Vùng Đất Vô Hình

Chương 83 : Có đôi khi, thật giả khó phân (phần 3)

Ăn uống no nê thằng Ca bắt đầu lại ra sau nhà làm việc với con hình nhân. Y đang học cách tháo kim và khâu lại kim trên phong ấn. Như con ma Lê Tấn chỉ bảo, việc này khiến y có thể dễ dàng khống chế con quỷ bên trong hình nhân hơn. Buổi chiều thu nắng không oi bức như lúc sáng nữa. Thằng Ca cởi trần hì hụi đâm kim lại tháo kim cho đến lúc tay mỏi nhừ. Y đứng dậy vươn vai, xoay xoay cổ và hông cho đỡ cứng đờ, rồi với tay lấy bầu nước. Y dốc lên miệng. Trong bầu không có lấy một giọt nước. Thằng Ca cảm thấy thật kỳ quái. Lúc trưa trước khi ra đây làm y đã múc đầu bầu nước, còn chưa kịp uống lần nào. Chả lẽ bầu nước bị thủng? Hơi bực mình, thằng Ca đi ra giếng múc lại một bầu nước khác và quan sát. Bầu nước vẫn nguyên lành, không hề có lấy một vết nứt nào. Đến một giọt nước chảy ra ngoài cũng không có. “Hay có thằng đàn em nào lén đến trêu đại ca?” Thằng Ca nghĩ bụng. Y liền đi vào nhà. Bên trong căn nhà lụp xụp, thằng Sửu đang nằm trên chõng ngủ như lợn chết. Người nó vốn dĩ to cao nên hai cẳng chân thừa ra ngoài, buông xuống đất trông rất buồn cười. Thi thoảng có con ruồi bay qua đậu trên cái miệng bóng nhẫy của nó, làm nó khươ khươ tay đuổi. Nhìn thấy thế Thằng Ca bật cười. Nếu mà trêu y thì chỉ có thằng Lài với thằng Lí Hợi thôi chứ thằng Sửu thì y không tin. Thằng Ca liền quay trở ra ngoài. Không khí mùa này thật dễ chịu. Không biết nhà ai trồng thị chín mà thơm ngọt ngào đến thế. Cái vị thơm mát mà dịu dàng như lời ru của mẹ khiến thằng Ca nhớ về những ký ức cũ. Thuở mẹ y còn sống, cứ đến mùa thu, mỗi lần đi chợ phiên về là mẹ nó lại mua cho nó một quả thị. Hồi đó cha thằng Ca còn chưa mở quán ăn nên nhà nó nghèo lắm. Một quả thị vừa là một món đồ chơi, vừa là một món đồ ăn mà thằng Ca có thể đem ra để khoe với lũ bạn trong suốt mấy tuần liền. Mặc dù thị ăn không ngon, nhưng mỗi lần thằng Ca lấy ra, lũ bạn hàng xóm đều nhìn với con mắt thèm thuồng. Cứ hết buổi chiều về, thằng Ca đều hí hửng khoe với mẹ về quả thị và những hành vi buồn cười của lũ bạn, miệng liếng thoắng không ngừng. Mẹ y không nói gì, chỉ mỉm cười và xoa đầu y. Một quả thị thường có thể khiến thằng Ca chơi đến cả tháng, cho đến khi nhũn ra, thâm sì và chảy xuống nơi tay. Có lần thị chín chảy cả lên bộ quần áo mà mẹ y mới may khiến thằng Ca sợ lắm. Nhìn mấy bàn tay thâm sì trên vải mới đỏ au, thằng Ca không dám về nhà, chỉ trốn trong bụi chuối khóc rấm rức. Mãi đến tối lúc đi ăn cơm không thấy thằng Ca đâu, mẹ mới đi tìm và thấy y ngồi nấp, hai hàng nước mắt chảy dài. Mẹ không đánh không mắng chỉ dắt tay y về, dịu dàng bảo y thay cái áo khác rồi ăn cơm. Hôm sau rồi hôm sau nữa mẹ thằng Ca đều mang theo cái áo đó ra giếng giặt, chà cho đỏ hết hai bàn tay. Thằng Ca còn lững lững đi theo che nắng cho mẹ, thế nhưng cái áo đỏ đó không bao giờ giặt sạch được. Mấy bàn tay thâm sì đó chỉ nhạt đi chứ không mất hẳn. Chiếc áo mới liền trở thành áo cũ và xấu. Thế nhưng nó là cái áo mà thằng Ca thích nhất, cho dù sau này có mua bao nhiêu áo mới thì y vẫn thích, vẫn mặc bất cứ khi nào có thể. Bởi vì đó là cái áo cuối cùng mà mẹ y may cho y. Sau này, khi lớn lên, áo không thể mặc vừa nữa nhưng thằng Ca vẫn cất giữ nó như một món báu vật quý giá nhất cuộc đời. Gạt gạt nước mắt, thằng Ca quay trở lai với công việc của mình. Có lẽ một ngày nào đó, khi y có đủ quyền năng để đi đến cõi âm, y sẽ tìm mẹ để hỏi tại sao lại bỏ cha con y mà đi sớm như thế? Để lại những khoảng trống và nỗi nhớ khắc khoải trong suốt bao nhiêu năm. Giấc mơ xa xôi của thằng Ca bị đánh thức bởi tiếng gào của thằng Lài. Hình như nó và thằng Lí Hợi đang làm gì trong vườn nhà hàng xóm. Một linh cảm không lành bỗng hiện ra trong đầu y. Sợ nó xảy ra chuyện gì, thằng Ca phi ngay qua hàng rào, mặc cho gai mây cào rách cả tay chân.Nó chạy vội đến nơi có tiếng người. Nhà hàng xóm là của một người bà con với thằng bé Đảm nhưng đi làm ăn xa. Trong vườn ngoài mấy cây ổi bỏ hoang thì toàn là cỏ với cỏ. Có những bụi cỏ may còn cao gần đến đầu người. Thằng Ca gạt hết đám cỏ cao ra, cuối cùng cũng nhìn thấy hai đứa đàn em. Phía sau gian để củi đã mục nát, thằng Ca nhìn thấy thằng Lài đang ôm đầu gào thét thảm thiết. Bên trên là một bầy ong đang cắn xé nó. Thằng Lí Hợi thì đang vung một cây trện cùn đang bốc khói để đuổi ong cho bạn, nhưng chẳng hề ănnhằm gì. Bầy ong vẫn lao vào thằng Lài như con thiêu thân. Chỉ nhìn bầy ong thôi thằng Ca đã thấy rợn. Đám ong đang vây quanh thằng Lài là loại ong vò vẽ đầu vàng đốt cực đau. Thậm chí trâu bò còn bị đốt chết nữa là con người. Thế nhưng thằng Ca không ngừng lại lấy một giây liền phi vào trong đám ong. Rồi y kéo tay thằng Lài , vác lên vai chạy thật nhanh về phía bờ mương nước. Những cú chích đau đến ngạt thở khiến thằng Ca oằn oại. Nhưng y vẫn cắm đầu chạy rồi phi ùm xuống mương. Mương nước mùa thu rất cạn. Làn nước lạnh lẽo như thấm vào tận vết ong đốt nhức nhối trên người, khiến như có vô số cây châm trong da thịt. Thằng Ca cúi người nằm xuống cho nước che hết thân mình nhưng lũ ong vẫn không buôn tha, đuổi theo thằng Ca với thằng Lài một lúc lâu. Mãi đến một đoạn nước mương sâu hơn khiến thằng Ca có thể lặn xuống thì lũ ong mới chịu từ bỏ. Sau khi đàn ong đi rồi, thằng Ca mới vác theo thằng Lài lên bờ. Thằng Lí Hợi không biết đã đến đấy trước từ lúc nào, giúp thằng Ca đỡ thằng Lài nằm xuống cỏ. Thằng Ca thở hồng hộc, vừa phun nước trong miệng ra. Đầu tóc quần áo y ướt sũng. Lúc này nó mới để ý trên tay và trên cổ có vô số vết đốt, đều sung vù lên đỏ rực. Thằng Lí Hợi kiếm đâu được ít lá mát, nhai nát đắp lên cho anh Ca. Còn thằng Lài, lúc này chỉ còn một tí hơi thở mong manh. Cả người nó sưng vù lên, nổi cục như một cái tổ mối màu đỏ rực trông thật đáng sợ. Cả thằng Ca và thằng Lí Hợi đều biết thằng Lài chết chắc rồi. Vì làng không có thầy lang. Muốn cứu nó phải mang lên tận làng trên cách đến mấy dặm đường. Quả nhiên chỉ một lát sau, thằng Lài giãy đành đạch rồi tắt thở. Thằng Ca và thằng Lí Hơi cứ ngồi im bên xác thằng Lài một lúc lâu. Có đôi khi thằng Ca cảm thấy nơi này thật đáng sợ. Những chuyện không may mắn cứ liên tục xảy ra, nối tiếp nhau. Cả thằng Củi nữa, thằng Ca không nghĩ nó đã bỏ đi, vì thằng này là đứa lì lợm nhất trong đám đàn em của y. Hẳn là đã có chuyện gì xảy ra với nó rồi. Nếu thằng bé Đảm còn sống, thằng Ca nhất định sẽ hỏi là nhà nó có phải xây trên đất bị nguyền rủa hay không? Tiếp xúc với Lê Tấn lâu ngày, thằng Ca cũng biết đến nhiều kiến thức liên quan đến giới tu đạo và trừ tà. Chẳng hạn như làng Ma là do ác quỷ tạo thành. Khi con quỷ đạt đến những quyền năng nhất định, thì phạm vi xung quanh nó sẽ trở nên âm dương điên đảo, con người hay bị ốm đau bệnh tật do bị dính nhiều khí âm. Những người chết ở đấy sẽ biến thành âm hồn và không thể đi ra khỏi vùng phạm vi của con ác quỷ trừ khi nó cho phép. Ngược lại vùng cầu Bùn thì là do nguyền rủa tạo thành. Những người nào ở đó sẽ bị những nguyền rủa ám ảnh, thậm chí thay đổi số mạng của bọn họ khi ở trong vùng ảnh hưởng. Thậm chí đến khi chết rồi họ vẫn không thể siêu thoát mà trở thành một bộ phận của lời nguyền. Một khi người ta phá hủy lời nguyền thì bọn họ cũng tan biến luôn trong trời đất, không hề có cơ hội vào vòng luân hồi. Những chuyện xảy ra liên tục trong mấy ngày vừa qua khiến thằng Ca nhớ tới việc bị nguyền rủa. Nếu như không phải do nhà thằng bé Đảm thì hẳn làlời nguyền trong vùng cầu Bùn đã ảnh hưởng đến bọn y. Thế nhưng thằng Ca không biết tìm ai để hỏi. Lê Tấn từ ngày ở cầu Bùn trở về vẫn im ắng như đang ngủ mê, mặc cho thằng Ca kêu gọi thế nào cũng không hiện lên.