Tự Truyện Tâm Linh - Nghiệp Âm
Chương 30
Tử Thanh bấm độn được một hồi thì dừng lại, hai tay cậu ta rung lên bần bật như thể đang lo sợ điều gì đó. Đoạn lắp bắp quay sang nói với thầy Hữu,
-Nội trong vòng một tháng chắc chắn người này sẽ gặp họa diệt thân.
Anh Thuận nghe thấy thế thì chỉ cười trừ, có cảm giác như bản thân của anh ta vốn dĩ đã không hề quan trọng đến chuyện sinh tử. Lấy làm lạ, thầy Hữu bèn hỏi,
-Sống chết ắt do trời định, nhưng nếu như bản thân biết đường lo liệu thì âu cũng có thể từ hung mà hóa thành cát. Lẽ nào cậu không sợ chết?
Xem ra thì anh Thuận vẫn dửng dưng lắm, anh ta đối đáp với thầy Hữu liền lúc mà không cần phải suy nghĩ,
-Cháu vào sinh ra tử đã nhiều phen, chuyện sống chết từ lâu đã được bản thân xem nhẹ. Nếu như họa sát thân lần này có thể đổi lại được bằng mạng sống của mẹ và em trai thì Thuận đây quyết không từ nan.
Lời nói của anh Thuận thực là khẳng khái, con người này xem ra rất trọng tình nghĩa. Ngay cả thầy Hữu ở phía kế bên cũng không thể giấu đi được sự thán phục. Mấy người chúng tôi nói chuyện qua lại thêm được tuần trà thì thầy Hữu liền giục tôi và anh Thuận đi nghỉ. Còn về phần thầy Hữu cùng Tử Thanh thì sẽ chia nhau ra để cảnh giới cho tới sáng.
Đặt lưng lên tấm phản lạnh ngắt, tôi trằn chọc suy nghĩ mãi mà không ngủ được. Thấy tôi có vẻ như đang cùng cảnh ngộ, anh Thuận liền quay sang bắt chuyện,
-Này, anh hỏi thật chú, chú có sợ chết không?
Quái thật, tôi cứ nghĩ rằng anh Thuận sẽ phải hỏi han về lai lịch của mình, ai ngờ anh ta lại hỏi tôi cái câu mà chính thầy Hữu vừa nói. Định bụng sẽ trả lời anh Thuận một cách trang trọng, nhưng xem ra câu hỏi của anh ta đang muốn nhắm đến một mục đích khác. Nghĩ vậy, tôi nói ngay,
-Em có chứ, chết thì có ai là không sợ.
Anh Thuận giọng tếu táo,
-Chú nói thế nào ấy, anh có sợ đâu mà chú bảo ai cũng sợ.
Tưởng chừng như anh Thuận muốn pha trò để cho hai người dễ ngủ, nhưng thực tình thì lại không phải. Anh Thuận tiếp,
-Từ ngày anh sinh ra cho đến bây giờ, cứ hễ đến tháng tám âm là đêm nào anh cũng mơ có người gọi về trời. Tuy chiêm bao nhưng mà nó thật lắm chú ạ, lâu dần nên đâm ra thành quen, cứ nghĩ đến khi chết là mình sẽ được về trời nên anh đếch sợ.
Càng nói thì tôi lại càng cảm thấy hiếu kỳ về giấc mơ của anh Thuận. Được đà, tôi hỏi kỹ,
-Thế cụ thể là anh mơ thấy cái gì, nói qua loa như thế thì làm sao mà em hiểu rõ được?
Anh Thuận chậm rãi kể,
-Anh đầu đất óc trâu, làm việc chân tay thì còn dễ chứ chú bảo anh kể thì đúng là đánh đố anh. Nhưng mà thôi, nhân cái lúc khó ngủ này thì anh cũng sẽ cố gắng để mà hầu chuyện chú. Số là như này, cứ vào tháng tám âm hàng năm, từ ngày mùng một cho đến cuối tháng, đêm nào cũng có ông tướng thân mang giáp phục tay cầm kỳ lệnh xuất hiện trong giấc mơ của anh. Chưa kể là đằng sau vị tướng này còn dẫn theo đến cả vài chục nhân mạng, nhìn ai nấy cũng đều tràn đầy là nhuệ khí, thực là oai dũng lắm. Ban đầu, vị danh tướng này sẽ đọc một bản quân lệnh trạng, sau đó thì đưa cả bảo kiếm và quân lệnh trạng cho người tùy tùng ở phía kế bên. Người này nghiêm trang tiến tới đặt lên tay anh rồi căn dặn kỹ lưỡng. Vì là sự việc xảy ra trong suốt nhiều năm, lặp đi lặp lại nên những gì mà người tùy tùng đó nói anh còn nhớ kỹ lắm.
Tôi thúc giục,
-Người tùy tùng nói gì hả anh?
Anh Thuận bình tĩnh kể tiếp, xem ra thì người này không hề kém cỏi về mặt câu từ, chỉ có điều là bản thân anh ta chất phát không muốn khoe mẽ nên mới tự nhận là đầu đất óc trâu vậy thôi.
-Lời căn dặn trầm bổng tựa như là lời ca tiếng nhạc vậy chú ạ, anh nhớ là như này. “Quân lệnh thiết luật như sơn, lênh đênh biển tháp báo ơn thần phù. Trao kiếm chọn bậc trượng phu, vinh quy áo gấm về tu cửa thần”.
Nghe đến đây thì mắt tôi dần trùng xuống, cơn buồn ngủ ập đến một cách dữ dội. Tiếng nói của anh Thuận ở phía kế bên chỉ còn thoang thoảng. Dần dà, tôi chìm vào sự vô định của tâm hồn. Giữa cái không gian mờ ảo chẳng rõ là hư hay thực, tôi thấy trước mặt là hình ảnh của mấy chiếc quan tài đã có phần mục rũa. Lấy làm lạ, tôi cố tình tiến lại gần để quan sát cho tường tận. Qua lăng kính chỉ lớn chừng cỡ hai bàn tay trên nắp quan, tôi cả kinh khi tận mắt chứng kiến thấy thân xác của mình đang nằm yên vị trong chiếc quan tài. Bất giác, tôi thấy hình như có tiếng khóc từ xa đương vọng lại. Tiếng khóc đó thực là ai oán lắm, nó vô tình khơi dậy là sự đồng cảm từ tận sâu trong đáy lòng của con người. Cứ thế, nó cuốn đi tất cả, khi chỉ còn lại là một màu đen tịch mịch...
-Dậy đi cu, dậy nhanh, dậy còn về Nam Định ăn phở.
Giọng nói của anh Thuận làm tôi giật mình, trời lúc này đã tờ mờ sáng. Mấy người đi chợ huyện tíu tít gọi nhau ở phía bên ngoài làm bừng tỉnh cả một vùng thôn quê nhỏ bé.
-Nhanh lên, dậy chuẩn bị đồ đạc còn đi thôi, mọi người chờ mỗi chú thôi đấy.
Anh Thuận hối thúc, anh ta cứ đi ra đi vào liên tục như thể là đang vội vã lắm. Cực chẳng đã, tôi đành lồm cồm bò xuống dưới phản, thầy Hữu và Tử Thanh ở gian ngoài thì vẫn rôm rả nói chuyện, hai người này hình như không hề biết đến mệt mỏi. Thấy bộ dạng thất thiểu của tôi, thầy Hữu liền nói ngay,
-Chuẩn bị đồ đạc đi rồi ta lên đường.
Tôi nhanh chóng hoàn thành phần việc cá nhân của mình rồi cùng thầy Hữu ra xe. Duy chỉ có anh Thuận là còn cố nán lại để trò chuyện với Tử Thanh thêm chốc lát. Nhìn khẩu hình của anh Thuận thì việc này có vẻ như là quan trọng lắm. Kể ra thì cũng thật là khó xử cho anh Thuận, mẹ già và em nhỏ nay còn đang trong cơn bạo bệnh, ấy vậy mà bản thân đã phải đi xa, thử hỏi có mấy ai là không lo lắng cho được?
Chúng tôi đến một làng chài nhỏ thuộc xã Hải Triều, huyện Hải Hậu. Dọc đường đi, anh Thuận chỉ đưa ánh mắt rầu rĩ ra bên ngoài chứ tuyệt nhiên không hề đả động gì đến hành trình phía trước. Còn về phần tôi, giường như cái thứ cảnh sắc nơi đất biển đang khiến cho nhãn quan của tôi trở nên đầy thi vị. Có thể, nó là sự đắm mình vào những cơn sóng lên xuống một cách bất định ở nơi cửa bể. Hay đơn giản hơn, nó là những ngọn gió mang theo hương vị của đại dương vào tận sâu bên trong đất liền, e ấp lên da thịt của con người rồi rời đi một cách nhanh chóng.
-Các bác làm ơn cho hỏi đường vào nhà của thầy Hải, người gốc làng này, hai mươi năm trước đây đã từng hành nghề thầy pháp.
Thầy Hữu dò hỏi thông tin của người cố hảo trong vô vọng. Anh Thuận thấy thế thì lại càng sốt sắng. Bấy giờ, thầy Hữu liền đề nghị chúng tôi tỏa ra đi tìm cho dễ bề thuận tiện. Tôi cùng anh Thuận là một tốp, đi vào làng trong. Còn thầy Hữu và bác tài sẽ dọc theo cửa bể để mà thăm hỏi. Tất cả hẹn nhau ở đầu thôn vào đúng chính Ngọ.
-Chú có nghĩ rằng thầy Hữu nhầm lẫn địa chỉ không?
Anh Thuận hỏi tôi khi cả hai đương vật vờ trên con đường làng. Cực chẳng đã, tôi đành xuôi theo ý kiến của anh ta vài câu cho đỡ buồn mồm. Chừng mươi phút, anh Thuận bất ngờ cắt ngang câu chuyện. Anh ta liền gọi với lên phía trên,
-Bà, bà ơi, bà cho cháu hỏi thăm với ạ.
Trước mặt chúng tôi là một bà lão có nhân diện đôn hậu. Nghe tiếng anh Thuận gọi gấp thì bà lão mới giật mình. Anh Thuận mau miệng,
-Mong bà giúp cho, hai đứa cháu đang tìm địa chỉ của một người tên Hải. Hơn hai mươi năm trước đây từng hành nghề thầy pháp ở vùng này.
Bà lão do dự một hồi rồi đáp,
-Già ở cái làng này từ thời cụ cố, đúng là hai mươi năm trước đã từng có một người tên Hải hành nghề thầy pháp. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của quá khứ, còn hiện tại, ông ta không hành nghề nữa. Nghe đâu là do bị thánh quở nên thân bại danh liệt. Nhà ông ta ở cuối cái ngõ trước mặt, căn nhà hai gian màu nâu đất đấy.
Tôi cùng anh Thuận liền theo sự chỉ dẫn của bà lão mà tìm đến căn nhà ở cuối hẻm. Cái cảnh sắc cô quạnh của không gian phía trước thực khiến cho con người ta phải lạnh người. Chợt, từ bên trong gian nhà vách đất, có cậu bé lon ton chạy ra hướng cổng, khuôn mặt của cậu bé này lầm lì một cách lạ thường.
-Thầy tôi có lời mời bốn người vào chơi, xin cứ tự nhiên, không cần phải câu nệ phép tắc.
Quái lạ, ở đây có mỗi tôi với anh Thuận, ngoài ra đâu còn có thêm ai khác, sao thằng bé lại nói là bốn người. Tôi toan lên tiếng hỏi cho rõ ràng sự tình thì anh Thuận lập tức gàn lại. Anh ta cứ thế khảng khái bước vào bên trong và coi như không hề có sự xuất hiện của thằng bé vừa rồi.
-Mấy người ngồi chơi đợi tôi đi pha nước, thầy tôi ở gian bên còn đang bận công chuyện, lát nữa sẽ qua tiếp lời với mấy người.
Tôi cùng anh Thuận yên vị trên bộ trường kỉ. Nhìn cái cách bài trí cường điệu ở đây thực dễ khiến cho con người ta cảm thấy huyễn hoặc. Giữa cái nơi đường cùng ngõ hẻm, tự nhiên lại xuất hiện hai gian nhà vách đất. Trong gian nhà lại đặt bàn thờ sơn son thếp vàng, chưa kể đến là những vật phẩm khí giới như đao kiếm treo đầy ở hai bên tường, chẳng phải là kỳ lạ hay sao?
-Anh nghĩ ông này không phải là thầy bói đâu, có khi là đồ tể cũng nên.
Anh Thuận đắc chí, vừa nói vừa cười tủm tỉm. Chợt, cậu bé ban nãy lại xuất hiện, cậu ta rót nước mời hai người chúng tôi xong xuôi đấy rồi mới đưa lời. Cung cách lịch thiệp thực chẳng giống với một đứa trẻ,
-Gần đến chính ngọ rồi mà mới chỉ có hai người. Thầy tôi dặn là có bốn cơ, khéo khi hai anh phải ngồi đây chờ thêm lúc nữa để tôi đi hỏi lại thầy.
Tôi với anh Thuận nhìn nhau khó hiểu, lẽ nào cậu bé này muốn đề cập tới cả thầy Hữu và bác tài. Nếu đúng như vậy thì sẽ là có bốn người.
Còn tiếp...
Truyện khác cùng thể loại
187 chương
169 chương
71 chương
338 chương
15 chương
84 chương