Tướng Minh

Chương 268 : Kinh động như hồng thủy ngập trời (1)

Mấy ngày nữa lại trôi qua, sau khi Võ Bí Lang Tướng Trần Lăng được Dương Quảng phái tới tấn công nhà kho Lê Dương đã suất lĩnh nhân mã giết đến, liên tiếp mấy ngày đều vô cùng buồn bực. Đội ngũ của y phần lớn là kỵ binh, với số lượng hơn hai vạn người từ Liêu Đông nhanh chóng trở về, là một trong đại quân có tốc độ xuôi nam nhanh nhất của Đại Tùy, mà chậm hơn so với tốc độ binh mã của y một chút, đó chính là đội kỵ binh của Phò mã Đô úy Vũ Văn Sĩ Cập. Trần Lăng là Võ Bí Lang Tướng, cũng là một danh tướng của Đại Tùy. Năm đó, y thống lĩnh binh mã chinh phục Lưu Cầu, đã mở mang bờ cõi của Đại Tùy ra hơn nghìn dặm. Về lý mà nói, binh mã của Vũ Văn Sĩ Cập là từ Liêu Thủy tới đầu tiên, hơn nữa binh mã của gã phần lớn lại là kỵ binh, bất luận là như thế nào thì cũng không thể nào chậm hơn so với Trần Lăng. Nhưng khi Vũ Văn Sĩ Cập nhận được một tin tức khiến gã hoang mang, gã lập tức sai nhân mã giảm tốc độ, nhường cho đội quân của Võ Bí Lang Tướng Trần Lăng vượt lên trước. Mùng 3 tháng 6, Dương Huyền Cảm tạo phản ở thành Lê Dương, chiêu mộ đựơc khoảng hơn tám nghìn tào phu và nông dân trai tráng nhập ngũ. Tiếp sau đó y chỉ huy đội quân hướng về phía tây, kết quả là mặc dù đã tấn công mạnh liền hai ngày nhưng vẫn không thể công phá được Hà Nội, Dương Huyền Cảm lại thống lĩnh quản quân quay về hướng đông tấn công Tu Võ, kết quả là bị quận binh và nhân dân của huyện Tu Võ chặn đứng ở Lâm Thanh Quan. Trong đội phản quân của Dương Huyền Cảm lại không có thang mây, khí giới tấn công thành nên bị rơi vào cảnh ngõ cụt, chỉ còn cách tiếp tục đi hướng đông tấn công độ khẩu huyện Cấp, rồi từ độ khẩu vơ vét những con thuyền đi phía nam qua Hoàng Hà. Sau khi phản quân vượt sông Hoàng Hà nhưng lại không tấn công thành trì ở bên đường mà lại dọc theo sông Hoàng Hà hướng về phía tây tiến thẳng đến kinh đô của Đại Tùy - Lạc Dương. Vừa đi vừa ép buộc dân chúng bên đường gia nhập vào đội phản quân, sau khi đi qua thành Lạc Dương thì số nhân mã từ hơn tám nghìn người đã tăng vọt lên hơn mười vạn người. Dương Huyền Cảm lệnh cho kỳ đệ Dương Tích Thiện thống lĩnh ba nghìn quân, làm cánh trái men theo Lạc Thủy tấn công từ hướng tây, lệnh cho Dương Huyền Đỉnh, đệ đệ của Dương Tích Thiện thống lĩnh năm nghìn tinh binh làm cánh phải xuất phát từ sườn núi Bạch Tư Mã vượt qua Mang Sơn quay về tấn công Lạc Dương, còn bản thân thì thống lĩnh binh mã bản bộ làm hậu quân phụ trách phối hợp tác chiến cùng các cánh quân khác. Người mà Dương Quảng giữ lại Đông Đô cố thủ là Dân Bộ Thượng Thư Phàn Tử Cái, thấy Dương Huyền Cảm thống lĩnh phản quân thế tới hung mãnh, không thể không phân chia binh lực đi ngăn cản, phái năm nghìn binh mã đi nghênh chiến với phản quân của Dương Tích Thiện; phái Bùi Hoằng Sách suất lĩnh gần tám ngàn binh lính nghênh chiến với Dương Huyền Đỉnh. Kết quả là lại nằm ngoài dự kiến của ông ta, năm nghìn phủ binh đi nghênh chiến với Dương Tích Thiện lại rất sợ chiến, bị ba nghìn dân phu đánh cho tan tác tời bời. Nhân mã của Bùi Hoằng Sách mặc dù nhiều hơn Dương Huyền Đỉnh nhưng lại mất đi sự phối hợp của cánh bên, chỉ có thể vừa đánh vừa lui. Chỉ trong ba ngày, hai cánh quân mà Phàn Tử Cái cử đi nghênh chiến đều thất bại thảm hại, đành phải nhục nhã lui về thành Lạc Dương. Nhưng tin tức này cũng không phải là tin tức khiến cho Vũ Văn Sĩ Cập kinh sợ, sở dĩ gã hạ lệnh cho cả đội quân giảm tốc độ là vì một tin tức khác. Mùng 8 tháng 7, Bùi Hoằng Sách lại thất bại, khiến cho Phàn Tử Cái tức giận đến mức hạ lệnh xử trảm luôn, chính chuyện này đã khiến cho tất cả tướng lĩnh đang tác chiến ngoài thành sợ hãi, sau đó Phàn Tử Cái triệu tập mọi người vào trong thành, nhưng không ngờ lại không có một ai dám vào. Sau khi các tướng lĩnh thương lượng với nhau, tất cả đều đầu hàng phản tặc, trong số những tướng đầu hàng có Dương Cung Đạo, con trai của Quan Vương Dương Hùng; Lai Uyên, con trai của Đại tướng quân Lai Hộ Nhi; Bùi Sảng, con trai của Ngự Sử đại phu Bùi Uẩn; Hàn Thế Ngạc, con trai của Hàn Cầm Hổ; Ngu Nhu, con trai của Nội sử Xá Nhân Ngu Thế Cơ. Tướng lĩnh ngũ phẩm trở lên mà đầu hàng địch còn có hơn chục người, điều này khiến cho Vũ Văn Sĩ Cập đầu quay như chong chóng. Trận đánh này … sẽ đánh như thế nào đây? Con cháu của bảy đại thế gia của triều đình ở Đông Đô gần như đều đầu hàng phản quân. Hàn Thế Ngạc con trai của Hàn Cầm Hổ còn được Dương Huyền Cảm phong làm Đại tướng quân. Bởi vì nhận được thư của Nguyên Vụ Bản, Dương Huyền Cảm đã lệnh cho Hàn Thế Ngạc quay về cố thủ thành Lê Dương, Vũ Văn Sĩ Cập chỉ còn cách cho đội quân của mình giảm tốc độ, cố để không chạm mặt mấy người đó. Tuy rằng những người này không đáng sợ nhưng đáng sợ chính là thế gia sau lưng của họ quá lớn. Đơn giản nhất là lấy ví dụ Vũ Văn gia, thế gia hàng đầu trong quân đội cũng không muốn gặp mấy người này trên chiến trường, cho nên Vũ Văn Sĩ Cập từ bỏ công lao đầu tiên trong việc tiếp viện cho Đông Đô, kỵ binh dưới trướng của gã ban ngày đi với tốc độ chưa đến năm mươi dặm. Giao chiến với những vị con cháu của thế gia khác như Lai Uyên, Bùi Sảng, dù có đánh thắng họ thì Hoàng Đế cũng chưa chắc đã vui mừng. Binh mã của Vũ Văn Sĩ Cập giảm tốc độ hành quân, nhưng Trần Lăng lại không thể không tiến lên. Đội kỵ binh của Vũ Văn Sĩ cập không có nhiệm vụ cụ thể, nhưng y lại được Hoàng Đế đích thân hạ lệnh phải tấn công thành Lê Dương, cho nên, Vũ Văn Sĩ Cập có thể trốn nhưng y lại không thể trốn. Không những là y không thể trốn tránh mà còn phải đẩy nhanh tốc độ mà tiến lên. Y muốn nhân cơ hội trước khi đội cứu viện của đám người Hàn Thế Ngạc này chưa tới Lê Dương, sẽ đánh đánh hạ thành Lê Dương. Tuy nhiên, chuyện nằm ngoài dự đoán của Trần Lăng, thủ lĩnh của phản quân trấn thủ thành Lê Dương Nguyên Vụ Bản, vốn là một tên tiểu tốt vô danh, hơn nữa lại còn là một văn nhân, ai mà ngờ lại có thể dụng binh giữ thành như vậy! Bất luận Trần Lăng cử ai ra khiêu khích thì phản quân trong thành Lê Dương sẽ nhất quyết không chịu thò mặt ra. Liên tiếp trong ba ngày, Trần Lăng đã nghĩ nát óc, tìm đủ mọi cách mà không thể dụ được Nguyên Vụ Bản ra khỏi thành. Không còn cách nào khác, Trần Lăng chỉ có thể hạ lệnh tăng cường tấn công, chỉ là thuộc hạ của y phần lớn đều là kỵ binh, công thành chắc chắn là không có nhiều thuận lợi, cho nên Trần Lăng liền hạ lệnh cho binh sĩ chặt phá rừng làm thang mây, hơn nữa còn dùng hai cây gỗ lớn làm chùy công thành. Cứ như vậy, Trần Lăng vốn là một người có thể dễ dàng đánh hạ được thành Lê Dương, thật không ngờ lại rơi vào hoàn cảnh khổ chiến như bây giờ. Lại mấy ngày nữa trôi đi, tên chiến trong thành Lê Dương đã hết, Trần Lăng lập tức hạ lệnh cho đại quân tăng cường tấn công, họ đã dùng chùy công thành phá tan cửa tây thành Lê Dương, quân của triều đình ồ ạt tấn công vào trong thành, Nguyên Vụ Chân chết trận, Nguyên Vụ Bản bị bắt giữ. Chỉ là đại quân của triều đình mới tấn công vào thành Lê Dương vẫn chưa kịp chỉnh đốn việc phòng thủ thành, thì Hàn Thế Ngạc đã thống lĩnh tám vạn binh mã quay về. Đối mặt với phản quân hùng mạnh như vậy, Trần Lăng bất đắc dĩ phải cử người phá vòng vây đi cầu cứu Vũ Văn Sĩ Cập. Vũ Văn Sĩ Cập suy nghĩ rất nhiều nhưng rồi vẫn quyết định giải vây giúp thành Lê Dương. Nếu như phải đấu với rất nhiều con cháu thế gia, vậy thì đánh một mình Hàn Thế Ngạc, đây coi như là một sự lựa chọn không tồi.