Vạn Kiếp Phi Hoa
Chương 7
Cách để thời gian trôi qua nhanh nhất chính là chăm chỉ, miệt mài, khiến bản thân mình không ngừng bận rộn mà không có thời gian nghĩ về điều mình đang chờ đợi. Khi ở phủ nghĩa mẫu, ta cũng vẫn luôn nhớ về cha mẹ ở thái ấp An Sinh, khi ở chùa ta lại mang thêm nỗi nhớ kinh thành. Tên Đạm Bạc nói ta đâu có nhớ "kinh thành", ta chỉ nhớ "Thiên Thành" thôi. Dù sao hắn cũng nói đúng, nhưng hắn có vẻ "vuốt mặt mà chẳng nể mũi", phận là gia nô của ta lại thích nói trúng tim đen rồi vạch trần tình cảm của ta. Ta đã quá dễ dãi với hắn phải không?
Sáng sớm lên, ta như mọi ngày đi gánh nước qua bờ sông Nhuệ, ngắm nhìn dòng sông êm đềm chảy trôi. Bỗng ta thấy có người đang vùng vẫy giữa dòng nước. Ta đã được nghe mấy vị huynh đệ trên chùa truyền cho một số kinh nghiệm về việc cứu người đuối nước, vì khu vực sông Nhuệ năm nào cũng xảy ra vài vụ chết đuối rất thương tâm, đôi khi cả người nhảy xuống cứu cũng mất mạng. Người bị đuối nước thực chất khó có thể kêu cứu, mũi và miệng của họ bị chìm trong nước, càng vùng vẫy càng tự nhấn chìm chính mình, không thể tạo ra tiếng động nên người xung quanh cũng khó có thể phát hiện nếu không để ý kĩ.
Ta thận trọng bơi về phía sau của người bị nạn, vì người bị đuối nước thường theo quán tính và bản năng bám víu, siết chặt vào ai đó hay vật nào đó để mong giữ được tình mạng nên vô tình gây cản trở cho người đến cứu, khiến cả hai người đều đuối sức, và kết cục là cái chết thảm thương. Ta nắm vai và khóa tay cô nương đó ra đằng sau để giúp cô ấy ngửa mặt lên trên rồi kéo cô ấy bơi vào bờ. Ta ép tim ngoài lồng ngực, cô ấy ói ra nước, có thể mở mắt tỉnh dậy, ta mới thở phào nhẹ nhõm. Hôm nay, ta đã cứu được một mạng người.
- Cảm ơn anh, Quốc Tuấn!
- Không sao là tốt rồi. Mà sao cô lại biết tên ta? Hình như ta đã từng gặp cô rồi?
- Em cũng ở trên chùa Thắng Nghiêm, có thể anh không biết em nhưng em đã ngưỡng mộ anh rất lâu rồi.
- Ngưỡng mộ ta ư? Ta vẫn còn phải học hỏi thiền sư và các huynh đệ trong chùa nhiều lắm. Thật thất lễ quá khi chưa thể nhớ tên em?
- Em tên là Vi Thủy. Khi em mới chào đời đã bị cha mẹ bỏ rơi nơi cửa chùa, các sư cô nuôi dạy em, đặt cái tên "Vi Thủy" nghĩa là khởi đầu mới, hy vọng em sẽ sống một cuộc sống thật ý nghĩa.
Là một cô nương sống ở cùng một mái chùa mà ta lại không hay biết, ta vẫn còn giữ chút tính cách khi còn ở kinh thành dù ta đã mở lòng mình nhiều hơn, đàm đạo với thiền sư, tập luyện với các vị huynh đệ, điều mà trước đây ta chưa từng được trải qua.
Mãi sau này ta mới hiểu hóa ra cảm xúc của con người không đến từ những điều xảy ra với họ mà bị chi phối bởi những phản ứng tự nhiên bên trong họ. Đó cũng là lí do tại sao, ta chạm mặt rất nhiều người nhưng rồi cũng đi ngang qua nhau. Gặp gỡ chỉ là một tất yếu, giống như dòng nước trôi qua kẽ tay, ta không thể hứng trọn dòng sông trong lòng bàn tay. Nếu xông pha trận mạc, chỉ có chết hay là sống, chỉ có chiến thắng hay là thất bại, nhưng trong tình cảm thì lại hoàn toàn khác, đôi khi ta còn không thể hiểu được tại sao ta rung động trước người ấy. Thay vì băn khoăn tìm xem lí do tại sao, ta đơn giản cứ nghĩ đó là "phản ứng tự nhiên", tự nhiên ta yêu một ai đó thôi.
Để tiện cho việc đi lại và buôn bán giữa hai bờ sông Nhuệ, các trai tráng làng bên cùng với những thanh niên tu tập trên chùa Thắng Nghiêm bọn ta đã cùng nhau hợp sức xây cầu bắc qua sông. Nhờ việc "xông pha" đi xây cầu mà ta đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm của các bô lão, ví như việc sẽ cắm cọc trụ xuống lòng sông như thế nào. Ta rất khâm phục những tiền nhân đi trước, trong lòng bội phần biết ơn, nghĩ về thế hệ cha ông mà ta nghĩ đến bản thân mình, làm nam nhi đứng trong thiên hạ phải làm sao cho đáng mặt nam nhi. Ta đặc biệt quan tâm đến trận địa Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền và năm 981 của Lê Đại Hành. Nếu đất nước đang yên bình, nếu kẻ thù không đến, nếu thời thế không như vậy há chi ta phải lao tâm tổn chí mà ngẫm nghĩ, mà nghiên cứu về binh pháp. Nào đâu ta mang trong mình cái tâm hiếu chiến nhưng đâu thể thiếu cái tâm phòng ngự. Ta sẽ không bàn đến chiến thuật quân sự như phải dụ địch đến bãi cọc khi thủy triều còn cao, hay việc phải nắm vững quy luật thủy triều, sự lên xuống của dòng nước để dụ địch đến bãi cọc vừa lúc thủy triều rút như thế nào để thuyền địch bị mắc cạn và bị cọc đâm. Điều ta quan tâm trước hết tiền nhân đã đóng cọc xuống sông Bạch Đằng bằng cách nào. Đương nhiên cọc trụ sẽ được làm bằng loại gỗ tứ thiết như đinh, lim, sến, táu dài tầm 7 đến 10 thước. Ta đã đúc kết được một số phương pháp đóng cọc, đối với loại đất bùn không cứng lắm, ta có thể cầm cọc dộng lắc xuống đáy sông.
Còn về kĩ thuật ròng rọc, kéo vồ lên cao rồi thả xuống đầu cọc, sau khi bàn bạc với Trần Thông, một thanh niên cũng rất ham tìm hiểu về võ nghệ và binh pháp. Bọn ta đã cùng có chung quan điểm rằng sẽ khó có thể đóng cọc bằng phương pháp này. Nếu gỗ được đẽo nhọn đầu trước thì khi thả vồ xuống, đầu gỗ sẽ bị tòe ra hết còn ngược lại nếu đóng cọc xuống rồi mới vát nhọn đầu ngược từ dưới lên cũng không phải chuyện đơn giản.
Theo kinh nghiệm đóng cọc đáy của dân chài cha ông ta: "Dây giữ cọc, cọc giữ dây, dây giữ thuyền" hay còn gọi là phương pháp bập bênh, ta thấy khả thi hơn cả. Cọc lớn sẽ được thả xuống sông, dựng thẳng đứng so với mặt nước, phần ngọn buộc sợi dây để kéo và điều chỉnh cọc. Sau đó người ta sẽ buộc que ngáng nữa vào thân cọc chính tạo thành hình chữ thập, hai người sẽ trèo lên bập bênh, lắc ngang thân cọc để cọc chính từ từ chìm xuống lòng sông.
Có những chuyện ngày hôm nay ta làm đâu mong tương lai sẽ đem đến điều gì, chỉ biết rằng hãy cứ làm với hết nhiệt huyết, hoài bão tuổi trẻ, ít nhất ta sẽ không phải hối hận.
Chúng ta, người vác gỗ, người mang búa, mang đinh, người lo đóng cọc, chúng ta lội giữa làn nước sông Nhuệ hiền hòa, đứng giữa ánh nắng vàng dịu nhẹ. Chúng ta lau đi mồ hôi vương trên trán, tấm áo ướt đẫm nặng nhọc bằng những câu chuyện mộc mạc và giản dị, bằng thứ tình cảm chân thành và đằm thắm. Chén nước vối cũng đủ xua tan cơn khát, tiếng động viên nhau như tiếp thêm sức mạnh. Trần Thông bá vai ta nháy mắt về phía bờ sông:
- Xem ai đang đứng đợi cậu kìa?
Truyện khác cùng thể loại
65 chương
185 chương
14 chương
29 chương
13 chương