hẹn hò một người trong ít nhất một tháng trước khi có thể đi xa hơn là...”
Anh uống bia và ra điều suy nghĩ. “Anh biết...”
“Hay ít nhất là lần hẹn thứ mười, một trong hai cách.”
Anh gặt đầu chậm rãi. “Thế à. Nó có đồng nghĩa với bữa tối, hay cuộc hẹn có bao gồm bữa trưa và sáng không?”
“Anh làm ơn nghiêm túc một chút được không?”
“Thế còn lúc uống trà buổi chiều?”
“Nghe này, Xan, nếu anh có thể lắng nghe một phút, thì em đang nói rằng em hành động như vậy hoàn toàn là bộc phát - vì lý do nào đó lúc ấy em không phải là em nữa- và vì thế em cảm thấy...”
Anh đặt tay lên vai tôi. “Bình tĩnh nào.” Tôi có thể nhận thấy bàn tay anh đẹp như thế nào: to, dày với những ngón tay cứng và thẳng. “Chẳng có gì phải căng thẳng cả. Bây giờ là thế kỷ hai mươi mốt rồi - và chúng ta đều là người lớn cả rồi, phải không em?”
“Tất nhiên - nhưng vì em đã uống quá nhiều rượu ở bữa tiệc chia tay, rồi sau đó em uống thêm bao nhiêu sâm banh nữa - và thực ra em nghĩ đó là lý do tại sao em lên giường với anh. Em chắc là như vậy.”
“Ồ.” Anh rút tay lại. “Cám ơn.”
“Em xin lỗi,” tôi thốt lên. “Tất cả những điều đó chỉ nói lên rằng em không thường làm tình bậy bạ như vậy.”
“Thế thì lúc làm tình không bậy bạ là thế nào? Lúc em mặc một cái váy cưới và cài vương miện còn một gã mặc complê chăng?”
“Anh đừng vớ vẩn thế.”
Xan đặt ly bia xuống bàn. “Anh không vớ vẩn. Anh chỉ không hiểu tại sao em lại cảm thấy phải giải thích những gì đã xảy ra. Không việc gì phải làm thế, Anna à. Cả hai ta thích nhau mà.”
Tôi ngắm nhìn Xan. “Đúng...” tôi thì thầm. “Chúng ta đã.”
“Chúng ta vẫn vậy,” anh nói có dụng ý. “Phải không nhỉ?”
Tim tôi nhảy lên như ấm nước đang sôi sùng sục. “À... đúng thế.” Tôi nhắc lại. “Nhưng anh bảo là chúng ta cần nói chuyện, nghe có vẻ như anh sắp dành cho em một điều gì đó không hay.”
“Như là?”
“À... ví dụ như là anh đã gặp một người khác, hay là anh đã đính hôn, lập gia đình, hoặc đang sống chung với ai đó, rằng anh nghiện ngập, rằng anh có thể là người đồng tính. Vì chúng ta không biết nhau nhiều nên đó có thể là bất cứ điều gì - chà... như là anh sát hại ba anh và ngủ với mẹ anh, hoặc như anh đã từng quan hệ với cả cừu - không phải vì em cho anh là loại người có thể lang chạ với bất cứ thứ gì nhưng mà... ”
“Anna...?” Xan lắc đầu với vẻ ngạc nhiên tột độ. “Tất cả những gì anh bảo chỉ là trước tiên chúng ta nên nói chuyện - theo nghĩa đen của từ - nói chuyện,” anh xòe hai bàn tay ra với vẻ vô vọng.
“Vâng, em biết. Nhưng nói về chuyện gì?”
“À - bất cứ điều gì - vì chúng ta đã chẳng nói được nhiều vào tối hôm đó, đúng không nào? Nhưng rõ ràng là anh không giải thích rõ ràng hơn - cửa hàng bán hoa sắp đóng cửa và anh đang vội.” Anh nhún vai. “Tất cả những gì anh muốn nói là, anh muốn” - anh nhún vai lần nữa -“hiểu em hơn.”
“Thế à. Nhưng... sao anh lại do dự trước khi vào nhà em?
“Bởi vì lúc đó em chắc là đã uống quá nhiều và anh không chắc là anh nên vào. Em biết đấy, anh cố gắng cư xử như một quý ông.” Anh làm một hớp bia. “Giờ em đã thoải mái chưa?”
“Rồi ạ,” tôi gặt đầu.
Anh đặt ly bia xuống và nhìn tôi chăm chú. “Lúc nào em cũng phức tạp như thế này à?”
Tôi cười với anh. “Không.”
Sau đó chúng tôi nói chuyện suốt bữa tối. Tôi lấy lại sự tự tin của mình sau khi biết Xan không có vẻ gì là có những chuyện không hay giấu tôi. Tôi hồ hởi nói về khóa học về thiết kế vườn bắt đầu vào ngày mai.
“Khóa học diễn ra ở Vườn Vật lý Chelsea,” Tôi giải thích với anh. “Đó là một nơi tuyệt vời - giống như Vườn Bí mật - đầy những loài cây quý hiếm và thảo dược. Em sẽ tìm hiểu về nghề trồng trọt và thiết kế việc trồng cây, bố trí mặt bằng, vẽ kỹ thuật, bố trí ánh sáng; làm thế nào để tận dụng những đồ trang trí như là tượng và non bộ...” Tôi thích thú với những điều mà mình sắp được biết. “Em muốn bắt đầu ngay.”
Rồi Xan kể cho tôi nghe về khoảng thời gian học việc hai năm ở đài BBC sắp kết thúc. Anh cầm con dao lên. “Anh bắt đầu nộp đơn xin việc được rồi. Cũng khá căng đấy.”
“Anh muốn làm cho bộ phận nào ở BBC?”
“Anh cũng không chắc. Hiện anh đang làm ở phòng thời sự, nơi anh thích, nhưng hiện đang khuyết một số phóng viên, cũng khá hay vì anh đã lên hình trong một số chương trình của BBC World. Hoặc anh cũng có thể làm ở mảng thương mại để phát huy những hiểu biết về ngành tài chính của mình. Mặc dù có nhiều lựa chọn nhưng cạnh tranh khá quyết liệt.”
Sau đó anh kể về gia đình mình. Ba anh từng làm cho Hội đồng Anh, vì thế ngay từ lúc còn bé, anh đã được đi khắp nơi trên thế giới. “Gia đình anh di chuyển liên tục,” anh kể. “Hết đóng gói rồi lại dỡ đồ đạc. Anh là người theo chủ nghĩa xê dịch.”
“Hay nhỉ,” tôi cười phá lên rồi chợt cảm thấy thật ngớ ngẩn và lố bịch. “Em e là em chỉ ở lì một nơi. Gia đình em sống trong một ngôi nhà trong vòng ba mươi lăm năm.”
“Gia đình em là...?”
“Ba mẹ em - à, giờ chỉ còn ba em thôi.” Cảm giác mất mát trào dâng trong tôi. “Mẹ em mất ba tháng trước. Đến hôm nay là tròn ba tháng,” tôi chợt để ý. “Vào thứ Bảy ngày mùng Tám tháng Sáu.” Tôi bỗng thấy cơn đau nhói quen thuộc trong lòng ngực như có ai đó xếp một đống gạch lên ngực mình.
“Mẹ em bị bệnh à?” Xan hỏi khẽ.
Tôi lắc đầu. “Bà hoàn toàn bình thường. Bà mất đột ngột. Hoàn toàn bất ngờ,” tôi chua xót.
“Vậy... chuyện gì đã xảy ra?”
Tôi nhìn chằm chằm vào nụ hoa hồng được cắm một mình trong một cái lọ nhỏ. “Cổ chân bà bị bong gân.” Xan nhìn tôi ngơ ngác. “Ba em bảo bà bị ngã khi đi xuống cầu thang trước bữa trưa. Cổ chân mẹ em bị sưng to đến mức ba em phải đưa bà vào bệnh viện để họ băng nó lại. Và buổi tối hôm đó khi đang nằm trên ghế sôfa và phàn nàn về sự khó chịu của vết thương, bà đột nhiên thấy đau. Mẹ em nghĩ chắc chỉ là do tác dụng của mấy viên thuốc giảm đau bà đã uống nhưng thực ra là nghiêm trọng hơn - mẹ em bị đông máu ở chân, rồi lan ra khắp cơ thể và dẫn lên phổi. Ba em kể lại bà đã cảm thấy khó thở như thế nào...” Tôi hít một hơi thở thật sâu như đang cố giúp mẹ mình trong tuyệt vọng. “Ba em gọi một chiếc xe cấp cứu và nó đến sau mười phút, nhưng đã quá muộn, mẹ em ra đi trên tay ba. Bà chỉ bị trẹo cổ chân và mất chỉ vài giờ sau đó. Cả nhà em không thể tin đó là sự thật,” tôi xót xa. “Đến bây giờ vẫn không thể tin.”
“Thật khủng khiếp,” Xan cất tiếng sau một thoáng im lặng. Anh để tay lên tay tôi. “Chắc em cảm thấy... anh đoán là... hụt hẫng lắm nhỉ.”
Tôi nhìn Xan. “Hụt hẫng...?” Chính xác là như vậy. Và đúng lúc đó tôi biết là vì sao tôi lại hành động thiếu suy nghĩ như thế hai đêm trước đây. Nó không đơn thuần là thèm khát về mặt thể xác. Đó là vì ròng rã suốt ba tháng tôi như cuộn mình lại - một nửa trong tôi đã chết vì đau đớn - và tôi muốn cảm thấy mình...tồn tại.
“Lúc mất mẹ em bao nhiêu tuổi?”
Hình bóng của Xan mờ đi trong mắt tôi. “Năm mươi lăm.”
“Quá trẻ...” Xan lắc đầu. “Đáng lẽ mẹ em phải sống ít nhất là hai mươi năm nữa.”
“Chẳng ai trong gia đình em có thể nghĩ điều đó lại xảy ra,” tôi nói khẽ. “Tất cả mọi người đều hy vọng mẹ sẽ sống được ngần ấy. Giờ em mới biết là trước kia bản thân em cũng không ngờ như vậy.”
Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu.
“Vậy còn những người còn lại trong gia đình em?” Xan hỏi, và tôi kể cho anh về anh Mark và Cassie. “Còn cuộc sống riêng của em? Bạn trai?”
“Đã lâu rồi em chẳng hẹn hò với ai,” tôi nhún vai.
“Nhưng em trông rất hấp dẫn - với vẻ lạnh lùng bên ngoài - chắc em phải có nhiều người muốn làm quen chứ?”
“Cám ơn anh. Thỉnh thoảng cũng có. Nhưng toàn là những người mà em không thấy hứng thú.” Tôi mân mê tờ giấy ăn. “Thế còn anh?”
“Anh đã gặp một cô gái, nhưng bọn anh đã chia tay hồi tháng Năm.”
“Trông cô ấy thế nào?”
“Cũng khá xinh,” anh nói với vẻ tiếc nuối. Tôi bỗng phát ghen. “Cara rất thông minh. Rất hấp dẫn. Rất thành đạt...”
“Cô ấy có vẻ hoàn hảo nhỉ,” tôi nói mà chẳng vui vẻ gì. “Thế chuyện gì đã xảy ra?”
“Cô ấy đòi hỏi quá nhiều thứ khi còn quá sớm. Bọn anh chỉ mới quen nhau có ba tháng, vậy mà cô ấy đã thúc giục anh chuyển về sống chung - như thế là không phải.” Anh lắc đầu. “Cô ấy cứ liên tục muốn biết tương lai sẽ ra sao. Rốt cuộc thì anh chẳng chịu đựng được nữa.”
“Còn em,” tôi nói, “em thì khác. Phải thừa nhận là em đã từng như vậy, trước khi mẹ em mất, nhưng chính điều đó đã thay đổi tất cả và đồng hồ sinh học của em giờ đang ở chế độ “chờ”. Khóa học của em sẽ mất chín tháng, sau đó em bắt đầu lập công ty và tiến hành công việc, vì vậy các mục tiêu nghề nghiệp là những ưu tiên hiện tại của em.” Tôi liếc nhìn đồng hồ. “Thật ra thì giờ em phải đi - Chín giờ sáng mai em đã phải đến Vườn Vật lý rồi. Cám ơn anh vì bữa tối.”
Xan đứng lên. “Anh có thể đi cùng em về nhà không?”
“Được chứ,” tôi cười.
“Anh muốn gặp lại em, Anna,” Xan nói khi chúng tôi đứng trước cửa nhà tôi. Cây hoa tử đằng mọc trùm kín ngôi nhà đang nở hoa mùa thứ hai tỏa ra mùi hưong dễ chịu. Anh vuốt má tôi. “Thế có được không em?”
Tôi bỗng cảm thấy một niềm vui dâng trào trong lòng giống như ngô rang nổ. “Được... ạ.”
“Nhưng... không...”
“Ràng buộc?” tôi ướm thử một cách châm biếm.
Xan lắc đầu. “Áp lực. Không...áp lực. Được không nào?”
Anh hôn tôi, bước xuống con đường nhỏ, quay lại và vẫy chào tôi.
“Không áp lực?” tôi lặp lại khe khẽ. “Dĩ nhiên rồi.”
Truyện khác cùng thể loại
133 chương
112 chương
26 chương
159 chương