Xách ba lô lên và đi
Chương 48 : Cuộc gặp gỡ tình cờ ở sikkim
Sau khi dành một ngày lang thang ở Darjeeling – quê hương của cô bạn Anu dễ thương, tôi bắt taxi lúc bảy giờ tôi lên Sikkim. Taxi thực ra là xe Jeep, bảy chỗ ngồi nhưng được cải tiến thành mười bốn chỗ. Tôi bị nhét vào ngồi phía sau khu vực mà đáng lẽ là để hành lý. Chật, mông tôi ngồi phía sau những mặt phải đu ra phía trước. Anh chàng ngồi phía trước tôi tranh thủ bắt chuyện. Trời tối, anh bịt mặt kín mít như ninja, tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là làn da săn vì lạnh, đôi mắt sắc một mí của người Tây Tạng. Kalden, tên anh, cùng nhóm bạn đi tình nguyện ở Dharamsala, đang trên đường về lại Sikkim.
“Em từ đâu đến?”.
“Việt Nam anh ạ”.
“May quá, không phải người Trung Quốc”.
“Ha ha, em cũng thấy may”.
Chúng tôi nói chuyện khá hợp. Nói chung, đi nhiều gặp nhiều người tôi nhận ra rằng ngoại trừ một số người cực kỳ lạnh lùng hay tẻ nhạt ra, tôi nói chuyện với ai cũng hợp. Bí quyết chính để nói chuyện là tìm ra những mối quan tâm chung. Mà cái gì tôi cũng quan tâm một tí nên gió chiều nào cũng xoay theo được.
“Em thích đọc sách gì?”.
“Đủ loại sách anh ạ. Anh thích đọc sách gì?”.
Anh kể ra Harry Potter, Chúa tể của những chiếc nhẫn, mấy cuốn của Dan Brown, mấy cuốn sách phát triển bản thân mà tôi không thích lắm, mấy cuốn sách nổi tiếng của Ấn Độ như White Tiger, Shantaram, The God of Small Things. Anh hết sức ngạc nhiên khi tôi nói tôi cũng đọc hết mấy cuốn đấy, bởi trong đám bạn anh chỉ có mỗi anh thích đọc sách. Còn tôi cũng rất ngạc nhiên khi biết là anh ngạc nhiên. Có lẽ anh ở trên núi lâu quá, chứ những cuốn anh đọc đều thuộc dòng văn học phổ thông.
“Em có giấy phép vào Sikkim chưa?”.
“Em chưa. Em đọc trên mạng thấy bảo là đến nơi xin cũng được”.
“Ừ. Để lát đến Sikkim anh xin cho. Anh là hướng dẫn viên du lịch mà”.
“Ủa, em tưởng anh bảo là anh là giáo viên?”.
“Thỉnh thoảng cũng phải làm hướng dẫn viên du lịch mới đủ sống chứ. Nhưng yên tâm, anh không tính tiền em đâu”.
Xe càng lên cao càng lạnh, trời càng về khuya càng buốt. Bên ngoài tối đen như mực, lốm đốm những mảng đèn sáng le lói của làng mạc lưng chừng đèo. Xe đến biên giới Sikkim lúc đã hơn mười giờ. Trạm làm giấy phép đã đóng cửa ngủ im ắng. Kalden và bác lái xe phải đập cửa gọi gần mười lăm phút mới có người lò dò ra. Bác trực ở đây tuy ngái ngủ nhưng không có vẻ gì cáu bẳn. Bác còn cười sảng khoái khi nghe tôi bập bẹ máy từ tiếng Sikkim mà Kalden dạy tôi trên xe. Lấy được con dấu, tôi mừng rơn, đút tay vào túi quần lấy máy ảnh ra chụp lại con dấu làm kỷ niệm mới phát hiện nó không còn ở đấy nữa. Tôi nhớ như in lúc lên xe tôi vẫn còn máy, bởi lúc đấy tôi còn dùng nó chụp cảnh xe đông đến mức nào. Nhưng bây giờ tìm đâu cũng không thấy. Lúc đấy mọi người trên xe cũng đã tốt bụng chờ cho tôi xin dấu cả nửa tiếng đồng hồ nên tôi cũng không dám nghi ngờ đòi kiểm tra ai cả. Của mất thì đã mất rồi, tôi chỉ thở dài không biết bao giờ mình mới có tiền mua được máy ảnh mới. Xe dừng lại ở Gangtok, thủ phủ của Sikkim lúc đấy đã gần mười một giờ. Khác xa với tưởng tượng của tôi, thủ phủ gì mà về đêm cũng tối đen như mực không khác gì xóm núi.
“Giờ em đi về đâu?”. Kalden hỏi.
“Trung tâm thành phố ở đâu hả anh? Em đi vòng vòng tìm xem có nhà nghỉ nào rẻ không”.
“Em bị khùng à? Gangtok chứ có phải là Mumbai đâu mà đêm hôm thế này còn có chỗ mở cửa cho em vào. Đi một mình giờ này nguy hiểm lắm. Nhà anh ở làng Rumtek, cách đây mười bốn cây. Nếu em không ngại, em có thể đến ở tạm nhà anh”.
Mấy bạn nữ đi cùng anh cũng gật đầu hưởng ứng.
“Em về nhà Kalden nghỉ tạm đi. Em yên tâm, Kalden tốt lắm, không sợ bị bắt cóc hay gì đâu”.
Nhìn xung quanh, tôi tính rủi ro ở ngoài đường sẽ cao hơn nhiều so với rủi ro khi về nhà Kalden, nên tôi theo đám bạn anh lên một xe bus khác về làng Rumtek. Cả nhà anh lúc đó vẫn còn thức. Không biết anh có kịp báo cho bố mẹ anh là chúng tôi đến không mà mẹ anh đã chuẩn bị sẵn trà nóng với cơm thịt cho chúng tôi. Trời lạnh, hai tay tôi cầm chặt cốc trà, hơ hơ lên mặt đón hơi ấm. Lúc rửa chân tay đi ngủ, mặc dù đã được Kalden cảnh báo, tôi vẫn tái mặt vì nước lạnh. Nước lấy thẳng từ suối nguồn trên núi, vốn được hình thành nhờ băng tan. Đánh răng mà tôi cảm tưởng răng mình đang rơi ra từng chiếc. Kalden nhường cho tôi phòng của anh vì nó đẹp và ấm hơn, còn anh nằm bên phòng dành cho khách.
Rumtek đẹp cứ như trong mơ. Nhà Kalden lại chìm vào trong núi, chiếm ngự một ví trí chiến lược khiến cho tôi có cảm giác như tất cả núi đồi đều thuộc về mình và tất cả bản thân mình đều thuộc về núi đồi vậy. Hàng xóm gần nhà anh nhất cũng phải cách mấy chục mét. Bên cạnh nhà anh là vườn rau cải đắng mà tôi nghiện. Bên kia vừa rau cải là thung lũng. Bên kia thung lũng là Tây Tạng. Sang tôi thích dậy sớm, co ro ngồi ngoài hiên, trùm chăn từ đầu tới chân, tay mân mê cốc trà thơm phức, ngắm mặt trời lên từ phía bên kia sườn núi. Bắt đầu là những tia nắng le lói, rồi nắng thành dải lụa, rồi bất chợt không gian sáng rực lên như ai đó vô tình làm đổ tràn một bình đầy nắng. Thỉnh thoảng bố Kalden cũng ngồi uống trà cùng tôi. Quay mặt về phía Tây Tạng, bác bảo kể từ khi Tây Tạng bị Trung Quốc xâm chiếm, rất nhiều người Tây Tạng đã bỏ trốn sang đây. Bác cũng là người Tây Tạng. Bác theo gia đình sang đây từ khi mới một tuổi. Từ đó đến nay, bác chưa bao giờ về lại Tây Tạng, phần vì không được Trung Quốc cấp visa, phần vì phản đối sự chiếm đóng của Trung Quốc không muốn về.
“Tên bác là Gyatso, như tên của Đạt Lai Lạt Ma ấy”.
Bác Gyatso là hiệu trưởng trường làng Rumtek Monastery, Kalden là một giáo viên ở đấy. Rất tiếc bây giờ là nghỉ lễ, chứ không mọi người rất muốn tôi tham gia trợ giảng.
“Em nghe nói đến Rumtek Monastery bao giờ chưa? Nổi tiếng lắm đấy”.
“Nổi tiếng về cái gì cơ?”.
“Đây là kinh đô khi tha hương (capital in exile) của Karmapa. Bình thường, nếu như Karmapa không ở Tây Tạng thì ngài sẽ ở đây”.
“Karmapa là ai ạ?”.
“Em biết Đạt Lai Lạt ma mà không biết Karmapa thật hả?”.
“Đạt Lai Lạt Ma là thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng mà”.
“Karmapa còn cao hơn cả Đạt Lai Lạt Ma cơ. Cả hai vị đều là các vị sư đầu thai, mỗi vị đứng đầu một nhánh đạo Phật ở Tây Tạng. Nhưng Đạt Lai Lạt Ma mới được đầu thai lần thứ mười bốn, vị Karmapa này đã được đầu thai đến lần thứ mười bảy”.
“Giờ em mới biết đấy. Nghe hay nhỉ. Em cũng muốn gặp ngại. Rumtek Monastery có ở gần đây không ạ?”.
“Gần, mai mình đi. Nhưng Ngài cũng bị chính phủ Ấn Độ cấm về đây luôn rồi nên Ngài đang ở Dharamsala. Anh vừa được gặp Ngài ở Dharamsala. Ngài rất trẻ và đẹp trai nữa”.
“Đẹp trai á? Đâu, cho em xem ảnh”.
Cũng như những người Tây Tạng khác, nhà Kalden có rất nhiều ảnh của các vị lạt ma (vị sư đầu thai) của Tây Tạng, đủ để thấy tôn giáo có vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống của người Tây Tạng. Anh còn một series ảnh chụp đứng nói chuyện với Karmapa ở Dharamsala. Tôi nghĩ mọi người vì sùng bái vị Karmapa này quá nên thấy ông đẹp trai, chứ tôi thấy cũng bình thường.
“Anh nói chuyện với ngài được lâu không?”.
“Được gần năm phút đấy”.
“Nói những chuyện gì ạ?”.
“Anh kể cho ngài nghe việc dạy và học ở Rumtek Monastery và rằng người dân Rumtek luôn mong ngài sớm trở về. Ngài có vẻ vui lắm, cười suốt”.
Nhận thấy tôi là một đứa không biết gì về Tây Tạng, Kalden tự nhận việc khai sáng cho tôi là trách nhiệm của anh. Nhà có bao nhiều phim ảnh tài liệu về Tây Tạng, anh bắt tôi xem qua hết. Nhờ vậy mà khá nhiều thắc mắc của tôi được giải đáp, ví dụ sao người ta biết chắc được người này là vị lạt ma trước đầu thai, hay nếu như không tìm được người đầu thai đó thì sao, hay tại sao người Tây Tạng lại sùng đạo đến như vậy.
Sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi Rumtek Monastery. Từ nhà Kalden lên Monastery không có xe bus, Kalden cũng không có ô tô hay xe máy nên chúng tôi phải cuốc bộ. Tu viện nằm tít trên đỉnh ngọn đồi, đi qua vườn ngô, rừng cải, ruộng bậc thang, thanh bình và xinh đẹp không khác gì Tây Bắc Việt Nam. Những ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn, vuông vắn, tường thấp, mái rộng kiểu Tây tạng rải rác sau rặng cây bên đồi. Những sợi dây chăng kín những mảnh vải tam giác đủ năm màu sặc sỡ: trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh da trời. Tượng trưng cho năm thành phần: đất, lửa, khí và không gian trong tín ngưỡng của người Tây Tạng. Những cây nêu thân tre, cờ trắng hình chữ nhật xếp thành một hàng dài bên đường. Kalden bảo trong văn hoá Tây Tạng, khi ai đó chết đi, gia đình sẽ dựng một trăm linh tám cột cờ như thế để linh hồn họ được siêu thoát. Đi được khoảng hai tiếng thì có xe ô tô nào đó đi qua. Cao hứng, tôi giơ ngón tay cái ra xin đường. Xe dừng lại cho chúng tôi đi nhờ. Lúc đi xuống, tình cờ thế nào chúng tôi cũng lại gặp đúng xe đấy. Lần này chẳng cần xin đường xe vẫn dừng lại, đưa chúng tôi về đến tận nhà.
Một vài lần, cùng với đám bạn của Kalden, chúng tôi lên Gangtok chơi. Phố núi nhưng có vẻ văn minh hơn nhiều thành phố khác của Ấn Độ. Gangtok sạch và đẹp. Nhà nước cấm dùng túi nilon và người dân khá có ý thức bỏ rác vào thùng. Trung tâm thành phố M.G.Marg (Mahatam Gandhi Marg) nhìn giống như một phố ở Châu Âu dành riêng cho người đi bộ. Lúc đi qua sân vận động, tôi phát hiện người ta đang giăng cờ quạt chuẩn bị cho một sự kiện lớn gì đó, tôi tò mò vào hỏi thì được biết Đạt Lai Lạt Ma sắp sang đây.
“Cháu có thể mua vé để vào nghe Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện, nhưng sẽ đông lắm đấy”.
“Cháu là nhà báo thì có thể vào gặp riêng Ngài được không ạ?”.
“Cháu có thẻ nhà báo không? Nếu có thẻ thì lên Trung tâm Truyền thông để làm media pass (vé dành cho giới truyền thông) để vào”.
Mặc dù không có thẻ nhà báo, tôi vẫn vào Trung tâm Truyền thông xem có chém gió cho họ tin mình là nhà báo được không. Đến nơi mới biết là media pass đã làm hết từ trước đó cả tuần rồi. Hỏi chuyện một hồi, tôi được biết Đạt Lai Lạt Ma có một hội thảo về khoa học, tâm linh và giáo dục vào ngày 20 tháng 12. Một nhà báo đến lấy media pass, tôi nhìn thoáng qua và nhanh chóng ghi nhớ thiết kế của cái thẻ này.
Về đến nhà, tôi với Kalden tự mình in ra một cái tương tự, dán ảnh mình lên, rồi mượn con dấu của người quen của bố Kalden đóng dấu vào như thật. Hôm diễn ra hội thảo, Kalden với tôi cố tình đi trễ nửa tiếng, tôi cầm máy ảnh (đi mượn), Kalden cầm túi đựng tripod nhìn rất hoành tráng chạy đến trung tâm diễn ra hội nghị. Hàng ngàn người đứng chật kín hai bên đường mong được nhìn thấy Đạt Lai Lạt Ma. Các chú cảnh sát phải vất vả lắm mới giữ được trật tự. Đi qua chỗ bảo vệ, chúng tôi giơ cái thẻ giả của mình ra rất nhanh, hớt hải ra bộ mình đang vội lắm. Tôi xổ ra một tràng tiếng Anh đại loại là mình bị trễ rồi. Mấy chú bảo vệ nhìn chúng tôi đầy vẻ ái ngại, chắc thương hại chúng tôi đi tác nghiệp mà bị trễ nên cũng nhanh chóng mở cổng cho chúng tôi mà không kiểm tra kỹ càng gì. Nhờ tài len lỏi, chúng tôi vào được tận bên trong, kiếm cớ chụp ảnh mà lên ngay cạnh sân khấu, cách Đạt Lai Lạt Ma chỉ khoảng vài chục phân. Ngài nhìn tuy có vẻ già và yếu hơn những ảnh tôi đã nhìn, nhưng da dẻ vẫn hồng hào. Kalden thì thào vào tai tôi: “Em nhìn thấy không, từ Ngài có ánh sáng toả ra kìa”. Tôi căng mắt ra nhìn mà chẳng thấy đâu. Ban đầu Ngài nói tiếng Tây Tạng, có người phiên dịch cho Ngài, nhưng một lúc Ngài chuyển sang nói tiếng Anh luôn cho nhanh. Ngài đã được coi là bậc chân nhân, còn tôi chỉ là một con bé ranh con mới học xong cấp ba, nên tôi tạm thời không dám bình luận bài diễn văn của Ngài. Sau buổi lễ, chúng tôi chen lên được gần Đạt Lai Lạt Ma xin ban phép lành. Sau này, mọi người hỏi Kalden gặp Đạt Lai Lạt Ma thì như thế nào, anh trả lời rằng lúc Đạt Lai Lạt Ma chạm tay lên trán, anh cảm giác như là từ Ngài toả ra một sức mạnh gì đó không có ở phàm trần này. Anh sung sướng đến mức gần như là ngất đi. Còn khi mọi người hỏi tôi gặp Đạt Lai Lạt Ma thì thấy thế nào, tôi chỉ trả lời là rất thú vị. Có lẽ là do tôi không phải là người Tây Tạng chăng? Hoặc là do tôi sống lý trí quá?
Truyện khác cùng thể loại
12 chương
67 chương
196 chương
37 chương
33 chương
282 chương
12 chương
15 chương