Ngày...tháng...năm... Quốc Tuấn gửi cho ta một đóa nhài trắng ép khô. Hoa nhài trắng tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết. Khi đem tặng nhài trắng cho người mình yêu còn có ngụ ý là "Tình yêu anh dành cho em vẫn vẹn nguyên như ngày đầu". Ngày...tháng...năm Lần này là đóa hoa linh lan hay còn gọi là hoa lan chuông. Sở dĩ hoa có tên gọi như vậy vì hình dáng giống chiếc chuông, chúng thường rủ mình cúi đầu xuống, đung đưa trong gió. Có người nói hoa linh lan như giọt nước mắt trong suốt nên gửi gắm một lời xin lỗi "Anh xin lỗi vì đã làm em khóc". Đó còn là niềm tin giữa dòng đời tấp nập, giữa nhân gian ngả nghiêng, ta vô tình lạc mất nhau nhưng rồi một ngày những người yêu nhau sẽ lại trở về bên nhau. Ngày...tháng...năm... Không phải nhài trắng nữa, cũng chẳng phải linh lan mà là một đóa lưu ly. Ý nghĩa của hoa lưu ly là "Đừng quên anh" hay nói cách khác "Kí ức về em, vĩnh viễn không phai mờ". Ngày...tháng...năm... Vẫn là sắc trắng nhưng lần này là đóa cúc trắng. "Tình yêu anh dành cho em là chân thật". Khi Quốc Tuấn gửi thư tay cho ta, ta đã sai Nhàn Hạ đem đốt đi. Có lẽ anh ấy cũng biết ta nhất quyết không đọc đến nên cũng không viết gì nữa mà chuyển sang ép hoa khô vào giấy. Chẳng cần bao thư, cứ thế mà đập vào mắt người ta, chẳng cần phải đụng vào, chẳng cần một câu chữ gì nhưng ngụ ý thì bao la như thế. Nhàn Hạ không hiểu ý nghĩa của những loài hoa này, đối với em ấy khi một chàng trai tặng hoa cho một cô gái tất cả đều đồng nghĩa với sự lãng mạn. Rõ ràng là không viết mà như viết, ép ta không đọc mà như đã đọc hết. Ta biết Quốc Tuấn, anh ấy đang ở chùa Thắng Nghiêm cười thầm hay đang tự khâm phục "mưu cao kế sâu" của mình. Nhưng ta thì cảm thấy nồng nặc, nồng nặc mùi sến súa! Nhưng ngẫm lại thì ta mới là kẻ khó tính đáng ghét, lúc trước chê anh ý khô khan, giờ có đôi chút lãng mạn lại cảm thấy không vừa lòng. Năm ấy, Thuận Thiên hoàng hậu qua đời. Năm ấy, người mới ngoài ba mươi. Ta cứ nghĩ ta sẽ hả hê lắm, ta sẽ vui đến mức phải mở tiệc ăn mừng nhưng hóa ra ta lại chẳng thể làm được. Ai lại có thể nhẫn tâm so đo tính toán, ai có thể còn giữ trong lòng mình hận thù với một người sắp lìa xa cõi đời này cơ chứ. Chẳng biết từ bao giờ, trái tim ta chẳng còn chỗ cho những sân hận và những ác cảm với hoàng hậu mà lấp đầy bởi những nhớ mong dành cho mẹ ta. Mối quan hệ của ta với Hoảng và Khải cũng không phải là quá tệ, ta cảm thấy hai đệ ấy cũng rất tôn trọng ta. Hoảng thì đem lại cho ta cảm giác về một người có cái tâm bao dung, độ lượng, đệ ấy cư xử hòa nhã, ăn nói rất biết chừng mực. Còn về Khải, cậu em này hơi xét nét và có đôi chút "hơi bị khó tính" nhưng lại sống tình cảm hơn Hoảng. Hoặc cũng có thể do ta tiếp xúc với Khải nhiều hơn Hoảng nên cảm giác gần gũi hơn. Ta còn nhớ lần xem Quốc Tuấn thi đá cầu, ta hò reo khản cả cổ, Khải như một ông cụ non nhìn sang ta lắc đầu rồi thốt ra một câu mà nghĩ lại ta vẫn không khỏi bật cười. "Hoàng tỷ chết mê chết mệt vì cái tên Quốc Tuấn ấy rồi". Ta cảm giác như đệ ấy đang lấy Quốc Tuấn ra để làm mục tiêu ganh đua vậy, thỉnh thoảng đệ ấy lại lân la hỏi ta những câu đại loại như tên Quốc Tuấn ấy giỏi lắm hả tỷ, hắn có biết thứ này, thứ kia không. Khải nhìn người có vẻ cũng tinh phết, ta có lần thử hỏi đệ ấy, sao không lo để ý về mấy vị vương hầu khác mà cứ phải hỏi về Quốc Tuấn, đệ ấy bảo mấy tên kia "vô hại" còn Quốc Tuấn là đối thủ đáng gờm. Lúc ta cảm thấy hóa ra có một người em cho dù chẳng cùng một mẹ sinh ra lại ấm áp đến vậy là khi ta mặt buồn thiu, ngồi trầm ngâm nghĩ về Quốc Tuấn ở Giảng Võ Đường. Khải đến vỗ vai động viên an ủi ta, rồi tuyên bố rất hùng hồn: "Tên khốn Quốc Tuấn ấy dám làm hoàng tỷ buồn, hắn cứ thử bén mảng về đây xem, nhất định ta sẽ làm một trận sống mái với hắn". Tình cảm giữa chị gái và em trai còn ấm áp như vậy thử hỏi tình cảm giữa chị gái và em gái sẽ như thế nào. Vì con gái và con trai sẽ có những mối quan tâm khác nhau, sẽ có nhiều vấn đề không dễ chia sẻ, còn chị em gái lại khác, họ có thể cùng nhau nói về món đồ trang sức họ thích, hay lấy người kia ra để mình thỏa sức trang điểm. Ta nhớ có lần ta đã tô vẽ lên mặt Nhàn Hạ, môi thì đỏ choe đỏ choét, mắt thì xanh lè, Nhàn Hạ còn mếu máo sao công chúa lại biến em thành yêu tinh thế này. Ta nghĩ mẹ ta và chị người cũng có những kí ức êm đềm như vậy. Cứ cho là bác ấy nhẫn nhịn sống tiếp vì khi đó còn mang thai Quốc Khang nhưng sau đó thì sao. Bỗng ta nhớ đến câu nói của Tấm khi hóa thành khung cửi "Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị chị khoét mắt ra”. Khi Tấm khóc còn có bụt hiện lên an ủi, còn khi mẫu hậu ta khóc, ai lau khô giọt nước mắt cho người. Người ta vẫn hay nói về luật nhân quả, về niềm tin cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, người tốt sẽ được đền đáp xứng đáng nhưng nếu người tốt cứ mãi bị chà đạp thì lại đổ cho kiếp trước đã làm quá nhiều việc xấu. Có lẽ không thể tồn tại sự công bằng tuyệt đối trong một nhân gian tương đối. Cũng khó để nói rằng mỗi quyết định của chúng ta hoàn toàn là cảm tính hay lý trí hay đan xen cả hai yếu tố. Chuyện đã qua rồi, nhưng vết thương nỗi đau còn đó, có thể chẳng còn để lại sẹo nhưng lúc "trái gió trở trời" nó ùa về, là đau, là nhức tận xương tủy. Thời khắc bị đẩy đến tận chân đường cùng như vậy, mẹ đã nghĩ gì, có phải người vẫn nồng nàn như đóa hồng nhưng khoác lên mình những chiếc gai sắc nhọn? Ta nghĩ sự thay đổi trong lời nói của cô Tấm chẳng phải vì cô đã trở thành một con người độc ác, chỉ là sự phản kháng cho những nỗi uất ức mà cô đã phải gánh chịu. Nếu trời chẳng có mắt, nếu mây hững hờ vô tình trôi, em vẫn là em, nhưng lại là "em" khác. Người cuối cùng mà hoàng hậu muốn gặp lại chính là ta, giữa ta với người còn gì để chăng chối ư? Đây là lần đầu tiên ta chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt, nhìn người trên giường không còn sự sống, gương mặt hốc hác, đôi môi tái nhợt, người đã yếu lắm rồi, cố chút sức lực vẫy ta lại. Ta run run khi đối diện với người. - Xin lỗi Chiêu Hoàng giúp ta. Xin lỗi vì ta đã không phải là một người chị tốt. Đôi tay người buông thõng xuống, tiếng khóc nức nở, sự tang tóc cứ thế lan ra. Ta cảm thấy cay xè sống mũi. Bao nhiêu năm tháng qua, người có từng sống trong nỗi ân hận và day dứt không? Bao thăng trầm, biến cố, dẫu là dòng đời xô đẩy hay đưa chân bước theo thì ta cũng mong người nhẹ nhàng ra đi, trở về với cát bụi, với hư vô. Ta nắm chặt lấy đôi tay người, dòng nước mắt nơi khóe mắt người nhẹ lăn xuống. Người hầu cận của hoàng hậu sau đó có đưa lại cho ta một chiếc hộp cũ kĩ, trong đó đựng cả sấp thư xếp chồng lên nhau. Là thư của mẹ ta gửi, có những bức thư nét mực đã nhòe nhoẹt, giấy đã mục nát vì năm tháng. Quả thật mẹ chưa từng giây, từng phút nào thôi nhớ thương ta. Tình mẫu tử ấy cho dù có bị che giấu mười năm, hai mươi năm nhưng chẳng ai có thể vùi lấp nó cả đời. Ta rốt cuộc cũng chẳng thể tìm được chút tung tích gì về mẹ ta, thư chỉ có nơi gửi đến. Việc ta có thể làm bây giờ là chờ đợi, chờ đợi lá thư tiếp theo để có thể lần theo đó mà tìm người.