Anh sẽ ở bên em, mãi mãi nhé

Chương 1 : Nguyễn hạ nhi xuất hiện

Mẹ nói, con gái trước khi ra đường, có ba việc cần phải làm, thứ nhất là mặc đồ thật đẹp, thứ hai là nhìn vào gương rồi cười một cái, và thứ ba – quan trọng nhất – phải đi thật chậm, thật cẩn thận, thật nhẹ nhàng, chân bước ra ngưỡng cửa, nhất quyết phải là chân phải. Hai việc đầu có thể không nhớ, nhưng việc thứ ba thì không bao giờ được quên, vì rằng, nếu lỡ may mình có mặc áo trái hay răng dính rau thì cùng lắm cũng chỉ xấu hổ một tí, chứ không bao giờ nguy hiểm tới tính mạng (được chép lại theo nguyên văn lời mẹ). Tôi là một đứa con ngoan, trong một chừng mực nhất định thì luôn nghe theo lời mẹ. Chỉ có điều tối hôm qua ráng chong mắt lên coi thêm mấy tập Walking Dead nên sáng nay, khi giật mình tỉnh giấc, tôi thấy đồng hồ đã chỉ bảy giờ ba bảy (không hiểu tai tôi có vấn đề gì mà tôi vẫn có thể ngủ ngon lành trong tiếng nhạc báo thức ồn ã tới vậy), bằng tốc độ của ánh sáng, tôi nhắm mắt nhắm mũi cuống cuồng đánh răng, rửa mặt, tắm, thay đồ, sau đó vớ lấy túi xách ba chân bốn cẳng lao bừa ra khỏi cửa, cũng chẳng còn thời gian để nhớ tới quy tắc chân phải của mẹ nữa. Thế là một chuyện khủng khiếp đã xảy ra! Thật là khủng khiếp. Vô cùng khủng khiếp. Tôi đi làm trễ! Lần thứ ba trong tháng. Và vào đúng ngay ngày mà sếp nhỏ dặn đi dặn lại là phải tới sớm để thảo luận cái kế hoạch chết tiệt gì gì đó – tâm thần không ổn định, tạm thời không nhớ ra! Vì đi làm trễ nên vừa khi tôi chạy tới cổng công ty, chưa kịp bấm dấu vân tay chấm công, cô bé lễ tân đã đứng chờ sẵn, la hoảng lên: - Sếp nhỏ kiếm chị nãy giờ, chị vô liền đi. Không kịp cảm ơn, tôi phi thẳng vào phòng làm việc mà không còn mắt để nhìn trước nhìn sau. Vì không nhìn trước nhìn sau nên tôi va phải một người ngay ở cửa. Vì va phải người ta, mà lại không muốn bị ngã, tôi đành ôm chầm lấy người đó. Túi xách từ tay tôi tuột ra, rơi xuống, làm văng ra đủ thứ hầm bà lằng trên đời. Tôi nhất thời bối rối không nói được gì, chỉ hức lên một tiếng. Mặt dính sát lưng người ta nên tôi bỗng cảm thấy có một cảm giác quen thuộc. Sếp nhỏ phản ứng cực nhanh, thấy tình hình bỗng chốc có chuyện quái dị, lập tức la lối tên tôi: - Nguyễn Hạ Nhi! Cô… - Nguyễn… Hạ… Nhi? Như một mũi tên vừa bắn xuyên qua tai tôi. Trái tim tôi nhảy thót lên một cái. Tôi biết giọng nói này! Không, phải nói chính xác là, giọng nói này đã nằm sẵn trong tiềm thức của tôi từ lâu, chỉ chờ đúng thời điểm là vang lên. Thân người tôi không tự chủ được, run nhẹ một cái. Đầu óc bỗng nhiên rỗng tuếch. Tôi vốn rất nhanh nhẹn, nhưng hôm nay đã gặp phải đối thủ, chưa kịp buông tay, tay tôi đã bị nắm chặt bởi một bàn tay ấm áp và mạnh mẽ. - Đúng là em không? Hạ Nhi? Chuyện quỷ gì thế này? Tôi ngẩng đầu lên. Quỷ thần thiên địa ơi, thế gian hơn bảy tỷ người, tôi ôm ai không ôm, lại đi ôm… hắn! Thật không thể tin được, sau bao nhiêu quãng thời gian đằng đẵng mong mỏi chờ đợi, rút cục cũng có một ngày, kẻ đứng trước mặt tôi, mà thậm chí tôi còn đang ôm trong tay kia… chính lại là hắn. Như thể đang có một thước phim đen trắng chạy rè rè. Tôi trong vai một cô tiểu thư duyên dáng bị trói trên đường tàu hỏa, và đằng trước là đoàn tàu đang sầm sầm lao tới... sầm sập… sầm sập… Sếp nhỏ thấy tôi đứng ngẩn ngơ, không có vẻ gì là muốn buông người ta ra, liền hắng giọng: - Hạ Nhi… Tôi quay sang nhìn sếp, đôi mắt vẫn vô hồn. Sếp hắng giọng lần nữa: - Đây là ông Trần… - Tôi biết. Tôi ngắt lời sếp một cách sỗ sàng. Sếp choáng. Suýt nữa thì rớt luôn cặp mắt kính. Có gì mà phải choáng? Tôi biết hắn quá rõ mà. Cái mặt hắn, cho dù cháy ra tro tôi cũng nhận ra cho bằng được. Sao tôi lại không thể nhận ra, khi mà đêm nào trước khi đi ngủ, tôi cũng tưởng tượng ra mọi cách man rợ nhất để mà hành hạ hắn cho hả giận? Đôi lúc tôi cũng phải thầm tiếc cho chính mình, với những gì tôi đã tưởng tượng giá như tôi sinh vào thời trung cổ, hẳn tôi đã lẫy lừng mà trở thành một nhà phát minh – kiêm đao phủ khét tiếng, uy danh chấn động, xứng đáng được ghi vào sử sách. Tôi ngước lên, khóe miệng ráng nhếch lên một nụ cười khẩy lạnh lùng – nụ cười mà ngày nào tôi cũng thực hiện trước gương – nụ cười đặc biệt để dành riêng cho ngày hội ngộ. Hóa ra tôi cũng không phải chờ đợi lâu lắm để được gặp lại hắn, chỉ có hơn bảy năm, chỉ có hơn hai ngàn ngày! Đời người có sáu mươi năm, chỉ phải chờ đợi bảy năm – có đáng là bao nhiêu! Tôi duyên dáng cúi xuống, rút giày ra, lòng còn thầm tiếc nuối tại sao hôm nay tôi lại không trang bị cho mình đôi ủng hai mươi phân. Tôi cầm giày trên tay, không hề mảy may nghĩ tới mấy tiếng bị đuổi việc. Mặc kệ, bây giờ thì tôi bất cần, dù cho Ngọc Hoàng Đại Đế hạ phàm đi chăng nữa cũng chẳng cản nổi tôi. Tôi cười khẩy lần nữa, và chọi thẳng giày vào người hắn. Giới thiệu: Nhân vật: tôi; Tên: Nguyễn Hạ Nhi; Tuổi: gần 25; Nghề nghiệp: biên tập viên - Công ty Truyền thông Quảng cáo Ánh sao Việt, công ty con - trực thuộc P&L Group. Nhân vật: Hắn; Hắn – nói đơn giản và ngắn gọn – là kẻ tử thù mà tôi đã quyết định long trọng đặt lời thề, đời này kiếp này, tôi sống là để nhớ về hắn và… hận hắn. Hắn… là mối tình đầu của tôi. Là nỗi đau của tôi. Là vết sẹo không bao giờ lành của tôi. … Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ, người trong thị trấn tuy hầu hết là người tứ xứ vào lập nghiệp nhưng trước kia đều xuất thân từ một nông trường quốc doanh, đã từng ở chung trong một khu tập thể nên ai ai cũng thân thiết với nhau như người nhà. Thân từ đời cha mẹ cho tới đời con cái. Thời tiết thuận lợi, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, con người hòa thuận. Nên, có thể nói rằng, thời thơ ấu của tôi là một khoảng thời gian cực kỳ tươi đẹp. Tôi có hai ông anh vừa điên vừa điêu – tuy đối với người ngoài thì không khác gì hai thằng giặc con, nhưng đối với bố mẹ tôi, đó là hai trân châu bảo vật quý giá nhất trần đời – người sinh đầu năm, người sinh cuối năm, trông ra không khác nhau gì mấy, thoạt tiên ai cũng tưởng là sinh đôi, lúc nào cũng dính nhau như sam. Anh cả là Xuân Nhi, anh thứ là Đông Nhi. Mẹ tôi sau khi sinh tôi (vào mùa hè) đặt tên là Hạ Nhi, cố gắng hết sức ráng kiếm thêm một đứa Thu Nhi nữa, nhưng dù bỏ công bỏ sức ra thế nào, cũng chẳng làm nên cơm cháo gì, tới giờ thi thoảng nhìn ba anh em tôi vác gươm vác giáo rượt nhau, vẫn còn chép miệng tiếc nuối. - Người ta thắp nhang thơm sinh ra con quý con hóa, tôi thắp nhang muỗi hay sao mà sinh ra cái đám này. Trong lúc mẹ tôi lắc đầu ngao ngán thì cái đám này vẫn vô tư đánh nhau chí chóe, la hét ầm ĩ rồi cười hềnh hệch. Năm hai ông anh tôi lên lớp hai, tức là chừng bảy, tám tuổi gì đấy, chẳng hiểu ngớ ngẩn thế nào, cả đôi rủ nhau trèo lên nóc nhà, nhắm mắt đưa chân - nhảy xuống, tôi lúc ấy mới năm, sáu tuổi, còn chưa đi học lớp một, đứng dưới nghểnh cổ, vỗ tay cổ vũ toe toét. Nghe cái “rầm”, một tên gãy chân phải, tên kia gãy chân trái, bà em – tức là tôi đây – vẫn đứng vỗ tay, cười tít mắt, khoái chí không để đâu cho hết. Bố mẹ tôi sau cả một đêm thức trắng trong bệnh viện, rút ra được một kết luận: Trách nhiệm của tai nạn này thuộc về trình độ giáo dục của nhà trường. Rồi nghĩ tới nghĩ lui, vẫn chưa thấy an tâm, lập tức mở một võ đường, lấy một cái tên hoành tráng “võ đường Nhân Đức”. Mục đích rất chi là tốt đẹp, vừa dạy võ thuật vừa dạy võ đức nhằm nuôi nấng con cái thành người, tuyệt đối không để chúng rảnh rỗi học ba cái phim chưởng bậy bạ, rồi lại leo lên nóc nhà phi thân phát nữa. Thời kỳ đầu võ đường mở ra chủ yếu để dạy võ miễn phí cho anh em tôi và thêm mấy đứa trẻ con nhà hàng xóm. Nhưng sau đó, nhờ một vụ bắt cướp đầy gay cấn như phim hành động của bố tôi, báo chí đưa tin rầm rộ, danh tiếng võ đường Nhân Đức được cả tỉnh biết tới nên càng lúc võ sinh tới theo học càng đông. Bố tôi không chỉ biết võ, mà đầu óc còn rất nhanh nhạy trong chuyện làm ăn, lập tức cho ra đời công ty vệ sỹ Nhân Đức do chính bố tôi làm giám đốc, kiêm nhân viên bảo vệ - vệ sỹ cao cấp. Đầu tiên, tôi tưởng bố tôi lập công ty để tự mình làm giám đốc cho oai, chẳng dè đâu, chỉ sau vài tháng, hợp đồng thuê người cứ tới tấp đổ tới, bố tôi càng lúc càng phát tài. Vì bố tôi bận rộn, nên bỗng nhiên công việc ở võ đường cứ ào tới dồn dập, mẹ tôi và hai ông anh tôi quản không xuể, vậy nên, mới lên lớp sáu, mười hai tuổi, tôi đã được mẹ nghiễm nhiên cho đứng một lớp dạy võ cho đám học sinh cấp I. Chuyện này làm tôi rất chi là khoái – tới nỗi mấy đêm liền tới lúc ngủ say rồi vẫn còn cười hi hí. Rút cục thì sau bao năm khổ cực, cũng có ngày tôi đã được ngẩng mặt với đời. Vốn là fan cuồng của kiếm hiệp Kim Dung, lại là con nhà võ nên cách nhìn đời của bố mẹ tôi có đôi chỗ không được giống người bình thường cho lắm, ba anh em tôi vừa mới nứt mắt ra đã được cái hạnh ngộ sống trong không khí sặc mùi kiếm khách giang hồ. Sinh ra đã là con nhà võ, nên ngay từ mới lổm nhổm tập đi, ba anh em tôi đã được (hay bị?) bố mẹ bắt tập võ. Muốn học võ đương nhiên phải rèn thể lực, mẹ tôi bắt tôi rèn thể lực mọi lúc mọi nơi. Khi tôi chập chững vào lớp một, bố mẹ nhà người ta thì dắt díu bế bồng con mình đi khai giảng ở trường làng, còn bố mẹ tôi lạnh lùng chở tôi lên phố huyện cách nhà năm cây số, thả tôi ngay ở chợ, rồi bắt tôi tự một mình đi bộ tới trường nằm ở cách đó ba bốn cái ngã ba. Tôi bẩm sinh mắc bệnh mù đường, năm năm học tiểu học, lạc đường không biết bao nhiêu lần. Có hôm tới được lớp thì đã thấy cả trường đang trong giờ ra chơi. Nghĩ lại, đôi lúc tôi thấy tôi hồi đó hơi khờ. Đằng nào cũng không tới được trường, vậy mà không biết vào chợ mà chơi đu quay, đợi cho hết buổi rồi bố mẹ tới đón về. Tới khi lên cấp hai thì quãng đường từ nhà tới trường nhân lên gấp đôi, bố mẹ tôi không chở tôi đi học nữa, với lại, lúc này ý chí tự lập của tôi cao ngất ngưởng lắm rồi, trên cái xe đạp cùi hay bị tuột xích của hai ông anh bỏ thừa lại, ngày nào tôi cũng gò lưng đạp xe đi, đạp xe về. Xe hư thì tự đi bộ, không bao giờ có chuyện mở miệng năn nỉ ỉ ôi bất kỳ ai. Bao năm trời đội nắng đội mưa trên quãng đường chục cây số, không một ngày tôi nghỉ học. Thậm chí còn mấy lần được cô giáo khen về cái tội chăm chỉ! Đến bây giờ, thi thoảng nghĩ lại, tôi vẫn còn rùng mình tự hỏi, không biết cái con bé Nguyễn Hạ Nhi hồi nhỏ khi lớn lên có phải là mình bây giờ hay không. Trời xanh có mắt, thương tình phú cho tôi có tập tính thích nghi cao. Lại cho tôi thêm môi trường gia đình khắc nghiệt, nên tôi tuy nhỏ người nhưng tuyệt đối khỏe mạnh, nhờ thế mà dù trải qua bao nhiêu tai to nạn nhỏ, tôi vẫn kiên cường sống sót. Từ năm lớp sáu, tôi lại được khoác thêm cái chức sư phụ với bọn trẻ con nên không quản đêm ngày, rảnh một chút là theo hai ông anh đi đánh nhau, quyết tâm trở thành một anh hùng danh chấn võ lâm. Danh chấn võ lâm ở đâu thì tôi chưa thấy, chỉ biết mỗi lần ba anh em tôi tơi tả nhưng đầy hào hứng hí hửng về nhà là đã có sẵn một bà mẹ nào đó đứng chờ ở cổng mắng vốn bố mẹ tôi. Mẹ tôi bình thường rất dịu dàng, nhưng khi lên cơn thì tới bố tôi cũng đành phải lép vế, nép mình sang một bên. Những lúc bị đòn oan ức như vậy, tôi thường thấy tiếc cho chính mình, quả là tôi đã sinh ra nhầm thời, lại còn nhầm cả giới tinh! Ví phỏng tôi là một trang hảo hán thời phong kiến, hẳn đã có thể dùng đao kiếm mà lừng lừng lẫy lẫy ghi tên mình vào sử sách. Tới khi tôi lên cấp ba - phần vì tôi học hành, tuy lởm khởm nhưng vẫn tốt hơn chán vạn hai ông con quý tử trời đánh của bố mẹ tôi, hai ông ấy tối ngày chỉ biết lo đi đấm đá hết cho huyện rồi lại cho tỉnh, không chịu học hành cho đường hoàng; phần vì bố mẹ tôi bản tính lo xa, sợ rằng cứ để tôi ở nhà lê la đi đánh nhau hoài thì tương lai hẳn sẽ rất mờ mịt, và có thể lắm chứ, tôi sẽ trở thành bà cô tổ, điều mà cả thị trấn, những ai biết tới tên tôi chẳng mảy may nghi ngờ - bố mẹ tôi quyết định cho tôi xuống trường chuyên ở thị xã học. Lần này thì cách nhà đúng năm mươi cây số. Theo lời mẹ ráng giải thích cho tôi hiểu, tuy rằng tôi là con nhà võ nhưng vẫn phải có văn hóa, cho bố mẹ tôi còn có chỗ mà ngẩng mặt với đời. Tôi sinh ra vốn đã ít nói, ngoại trừ những lúc đánh nhau dùng lời khích bác đối phương thì tôi cũng chỉ nói khi quát đám võ sinh láo nháo, mẹ tôi nói bao nhiêu đi chăng nữa, tôi cũng chỉ một từ “không” trả lời. Mẹ tôi nói ngọt được đến ngày thứ ba, tới ngày thứ tư, vừa nghe tôi nói không, lập tức hiện nguyên hình, đùng đùng lôi tôi ra võ đường, nhét vào tay tôi cây côn nhị khúc. - Cho mày dùng vũ khí. – Mẹ tôi nói. – Mày thắng mẹ thì mày muốn làm gì thì làm, còn thua, thì đừng trách mẹ ác. Mẹ tôi nói xong, đứng thủ thế. Tôi vốn dĩ là học trò của bố tôi. Mà bố tôi trước kia phải nuốt lệ lấy mẹ tôi là vì trót dại đánh nhau thua mẹ. Sư phụ còn thua thì thứ đệ tử tép riu tôi nào đáng kể gì. Nghĩ đi nghĩ lại, mạng người quan trọng. Thôi thì đành gạt tình riêng nghĩa tư qua một bên, nghe lời hai bậc sinh thành, làm một đứa con hiếu thảo. Sau khi mẹ tôi nộp hồ sơ cho tôi xong, liền vác ở đâu về một đống sách luyện thi lên lớp 10 bắt tôi ngồi nhà đọc cho bằng hết. Vì bị hai ông anh canh chừng rất chặt chẽ, nên không còn cách nào khác, tôi đành phải giả bộ chăm chỉ học hành. Đọc được hết một cuốn thì tôi chợt ngộ ra, muốn vào được trường Chuyên đâu phải chuyện đơn giản, dù gì cũng là trường điểm của tỉnh, toàn dân đầu to mắt cận mang trên người cái bảng đề mấy chữ thiên tài mới có cơ, chứ còn như cái ngữ tôi, thi đi thi lại hai ba lần, vớt đi vớt lại thêm mấy lần nữa cũng chẳng thể nào có cửa mà đua với đời. Nghĩ thông được tới đó, tôi tự phục mình vạn lần, tự mình thưởng cho mình một đôi bao tay đấm bốc mới tinh thuộc hàng thượng hạng. Hai ông anh thấy tôi mua bao tay, lập tức viện cớ phải lo tập luyện, cũng không dám canh chừng tôi gắt gao như trước. Nghe tin tôi rời xóm nhà tranh, lưu lạc vào chốn ba quân giáo gươm vạn dặm, từ đám tay sai cho tới lũ đệ tử của tôi đều ôm nhau khóc hu hu. Cũng chẳng cần biết tụi nó vì sao mà khóc, cứ thấy nước mắt là tôi mềm lòng, bèn an ủi: - Tụi mày không phải lo, yên tâm đi, chị hai không phải đi một lần là mãi mãi đâu, chị hai sẽ có cách để trở về với tụi mày. Tụi nó càng ôm nhau khóc dữ hơn nữa. Mãi sau này tôi mới được biết, vì tưởng tôi sẽ ra đi mãi mãi nên tụi nó khóc vì quá vui mừng. Ngày tôi xách va-ly đi, trời xanh nắng đẹp, không chút gì gọi là thiên sầu địa thảm như kiểu “Gió đìu hiu sông Địch lạnh lùng ghê/ Tráng sỹ một đi không trở về”. Bố mẹ tôi vì muốn con tự lập nên quyết định cho tôi tự đi một mình. Địa chỉ cầm sẵn ở tay, tôi thở dài một tiếng, leo lên xe bus, nhét va-ly xuống chân, rồi ngó đầu ra cửa sổ, khoát tay với hai ông anh. - Nhị vị đại ca về đi, nhớ bảo trọng. Vài ba ngày nữa, em lại hồi hương thỉnh giáo võ học của hai vị. Mấy người trên xe bus nhìn tôi thiếu chút nữa lòi tròng hai con mắt. Hai ông anh tôi thấy tôi lên xe rồi, lập tức vẫy tay như điên. - Đi nhé, ráng thi cho đậu, học hành chăm chỉ, một năm, hai năm về cũng được. Ông anh cả Xuân Nhi còn hạ cố với thêm. - Tuyệt đối giữ bí mật địa chỉ nhà mình nghe chưa! Đừng để người ta tìm về tận nơi bắt đền. Nói xong, hai ông phi thân lên xe máy, phóng mất dạng. Vậy là quãng đường xa thăm thẳm trước mắt, chỉ còn một mình tôi, thân gái dặm trường. Bố tôi có một ông bạn, ngày còn nhỏ là sư huynh sư đệ cùng bố tôi bái chung một thầy, học chung một lớp võ, tính tình cũng có đôi chỗ khác người (nhưng xét về mọi mặt thì ngoài cái tính nóng như lửa ra, cái gì cũng rất tốt), sau lớn lên thành thanh niên thì cùng là bộ đội trong cùng một đơn vị, từng vào sinh ra tử với nhau không biết bao nhiêu lần. Ngày tôi còn nhỏ, thi thoảng được ngồi làm con gái rượu của bố trong mấy bữa tiệc tiếp khách, ông bạn ấy của bố tôi hay xoa đầu tôi mà bảo, ngày xưa không có bố mày thì bác đây bị chôn sống mất xác rồi, đấy, bác có mỗi một đứa con trai, mai mốt lớn, bác gả nó cho mày về làm rể nhà này trả cái ơn cứu mạng. Tôi nghe xong, lúc nào cũng cong cái môi lên đáp một cách lè nhè bắt chước lúc bố say rượu: - Nhưng phải đẹp trai cao to đấy. Tôi mang danh là con nhỏ háo sắc từ thuở ấy. Bây giờ nghe tin tôi xuống thị xã thi vào trường Chuyên thì ông bác bạn của bố ấy vui mừng không sao kể xiết, lập tức nhăm nhe với bố tôi, bảo tôi cứ đến nhà bác mà ở, không quên kèm theo câu giới thiệu sặc mùi quảng cáo: - Chú tới nhà anh cũng biết rồi, nhà anh thì rộng, người chẳng có bao nhiêu, anh quanh năm suốt tháng ở lò võ, dăm ba hôm mới ghé về nhà một lần, chị dâu chú tuy ít nói nhưng hiếu khách. Ai chứ con dâu tương lai mình thì ai chả quý. Chú cứ cho con bé tới nhà anh. Cơm ăn nước uống không phải lo. Anh em nó may ra học chung trường, biết đâu lâu ngày hai đứa nó hợp nhau, nảy sinh tình cảm thì chỗ anh em đồng chí mình, càng dễ nói chuyện. Bố tôi nghe nhiều, đâm ra thấy lọt tai, gật gù mãi không thôi, cứ xoa xoa tay mà nức nở: - May mắn quá, ai chứ bác thì em yên tâm lắm. Cứ sợ cháu nó đi xa học hành, không có bố mẹ bên cạnh thì tủi thân, giờ có bác hết lòng chăm cho thì quý quá, còn gì bằng. Chính vì cái yên tâm lắm của bố đã khiến tôi phải một mình xông pha. Quãng đường năm trăm mét từ nhà tới quán điện tử tôi đi mòn không biết bao nhiêu đôi dép mà chỉ cần mất tập trung một chút tôi đã lạc tới lạc lui, có khi còn mò ra tận bờ sông (rồi ngồi luôn ở đó ngắm trời ngắm đất băn khoăn tự hỏi, chốn nào là đường về nhà). Giờ đối mặt với một quãng đường dài đằng đẵng, chưa từng đi bao giờ, không khéo tôi vượt biên sang nước bạn luôn chứ chẳng đùa. Tối hôm qua trước khi đi ngủ, mẹ vào phòng nói chuyện với tôi rất lâu, nào là giờ tôi đã lớn, phải biết tự lập, biết suy nghĩ, biết tính toán, biết ứng xử… một đống cái thứ phải biết gì đó nữa, mẹ còn bảo phải xa tôi thế này mẹ cũng buồn lắm, nhưng vì tương lai của tôi, mẹ phải hy sinh tình cảm riêng tư lại… nghĩ tới đó, tôi bỗng thấy nhớ nhà kinh khủng, tôi nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ hai ông anh, giờ này nếu tôi đang ở nhà thì hẳn là tôi đang đánh nhau rất náo nhiệt với hai ông anh khiến mẹ tôi nổi điên mà rượt đánh cả ba đứa. Xe bus cứ chạy ầm ầm, mọi người trên xe cứ ồn ào nói chuyện, còn tôi thấy mình thật lẻ loi, thật đơn côi, thật bé bỏng, thật tội nghiệp. Thế là xe mới đi được một quãng, tôi bắt đầu thút thít. Thật là may mắn khi tôi gặp trúng chuyến xe bus có anh phụ xe tốt bụng, thấy tôi khóc bèn an ủi rất nhiệt tình, sau khi hiểu lơ mơ vấn đề và đọc xong địa chỉ của tôi đưa cho liền chỉ dẫn tôi hăng hái tới nỗi thậm chí quên không thu tiền vé xe của tôi mà còn nói bác tài thả tôi xuống ngay trước cổng nhà ông bác bạn của bố. Kết quả, sau hơn một tiếng đi xe bus, tôi xuống xe, chỉ phải đi bộ sang đường, tìm tới trước một căn nhà trông cực kỳ xinh đẹp, nằm trong một khu dân cư thưa thớt, yên tĩnh ven ngoại ô (phong cảnh xung quanh cũng không khác thị trấn nơi chôn rau cắt rốn của tôi lắm – điều này làm tôi yên tâm phần nào). Nhìn đi nhìn lại bảng địa chỉ gắn trên cổng, phải chắc chắn tới lần thứ một trăm là không sai vào đâu được, tôi mới dám bấm chuông. Bấm xong một hồi, tôi đứng chờ. Chờ cả mười phút sau cũng chẳng thấy ai. Tôi nhìn địa chỉ lại một lần nữa, đọc đi đọc lại cho chắc ăn từng chữ, sau đó, cắn răng, nhấn chuông thêm phát nữa. Chờ mãi cũng chẳng có ai thèm ra. Tôi vừa tức vừa quê chỉ muốn đấm cho cái chuông một đấm. Hồi đó chưa có điện thoại di động nên tôi không biết phải cầu cứu ai, chỉ biết đứng chờ, nhìn chăm chăm vào cái chuông một cách ngây ngốc. Trong thời gian chưa kịp nổi nóng, tôi rút ra được một kết luận: Đứng chờ lơ ngơ trước một cái cổng đóng im ỉm tại một nơi xa lạ là một hành động gây ức chế nhất trong đời một con người. Khóc thì đương nhiên không khóc được, theo thói quen, tôi chỉ khóc khi có khán giả hoặc vì một mục đích cao cả nào đấy, thế nên, tôi tức tới nghẹn cả họng.